Tạp chí Sông Hương - Số 374 (T.04-20)
Đời sống sau sự (tự) cách ly
10:04 | 03/07/2020

JEAN-CLET MARTIN   

Trong thời điểm cách ly và tự cách ly này, thế giới tái khám phá ra chiều kích mang lại cho nó một phương hướng nhất định.

Đời sống sau sự (tự) cách ly
Ảnh: internet

Việc hạn chế đi ra ngoài đặt chúng ta vào “các ranh giới”, vào một thế giới mà sự mở rộng của nó liên tục hướng về một thế giới khác, những thế giới vốn bị lõm sâu vào hằng hà sa số những nơi chốn. Đây rõ ràng là ý nghĩa mà Deleuze đã đem lại cho khái niệm giải lãnh thổ hóa (déterritorialisation).

Chúng ta không nên hiểu khái niệm này của Deleuze như thể hàm ý một sự du hành hay một sự di cư kiểu đời sống du mục (nomadisme). Theo Deleuze, đó là một cuộc du hành tại chỗ, tại một nơi chốn, và du mục không nhất thiết phải là một cuộc vượt qua sa mạc. Nó là thứ khiến ta phải biết cách làm sao để ở lại, để lưu lại, biết tiếp tục sống trong sự chán sống, trong một đời sống đang chuẩn bị tàng hình. Sự di cư này, đưa ta vào trong sự mở rộng tự thân của thế giới, không nhất thiết biến việc giải lãnh thổ kia buộc phải gắn liền với mặt đất, với địa hình. Ta không cần phải trốn chạy đi đâu cả. Không có cuộc du ngoạn hay lữ hành nào ở đây cả.

Không gian thực, thứ phân tách chúng ta hàng ngày, có thể luôn được phân chia thành những kinh nghiệm mới mẻ về nơi chốn. Chính tính phân định ranh giới của nơi chốn này lại luôn hứa hẹn cho mọi sự khai mở, mọi sự trở lại với cùng một chỗ, mọi sự thu mình lại trong một góc. Tuy nhiên, việc làm này, đặt trong thời đại toàn cầu hóa, không phải là điều gì đó có tính thụt lùi, mà ngược lại, thay vì di cư, việc ở một chỗ, việc hạn chế đi ra ngoài, việc tự cô lập, tự cách ly lại không ngừng làm thay đổi bản thân ta, liên tục khiến ta tìm kiếm lại ý nghĩa của cái mà người Hy Lạp cổ đại gọi là Đạo lý (Ethos).

Nơi chốn hay môi trường có khả năng tự chia tách, tự phân lập thành vô tận các phân đoạn, các khoảng cách này thực sự đã đào xới cho một kiểu hành vi, một căn nguyên đạo đức mới. Nơi chốn ấy giống như một loại tàu điện ngầm, ở đó con tàu sẽ đi từ nhà ga này đến nhà ga kia trong thời kỳ hậu tận thế, hậu tư bản. Mỗi nhà ga xuất hiện ở đó như một thế giới với nét đặc trưng riêng. Và giả như cuộc hành trình như thế luôn đứng trước sự rình rập của những hiểm họa, người ta sẽ luôn trang bị cho mình sự thận trọng. Sự thận trọng chính là sự chuẩn bị bố trí cho tính cách, hành vi và thói quen mà ta thực hiện ở một nơi chưa từng bao giờ biết đến.

Những ranh giới, ở đây, là dịp để ta học cách sống lại trong những nơi chốn thân thuộc. Đó không chỉ là những nơi chốn tự nhiên mà còn là nơi chốn nhân tạo, để sống trong một hình thức hiếu khách mới mẻ, luôn chào đón cái mới, cái xa lạ. Sự thích nghi ở một chỗ này, thích nghi một nơi chốn, một vị trí có thể chỉ ra sự thay đổi về cơ thể, thay đổi về nhân dạng. Việc sống trong một mét vuông cần đến rất nhiều những mánh khóe để ta có thể hình dung về một thứ nhà ga không gian thực sự ở đó. Thay vì đi cư, ta phải liên tục tái định cư, liên tục tái chế. Tái định cư phương thức tồn tại của chúng ta không gì khác hơn chính là căn nguyên tất yếu để mang lại cho một nơi chốn tất cả tiềm năng của nó, sự vô tận của các ngưỡng mà nó thiết lập giữa những không gian không thể chung đụng với nhau.

Một con muỗi trong suốt cuộc đời của nó di chuyển không quá một trăm mét. Và toàn cầu hóa đã mang những con muỗi từ Trung Quốc đến các nơi chốn khác, gieo dịch bệnh đến những nơi này, ở đó ta phải đối mặt với một không gian rõ ràng sẽ tự thay đổi hoặc tự hủy diệt. Vì thế, chúng ta phải tìm thấy lại nguồn năng lượng riêng của từng lãnh thổ, từng vùng đất, gieo trồng, chăm bón cho nơi cư lưu (o#kos), hang ổ của chúng ta. Và ta đừng bao giờ quên đi ý nghĩa về tình thân hữu dành cho những người cũng đang chiếm giữ một nơi chốn riêng, những người đang thu mình lại trong cõi riêng của họ.

Đây là những gì mà Đạo lý (Ethos) có thể có nghĩa như một căn nguyên có khả năng tìm thấy cơ cấu tổ chức của nó, đẩy lùi lại những giới hạn vốn làm ta mất tự chủ trước thời giờ bận rộn, xa cách. Việc mở ra cho ta một khoảng thời gian là lúc mà sự tự cách ly dạy ta cách khám phá nó. Thế giới đã thay đổi. Virus đã làm ta hiểu rằng đời sống là độc địa. Sinh khí và độc địa tìm thấy mối liên hệ phổ biến của chúng trong một thế giới mà ta phải học cách để vượt qua mỗi mét vuông như một không gian vô tận. Điều này không xuất hiện trên sao Hỏa, tương lai rồi sẽ tốt đẹp hơn, nhưng ở trong một hành trình khủng khiếp hơn, trong một sự trải mở mênh mông hơn, ngay đây và bây giờ, trong một nơi chốn mà ta đang tái khám phá, và là nơi mà trại tế bần cùng lòng hiếu khách sẽ cần đến một phương thức tồn tại mới. Tất nhiên điều này sẽ không thể làm ta thôi nhìn về những vì sao.

Tuệ Đan lược dịch từ La vie après le confinement
Nguồn: diacritik.com (23/03/2020).  
(TCSH374/04-2020)



 

 

Các bài đã đăng
Cây hồng vàng (05/06/2020)