Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.3-20)
'Giọt thiền' trong kết cấu thể thơ Haiku
15:17 | 07/05/2020

THANH NGÂN  

Kết cấu vừa là toàn bộ tổ chức nghệ thuật sinh động của tác phẩm, vừa là phương tiện khái quát nghệ thuật. Cho nên, nó đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc khái quát và thể hiện tư tưởng - cảm xúc của tác phẩm văn học nói chung. Khi đánh giá kết cấu tác phẩm không phải chỉ xét nó dưới sự hài hòa, cân đối của nội dung.

'Giọt thiền' trong kết cấu thể thơ Haiku
Ảnh: internet

Theo đó, khi tiếp cận kết cấu “loài hoa Haiku”, ta cần phải có cái nhìn thật tỉnh táo bởi loại thơ này rất ngắn, nội dung chỉ gói gọn trong 17 âm tiết, chia thành 3 câu không cân đối, thậm chí, bài thơ không cần chấm câu và từ ngắt. Có thể thấy, cùng phát triển dưới ánh sáng của nền văn hóa phương Đông nhưng Haiku không hề bị chi phối bởi những quy định khắc khe, những đòi hỏi cao về vần, niêm, luật, đối, kết cấu, tiết tấu,… như thơ Đường luật. Thế nhưng, không phải vì thế mà chúng ta coi nhẹ, cho rằng kết cấu Haiku không có tác dụng gì đối với tác phẩm. Thực tế, các thi phẩm Haiku vô hình chung đã tạo nên những đặc trưng riêng về mặt kết cấu, mà lâu nay ít ai để ý đến, bởi mọi người vốn chỉ quen dùng từ “ngắn gọn” để diễn tả kết cấu của loại thơ kiệm lời Haiku. Thử khảo sát các bài thơ Haiku, ta thấy nổi lên 3 dạng kết cấu cơ bản là: Kết cấu cân bằng bất đối xứng và kết cấu bỏ lửng… lấp đầy và Sarna - đốn ngộ.

1. Cân bằng bất đối xứng

Nói ra tưởng như là nghịch lí, bởi tại sao “cân bằng” mà lại “bất đối xứng”. Thế nhưng, đây chính là đặc trưng nổi bật nhất của thơ Haiku từ góc nhìn nghệ thuật. Bằng ngòi bút sắc sảo và tâm hồn thi sĩ tinh tế, mỗi cấu trúc Haiku đều gợi mở đủ để người đọc nắm trọn vẹn nội dung bằng khả năng “đồng sáng tạo” của mình, chứ không cần phải nương tựa vào sự lộng lẫy của hình thức:

Chim vân tước bay
thở ra sương gió
dẫm lướt từng mây
. (Shiki)

Hình ảnh chim vân tước tự do tự tại giữa bầu trời cao rộng tuy bé nhỏ nhưng lại có ảnh hưởng đến cả gió mây vũ trụ. Tất cả như thu gọn ở phút giây bất ngờ của thực tại trong bức tranh hư không. Tại đó, tiểu vũ trụ (chim vân tước) và đại vũ trụ như hòa nhập là một. Nếu cho rằng kỹ xảo của Haiku là giản lược tối đa chữ nghĩa trong thơ để huy động trí tưởng tượng nơi người đọc thì bài Haiku trên đúng là như vậy. Nó thực sự đưa con người vào thế giới của niềm rung cảm tinh tế và hài hòa của đất trời.

Haiku giống như tranh, nhưng chưa bao giờ dừng lại ở sự mô tả bề ngoài đơn thuần, tức nó không dựa vào kết cấu của bài, nhất là khi kết cấu ấy lại khập khiễng chẳng có sự sắp xếp giữa các câu, từ sao cho cân bằng. Cái mà thơ Haiku hướng đến chính là một tứ thơ nhất định, biểu hiện một cảm xúc hay một suy tư nào đó. Vì vậy, kết cấu bề ngoài của Haiku tuy mất cân đối nhưng lại có sự cân bằng trong nội dung, trong sự kết hợp giữa các yếu tố hình ảnh, chi tiết… đặc sắc mà gần gũi, nhằm hướng đến biểu hiện cái toàn thể:

Con ngựa gặm cỏ
những đóa hoa hồng
nở rộ bên đường
. (Basho)

