Tạp chí Sông Hương - Số 374 (T.04-20)
Một đại dịch siêu hình
10:11 | 29/05/2020

MARKUS GABRIEL   

Trật tự thế giới bị lung lay. Một loại virus đang lây lan trên quy mô vô hình của vũ trụ mà ta không hề biết được những chiều kích thực sự của nó.

Một đại dịch siêu hình
Ảnh: internet

Không ai biết có bao nhiêu người mắc corona, bao nhiêu người sẽ chết, khi ta phát triển thành công vắc-xin, v.v. Hơn nữa, không ai biết được các biện pháp cấp tiến hiện nay để ứng phó trước tình trạng khẩn cấp ở châu Âu có những tác động nào đối với nền kinh tế và dân chủ.

Virus corona không chỉ là bất kỳ căn bệnh truyền nhiễm nào, mà còn là một đại dịch virus. Từ “đại dịch” (Pan-Demie) xuất phát từ tiếng Hy Lạp cổ đại, nó có nghĩa là: toàn dân (ganze Volk). Thật vậy, toàn bộ người dân, tất cả mọi người đều bị ảnh hưởng như nhau. Thế nhưng, ta sẽ không hiểu được hết ý niệm toàn dân này, nếu ta tin rằng nó mang nghĩa khóa bỏ người dân ở trong những giới hạn nhất định. Lý do nào để virus được viện đến khiến cho biên giới giữa Đức và Pháp buộc phải đóng cửa? Tại sao Tây Ban Nha lại một thân một mình, khi buộc phải phân biệt với các quốc gia khác, để tự mình chống chọi trước nạn virus? Vâng, câu trả lời mà ta nhận được sẽ là: bởi vì các hệ thống y tế vốn mang tính quốc gia, nên mỗi nhà nước phải tự chăm sóc người bệnh trong biên giới của nó. Điều này chính xác, nhưng đồng thời cũng là vấn đề đáng bàn. Vì đại dịch ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Nó giúp ta thấu thị rằng tất cả chúng ta đều được kết nối với nhau thông qua một liên kết vô hình, đó chính là ý niệm con người (Menschsein) của chúng ta. Mọi người đều bình đẳng trước virus. Đúng thế: đối mặt với virus, mọi người nói chung đều là con người, tức là động vật của một loài nhất định, đóng vai trò như một loại vật chủ cho vô số sự sinh sôi nảy nở gây chết người.

Virus nói chung là một vấn đề siêu hình chưa được giải quyết. Không ai biết liệu chúng có phải thực thể sống hay không. Đó là bởi vì hiện nay ta không có một định nghĩa tường minh nào về sự sống cả. Thật vậy, không ai biết chính xác sự sống bắt đầu từ đâu. Cần DNA hay RNA là đủ hay cần các tế bào vốn có khả năng tự nhân lên? Ta không biết điều đó, giống như ta không hề biết liệu thực vật, côn trùng hay thậm chí là lá gan của ta có ý thức hay không. Liệu hệ sinh thái của trái đất có phải là một sinh vật khổng lồ không? Có phải virus corona là một phản ứng miễn dịch của hành tinh chống lại sự kiêu ngạo của con người, khi họ đã hủy diệt vô số sinh vật vì tham lợi của mình hay không?

