Tạp chí Sông Hương - Số 373 (T.03-20)
18 chân dung văn học - từ một cái nhìn phác thảo
11:02 | 17/04/2020

PHẠM PHÚ PHONG

Trong mấy thập niên gần đây, cái tên Nguyễn Thị Thanh Xuân không còn xa lạ với độc giả trong cả nước.

18 chân dung văn học - từ một cái nhìn phác thảo
PGS-TS Nguyễn Thị Thanh Xuân - Ảnh: internet

Chị là Phó giáo sư, tiến sĩ văn học, giảng viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, là tác giả các công trình như Những trang viết, những nhịp cầu (viết chung với Huỳnh Như Phương, 1986), 25 năm, một vùng tiểu thuyết (in chung, 2002), Phê bình văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX [1900 - 1945] (2004), Tiếng vọng những mùa qua (2004), Văn học Nhật Bản ở Việt Nam (chủ biên, 2008), Nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học ở Nam Bộ giai đoạn 1865 - 1954 (chủ biên, 2018) và công trình tự điển tiểu sử tác giả viết bằng tiếng Anh Southeast Asian Personalities of Chinese Descent: A Biographical Dictionary (2012). Nay chị lại có thêm công trình chân dung văn học Gửi đây chút duyên tình đọc (Nxb. Đà Nẵng, 2019) viết về 18 tác giả đáng chú ý, xuyên suốt thế kỷ XX trong nền văn chương Việt. Sách dày gần 300 trang khổ lớn (15x24cm), từ việc chọn lựa nhân vật, đến cách khắc họa chân dung đều thể hiện cảm quan và tư duy khoa học chuẩn xác, nhạy bén với cái mới, giàu tính phát hiện, tâm huyết và tình cảm nặng đầy trong mối tương liên, tri ngộ với từng đối tượng. Vì vậy, dù chỉ là một cái nhìn phác thảo, nhưng đã đem lại những đường nét, màu sắc đầy ấn tượng, tạo nên dáng vẻ sừng sững và sinh động đối với từng bức chân dung.

Về việc chọn lựa “mười tám khuôn mặt văn chương Việt, trải dài trong khoảng gần một trăm năm, vắt qua hai thế kỷ (...) gắn liền với những tình huống đặc thù từ sinh hoạt nghề nghiệp của người viết, cuộc hội ngộ của các nhà văn nơi đây ngẫu nhiên và bất ngờ” [1, tr.7] như tác giả đã rào đón trong Lời mở. Tuy nói “ngẫu nhiên”, nhưng không vô tình và thực ra vẫn là sự cố tình của người viết, không chỉ xuất phát “từ sinh hoạt nghề nghiệp” mà còn từ “chút duyên tình đọc” như tiêu đề tập sách tác giả đã thừa nhận, bởi lẽ, không có tương phùng làm gì tri ngộ, không có tương liên làm gì có hạnh ngộ trong cuộc đời mênh mông biển thẳm!

Nhìn một cách thoáng rộng, và bổ dọc theo thời gian, căn cứ vào thời điểm xuất hiện, trong đó có cả về tuổi tác, ít nhất có ba thế hệ thành danh, chiếm lĩnh đời sống văn học của đất nước. Đó là thế hệ những cây bút thời danh, trưởng thành trước cách mạng như Phan Khôi, Thiếu Sơn, Hoài Thanh, Bích Khê, Hồ Hữu Tường, Triều Sơn, Nguyễn Đổng Chi, Tô Hoài; rồi đến thế hệ thành danh trong thời gian đất nước trải qua hai cuộc chiến tranh như Bùi Giáng, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Phùng Khánh, Lê Giang và các cây bút trưởng thành sau ngày hòa bình thống nhất đất nước như Nhật Tuấn, Mang Viên Long, Lưu Quang Vũ, Ngô Thị Kim Cúc, Nguyễn Nhật Ánh. Tất nhiên, văn chương là một dòng chảy liền mạch, không thể phân chia một cách rạch ròi theo thời gian lịch sử, bởi lẽ, cả ba thế hệ này, luôn có sự gối đầu, so le, song hành và tiếp sức, góp phần làm đầy dần lên những vỉa tầng đời sống tinh thần và văn hóa dân tộc. Nếu bổ ngang trên bề mặt của diện mạo đời sống văn học, trong cả ba thế hệ, có những tên tuổi quen thuộc, từng xuất hiện nhiều trên văn đàn được nhiều người nhắc đến, nhưng cũng có những tên tuổi lạ lẫm, ít được người đọc chú ý và dường như trong đó có cả người mới nghe nói đến lần đầu.

