LÊ QUANG THÁI
Nhà thơ Nguyễn Khoa Vy (1881-1968) ở làng An Cựu, phủ Thừa Thiên, bút hiệu Thảo Am, đã sáng tác bài thơ Đường luật thất ngôn bát cú theo hạn mỗi câu có tên một con thú.
Hai câu kết thì khá hay mà lại dí dỏm nữa:
Thỏ thẻ chuyện trò vui với bạn
Khỉ khầm đôi chén rượu đầy vơi
Đầu năm mới vì kiêng từ khỉ, người Huế bảo là "không nên". Cho dù viết khỉ phải đọc trại ra là khởi. Lại nữa, với bài thơ Thập nhị thời Thân, hạn có đủ 12 con tướng tinh của 12 năm mà chỉ dùng tục ngữ chay thì nghệ thuật làm thơ đã đạt tới mức "hết sẩy". Cũng vì kiêng từ khỉ, tác giả đã khéo thay bằng từ “chịu".
Cám treo nhịn đói nhăn răng chịu
…
Nhăn răng chịu lấy gốc từ thành ngữ "nhăn răng khỉ". Mừng Tết Nhâm Thân, năm 1992, kẻ hậu sinh "xin bái" 4 lạy mừng tuổi cụ Thảo Am (1)…
Các nhà làm lịch xưa đều lấy ngày Giáp Tý, mồng một tháng mười một làm ngày đầu xuân mới. Tết xưa kể từ giờ THÂN, ngày GIÁP, tháng TÝ, sao GIÁP.
Cứ mỗi Giáp Tý là một Nguyên, cứ ba Nguyên là một Chu, ba Chu là một Vận. Vậy thì có thể bảo rằng từ năm NHÂM THÂN (1812) đến năm NHÂM THÂN (1992) vừa đúng một CHU. Vận mới thì thời phải đổi mới. Cầu cho quốc thái dân an và dân giàu nước mạnh.
Quả đất quay chung quanh mặt trời đúng 12 vòng quay thì THÂN LẠI GẶP THÂN. Và đúng 60 vòng quay thì NHÂM THÂN LẠI ĐỤNG NHÂM THÂN. Giữ được trọn vẹn 60 quyển lịch Tàu, tục gọi là Lịch Vạn niên là điều không phải dân sưu tập sách cổ nào cũng làm nổi.
Nhớ lại, tháng 6 năm Nhâm Thân 1812 theo lời tâu của Tổng tài quốc sử quán Nguyễn Văn Thành (nhận chức từ tháng chạp năm Tân Mùi) đã tâu xin vua Gia Long 4 điều quan yếu để làm phong hóa hưng dậy. Hai việc hệ trọng là:
1. Xin vua ngự lãm sách luật rồi khắc ban ra cho rõ phép nước.
2. Xin lựa nho thần sung vào sử cuộc(2).
Rồi thực dân Pháp đặt nền bảo hộ từ năm 1886 trên toàn cõi đất nước ta, vua chúa do chúng bưng lên để xuống. 60 năm sau, năm Nhâm Thân 1932, vua Bảo Đại (kế vị vua cha Khải Định từ năm 1925) sau thời gian du học ở Pháp trở về nước. Bảo Đại đã đi tuần du các tỉnh từ Thanh Hóa cho đến Phan Thiết. Vì quan quân, dân chúng Phan Thiết phải đi đón rước Hoàng đế cho nên không sản xuất lượng và chất nước mắm đạt yêu cầu cho các hãng thầu nước mắm Phan Thiết. Trời ơi! Câu hát:
Trồng khoai không trái
Làm ruộng mất mùa,
Cờ bạc thì thua
Đi buôn lỗ vốn
Tới miễu Bồ đề
Chờ cho vua về
Làm ăn mới đặng
đã trở thành lời mỉa mai cay đắng như ngậm quả bồ hòn. Rồi vì ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, đồng tiền mất giá, tư bản Pháp bòn rút sức lao động thì lời cầu mong của dân chúng đã trở thành bánh vẽ to tướng.