Con ngựa gặm cỏ”, “hoa hồng”, chính là những hình ảnh rất đỗi bình thường trong cuộc sống được nhà thơ lựa chọn nhằm chuyển gửi thông điệp của cuộc sống. Cả hai đồng hiện trong bức tranh dân giả của vạn vật đang cựa mình. Đó là bức tranh sinh động có chú ngựa đang thản nhiên gặm cỏ, có không gian thanh khiết của hương hoa hồng mùa nở rộ. Nó tràn đầy sức sống của mùa xuân nơi cõi trần thơ mộng, đang mời gọi người đọc thả hồn vào đó.

Thậm chí những hình ảnh án ngữ trong bài thơ ngỡ như không liên hệ gì nhưng thực chất lại hòa nhập vào nhau đằng sau lớp ngôn từ ít ỏi. Song, nó không hề biến bài thơ thành chỉnh thể rời rạc, vô cảm. Kết cấu ngắn gọn của Haiku dường như chỉ dùng để biểu hiện rõ hơn tính hàm súc:

Lặng yên qua mấy từng không
lời ve
gõ thấu vào lòng đá xanh
. (Basho)

Chỉ mấy dòng thơ sắp xếp khập khiễng nhưng ta cảm nhận được văng vẳng đâu đó, tiếng ve như phá tan cả đá, đập vỡ cả không gian vũ trụ để thấm vào trong lòng tạo vật.

Thực ra, trong tương quan với các loại thơ có kiểu kết cấu cân xứng thường gặp trên thi đàn phương Đông, kết cấu cân bằng bất đối xứng không hề làm mất đi sự “chững chạc”, vững trải của cấu tứ bài thơ mà góp phần làm nên nét độc đáo riêng biệt và mới lạ cho nó. Thêm vào đó, chính sự “bất thường” trong hình thức ấy đã nói lên được nội dung tác phẩm dựa trên “mối quan hệ ràng buộc lẫn nhau của vạn vật” đã khiến cho Thiền vị thơ Haiku thêm đậm đà.

 

2. Bỏ lửng… lấp đầy

Kết cấu bỏ lửng… lấp đầy của thơ Haiku chính “là cái hư không bảng lảng khó nắm bắt của tinh thần Thiền tông” (Trần Tố Loan) cần có sự tham gia đồng sáng tạo từ phía độc giả để giải phóng nội dung. Ẩn sau đôi ba câu ngắn gọn trong những vần thơ quen thuộc của Basho, triết lí vô cùng sâu sắc từ cuộc sống như đang được truyền giảng bằng thứ ngôn ngữ vô ngôn đặc biệt

Đất khách mười mùa sương
về thăm quê ngoảnh lại
Edo là cố hương.
(Basho)

Chịu ảnh hưởng sâu sắc của Thiền học, các nhà nghệ thuật Nhật Bản nói chung, thơ Haiku nói riêng thường có khuynh hướng diễn tả tình cảm với số chữ hoặc số nét tối thiểu nhất, nó kị sự dài dòng và luôn đề cao hình thức ngắn gọn. Chính vì Haiku “bỏ lửng” không đi vào trình bày, giải thích, lí luận dông dài hay phơi trải tất cả những gì tác giả muốn nói một cách cụ thể (dù chỉ mang tính chất định hướng, gợi ý), nên chúng ta phải vén bức màn ngôn ngữ bằng chính nguồn mạch nhận thức logic của mình để “lấp đầy” nội dung tác phẩm. Tạo ra sự thống nhất hài hòa giữa nội dung và hình thức nghệ thuật.

Với dung lượng ít ỏi của bài Haiku trên, tác giả như tâm tình với độc giả về cuộc hành trình mười năm sống và rong ruổi trên con đường thiên lí Edo, nay muốn trở lại thăm chốn xưa. Nhưng khi bước chân rời khỏi Edo thì lòng bỗng chợt bàng hoàng sực tỉnh, ngộ ra mảnh đất gắn bó “mười mùa sương” - đất khách, đã trở thành quê hương tự bao giờ chẳng hay. Dường như ta cảm nhận được nỗi lòng của tác giả đối với quê hương và những điều được - mất ở đời. Nhà thơ tinh ý khắc họa cái vô hạn của không gian và thời gian nhưng không quên đề cập đến cái hữu hạn của đời người. Khi bước vào tuổi xế chiều, thời gian gắn bó với quê hương bị rút ngắn, nhà thơ chợt ngộ ra đâu đâu cũng là quê hương, cũng là nơi máu thịt của mình. Rõ ràng, thi nhân vô hình chung đã hòa cái vô hạn và hữu hạn làm một dải để trải dài tình cảm của mình đối với quê hương. Đó cũng chính là quy luật tình cảm muôn đời của con người:

Khi ta ở chỉ là nơi đất ở.
Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn.

