Tạp chí Sông Hương - Số 373 (T.03-20)
Nhu cầu của văn học dân tộc chủ nghĩa
14:34 | 08/04/2020

ĐOÀN ÁNH DƯƠNG

1. Không đơn thuần là “mô phỏng”/ “phản ánh”, một kiểu “chủ nghĩa đề tài” quen thuộc trong văn học về chiến tranh và cách mạng, văn học Việt Nam đương đại đã trực tiếp tham dự vào quá trình kiến tạo diễn ngôn dân tộc chủ nghĩa.

Nhu cầu của văn học dân tộc chủ nghĩa
Ảnh: internet

Tình hình chính trị - xã hội của đất nước cùng những sự kiện khích động tinh thần dân tộc đã tác động mạnh mẽ tới nhà văn, thúc đẩy họ lựa chọn sáng tạo ở những chủ đề có tính thách thức như các cuộc chiến tranh nơi biên giới hay các quan điểm biểu thị các yêu sách chủ quyền lãnh hải, lãnh thổ. Khởi đầu bằng các tự sự hư cấu, như một chiến lược diễn ngôn cần thiết bảo đảm cho sự xuất hiện và phổ biến các vùng hiện thực còn khuất lấp, nhạy cảm, dễ động chạm, như các cuộc chiến tranh (biên giới) Việt Nam - Campuchia và việc Việt Nam mang quân tình nguyện sang Campuchia chống lại Khmer Đỏ nhằm vãn hồi hòa bình và trật tự trên nước bạn cùng dọc giải biên giới hai nước. Sau đó, khi những vùng hiện thực này đã được làm quen, là sự trỗi dậy của các tự sự phi hư cấu, trong hình hài các ghi chép, bút ký, truyện ký “người thật việc thật” cung cấp thêm tính đích thực của hiện thực được thể hiện. Con đường này ngược lại với cách thức tiếp cận của văn học ngay khi sự kiện xảy ra, khi mà lúc ấy, tự sự phi hư cấu được ra đời trước, thể hiện vai trò “trực chiến”, nắm bắt và thể hiện tính nóng hổi của sự kiện, sau đó mới là các tự sự phi hư cấu như là cách thức người trong cuộc và nhà văn nghiền ngẫm sâu hơn về nguyên nhân, bản chất và hệ lụy của những hành động chấn động ấy. Tại sao lại có một “hành trình ngược” như vậy 30 - 40 năm sau khi các cuộc chiến qua đi? Sự thay đổi không gian chính trị xã hội và văn hóa văn học, sự chuyển biến trong các hình dung và trải nghiệm về bản chất cuộc chiến, cùng những đòi hỏi trong nhận thức hậu chiến về vai trò và vị thế của dân tộc như là kết quả của các hành vi chiến trận,… đã làm sống lại một vùng hiện thực bị khuất lấp, tái nhận thức và đặt ra các yêu sách khởi đi từ sự trở lại ấy. Bài viết này xem xét cách thức mà văn học Việt Nam, thông qua những tác phẩm mang chủ đề các cuộc chiến tranh nơi biên giới và biển khơi, nơi nhà văn hiện thực hóa các động cơ sáng tạo của mình và các cơ sở xuất bản thì hợp thức hóa các động cơ kinh tế chính trị của họ, đã hình dung về dân tộc và qua đó (một cách vô thức hay hữu thức, vô tình hay hữu ý, ngẫu nhiên hay tất yếu) mà tham dự vào quá trình kiến tạo chủ nghĩa dân tộc ở Việt Nam đương đại.

