Tạp chí Sông Hương - Số 374 (T.04-20)
Di sản phủ đệ của các ông hoàng bà chúa thi sĩ
14:17 | 03/06/2020


TRẦN VĂN DŨNG

Di sản phủ đệ của các ông hoàng bà chúa thi sĩ
Toàn cảnh phủ Tuy Lý vương - Ảnh BAVH

1. Giá trị di sản phủ đệ của các ông hoàng bà chúa thi sĩ

Dưới triều Nguyễn, phủ đệ (府第) chỉ được dành riêng làm nơi ở, sinh hoạt hàng ngày của các hoàng tử, hoàng nữ được nhà vua ân phong tước vị thân công, công chúa; còn nơi ở của các quan lại, quý tộc chỉ gọi là tư dinh hoặc tư thất. Điều này được quy định  chặt  chẽ  trong  điển  lệ triều Nguyễn, đây là sự khác biệt so với các triều đại trước1. Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc Sử Quán triều Nguyễn có đoạn chép: “Phủ đệ các thân công: Ở phía tả trong Kinh thành, nhà chính và nhà trước đều 3 gian 2 chái, biển ngạch cửa đề chữ “Mỗ công phủ” (phủ đệ thân công mỗ 2). Đệ trạch các công chúa: Ở phía hữu trong Kinh thành, thể chế cũng như phủ đệ các thân công, biển ngạch cửa đề chữ “Mỗ công chúa đệ”3. Qua dòng sử liệu này, chúng ta nhận thấy mỗi phủ đệ đều có tên gọi riêng, dựa theo tước phong của chủ nhân phủ đệ. Tên của các phủ đệ thường là tên tỉnh hoặc tên phủ mà vị hoàng tử ấy được nhà vua phong tước như: Tùng Thiện vương phủ, Tuy Lý vương phủ, Gia Hưng vương phủ,… Còn tên của các đệ trạch thường gọi theo danh hiệu của vị công chúa được nhà vua ban cho như: An Thường công chúa đệ, An Thạnh trưởng công chúa đệ, Ngọc Lâm công chúa đệ,… Tuy nhiên, dân gian vẫn thường quen gọi phủ đệ của hoàng tử, đệ trạch của công chúa với cái tên thân mật là phủ ông hoàng, phủ bà chúa.

Sau khi các ông hoàng, bà chúa ấy qua đời, tòa chính đường trong phủ đệ, nơi ở lúc sinh thời trở thành nơi thờ tự của chính họ. Lúc này, hậu duệ của họ cũng thay biển ngạch đề danh trước cổng ngõ, đổi chữ phủ (hay chữ đệ) thành chữ từ hay từ môn, mà dân gian vẫn quen gọi là phủ thờ, hàm ý đó là nơi thờ tự vị chủ nhân của phủ đệ xưa, nay đã qua đời. Các vị vua triều Nguyễn đã dành cho phủ đệ một vị trí xứng đáng với danh phận cao sang, quyền quý của các ông hoàng bà chúa. Ban đầu, hầu hết các phủ đệ đều tọa lạc bên trong Kinh thành, về sau phủ đệ di chuyển dần ra bên ngoài Kinh thành, với quy hoạch xây dựng tập trung tại các vùng: Gia Hội - Chợ Dinh, Phủ Cam, Vỹ Dạ, Kim Long, Dương Xuân... Đây là những vùng đất màu mỡ, tốt lành về mặt phong thủy, dân cư đông đúc, thuận lợi cho giao thông đi lại. Vì thân phận cao quý của các ông hoàng, bà chúa nên phủ đệ có đặc điểm cổng lớn, thành cao, nhà rường đẹp và khu vườn rộng trồng nhiều loại hoa và cây ăn trái trên khắp mọi miền đất nước. Có một đặc trưng chung là cuộc sống thật đằng sau cổng phủ luôn đóng kín ấy không mấy ai rõ được một cách tường tận. Phủ đệ là nơi lan tỏa lối sống, phong cách và văn hóa cung đình đến với dân gian và theo chiều ngược lại, đặc biệt là tính cách “Mệ”; từ đó góp phần quan trọng định hình tính cách con người xứ Huế, pha lẫn tính cách lịch lãm và đài các của mảnh đất xứ Thần kinh.

