Tạp chí Sông Hương - Số 373 (T.03-20)
Tiếng chuông đền Diềm
14:20 | 08/04/2020

VŨ THANH LỊCH    

Trời nhá nhem, cô Trinh ngồi nhập tịnh, thấy ngực nhói như gai châm, ngoái nhìn qua khe cửa, nhận ra chị Cần.

Tiếng chuông đền Diềm
Minh họa: TÔ TRẦN BÍCH THÚY

Cô bám tay, rờ chân bước qua bậu cửa, tiến gần về phía chị, nghe rõ dần âm thanh thoát ra từ tấm lưng rung bần bật phủ phục trên sàn nhà. Tấm lưng loang thành vệt sáng. Vệt sáng cho Trinh nhìn thấy chị Cần rời khỏi ruộng lúa bước lên bờ, bùn bám quanh bắp chân, rơi xuống đất, đất ướt loang thành thửa ruộng. Chị đứng ở đầu bờ, nước mắt trộn lẫn bùn. Chồng chị gầm gừ, “Còn úp mặt vào đấy đến bao giờ”. Chị ngửa mặt lên cho nước mắt chảy ngược lại, bảo “Khi nào tôi không sống nữa”. “Đừng có thách”, chồng chị vung tay, rít lên. Chị bỏ chạy, chồng chị đuổi theo, “Dở hơi vừa thôi, chỗ ấy rồi sẽ thu cả đống tiền, gấp ngàn vạn lần trồng với cấy. Ngồi một chỗ mà hưởng sung sướng không muốn cứ thích úp mặt vào bùn, rồi như con mẹ mướp thế kia, tanh đéo chịu được”. “Mặc tôi”. “Tao nói lần nữa, hết vụ này tao làm gì mặc mẹ tao, cấm cãi”. “Đừng ép tôi”. “Con mẹ mày, dám thái độ với tao hả”, kèm theo đó là cái tát như trời giáng khiến chị Cần xây xẩm mặt mày. Chị thét lên, “Đồ…” còn hai chữ “khốn nạn” không thoát ra khỏi cổ mà bật lên não. Chị cắm đầu chạy về đền Diềm, bùn đất từ quần áo tay chân văng rắc lấm tấm trên nền đường bê tông xám ngoét.

Trong ánh sáng xám xịt dưới nhang án, Trinh chỉ còn thấy chị Cần như bào thai cuộn trong bụng mẹ. Mùi bùn đất, mồ hôi, nước mắt, mùi hơi thở nghẹn trộn lẫn khói hương cuối ngày xộc lên mũi. Trinh ngồi xuống, vỗ lưng cho chị dễ thở. Trinh đưa khăn mùi xoa cho chị lau mặt, vừa ra hiệu vừa khó nhọc phát ra những âm thanh méo mó “Đường cùng thì về đây”.

Trinh dọn cho chị chỗ ngủ cạnh cô trong góc gian dải vũ bên tả đền Diềm, nơi thờ phụng Đức Ông, người mở đất lập làng Diềm ngàn năm trước.

Đêm lặng im. Hai người đàn bà không ngủ, không nói chuyện. Chị Cần biết cô Trinh nghe không rõ, phát âm khó nhọc, mắt nhìn được bóng mà không thấy người, nói chuyện thì thầm cô không nghe thấy, nói to lỡ lọt qua bức vách rồi cả làng biết vợ chồng chị bất hòa thì mất mặt cả họ. Chị nhìn trân trân lên nóc mái, nước mắt nối đuôi nhau thấm ướt gối. Cô Trinh trở mình sột soạt, thi thoảng lại thở dài. Cô ở làng Diềm bấy nhiêu năm, phục vụ bao nhiêu người dâng lễ, giúp đỡ bao nhiêu người qua cơn hoạn nạn nhưng chưa từng nghe được tiếng người kêu khấn. Cho đến ngày gặp chị Cần.

