Tạp chí Sông Hương - Số 48 (T.3&4-1992)
Góa phụ Paris
08:36 | 18/09/2020

HÀ KHÁNH LINH

- Thưa bà Thomas Hardine, bà bảo đây là lần đầu tiên bà trở lại thăm Huế?
- Vâng... nhưng Huế đã ở trong tâm thức tôi, có thể nói Huế là một phần máu thịt của đời tôi.

Góa phụ Paris
Minh họa: Phan Xi Păng

...Vâng, tôi là bà Thomas Hardine, đấy là tên chồng tôi. Chồng tôi là một người Thụy Sĩ gốc Pháp - nguyên là một sĩ quan trong quân đội bảo vệ tòa thánh Vatican do Đức cha Martin tiến cử. Chồng tôi không may - trong một chuyến đi du lịch Việt Nam, bị tai nạn giao thông trên đường rời Huế đi qua đèo Hải Vân... Định mệnh run rủi sao lại khéo chọn Huế làm nơi cuối cùng chồng tôi đến. Nhưng, như ông biết đấy, đó không phải là lý do về sự có mặt của tôi hôm nay tại Huế.

Bà Thomas Hardine nói, đôi rèm mi dày và dài đến choáng ngợp khẽ chớp chớp, rồi mở to đôi mắt trong veo sáng ướt long lanh xanh thẳm cố giấu đôi màn lệ mỏng.. Nhưng những giọt nước đã tuôn tràn trên đôi gò má trắng mịn hồng như quả đào tơ. Bà Thomas Hardine cúi xuống xắc da rút khăn tay, mở tóc vàng óng ả đổ xuống, để lộ đôi vai trần như một phiến ngà, lồng ngực căng dưới làn áo lụa màu hoàng yến phập phồng thở. Đôi mắt đã được lau ráo thoáng một nét buồn xa xăm... Cô bé Hélène tuổi mười ba, tóc cháy đỏ vàng hoe, da mặt xám nhợt và đầy tàn hương, những chiếc răng sún tự bao giờ do không được săn sóc nên bị tiết ăn lên màu xanh đen như màu teng đồng, áo quần cũ kỹ rách nát, giày dép rẻ tiền và hư hỏng luôn, có lúc Hélène đi chân đất, Hélène thường phải thức dậy lúc bốn giờ sáng để đến làm thuê ở quán cà phê điểm tâm giải khát trên ngã tư đường Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Thị Giang. Nhóm bếp lò, nấu café, rửa ly tách chén bát, bưng dọn café, phở và bánh cuốn cho khách. Đúng 6 giờ 30 phút em vội về nhà, có khi không kịp chải tóc, ôm cặp sách vở chạy một mạch tới trường. Buổi trưa về chui vào chái bếp chật chội và hun khói nấu cơm đợi dì Thuận về cùng ăn. Có khi dì Thuận đi đến tối mịt mới về. Bà chủ nhà vẫn cái nhìn hằn học và những lời bới móc chửi xéo. Đã quen rồi dì cháu em kiên nhẫn chịu đựng, bởi bà ta có lý khi xua đuổi dì cháu Hélène ra khỏi chái bếp nhà bà, nhưng dì cháu không còn có nơi nào để mà đến, nên vẫn "lì lợm" không chịu đi, và ngày ngày nghe chửi. Buổi chiều Hélène cũng phải đi học, có khi Hélène xin nghỉ học hai tiết cuối, hoặc xin nghỉ luôn cả buổi chiều để lại nhóm bếp, quét dọn, rửa bát, bưng đồ ăn thức uống cho khách. Đến 9 giờ tối mệt nhoài, em tất tả về nhà đốt đèn lên làm bài học bài, có lúc buồn ngủ quá, em gục xuống ngủ trên trang sách, lửa đèn bén vào tóc cháy cả một mảng tóc bên thái dương... Em lại phải thức giấc vào lúc 4 giờ 30 để chạy ra quán café và 6 giờ 30 lại tất tưởi về nhà ôm cặp sách lao nhanh đến trường. Cứ thế... Ở lớp học, Hélène luôn luôn là một cô bé không thuộc bài. Em đang theo học lớp 6 của Trường Jeanne d’Arc. Trong các môn học em sợ nhất là môn địa lý. Bà Éfline luôn than phiền: "Em mang dòng máu Pháp trong người mà bốn con sông lớn và đẹp nhất của nước Pháp em không nhớ không thuộc được hết những ngọn nguồn kích thước của nó!..." Vâng, có thể là em không có sở trường về môn địa lý, riêng địa lý hình thể nhân văn và kinh tế của nước Pháp đối với em quả là một gánh nặng quá tải, cũng có thể em không có đủ thời gian để giải quyết hết số lượng bài vở mỗi ngày.

