Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.3-20)
Những khoảng Huế xanh
15:46 | 01/05/2020

TRẦN NGUYÊN   

Rong ruổi trên những con đường xứ Huế thật chậm mới nhận ra màu xanh như rêu trên vách thành xưa ảo huyền.

Những khoảng Huế xanh
Ảnh Phạm Bá Thịnh

Sẽ rất tuyệt vào những ngày còn chút se lạnh mà nắng rực rỡ từ sớm, ta chạy xe vào Cửa Ngăn, đi trên đường Đoàn Thị Điểm nắng rọi xiên qua những tàng cây và vương trên Hoàng thành. Miên man rồi nhìn sâu vào đường Hàn Thuyên cũng rợp trời hoa phượng. Rồi lại đi, rẽ vào đường Đặng Thái Thân có quán cà phê Chiều thuở sinh viên tôi từng đến nhiều lần. Cái quán nhỏ xinh mộc mạc với hai chị em hay mặc váy trắng bưng khay ra như từ hoài niệm, có những chiếc bình cũ với hoa sen và nhiều loài hoa dại, ban đêm thì thắp nến và thường chỉ mở nhạc Trịnh. Một thời ươm mộng đã gửi nơi đây kể cả những buổi chiều khi nắng sắp tắt, ngồi nhìn qua khung cửa sổ của quán để thấy một góc cấm thành rêu phong hun hút bóng cung nữ ngóng về… Rồi lại ngồi dậy và đi, hết con đường thì rẽ phía trái để ra đường Lê Huân nhiều cây lớn hai bên, và cung xưa vẫn nằm mơ dưới nắng. Vậy là ai đó đã theo con đường hình vuông quanh Hoàng thành, với chiếc áo gió để vớt vát chút lạnh khi nắng xuân chan hòa đổ xuống. Hết đường Lê Huân là có thể dừng xe lên bờ thành nhìn vô Đại nội, mùa thu loài cỏ tranh và bông lau trắng nhức trời. Tôi đứng và nghĩ nhiều đến một con đường phía sau có thể nàng cung nữ nào đó đã thoát được để trở về với lời hẹn ước duyên tình. Đó dĩ nhiên là một ảnh tượng, nhưng con đường ấy nhiều lúc vẫn hiện lên trong tâm tưởng, hay đó là hình ảnh người lính gác mở ra một con đường cụt cho mình để thả trôi phận cung nữ về nguồn, và cũng có khi đó là con đường mà máu vương trên thảm bông lau trắng muốt, trắng như niềm trinh tiết ngời ngời.

Có những con đường gắn với hoài niệm đẹp lạ lùng. Nhiều con đường mấy mươi năm vẫn thanh bình như ngày xưa nữ sinh Đồng Khánh với tà áo trắng tản bộ bên lề. Nhiều năm rồi tôi thường chiều chiều ngồi cà phê ở quán nhỏ đường Nguyễn Trường Tộ. Cô chủ nói con đường này từ xưa đến giờ vẫn thế. Tôi thích từ “vẫn thế” rồi sau đó là dấu chấm lửng. Bên kia với cây long não vạm vỡ. Tuổi đời của cây này không ít, nghĩa là từ bấy đến nay con đường không nới rộng, mà nó đã rộng lắm so với những con đường chính trong thành phố Huế. Đường rộng lại yên bình, không nhiều người qua lại và thường vắng tầm sáu giờ tối.

Đi trên đường Lê Lợi đoạn trước cổng Trường Hai Bà Trưng nhìn ra sông Hương đẹp lộng lẫy, rẽ vào con đường này bắt đầu bên nách ngôi trường nữ sinh, điểm nhấn là cây phượng tím đầu đường mà năm ngoái thành phố Huế duy nhất nó nở bông. Màu sơn đỏ sậm của ngôi trường hòa với màu ngói như kéo thời gian xưa về lại, và bên kia là trường Quốc Học với bức tường lỗ chỗ rêu thức dậy một khung trời thơ dại học trò. Mùa phượng đỏ rực xòa bên mái và vươn ra vỉa hè nhoi nhói ký ức. Con đường cắt với đường Nguyễn Huệ, rồi tiếp tục kéo dài lên dốc Phủ Cam. Hồi sinh viên tôi mấy lần dắt xe đạp từ chỗ chắn tàu, thấy con dốc như cao hơn bây giờ nhiều. Chẳng phải đạp xe lên không nổi, mà đi bộ mới thấy vẻ đẹp của ngôi nhà thờ với ba cây thánh giá rợp bóng tâm linh trên đầu, và khoảng mênh mông lừng lững mây trời trên những cây thánh giá. Bây giờ có một người bạn lần đầu chuẩn bị đến với Huế, tôi sẽ nhắn rằng mình sẽ đưa bạn đến một nơi bắt đầu bằng cây phượng tím trên con đường nằm giữa ngôi trường nữ sinh Đồng Khánh xưa và trường nam sinh Quốc Học với những bức tường rêu điểm trên màu sơn đỏ sậm của hai ngôi trường ửng lên dưới nắng, đi thêm một đoạn sẽ gặp những cây long não già, những quán cà phê mấy chục năm vẫn bao người khách quen đến từng cử chỉ, và ở một dãy nhà xưa có căn gác một thời người nhạc sĩ nổi tiếng đã viết những tình khúc bất hủ, hình bóng thướt tha của cô gái Huế qua cây cầu thơ mộng và nhỏ dần về phía con dốc nhà thờ Phủ Cam cổ kính.