Đó là một buổi chiều muộn, lẽ ra cô đã đóng cửa nhưng thấy lòng dạ bồn chồn, thi thoảng có tiếng nấc vang trong tai, cô biết thế nào cũng có người về đền ngồi khóc nên mở cửa đợi. Xẩm tối chị Cần đến, quỳ trước nhang án, tiếng khấn nghẹn: “Xin ông phù hộ cho con bền tâm vững dạ. Cái cô tằng tịu với chồng con đánh tiếng dọa nạt con, con chỉ muốn nhảy lên đánh vỡ mặt nó ra, cho nó bài học đáng đời, nhưng con mà làm vậy thì con không đáng là người làng Diềm. Ông ơi ông linh thiêng giúp con dập tắt cơn điên tức này, xin ông bày cho con cách trừng dạy nó mà không phải chửi bới đánh đập làm tổn thương người ta, ông ơi xin ông phù hộ cho con”. Đó là lần đầu tiên cô nghe được tiếng người. Trong ánh sáng mờ mờ của cây đèn dầu hỏa cũ, Trinh còn nhìn rõ khuôn mặt chị Cần ràn rụa nước mắt. Những giọt mắt loang ra, phủ kín nơi chị ngồi, bọc chị trong một kén nước nhờ nhợ. Trinh cố lắng nghe một lần nữa. Không còn âm thanh nào ngoài tiếng nấc cô vẫn thường nghe thấy cả khi không có bóng người. Cũng không còn hình ảnh nào ngoài bóng kén phủ phục trước bàn thờ. Cô nép vào cột để chị được khóc thỏa thuê. Nếu có người để chia sẻ, chị đã chẳng đến đền Diềm. Nếu có chỗ để giải tỏa, chị cũng không phải khóc nghẹn vậy. Không riêng gì chị, bất cứ ai đến nơi này đều cần được riêng tư, vậy nên người giữ từ đền Diềm xưa nay chưa ai có đôi tai lành. Ông từ trước Trinh điếc đặc nhưng mắt sáng, nhìn được lá cây để bốc thuốc chữa bệnh. Trinh không may mắn thế, mắt cô chỉ nhìn được bóng mà không thấy người, nhìn được bát nhang mà không thấy chân nhang. Tai nghe được tiếng nhưng không rõ thanh. Miệng phát ra âm nhưng không rõ lời.

Trinh nghe tiếng nuốt nước mắt, tiếng nén cơn thở dài của chị Cần. Cô định nói gì đó nhưng kìm lại vì sợ âm thanh mình phát ra khiến chị kinh hãi, sợ âm thanh lọt qua tường làm kinh động người làng Diềm. Người làng Diềm bao bọc, thương quý Trinh, ban cho Trinh sự sống từ lúc Trinh nằm lẫn trong đám nhau thai ai đó bỏ rơi trên rệ cỏ đầu làng. Những người đi làm đồng sớm mang Trinh về, nhờ ông từ đền Diềm cứu giúp. Trinh sống nhưng đôi tai bị kiến đục không nghe được nữa. Mười lăm tuổi, Trinh cầm chấp kích theo đoàn kiệu rước từ đền Diềm lên núi Móc. Trời sắp sang đông, lá khô rụng đầy các kẽ đá, đoàn kiệu leo đến lưng chừng núi, một trong bốn người khiêng kiệu bị trượt chân, cây đèn trước bài vị Đức Ông văng xuống đám lá khô dưới chân, bùng cháy. Trinh hốt hoảng lao ra vồ lấy ngọn lửa. Mảnh vỡ của cây đèn, những cành cây gãy, những mỏm đá sắc, những vết dầu còn bám lửa đồng loạt găm vào Trinh. Lửa tắt còn Trinh thương tích đầy mình, khuôn mặt biến dạng. Những người theo đoàn kiệu hôm ấy không ai bảo ai đồng loạt quỳ xuống, người nâng Trinh dậy, kẻ ngửa mặt lạy trời đất thánh thần đã đưa Trinh về cứu núi Móc khỏi cơn hỏa hoạn. Núi Móc là sinh nhai của người làng Diềm, mọi ngọn cỏ cành cây mọc lên từ các khe đá đều là cây thuốc quý mà Đức Ông mang về ươm trồng truyền lại cho người làng Diềm thu hái sấy sao làm thuốc cứu người.

Sau ngày ấy, Trinh được đưa về Đền Diềm, những người bốc thuốc giỏi trong làng ai cũng muốn góp công chữa trị vết thương cho Trinh. Hôm tháo băng vết thương mắt, nhìn thấy khuôn mặt mình trong gương, Trinh sợ hãi hét lên, máu mắt tứa ra. Ai khuyên nhủ gì cô cũng không chịu đắp thuốc trở lại. Cô không muốn nhìn mặt mình thì không thể nhìn bất cứ khuôn mặt nào khác nữa.