Phủ đệ là loại hình kiến trúc quý tộc hoàng gia triều Nguyễn, thể hiện sự chuyển tiếp giữa kiến trúc cung đình và kiến trúc dân gian truyền thống Huế. Phủ đệ phản ánh sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc và cảnh quan một cách có dụng ý tuân theo quy luật phong thủy, với bình phong thay núi Ngự, bể nước thế dòng sông Hương, hòn non bộ, hang động, thác nước, các loại cây cảnh, hoa trái... mang nhiều giá trị văn hóa nghệ thuật đặc sắc. Phủ đệ được tạo dựng nhờ tài năng và công sức của các nghệ nhân tài danh và sử dụng những vật liệu địa phương quý hiếm. Đây là một tác phẩm kiến trúc nghệ thuật độc đáo thể hiện quan điểm, phong cách của chủ nhân phủ đệ xưa cộng với công sức, trí tuệ được đúc kết và hoàn thiện qua nhiều thế hệ các nghệ nhân tài hoa. Bố cục phủ đệ luôn được thiết kế một cách đăng đối đã tạo nên vẻ đẹp hài hòa, tinh tế và đậm chất thơ. Lối vào phủ đệ là một con đường uốn lượn giữa hai hàng chè tàu và hai hàng cau; tiếp đến là bình phong đủ để che chắn cho ngôi nhà khỏi mọi tai ương, điềm xấu xâm nhập từ bên ngoài, nhưng lại không quá cao để che mất tầm nhìn của chủ nhân phủ đệ khi muốn thưởng lãm hương sắc của các loài thảo mộc trong vườn phủ. Giữa bức bình phong và ngôi nhà là một bể cạn và hòn non bộ. Vì vậy, phủ đệ phản ánh bóng dáng “nét Huế nhất của Huế, một Huế quý tộc hào hoa mà dân dã, một Huế thanh cao tinh tế mà bình dị, Huế của quá vãng rêu phong mà gần gũi4. Đến đầu thế kỷ XX đã xuất hiện những phủ đệ có ảnh hưởng kiến trúc thuộc địa Pháp, ghi dấu sự giao thoa văn hóa Đông - Tây như: Phủ đệ Tuyên Hóa vương, Tương An quận vương, Ngọc Lâm công chúa, Hòa Quốc công, cung An Định...

Trong lịch sử vương triều Nguyễn, các vị vua Minh Mạng, vua Thiệu Trị, đặc biệt là vua Tự Đức sáng tác văn chương và để lại một kho tàng thi phẩm đồ sộ. Noi gương vua cha, các hoàng tử, công chúa được đào tạo chính quy và bài bản về Nho học cũng được khích lệ sáng tác thi ca và đã để lại một khối lượng tác phẩm rất lớn. Phủ đệ của các ông hoàng, bà chúa thi sĩ trở thành chốn tụ hội của giới văn nghệ sĩ xứ Huế đương thời, nơi gặp gỡ của các tao nhân mặc khách ngâm vịnh thi ca. Một số ông hoàng, bà chúa đã giữ vị trí quan trọng như là những người tổ chức, lĩnh xướng tao đàn thơ văn5. Họ quan niệm rằng: “văn chương của nhà nho cho đến lễ, đến nhạc, đến thi, đến ca đều là những cơ quan để tuyên truyền đạo lý”6. Có thể kể đến những tên tuổi nổi tiếng trong giới văn học thời đó như: Tùng Thiện vương Miên Thẩm, Tuy Lý vương Miên Trinh, Tương An quận vương Miên Bửu, Quy Đức công chúa Nguyễn Phúc Vĩnh Trinh, Lại Đức công chúa Nguyễn Phúc Trinh Thuận và Thuận Lễ công chúa Nguyễn Phúc Tĩnh Hòa7... Đương thời có câu truyền tụng: “Thi đáo Tùng, Tuy thất thịnh Đường8. Sau này, Tùng Thiện vương, Tuy Lý vương và Tương An quận vương “đã được người đời xưng tụng là Tam Đường của triều Nguyễn9; còn Quy Đức công chúa, Lại Đức công chúa và Thuận Lễ công chúa được liệt vào Nguyễn triều Tam Khanh lừng danh trong văn đàn đương thời. Những sáng tác thơ văn của các ông hoàng, bà chúa đã góp phần quan trọng vào quá trình phát triển của văn học Việt Nam vào thế kỷ XIX. Thơ văn của họ phản ánh khá đầy đủ mọi sinh hoạt đời sống xã hội, thể hiện suy nghĩ của những người trí thức luôn trăn trở trước vận mệnh đất nước và trước tình thế mới của thời đại cũng như tình cảm cá nhân (của họ) trước cuộc đời.

