Tạp chí Sông Hương - Số 375 (T.05-20)
Từ Hoài Tấn: Thơ buổi giao mùa
09:38 | 03/07/2020

HUỲNH NHƯ PHƯƠNG    

Một ngày giáp Tết Canh Tý, Từ Hoài Tấn* mời bạn bè đến quán cà phê nhìn sang Vương Cung Thánh Đường dự ra mắt tập thơ tuyển của ông (Thơ Từ Hoài Tấn, Nxb. Tổng Hợp thành phố Hồ Chí Minh, 2020).

Từ Hoài Tấn: Thơ buổi giao mùa

Tập thơ in khổ lớn, trình bày trang nhã, bìa là ảnh tác giả đứng nhìn sang làng Chuồn (làng An Truyền, xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) từ bên kia sông Như Ý. Đó là quê hương và tuổi thơ Từ Hoài Tấn, nơi chỉ cách thành phố Huế tám cây số theo quốc lộ 49 qua cầu Vỹ Dạ mà như một thế giới riêng biệt được phản chiếu trong thơ ông.

Buổi sáng Sài Gòn cuối năm, nắng mật ong ánh vàng trước tượng Đức Mẹ Hòa Bình, chim bồ câu vui đùa mổ thóc trong nhịp chuông nhà thờ; nghe những kỷ niệm về đường đời và đường thơ Từ Hoài Tấn được gợi lại, bỗng thấy thơ ông như đan kết không - thời gian những phút giao mùa mà một tâm hồn trôi dạt giữa gió bụi còn giữ lại trong ngôn từ.

Phục hưng tuổi trẻ

Những bài thơ làm thời tuổi trẻ của Từ Hoài Tấn đã đăng rải rác trên báo chí miền Nam trước 1975 hay lưu truyền trong vòng thân hữu, được tập hợp trong Phục hưng tôi và em (2013) sau khi đã in Hành tinh phiêu lạc (2003), Đi, đứng và chạy… với thời gian (2012) gồm những tác phẩm của “một thời thất lạc”.

Làng Chuồn nổi tiếng rượu ngon và con người cứng cỏi; còn thơ Từ Hoài Tấn thời trẻ chỉ có hơi rượu nhẹ và giọng thơ dịu mềm như thoáng tình đầu: Em đã sắp về chưa/ Trên những nhánh cây khô cuối mùa héo úa/ Và có ai đi dưới con đường nhạt nhòa/ Hơi thở kín trong lòng tay buốt/ Hỡi ngày mai của một rạng đông/ Nụ cười phơi trên giàn hoa gạo cũ/ Người cười vui con mắt long đong/ Ấm lòng ta những canh khuya lặng lẽ.// Em đã sắp về chưa/ Những ngày tháng mười hai nhịp mùa trở đổi/ Gió không ngừng reo/ Bên kia núi đồi/ Băng qua những dòng sông/ Những cây cầu/ Và những chia cách của lòng người/ Gió thổi tới/ Xóa nhòa khuôn mặt thù hận của đêm tối/ Và gió thổi tới/ Bước chân em/ Từ nghìn trùng xa biệt. (Những buổi chiều cuối năm ngoài đường).

Hồn thơ Từ Hoài Tấn nhạy cảm với những chuyến xe chiều cuối năm, những ngày sắp tàn khi ngoài phố mùa đông trôi đi những bóng người lặng lẽ: Những ngày sắp hết năm tàn nữa/ Một bóng người qua lặng lẽ buồn/ Sông núi mười thu chờ tiếng bước/ Nhẹ lướt qua đời những bến sương (Những ngày cuối năm); Ngày đã vơi với tiếng cười buồn/ Thu mình ngồi trong khoang xe chật/ Ai hát bên đời nghe tang thương/ Chiều mới hết hoàng hôn xô mãi/ Những tiếng đàn trầm hư không. (Buổi chiều cuối năm trên một chuyến xe buýt).

Thơ Từ Hoài Tấn là thơ của “những đêm chờ bình minh”. Chỉ dấu tâm hồn này có thể thấy trong thơ của một thế hệ đương thời. Dưới ngòi bút Từ Hoài Tấn, hình ảnh “thời đại tật nguyền”, “đầy dẫy những vết tích hoang phế”, “vực thẳm”, kết tụ trong những cảnh tượng dữ dội của chiến tranh: Năm năm tôi mơ một mái nhà/ […] Ta đi hai bên những gọng kềm/ Những con mắt là lưỡi đao tàn ngược/ Tên đao phủ mỗi ngày thoáng bóng qua đêm/ Những lời hô từng giờ, từng phút. (Trên đường tới một mái nhà).