Ông từ mất, Trinh thay ông đèn nhang cho đền. Đền không lớn nhưng xây dựng cầu kì, bao nhiêu đời người trôi qua mà đường nét hoa văn gỗ lạt vôi hồ không hề rụng sứt. Người làng Diềm giữ đền như ngọc quý, bảo nhau xây nhà quần tụ quanh đền, quanh Đức Ông cho gần gụi ấm cúng, bất kể việc gì to nhỏ lớn bé đều về đền dâng báo Đức Ông. Họ đến đêm hay ngày, đến khi đẹp trời hay gió bão mưng giông Trinh đều tận tình hộ lễ. Cô nhìn người bái lễ biết họ buồn hay vui, biết họ vừa trải qua chuyện gì, chuyện gì sắp đến. Cô không nói được nhưng biết cách bày cho họ tránh đỡ tai ương. Một người, hai người, ba người rồi bao nhiêu người nhờ tín hiệu từ cô mà vượt qua nạn ách. Già trẻ gái trai trong làng ai gặp cũng một điều “Cô” hai điều “Cô”. Tiếng lành đồn xa, khách thập phương kéo nhau về đền ngày càng nhiều, cô hộ lễ mệt nhoài nhưng vẫn cố giúp người tròn quả lễ. Ngày Trinh không cố được nữa, hai chân mỏi dừ, sụn xuống thì anh Duệ xuất hiện, xốc nách đỡ cho cô khỏi ngã.

Anh Duệ là chủ khu nghỉ dưỡng trên đồi Sam bên kia sông Long. Đồi Sam có suối nước nóng sớm chiều khói sương lả lướt như chốn thiên đường. Như thiên đường không đủ, anh muốn nó phải thật là thiên đường, muốn ai đến đồi Sam phải ở lại lâu, phải làm việc gì đó tốn bớt sinh lực dư thừa, mà tốn bằng các trò chơi thân xác thì thường phàm quá, phải làm gì đó thiêng quý phiêu linh cơ. Anh nhìn sang núi Móc, ngọn núi hình con tê giác có ba chỏm nhọn chĩa về ba hướng, khiến từ bình minh đến hoàng hôn núi đều chạm tới mặt trời. Mặt trời rọi đến đâu, mắt anh sáng đến đó.

Anh Duệ về đền dâng lễ, xin Đức Ông phù hộ cho anh nhanh chóng được người làng Diềm đồng ý cho thầu thêm núi Móc. Lúc lính tráng của anh sửa lễ, anh gọi Trinh ra ngoài theo lối cửa sau, ghé sát tai Trinh bảo “Tôi mới chế được lọ kem dưỡng da cho cô. Kem này làm bằng lá thuốc hái ở núi Móc, ở đồng làng Diềm và nước lấy từ đồi Sam, cô dùng đi, cô đã đẹp rồi, sẽ đẹp thêm nữa, sau này tôi sẽ mang lá thuốc núi Móc làm đẹp cho tất cả phụ nữ trên đời này, rồi cỏ cây núi Móc sẽ toàn lá ngọc cành vàng, làng Diềm tha hồ mà ăn sung mặc sướng”. Vừa nói anh vừa đặt lọ kem lên tay Trinh, chạm tay vào tay Trinh, truyền sang Trinh luồng điện nóng sực. Bàn tay Trinh rát như phải bỏng, khuôn mặt nóng bừng, toàn thân như trấu ngún. Duệ đi, mùi nước hoa còn vây bám quanh Trinh, quanh cán chổi cô cầm quét lá mỗi sáng, quanh thành giường nơi cô nằm ngủ mỗi đêm. Cô nhắm mắt cũng thấy Duệ, mở mắt cũng thấy Duệ, nghe tiếng lá rơi cũng ngỡ bước chân của Duệ.

Tiếng trở mình của chị Cần không đủ át tiếng Duệ thì thào bên tai Trinh “cô đẹp rồi, sẽ đẹp thêm nữa”. Mùi bùn đất, mùi mồ hôi mằn mặn thân thuộc của chị Cần biến mất, xung quanh Trinh ngào ngạt mùi Duệ. Trinh càng cố cưỡng lại, nó càng táp vào mũi. Trinh thấy ngạt thở. Cô trở dậy sang đền. Từ hồi gặp Duệ, mỗi lần bị bủa vây trong mùi nước hoa nồng nặc của anh, Trinh lại vào đền, nhờ khói hương xóa tẩy.

