Tạp chí Sông Hương - Số 48 (T.3&4-1992)
Từ giọt nước nhìn ra biển cả
14:46 | 26/03/2021

NGUYỄN VIỆT - ĐỨC SƠN
                    Phóng sự

Ngày nay, nhân loại đã rõ, cùng với sự phát triển ngày càng nhanh, mạnh của dân số và công nghệ thì sự tận dụng, khai thác những tiềm năng của thiên nhiên ngày càng bị lạm dụng đến mức phải báo động.

Từ giọt nước nhìn ra biển cả
Minh họa: Phạm Đại

Đó là sự triệt phá môi sinh, môi trường. Có thể nói, lao vào khai thác triệt để nguồn lợi của thiên nhiên một cách vô tội vạ, con người đã và đang tự bóp chết mình.

Ở bài viết này, tôi chỉ xin đề cập vài khía cạnh của công tác trồng và bảo vệ rừng. Dù chậm, nhưng may mắn là con người đã kịp nhận ra sai lầm. Những năm gần đây, trên thế giới đã thành lập rất nhiều tổ chức, phong trào: Chống ô nhiễm môi trường; bảo vệ môi trường sinh thái; ngày thế giới, năm thế giới bảo vệ rừng, biển v.v... Tóm lại, từ chặt phá, khai thác rừng đến trồng rừng và bảo vệ rừng, con người đã thực sự lột xác về nhận thức để bước sang một kỷ nguyên mới trong tiến trình phát triển của nhân loại.

Trong xu thế đó, ở Việt Nam, những năm gần đây đã có những quy hoạch về rừng Quốc gia, đặc biệt mới đây đã có “Luật bảo vệ và phát triển rừng”. Tuy nhiên, từ nhận thức đến thực tiễn hành động vẫn còn một khoảng cách quá xa. Trong sáu mươi năm qua, diện tích rừng của cả nước giảm đi trên 7 triệu ha. Như vậy cứ mỗi thập kỷ lại mất đi trên 1 triệu ha rừng. Hiện nay, cả rừng tự nhiên và rừng trồng chỉ còn 9,3 triệu ha. Những năm 40-50, tỷ lệ rừng che phủ chiếm 60-70 phần trăm diện tích lãnh thổ, thì đến nay chỉ còn 28 phần trăm. Những con số nhức nhối!

Thừa Thiên - Huế xưa nay vẫn là một địa phương có tiếng khá trong phong trào trồng và bảo vệ rừng. Ấy vậy mà trong 9 tháng đầu năm 1991 đã xảy ra 50 vụ cháy rừng. Trong đó lâm trường Tiền Phong bị cháy 120 ha. Đặc biệt chỉ riêng ngày 21-7 đã xảy ra 3 vụ cháy gần như cùng một lúc.

Đồng chí Võ Văn Bình, giám đốc, và đồng chí Bạch Lê Quang, phó giám đốc đang cùng chị em cán bộ đào hố trồng thêm cây trong khuôn viên trụ sở của Lâm trường, đã tiếp chúng tôi. “Tại sao trong cùng một ngày lâm trường lại để xảy ra ba vụ cháy lớn như vậy? Công tác phòng chống cháy rừng của lâm trường được triển khai thế nào, hay công tác này cũng được khoán luôn? v.v...” Không một chút né tránh, hai anh đã trả lời thẳng thắn những câu hỏi của chúng tôi.