Qua quá trình khảo sát thống kê trên thực địa kết hợp với nghiên cứu sử liệu triều Nguyễn, chúng tôi nhận thấy trong thời kỳ triều Nguyễn còn tồn tại (trước năm 1945) ở Kinh đô Huế có khoảng 179 phủ đệ được xây dựng qua các triều vua khác nhau, với quy mô, kiến trúc phong phú và đa dạng. Hiện nay, Huế còn bảo lưu được 40 phủ đệ giữ gìn khá nguyên vẹn kiến trúc và phong cách truyền thống, trong đó có 15 phủ đệ của các ông hoàng bà chúa thi sĩ vang bóng một thời.

Để hình dung rõ ràng hơn về hiện trạng hệ thống di sản phủ đệ của các ông hoàng bà chúa thi sĩ dưới triều Nguyễn, chúng tôi đã lập thống kê dưới đây:


1. Phủ đệ An Thường công chúa tọa lạc tại 63 Nguyễn Công Trứ, thành phố Huế. An Thường công chúa Lương Đức (1817 - 1891) là con gái thứ 4 của vua Minh Mạng. Năm 1891, Trang Ý Thái hoàng thái hậu ra dụ truyền bà họa lại bài Phục cử Giao tự đại lễ (Lại cử hành lễ tế Nam Giao) của bà Nguyễn Nhược Thị Bích sáng tác. Bà vâng ý chỉ, họa vần dâng lên. Cả hai bài xướng và họa đều được khen hay.


2. Phủ đệ Diên Khánh vương tọa lạc tại số 228 Nguyễn Sinh Cung, thành phố Huế. Diên Khánh vương Nguyễn Phúc Tấn (1799 - 1854) là con thứ 7 của vua Gia Long. Năm 1817, ông được phong là Diên Khánh công. Sau khi ông mất năm 1854 được truy phong tước Diên Khánh vương. Ông đã tham gia soạn bộ tuồng Vạn bửu trình tường và viết lại tuồng Lý Phụng đình.


3. Phủ đệ Hòa Thạnh vương tọa lạc tại số 255 Chi Lăng, thành phố Huế. Hòa Thạnh vương Miên Tuấn (1827-1907) là con thứ 37 của vua Minh Mạng. Ông được phong tước Hòa Thạnh quận công (1843), Thạnh Quốc công (1883), Hòa Thạnh công (1895), Hòa Thạnh quận vương (1896). Sau khi ông mất năm 1907 được truy phong tước Hòa Thạnh vương. Trước tác của ông có Nhã Đường thi tập, Nhã Đường văn tập, Hiếu kinh lập bản, Quốc âm hiếu sử.


4. Phủ đệ Hoằng Hóa quận vương tọa lạc tại số 16 Tô Hiến Thành, thành phố Huế. Hoằng Hóa quận vương Miên Triện (1833 - 1905) là con thứ 66 của vua Minh Mạng. Ông được ban tước Triệu Phong quận công (1850), Quỳnh Quốc công (1878), Hoằng Hóa công (1883). Dưới triều vua Thành Thái, ông được phong tặng tước Hoằng Hóa quận vương. Ông đã sáng tác thi phẩm: Ước Đình thi sao.


5. Phủ đệ Lạc Biên quận công tọa lạc tại số 93/2 Tô Hiến Thành, thành phố Huế. Lạc Biên quận công Miên Khoan (1826 - 1864) là con thứ 33 của vua Minh Mạng. Năm 1840, ông được nhà vua phong tước Lạc Biên quận công. Ông đã sáng tác thi phẩm: Thị học.


