Tạp chí Sông Hương - Số 376 (T.06-20)
Lưu Quang Vũ: Khi năng lượng cảm xúc thuộc về đất nước - nhân dân
15:36 | 13/07/2020

LÝ HOÀI THU    

Lưu Quang Vũ mở đầu sự nghiệp cầm bút bằng thơ. Đó là phần Hương cây trong tập Hương cây - Bếp lửa in chung với Bằng Việt. 

Lưu Quang Vũ: Khi năng lượng cảm xúc thuộc về đất nước - nhân dân
Ảnh: internet

Ngay từ khi mới ra đời, tập thơ đã chiếm được rất nhiều tình cảm yêu mến của bạn đọc - nhất là giới thanh niên trí thức, và cái tên “Lưu Quang Vũ” thu hút nhiều quan tâm, ưu ái của các nhà phê bình danh tiếng. Hoài Thanh bằng một dự cảm tinh tường đã gọi anh là “một cây bút nhiều triển vọng” và thơ anh “là một tiếng nói nhỏ nhẹ mà sâu.” Lê Đình Kỵ với sự nhạy cảm sắc sảo của một cây bút thơ tài hoa đã nhận ra cái khác như một sắc thái biểu cảm làm nên chân dung nhà thơ: “Thơ Lưu Quang Vũ có một điệu tâm hồn riêng.” Nội lực và sức sáng tạo dồi dào của Lưu Quang Vũ tiếp tục được bộc lộ qua Mây trắng của đời tôi (1989) và Bầy ong trong đêm sâu (1993) - hai tập thơ xuất bản sau khi anh đã qua đời. Với hành trình sáng tác hơn hai mươi năm, khoảng thời gian chưa dài nhưng Lưu Quang Vũ đã thực sự là một thi sĩ tài năng, một gương mặt nổi bật của thơ Việt thời chống Mỹ và hậu chiến.

Cũng như nhiều nhà thơ cùng thế hệ, những vần thơ đầu tay của Lưu Quang Vũ là tiếng nói tha thiết yêu quê hương và gửi trao tin cậy trước cuộc đời. Có khác chăng, ở anh, tiếng thơ ấy được cất lên với cung bậc trầm lắng và da diết hơn.

Sao tên sông lại là Thương
Để cho lòng anh nhớ…


Đi từ những gì gần gũi, thân thương nhất để viết về quê hương, đất nước - một chủ đề lớn của thơ ca cách mạng nói chung và thơ chống Mỹ nói riêng - Lưu Quang Vũ ngay từ đầu đã tạo được dấu ấn về một lối viết tài hoa, nồng nàn cảm xúc. Thiên nhiên trong Hương cây thấm đẫm hương sắc hoa trái cỏ cây của một xứ sở “hoa tươi nắng đẹp”. Thiên nhiên ấy đồng nghĩa với quê hương, đất nước. Nếu coi độ tinh nhạy của trực giác, khả năng nắm bắt hương thơm, màu sắc, âm thanh là những tiền đề sáng tạo thì Lưu Quang Vũ đã có được một bản tính thi sĩ bẩm sinh. Trong những ngày chống Mỹ sục sôi, trên những chặng đường hành quân vất vả, cảm xúc của anh vẫn thiên về việc tìm kiếm chất thơ qua hương vị đất đai, sông nước, hoa lá quê nhà.

Thoảng mùi hoa thiên lý cửa nhà ai
Một tiếng chim khuya gọi mùa vải đỏ
Nghe đất thở luống cày hồn hậu lạ
Ta muốn thành hạt cốm uống hương đêm.


Phải yêu lắm cảnh sắc thiên nhiên đất nước mình, Lưu Quang Vũ mới vẽ nên bức tranh sinh thái đậm đà bản sắc dân tộc và được “lồng ghép” vào một hình tượng thời gian tươi tắn, sinh động:

Tháng bảy mưa nhiều
Tháng tám sen tàn bưởi chín
Chim ngói bay về bịn rịn
Tháng chín lúa trổ đầy đồng
Trời thu hương cốm mát trong
.