Virus corona còn phơi bày những điểm yếu mang tính hệ thống của ý thức hệ thịnh hành trong thế kỷ XXI, vốn phát sinh từ quan niệm sai lầm rằng chỉ bằng vào sự tiến bộ của khoa học và công nghệ ta có thể thúc đẩy sự tiến bộ của nhân loại và đạo đức. Quan niệm sai lầm này khiến ta tin rằng các chuyên gia khoa học có thể giải quyết được tất cả những vấn đề phổ biến trong xã hội. Virus corona hiện được xem là minh chứng rõ nhất cho điều này trước mặt mọi người. Song, đó còn là một sai lầm nguy hiểm. Đúng thế, ta cần tham khảo ý kiến từ các nhà virus học. Chỉ họ mới có thể giúp ta hiểu và kìm hãm lại virus, để giải nguy đời sống con người. Tuy nhiên, ai đang lắng nghe họ khi họ nói với ta rằng hàng năm có đến hơn 200.000 trẻ em chết vì tiêu chảy do virus gây ra với lý do chúng không có nước sạch? Tại sao không ai quan tâm đến những đứa trẻ này? Thật không may, câu trả lời rất rõ ràng: bởi vì chúng không ở Đức, Tây Ban Nha, Pháp hay Ý. Nhưng điều đó cũng không đúng. Bởi lẽ chúng hiện đang ở trong các trại tị nạn châu Âu đấy thôi, chỉ vì muốn thoát khỏi tình trạng bất công do chính ta góp phần rây ra qua hệ thống tiêu dùng của chúng ta.

Không có tiến bộ đạo đức thì không có tiến bộ đích thực. Đại dịch dạy ta điều này, bởi vì những định kiến phân biệt chủng tộc là điều hiển nhiên có mặt ở khắp mọi nơi. Ông Trump rất muốn phân loại virus hoàn toàn là một vấn đề của Trung Quốc; ông Boris Johnson đồ rằng người Anh có thể giải quyết vấn đề theo hướng của thuyết Darwin trên bình diện xã hội và tạo ra khả năng miễn dịch bầy đàn có tính ưu sinh. Nhiều người Đức tin rằng hệ thống chăm sóc sức khỏe của chúng tôi vượt trội so với hệ thống của Ý, do đó người Đức sẽ giải quyết nạn dịch này tốt hơn. Những sự rập khuôn nguy hiểm, những định kiến.

Tất cả chúng ta đều ở chung một con thuyền. Nhưng đây không phải là điều gì đó quá mới mẻ. Thế kỷ XXI là một đại dịch, là hệ quả của toàn cầu hóa. Virus chỉ tiết lộ những gì đã âm ỉ từ lâu: rằng ta cần một ý niệm hoàn toàn mới về sự khai sáng ở quy mô toàn cầu. Ở đây, ta cần một chủ nghĩa đồng- miễn dịch (Ko-immunismus). Để làm điều này, ta phải tiêm vắc-xin chống lại chất độc tinh thần vốn chia rẽ chúng ta thành các nền văn hóa quốc gia, chủng tộc, nhóm tuổi và các tầng lớp không ngừng cạnh tranh nhau. Hiện nay ta đang bảo vệ người bệnh và người già của ta trong một hành động đoàn kết chưa từng có ở châu Âu. Cùng với đó, ta bắt con em của chúng ta ở nhà, đóng cửa các tổ chức giáo dục và đẻ ra một trường hợp khẩn cấp y tế. Cuối cùng, hàng tỷ euro được đầu tư để mong muốn thúc đẩy nền kinh tế phát triển trở lại sau đó. Thế nhưng, nếu ta tiếp tục làm như thế sau nạn virus này như ta đã làm trước đây, thì sẽ có những cuộc khủng hoảng tồi tệ hơn nhiều: những con virus kinh hơn mà ta không thể ngăn chặn sự bùng phát của chúng; sự tiếp diễn của cuộc chiến kinh tế với Hoa Kỳ mà EU hiện đang dính đến; sự truyền bá của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa dân tộc trong cuộc chiến chống lại những lưu dân chạy trốn đến ta bởi vì ta đã bán cho những kẻ hành quyết săn đuổi họ vũ khí và khoa học để chế tạo vũ khí hóa học. Và ta cũng đừng quên điều này nữa: cuộc khủng hoảng khí hậu, vốn tồi tệ hơn nhiều so với bất kỳ loại vi-rút nào, vì nó là kết quả của việc tự xóa bỏ một cách chậm rãi của con người. Điều này chỉ bị hãm lại trong một thời gian ngắn bởi corona. Trật tự thế giới trước corona không phải bình thường, mà là gây chết người. Tại sao ta không thể đầu tư hàng tỷ đồng để thay đổi cách thức di chuyển của mình? Tại sao ta không thể sử dụng kỹ thuật số để tổ chức trực tuyến các cuộc họp vô nghĩa khi mà các ông chủ thương mại lại đi đến đó bằng những máy bay riêng của mình? Cuối cùng, khi nào thì ta sẽ hiểu rằng virus corona đầy nguy hiểm kia lại vô hại so với sự mê tín của chúng ta, khi tự tin có thể giải quyết tất cả các vấn đề của thời hiện đại bằng khoa học và công nghệ?