6. Phủ đệ Ninh Thuận quận vương tọa lạc tại thôn Tiên Nộn, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ninh Thuận quận vương Miên Nghi (1810 - 1874) là con thứ 4 của vua Minh Mạng. Năm 1830, ông được phong tước Đức Thọ công, sang năm 1833 thì cải phong thành Ninh Thuận công. Ông mất năm 1874, được truy tặng tước Ninh Thuận quận vương. Ông sáng tác thi phẩm: Ngũ ngôn thi.


7. Phủ đệ Phong Quốc công tọa lạc tại số 306 Nguyễn Sinh Cung, thành phố Huế. Phong Quốc công Miên Kiền (1831 - 1855) là con thứ 55 của vua Minh Mạng. Năm 1846, ông được nhà vua phong tước Phong Quốc công. Ông đã sáng tác thi phẩm: Tụng thị học.


8. Phủ đệ Quy Đức công chúa tọa lạc tại số 85 Lê Ngô Cát, thành phố Huế. Quy Đức công chúa Nguyễn Phúc Vĩnh Trinh (1824 - 1892) là con gái thứ 18 của vua Minh Mạng. Năm 1850, bà kết hôn với Phạm Đăng Thuật. Năm 1876, Vĩnh Trinh được nhà vua ân phong Quy Đức công chúa. Bà sáng tác thi phẩm: Nguyệt Đình thi thảo.


9. Phủ đệ Thoại Thái vương tọa lạc tại kiệt 227 Chi Lăng, thành phố Huế. Thoại Thái vương Hồng Y (1833 - 1877) là con thứ 4 của vua Thiệu Trị. Năm 1846, ông được phong tước Kiến Thụy công. Sau khi ông qua đời được truy phong tước Kiến Thụy quận vương (1877), Thoại Thái vương (1897). Ông đã sáng tác các tác phẩm: Thị học, Quý đông tân tình hậu uyển tập xạ Tuần Cai biệt thự hợp tập.


10. Phủ đệ Thọ Xuân vương tọa lạc tại kiệt 209 Chi Lăng, thành phố Huế. Thọ Xuân vương Miên Định (1808 - 1885) là con thứ 3 của vua Minh Mạng. Ông được phong các tước Thọ Xuân công (1830), Thọ Xuân quận vương (1874), Thọ Xuân vương (1878). Ông đã sáng tác các tác phẩm: Minh Mạng cung từ, Tỉnh Minh Ái Phương thi tập Giá hạnh quốc tử giám thị học.


11. Phủ đệ Tuy Lý vương tọa lạc tại số 140 Nguyễn Sinh Cung, thành phố Huế. Tuy Lý vương Miên Trinh (1820 - 1897) là con trai thứ 11 của vua Minh Mạng. Ông được phong tước Tuy Quốc công (1839), Tuy Lý công (1854), Tuy Lý quận vương (1878), Tuy Lý vương (1894). Ông đã sáng tác các tác phẩm: Vĩ Dã hợp tập, Vĩ Dã văn tập, Tuy Lý công tự truyện, Nghinh tường khúc, Nữ phạm diễn nghĩa, Hòa lạc ca…


12. Phủ đệ Tùng Thiện vương tọa lạc tại số 91 Phan Đình Phùng, thành phố Huế. Tùng Thiện vương (1819 - 1870) là con trai thứ 10 của vua Minh Mạng. Ông được phong tước Tùng Quốc công (1839), Tùng Thiện công (1854). Sau này, ông được truy phong tước Tùng Thiện quận vương (1878), Tùng Thiện vương (1936). Ông đã sáng tác các tác phẩm: Bắc hành thi tập, Thương Sơn thi tập, Thương Sơn thi thoại, Lão sinh thường đàm, Lịch đại đế vương thống hệ…


13. Phủ đệ Tương An quận vương tọa lạc tại số 28/10/373 Bùi Thị Xuân, thành phố Huế. Tương An quận vương Miên Bửu (1820 - 1854) là con thứ 12 của vua Minh Mạng. Ông được phong tước Tương An Quốc công (1839), Tương An công (1842) và sau này được truy phong tước Tương An quận vương (1878). Ông đã sáng tác các tác phẩm: Khiêm Trai thi tập, Khiêm Trai văn tập, Hoài cổ ngâm, Trăm thương Hòa lạc ca.