Hình hài đất nước hiển thị trong thơ anh qua một dòng sông Thương “nước chảy đôi dòng,” “thơm ngát mật hương mùa hạ,” một phố huyện “bồi hồi bao kỷ niệm,” một thôn Chu Hưng “trăng sao rơi đầy giếng - Nằm giữa bốn bề rừng rậm nứa lao xao”… Song, lung linh và sống động nhất vẫn là Hà Nội “trái tim của Tổ quốc, thủ đô của niềm tin yêu và hy vọng” chung cho tất cả mọi người và của riêng anh:

Trong thành phố có một vườn cây mát
Trong triệu người có em của ta…
Vườn em là nơi đọng gió trời xa
Hoa tím chim kêu bàng thưa lá nắng
Con nhện đi về giăng tơ trắng
Trái tròn căng mập nhựa sinh sôi…


Từ cái “máy nước đầu ngõ” đến một nhịp cầu Long Biên, từ một đoạn đường công sự “tươi màu rau” hay lên đến tầng năm “gặp trời mây tỏa nắng”…; ở đâu anh cũng ấp ủ một tình yêu hòa hợp được cái tình riêng trong cái ta chung của cuộc đời rộng lớn. Em ơi, em là Hà Nội/ Anh chưa bao giờ yêu Hà Nội như hôm nay. Anh coi quê hương là điểm tựa tinh thần, là nguồn sinh lực dồi dào và gửi gắm tình cảm đó vào một hình ảnh thơ bay bổng mà khỏe khoắn. Đất mẹ hiền nâng cánh ta bay… Chính vì vậy, ở tập thơ đầu tay này, dù không cao giọng, không trực tiếp lặn lội trên những nẻo đường Trường Sơn bom đạn tứ bề hay những mảnh đất khốc liệt vùng tuyến lửa như nhiều cây bút cùng thế hệ, thơ Lưu Quang Vũ vẫn mang vẻ đẹp lý tưởng và sâu nặng tình yêu quê hương đất nước. Đó có thể coi là “tấm căn cước” thơ ca thời đại chống Mỹ có giá trị lâu dài.

Sau Hương cây, trong khoảng mười năm, cuộc đời Lưu Quang Vũ rơi vào tình cảnh long đong, lận đận, có những lúc anh đã “chạm vào bế tắc.” Hôn nhân đầu tan vỡ, rời quân ngũ, quá nhọc nhằn trong kế mưu sinh, cuộc sống vật chất hàng ngày lâm vào thiếu thốn… Thêm vào đó, chiến tranh ngày càng nhiều hy sinh xương máu. Cùng một lúc, tâm hồn đa cảm và có phần yếu đuối của anh phải gánh chịu nỗi đau và sự mất mát từ cả hai phía riêng/ chung. Dễ hiểu vì sao thời kỳ này thơ Lưu Quang Vũ có nhiều khoảng u ám, nặng nề. Thay vì lối cảm xúc tươi trong là mối hoài nghi, hoang mang trước gia cảnh và thời thế. Có những lúc tâm hồn tôi rách nát/ Tôi biết làm gì, tôi biết đi đâu? Nhưng ở một giác độ khác, đây chính là một đoạn đời không thể nguôi quên, một bước ngoặt đầy ý nghĩa trong hành trình sáng tạo của anh. Kinh nghiệm thẩm mỹ cho thấy khi những bất hạnh, mất mát đau thương ập đến bất ngờ ngoài sự mong đợi của con người, trở thành nguồn chất liệu thay thế lại là nơi bắt đầu của những khám phá nghệ thuật mới. Nghịch lý này dường như đã vận vào cuộc đời Lưu Quang Vũ. Nếu trước kia thơ anh lung linh một sắc nắng vàng tươi, một màu trời xanh biếc những chân trời màu hồng, những chân trời màu tím… thì giờ đây không gian thơ anh bị bao bọc trong màn mưa xám mịt mù, thậm chí là “mưa đen:” Thành phố nghèo mù mịt mưa rơi/ Cánh hoa nhòe trong mưa tơi tả; Chiều nay bốn bề mưa xám; Hạt mưa đen rơi trên ô kính vỡ. Tâm trạng bi quan, thất vọng, thiếu niềm tin đã từng được anh biểu đạt bằng một hình ảnh giàu sức ám gợi: Một ngày người ta uống/ Bao nhiêu đen tối vào người (café). Thành phố quê hương, nơi lưu giữ những kỷ niệm tình yêu và phần đời thanh xuân tươi đẹp nhất giờ chỉ là nỗi xót xa:

Thành phố thời anh 17 tuổi
Viển vông, cay đắng, u buồn


Song, chính những va đập, những nếm trải ấm lạnh, những bài học đầu đời, cái giá phải trả cho những say mê nông nổi của tuổi trẻ đã giúp Lưu Quang Vũ có được nhận thức sâu sắc, nhiều chiều hơn về đời sống, về thế thái nhân tình… Và quan trọng nhất và trên hết là tất cả những nhân tố nội sinh và ngoại sinh đó đã thúc đẩy, tạo nên những chuyển đổi mạnh mẽ trong tư duy nghệ thuật và hình thức diễn ngôn của Lưu Quang Vũ: từ cảm hứng lãng mạn trữ tình sang đời tư thế sự. Chất thơ trong sáng tác của anh thời kỳ này không chỉ là sự mộng mơ, êm ái mà là nỗi đau, là những diễn biến nội tâm trái chiều, phức tạp, không chỉ ngọt ngào, hiền hòa, êm dịu mà là sắc điệu tự vấn, suy tư, trăn trở và đau đớn. Tình yêu Tổ quốc được cất lên bởi một giọng thơ chân thành, thống thiết xen lẫn chút tuyệt vọng:

Tổ quốc là nơi tỏa bóng yên vui
Nơi nghĩ đến lòng ta thanh thản nhất
Nhưng nghĩ đến người lòng tôi rách nát
Xin người đừng trách giận Việt Nam ơi!


Những Việt Nam ơi; Đất nước đàn bầu; Giấc mộng đêm; Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi và một số bài khác trong Mây trắng của đời tôi Bầy ong trong đêm sâu được viết bằng một cường độ cảm xúc mạnh mẽ, mạch thơ phóng túng, lời thơ có cái hào hùng của âm hưởng sử thi. Nhiều câu thơ lạ của anh được hình thành trên cơ sở của một trí tưởng tượng độc đáo. Hình ảnh thơ được bao bọc trong sắc màu cổ tích, huyền thoại, từ đó quá khứ dân tộc hiện lên kỳ vĩ:

Những con chim hạc mỏ dài
Bay qua vầng trăng lớn
Cánh rừng sẫm tắm hoàng hôn đỏ rực
Cất tiếng kêu hoang dại dưới đêm nồng


Song, vốn nhạy cảm với đau buồn mất mát, điểm nhìn chiến tranh trong thơ Lưu Quang Vũ luôn chất chứa nỗi khắc khoải, âu lo, đôi khi là sự bất lực trước guồng quay trận mạc: Những chiếc xe tăng đi qua/ Những khẩu súng đi qua/ Những người lính đi qua/ Chẳng có gì cùng ta ở lại… Đời sống chiến tranh ở hậu phương được tiếp cận qua cái thường ngày, rất gần gũi và chân thực. Đôi khi chỉ từ những nét trần trụi đời thường, những ý nghĩ lan man không đầu không cuối về đạn bom, tàn phá, bằng một liên tưởng bất ngờ, anh đã đặc tả được gương mặt của các nhân vật chính trong câu chuyện về chiến tranh đầy sức ám ảnh:

Tối đen thành phố đêm lưu lạc
Máy bay giặc rít ở trên đầu
Ba đứa da vàng ngồi uống rượu
Mặt buồn như sỏi dưới hang sâu