Anh Bình nói: “Đó là ngày đau khổ nhất của chúng tôi từ trước tới nay. Tất nhiên trách nhiệm trước hết thuộc về chúng tôi, và thực tế chúng tôi đã phải nhận kỷ luật của ngành. Nhưng qua vụ cháy lớn này, lãnh đạo tỉnh, ngành cùng các cấp các ngành hữu quan cũng thấy rõ hơn những khó khăn nặng nề của nghề rừng, từ đó hy vọng chúng tôi được quan tâm đúng mức hơn...” Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, để quản lý, bảo vệ 2351 ha rừng, lâm trường chỉ được biên chế 22 người làm công tác bảo vệ. Như vậy bình quân một người phải trông coi hơn 106 ha rừng. Một người lọt thỏm vào giữa 106 ha rừng mà phải làm tất cả: Từ ngăn chặn người vào rừng chặt trộm cây, lấy trộm nhựa, xử lý và giải quyết tại chỗ các vụ việc vi phạm nhỏ đến việc phát hiện và báo động cháy rừng, đồng thời thực hiện việc dập cháy. Công việc nhiều và quan trọng như vậy, nhưng kinh phí đầu tư cho công tác này thì sao? Anh Quang cho chúng tôi biết: Kinh phí đầu tư cho một ha trồng rừng là 1,9 triệu đồng. Trong khi đó kinh phí cho bảo vệ rừng chỉ có 23 ngàn đồng 1 ha một năm! (Cả trả lương, mua sắm trang thiết bị và làm các công việc khác). Chính vì vậy mà phương tiện bảo vệ rừng chỉ có một con dao chặt phát cây, một cái kẻng báo động (lại phải treo cố định ở chòi canh vì hở ra một lát là cái kẻng to đại chang ấy sẽ biến mất theo những người đi tìm sắt thép phế liệu!). Ta cứ thử hình dung, những ngày nắng ráo, một ngày có cả hàng ngàn người vào rừng. Người đi cào lá, kiếm củi, người đi tìm sắt thép phế liệu, trầm, vàng, người đi làm nương, phát rẫy, trẻ em chăn dắt trâu bò hoặc đi hun bắt ong, người đi săn, kẻ đi picnic v.v... Bao nhiêu vụ việc có thể xảy ra trong một ngày, ở một khoảnh rừng. Có khi bảo vệ đang xử lý một vụ việc ở góc rừng này thì ở các góc rừng kia có cả chục vụ vi phạm. Những ngày này bảo vệ phải đi rảo như con quay, và tất nhiên, đối với họ thì ngày làm việc nghĩa là từ sáng sớm tinh mơ đến tối mịt. Những đêm hè oi ả cũng không dám ngủ trọn giấc vì sợ phốt pho, vốn có rất nhiều ở những bãi chiến trường cũ này tự phát cháy. Tôi nhẩm thử một phép tính, một người bảo vệ đi rảo suốt ngày trong khu vực 106 ha của anh ta phụ trách, phải đi một đoạn đường ít nhất cũng 35-40 km! Chưa nói đến các công việc khác, chỉ riêng việc phát hiện và chữa cháy rừng đã là một việc quá nặng nề. Nếu phát hiện kịp thời ngay phút đầu thì dù lực lượng mỏng vẫn có thể nhanh chóng dập tắt. Nhưng chỉ cần phát hiện chậm dăm phút, khi ngọn lửa đã bốc cao thì hậu quả không thể lường hết được. Vụ cháy ngày 21/7 là một vụ như vậy. Khi người bảo vệ phát hiện ở tiểu khu 988, thuộc khu vực Tân Ba có đám cháy thì ngọn lửa đã bốc lên cao. Hôm đó lại là ngày chủ nhật, ở lâm trường bộ, ngoài cán bộ trực không còn ai. Bởi vậy khi nhận được tín hiệu kẻng báo động truyền về, mấy cán bộ trực chạy đôn đáo cũng huy động không đủ lực lượng chữa cháy. Mà dù có đủ số cần thiết cũng chưa chắc đã cứu vãn được tình thế vì phải chạy hơn 5 km đường núi đồi, lên tới nơi ai cũng đã mệt rã người trong khi đó lưỡi lửa đã lan ra quá rộng và tiếp tục lan nhanh do trời quá hanh khô, gió lớn, thảm lá khô trên mặt đất khá dày, mật độ cây trồng quá dày, do không có kinh phí để tỉa thưa, đường ranh cản lửa ở mấy lô, khoảnh này cũng chưa làm được. Trong khi mọi người đang cố gắng tập trung vào một phía để ngăn lửa cháy lây lan, thì ở phía khác, một ngọn lửa mới lại bùng lên. Mọi người chưa hết bàng hoàng thì lại tiếp đến một điểm khác nữa. Có người đã thả dao xuống, đứng ôm mặt khóc. Thật đúng là "phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí"! Ba tháng đã trôi qua, đến nay công an, viện kiểm sát, kiểm lâm vẫn chưa tìm ra nguyên nhân và thủ phạm của ba vụ cháy lớn trong ngày 21/7 đó. Dù sao, cháy cũng đã cháy rồi. Vấn đề là giải quyết hậu quả. Nghĩ vậy nên ngay sau khi dập tắt đám cháy, được chỉ đạo của Sở lâm nghiệp cùng sự hỗ trợ của chi cục kiểm lâm, lâm trường đã huy động mọi nguồn nhân lực và vật lực đến mức tối đa để cố gắng cứu vãn, phục hồi rừng cháy. Nhận định ngọn lửa cháy nhanh, nên cháy lướt qua, hầu hết các cây lớn có thể phục hồi trở lại được, nên lâm trường tập trung dập tắt rất kỹ ở từng cây và tổ chức canh gác nghiêm ngặt, không cho bất kỳ ai vào mua hoặc chặt trộm cây cháy làm củi. Thông bị cháy đa số ở cấp tuổi ba nên vỏ dày, thân cây cao, rễ bám sâu. Sau cháy, may mắn có mưa nên hầu hết đã nhanh chóng phục hồi. Cụ thể, vừa qua ngành đã khảo sát và đánh giá 93,1% rừng cháy của lâm trường đã phục hồi được. Như vậy là 111,72 ha trong tổng số 120 ha rừng cháy đã phục hồi trở lại. Mặc dù trời đang mưa như trút nước, nhưng với tính hoài nghi của nghề nghiệp, tôi xin phép anh Bình và anh Quang cho được nhìn tận mắt cái gọi là “rừng cháy đã phục hồi” ấy. Hai anh vui vẻ đưa tôi lên khu vực Chín Hầm.