2. Nhìn từ “chủ nghĩa đề tài”, có thể nhận thấy chiến tranh biên giới phía Bắc, nhất là chiến tranh biên giới Tây Nam, đã là một chủ đề được nhiều tác giả lựa chọn khi sáng tác từ chất liệu chiến tranh. Ngay khi chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, nhà văn - đạo diễn Đặng Nhật Minh đã có truyện ngắn xuất sắc “Thị xã trong tầm tay”, sau được chính ông chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên, nhận giải Bông Sen vàng trong Liên hoan phim Việt Nam 1983. Đó là một sự kiện văn học nghệ thuật nổi bật, bên cạnh rất nhiều ký sự, truyện và thơ được đăng tải trên báo chí văn hóa văn nghệ, thậm chí là báo chí chính trị và quân đội, như tờ Nhân dân Quân đội nhân dân. Đề tài biên giới Tây - Nam xuất hiện nhiều sáng tác, chẳng hạn: Dòng sông Xônét (1980, tiểu thuyết của Nguyễn Trí Huân), Đường vào Phnôm Pênh (1981, ký của Bùi Cát Vũ), Không phải trò đùa (1985, tiểu thuyết của Khuất Quang Thụy), Biên giới, Bên rừng thốt nốt (1985 - 1986, tiểu thuyết của Nguyễn Trung), Khoảng rừng có những ngôi sao (1987, truyện của Văn Lê), Dòng sông nước mắt (1989, tiểu thuyết của Thanh Giang), Mùa xa nhà (2004, tiểu thuyết của Nguyễn Thành Nhân), Bên dòng sông mê (2012, tiểu thuyết của Bùi Thanh Minh),… Cùng với nhiều truyện ngắn (chẳng hạn, được tuyển in trong 2 tập Truyện ngắn Tây Nam, Nxb. Trẻ, 2004). Chỉ có điều, đề tài chiến tranh biên giới khi này chỉ được nhìn nhận như một đề tài văn học đơn thuần, chưa bị quy chiếu bởi không gian đậm màu dân tộc chủ nghĩa như sau 2014. Và dù có được quan tâm bởi một số nhà văn sinh thành và trải nghiệm cuộc chiến ấy, nó vẫn chỉ là một dòng mạch nhỏ lẻ, trong sự vạm vỡ của dòng chảy văn học chiến tranh và cách mạng ở Việt Nam hậu chiến.

Quá khứ chiến tranh sâu đậm, cùng những cuộc chiến sau thống nhất đất nước ngày càng đòi hỏi được bạch hóa, những câu chuyện về các cuộc chiến tranh nơi biên giới và hải đảo ấy, vì vậy, vẫn là niềm thao thức của nhiều nhà văn cựu binh cùng một thế hệ các nhà văn trẻ muốn “khảo cổ học tri thức” các di chỉ ký ức chiến tranh vẫn còn khuất lấp ấy. Khi Trung Quốc vươn lên trở thành siêu cường, sự gần gũi về mặt địa chính trị và ý thức hệ, đã làm dấy lên ở Việt Nam những lo ngại, nảy sinh ý hướng thoát Trung, thoát Á. Nhu yếu tự vệ này làm nảy nở dần dần chủ nghĩa dân tộc. Cùng giới trí thức, nhà văn cũng đảm lãnh và thực thi vai trò công chúng của mình. Tìm một tác động cụ thể trên phương diện văn học, có thể đó chính là việc Ma chiến hữu của Mạc Ngôn được dịch và xuất bản ở Việt Nam1. Mạc Ngôn xuất bản cuốn tiểu thuyết, trong nguyên bản với tên Chiến hữu trùng phùng, năm 2004, tức 25 năm sau khi cuộc chiến kết thúc. Bản dịch sang tiếng Việt được thực hiện và ấn hành 3 năm sau đó, trong một dự án mà Công ty Văn hóa Phương Nam muốn giới thiệu hệ thống các tác phẩm quan trọng của tác giả nổi tiếng Trung Quốc này tới độc giả tiếng Việt. Không ngờ, với Ma chiến hữu, việc đơn vị liên kết và xuất bản nhấn mạnh trên bìa 4 cuốn tiểu thuyết, khẳng định tiểu thuyết là: “Một cách nghĩ khác về chiến tranh. Một cách ca tụng riêng về chủ nghĩa anh hùng”, đã là nguyên cớ trực tiếp cho “một cơn giận dữ” nơi độc giả, khi cho rằng tiểu thuyết vì thế đã bóp méo cuộc chiến tự vệ chính nghĩa của Việt Nam, gây nên một cuộc tranh luận ồn ào về tiểu thuyết và về cuộc chiến tranh biên giới 1979 mà tiểu thuyết ấy thể hiện. Song quan trọng hơn, sự hiện diện của bản dịch tiếng Việt của tiểu thuyết đã chạm tới “tự ái nhà văn” Việt Nam, khiến họ phải suy nghĩ và dằn vặt về lẽ sống, lẽ viết. Bình luận về cuốn tiểu thuyết khi nó đang tạo ra các cuộc tranh luận ở Việt Nam, Bảo Ninh cảm khái:

“Đọc tiểu thuyết Ma chiến hữu của nhà văn Mạc Ngôn do dịch giả Trần Trung Hỷ dịch ra tiếng Việt mà tự cám cảnh. Thấy buồn quá. Cuộc chiến tranh cách đây đã gần tròn ba chục năm Mạc Ngôn đã đề cập tới tưởng là phải được tái hiện và được ngẫm nghĩ trước nhất bởi nhà văn nước mình, vậy mà không, hoàn toàn không…2” Tâm sự của nhà văn Bảo Ninh cũng là tâm sự của nhiều nhà văn khác. Có lẽ ngoài tình bạn văn, suy tư của Bảo Ninh đã khiến Nguyễn Bình Phương chia sẻ với ông bản thảo cuốn tiểu thuyết viết về đề tài này sau đó mấy năm.

Năm 2014, sự kiện HD-981 đã là nguyên cớ trực tiếp cho sự khai sinh của tiểu thuyết này ở trong nước. Nhà xuất bản Trẻ đã lần đầu xuất bản tiểu thuyết này, trong tên gọi ban đầu của nó, Mình và họ, vào tháng 8/2014. Và một lần nữa, tiểu thuyết có được dư luận và được đánh giá cao. Một năm sau ngày xuất bản, vào tháng 10/2015, tiểu thuyết nhận số phiếu bầu tuyệt đối từ Hội đồng xét duyệt Giải thưởng Văn học 2015 của Hội Nhà văn Hà Nội để nhận giải ở hạng mục Văn xuôi giải thưởng thường niên uy tín này; và tiểu thuyết cũng được tái bản vào các năm sau. Trong tiểu thuyết, nhà văn quân đội Nguyễn Bình Phương đã là nhà văn đầu tiên thực hiện một chiến lược diễn ngôn mới, khi lồng ghép vấn đề chiến tranh biên giới phía Bắc vào trong một thực hành đổi mới nghệ thuật tiểu thuyết, vốn là phương diện làm nên đặc trưng phong cách nghệ thuật và tạo dựng vị thế nhà văn cách tân ở ông trong đời sống văn học đương đại. Có thể nói, sự “nương tựa” vào nhau giữa một bên là nội dung “nhạy cảm” và một bên là hình thức cách tân, đã trở thành cái “cớ” cho những biện minh về tác phẩm khi xuất bản.