Trời sáng. Trinh sang nhà dải vũ, không thấy chị Cần. Mặt trời trải xuống sân vài vệt nắng hình lá cau trong suốt, cô nhìn thấy dấu chân chị, dấu chân đi về phía ruộng lúa dự, lún sâu trong bùn đất. Chị đứng trong đất, lưng chạm nắng, má chạm những đọt lúa đang trổ đòng, trong chốc lát, cơ thể chị ướp đầy mùi đòng đòng thơm mướt. Đòng đòng trên đám ruộng hương hỏa của gia tiên để lại, chị giữ như ngọc quý. Hồi làng Diềm trồng giống lúa mới, chị sợ lúa dự bị lạc giống nên tỉ mẩn đi thụ phấn cho từng đọt, cả làng bảo chị thần kinh, nhưng đến ngày làng mở hội, ai cũng cố xin bằng được nắm cơm gạo dự, trầm trồ bảo may nhờ có chị mà làng còn gạo quý cúng Đức Ông, cháu con còn được hưởng lộc. Từ hồi Đồi Sam đông khách, mấy thửa ruộng làng Diềm bám ven sông Long chuyển sang trồng hoa cho khách chụp ảnh, thu vé một ngày bằng cả vụ lúa. Chị Cần không còn sợ lúa bị lạc giống thì lại phải lo giữ miếng ruộng cho lúa bám chân. Giữ với thiên hạ thì dễ, đằng này lại giữ với chồng. Chồng chị đẹp trai, lắm tài vặt, đi đâu cũng có người thương. Thương quá nên anh sa ngã. Chị Cần gắng giữ nếp nhà nên mọi chuyện trong nhà chị giấu kín, bí bách lắm mới cầu viện Đức Ông.

Trinh thở dài, nắng sà xuống hồ Vọng nhặt từng hạt sương trong suốt trên lá sen mang về trời. Cô mở cửa đền, châm hương nến.

Anh Duệ đến. Mùi nước hoa từ xa đã khiến toàn thân Trinh nóng sực, chân tay líu ríu. Cô lánh né khi anh bước vào tiền đường nhưng không né được mùi nước hoa nồng nàn, nhất là khi anh tiến đến sát Trinh, cầm tay hỏi, “Em dùng hết lọ kem dưỡng đó chưa, dạo này da dẻ tươi nhuần lắm, nhân trung sáng rực kìa. Em ở đây, ngửi khói nhang nhiều không tốt cho sức khỏe. Tôi mới chế xong loại thuốc dùng đường uống, cũng là cây lá làng mình thôi, em dùng nhé”. Trinh chưa kịp hoàn hồn thì Duệ vòng tay qua cổ, đeo cho Trinh cái vòng xâu bằng hạt ý dĩ đã đánh bóng lấp lánh như ngọc trai, ghé sát Trinh nói, “Em có biết em rất đẹp không, tôi sẽ nghiên cứu cho ra bài thuốc chữa được mắt cho em, em cần phải được chiêm ngưỡng nhan sắc của chính mình, em không biết cái vòng ngọc này hợp với em thế nào đâu”. Trinh thấy mình nằm gọn trong vòng tay Duệ, toàn thân mềm nhũn đợi đón cái ôm siết thật chặt, nhưng Duệ đeo vòng xong buông tay ra, một ngón tay quệt qua má Trinh. Duệ đi. Mùi nước hoa vây kín lấy Trinh, thấm vào da thịt Trinh. Cô trốn vào trong vấp bậu cửa, ngã chúi. Trong tai bật lên tiếng ông từ thều thào trong cơn hấp hối: “Già đã cố hết sức nhưng không chữa lành cho con được, số phận đã an bài rồi, con ở đây mà đèn nhang, nhờ cậy Đức Ông. Phải nhớ giữ thân tâm sạch sẽ, một lòng một dạ nhang khói cho ngài. Nhớ chưa. Từ đền Diềm xưa nay không có đàn bà. Đàn bà không được vào. Nhớ chưa. Giữ thân tâm trong sạch con ạ”. Trinh thắp thêm một cây nhang nữa dù nhang cũ chưa hết, hít rút mọi sợi khói bốc lên, bao nhiêu người đến dâng lễ, đốt thêm bao nhiêu nhang cô cũng không hay biết, mùi nước hoa, mùi hơi thở của Duệ vẫn bọc kín xung quanh.