14. Phủ đệ Từ Sơn công tọa lạc tại số 9 Nguyễn Tuân, thành phố Huế. Từ Sơn công Nguyễn Phúc Mão (1813 - 1869) là con thứ 13 của vua Gia Long. Năm 1825, ông được phong tước Từ Sơn công. Ông đã sáng tác thi phẩm: Thị học.


15. Phủ đệ Vĩnh Tường quận vương tọa lạc tại số 1/40 Nguyễn Chí Thanh, thành phố Huế. Vĩnh Tường quận vương Miên Hoành (1811 - 1835) là con thứ 5 của vua Minh Mạng. Ông được phong tước Vĩnh Tường công (1830) và sau khi mất được truy phong tước Vĩnh Tường quận vương (1835). Ông đã sáng tác thi phẩm: “Ninh Tĩnh thi tập tự”.

2. Phát huy giá trị di sản phủ đệ theo hướng du lịch bền vững

Trong hành trình “xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường”10, nhiệm vụ phát triển du lịch gắn với công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa đặc biệt được chú trọng. Trong bối cảnh đó, điều được quan tâm hiện nay là bảo tồn di sản phủ đệ gắn kết với phát triển du lịch bền vững, xây dựng tuyến du lịch di sản phủ đệ trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, thưởng lãm. Để hiện thực hóa kỳ vọng nêu trên, chúng tôi sẽ đưa ra một số định hướng, giải pháp bảo tồn và phát huy những giá trị di sản phủ đệ của các ông hoàng bà chúa thi sĩ nổi tiếng một thời với phát triển du lịch bền vững, góp phần tạo dựng hình ảnh thương hiệu du lịch đặc sắc của Cố đô Huế.

Thừa Thiên Huế là địa phương đầu tiên của Việt Nam có Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1993, cũng là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa và sử dụng các tiềm năng, lợi thế về di sản văn hóa để phát triển, nhất là phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản phủ đệ trong quá trình phát triển kinh tế được xem là bền vững, khi nó không tạo ra rào cản cho sự phát triển kinh tế mà còn giúp kinh tế phát triển. Di sản phủ đệ cần được bảo tồn nhưng không phải bị bảo tàng hóa. Nó có thể cộng sinh với kiến trúc hiện đại để phát huy giá trị dưới góc độ kinh tế, xã hội. Sự kết hợp có hiệu quả giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản phủ đệ gắn với phát triển du lịch bền vững sẽ là một lợi thế không nhỏ cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản phủ đệ nói riêng và phát triển du lịch bền vững ở Cố đô Huế nói chung.

Cần phải nhận thức di sản phủ đệ chính là quà tặng quý giá của quá khứ cho nền kinh tế đô thị di sản Huế hôm nay. Có nhiều đô thị trên thế giới đã khai thác phát triển du lịch từ di sản. Đó là nguồn lợi kinh tế vô cùng lớn. Đưa di sản phủ đệ vào chiến lược khai thác phục vụ phát triển du lịch sẽ góp phần giới thiệu, quảng bá nét đặc sắc di sản văn hóa Huế và tạo ra nguồn thu nhập cho những người đang quản lý, gìn giữ di sản phủ đệ, qua đó khuyến khích việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản phủ đệ được tốt hơn. Nhưng muốn thế, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa những người làm du lịch và những người đang quản lý, gìn giữ di sản phủ đệ. Những dự án phát triển du lịch gắn với khai thác di sản phủ đệ muốn triển khai một cách hiệu quả, nhất định phải có sự tính toán, tham vấn kỹ lưỡng từ những chuyên gia quản lý di sản, nhà nghiên cứu văn hóa và cộng đồng thông qua các hoạt động nghiên cứu khảo sát nhằm đánh giá chi tiết những tác động đến di sản phủ đệ, từ đó bảo đảm khống chế các tác động ở mức độ cho phép.