Đối với những tác giả thời danh, đã có nhiều người nói đến, sức khám phá và sáng tạo của tác giả là đã tìm ra những chỗ còn bỏ ngõ, khám phá những yếu tố mới, bởi trên con đường đã chi chít những dấu chân, người viết cố tìm ra được những khoảng trống hiếm hoi để đặt bàn chân ấm nóng của mình, nắm được “cái thần” của mỗi người, tô thêm những nét chấm phá, để người đọc có thêm một góc nhìn mới có thể nhận diện rõ chân dung tinh thần của từng tác giả. Chỉ cần lướt qua các nhan đề bài viết cũng có thể nhận ra điều đó: Phan Khôi làm văn học, Thiếu Sơn nhà văn chính trực, Hoài Thanh người tri kỷ của thơ ca Việt, Nguyễn Đổng Chi viết phóng sự, Bùi Giáng bản nhiên, Trịnh Công Sơn người tình của thiên nhiên,... Với Hoài Thanh, người viết chỉ tập trung công trình quan trọng nhất của đời ông, và cũng xứng đáng xếp hàng đầu trong những công trình phê bình thơ/văn học hiện đại nước ta, là Thi nhân Việt Nam. Sự nghiệp của Hoài Thanh không chỉ là một cuốn sách, nhưng chỉ nhìn qua Thi nhân Việt Nam cũng có thể nhận ra chân dung một con người đã dốc hết tâm huyết cho thơ. Tương tự, với Nguyễn Đổng Chi, người viết bỏ qua những công trình khoa học, những sưu tầm biên soạn về Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam dày mấy nghìn trang, để nhận diện chân dung ông qua một tập phóng sự mỏng Túp lều nát, ra đời cách đây hơn ba phần tư thế kỷ. Với Thiếu Sơn, người từng có các tiểu luận Hai cái quan niệm về văn học (1935), Giữa hai cuộc cách mạng (1947), với hành trạng cuộc đời và hành nghiệp văn chương của ông, lúc nào cũng ở giữa hai phía đối đầu, là phải khẳng định sự trung thực một cách chính trực, mới là điều căn cốt tạo nên bản mệnh văn chương của ông. Với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, người mà khi còn tại thế và sau khi qua đời, đã có hàng chục cuốn sách viết về người nhạc sĩ tài hoa này, nhưng ở đây, tác giả nhận diện chân dung ông không bằng âm thanh mà bằng ngôn từ, thông qua lời thơ/ngôn ngữ ca khúc, từ góc nhìn ca từ. Với Bùi Giáng, hành trạng cuộc đời và sáng tạo nghệ thuật luôn gắn liền với bản nhiên tự tại, mang ý nghĩa triết học của sự vận động: “Ra đi và trở về, bước vào và bước ra là tinh thần của thơ ca và tư tưởng của Bùi Giáng. Ra đi với nhân loại, trở về với quê nhà. Ra đi với triết học, trở về với thơ ca. Ra đi với sách vở, trở về với nghiệm sinh. Ra đi với chữ nghĩa trở về với tâm cảm. Ra đi với nhân gian trở về với tinh thể...” [tr.165]. Hoặc nói đến Phan Khôi, ai cũng biết rằng ông có một sự nghiệp báo chí đồ sộ, nhưng xét cho cùng ông lưu danh muôn thuở là nghiệp văn. Tác giả đã phác thảo chân dung của con người tài hoa và có bút lực sung mãn này, trên cơ sở một góc nhìn xác tín làm luận cứ: “Xuyên qua tác phẩm của Phan Khôi, mà phần lớn là những bài đăng báo, tôi nhận ra rằng, Phan Khôi là một nhà văn viết báo, chứ không phải là một nhà báo viết văn. Ghi nhận ấy tựa trên mấy lẽ sau: (1) Trong khoảng 40 cầm bút, trang viết của Phan Khôi xuất hiện từng ngày trên các báo, cực kỳ phồn tạp: dung lượng dài ngắn khác nhau, nội dung bàn chuyện Đông, Tây, kim, cổ, cụ thể và trừu tượng, vậy mà qua thời gian các trang viết ấy không hề bị neo lại trong bờ ranh thời sự, nghĩa là không chóng bị tàn úa theo ngày; (2) Phan Khôi đã khơi dậy nhiều hải lưu cuộn sóng trong khúc sông văn học Việt Nam hiện đại từ thập niên ba mươi đến thập niên năm mươi của thế kỷ XX; (3) Một cái tôi nghệ sĩ đích thực đã giúp Phan Khôi đứng vững, không đánh mất mình giữa những bủa vây của thời cuộc” [tr.9-10].