Quãng đời trước đó của em như thế nào em không nhớ rõ lắm, ngay cả khuôn mặt mẹ, em chỉ còn nhớ mang máng, giống khuôn mặt dì Thuận. Dì Thuận nói trước đây mẹ thuê căn phòng sang trọng của bà chủ để ở với Hélène, thỉnh thoảng ba lại về thăm. Căn phòng ấy ở phía đầu hồi ngôi nhà lớn có cửa sổ nhìn ra gốc hoa ngọc lan - bây giờ đây có một chàng trung úy trẻ tuổi đang thuê nhưng rất ít khi ở. Khi ông bà ngoại của Hélène chết, dì Thuận từ làng quê lên Huế ở với mẹ. Khi quân đội viễn chinh Pháp rút khỏi Việt Nam, mẹ theo về với ba để Hélène lại cho dì Thuận. Một thời gian sau không có tiền trả tiền thuê phòng, bà chủ đuổi, dì Thuận xin tá túc ở chái bếp của bà, và trả tiền thuê chỗ ở mới nầy bằng cách hằng ngày dì Thuận phải lau chùi nhà cửa, quét dọn vườn tược, giặt ủi cho bà và cho cả khách trọ. Công việc nặng nhọc quá, dì Thuận thường trễ nãi, với lại dì Thuận còn phải đi làm. Dì Thuận làm chi, Hélène không biết. Chỉ thấy cơ thể dì ngày một gầy rộc ra, da bọc xương. Về sau dì thường ho húng hắng rồi nằm quệ ở nhà. Miếng cơm manh áo của hai dì cháu giờ chỉ còn trông vào ngày hai buổi Hélène làm thuê ở quán điểm tâm giải khát. Đồng lương Hélène kiếm được cũng khiêm tốn như những con điểm ở trường Hélène học. Trường nữ học Jeanne d’Arc là trường tư. Phần lớn học sinh Jeanne d’Arc là con nhà giàu, một số ở nội trú, số ở ngoài thì ngày hai buổi có xe đưa xe đón tận cổng trường. Những lúc trời mưa, xe ô tô nhà được phép chạy thẳng vào sân trường, mở cửa chực đón ngay các tiểu thư từ cầu thang lớp học bước xuống. Đó là con gái các bậc quyền thế và có tên tuổi lớn trong thành phố. Hầu hết các nữ sinh người Pháp hoặc lai Pháp đều ở nội trú - trừ Hélène. Những cô gái mang trong mình hai dòng máu Pháp - Việt cô nào cũng đẹp như tiên sa, trong số đó đáng kể nhất là Henriette, Marlaine, Engazette... Họ đã đẹp lắm lại còn áo quần giày dép thời trang, sang trọng và lộng lẫy... bên một Hélène lầm lũi bụi bặm xấu xí... xét hoàn cảnh em nghèo nhà trường bớt cho em 50% học phí và gần đây miễn giảm cho em cả 100%. Ấy một phần lớn là do ân đức của bà Hiệu trưởng. Đó là một người phụ nữ xinh đẹp duyên dáng vào bậc nhất của xứ Huế, một bậc tu hành đức độ và uyên bác mà tuổi thơ Hélène được biết đến. Bà không trực tiếp dạy Hélène, bà chỉ dạy toán các lớp trên. Bà chỉ xuất hiện ở lớp Hélène trong những dịp bà đi thăm trường thăm lớp hoặc trong các buổi lễ. Chất giọng Huế trong trẻo ấm áp và hiền dịu như đôi mắt bà, như dáng vẻ thanh thoát trong bộ áo dòng trắng tinh khiết của bà, cùng với niềm cảm thông sâu sắc, tình yêu thương bao la và lòng vị tha của bà. Có thể nói đó là một điểm sáng duy nhất soi rọi tâm hồn Hélène giữa bộn bề mặc cảm đớn đau thường trực - cái mà người Pháp gọi là Complexe d’infériorité. Có nhiều lúc Hélène khóc thầm, nhưng vụt nhớ tới bà hiệu trưởng lòng em như ấm lại. Nhưng một sáng em được tin bà hiệu trưởng sắp phải đổi đi. Việc chuyển đổi ấy là chuyện thường, nhưng Hélène đón nhận nguồn tin đó như tiếng sét đánh ngang mày em.

"...Rồi bà hiệu trưởng khác sẽ đến nhậm chức - mọi việc rồi ra sẽ đâu vào đấy. Hélène yên tâm và gắng học giỏi nghe con!"

Lời của bà hiệu trưởng Hèlène ghi khắc vào tâm khảm, nhưng cái mà bà hiệu trưởng muốn, Hélène đã không thực hiện được. Sức học của em ngày càng sa sút như sức khỏe của em, như bát cơm manh áo của dì cháu em.

