Tạp chí Sông Hương - Số 376 (T.06-20)
Ngàn năm mây trắng
14:33 | 10/07/2020

NGUYỄN THỊ DUYÊN SANH  

Trời vừa nhập nhoạng tối thì nhiều dãy bóng đèn phía ruộng cúc đã đồng loạt sáng bừng lên. Trông chúng tươi vui như những đốm pháo hoa bung nở trăm ngàn tia lửa màu rực rỡ trong sương chiều.

Ngàn năm mây trắng
Minh họa: Ngô Lan Hương

Ông Định xong việc tưới cây đã lâu, đến ngồi vào góc sân trước bộ ấm trà nhìn ra cánh đồng làng. Năm nay trời không mưa, nói đúng hơn là chỉ dăm bảy ngày mưa chia rải rác cho suốt mùa đông. Ở cái xứ lắm nắng nhiều mưa này, đó cũng là chuyện hiếm. Nông dân phải vất vả chạy nước cho cả mấy vụ hoa trong năm, kể cả những cánh đồng hướng dương mới thử trồng vài vụ theo thị hiếu chụp hình sống ảo của giới trẻ. Có mấy hộ chuyển sang công việc khác để mưu sinh, nhưng phần nhiều đều chịu khó bám vụ, dù thu nhập cũng bấp bênh do trời làm hạn hán thất thường. Cha ông mấy đời gắn bó buồn vui với màu hoa, cúng kỵ chạp giỗ chi cũng không thiếu được. Họ nghĩ vậy và lam lũ nắng mưa để giữ lấy nghề cũng vì vậy... Từ các đường thôn ngõ xóm, những đầu triêng gióng kĩu kịt thoăn thoắt đổ tới cho kịp buổi chợ mai. Thỉnh thoảng, lại thấy những giỏ xách và thùng gỗ đầy ắp hoa cúc vàng, nhiều nhất là hoa vạn thọ chất đầy kín trên xe đạp, được dắt bộ đi rao bán... Không như trước đây gia đình ông Định năm chỉ về vài hôm, là để thăm mộ cuối năm và cúng đưa ông bà. Việc coi sóc nhà cửa, hương khói mồ mả ở làng lâu nay đều nhờ vào người em trai. Dạo sau này Tiến không khỏe, cũng vừa lúc ông Định sắp nghỉ hưu. Mới gần đây, trong một lần về bệnh viện tỉnh điều trị, Tiến đã tỏ ý muốn anh trai nên xem lại việc hương khói từ đường. Thế là gia đình ông trở về, ngôi nhà xưa được sửa sang sắp đặt lại, sáng sủa và đầy sinh khí hơn...