Những tác giả bị lãng quên hoặc ít được nhắc đến trên diễn đàn văn học như Hồ Hữu Tường, Triều Sơn, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Phùng Khánh, Mang Viên Long... trong đó có người lận đận, vất vã đi qua những khúc quanh của lịch sử dân tộc và đã có một thời gian dài, do thiên kiến của những quan niệm nằm bên ngoài văn học, họ hầu như đã bị lãng quên, không được nhắc đến trong các công trình tự điển văn học/tác giả (không chỉ trong những công trình mang tầm vóc quốc gia, mà cả trong những công trình nghiên cứu cá nhân như Các tác gia văn chương Việt Nam của Trần Mạnh Thường, Nxb. VHTT 2008). Đọc công trình này của Nguyễn Thị Thanh Xuân, người đọc mới vỡ lẽ ra rằng, các tác giả này, lâu nay, tuy đây đó cũng đã từng đọc họ, nhưng không ngờ họ có một sự nghiệp văn chương đồ sộ đến như thế, hoàn toàn không thua kém bất kỳ tác giả nào có tên trong tự điển văn chương nước nhà. Chẳng hạn, ở đây ta đã gặp và khâm phục nhà văn Triều Sơn, người dường như chỉ đi ngang qua cuộc đời hơn ba mươi năm (1921 - 1954), nhưng đó là một hành trình dài, rộng với những nỗ lực, cố gắng phấn đấu không mệt mỏi đến tận cùng của kiếp nhân sinh, gắn liền với hoàn cảnh lịch sử đất nước, “tuy ngắn ngủi, nhưng đã in rõ một thời đoạn đặc biệt của trí thức văn nghệ sĩ Việt Nam. Qua ông, ta thấy một cá nhân dám sống, dám suy tư, dám hành động và luôn muốn tiến về phía trước để mong mang lại điều mới, điều tốt đẹp cho cộng đồng. Hoàn cảnh gia đình (nghèo khó); nỗ lực trí tuệ (đỗ tú tài, vào học đại học bằng học bổng); nhiệt huyết hành động để đổi thay xã hội (tham gia các tổ chức); tự tin chuyển dịch qua nhiều không gian (vào Nam, qua châu Phi, qua Pháp); chủ động tìm hiểu, học hỏi và kết nối với giới làm văn hóa (ở Việt Nam, ở Pháp); hướng về đại chúng và thao thức với cuộc đời chung, nhưng hoàn toàn không dễ dãi trong cách viết... Nói chung, bản thân con người Triều Sơn là một nhân chứng sống động của một xã hội dù ngổn ngang nhưng không tù đọng, không bế tắc” [tr.137]. Chỉ nhìn ở góc độ văn học, đã đến lúc cần trả lại sự công bằng cho lịch sử, nếu lãng quên vì bất kỳ lý do gì, là tự làm nhỏ/nghèo đi những thành tựu trong di sản văn hóa dân tộc. Nguyễn Thị thanh Xuân là một trong những người đi tiên phong một cách khả tín.