Sau đột phá khẩu của Nguyễn Bình Phương, chỉ trong vài năm, đã có thêm nhiều tác phẩm viết về chiến tranh biên giới Tây Nam và chiến tranh biên giới phía Bắc được xuất bản: Hoang tâm (tiểu thuyết, Phương Đông & Nxb. Hội Nhà văn, 2013) và Xác phàm (tiểu thuyết, Nxb. Trẻ, 2014) của Nguyễn Đình Tú, Miền hoang của Sương Nguyệt Minh (tiểu thuyết, Nxb. Trẻ, 2014),… Cuộc thi truyện ngắn năm 2013 - 2014 của tạp chí Văn nghệ quân đội cũng ghi nhận nhiều truyện ngắn về đề tài chiến tranh và người lính của các nhà văn trẻ, tất nhiên trong đó có những truyện ngắn trực tiếp chọn các cuộc chiến tranh biên giới làm đề tài. Có thể nhắc đến Âm thanh của ký ức, Chuyện Nguyên Phong của Doãn Dũng, Trên núi Tưk-cot của Hồ Kiên Giang, Hoài niệm U Đôm Xay của Lê Mạnh Thường, Vì sao tuổi thơ của Phùng Kim Trọng, Hành trình của gió của Vũ Văn Song Toàn, Chiếc áo màu hồng ngọc của Trần Văn Đẳng, Tiếng đò của Tạ Ngọc Dũng, Tia nắng cuối cùng của Dương Phượng Toại,… trong đó truyện ngắn của Doãn Dũng và Hồ Kiên Giang được chọn để trao giải.

Cùng và sau đó, là các tác phẩm phi hư cấu: Mùa chinh chiến ấy (hồi ức chiến binh, Nxb. Trẻ, 2017) của Đoàn Tuấn, Lính Hà của Nguyễn Ngọc Tiến (tự truyện, Nxb. Trẻ, 2017), Chuyện lính Tây Nam (hồi ức, Nxb. Thanh niên, 2017) của Trung Sỹ,3… Năm 2018, thêm 2 cuốn sách phi hư cấu nữa về đề tài chiến tranh biên giới và bảo vệ chủ quyền biển đảo được xuất bản: Gạc Ma - vòng tròn bất tử (ký của nhiều tác giả; Thiếu tướng Lê Mã Lương chủ biên, Công ty First News Trí Việt & Nxb. Văn học), Về từ hành tinh ký ức (ký sự của Võ Diệu Thanh, Tao Đàn & Nxb. Hội Nhà văn). Cả hai tác phẩm, ngay khi xuất bản, lần lượt vào tháng 6 và tháng 8, đã nhanh chóng được dư luận chú ý.

Cuối năm 2018 và bước sang năm 2019, lần đầu tiên trong lịch sử, hoạt động kỷ niệm 40 năm chiến tranh biên giới Tây Nam và chiến tranh biên giới được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Với đời sống văn hóa văn nghệ, tuy không có được những hoạt động kỷ niệm rầm rộ như đời sống thông tấn báo chí, nhưng Hội Nhà văn Việt Nam cũng sớm có động thái hướng tới kỷ niệm này. Ngày thơ Việt Nam lần thứ 17 đã chọn chủ đề “Sông núi trên vai” và được tổ chức sớm hơn rằm Nguyên tiêu 2 ngày, nhằm đúng kỷ niệm 40 năm ngày bắt đầu cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc (17/2/1979). Đến tháng 7/2019, dịp kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7, nhà xuất bản Trẻ tổ chức “Chương trình giới thiệu sách Kỷ niệm 40 năm chiến thắng Chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và Chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (1979 - 2019)”. Dịp này, nhà xuất bản Trẻ tái bản các cuốn Mùa xa nhà (Nguyễn Thành Nhân), Mình và họ (Nguyễn Bình Phương), Lính Hà (Nguyễn Ngọc Tiến), Mùa chinh chiến ấy (Đoàn Tuấn); ngoài ra, in mới Mùa linh cảm (Đoàn Tuấn), Rừng khộp mùa thay lá (Nguyễn Vũ Điền), là các tập bút ký về cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam, và Những mùa xuân con không về, một tuyển tập các bài ký của nhiều tác giả về cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc. Trước đấy không lâu, nhà xuất bản Trẻ cũng ấn hành tiểu thuyết Một trăm ngày trước tuổi hai mươi của Đoàn Tuấn, để bổ sung một lối tự sự nữa, bên cạnh thơ (Đất bên ngoài tổ quốc, in chung với Lê Minh Quốc) và bút ký (Những người không gặp nữa, Mùa chinh chiến ấy, Mùa linh cảm) của nhà văn được sinh thành từ trong cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam này. Bên cạnh nhà xuất bản Trẻ, nhãn hiệu sách Sống của AlphaBooks cũng liên kết với nhà xuất bản Văn học để tái bản Xác phàm của Nguyễn Đình Tú, Chuyện lính Tây Nam của Trung Sỹ,… Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí văn hóa văn nghệ cũng dành sự quan tâm tới chủ đề này. Tháng 6/2019, tại Hà Tĩnh, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Hà Tĩnh - Tạp chí Hồng Lĩnh đã tổ chức Hội thảo “Tạp chí văn nghệ 6 tỉnh Bắc Miền Trung với đề tài biển đảo”, quy tụ tiếng nói của đại diện các Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật các tỉnh trong khu vực và các tạp chí Xứ Thanh, Sông Lam, Hồng Lĩnh, Nhật Lệ, Cửa Việt, Sông Hương. Các động thái này cho thấy một sự quan tâm đáng kể của các nhà xuất bản, các cơ quan báo chí văn hóa văn nghệ, các công ty văn hóa truyền thông tới chủ đề từ chỗ nhạy cảm đã trở nên khá rộng mở này, theo những chuyển biến trong đời sống chính trị xã hội, cũng như sự quan tâm và đòi hỏi ngày càng nhiều hơn của công chúng văn học đang ngày càng dấn sâu vào các không gian của tư tưởng dân tộc chủ nghĩa.