            (Chế Lan Viên - Tiếng hát con tàu)

Từ chủ quan của người viết, ta thấy, kết cấu bỏ lửng… lấp đầy trong thơ Haiku gần như phát biểu cho một quan niệm tiếp nhận văn học mới. Nếu như văn học truyền thống lấy tác giả là đối tượng trung tâm, nội dung, ý đồ nghệ thuật của tác phẩm chính là để bày tỏ tâm trạng, phát biểu tư tưởng của người sáng tác thì Haiku lại là sự tương tác giữa tác giả (người tạo ra hình thức “bỏ lửng”) và người đọc (đối tượng “lấp đầy” chỗ trống nội dung). Để sở hữu một chỉnh thể Haiku trọn vẹn thì yêu cầu đặt ra không phải chỉ ở người sáng tác cần tìm kiếm những vẻ đẹp ẩn náu trong khắp “hang cùng ngỏ hẻm”, “nằm man mác trong vũ trụ” (Thạch Lam) mà còn đòi hỏi cao ở khả năng liên tưởng, chiêm nghiệm của từng người đọc. Tác giả lúc này chỉ đóng vai trò là người cung cấp một lượng ngôn từ vừa đủ để gợi mở, hình dung về một góc rất nhỏ trong bức tranh “muôn hồng nghìn tía” của đời sống mà thi nhân bắt gặp. Quan trọng là chúng ta phải biết tư duy trước thử thách vốn “khó nắm bắt” như Haiku.

Rõ ràng, “Haiku đã tạo cho người đọc có cảm giác về một sự còn thiếu, như bức tranh đang vẽ dở chừng…” [3;115] và muốn viết tiếp bài thơ. Thơ Thiền Lý Trần nổi bật ở sự cô đọng, hàm súc còn thơ Haiku có cả sự cô đọng lẫn trống vắng. Đây chính là hiệu ứng thẩm mĩ mà kiểu kết cấu bỏ lửng… lấp đầy mang lại.

3. Sarna - đốn ngộ

“Sarna - đốn ngộ” vốn là thuật ngữ của Thiền tông Phật giáo. Theo Từ điển Nho - Phật - Đạo (Lão Tử và Thịnh Lê, Nxb. Văn học, Tp. Hồ Chí Minh 2001) giải thích: Sát-na (Ksana) là “thuật ngữ Phật giáo dùng để chỉ quỹ thời gian ngắn nhất”. Còn “đốn ngộ” là “thuật ngữ Phật giáo dùng để chỉ việc không cần tu hành lâu dài, mà dựa vào linh tính bỗng nhiên giác ngộ Thiền lý…”. Trong từ điển tiếng Việt, trong ngôn ngữ thuyết giáo nhà Phật và cả trong ngôn ngữ đời thường, chúng ta cũng thường hay dùng từ “ngộ”. Đó chính là cách hiểu, cách nói vắn tắt, giản dị, mộc mạc từ khái niệm cao siêu “Sarna - đốn ngộ”.

Từ đó, đưa đến thời gian khoảnh khắc và yếu tố bất ngờ trong Haiku. “Sarna đốn ngộ” làm nên đặc trưng thẩm mỹ riêng của loài hoa này. Mà làm nên cái bất ngờ chính là cốt lõi của cấu tứ bài thơ, biểu hiện như là một kiểu kết cấu độc đáo - kết cấu Sarna đốn ngộ.