Trời tối hẳn. Tiếng chuông từ ngôi cổ tự cuối cánh đồng bên kia sông vọng về rõ từng tiếng một, ngân chậm và nhẹ theo làn gió vào tận những xóm nhà yên ắng. Ông Định đặt chén trà đã loãng xuống bàn, bước vào hiên rồi đến thắp hương khắp nơi trong gian thờ. Từ phía bếp tíu tít tiếng con bé Mỹ kể chuyện, chốc chốc lại vang lên những tràng cười giòn giã của hai mẹ con. Bà Lý đang còn bận rộn chuẩn bị cho những ngày được coi như khá đặc biệt. Không chỉ tiếp bà con sẽ đến thăm ông Định trở về, bà còn đếm từng ngày mong đón con gái lớn ở Hà Nội vào. Từ khi sinh em bé rồi bận bịu chăm con, rồi công việc cứ phải tăng ca, tăng giờ, năm nay Hạnh mới thu xếp để đưa gia đình nhỏ của mình về quê ngoại. Cho nên mấy hôm nay bà Lý tất bật trong bếp từ tối đến gần khuya. Mệt không bằng vui. Bà vẫn hay nói vậy. Người phụ nữ này luôn đem đến cho ông một cảm giác yên tâm, kế cả khi đi đâu xa, chỉ cần nghĩ đến bà là ông liền thấy ấm áp trong lòng. Vào thời của ông thì chuyện vợ chồng do cha mẹ sắp đặt xem ra hơi ít và hiếm. Ông lại ở vào cái số ít hiếm hoi này. Nhà có hai anh em nhưng cách nhau đến sáu tuổi và khác biệt nhau về ngoại hình lẫn tính cách. Tiến gầy, ra dáng thư sinh, trong khi Định cao lớn, đậm vẻ chân chất trai làng. Tiến hào hiệp, bất cần, còn Định thì thích mọi thứ đều tròn trịa an toàn, rất ngại phải đối mặt với trở ngại hay những vấn đề phát sinh. Ra trường, Định xin được việc làm ngay trong huyện và mấy năm sau thì lấy vợ. Chẳng thể nói là ép uổng gì, bởi Định thấy cô Lý cũng hiền lành, dễ coi, lại giỏi giang vén khéo do phải tự lập sớm. Là người mẹ khi chọn dâu trưởng cho mình đã tìm hiểu hỏi han kỹ lưỡng như thế. Nhà cũng vào bậc khá trong làng, bà chỉ cần con dâu biết sắp đặt trên dưới chu toàn, không phải làm lụng bươn chải gì thêm. Vợ chồng hợp tính hợp nết, trong ngoài tuyệt nhiên không hề có tiếng nhỏ tiếng to. Nhưng năm con bé Mỹ lên ba thì bà nội mất, đem theo nỗi băn khoăn mong mỏi về đứa cháu đích tôn. Ấy là chưa nói đến những ngày cuối đời buồn bã của bà phải chứng kiến đổ vỡ, tai ương ập xuống gia đình. Vợ Tiến đã bỏ đi sau hai năm chung sống nhưng không có con mà nguyên nhân không phải từ cô. Cuộc hôn nhân do Tiến chủ động, đến tự nhiên và rồi kết thúc cũng chóng vánh. Chỉ có những trăn trở triền miên là ở lại, đeo bám mãi trong những đêm anh nghe tiếng mẹ thở dài, lâm râm khấn vái trước di ảnh của cha.... Gian nhà cổ như rộng thêm ra khi Tiến càng có nhiều lúc đi vắng cả mấy ngày. Định không tin đó là gian nhà quen thuộc của mình, một sớm một chiều bỗng vắng đi gần một nửa những người thân. Nhưng Lý đã nhanh chóng đưa sinh hoạt gia đình trở lại bình thường. Lò kẹo lại đỏ lửa. Lý thay mẹ chồng đảm đương việc coi ngó hơn chục người làm, giữ chân Tiến bằng cách thỉnh thoảng nhờ anh trông giúp việc đóng hàng chuyển đến các đại lý ở mấy tỉnh lân cận. Thỉnh thoảng dì Xuyến qua chơi, lại phụ chăm sóc nhà cửa ít ngày và để mắt đến hai đứa nhỏ...

Bà Lý đã xong việc, bước lên gian nhà chính, nhìn quanh một lượt. Chừng như yên tâm rằng đâu đã vào đấy, bà mới đi về phòng, đưa tay tháo chiếc kẹp cho mái tóc còn mướt dày đổ về một bên, để lộ bờ vai bên kia tròn đầy, mịn màng dưới màu áo cánh phớt hồng, đằm thắm và ấm áp. Bao nhiêu năm qua, bà vẫn đằm thắm và ấm áp như vậy. Người đàn bà này hình như không sợ thời gian. Nhiều năm bỏ quê về phố đã làm bà lịch lãm hơn và chút thanh xuân cuối mùa cũng được kéo dài thêm.  