Từ lâm trường bộ lên Chín Hầm chỉ 6-7 cây số nhưng tôi có cảm giác mình đang đi ở một vùng đồi núi nào xa xôi lắm trong khi nơi này chỉ cách thành phố Huế chưa đầy 10km. Con đường ngoằn ngoèo như rắn lượn. Nhiều đoạn đường không đi được, xe phải chạy xéo lên sườn đồi. Nhiều cái dốc dựng đứng. Khi xe lên, trước cửa kính chỉ thấy trời. Khi xe xuống chỉ thấy một vuông đất đầy sỏi đá. Những đoạn khá bằng thì nhìn thấy xung quanh chập chùng đồi núi. Bạt ngàn thông! Xanh mướt thông! Ai đã từng lên khu vực Chín Hầm này vào những năm sau giải phóng, bây giờ trở lại, chắc chắn sẽ không tưởng tượng nổi rừng thông xanh mướt hôm nay. Thỉnh thoảng anh Quang chỉ cho tôi thấy một cái chòi canh của các anh. Thật vô cùng nhỏ nhoi, và đơn độc thay hình bóng cái chòi canh giữa bạt ngàn rừng núi. Mỗi khi đứng trước biển cảm giác đến với tôi khung cảnh bao la, kỳ vĩ, con người mới nhỏ bé và yếu ớt làm sao. Kỳ lạ là cảm giác ấy lại đến khi tôi đối mặt với rừng. Tuy vậy, tôi không có cảm giác nôn nao đến muốn khóc, khi nghĩ con người quá yếu ớt bởi rừng trước mặt tôi là rừng được tạo dựng từ bàn tay con người.

Đã đến điểm dừng lại, trước mắt, nổi bật giữa thảm nhung xanh mướt là khoảng rừng chứng tích của ngày 21.7. Ba tháng đã qua nhưng dấu vết cuồng nộ của lửa rừng vẫn còn in đen nhẻm trên các thân cây thông lớn, đỏ quạch trên các tán lá thấp. Tuy nhiên, quả thật là rừng cháy đã phục hồi. Chỉ có những cây con từ 1,5 m trở xuống là chết hẳn. Trên 90 phần trăm số thông cháy ở đây đã đâm lá xanh non trên ngọn và các đầu cành. Nếu nhìn thẳng từ trên cao xuống khó có thể biết đây là rừng cháy. Tôi vít một cành thông có phần lá dưới khô cứng, đỏ quạch, và phần đầu cành có lá xanh non mới ra, bẻ gãy ở điểm giữa hai phần ấy, lõi cành tươi nguyên. Phía trong cùng của phần vỏ khô cháy ứa ra một ánh nhựa. Tôi thở phào nhẹ nhõm như vừa trút được một gánh nặng. Quay sang anh Quang tôi chân thành: “Như vậy là trong cái rủi vẫn còn cái may. Mừng cho các anh. Đúng là rừng cháy đã phục hồi”. Anh Quang vẫn trầm ngâm: “Mừng thì mừng lắm, nhưng lo cũng không ít anh ạ. Bắt đầu vào mùa sâu bệnh rồi. Rừng mới phục hồi, khả năng kháng thể sẽ rất yếu. Hiện chúng tôi đang tập trung chạy cho đủ thuốc sâu và các phương tiện cần thiết cho công tác phòng trừ sâu bệnh. Còn thiếu nhiều lắm, nhưng dù thế nào thì chúng tôi cũng phải ưu tiên cho diện tích rừng cháy phục hồi này. Sau đó bắt tay ngay vào việc trừ sâu. Sâu bệnh ở đây hoành hành dữ lắm. Năm ngoái chúng tôi bắt được hơn 3 tấn sâu"! 3 tấn sâu - một con số cũng... kinh khủng!