Xét cấu tứ bài thơ và kết cấu thứ tự các câu thơ, phần lớn yếu tố bất ngờ thường rơi vào câu thơ thứ ba. Đó là câu thơ có vai trò kết thúc bài thơ nhưng lại mở ra một chân trời mới:

Đất khách mười mùa sương
về thăm quê ngoảnh lại
Edo là cố hương.
(Basho)

Hai câu đầu là sự bộc lộ hết sức bình thường trong tâm lí của một người con xa quê, nay muốn quay trở về chốn cũ. Thế nhưng, chỉ với khoảnh khắc lướt qua - “ngoảnh lại”, nhà thơ “đốn ngộ” ra Edo thân thương, quen thuộc biết nhường nào, cứ như là mảnh đất “chôn nhau cắt rốn” của mình vậy. Cũng trong kết thúc đầy bất ngờ ấy, người đọc cũng tự thức tỉnh trước quy luật sáo mòn nhưng đã vào quy củ, đó là con người cứ thả mình lặng lẽ trôi theo dòng đời chìm nổi, bỏ quên rất nhiều thứ hạnh phúc quan trọng ngay ở bên cạnh mình. Như vậy, trọng tâm ý nghĩa được đọng lại ở câu cuối, vừa tạo bất ngờ vừa tạo khả năng gợi mở.

Có lúc là một món quà dễ thương đến bất ngờ của mùa đông mà tạo hóa gửi đến:

Cời lửa lên nào
tôi có món quà kì diệu
nắm tuyết trắng phau
. (Basho)

Câu thơ cuối nhanh chóng trả lời sự giăng mắc trong lòng người đọc một cách đầy bất ngờ khiến chúng ta không khỏi ngạc nhiên về “món quà kì diệu”. Hóa ra, món quà của thi nhân đơn giản chỉ là một “nắm tuyết trắng” nhưng nó tinh khiết như tâm hồn vô tư của tác giả vậy.

Thi thoảng, ở vài bài thơ, yếu tố bất ngờ còn xuất hiện ở ngay câu đầu tiên, hoặc ở câu hai, hoặc ở cả ba câu thơ tạo nên một hiểu quả thẩm mĩ trùng lặp:

- Cái thế gian ngu xuẩn này
muỗi gầy rận gầy
trẻ con gầy.
(Issa)
- Lọt lòng tắm
chết lại tắm
rõ ngẩn ngơ
. (Issa)

Nhiều bài thơ đẹp - sinh động như một bức tranh tả cảnh, có vẻ như không liên quan gì đến “đốn ngộ” với “bất ngờ” nhưng lại có ý nghĩa sâu sắc:

Trên cành liễu nghiêng
con bướm đổi chỗ
mỗi lần gió lên
. (Basho)

Nhà thơ quan sát động thái của con bướm trong tương quan với cành liễu và cơn gió. Nàng bướm nhỏ xinh xắn phải vất vả với cành liễu nghiêng mỏng manh đang lả lướt theo cơn gió để tìm một chỗ đậu vững chãi, lấy thăng bằng cho cơ thể của mình. Dường như, thiền sư nhận thấy con người và bướm nhập lại là một. Do vậy, dù cuộc sống là dòng chảy vô thường, biến chuyển không ngừng thì hãy như con bướm kia trên cành liễu nghiêng trong trạng thái cân bằng an nhiên tự tại. Như vậy, cánh bướm bé nhỏ bất ngờ xuất hiện và mở lối đưa ta vào đường Thiền thênh thang và đường đời gập ghềnh...

Tuy nhiên, khảo sát qua bản dịch thơ, chưa có điều kiện đối chiếu nguyên tác nên chưa dám khẳng định thứ tự câu thơ một cách tuyệt đối. Song, kết cấu Sarna đốn ngộ với việc sử dụng thời gian khoảnh khắc làm nên yếu tố bất ngờ cho kết cấu bài thơ là điều hoàn toàn không thể phủ nhận.

Trên đây là ba kiểu kết cấu cơ bản của thể thơ vốn “không nói nhiều”, “im lặng hơn là nói” - Haiku - dưới màu sắc thiền. Hy vọng rằng, bài viết sẽ góp vào một cái nhìn mới mẻ về thể thơ “đẹp mà lạ” này, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của những bạn đọc quan tâm.

T.N  
(SHSDB36/03-2020)



 

Các bài mới
Chuyện cổ tích (22/05/2020)
Giọng hát (14/05/2020)
Các bài đã đăng