Những ngày có vẻ như qua rất nhanh, hối hả, vội vàng hơn hết vẫn là cánh phụ nữ như bà Lý. Trời chuyển gió, và rồi mưa từ đêm cho đến sáng. Đường xóm vắng tanh, lâu lắm mới có người co ro vội vã đi qua, áo mưa trùm che kín mít, phần phật gió đánh tà áo thùng thình tạt về phía sau. Không chỉ vì mưa lạnh, mà có thông tin xao xác khắp nơi về sự xuất hiện của một thứ dịch cúm phổi ghê gớm, lan tràn và có khả năng làm chết người nhanh chóng. Ai cũng muốn ngồi nhà, dán mắt vào màn hình ti vi hoặc điện thoại để cập nhật thông tin. Và mưa lạnh đột ngột sau đợt nắng nóng dài ngày, dĩ nhiên là nhiều người cảm cúm. Chú Tiến cũng hắt hơi sổ mũi. Chỉ là cúm mùa thôi, xứ mình vào tiết này vẫn thường như vậy. Nhưng chú tự đóng cửa ở lì trong phòng. Bước ra là che khẩu trang kín mít. Hạnh gọi vào cho biết phải ở lại vì chồng bận trực bệnh viện trong tình hình dịch bệnh vừa bén đến nơi, ông bà nội mấy cháu lại không khỏe vì trời quá lạnh. Bà Lý đứng ngồi không yên, hết bồn chồn ra hiên nhìn trời xám xịt trong mưa lại vào bảo chồng gọi điện hỏi han dặn dò con gái. Cỗ cúng đưa cũng tươm tất nhưng chỉ vài ba đứa cháu trong họ đến, ngồi mươi lăm phút rồi đi bởi việc đo nồng độ cồn đối với người lái xe đã thực hiện và có hiệu lực rộng rãi. Từ nhỏ tới giờ, bà Lý chưa thấy lúc nào buồn bã ảm đạm như thế này. Nào là mưa gió lạnh lẽo kéo dài, nào là nghi ngại dịch bệnh nên ít gặp nhau, gặp nhau mà không cụng ly thì chi bằng gọi điện chúc nhau mấy câu cho xong... Cũng may là có chú cháu con Mỹ, một lớn một nhỏ, cứ đi về là lướt vào Facebook, rồi nói ra nói vào, chuyện xa chuyện gần khiến bà thấy bớt nhạt nhẽo vô vị...

Trời sáng ấm sau nhiều ngày mưa, bà Lý giúp chồng dọn dẹp sân vườn rồi đi chợ. Cũng lâu rồi mới ra khỏi nhà, bà sửa soạn khá kỹ, không quên soi mặt vào kính xe trước khi chạy ra khỏi cổng. Nụ cười tươi trong nắng mới thoảng lại mùi thơm nhẹ như hương vườn, hứa hẹn một ngày mới tốt lành. Nhưng chợ không xa mà bà Lý đi mất gần nửa buổi, về nhà vẻ mặt bần thần khác lạ. Không nghe bà mở miệng nói câu nào ngoài việc trả lời ông Định, mà cũng chỉ ậm ừ mấy tiếng không đâu vào đâu. Mỹ đến trường nhưng ngay sau đó đã có thông báo nghỉ học vì trên địa bàn tỉnh đã có bệnh nhân lây nhiễm dịch. Khắp nơi lùng kiếm đi mua khẩu trang và nước rửa tay. Giá đội lên cao, rồi giá cao cũng không còn hàng để bán. Từ phố về làng, hễ ai nói chuyện thì hai thứ dịch bệnh và khẩu trang luôn nằm trước cửa miệng. Ông Định cho rằng bà quá lo lắng mà mệt mỏi như vậy, thôi không hỏi gì thêm. Một mình bà Lý nằm suốt buổi trong phòng, không bật đèn, không mở cửa. Chỉ có những vệt sáng từ vườn cây lọt vào làm căn phòng xanh lên một màu tối âm âm u u, nhưng lại khiến bà dễ chịu hơn. Bà sợ phải thấy rõ mình, hay nói đúng hơn là sợ mình phải đứng trước người phụ nữ mà bà suýt chạm mặt sáng nay trước hiên ngôi nhà cũ ở xóm ngoài, nơi con bé Lý mồ côi mẹ lúc mới lọt lòng đã lớn lên bằng dòng sữa của dì Nậy khi bà mới sinh Xuyến. Người em họ khăng khít ngọt bùi với bà từ tấm bé, không may góa bụa sớm và hắt hiu ra vào ngôi nhà nhỏ ấy suốt nhiều năm tháng, khi xóm làng đã vắng những ngày vui. Đó là đận hầu hết trai tráng rời quê đi vào những vùng đất mới với khát khao lập nghiệp thoát nghèo... Được mẹ Xuyến nuôi dưỡng, Lý biết thân biết phận nên vừa đi học vừa cù đày việc nhà, từ ruộng trưa cấy hái đến chăm lo vịt gà ngan ngỗng. Lớn lên may mắn được vào làm dâu trưởng nhà có của ăn của để, Lý một bước đổi đời nhưng vẫn không quên đứa em họ tội nghiệp của mình. Người làng chất phác hiền lành nhưng định kiến về những người đàn bà có mệnh sát phu từ lâu đã ăn sâu trong nếp nghĩ. Xuyến cứ lần lữa nhiều năm đi về đơn độc. Một lần Lý ái ngại gợi ý:

- Hay là dì kiếm đứa con để lâu nữa về già còn có chỗ nương tựa?

Chuyện kiếm con vào buổi ấy ở làng này thì cũng chẳng có gì lạ. Nhiều cả ra đó thôi. Đơn giản như đi chợ mua con cá ngọn rau. Những người mẹ đơn thân lại tự mình nuôi con, chẳng phiền hà đến ai. Nhưng Xuyến thì khác:

- Người làng mình giờ còn ai hả chị?

Ý cô muốn hỏi còn ai ngoài mấy ông già bằng tuổi cha chú, chưa kể đến trong đó có kẻ chỉ giỏi nói trạng, kẻ lại thô lỗ cộc cằn. Con cô mà như vậy thì mong chi được nương tựa về sau. Khó khăn lắm Xuyến mới ngập ngừng nói ra ý nghĩ của mình. Lý nghe qua tưởng như sấm nổ trước mặt. Nhưng rồi nghĩ lại cô cũng thương em, thôi thì nhắm mắt một lần cho xong, cho có tình có nghĩa... Ngày giỗ ông nội con Hạnh sau đó một tháng, Xuyến đến phụ chị nấu nướng và ở lại. Cúng quảy xong, bà con ra về thì anh em ông Định còn ngồi lai rai cho đến khuya, khi cả hai có vẻ chếnh choáng la đà. Lý dìu chồng vào phòng rồi trở ra trước hiên, ngồi bó gối cố kìm tiếng nấc. “Lý ơi, ngồi yên mà nghĩ đến những ngày mi tranh bầu sữa mẹ với Xuyến đi! Nghĩ đến lúc dì Nậy ốm đau mà nhịn thèm không ăn lại sức, để tiền mua xe đạp cho mi đi!”... Chỉ có ánh trăng nhìn xuống dỗ dành cho Lý ngồi yên, cố bịt tai để không phải đau đớn nghe những tiếng vọng từ phía phòng mình.

Nhưng Lý chỉ cố yên được vài tháng. Một ngày, cô về nhà gặp Xuyến:

- Được rồi?

Im lặng chỉ vài giây nhưng nặng nề cho cả hai. Lý đặt gói giấy trên bàn:

- Chỗ tiền này là để dì đi khỏi làng và bắt đầu lại. Dì đã nói là chỉ có hai ta biết chuyện này phải không? Anh ấy vốn không phải kẻ đa tình đa sự. Mẹ con dì ở lại đây là khó cho nhiều người lắm!

- Trời ơi, nhiều quá, em không dám cầm... - Xuyến giật mình, lúng túng khi mở gói giấy.

- Coi như dì để căn nhà lại, chị sẽ lo kỵ giỗ hương khói chu toàn cho ôn mệ.

Xuyến run rẩy vin một tay vào cánh cửa, nhìn Lý trân trân rồi khuỵu xuống ngồi bệt trên nền đất.