3. Gạc Ma - vòng tròn bất tử được Công ty First News Trí Việt & Nxb. Văn học liên kết ấn hành theo quyết định xuất bản số 746/QĐ-VH ngày 24/4, in xong và nộp lưu chiểu ngày 15/6, phát hành rộng rãi trên toàn quốc vào cuối tháng 6/2018. Đây là cuốn sách đầu tiên về trận chiến Gạc Ma ngày 14/3/1988. Ngày 13/3/2015, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khởi công xây dựng Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma tại Khu du lịch bắc bán đảo Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), bằng kinh phí đóng góp của người dân và đoàn viên công đoàn cả nước. Ngày 15/7, Khu tưởng niệm được khánh thành, rộng 2,5ha, với các hạng mục như: quảng trường, tượng đài, khu trưng bày hiện vật về biển đảo và kỷ vật của 64 chiến sĩ đã hi sinh ở Gạc Ma, khu mộ gió và công viên,… Và như đã nhắc đến ở trên, tháng 6/2018, cuốn sách đầu tiên về hải chiến Gạc Ma mới được xuất bản. Tuy nhiên, hành trình để cuốn sách đến tay bạn đọc là rất gian truân: 4 năm thực hiện, qua 14 nhà xuất bản, với 48 lần biên tập, chỉnh sửa, được Hội đồng thẩm định cấp nhà nước do Ban Tuyên giáo Trung ương và Nhà xuất bản Văn học thành lập thông qua4. Ngay khi cuốn sách được phát hành, ngày 8/7, đại diện nhà xuất bản Fortis (Mỹ), ông James G. Zumwalt đã gặp đại diện Công ty First News - Trí Việt, mua bản quyền sách Gạc Ma - Vòng tròn bất tử để dịch sang tiếng Anh, và xuất bản tại Mỹ. Chưa đầy 1 tháng sau khi phát hành, cuốn sách được bạn đọc đón nhận, và có nhiều ý kiến phản hồi, đề nghị đính chính một số thông tin lịch sử chưa chính xác. Phía nhà xuất bản đã nhanh chóng tiếp thu, ngày 13/7, trao đổi với phóng viên báo Tuổi trẻ, TS. Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc nhà xuất bản Văn học thông tin phía nhà xuất bản sẽ tiến hành tạm dừng phát hành để chỉnh sửa, in mới và thu đổi sách5.