Dì Thuận đau liệt giường, Hélène phải nghỉ học để săn sóc dì. Nhưng dì Thuận đã không qua khỏi. Dì Thuận ra đi vào một chiều đông Huế chìm trong sương giá. Bà chủ nhà lần đầu tiên tỏ ra tốt bụng bỏ tiền ra thuê xe tang và mua đồ khâm liệm cho dì Thuận rất chu đáo. Theo xe đưa dì Thuận lên chân núi Ngự Bình chỉ có một mình Hélène.

Hai ngày sau lúc đưa ma dì Thuận, bà chủ nhà ngon ngọt bảo:

- Nói cho mi biết - tiền lo đám tang cho dì mi là tiền của ông trung úy Phạm Sĩ Hùng đó, mi có ý định tìm cách trả nghĩa cho ông trung úy không?

Hélène thảng thốt rơm rớm nước mắt. Ông trung úy Phạm Sĩ Hùng là người đang thuê căn phòng sang trọng trước đây mẹ Hélène thuê. Ông trung úy đóng quân ở đâu Hélène không biết, chỉ thấy thỉnh thoảng ông lại về ở vài hôm, xong lại đóng cửa đi biệt, có khi hàng nửa tháng mới lại quay về ở một hôm. Hélène va ông trung úy thường gặp nhau ở quãng sân rộng, và chỉ khẽ gật đầu chào. Chưa bao giờ ông trung úy và Hélène hỏi chuyện nhau một câu, bỗng dưng hôm nay ông ấy lại đưa tiền qua bà chủ.

- Thưa bà, con sẽ đi làm thuê làm mướn để trả dần cho ông trung úy.

- Con nầy dại quá? Đàn ông một khi họ bỏ tiền ra là họ cần một cái gì đó ở mình, chứ không phải trả lại họ bằng tiền... A, mà thôi, nói với mi mệt quá, để lúc nào ông trung úy về, tau sẽ nói...

Hélène mở to đôi mắt đau buồn ngơ ngác nhìn bà chủ. Đòi cái gì ở em? Em có cái gì mà đòi? Tại sao bỗng dưng ông trung úy lại...

Một hôm, ông trung úy về. Khác với mọi lần, lần nầy vừa xuống xe ông lật đật đi thẳng về phía chái bếp, bước vào chỗ dì cháu Hélène. Ông đến bên bát hương thờ dì Thuận, ông châm đèn đốt hương và đứng mặc niệm một phút.

Hélène đang giặt áo ngoài giếng nước. Cô bé quẳng thau giặt, chạy vội vô nhà. Vừa đến nơi, cô bé khuỵu xuống như quỳ mọp dưới chân ông trung úy. Cô đan hai bàn tay vào nhau ngang tầm ngực ngước mắt lên run giọng:

- Xin muôn vàn đội ơn ông... Em xin khất lại món tiền mà ông đã gia ân cho...

Chàng trung úy lùi lại một bước đứng nhìn ngơ ngác, sau mấy giây như định tĩnh lại, chàng vội đỡ cô bé đứng dậy:

- Ô kìa... Em làm sao thế?! đấy chỉ là một chút lòng thành của tôi đối với người quá cố thôi mà.

- Nhưng xin ông cho phép em được khất nợ ông. Em sẽ đi làm thuê làm mướn để trả ông.

- Kìa, em nói gì lạ vậy? Thấy dì em qua đời khổ cho em quá, tôi bận công vụ phải đi ngay nên tôi gởi nhờ bà chủ chút đỉnh để giúp dì em. Tôi hoàn toàn không mong em phải trả đền gì cả. Em hãy quên ngay đi.

Ông trung úy nói rồi định quay gót, nhưng bà chủ nhà đã đứng áp sát sau lưng ông tự bao giờ, ông né tránh sang bên:

- Xin lỗi!

- Ông trung úy - bà chủ nhà nói - tôi nghĩ rằng con bé cũng đã lớn rồi, có thể làm được việc gì đó để trả nghĩa cho ông.

- Thưa bà... Thật là nhầm lẫn! Xin phép bà, tôi rất bận. Và chúng ta, đừng bao giờ nhắc lại chuyện nầy nữa. Chào em nhé, Hélène!

Ông trung úy trở về phòng mình. Sáng hôm sau ông ra đi rất sớm. Chiếc xe Jeep mui trần lại sịch đỗ trước hai cột trụ cổng đón ông trung úy. Đôi cột trụ rêu phong, cả con số "8" khắc nổi ở cột trụ bên phải cũng bị một lớp rêu phủ lên thân mình màu xanh lục mịn như tuyết. Đó là lần cuối cùng Hélène nhìn thấy ông trung úy. Chàng đi mãi không về. Có người nói chàng đã chết trận, có người lại nói là chàng mặc áo chiến của bên này, mà làm việc cho bên kia, nên bị chánh phủ quốc gia bắt tống ngục... Hồi ấy Hélène không hiểu hết những điều người ta bàn tán về ông trung úy. Cô chỉ biết thầm cám ơn con người tốt bụng đã vô tư giúp đỡ dì cháu cô lúc hoạn nạn khó khăn.