Mấy hôm sau, qua buổi chiều chớp giông và mưa như cầm chỉnh đổ đầu đêm, sớm ngày ra đã thấy Tiến từ đâu chạy về, ra dấu cho chị dâu im lặng đi theo mình. Tới bờ hói lép nhép bùn, anh chỉ đôi dép nhựa chúc mũi xuống gần nửa trong đất nhão:

- Em có tạt qua nhà nhưng không thấy dì Xuyến. Kêu mãi không nghe ai trả lời.

Dòng nước còn đục lờ nhưng sức chảy đã chậm lại. Chắc chắn đêm qua nó cuộn xiết dữ lắm. Nếu mà... Nếu mà... Lý rùng mình không dám nghĩ tiếp. Nhưng quả thật lúc đó cô đã thở ra mừng rỡ trong một thoáng, rồi vội vàng tự trấn áp cảm xúc, len lét trở lại nhà Xuyến, mãi mới ngập ngừng:

- Chắc tui sẽ đặt bát nhang đây cho dì.

Tiến nhìn ra sân, nơi những tia nắng đầu ngày đang dát vàng trên những luống cây rẻ quạt có lá màu ngọc bích, cứng và sắc nhọn như những lưỡi dao xanh còn ướt mưa đêm qua, tua tủa chỉa lên trời:

- Tùy chị. Nhưng im lặng thôi, chưa thấy được người thì chưa nói chắc được điều chi. Làng xóm người ta biết lại rùm lên không hay. Để rồi em sẽ liệu cách đi hỏi dò tin tức.

Nhiều ngày và cả nhiều tháng sau đó vẫn không nghe được gì từ Tiến. Lý nằn nì thuyết phục chồng xin chuyển vào tỉnh, lấy cớ con bé Hạnh sắp lên bậc trung học cũng cần có môi trường học tập thuận lợi hơn...

Mười mấy năm nay, mọi thứ dường như đã loãng tan trong một thứ bụi sương ký ức. Nay bóng ma của quá khứ đang tìm về? Làm gì có ma với quỷ, chỉ là mình hoa mắt thôi. Nhưng rõ ràng lúc nãy có bóng người đàn bà vừa đi qua trước hiên. Mấy nén nhang cắm quanh đó còn nhả lên không những vòng khói trắng vật vờ. Bà đi quanh nhà, cửa vẫn còn khóa kín, vòng ra vườn sau, vẫn im ắng và đìu hiu...

Bà Lý ngồi bật dậy khi nghe tiếng xe máy chạy vào sân. Mọi người đã về đủ. Bà xuống bếp nhưng cứ lóng ngóng chân tay, phải luôn miệng kêu con gái phụ nấu nướng cho kịp dọn cơm trưa.

Câu chuyện trên bàn ăn không đủ lôi kéo sự chú ý của bà Lý, cho đến khi chú Tiến oang oang:

- Nghĩ cũng lạ đời! Thuở xưa đến chừ tui mới thấy người ở cõi dương lại đòi xin cho được chữ âm, nghe bị cái dương là coi như xong!

Bà cố giữ bình tĩnh, cúi xuống bàn mà nghe nóng ran cả mặt. Cả ba người vẫn say chuyện, nào là lây nhiễm, nào là cách ly, rồi thì xét nghiệm âm tính, dương tính gì đó. Có vẻ như cái dịch bệnh khủng khiếp đó còn ở tận đâu, chứ xóm làng đây chưa nghe chộn rộn chi... Bà thở phào, nhẹ cả người. Nhưng ánh mắt chú Tiến nhìn qua bà một thoáng rất nhanh, lại giống như cái nhìn khi bà men ra bờ hói một sớm mai nào đã rất xa.

Buổi xế, nhân lúc anh trai còn loay hoay ngoài mấy gốc lão mai, Tiến gọi chị dâu báo cho biết chuyện Xuyến đã về và đang ở lại nhà người quen dưới phố.

- Lâu nay chú vẫn thường liên lạc với dì ấy?

- Nói đúng ra là em chủ động đi tìm và cũng mới liên lạc được gần mười năm nay. Chiều hôm Xuyến bị trượt chân bên bờ hói, chính em đã chèo đò đưa cô ấy qua bên kia gửi gắm cho vợ chồng đứa bạn em có xe chạy vào Nam.