Về lối viết, như trong Lời mở, tác giả có nói rằng, “bạn sẽ gặp ở đây những bài viết không chỉ khác nhau về dung lượng, mà còn khác nhau về phong cách. Có những bài như là tùy bút đọc, với cách viết hoàn toàn thoải mái, tràn đầy cảm xúc; có những bài mang tính chất nghiên cứu, đầy ắp thông tin và luận giải, chú thích: chính trong ý thức về đặc trưng của đối tượng mà tác giả chọn cách viết tương thích, trong khả năng có thể của mình” [tr.8]. Một quan niệm nghệ thuật bao giờ cũng đưa đến một thi pháp biểu hiện tương ứng. Nhìn chung, việc phác thảo chân dung của tác giả thể hiện ở nhiều góc độ rất đa dạng và năng động. Đối với những tác giả quen thuộc với độc giả, người viết trực tiếp phân tích tác phẩm để tìm ra diện mạo tinh thần. Đối với những tác giả ít được nói đến, người viết kỹ hơn, có thêm phần giới thiệu nhân thân: năm sinh, năm mất, quê quán, dòng họ gia đình, hành trạng cuộc đời: “Hồ Hữu Tường sinh ngày 8 tháng 5 năm 1910 tại làng Thường Thạnh, huyện Cái Răng, tỉnh Cần Thơ, mất ngày 26 tháng 6 năm 1980 tại Sài Gòn, là con của ông Hồ Văn Sây và bà Võ Thị Nữ, là tá điền nghèo. Ông kết hôn với bà Nguyễn Huệ Minh, sinh được chín người con, bảy người đã mất, hiện nay chỉ còn hai người con gái: Hồ Huệ Tâm, giáo sư dạy lịch sử ở Đại học Harvard, Hoa Kỳ và bà Hồ Đào sống ở Sài Gòn” [tr.93]; “Mang Viên Long sinh ra và lớn lên ở An Nhơn, Bình Định trong một thời điểm lịch sử nóng bỏng của dân tộc (1944)...” [tr.225]. Đặc biệt, đối với những tác giả sáng tác trong các đô thị miền Nam trước năm 1975, người viết không chỉ giới thiệu nhân thân, hành trạng cuộc đời và hành nghiệp văn chương, mà còn có sự so sánh, đối chiếu với các tác giả cùng thời, tạo điều kiện cho người đọc sống ở từng thời điểm lịch sử khác nhau, có thể hình dung rõ bức tranh của đời sống văn học một cách sinh động, đa chiều, đa sắc để chỉ ra nét riêng trong phong cách của từng chân dung văn học: “Sánh vai cùng bạn văn nữ đương thời, Nguyễn Thị Thụy Vũ không sắc sảo và nổi loạn trong miêu tả thân xác như Trùng Dương; không tinh tế, yểu điệu trong câu chuyện gia đình như Túy Hồng; không vừa mơ mộng vừa quyết liệt trong tình yêu và trong nhãn quan xã hội như Nhã Ca; không lê thê thi hóa những câu chuyện tình như Nguyễn Thị Hoàng. Thích cái cường tráng tràn đầy sinh lực, thích kiểu nói dân dã, sôi động, buông tuồng mà chân thực hơn là sự kiểu cách tinh tế duy mỹ, Nguyễn Thị Thụy Vũ quan sát tận tường, miêu tả táo bạo, phơi mở nhiều cảnh huống, dõi theo nhiều số phận, chạm khắc những tâm trạng, tung hứng nhiều lời thoại đa sắc điệu: lúc dí dỏm, lúc tục tằn, lúc tràn đầy bạo lực... tiểu thuyết và truyện ngắn của Nguyễn Thị Thụy Vũ nói với chúng ta bà là nhà văn hiện thực bẩm sinh” [tr.178]. Ngay cả với Nguyễn Nhật Ánh, một hiện tượng văn học hiếm hoi trong văn chương Việt, cả về số lượng đầu sách và trang in, có thể sánh ngang với học giả Nguyễn Hiến Lê trước đây, đã từng có hàng trăm bài viết, có cả ba cuốn sách dày người ta không tiếc giấy mực luận bàn về anh. Và, với Nguyễn Thị Thanh Xuân, đó là người bạn cùng tuổi, cùng quê, cùng học một trường từ thuở tiểu học, rồi cùng “thành danh nhờ mảnh đất Sài Gòn” [tr.7], chị viết với tất cả sự đồng cảm mãnh liệt của một tùy bút chân dung xuất sắc nhất, nhưng không chỉ dừng ở cảm xúc, mà còn ngồn ngộn những thông tin mới mẻ, cứ liệu khoa học xác tín, mà không phải ai cũng biết: “Cho đến nay (2019), Nguyễn Nhật Ánh có trên 100 tác phẩm và số lượng sách tái bản thường rất lớn. Chỉ trong 20 năm đầu của thế kỷ XIX, anh đã có gần 40 tác phẩm mới. Truyện dài Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ (2008) được giải ASEAN 2010, đã dịch ra tiếng Thái, tiếng Hàn và tiếng Anh. Truyện dài Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (2010) là một hiện tượng văn học: 27 lần tái phát hành với số bản in 129.000 bản, được chuyển thể thành một bộ phim điện ảnh có cùng tên, công chiếu năm 2015, với doanh thu cao” [tr.278]. Có những trang viết của chị, vượt ra ngoài phạm vi văn chương, vì văn chương không dừng lại ở tư tưởng chung chung, mà trước hết văn chương là văn hóa, là triết học, đạo đức, chính trị, xã hội... Viết về Phùng Khánh, Mang Viên Long mà không am hiểu Phật giáo, hoặc viết về Bùi Giáng, Hồ Hữu Tường, Triệu Sơn và cả Phan Khôi, Thiếu Sơn mà không am hiểu các trào lưu triết học hiện đại thì không thể thành công được...