Ngộp thở, Trinh đóng cửa đền, lên núi Móc.

Trinh không đi lối anh Duệ đang phá đá xây bậc lên núi mà đi con đường ngày xưa ông từ đền Diềm dẫn Trinh đi hái độc dược, bày cho Trinh cách dùng độc dược chữa bệnh. Cô leo lên cao dần. Mồ hôi làm tóc ướt nhẹp, áo dính vào người. Gió từ sông Long khi mặn khi ngọt luồn vào tóc, thấm vào da thịt. Tới bãi đá trống, Trinh dừng lại, hít hà mùi nước sông Long, mùi lúa đang thì con gái, mùi hoa lá cỏ cây lẫn trong đá. Cô chắp tay trước chỏm núi rất lâu mà không biết mình cầu xin ai phù trợ điều gì. Trinh đến đây rồi, ai đang ngự ở đây thì phù hộ cho Trinh. Nhưng phù hộ cái gì. Phù hộ để mình không gặp lại Duệ, để Duệ đừng đến đền Diềm. Không được, Duệ mở mang làng Diềm, thành ân nhân của làng Diềm rồi, sao có thể ngăn anh về gặp Đức Ông. Phù hộ để mình không còn khả năng nhận biết mùi vị. Mình đã mờ mắt, đã ù tai, còn cái mũi để ngửi mà không ngửi được nữa thì còn gì để sống. Phù hộ để anh Duệ đừng đến gần mình. Đến gần hay không cũng tại mình, do mình. Mình không đẩy anh ra, không tránh xa anh vì giữ phép lịch sự của người giữ từ đền Diềm hay vì muốn cuốn vào mùi hương mê hoặc của anh. Mình nhận quà vì không muốn người cho phiền lòng hay muốn mình thêm sang quý xinh tươi. Mình không thể từ chối hay không muốn từ chối. Chối lọ kem dưỡng da, lọ thuốc bổ, cái vòng cổ thì được nhưng có chối được mùi nước hoa, mùi hơi thở nóng ấm của anh không. Duệ có vòng tay bao bọc quanh mình cả đời được không. Sao chưa lần nào mình nhìn được dáng dấp anh, kể cả cái bóng không hình. Sao chưa lần nào mình nghe được tiếng khấn lễ của anh, kể cả tiếng gieo tiền đài trước nhang án. Trinh không thể nghĩ tiếp, toàn thân nóng sực, đôi môi căng tràn đòi được miết vuốt, cơ thể mềm rũ, những ngón tay nơi Duệ chạm tới nóng rát, cái nóng chạy rần rật khắp cơ thể rồi dồn tụ lại, bật lên tiếng kêu hoang dại. Trinh quỳ gối, phủ phục dưới trời xanh cho đến khi gió sông Long tràn vào mũi, mang theo vô số bụi đá từ phía đang mở đường lên núi. Những hạt bụi mặn và tanh như máu.

Chiều nhọ mặt người Trinh về tới đền Diềm. Chị Cần dân dấn nước mắt, “Tôi tưởng cô mất tích, bảo mọi người ăn tối xong đi tìm”. Trinh muốn hỏi “Mọi người đi tìm tôi á” nhưng không cất thành tiếng, nước mắt bung ra rồi cuộn ngược lại. Chị Cần vừa sắp cơm vừa nói nhưng Trinh không nghe được nữa. Cô cũng không nhìn thấy chị đang làm gì, chỉ biết tay chị không để yên. Cái bàn tay kia, Trinh đã từng nhìn thấy từng ngón cử động không ngừng trên vạt áo còn mùi mồ hôi của chồng chị. Môi chị mấp máy, mắt chị không chớp nhưng nước chảy thành dòng trên má, chị lần vuốt từ cổ đến gấu áo, trượt qua các khuy cài, thấy sợi chỉ hơi bong ra, chị rút cho chặt, quấn lại quanh chân khuy, cứ thế, chị lần rờ từng đường chỉ trên tấm áo của chồng và khấn xin Đức Ông phù hộ cho chị mãi yêu thương chồng dù anh ta có đối xử với chị thế nào.