Ở một chiều hướng khác, sự kiện lịch sử lại được khơi dậy từ nỗ lực của cá nhân, và được phổ biến nhờ sự cảm thông, chia sẻ, trân trọng của cộng đồng đọc văn học. Đó là trường hợp của tập ký sự Về từ hành tinh ký ức của Võ Diệu Thanh. Dựa trên hồi ức của những nạn nhân, những người chứng kiến, Võ Diệu Thanh tái hiện nỗi đau khổ tột cùng của người dân trong sự kiện quân Khmer Đỏ thảm sát người dân Việt Nam tại xã Ba Chúc (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) vào tháng 4/1978. Trong 11 ngày chiếm đóng xã vùng biên này (18/4 - 30/4/1978), quân Khmer Đỏ đã thẳng tay giết chết một cách dã man 3.157 người, trong đó có hơn 100 hộ bị chúng giết sạch cả nhà. Sau khi chúng rút đi, còn hơn 200 người chết và bị thương do đạp vào mìn và lựu đạn do chúng gài lại. Đã có những nghiên cứu và thông tin về thảm sát Ba Chúc. Một công trình tưởng niệm (Nhà mồ Ba Chúc, nơi lưu giữ hộp sọ của 1.159 nạn nhân, từ em bé sơ sinh đến cụ già) được chính quyền và nhân dân An Giang xây dựng năm 1979. Nhưng với Về từ hành tinh ký ức, đây là lần đầu tiên, vụ thảm sát này được ghi lại, kể lại từ “cảm nhận thông thường” của những người trải qua, đi qua cuộc thảm sát tàn khốc ấy. Có thể chính vì những trải nghiệm riêng ấy, qua sự thụ cảm cá nhân của nhà văn, đã giúp cho tác phẩm dễ tìm được tiếng nói đồng cảm trong lòng bạn đọc.

Không còn là ký sự của thế hệ sinh sau, chưa từng nếm trải trực tiếp nỗi đau chiến tranh như Về từ hành tinh ký ức của Võ Diệu Thanh (hay Đừng kể tên tôi của Phan Thúy Hà), các tập bút ký của các nhà văn được trui rèn từ trong cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam, những Nguyễn Ngọc Tiến (Lính Hà), Đoàn Tuấn (Mùa chinh chiến ấy, Mùa linh cảm), Nguyễn Vũ Điền (Rừng khộp mùa thay lá),… thông qua những trải nghiệm cá nhân, tiếp tục thông tin về cuộc chiến tranh gian khổ và hãi hùng ấy. Về phía nhà xuất bản, tổ chức cho sự hiện diện cùng lúc của từng ấy những tự sự phi hư cấu về cùng một đề tài, chủ đề, nó cho thấy sự ưu tiên lối tiếp cận hiện thực về cuộc chiến tranh này6. Khẳng định tính chính danh, chủ nghĩa nhân đạo, khát vọng hòa bình,… là cảm hứng chủ đạo của các tác phẩm, dù các tác giả không che giấu những tổn thương, mất mát, đau đớn, giằng xé trong tâm tư người lính Việt Nam khi chiến đấu ở bên ngoài Tổ quốc.