Rót cho mình tách trà nóng, nhìn ra ngoài sân đang ngập màu nắng óng ả lụa vàng, Tiến chùng giọng xuống:

- Đêm kỵ ba, em thức giấc vì đau bụng, thấy chị ngồi khóc trước hiên... Vì vậy, khi gặp Xuyến khăn gói chạy xuống kêu đò và bị trượt chân thì em biết mình phải làm gì. Dẫu sao đứa nhỏ cũng là cháu của em... Mấy tháng sau thì bạn em cho biết Xuyến đã không còn ở chỗ trọ cũ. Có lẽ đó là vào thời điểm Xuyến sinh con và mất liên lạc. Từ khi anh chị và các cháu rời làng, em khá bận rộn việc lò kẹo với nhiều đại lý mới, lo chốt hợp đồng mới, em phải giao việc đóng hàng vào Nam cho người khác... Sau này mới tìm được hai mẹ con dì Xuyến và thỉnh thoảng dì ấy có liên lạc với em qua điện thoại. Thằng bé năm kia đã vào lớp mười...

Khung cửa tối lại đột ngột bởi một bóng người đứng sững ở đó. Bà Lý úp mặt xuống bàn, ngồi chết lặng như vậy không biết bao lâu. Cho đến khi ngẩng lên đã thấy chồng ngồi đối diện, và trước ngạch cửa, một dì Xuyến rõ ràng đang ngồi ngước mặt lên nhìn ba người, nước mắt chứa chan:

- Em đã hứa với chị là không trở về đây nữa. Những năm đầu lạ nước lạ cái rất khó khăn với em. Nhưng lăn lộn đắp đổi rồi cũng qua ngày và nuôi cháu ăn học tử tế. Ngờ đâu cháu bị tai nạn...

Ôm mặt nghẹn ngào mãi, Xuyến mới kể tiếp:

- Vốn liếng được bao nhiêu em chạy đôn chạy đáo lo chạy chữa, kế cả vay mượn, nhưng không giành lại được cháu. Em bây giờ không còn chi nữa rồi!

Tiến nuốt nước bọt mấy lượt, khó khăn lắm mới ái ngại nhìn anh trai:

- Nghe dì Xuyến báo tin dữ, em vào ngay... Giờ đã hai năm, em muốn dì ra gặp anh chị để chúng ta bàn chuyện đưa cháu về.

Ông Định từ đầu đến giờ không nói không rằng, trân trân nhìn mọi người bằng ánh mắt vô hồn. Nhưng khi bà Lý run rẩy vói qua định cầm tay chồng thì ông gạt ra và đứng phắt dậy bỏ ra ngoài.