Để các di sản phủ đệ triều Nguyễn nói chung và di sản phủ đệ của các ông hoàng bà chúa thi sĩ nói riêng được quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị gắn với phát triển du lịch bền vững một cách có hiệu quả trong đời sống đương đại cần tiến hành công tác nghiên cứu khảo sát, kiểm kê các di sản phủ đệ ở Huế làm cơ sở nghiên cứu đánh giá các giá trị của mỗi di sản phủ đệ, từ đó có cơ sở định hướng kế hoạch trùng tu, bảo tồn, lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích phù hợp với từng giai đoạn. Cần có giải pháp bảo vệ diện tích đất xung quanh các di sản phủ đệ một cách phù hợp nhằm tránh sự xâm lấn, vi phạm, tranh giành sở hữu quyền đất đai trong khu vực gần di sản này. Tập trung nghiên cứu về các di vật, cổ vật hiện đang bảo quản tại các di sản phủ đệ, đặc biệt là mộc bản thơ văn tại phủ đệ Tùng Thiện vương, Tuy Lý vương. Từ đó có cơ sở xây dựng Bộ hồ sơ Mộc bản tác gia hoàng tộc triều Nguyễn (1802 - 1945) đề nghị UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới thuộc Chương trình ký ức thế giới Khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Có thể nói, việc khai thác giá trị di sản phủ đệ triều Nguyễn gắn với phát triển du lịch bền vững là một hướng đi đúng, phát huy ưu thế của Cố đô Huế có nhiều di sản văn hóa, trong đó có loại hình di sản kiến trúc quý tộc hoàng gia triều Nguyễn quý giá như phủ đệ. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội địa phương, giới thiệu và quảng bá hình ảnh văn hóa du lịch Huế. Tuy nhiên, việc khai thác di sản phủ đệ phục vụ phát triển du lịch cũng tiềm ẩn nhiều tác động đến giá trị di sản độc đáo này. Chính vì vậy, đây là việc làm đòi hỏi phải có sự nỗ lực, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các công ty du lịch - lữ hành và đặc biệt là sự đồng thuận của những người đang quản lý, giữ gìn di sản phủ đệ.

T.V.D  
(TCSH374/04-2020)

-----------------
1. Nơi ở của các quan đại thần, quý tộc đều được gọi chung là phủ đệ; con gái của vua mới sinh ra đời được  gọi là công chúa.
2. Mỗ (某) là một đại từ chữ Hán dùng để chỉ những chi tiết không xác định cụ thể. Ở đây ý nói phải điền  tên tước vào thay chữ Mỗ.
3. Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1992), Đại Nam nhất thống chí, Tập 1, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr. 53.  
4. Phan Thanh Hải (2008), Phủ đệ - Loại hình kiến trúc quý tộc Huế, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, Số  6 (71), tr. 3.
5. Tùng Thiện Vương là chủ soái thi đàn Tùng Vân thi xã, về sau đổi thành Mặc Vân thi xã; còn Lại Đức  công chúa sáng lập ra Thỉnh Nguyệt Đình.
6. Ưng Trình, Bửu Dưỡng (1970), Tùng Thiện Vương: Tiểu sử và thi văn (1819 - 1870), Huế - Sài Gòn, tr. 19.  
7. Nguyễn Phúc Vĩnh Trinh (1824 - 1892) có tự Trọng Khanh, hiệu Nguyệt Đình; Nguyễn Phúc Trinh Thuận (1826 - 1904) có tự Thúc Khanh, hiệu Diệu Liên, Mai Am; Nguyễn Phúc Tĩnh Hòa (1824 - 1892) có biểu tự Quý Khanh, Dưỡng Chi, hiệu Huệ Phố, Thường Sơn.
8. Ưng Trình, Bửu Dưỡng (1970), Tùng Thiện Vương: Tiểu sử và thi văn (1819 - 1870), Huế - Sài Gòn, tr. 10.  
9. Nguyễn Khuê (1970), Tâm trạng Tương An quận vương qua thi ca của ông, Trung tâm sản xuất học liệu  xuất bản, Bộ Giáo dục và Thanh niên, Sài Gòn, tr. 9.
10. Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 10 tháng 12 năm 2019 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển tỉnh  Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.  




 

Các bài mới
Cây hồng vàng (05/06/2020)
Các bài đã đăng