Sau cái chết của dì Thuận, Hélène như một cái cây bị bật chòm rễ cuối cùng ra khỏi lòng đất. Võ vàng héo rũ và gục xuống! Giữa cuộc đời này Hélène không biết trốn vào đâu, chui vào đâu, đi về đâu. Người Việt Nam thường nói “lá rụng về cội”. Nhưng em muốn tìm đến cội nguồn mà chẳng biết cội nguồn là đâu - giữa lúc em không còn có chút thân cành nào để mà bám víu nữa! Hỡi nước Pháp tổ quốc xa lạ mịt mù của em!

Em đã tìm cách liên lạc được với bà hiệu trưởng cũ - người phụ nữ Huế xinh đẹp dịu dàng - bậc tu hành đức độ và uyên bác ấy đã giúp cho ngọn lá lìa cành tìm về được với nguồn cội. Tổ quốc của em tiếp nhận em như dòng sông tiếp nhận cơn mưa - Không chờ đợi và cũng không có gì lấy làm phiền muộn, vì sông bao nhiêu nước cũng vừa. Em chưa hề được gặp lại mẹ cha em. Hình như Đức cha Martin đã có lần đăng báo tìm, ấy là do lòng lành của ngài, còn em, ý nghĩ tìm gặp cha mẹ - càng về sau càng bị xóa nhòa, đến nỗi, giờ đây không còn có một chút dấu vết. Oái ăm thay, ở Paris Hélène nhớ Huế da diết!

-...Với tôi, Huế là chỗ nằm vĩnh cửu của dì Thuận, là bà hiệu trưởng nhân đức dịu dàng, là vòm trời, khúc sông, cây cầu, bến nước, là quán xép café điểm tâm giải khát trên ngã tư đường Phạm Ngũ Lão Nguyễn Thị Giang, là ông trung úy Phạm Sĩ Hùng đi mãi không về, là quãng đời đen thủi đen thui của hai dì cháu...

- Thưa bà Thomas Hardine... Phạm Sĩ Hùng đã về và đang tiếp chuyện cùng bà...

- Ủa!?... Thực vậy sao?! Lạy chúa tôi!... Đúng, đúng rồi!... Đích thực là ông trung úy!... Ôi, có lẽ nào định mệnh run rủi...

- Thưa bà, khi được tin đoàn các nhà khoa học Pháp đến Huế lần nầy, trong đó có bà Thomas Hardine tức Hélène Nguyễn, tôi liền nghĩ ngay đến... phải, biết đâu tôi sẽ được gặp lại Hélène.

- Thưa ông, vậy mà dạo đó có biết bao tin đồn về sự vắng bặt của ông. Trời đất ơi, tôi nằm mơ chăng?! Ông trung úy, có lẽ nào...

- Những tin đồn dạo đó về tôi có thể là không đúng lắm, cũng có thể đúng cả đấy, thưa bà. Chỉ có điều bây giờ tôi không còn là "ông trung úy" nữa, mà là phóng viên của một tờ báo hàng ngày.

- Rất mừng là chúng ta có dịp gặp lại nhau. Ở Paris tôi không ngờ có lúc mình lại nhớ Huế đến cồn cào cả gan ruột thế!

- Vậy mà mãi đến hai mươi sáu năm qua - giờ bà mới trở lại với Huế lần đầu, vì sao thế thưa bà? Sao lần ấy bà không đi cùng chồng?

- Chồng tôi đi Huế lần đó một phần cũng vì tôi. Và nếu tôi cùng đi, có lẽ giờ nầy không còn được may mắn gặp lại ông.

- Có thể, nếu có bà cùng đi thì tai nạn đã không xảy ra...

Bà Thomas Hardine mỉm cười, và nước mắt lại làm ướt đẫm đôi rèm mi cong dài và dày đến choáng ngợp...

- Tôi muốn mời ông ngày mai cùng tôi đi thăm mộ dì Thuận ở chân núi Ngự Bình, chẳng hay ông có thể nhận lời cho?

- Rất hân hạnh được chiều theo ý bà, thưa bà Thomas Hardine.

- Chúng ta nên coi nhau như bạn, và tôi muốn mình được gọi là Hélène Nguyễn, thưa ông...

H.K.L
(TCSH48/03&4-1992)

 

 

Các bài mới
Quả bóng đỏ (16/04/2021)
Tranh lập thể (23/03/2021)
Các bài đã đăng
Miền Trung (11/09/2020)