Tôi vẫn nghĩ nhiều về con đường này, bởi theo thời gian người và phương tiện giao thông sinh sôi, những con đường đều được mở rộng do vậy cây cổ thụ sẽ mất đi, nhưng con đường này “vẫn vậy”. Sao ngày xưa người ta đã mở đường rộng đến mức bây giờ nó vẫn là một trong ít con đường rộng rãi nhất phố Huế. Nếu ở đây không còn những cây cổ thụ hẳn con đường không đến mức thơ mộng như vậy. Tôi nhớ hình ảnh vào chiều thu nào đó, lá rụng có chỗ dày đến cả gang tay, một đứa trẻ đã vốc lá phượng tung lên trời tạo nên một thước phim tuyệt đẹp trong tâm trí. Ban đầu người bố nạt con làm bẩn hết cả người, chút sau thấy đẹp, anh vồn vả chụp những bức ảnh. Tôi vẫn ngồi nhấp cà phê và nhìn. Bây giờ ngay tại đó đã có ngôi trường mầm non hạng sang. Cứ cuối chiều xe hơi nhiều, rồi lại vắng. Lần ấy tôi vừa đến đã thấy hàng tò he phía trước, hiếm lúc gặp lắm, cả năm rồi mới thấy xuất hiện nơi này. Những đứa trẻ quay lại và nhiều trong số đó được cha mẹ mua cho những con tò he nhuốm màu sắc tuổi thơ, như tín hiệu của miền trong lặng cho mỗi ai mong mỏi quay về.

Cái quán cà phê tôi hay ngồi ngay bên nách ngôi trường. Ngồi lâu thì nhìn được nhiều, mỗi chiều lại thấy những người quen đến đón con về, có cả những vị lãnh đạo đã nghỉ hưu, đánh xe đón cháu vừa giúp con vừa là nguồn vui tuổi chiều. Nhưng tôi thường để ý nhiều hơn đến những con người bình thường vẫn ngang qua mỗi ngày. Có dạo giữa thu lá rụng, tôi chợt thấy một người đàn ông cầm cây chổi cái dài quét sạch sẽ phía bên kia dọc theo bức tường của Trung tâm Mục vụ. Những ngày sau tôi vẫn thấy như vậy, để ý mới biết ông làm tự nguyện chứ không phải người phu quét đường. Thế đấy. Nhiều người nữa, có thể họ là người gom chai bao, đạp xe qua thấy cái vỏ nước ngọt lăn bê vệ đường thì dừng nhặt lấy. Và người phụ nữ mảnh dẻ ấy, thường trong khoảng thời gian ấy, tôi thấy cô xách một cái giỏ nhựa cuốc bộ từ đâu tới, đến bên cái thùng đổ rác và lại xách giỏ không về. Đều đặn, nhẫn nại, thong dong, người phụ nữ khiến tôi để ý nhất trong những con người hay qua con đường này, và thậm chí là chờ đợi. Có lần đã muộn, tôi quầy xe về thì cô đang tới, liền rà xe phía sau, và thấy, cô đổ xong phần rác của mình vào thùng thì nhặt những bì rác người ta quăng cẩu thả cho vào trong thùng. Hành động này có nhỏ không?