Đây là một lời kêu gọi đối với tất cả chúng ta, tất cả mọi người, không chỉ là người châu Âu: Chúng ta cần một sự khai sáng mới, mọi người phải được giáo dục về đạo đức để chúng ta có thể nhận ra mối nguy hiểm to lớn nằm ở thực tế rằng ta đang đi theo khoa học và công nghệ một cách mù quáng. Tất nhiên, ta đang làm điều đúng đắn qua việc chống lại virus bằng mọi cách. Và thế là có sự đoàn kết và một làn sóng đạo đức. Điều đó hẳn là tốt. Nhưng đồng thời, ta cũng không được quên rằng chỉ trong vài tuần, ta đã đi từ thái độ khinh miệt đầy tính dân túy đối với giới chuyên môn khoa học đã chuyển qua một tình trạng khẩn cấp.” Ta phải nhận ra rằng các chuỗi lây nhiễm của chủ nghĩa tư bản toàn cầu đã phá hủy thiên nhiên của ta và làm điên đảo công dân của các quốc gia, khiến ta trở thành những vị khách du lịch và người tiêu dùng khi suốt ngày chỉ biết mỗi việc hưởng thụ, tình trạng này kéo dài sẽ giết chết nhiều người hơn tất cả các loại virus. Tại sao một nhận thức y học, virus học lại phóng thích sự đoàn kết, chứ không phải là một quan niệm triết học, rằng cách duy nhất để thoát khỏi quá trình toàn cầu hóa đang lúc lâm chung này là một trật tự thế giới vượt lên trên hết thảy các quốc gia đang tranh giành lẫn nhau, vốn được thúc đẩy bởi một thứ lý luận kinh tế ngu ngốc chỉ sính số lượng? Sau đại dịch virus, chúng ta cần một sự thành-toàn siêu hình, một sự hiệp thông của tất cả các dân tộc dưới vòm trời ôm lấy tất cả chúng ta mà không bao giờ rời bỏ được. Chúng ta đang và vẫn còn trên mặt đất, nên chúng ta đang và vẫn còn là phàm nhân và mong manh. Vì vậy, chúng ta sẽ đều là công dân của thế giới, công dân toàn cầu của một sự thành-toàn siêu hình. Ngoài ý niệm này ra, mọi thứ khác sẽ hủy diệt chúng ta mà không có nhà virus học nào cứu ta cả.

(Hồ Hải Nhật dịch, Château Le Trong hiệu đính).
Nguồn: Wir brauchen eine metaphysische Pandemie, đăng tải trên website của Đại học Bonn, ngày 20/03/2020 (https://www.uni-bonn.de).  
(TCSH374/04-2020)

 


Markus Gabriel hiện là giáo sư triết học tại Đại học Bonn. Ông là người đứng đầu Trung tâm triết học quốc tế NRW (Internationale Zentrum für Philosophie) và Trung tâm khoa học và tư tưởng (Center for Science and Thought). Ông được biết đến như là người sáng lập thuyết duy thực mới (Neuen Realismus) với tác phẩm Tại sao không có thế giới (Warum es die Welt nicht gibt).

 

 

Các bài mới
Cây hồng vàng (05/06/2020)
Các bài đã đăng