Mỹ về đến nhà chỉ thấy bà Lý ngồi bắt mặt ngó ra. Thấy vẻ khác thường của mẹ suốt ngày hôm nay, cô bé giữ ý tứ không dám hỏi, lẳng lặng đi xuống bếp. Đến khi chuông chùa dứt tiếng đã lâu vẫn không thấy anh em ông Định đâu, bà Lý lùa qua quýt lưng chén rồi ra sân ngồi chờ. Không có tiếng xe nào trở về, chỉ có gió lao xao từ vườn chuối sau đình làng và tiếng tắc kè rời rạc vọng tới. Đêm thăm thẳm và rối rắm cùng với những thấp thỏm, mỏi mòn như đông đặc, dừng lại mãi không trôi... Những ngày sau đó, ông Định cứ đi về như một cái bóng, không có nhu cầu nghe và nói. Đã thế, Tiến lại đi những đâu, có khi không về ăn cơm. Mỹ cũng bận rộn theo nhóm bạn không biết làm những gì khi trường còn đóng cửa. Chỉ có cái ti vi là bật gần như suốt ngày trong nhà, và cái loa phóng thanh phía trường mẫu giáo tới giờ lại đưa tin và kêu gọi mọi người chấp hành các yêu cầu phòng dịch. Ở làng có vẻ ít hoảng loạn hơn nhưng được vài hôm thì người ta cũng chen chúc đi mua đồ dự trữ dù đã được thông báo đầy đủ về các nguồn cung cấp hàng hóa. Chợ làng đầu buổi sáng đã hết cá tôm ngon. Thỉnh thoảng Mỹ về nhà lỉnh kỉnh mua nhiều thứ để mẹ khỏi phải đi chợ. Rồi khắp nơi xôn xao khi người nhiễm dịch ngày càng nhiều, số người chết ở các nước tăng vọt từng ngày. Những con số biết nói đã thúc đẩy người ta tìm cách chống chọi, ẩn náu để sinh tồn. Chỉ cần sống sót là chiến thắng rồi. Mọi thứ đều xa xỉ phù du ngoài mong ước hạnh phúc được sống và hít thở khí trời. Cho đến lúc có lệnh “giãn cách toàn xã hội” thì đại dịch không còn là chuyện tận đẩu tận đâu nữa. Tàu xe đi lại hầu như bị đình đốn. Gần xa đâu cũng có người mất việc, khốn khó bủa vây khi không được lặn lội mưu sinh. Cá tôm, gà vịt chẳng có đầu ra, lại phải nhờ các biện pháp “giải cứu”. Một bức tranh ảm đạm chưa từng thấy. Cực chẳng đã người ta mới ra ngoài, dù khẩu trang trùm kín mà vẫn không che được ánh mắt nghi ngại dè chừng.

- Muốn ho bắt chết mà có người đi qua là tui phải nín. Khổ chi là khổ!

Thỉnh thoảng Tiến lại khuấy động bằng tiếng cười như vậy để làm giãn bớt không khí nặng nề của gia đình trong những ngày khó khăn này. Chừng như con bé Mỹ cũng ăn ý với chú nó. Chú cháu lâu lâu lại to nhỏ nói cười giữa những buổi đi đi về về bận rộn... Bà Lý không hiểu sao người ta bảo “cách ly” mà chú cháu hắn ngày nào cũng đi ra ngoài là đi những đâu. Bà hỏi Mỹ thì cô sinh viên năm cuối xinh tươi vui vẻ cười:

- Mẹ ơi, con vẫn tuân thủ nguyên tắc cần thiết mới phải ra ngoài và giữ khoảng cách hai mét!

Bà không muốn ở nhà để từng ngày thấy ông Định cứ ngồi im như tượng nhìn ra đám ruộng xa. Từ đó thỉnh thoảng vọng vào tiếng chim đồng giục giã từng hồi úc úc úc thao thiết, miệt mài và nhói buốt. Ông cứ ngồi như vậy cho đến chiều, khi nắng chỉ còn lấp lánh trên hàng cau và đầu chỏm mấy cây trải bàn cao vút có lá hình khuyết mềm mại như cánh phượng. Đó là nơi trở về của lũ chim trời, cứ phải chao chát tranh cãi nhau loạn xạ sau một ngày mỏi cánh bay cho đến khi những tia nắng cuối cùng loãng vào chạng vạng chúng mới chịu im. Lúc đó ông Định cũng trở vào, đứng rất lâu trước bàn thờ. Từ phía sau, bà Lý thấy đôi vai ông rung khẽ... Bà không biết mình sẽ đau đớn đến bao lâu nếu không có Tiến, một hôm gọi chị dâu hỏi:

- Chưa biết thời hạn “cách ly” là vài tuần hay có thể nhiều hơn. Chị có thể giúp được mấy người thợ của lò kẹo không?

- Mấy bữa nay tui rối quá không nghĩ đến. Thôi thì nhờ chú thu xếp giùm chị một tay!

- Nhân tiện nhóm cháu Mỹ đang tiếp tục chuyển gạo đến những người già neo đơn không đến các quầy ATM gạo được, chị ủng hộ các cháu nghe!

Bỗng nhiên được bận rộn, bà Lý có cảm giác nhẹ nhõm. Và dạn dĩ hơn. Bà hỏi Tiến:

- Mấy hôm nay chú có gặp dì Xuyến không?