Đối lập với những hình ảnh đó là viễn cảnh về một ngày mai hy vọng với, “những khu vườn rực rỡ, cây trái tái sinh”, “những búp non báo hiệu”, “hừng đông rựng sáng”, “nắng mai hồng trên cánh đồng thơm”, “tiếng chim trắng bay về ngoài vuông cửa”, “gió hiền hòa không ngừng thổi tới”. Nhưng nỗi “hoài vọng rạng đông” ấy chỉ gieo lên niềm tin mơ hồ về một “mùa phục hưng” ảo tượng. Tháng chạp kéo dài thành những câu thơ u uẩn mà tháng giêng và mùa xuân chập chờn đâu đó chưa hiển lộ: Trời đã cuối năm đất trở mình/ Những canh khuya nghe trong lòng tôi/ Lời chim khuyên thức dậy/ Đời đã lên men/ Rượu tình ai đã rót/ Nhấp chén tương tri/ Của một người cuối đời trở lại. (Tình khúc cuối năm trên gác xép).

Đất trời, cỏ cây và tình nhân như hòa cùng tiên cảm với nhà thơ về một nỗi niềm không xác định của đời sống: Sách vở em buồn trong ngăn kéo/ Những ngày hoa báo hiệu mùa xuân/ Tôi thu nhặt lại năm tàn cũ/ Gửi gió sông hồ bay mênh mang (Những ngày cuối năm).

Xa Huế, ra đi bốn phương trời, trở về Huế, rồi lại lang bạt, những câu thơ hay nhất của Từ Hoài Tấn thời trẻ, dù không gọi tên, vẫn mang âm hưởng cố đô. Lãng đãng, bàng bạc trong không gian. Dằng dặc, ngập ngừng trong thời gian. Tính cấu trúc chỉ nhận ra được nhờ giọng điệu và điệp ngữ: Những chiều thở không ra hơi/ Đầm đìa cơn mê sảng/ Linh hồn động kinh/ .../ Nhìn lên dãy hành lang của trường đại học/ Bây giờ còn tiếng chân ai lướt nhẹ xa xăm/ Mười năm nữa ai sẽ dắt nhau qua đây/ Hát một bài nuối tiếc/ Mười năm nữa mây trên núi cao sẽ còn bay về/ Xin nở đóa hoa hoài niệm/ Và mười năm tôi dưới đường heo hút/ Tóc trắng chờ mong/ Mà những cánh chim đen không thôi lượn quanh mùa bão tố. (Những cánh chim mùa bão tố).

Mong đợi một ngày trở về, giã từ những chuyến phiêu linh không định hướng, nhưng thời cuộc lại bắt buộc nhà thơ giang hồ một lần nữa với con đò và mái chèo lang thang một vùng sông rạch miền Nam.

Gió bụi giang hồ

Từ Hoài Tấn xa gia đình từ nhỏ, gia đình ông cũng rời quê hương từ sớm, lúc đi tản cư, lúc tìm đường lập nghiệp. Thời chiến, ông đã đặt chân đến Nam Bộ nhưng âm sắc miền này chưa đậm trong thơ ông. Phải đến ngày hòa bình, số phận đun đẩy ông tìm kế sinh nhai suốt 15 năm ở miền Tây. Trong “Khúc dạo đầu” tập thơ Bản tình ca của gió bụi (2018), Từ Hoài Tấn bộc bạch: “Đầu tiên tập thơ này được đặt tên Nhật ký của bể dâu, ghi dấu những năm giang hồ vùng bưng biền sông nước của tỉnh Long An. Từ những đồng bưng mênh mông Đồng Tháp Mười vùng Đức Huệ - Mộc Hóa đến sông nước hai con sông Vàm Cỏ Đông - Vàm Cỏ Tây với những cánh đồng trồng thơm và tràm bông vàng bên những con kinh xáng múc ở các khu kinh tế mới Củ Chi, tôi đã phiêu dạt nhiều năm với chiếc ghe bầu hai tấn rưỡi.”

Tất bật với cuộc mưu sinh, thời gian này chắc Từ Hoài Tấn viết không nhiều, được in lại càng ít; nhưng 15 năm gió bụi đó còn ám ảnh những câu thơ ông qua hình ảnh rượu nhòa trong nước mắt một người đàn ông sầu cố xứ: Ai hay lữ khách chiều tê tái/ Nhỏ giọt lệ hoài rượu cố hương/ Nhớ con sông cũ chiều xa ngái/ Đêm dài mưa ngập cả mùa đông. (Chiều cuối năm đứng bên bờ sông Vàm Cỏ).

Về với sông nước miền Tây là một cách nhà thơ giã từ khung trời quá vãng, chia tay những năm ảo mộng, tìm cách làm khác mình theo cái khác trong cuộc xoay vần của thời đại: tìm ra sông lớn băng qua rạch gần/ chiếc xuồng trôi cùng nỗi tự do/ thênh thang vùng sông nước/ tôi vừa ra khỏi cuộc xoay vần/ tìm niềm cô đơn vui cùng lau lách/ tôi sống xa cách những ngày tháng vết hằn đau quá vãng/ thời tuổi trẻ sương mù/ cùng em bơi trong bể cạn/ tôi sống đùa vui sông nước miền Tây… (Sông nước miền Tây).

