Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.3-20)
Phát triển đô thị Thừa Thiên Huế ở tầm nhìn mới
10:17 | 22/05/2020

VÕ VÂN ĐÌNH  

Ngày 10/12/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nhằm xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, với những định hướng dài hạn, sâu rộng, toàn diện trên nhiều lĩnh vực.

Phát triển đô thị Thừa Thiên Huế ở tầm nhìn mới
Ảnh: Ngô Thanh Minh

Bộ Chính trị nhấn mạnh việc thực hiện Nghị quyết 54 là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa cả về kinh tế - xã hội, chính trị, quốc phòng và an ninh không chỉ riêng của Thừa Thiên Huế mà còn của cả vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước.

* Thành phố xanh giàu tiềm năng

Huế được công nhận là thành phố Festival của Việt Nam, thành phố văn hóa, du lịch ASEAN, đó là những điều kiện, động lực phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh. Với những lợi thế vốn có, trong những năm qua nền kinh tế của tỉnh Thừa Thiên Huế có bước phát triển khá toàn diện. Toàn tỉnh đã hình thành các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, trong đó các khu công nghiệp chức năng khá phát triển, ưu tiên thu hút đầu tư các ngành nghề và sản phẩm chủ yếu vào các khu công nghiệp.

Tuy nhiên, để phát triển dựa trên tiềm năng, cơ cấu kinh tế cần chuyển dịch theo hướng tăng dịch vụ và công nghiệp, trong đó du lịch đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, kinh tế biển và đầm phá đang dần trở thành động lực phát triển… Về lâu dài và chiến lược, theo Nghị quyết 54, Thừa Thiên Huế cần phát triển ngành công nghiệp theo hướng phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng địa bàn trong tỉnh và nhu cầu của thị trường; tập trung phát triển một số ngành như công nghiệp hỗ trợ, năng lượng sạch, các ngành chế biến sâu, công nghệ thông tin và phần mềm, hóa dược và thiết bị y tế; Phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với thị trường tiêu thụ, thích ứng với biến đổi khí hậu; gắn phát triển nông nghiệp với phát triển du lịch, nhất là ở các địa bàn miền núi; Phát triển kinh tế biển và đầm phá trên cơ sở tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái kết hợp với phát triển nuôi trồng thủy sản, du lịch, dịch vụ biển, năng lượng tái tạo; gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia, hình thành hệ thống khu bảo tồn biển, bảo tồn vùng nước nội địa; Phát triển kinh tế - xã hội các huyện miền núi theo hướng hình thành các vùng sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với phát triển công nghiệp chế biến và dịch vụ, du lịch, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững mối quan hệ hữu nghị với các tỉnh chung đường biên giới với nước bạn Lào. Khai thác bền vững và có hiệu quả tiềm năng của Vườn Quốc gia Bạch Mã theo hướng bảo tồn, phát triển bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn đa dạng sinh học kết hợp với phát triển du lịch sinh thái.

Ðể thực hiện các mục tiêu, Nghị quyết đề ra một số giải pháp cần phải thực hiện: Ðẩy mạnh công tác quy hoạch và quản lý, thực hiện quy hoạch theo hướng phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và thông minh, nhất là hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin, đô thị, bảo đảm sự hài hòa giữa kiến trúc với tự nhiên và đặc thù của Huế. Quy hoạch, bố trí lại dân cư; sắp xếp hình thành các cụm, ngành sản xuất. Tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường; chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế cho phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng vào phát triển cơ sở hạ tầng và các ngành kinh tế mũi nhọn, có lợi thế. Xây dựng, ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù để Thừa Thiên Huế phát triển nhanh, bền vững trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế. Tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội…

Trên tinh thần Nghị quyết 54, Tỉnh cần tập trung chỉ đạo ổn định và phát triển sản xuất đi đôi với rà soát và xây dựng quy hoạch - kế hoạch, chương trình, dự án trọng điểm; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế và phát triển nông thôn; tiếp tục thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ đi vào chiều sâu; đẩy mạnh tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách; phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội, khoa học công nghệ và công nghiệp công nghệ thông tin; thực hiện Chương trình cải cách hành chính gắn liền với phát triển chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh; tăng cường quốc phòng, an ninh; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Riêng về kinh tế du lịch, cần thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch về phát triển du lịch gắn kết các hoạt động lễ hội, văn hóa, thể thao đặc sắc ở các khu vực cộng đồng nhằm thu hút du khách, kéo dài thời gian lưu trú của khách. Hỗ trợ và đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án phụ vụ du lịch để sớm hoàn thành đưa vào hoạt động.

* Văn nghệ sĩ với niềm cảm hứng về thành phố bình yên

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”. Vai trò của đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà hết sức quan trọng trong hoạt động sáng tạo, nghiên cứu đề xuất, góp ý, phục vụ phát triển văn hóa - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Trong quá trình đổi mới của đất nước mở ra những cơ hội, thuận lợi mới cùng những thách thức, khó khăn mới; và yêu cầu mới về nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo văn học, nghệ thuật của nhân dân thay đổi, trong đó có những mặt cao hơn về nhận thức, tư duy nghệ thuật. Cùng với đó, sự thay đổi nhanh chóng, sâu sắc trong mọi mặt đời sống xã hội tác động trực tiếp đến chính quá trình sáng tạo và tiếp nhận.

Đội ngũ văn nghệ sĩ từ trong chiến tranh đã luôn có khát vọng lớn lao, lý tưởng cao cả, hòa nhịp đập trái tim mình với nhịp sôi động của cuộc sống nhân dân. Từ đó, những tác phẩm giàu trăn trở ra đời như một cống hiến cho sự nghiệp phát triển chung. Trong thời kỳ mới, tầm nhìn mới, đội ngũ văn nghệ sĩ phát huy tài năng, sáng tác đi đôi với nêu cao trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội. Với vai trò, vị trí quan trọng của văn học nghệ thuật trong sự nghiệp xây dựng quê hương, trong tương lai sẽ có nhiều tác phẩm giá trị góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

V.V.Đ  
(SHSDB36/03-2020)



 

Các bài đã đăng
Chuyện cổ tích (22/05/2020)
Giọng hát (14/05/2020)