Bé cũng theo mẹ đi Chủ nhật xanh. Ảnh: Hoàng Văn Phước


Tôi nhớ thời gian khi Huế chưa thực hiện Ngày Chủ nhật xanh, con ngõ trước mặt nhà, nghe nói cũng đề xuất xin thùng rác song họ nói ngõ ngắn, nên dân làng cứ gói đùm ra để chỗ gần nhà tôi, chó gà hay tới nghịch ngợm rất bẩn. Từ ngày có Chủ nhật xanh, xe rác tới thường xuyên hơn, hốt sạch các loại rác, không phân biệt chọn lựa như trước đến nỗi người dân phải hỏi cái này cái kia không phải rác hay sao mà các anh chừa lại. Rồi sáng ấy chở nhà tôi đi cà phê ngày nghỉ, thấy chị chủ tịch phường cầm chổi quét ngay chỗ ngã rẽ, tôi có chút băn khoăn là lạ, chợt nhớ Ngày Chủ nhật xanh, liền xuống xe quay vào và cả hai cầm chổi ra cùng quét; mới hay còn nhiều người nữa đang dọn rác con ngõ rẽ cạnh đó lâu nay vẫn rác rến và nước thải chảy bẩn thỉu. Đến bây giờ lề đường kia cũng được láng ximăng sạch sẽ. Ngày Chủ nhật xanh đã xanh thêm những vồng hoa ngoài đường và những chậu hoa mười giờ trước nhà.

Nhiều lần đứng ở góc cầu An Cựu với đường Phan Đình Phùng cứ hay để ý đến những người buôn bán sỉ và lẻ, lâu ngày rác ở đó tấp đống. Nhưng tôi vẫn thích đứng đó vào những sớm đợi người thân mua sắm trong chợ. Nắng chan hòa trên sông và thả xuống những gánh hàng hoa quả xanh tươi từ xứ Truồi. Hôm đó bên phường đến dọn dẹp. Có một mệ bày chuối, các anh công an giúp bê từng buồng chín tới vừa xanh vừa vàng hòa dưới nắng băng qua để bên kia đường, một khung cảnh hiền dịu và đẹp lạ. Rồi một sớm đang lúc nắng xiên trong vắt, đứng ở góc có cây bàng nhỏ ấy thấy những con thuyền nhẹ nhàng vớt từng cọng rác trôi qua rồi thuyền khuất qua bên kia cầu, xa dần mỏng dần những cái bóng vẫn từng ngày làm sạch dòng sông.

Có bận giơ máy ảnh, hình lọt vào ở góc phố từ cầu An Cựu ngoặt xuống đường Phan Đình Phùng, có một anh trung niên bán trà và chạy xe ôm. Mỗi sáng bên những cái ghế cũ nát và cái bàn đặt tạm là ấm trà nóng cho vài ba người xuây quanh nhâm nhi, giờ sạch sẽ thoáng đãng hơn khiến cho dư vị của trà cũng ấm tình với những người lao động. Cạnh đó nữa là hàng bánh canh bình dân rồi tiếp đoạn nữa là các mệ các chị bán hoa quả, bao giờ cái màu nắng pha với màu lá màu trái chín vàng đỏ luôn gợi về một góc chợ quê thân thuộc. Ở chợ Đông Ba thì không gian phía trước không thoáng  lắm song tôi vẫn thích đứng đó nhìn người vô ra tấp  nập. Ngày trước rác bầy nhầy đen đúa. Hàng cây  già dọc từ bến xe cũ kéo dài đến hết mặt tiền chợ  nay như xanh hơn, mát lành trước một địa điểm  mang nhiều nét duyên của lịch sử. Nhiều lúc lại  nghĩ nếu như không có hàng cây này, nắng tầm  nửa buổi đã gay gắt đổ xuống khu chợ và cảm giác  khó chịu biết bao. Dọc giữa làn đường Trần Hưng  Đạo cũng còn đó hàng cây giống bên này, có những  cây đã cổ thụ vài người ôm. Mùa hạ mùa thu màu  hoa vàng và đỏ xen nhau bung lên giữa khoảng trời  xanh. Mùa đông nối xuân lá vẫn dày và xanh như  sức sống trỗi dậy. Ngay ở góc cầu Trường Tiền rẽ  trái, con đường nhỏ chạy vòng phía sau chợ Đông  Ba, vào dịp lễ hàng hóa bày miên man sắc màu;  một lần tôi qua thấy ở bờ sông tiếp giáp con đường,  dưới những hàng cây đổ nắng sớm, những người  công nhân đang quét lá gom lại và đốt, màu khói  bay lên giữa nắng trong xanh và cái mùi xưa xa đã  ùa về ngơ ngẩn.  