Bàn tay ấy cầm cốc nước ấm đặt vào tay Trinh, cô khẽ rùng mình, cốc nước ấm như tay Duệ. Trinh uống ừng ực như sắp chết khát rồi ngồi thừ ra ghế. Trước mắt cô là cái mâm đồng sứt góc, đĩa cà muối, lạc rim, bát canh rau tập tàng. Chị Cần mở vung nồi cơm, khói trắng bật lên ngoằn ngoèo giữa hai khuôn mặt, Trinh thấy cánh tay chồng chị Cần giơ lên, giáng thẳng xuống đầu chị, cô bật dậy, lao người ra đỡ, suýt nằm sấp lên mâm cơm. Chị Cần tái mặt né sang một bên. Cô Trinh run rẩy, chân tóc dựng đứng ngồi thụp xuống ghế.

Có tiếng đẩy cánh cổng gỗ phía xa, mùi nước điếu lẫn với mùi nước hoa xộc đến. Trinh đứng bật dậy bước nhanh vào cửa đền. Mới đặt một chân trong bậu cửa thì dừng lại, người đang vào không phải Duệ, là chồng chị Cần.

Anh ta ngồi xuống cái ghế Trinh vừa ngồi, bảo vợ: “Về đi, mai tao lên núi đục đá cho cai Duệ, nó định biến ba chỏm trên đỉnh núi Móc thành ba cái tượng, tao thợ chính, về mà coi nhà, chuyện khác tính sau”.

Chị Cần vào cung cúi đầu lễ tạ Đức Ông, chào cô Trinh rồi theo chồng về. Cô Trinh nhìn theo bóng chị, nước mắt tứa ra.

Ba chỏm đá được chêm đục đẽo gọt tỉ mỉ, chẳng mấy chốc thành ba ông khổng lồ ngồi chễm trệ trên đỉnh núi Móc, hiên ngang nối đất với trời. Anh Duệ thuê người kể thêm vài câu chuyện huyền bí về ba ông khổng lồ, chuyện núi Móc sông Long, chuyện lá thuốc và ngôi đền thiêng giữa làng Diềm chữa bách bệnh cho người trần gian. Núi Sam càng lúc càng đông khách, khách đến vừa nghỉ dưỡng, vừa tham quan ngắm cảnh, đi thuyền hóng gió trên sông Long, vừa qua sông hành lễ, cầu cúng, chữa bệnh. Chồng chị Cần được anh Duệ thuê trông coi, khai thác dịch vụ khu núi Móc nên lâu lâu mới ghé qua nhà. Làng Diềm nhà ai cũng có vài người làm thuê cho anh Duệ, người già yếu không đi làm thuê thì mở quầy hàng bán đồ lễ ngay lối vào đền Diềm, trẻ con choai choai đi học nửa ngày còn nửa ngày đổi nhau giăng dây trông xe. Việc nhàn hạ, kiếm được nhiều tiền, không ai trồng lúa nữa.

Hội làng, mọi con đường vào đền Diềm đông chật khách, con đường dẫn từ đền Diềm lên núi đặc ngẫn người đi rước kiệu, đoàn rước được thuê từ khắp nơi đến, kiệu to lọng lớn trống phách vang trời, có cả đoàn vũ công vừa đi vừa hát vừa nhảy múa, họ mặc đủ các kiểu áo quần, từ váy đụp, áo yếm đến áo tứ thân, áo the khăn đóng, rồi váy xòe đính kim cương lấp lánh, kim sa bó sát thân người, rồi các cô vũ công che thân bằng ba mảnh vải con con ở ngực, vừa đi vừa nhún nhảy, đoàn rước kéo dài từ đền Diềm đến chân núi rồi từ đỉnh núi theo sông Long về đền Diềm. Người làng Diềm có vài ông già bà cả cầm chấp kích cờ lọng theo đoàn kiệu còn lại cúc cung ra vào phục dịch khách thập phương.