Thôi thì đành "Thân lại lập thân" chớ đừng trông bên nội, trông bên ngoại làm chi cho nhọc thân.
Từ "thân" cũng như từ "hầu" vốn có nhiều nghĩa. Thân là con khỉ, hầu cũng là khỉ con. Khỉ con, con khỉ thì đều là khỉ cả.
Từ - Nguyên giải thích THÂN là KHỈ. Sách Đại Nam nhất thống chí ghi: HẦU.
"Bản thảo”, gọi tên là Mộc hầu, là Di hầu, "Quảng Vận" gọi là Thư, là Vương tôn, là Hồ tôn. Con khỉ hình tượng giống người mà chất nó là loại trùng, tánh ưa lau mặt, như là lau rửa vậy, cho nên gọi là tên Mộc. Sau người ta lầm nhận âm "Mộc" làm "Mẫu", lại lầm nhận âm "MẪU” làm "DI", càng làm cho mất nghĩa. Trong chuồng nuôi ngựa, nuôi theo con khỉ để trừ bệnh cho ngựa. Tục cũng gọi là MÃ LƯU, thuộc về loại NHU HẦU vậy.(3)
Thân lại nhiều thân mà hầu lại lắm hầu. Đồng âm mà dị nghĩa, ngôn ngữ thật giàu ý nghĩa phong phú và thâm sâu. Trách gì người ta nói mỉa mai về việc sờ mó vào đồ cổ:
Đầu ghềnh có con ba ba.
Kẻ la con chạch, người kêu con rùa.
Hình ảnh những năm Thân khó phai mờ trong tâm tư người dân xứ Huế. Nào là Hòa ước Giáp Thân (1884), trận đói các năm Thân, Dậu (1944, 1945), năm Mậu Thân (1968) v.v..
Được mùa chớ phụ môn khoai
Đến năm Thân Dậu lấy ai bạn cùng.
Trước nữa, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế ở núi Bân, rồi cùng ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân (22-12-1788) mở một cuộc duyệt binh lớn ở cánh đồng phía nam núi Ngự Bình. Về sau, Vua Tự Đức lên ngôi vào tháng 10, ngày Kỷ Sửu năm Tân Mùi (Thiệu Trị thứ 7, 1847) nhưng kể từ năm sau, Mậu Thân (1848) mới lấy niên hiệu Tự Đức nguyên niên cho danh chính ngôn thuận. Tháng 3 năm 1908 (Mậu Thân) đã mở đầu phong trào kháng thuế Trung Kỳ, nhân chứng lịch sử người Pháp, Jean Ajalbert coi đây là "Cuộc khởi loạn được tổ chức một cách thông thạo nhất, - như là một sự luyện tập, một sự thao diễn thí nghiệm trong đó xứ An Nam tổng ước các năng lực của nó, kiểm điểm các lực lượng phiến loạn của nó"(4).
Kể ra, người Pháp đã biết nể phục ý thức dân tộc trào vọt mạnh mẽ nơi người Việt trong cuộc đấu tranh giành quyền sống và tự chủ dân tộc.
Bên chén rượu nồng, phảng phất hương vị ngày Tết "khỉ khầm” xin kể chuyện năm Thân theo lối chắp nhặt lời quê để mua vui không tốn tiền.
Huế 7-12-91
L.Q.T
(TCSH47/01-1992)
--------------
(1) Hương Bình Thi Phẩm, Hoàng Trọng Thược. Đà Nẵng, 1962, trang 152,153.
(2) Quốc Triều Chánh Biên, Nghiên cứu Sử Địa, Sài Gòn, 1972, tr.81.
(3) Đại Nam Nhất Thống Chí. Thừa Thiên Phủ, tập Hạ. Nha Văn Hóa Sài Gòn 1962. tr. 97.
(4) Xem Nguyễn Thế Anh, Thử xét lại các nguyên nhân của phong trào kháng thuế miền Trung năm 1908. Nghiên cứu Việt Nam. 1973 tr. 5.