Chân dung văn học của Nguyễn Thị Thanh Xuân, có cái là tùy bút, có cái là bút ký, có cái là ký chân dung, nhưng cũng có cái chỉ là một bài nghiên cứu phê bình tác giả, tác phẩm bình thường. Ở những tác giả có điều kiện gặp gỡ, tiếp xúc dường như trang viết tỏa ra hơi ấm nồng nàn, chứ không nguội lạnh tro than như những công trình nghiên cứu. Người viết chỉ tập trung khắc họa chân dung tinh thần, chứ ít quan tâm đến diện mạo con người vật chất. Đành rằng, chân dung văn học chủ yếu là được khắc họa thông qua trang viết, nhưng nếu có vài nét chấm phá về ngoại hình, người đọc có thể dễ hình dung trọn vẹn được mỗi bức chân dung. Thật hiếm hoi những miêu tả các chi tiết liên quan đến ngoại hình như trong Tưởng niệm Tô Hoài, chị viết rằng: “Nhớ đến Tô hoài hôm nay, là nhớ đến một người văn và đời văn tủm tỉm nụ cười. Nụ cười ấy vừa trẻ thơ láu lỉnh vừa lão thực trầm tư. Ông không mang lại cái nhìn ngạc nhiên. Ông ít tạo nên kịch tính vậy mà trang viết của ông vẫn cứ tươi mới, vẫn cứ đầy ắp những giao cảm âm thầm” [tr.159]. Quả thật, nhớ Tô Hoài, là người ta nhớ nhất nụ cười của ông. Nụ cười ấy như một thứ khúc xạ ánh sáng, tràn qua trang văn đầy ắp những sự kiện của ông, lấp lánh khó quên.

Điều cuối cùng có thể nhận ra từ công trình chân dung văn học của Nguyễn Thị Thanh Xuân, là từ vùng sinh quyển mà chị chăm chút dệt nên từng bức chân dung, đã tạo nên những sinh thể văn chương sinh động thật sự, bên cạnh đó, còn có những liên tưởng, phái sinh để người đọc có thể hình dung ra một sinh thể thứ 19: đó là hình tượng tác giả, tuy vô hình, nhưng là có thật, theo dõi từng số phận, hành trạng cuộc đời và hành nghiệp văn chương của từng người, lúc nào có mặt, dường như luôn đi lại, nói cười, trao đổi cảm thông... Không nhiều bài và thỉnh thoảng mới xuất hiện người xưng “tôi” trong trang viết, một cách có ý thức của tác giả. Hơn ai hết, người viết phê bình là người cố tình trốn lặn đằng sau câu chữ, nhưng tùy thuộc vào cảm xúc, tình cảm nặng đầy trên từng trang viết, vô tình làm hiện ra chân dung tự họa của người viết. Với Nguyễn Thị Thanh Xuân, đó là sự cảm thụ tinh tế, tình cảm đằm thắm và sự tự tin một cách xác tín. Qua mỗi trang viết nặng đầy cảm xúc của chị, có thể nhận ra một điều chắc chắn rằng, chị phải quý trọng các tác giả nhiều lắm và dành cho họ những tình cảm chân thành cũng như tình yêu chị dành cho văn học. Tuy không được đọc hết các công trình của chị, nhưng kể từ cuốn sách đầu tay chị viết chung với người bạn đời của mình là Giáo sư, tiến sĩ văn học Huỳnh Như Phương (1986) đến nay, tôi vẫn nhận ra, qua trang văn những ấm nồng cảm xúc.

P.P.P  
(TCSH373/03-2020)



 

Các bài mới
Các bài đã đăng