Chiều ngày cuối hội, anh Duệ vào dâng lễ, Trinh lánh ra ngoài. Anh tìm bằng được, cho Trinh cái chăn màu cánh sen, bảo “Trời sắp sang đông rồi, anh đặt người ta làm riêng cho em cái chăn lụa tơ tằm, em đắp cho ấm, coi như đêm đêm anh giúp em bớt lạnh nhé”. Duệ đi, để lại cơn gió lạ quay tròn xung quanh nhấc bổng Trinh lên ném vào cơn lốc xoáy đầy hơi ấm và mùi hương của Duệ. Cô cố gắng vùng thoát, chạy vào trong châm một bó hương đầy khói. Khói trộn lẫn mùi nước hoa, quây tròn quanh Trinh, loáng thoáng đâu đó thoảng đến mùi bụi đá núi Móc tanh như máu, mùi nước sông Long dập dềnh chai lọ, mùi tanh hoi mằn mặn là lạ khiến cô vừa lợm giọng vừa muốn dán mũi hít hà tím kiếm.

Trời lạnh xuống, sen hồ Vọng lơ thơ vài tàu lá ngả màu xanh sẫm, Trinh ngồi lỳ trong đền hàng tuần liền, mặc kệ người người vào ra khấn vái kêu cầu.

Khuya, có tiếng đập cửa yếu ớt, tiếng bước chân lê vào đền, tiếng khóc đắng chát. Trinh đau thắt ngực, vịn tay vào cánh cửa kéo mình đứng lên thoát khỏi tư thế kiết già đã ngồi suốt nhiều ngày. Ngoài tiền đường là chị Cần. Tóc rối bù ròng ròng nước, miệng méo xệch, máu trộn lẫn nước mắt tướt xuống cổ, xuống áo. Áo chị nhuộm đầy bùn. Trinh rùng mình nhìn thấy trên khuôn mặt nhầu nhĩ méo mó của chị Cần còn nguyên vết bàn tay chồng chị vừa giáng xuống, cái giáng dữ dằn như hôm cô nhìn thấy trong làn khói nồi cơm chưa kịp xới. Bàn tay ấy túm tóc chị, vùi chị xuống thửa ruộng vừa gặt còn chưa se gốc rạ “mày thích giữ thì tao cho mày giữ, nằm đấy mà giữ cái mả mẹ mày, sướng không biết đường mà sướng”. Chị ngóc đầu lên lại bị vùi xuống, đến khi không còn sức chống đỡ, cũng bàn tay ấy, lôi chị vứt lên bờ. Sương đêm rửa mặt cho chị, rũ tóc cho chị, dìu chị vào đền Diềm.

Trinh rửa bùn, băng vết thương cho chị Cần. Tấm chăn lụa chỏng chơ trên giường từ hôm được tặng, cô lấy rải ra chiếu, bảo chị nằm lên cho đỡ đau, kéo phần còn lại quấn quanh người chị, xoa bóp các huyệt mạch cho chị đi vào giấc ngủ. Chị ngủ rồi, mùi bùn đất, mùi mồ hôi, mùi nước mắt đã gói kín trong tấm chăn lụa, mùi nước hoa, mùi hoi khét của Duệ lại tràn đến, quấn bọc bủa vây Trinh. Trinh bật khóc, tiếng khóc bị ép lại rồi thoát ra qua vòm cổ người ngọng thành thứ âm thanh hoang dại ghê người.

Đêm càng khuya càng lạnh, sương lả lơi khắp làng Diềm, ánh đèn cao áp trên núi Móc, trên bến sông Long xé đêm thành những mảnh vỡ méo mó. Cô Trinh vừa khóc, vừa ra hồ Vọng múc nước về đun với ngũ vị hương và vài cánh sen khô, mang vào cung cấm, văng vẳng bên tai lời dặn dò của ông từ già: “Con bao sái tượng Đức Ông xong, xin nước thừa mà thanh tẩy mình, Già chỉ giúp được con đến thế thôi”. Cô vừa làm vừa nuốt nước mắt. Những ngón tay thường ngày nhanh nhẹn bao nhiêu lúc này chậm chạp rời rã bấy nhiêu. Trinh cố tập trung vào từng vết khăn, từng giọt nước ấm, tỉ mỉ làm sạch mọi hạt bụi trên pho tượng.

