Tạp chí Sông Hương - Số 47 (T.1&2-1992)
Phỏng vấn ca sĩ Ô pê ra - Hoàng Nguyễn
15:02 | 19/03/2020

Hoàng Nguyễn hiện là giảng viên thanh nhạc Trường Cao đẳng Nghệ thuật Huế. Anh bước vào nghề hát từ năm 1968. Từ 1973 đến 1978 học thanh nhạc Nhạc Viện Hà Nội, sau đó chuyển về giảng dạy ở trường âm nhạc Huế. Năm 1981 đến 1985 học thanh nhạc tại Bungari. Với kỹ thuật thanh nhạc điêu luyện, Hoàng Nguyễn đã góp phần quan trọng vào thành công buổi trình diễn thanh nhạc Thính phòng đầu tiên tại Hội văn nghệ Thừa Thiên - Huế.

Phỏng vấn ca sĩ Ô pê ra - Hoàng Nguyễn
Ảnh: internet

Dưới đây là phỏng vấn của Huy Tập với ca sĩ Hoàng Nguyễn.

Huy Tập (HT) - Xin chúc mừng thành công của anh. Chương trình thanh nhạc thính phòng vừa qua đã cho nhiều người một ấn tượng tốt đẹp về anh, về nhạc kịch ô pê ra. Anh vui lòng cho biết cảm nhận của mình sau đêm diễn ấy.

Hoàng Nguyễn (HN) - Tôi thật sự xúc động trước thành công của đêm diễn. Khán giả là những người có kiến thức nhất định đã cùng tôi say sưa suốt cả chương trình. Tối về tôi mệt nhoài, nhưng do quá phấn chấn nên không sao ngủ được. Tôi vui vì ở Huế mình cũng có nhiều người am hiểu và hứng thú ca nhạc thính phòng, đây là mầm sống là giọt vui cho những người biểu diễn nhạc kịch ô pê ra, cho cách hát "bác học" tinh hoa của thế giới trên cố đô Huế chúng ta. Tuy nhiên tôi lấy làm tiếc vì "sân khấu" không đảm bảo thông số kỹ thuật, nên ô pê ra còn bị "ra đi" nhiều. Ước gì ở Huế, một trung tâm văn hóa lớn của cả nước có một phòng hát kịch ô pê ra thì thật là có ý nghĩa.

HT - Đêm biểu diễn thính phòng đó là đêm đầu tiên khai trương cho một phong cách diễn, một trường phái ca nhạc. Anh hiểu ý nghĩa đêm diễn thế nào?

HN - Vì là buổi diễn ô pê ra đầu tiên nên tôi rất lo. Đến khi diễn xong tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Từ lâu tôi vẫn tiếc vì ô pê ra không được ra mắt chào Huế sớm hơn. Tôi tin rằng đến một ngày nào đó người ta sẽ quay về tìm lại cái lối diễn tư duy - bác học.

HT - Anh có nghĩ rằng phần đông khán giả còn rất xa lạ với ô pê ra không?

HN - Tôi biết, không riêng ở Huế mà là cả nước, ở cả Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, trường phái ô pê ra bác học chưa giành được vị trí xứng đáng, nhiều nơi bị bỏ quên. Nhưng, không phải vì thế mà tên tuổi những ca sĩ ô pê ra nổi tiếng bị lãng quên. Các anh các chị như Trung Kiên, Lô Thanh, Quốc Trụ, Thanh Trì, Thuý Liễu, Quý Dương... và chúng tôi là những lứa sau như Lê Dung, Quang Thọ, Quang Huy... vẫn đã và đang có những đóng góp quan trọng ở trong nước và một số nước khác trên lĩnh vực này.

HT - Có người nói rằng "ta giàu âm nhạc quá". Tôi tự thẹn. Nhưng anh xem, âm nhạc tràn vào ta xô bồ quá, vàng thau chộn rộn. Các nhạc phẩm đủ mác hiệu, các ca sĩ theo nhiều trường phái cùng đua nhau ra sàn diễn tranh tài. Quả là người ta nói cũng chẳng sai. Ô pê ra sẽ thích ứng với cuộc tranh tài này thế nào?

HN - Âm nhạc tồn tại được vì có khán giả. Âm nhạc kiểu gì thì cũng có kiểu khán giả của nó như thế. Công phá của nó thế nào còn do xu thế thời đại hướng đạo. Riêng âm nhạc ô pê ra như một trái tim con người đích thực, không cần mặc áo, không cần tô son trát phấn. Con tim ấy càng lớn lên, càng khỏe lên khi tri thức con người ngày càng tốt đẹp, ngày càng gần với thiên nhiên cội nguồn hơn. Bây giờ nếu như ở Huế ta, một đêm ca nhạc thính phòng, chừng 50 khán giả đến xem cũng đã là một niềm vui đáng trân trọng rồi.

HT - Tôi muốn hỏi anh sang khía cạnh khác một chút. Ở Huế và rất nhiều nơi khác có rất nhiều ca sĩ không qua đào tạo nhưng biểu diễn rất ăn khách. Là một giảng viên thanh nhạc, anh cho biết nhận thức của mình.

HN - (Suy nghĩ) Quả là như vậy. Một số ca sĩ được trời phú cho giọng hát tốt, có năng khiếu âm nhạc, lại được sự săn đón của khán giả ca nhạc xu thời, nên rất nổi tiếng. Tuy vậy, tôi cho rằng sức sống của giọng hát sẽ không bền, tuổi tác và thị hiếu kiểu mốt âm nhạc sẽ thải loại. Mặt khác vì không có học, không có nghề nên việc xử lý tác phẩm "khó" thường là không đạt, phần lớn rơi vào tẻ nhạt hời hợt. Cuộc thi giọng hát hay "giai điệu tháng 3" vừa qua, Huế ta không có giọng hát giải A, cũng một phần nguyên do là ca sĩ không có học về kỹ thuật thanh nhạc.

HT - Anh sẽ tiếp tục truyền thụ kỹ thuật hát cho sinh viên như anh đã hát chứ?

HN - Vâng. Tôi sẽ dạy như vậy.

HT - Nhưng tôi thấy, nhiều học trò của thầy cách hát không như thầy.

HN - Đúng. Nhà giáo chúng tôi chỉ dạy cho sinh viên phương pháp xử lý, cấu trúc âm thanh đẹp làm tiền đề để duy trì giọng hát, cách hát. Còn việc hát có hay không lại thuộc về xử lý tác phẩm, và sự rung động tâm hồn nữa. Con tim của trò thì thầy không thay thế được.

HT - Xin hỏi câu hỏi cuối cùng - Đời sống của anh hiện nay ra sao.

HN - Nghèo, khó khăn thiếu thốn lắm. Chỉ có "Lương" thôi.

HT - Cám ơn anh đã giúp tôi thực hiện bài phỏng vấn này. Chúc anh và thanh nhạc ô pê ra thính phòng sẽ thường xuyên "vào ra" với Huế.

HUY TẬP thực hiện
(TCSH47/01&2-1992)


 

Các bài mới
Kẻ ăn mày (07/08/2020)
Các bài đã đăng