- Không! Chờ đến khi có xe vào lại trong đó chắc cũng lâu, dì theo chủ nhà đi phụ nấu cơm cho đội tình nguyện nào đó cũng khá xa. Vài ba ngày xe nhà họ về một bữa rồi lại đi...

Ở nhà, ông Định có khi phải xuống bếp nấu ăn. Tưởng khó khăn nhưng rồi cũng xoay sở được. Đơn giản lại hóa hay. Khi có bà Lý ở nhà, ông lại thong thả ra chăm sóc mảnh vườn đã bị bỏ bê mấy tuần nay. Trong nhà, những bữa ăn có đủ bốn người trở nên đầm ấm hơn cả những ngày chưa xảy ra biến cố. Bà Lý cảm thấy rất rõ, và cũng rất mong điều đó. Ngoài đường vắng người vắng xe thì lại sạch sẽ, thoáng mát hơn dù trời đã sang hè. Người làng ít lui tới thăm hỏi vẫn sẵn lòng mời nhau nải chuối mớ rau...

Chiều nay bà Lý ra mở cửa quét dọn ngôi nhà cũ, đơm hoa quả và đốt đèn dâng hương trầm. Tiến theo lời bà đi chở dì Xuyến cũng đã về. Cả ba ngồi im lặng cho đến khi tuần nhang sắp tàn thì Xuyến đứng dậy cầm chiếc mũ bảo hiểm, định đi ra cửa.

- Dì Xuyến à... - Bà Lý gọi giật lại, vừa mở túi xách lấy ra chùm chìa khóa - Dì cứ ở đây, như thuở nào của chị em mình!

Mặt trời xuống gần rặng núi xa, đỏ rực hắt lên những ráng chiều lộng lẫy. Nắng nhuộm đỏ hồng mặt đường nhựa óng ả, loang loáng như ai vừa giội nước. Bà Lý bước vào sân trong màu tà dương huy hoàng vội vã thắp sáng vườn cây những giây phút cuối ngày. Ông Định đang ngồi uống trà trước hiên vừa cúi xuống màn hình điện thoại, đèn báo tin nhắn sáng lên: “Hai tháng nay chồng con cắm chốt ở bệnh viện. Cách ly, phong tỏa và nhiều hệ lụy kéo theo khiến con mỏi mệt, chỉ muốn mọi điều được trở lại bình thường. Con nhớ nhà quá ba mẹ ơi!” Ông đưa điện thoại cho vợ, kịp thấy mái tóc bà đã bạc nhanh khi cúi xuống đọc và lặng lẽ thở dài. Những lúc chỉ có hai người, họ vẫn tránh không nói gì với nhau.

Bữa cơm tối muộn hơn mọi ngày vì cả nhà có ý chờ Tiến. Trông chú ấy khỏe và rắn rỏi hơn, ông Định chợt nhận ra điều đó khi Tiến cho xe vào sát góc hiên nhà. Ngồi bên anh trai trước mâm cơm có nhiều rau củ của vườn nhà, Tiến gợi ý:

- Hết dịch rồi, anh coi đổi chiếc xe mới mà chạy! Rảnh rỗi đi thăm thú bà con bạn bè cũng cần chiếc xe tốt, phải không chị Lý?

Ông Định quay sang theo hướng nhìn của Tiến, bắt gặp ánh mắt đăm đăm đang ngước lên chờ đợi. Ông cười hiền:

- Chỉ cần hết dịch là ổn rồi. Vật cũng như người theo mình bao nhiêu năm, tránh sao khỏi trục trặc, bất thường. Sửa lại cho thường mà dùng là được, chứ có phải muốn bỏ là bỏ được đâu! Rồi ra cũng ngàn năm mây trắng cả thôi...

N.T.D.S  
(TCSH376/06-2020)



 

 

Các bài mới
Chùm thơ Lê Hào (07/08/2020)
Kính vỡ (15/07/2020)
Các bài đã đăng
Rượu quê (03/07/2020)