Mưa ngưng được một chút lại tiếp tục đổ nước ào ào. Chúng tôi lên xe trở về. Vừa rời rừng phục hồi một đoạn, chúng tôi gặp một thanh niên bảo vệ ở cánh rừng bên cạnh đi ra. Trời mưa tầm tả, họ cũng không được phép ngồi yên trên chòi canh. Hỏi thăm công việc và đời sống của anh em bảo vệ, người thanh niên thẳng thắn trả lời tôi: “Chúng tôi không nề hà công việc vất vả, nặng nhọc, nhưng lương thấp quá, phụ cấp coi như không có - vì đã đưa vào lương, chế độ đãi ngộ không có gì... Tất cả thiếu thốn ấy, kể cả các thiếu thốn về phương tiện làm việc đã tác động không nhỏ đến đời sống và tinh thần công tác của anh em...”

Đó không chỉ là thực tế và suy nghĩ của anh em công nhân mà còn là nỗi trăn trở lo lắng canh cánh của lãnh đạo ngành và lâm trường. Chưa nói đến việc phải luôn triển khai thực hiện các thông tư, chỉ thị của tỉnh, huyện, của ngành lâm nghiệp, cục, hạt kiểm lâm, viện kiểm sát, công an, chỉ riêng lo cho đời sống và công tác của cán bộ công nhân lâm trường tạm ổn định đã vô cùng khó khăn. Riêng việc phòng chống cháy rừng đã đòi hỏi bao nhiêu tiền. Đường ranh canh lửa là việc vô cùng quan trọng trong công tác này, nhưng 50km đường ranh cản lửa trong kế hoạch 91 của lâm trường vẫn nằm trên giấy vì không có kinh phí. Tỉa thưa rừng không chỉ là yêu cầu của kỹ thuật trồng rừng mà còn có tác dụng tích cực trong phòng chống cháy rừng và sâu bệnh, cũng không có kinh phí để làm. Tổ chức giáo dục tuyên truyền công tác phòng chống cháy rừng rộng rãi trong nhân dân, đồng thời phải thưởng và bồi dưỡng thích đáng cho những người dân tham gia tích cực trong chữa cháy mỗi khi có cháy xảy ra là cần thiết và có tác dụng lớn. Nhưng kinh phí cũng không có - chính xác hơn là có mà không đáng kể. Các phương tiện liên lạc, thông tin cùng các dụng cụ chuyên dụng chữa cháy quá nghèo nàn, thô sơ, không được trang cấp v.v... và.v.v...