Trong hai tập Mấy khúc đoạn giang hồ (2016) và Bản tình ca của gió bụi nói trên, có nhiều bài thơ viết vào chiều cuối năm, ngày giáp Tết, đêm ba mươi với giọng điệu u hoài. Nhưng thỉnh thoảng vẫn bắt gặp những niềm vui nhẹ nhàng lan tỏa từ ngoại cảnh vào tâm cảnh của một người tha phương cam chịu tìm nơi nương náu giữa cõi đời phiền nhiễu: Xứ sở cuộc đời tôi/ Hoa tràm vàng nội cỏ/ Bông bàng phấn bụi bay/ Không có núi và đồi/ Không có rừng và biển/ Nhưng có em và con/ Có cha già em nhỏ/ Hương và mật ngàn năm/ Sớm và chiều lan tỏa/ Nhiều năm qua dịu dàng/ Thả cánh chim gió lộng/ Rộng đường bay tháng năm/ Nhiều năm qua như thế/ Cơn gió mát bên lòng. (Những ngày sống ở Bình Thành).

Có thể nói những ngày gian nan làm lưu dân bên bờ sông Vàm Cỏ đã thêm sức cho Từ Hoài Tấn trụ lại với cuộc đời và thêm sức cho thơ Từ Hoài Tấn đến với mọi người.

Sài Gòn gọi về

Thật ra, từ sâu kín, Từ Hoài Tấn vẫn mang hồn thơ thị dân. Khung cảnh thường gặp trong thơ ông là những chuyến xe, những quán cà phê, những cuộc tụ hội bạn bè phố xá. Thời chiến, bảy năm ông lui tới Sài Gòn: Nơi tôi sống, căn gác cao nhìn ra ngoại ô/ Những ánh đèn vàng của đêm hiu quạnh/ Ở bên kia ngôi nhà thờ/ Gác chuông không bao giờ rung tiếng/ Ngoài tiếng rít trên đường ray vào lúc hoàng hôn/ Chuyến xe lửa cuối cùng của một ngày đã hết. (Hẻm 332 Phú Nhuận).

Sau những năm trôi dạt miền Tây, ông tìm về thành phố này như chỗ an trú dài lâu. Sài Gòn có thể là chỗ nghỉ chân sau tháng ngày phiêu lãng, nhưng không hẳn là chỗ để người ta thảnh thơi, dù mỗi sáng vẫn ngồi nơi quán nhỏ góc phố đó, nhìn ra con kênh nước lững lờ trôi đó. Những suy nghĩ năm nào giờ trở lại, không phải để giết chết niềm hy vọng, mà để giúp bình tâm trước số phận: Cuộc sống chúng ta ví như ngôi nhà lớn/ Với nhiều cánh cửa/ Những khung cửa chật hẹp để chui vào/ Ta đã thu thân người bao nhiêu năm/ Vẫn lang thang ngoài hư vọng.// Thời gian không có lấy một giây/ Thấy đời sống có ý nghĩa/ Không có lấy một chỗ/ Để gối đầu tạm nghỉ/ Ta vẫn lang thang ngoài trái đất. (Khúc hoài đêm ba mươi tết).

Sài Gòn dù đổi mới bao nhiêu cũng chỉ nuôi dưỡng những niềm vui thoáng chốc mà không phục sinh được tình yêu và ước vọng tuổi trẻ: có một tấm lòng ước vọng trinh nguyên/ như tuổi xanh như chồi biếc/ tôi sẽ không dậy lớn với thời gian/ sẽ không thành lá xanh trên ngọn/ để cuối con đường vật vã biệt tăm (Sài Gòn, mùa xuân).

Thơ Từ Hoài Tấn viết ở Sài Gòn sau này có nhiều chất nghĩ hòa trong chất cảm. Nghĩ trong âm thầm đêm sâu. Nghĩ giữa sáng mai trên vỉa hè lát đá. Nghĩ trong cơn mưa chiều tháng sáu. Nghĩ khi đạp xe ra ngoại ô. Dưới áp lực của tuổi đời và thời cuộc, đến một lúc nào đó người ta chỉ biết nghĩ gì thay cho làm gì. Và cái nghĩ của nhà thơ là cái nghĩ trong ngày thường giữa một “khí hậu không bình thường”, đôi khi tự trào như một người “bám víu vào những giấc mơ cuối mùa huyễn hoặc”.

Nhưng lẽ nào đã vượt qua ngần ấy biến động của hoàn cảnh để có thể bình thản trước bước đi của thời gian, thơ đã không mang trong sâu thẳm một niềm can đảm?

H.N.P
(TCSH375/05-2020)

..........................................................
(*) Từ Hoài Tấn sinh ở Huế, hiện sống tại thành phố Hồ Chí Minh, sáng tác từ 1964. Tác phẩm đã  xuất bản: Hành tinh phiêu lạc (Nxb. Thuận Hóa, 2003); Đi, đứng và chạy… với thời gian (Nxb. Hội Nhà văn, 2012); Phục hưng tôi và em (Nxb. Hội Nhà văn, 2013); Đạp xe ra ngoại ô (Nxb. Hội Nhà văn, 2018); Thơ Từ Hoài Tấn (Nxb. Tổng Hợp Tp. HCM, 2020), v.v.  




 

 

Các bài mới
Đọc Kafka (03/07/2020)
Hoa bằng lăng! (03/07/2020)
Các bài đã đăng
Chùm thơ NP Phan (03/07/2020)