Những con đường xanh và sạch gọi mời người  qua. Mỗi sáng sớm lúc nắng vừa lên hay chiều nhạt  dần, mây trở màu và cuộn rực hồng, trong các công  viên hai bên bờ sông Hương đẹp hơn những gì có  thể tả đến. Vườn tượng phiêu hồn theo màu thời  gian. Bên bờ bắc trên phố Nguyễn Đình Chiểu hay  dưới cầu đi bộ sạch tưng vào độ xuân hồng. Con  đường ven sông bên bờ nam từ cầu Dã Viên xuyên  qua cầu Mới, qua cầu Trường Tiền và đi thêm đoạn  nữa sẽ đến một chỗ quành vừa phải của khúc sông,  ta có thể đứng đó ngắm bóng con đò khoan thai  vô tình chở nắng chở cả những hoàng hôn nhuộm  xuống dòng sông mờ ảo. Những công viên tiếp giáp  với bờ sông giờ cả hai bên đều có con đường đi dạo  tuyệt đẹp. Mùa xuân về với vạn thứ hoa trải dài phía  đối diện với Ngọ Môn, và phía sau nó là con đường  gần sông, một không gian trong mát cùng những  cây lâu năm rải rác ở công  viên khiến cho nơi này trở  nên thân thương, khiến cho  người ta nhớ và muốn quay  lại vào những mùa khác  nhau để cảm nhận.

Có những lúc tôi ra khỏi  vành đai thành phố, sáng  chạy theo con đường Võ Văn Kiệt vòng lên cầu vượt  Thủy Dương để hướng về  cửa ngõ phía Nam của Huế,  một sáng nắng nhuốm lên  các đọt cây hai bên đường  vừa được trồng, màu nắng  ngời trên màu đỏ của lộc  lung linh đến chân cầu mới  hết. Đứng lại giữa cầu nhìn  xuống con đường thẳng lên  thành phố với nhiều màu  sắc lạ, rồi đường tàu phía  bên ửng nắng hút xa. Nhiều lúc về chiều tôi cũng  dừng lại đây ngắm hoàng hôn phía Đông Nam đô  thị mới, sắc mây không cần tô điểm gì thêm cũng  không cần chỉnh lại từng mảng khối thiên nhiên đã  hoàn thiện. Từ đây con đường vẽ thêm đường vòng  về phía phải để xuống quốc lộ thẳng về phường  Phú Bài. Con đường thoáng rộng và có cánh đồng  Thanh Lam bát ngát, một đoạn trống với gió ban  ngày và trăng mênh mông vào đêm. Nhớ một ngày  hơn chục năm trước, chúng tôi ngang qua chừng  tối, thấy phía dưới nước cạn, cả chiều người ta đã  tháo nước bắt cá và giờ có cái gì ngúng nguẩy,  dừng lại nhìn thì đúng như đoán là mấy con cá tràu  thiệt lớn. Có lẽ chúng từ trong hang bò ra và mắc  cạn trong bùn, bóng nhẫy dưới trăng, thấy sao tội  nghiệp quá... Hình ảnh cánh đồng Thanh Lam từ  đấy gieo vào tâm thức những vẻ đẹp riêng, lúc nào  ngang qua cũng nhìn hai bên. Mấy năm trước người  ta thả cá, bây giờ phần nhiều chuyển qua trồng  sen, hẳn là trong chương trình làm đẹp cảnh quan  trên con đường cửa ngõ của thành phố đón khách  ngoại tỉnh từ sân bay Phú Bài. Ở đâu và bao giờ  cũng thế, thiên nhiên luôn quan trọng đối với sức  khỏe và tâm hồn con người. Mùa xuân đơn giản là  “xanh”, xanh trời, xanh cỏ cây hoa lá, xanh tuổi đời,  và hiển nhiên lúc nào có “xanh” thì bóng dáng của  mùa xuân ở đó.  

Tôi hay tiếc nuối mỗi chiều nắng rực, rồi mặt  trời ủ vào mây làm một cuộc hoà tan vào hoàng  hôn ở phía trên Kỳ đài. Từ góc cầu Trường Tiền mà  lưu giữ sắc trời sẽ là góc ký ức lộng lẫy. Những đàn  cò đã bay về nhiều hơn, dập dờn trên dòng Hương  mỗi sớm mỗi chiều rồi đậu dày ở hàng cây ven sông  thanh bình.  

T. N
(SHSDB36/03-2020)



 

Các bài mới
Chuyện cổ tích (22/05/2020)
Giọng hát (14/05/2020)
Các bài đã đăng