Màu xanh mượt mà của thông ẩn sau màn mưa vẫn cuốn hút suy nghĩ của tôi về số phận của con người và những cánh rừng trồng bạt ngàn ở mảnh đất này. Hơn một chục năm trở lại đây, rõ ràng chúng ta đã có những quan tâm và đầu tư khá tốt cho công tác trồng rừng. Những cánh rừng thông của lâm trường này tuy chỉ như một giọt nước, nhưng qua đó có thể nhìn thấy biển cả từ giọt nước này. Tuy nhiên, công tác trồng rừng thì khá nhưng công tác bảo vệ rừng lại chưa được quan tâm đúng mức. “Công trồng là công bỏ, công làm cỏ là công ăn”. Rừng trồng sẽ chẳng có ý nghĩa gì khi công tác bảo vệ rừng chưa được coi trọng. Phải chăng vì rừng trồng chậm có hiệu quả, kinh tế rừng thông trồng phải sau 15 năm mới khai thác được nên theo thời gian chờ đợi, sự quan tâm của các ngành cũng mai một, rơi rụng dần! Với những nhà kinh tế “ăn sổi ở thì”, “đồng tiền liền bát gạo” thì chẳng nói làm gì. Nhưng với những nhà lãnh đạo, những nhà khoa học, những nhà kinh tế chiến lược thì sao? Chẳng lẽ cũng “được chăng hay chớ?” Xin đừng quên rằng, ngay sau khi bén rễ và xanh lá, rừng trồng đã lập tức góp phần vào việc làm cân bằng sinh thái, trong sạch môi trường và chống xói mòn. Chỉ riêng hiệu quả có tính khoa học và xã hội lớn lao này đã rất đáng được quan tâm và đầu tư thích đáng. Không riêng gì ở Thừa Thiên - Huế mà còn rất nhiều tỉnh trên cả nước, tình trạng chưa mưa đã lũ lụt, chưa nắng đã hạn hán là hậu quả nhỡn tiền của việc tàn phá rừng phòng hộ. Bởi vậy trồng rừng là cần thiết, nhưng bảo vệ rừng phải được coi là quan trọng hơn. Chúng ta đã bước đầu xã hội hóa được công tác trồng rừng. Đó là việc làm rất đáng kể. Thế nhưng công tác bảo vệ rừng cần được xã hội hóa hơn thì chúng ta lại chưa làm được. Bảo vệ rừng phải là công việc của toàn Đảng, toàn dân; của mọi cấp, mọi ngành; của mọi nhà, mọi người. Đồi thông Thiên An bây giờ không chỉ là một thắng cảnh đẹp thu hút mọi tầng lớp, du khách đến thưởng ngoạn, mà còn bắt đầu cho hiệu quả kinh tế từ nguồn khai thác nhựa. Những cây thông trên 20 năm tuổi ấy đã trải qua biết bao đe dọa tàn phá của chiến tranh và con người, nhưng vẫn tồn tại được đến hôm nay là nhờ công sức của nhân dân, đặc biệt có công sức bảo vệ của các thầy tu dòng Thiên An ở Đan Viện. Ngày Mỹ muốn triệt phá rừng thông Thiên An làm vành đai trắng, các thầy đã vận động nhân dân và giáo dân đấu tranh quyết liệt để giữ từng cây thông. Những ngày lễ tết, các thầy chia nhau đứng trước các cửa rừng để nhắc nhở và ngăn chặn người đến chặt cây, chặt cành về chơi tết. Đó là một hình ảnh đẹp, đáng để cho chúng ta trân trọng và suy nghĩ nghiêm túc về việc xã hội hóa công tác bảo vệ rừng.

Trách nhiệm bảo vệ rừng trước và trên hết vẫn thuộc về các ngành chủ quản. Tuy nhiên, để giúp cho ngành chủ quản, nhà nước và các ngành hữu quan phải thực sự quan tâm hơn nữa về mọi mặt, đặc biệt là chế độ, chính sách đối với đội ngũ trực tiếp làm công tác này. Hơn bất kỳ một điều nào khác, những thiệt hại về cháy rừng trong 9 tháng qua ở Thừa Thiên - Huế đã làm thiệt hại 278 héc-ta rừng, trong đó 270 héc-ta rừng trồng, đó là tiếng gọi khẩn thiết không chỉ của những người trực tiếp làm công tác trồng và bảo vệ rừng, mà còn của chính những cây trồng.

Xin hãy nhìn biển ngay từ một giọt nước! Đừng để những giọt nước nhỏ nhoi ấy bốc hơi trước khi kịp hòa nhập vào nhau để làm nên biển cả.

Huế, ngày 25 tháng 10 năm 1991

NV.ĐS.
(TCSH48/03&4-1992)

 

 

 

Các bài mới
Quả bóng đỏ (16/04/2021)
Các bài đã đăng
Tranh lập thể (23/03/2021)
Góa phụ Paris (18/09/2020)
Miền Trung (11/09/2020)