4. Sự nổi lên của các tự sự phi hư cấu ở Việt Nam về chủ đề dân tộc cho thấy sự tham dự tích cực của văn học vào các vấn đề dân tộc. Trong một bối cảnh mà nhận thức về văn học còn khá sơ giản ở đông đảo người đọc, thì hư cấu (truyện ngắn, tiểu thuyết) được sử dụng để tự sự lịch sử không đáp ứng được nhu cầu tìm biết của người đọc về tính đích thực của hiện thực được thể hiện. Bản thân những người viết văn, chủ yếu là không chuyên, lại tìm thấy trong những tự sự phi hư cấu này những cách thức gần gũi để kể lại một cách trung thực câu chuyện và hiện thực đã qua, đã nếm trải. Sự trung thực của người viết, sự khách quan của các hiện thực lịch sử, cả hai khi hợp lại, càng tạo nên sự gần gũi, đồng cảm, chia sẻ và thấu hiểu từ người đọc. Ở không gian như thế, khi mà kinh doanh văn hóa không chỉ nắm bắt được thị hiếu công chúng mà còn rất tinh nhạy trong các dự đoán thời tiết chính trị, các công ty tư nhân hay các nhà xuất bản đã nhanh chóng ủng hộ cho một trào lưu văn học khớp nối với sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc. Tất nhiên, ở một bộ phận độc giả trung lập hay ở chiều sâu tư duy văn học, việc tìm đến với các tự sự phi hư cấu về các vấn đề dân tộc có thể phát xuất sâu hơn từ nền tảng tâm lý dân tộc, ở khía cạnh họ bị thôi thúc bởi những quy chiếu của đạo đức và trách nhiệm “phía sau phẩm hạnh” tạo nên sự cố kết cộng đồng mà họ thuộc về. Hoặc giản dị hơn, nhưng không vì thế mà ít quan trọng hơn, chịu sự tác động của việc văn học dịch kiến tạo hạng mục trong đa hệ thống văn hóa và văn học Việt Nam đương đại. Gần 20 năm đầu thế kỷ XXI, văn học Việt Nam đã chuyển dịch hai tác giả quan trọng đều dành sự chú ý tới các tự sự về cộng đồng dân tộc và đều được ghi nhận bằng giải thưởng Nobel uy tín: Imre Kertész, nhà văn Hungary giành Nobel văn học 2002 với các tác phẩm về đề tài diệt chủng và holocaust dựa trên những trải nghiệm đời tư; Svetlana Alexievich, nhà văn Belarus viết tiếng Nga giành Nobel văn học 2015, với các ghi chép lấy cảm hứng và chất liệu từ hiện thực do bà điều tra, quan sát.

Như chúng tôi đã vài lần chỉ ra7, có một tiến trình văn học Việt Nam đương đại mà ở đó khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa đang dần thắng thế. Ở thời điểm hiện tại, sự kết hợp giữa các phong trào dân tộc mang màu sắc dân túy và chính sách của tư tưởng “chủ nghĩa dân tộc chính thức”, để mượn lại thuật ngữ của Benedict Anderson, sẽ ngày càng làm gia tăng không khí dân tộc chủ nghĩa ở Việt Nam. Sau sự kiện giàn khoan HD-981, Trung Quốc có vài lần can thiệp tới việc hợp tác thăm dò dầu khí của Việt Nam với đối tác nước ngoài ở biển Đông. Gần đây, vào tháng 7-8/2019, tàu khảo sát Địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam ở bãi Tư Chính, chính quyền Việt Nam mới lên tiếng mạnh mẽ phản đối bằng con đường ngoại giao, thông tin rộng rãi tới dư luận trong nước, và kêu gọi sự ủng hộ của ASEAN và cộng đồng quốc tế. Việc nhà nước cất tiếng nói chính thức, từ kỷ niệm 40 năm chiến tranh biên giới đến những sự kiện nóng hổi ở biển Đông, sẽ cộng hưởng với các phong trào quần chúng, như trào lưu sáng tác văn học nghệ thuật về chủ đề chủ quyền hay các cuộc biểu tình rầm rộ phản đối Trung Quốc trong sự kiện hạ đặt trái phép giàn khoan năm 2014. Trong bối cảnh ấy, văn học bị cuốn vào, và chính văn học cũng góp phần kiến tạo, một mẫu hình chủ nghĩa dân tộc như thế ở Việt Nam đương đại.