Trinh bắc ghế trèo vào long đình lau lưng tượng. Từ hồi đền đông khách, Trinh bỏ bẵng không lau lưng tượng khiến bụi đóng thành tảng dày đặc. Cô di mạnh các ngón tay làm trượt xuống mảnh ghép lưng, mùi bụi tràn ra, xộc vào, phong tỏa đường thở. Trinh nhìn thấy khoảng trống sâu hun hút trước mắt, cô lách vào, lọt thỏm trong lòng tượng Đức Ông. Mùi khói hương tích giữ lâu ngày, mùi hoa sen, mùi nước ngũ vị hương, mùi mồ hôi nước mắt người làng Diềm, mùi tanh hôi của gián chuột, mùi hóa chất làm thơm… tất cả quánh quết xung quanh nhưng không khiến Trinh ngạt thở. Cô nhướn người nhìn qua hai hốc mắt pho tượng, đất dưới chân sụt xuống. Cả ngôi đền rùng rùng chuyển động, tiếng máy móc ầm ĩ, tiếng người tiếng xe ồn ào náo nhiệt. Đàn ông trai tráng làng Diềm lố nhố ôm cột đền, nhấc bổng lên, dời ra mảnh ruộng nhà chị Cần; chồng chị đứng cạnh anh Duệ chỉ trỏ, bảo người ta kéo giãn từng cây cột, từng mảng vách, thổi pho tượng Đức Ông phình ra như quả bóng bay rồi tô vẽ sơn son thếp vàng. Trong phút chốc, đền Diềm cao rộng thênh thang, người người ra vào ngó nghiêng nói cười hỉ hả. Xung quanh tượng Đức Ông còn vô số các pho tượng Trinh chưa từng thấy bao giờ, mỗi pho một nhang án, mỗi nhang án một người làng Diềm mặc đồng phục đứng đơ đơ như lính gác. Dọc lối vào, một dãy bàn toàn các cô áo tân thời xinh đẹp ngồi cạnh hòm tiền công đức, rồi các cô gái da trắng tóc dài mũi cao môi đỏ mi cong má hồng giống hệt nhau đứng cạnh các tủ thuốc. Tủ thuốc toàn cỏ cây hoa lá làng Diềm sấy khô đóng túi bóng kính, những lọ kem đầy mùi thơm mà Duệ đã cho Trinh. Lọ kem nhểu ra từng giọt, chà lên mặt Trinh, như chà bằng nước dầu sôi. Mặt Trinh nóng rát, tay chân co giật. Đức Ông cầm tay cô, bấm các huyệt trong lòng bàn tay, trên khuôn mặt rồi dắt cô ra bến sông. Chị Cần đang chèo thuyền, cái thuyền bé như vỏ trấu lúa dự, nở dần thành cánh sen hồ Vọng. Đức Ông dắt Trinh bước lên thuyền, nước sông Long sóng sánh đẩy thuyền về phía mặt trời. Mặt trời rọi vào mắt Trinh, chói nhức.

Không phải mặt trời, là ánh đèn pin chị Cần rọi đến tìm Trinh. Chị ngủ mê hét lên, choàng dậy, không thấy Trinh nên hốt hoảng đi tìm. Đứng ở ngoài bậu cửa nhìn vào trong, thấy hai bàn chân Trinh chìa ra từ long đình, chị cuống quýt lao vào lôi Trinh xuống nhưng sực nhớ, đàn bà có chồng không được vào, chị đành lao ra đường cầu cứu.

Chị lao đi còn Trinh chui ra khỏi bức tượng. Cô ngửi thấy mùi nước hoa của Duệ, thứ nước hoa toàn hóa chất xoáy đến tận óc khiến ống mũi cô rát buốt. Cô cố hết sức leo lên gác chuông phía sau đền, đánh chuông cầu cứu.

Tiếng chuông quánh đặc trong sương mù. Trinh không biết lâu nay người ta vẫn đánh quả chuông khổng lồ trên núi Móc báo hiệu các đoàn hành hương dâng lễ, tiếng chuông càng nhiều chứng tỏ khách về càng đông. Không ai còn nhớ đến lời hẹn ước của làng Diềm rằng quả chuông ở đền cất lên là làng có việc trọng.

Ngoài đường, chị Cần nghe thấy tiếng chuông càng lo lắng, chị chạy nhanh hơn, kêu cứu to hơn. Vài người đi chợ sớm, nhìn thấy chị, chặc lưỡi “khổ, chồng đánh một trận mà phát điên phát dại thế này cơ”.

Tháng 9/2019
V.T.L  
(TCSH373/03-2020)



 

Các bài mới
Các bài đã đăng