Đ.A.D  
(TCSH373/03-2020)

--------------
1. Mạc Ngôn, Trần Trung Hỷ dịch: Ma chiến hữu, Phương Nam & Nxb. Văn học, H., 2007.
2. Bảo Ninh: “Đọc Ma chiến hữu”, trong Tạp bút, Nxb. Trẻ, Tp.HCM., 2015, tr.411-412.
3.Ngoài ra, các tác phẩm này cũng dự vào không khí hồi ức của các tự sự phi hư cấu liên quan đến chiến tranh - như là về một khu gia binh ở Hà Nội (Quân khu Nam Đồng (truyện, Nxb. Trẻ, 2015; tái bản lần thứ 15 năm 2019) của Bình Ca), hay trực tiếp về chiến tranh (Hồi ức lính (tập ký, Nxb. Trẻ, 2017; Giải thưởng hạng mục văn xuôi Hội Nhà văn Hà Nội 2017) của Vũ Công Chiến); Đừng kể tên tôi (tập bút ký, Nxb. Phụ nữ, 2017; tái bản 2018) của Phan Thúy Hà), đều là những tác phẩm rất được bạn đọc quan tâm, tìm đọc.
4. Thu Hiền: “Hàng trăm câu chuyện xúc động ở Gạc Ma - Vòng tròn bất tử”. Zing.vn. (https://news.  zing.vn/hang-tram-cau-chuyen-xuc-dong-o-gac-ma-vong-tron-bat-tu-post856588.html; 2/7/2018); về tâm nguyện và hành trình thực hiện cuốn sách trước khi được chính thức xuất bản, ý kiến của người làm sách, xem Lam Điền (ghi): “Sách Gạc Ma - Vòng tròn bất tử: đoạn trường gian nan”. Tuổi trẻ online. (https:// news.zing.vn/hang-tram-cau-chuyen-xuc-dong-o-gac-ma-vong-tron-bat-tu-post856588.html; 13/3/2016), ý kiến của một số nhà xuất bản và chịu trách nhiệm thẩm định, cấp phép, xem L.Điền – P.Vũ: “Gạc Ma - Vòng tròn bất tử: tên sách quá hay nhưng bản thảo yếu”. Tuổi trẻ online. (https://tuoitre.vn/gac- ma-vong-tron-bat-tu-ten-sach-qua-hay-nhung-ban-thao-yeu-1066510.htm; 13/3/2016), và ý kiến từ phía Tuyên giáo, do ông Vũ Ngọc Hoàng trả lời phỏng vấn khi nghe tin sách không được cấp phép xuất bản vào năm 2016, xem Phạm Vũ (thực hiện): “Gạc Ma: Phải công bố sự thật với nhân dân”. Tuổi trẻ online. (https://tuoitre.vn/gac-ma-phai-cong-bo-su-that-lich-su-voi-nhan-dan-1066492.htm; 13/3/2016)
5. Thiên Điểu: “Tạm dừng phát hành sách Gạc Ma – Vòng tròn bất tử để đính chính, chỉnh sửa”. Tuổi  trẻ online. (https://tuoitre.vn/tam-dung-phat-hanh-sach-gac-ma-vong-tron-bat-tu-de-dinh-chinh-chinh- sua-20180713192324054.htm; 13/7/2018).
6. Cũng chọn đề tài chiến tranh biên giới Tây Nam, nhưng với góc nhìn ngả theo chiều phản chiến, và cũng  từng gây ra những tranh luận sôi nổi khi mới được xuất bản, tiểu thuyết Miền hoang của Sương Nguyệt Minh đã không tái xuất trong dịp kỷ niệm này.
7. Xem thêm Đoàn Ánh Dương: “Những ý hệ của việc đọc: văn học đương đại trong quá khứ đổ bóng”,  Sông Hương, Huế, số 295 (tháng 9/2013); “Từ sự manh nha diễn ngôn tự trị đến sự khuynh loát diễn ngôn chủ nghĩa dân tộc trong văn học”, trong Đỗ Lai Thúy (chủ biên), Những cạnh khía của lịch sử văn học, (Tủ sách Hiểu Việt Nam), Song Thuy Bookstore & Nxb. Hội Nhà văn, H., 2016.  




 

Các bài mới
Các bài đã đăng