Chung qui, đây cũng chính là một tâm thế, một kiểu cảm xúc, một biểu hiện khác của tình yêu Tổ quốc và nhân dân. Trước đây, trong Hương cây, anh đã hướng về nhân dân với lòng tri ân thành kính: Ơn nhân dân đã làm nên chiến thắng/ Ơn Tổ quốc có măng bùi, nước mặn/ Ơn từ khúc hát đóa ca dao. Sau này qua mười năm chìm nổi, lặn sâu tới tận cùng nỗi đau với nhân dân, tâm trí anh luôn quay cuồng vì một câu hỏi lớn: Đến bao giờ, đến bao giờ nữa Việt Nam ơi? Tình cảm thiêng liêng, chung thủy ấy đã được nhà thơ gửi gắm qua Đất nước đàn bầu cuồn cuộn dòng máu nóng dân tộc trong huyết quản; qua Giấc mộng đêm chập chờn mê sảng với bao gương mặt, bóng dáng từ cõi “thập loại chúng sinh” hiện về, qua Người cùng tôi trong nỗi cảm thương nhuốm màu cay đắng trước thân phận thảo dân: Người mài mực cho Nguyễn Trãi viết Bình Ngô, người cùng Quang Trung đi đánh giặc/ Quang Trung ngồi trên bành voi, người cầm giáo xông lên phía trước/ Quang Trung lên làm vua, người về cày ruộng/ Bị lão Trương tuần quát nạt cũng run run…; qua Cầu nguyện với một tấm lòng “dập nát” vì đau thương cùng lời thơ ứa lệ: Sao cho máu đừng chảy nữa/ Sao cho người lính trở về… Có thể nói, qua hành trình máu lửa, hướng nguồn cảm hứng sáng tạo về phía nhân dân, gắn bó cuộc đời mình với số phận dân tộc, hồn thơ Lưu Quang Vũ như được thắp thêm đôi cánh mới. Chưa bao giờ có trong thơ anh một tình yêu Tổ quốc máu thịt, sống còn như lúc này:

Tôi làm sao sống được nếu xa Người
Như giọt nước bấu vào ngọn cỏ
Như châu chấu ôm ghì bông lúa
Người đẩy tôi ra tôi lại bám lấy Người
Không vì thế mà Người khinh tôi chứ
Việt Nam ơi.
Không vì tôi đau khổ rã rời
Mà Người ghét bỏ?
Xin Người đừng nhìn tôi như kẻ lạ
Xin Người đừng ghẻ lạnh Việt Nam ơi
Người có triệu chúng tôi, tôi chỉ có một Người.


Khi nhà thơ cảm thấy mình vô cùng bé nhỏ, cần được vỗ về, sưởi ấm và biết cúi mình trước nhân dân, cũng chính là lúc tầm vóc nhà thơ đã được nâng lên rất nhiều. Năng lượng cảm xúc, tình yêu rộng lớn và vô bờ ấy đã được Lưu Quang Vũ gửi gắm qua một ẩn dụ thơ vừa có sức chiếm lĩnh kích thước không gian rộng lớn, vừa thăng hoa, kỳ ảo:

Ước chi được hóa thành ngọn gió
Để được ôm trọn vẹn nước non này.


*
Nếu nói rằng trong hành trình sáng tạo của nghệ sĩ, thơ thường đến sớm hơn, vào giai đoạn đầu đời non trẻ khi tâm hồn còn nhiều mơ mộng, đắm say thì kịch đến muộn hơn, khi con người có đủ sự từng trải và khôn ngoan để nhận thức được những mâu thuẫn phức tạp của cuộc sống đang bao bọc quanh ta, điều đó thật tương ứng với trường hợp Lưu Quang Vũ. Trong cuộc đời bốn mươi năm ngắn ngủi của mình, Lưu Quang Vũ đã có hai mươi năm vui buồn cùng thơ và mười năm cuối đời song hành với kịch. Nhưng chỉ trong mười năm ấy, tài năng của anh đã tỏa sáng, đã để lại hơn năm mươi vở kịch, đã tạo cho mình một phong cách, một “kịch pháp” và trở thành hiện tượng nổi bật nhất của sân khấu Việt Nam thời kỳ đổi mới.

Trong ký ức của nhiều người, tên tuổi Lưu Quang Vũ gắn liền với sự khởi sắc của kịch Việt Nam thập kỷ tám mươi thế kỷ XX. Đặc biệt, trong vòng năm năm cuối đời, Lưu Quang Vũ đã mang đến cho đời sống sân khấu một cuộc phục sinh mạnh mẽ, thậm chí là “làm mưa làm gió trên sân khấu, nhất là sân khấu hội diễn” (Tất Thắng). Bằng thực tài và nhiệt huyết, anh đã chiếm lĩnh sân khấu, truyền cảm hứng và chinh phục cộng đồng khán giả suốt ba miền Bắc, Trung, Nam, đã giành được hàng chục Huy chương vàng và bạc cho các kịch bản của mình. Có thể khẳng định rằng: sự hưng thịnh của sân khấu Việt Nam từ 1985 trở đi có phần đóng góp quan trọng từ tài năng và bút lực dồi dào của Lưu Quang Vũ.

Kịch bắt nguồn từ xung đột, nói một cách cụ thể hơn: lấy xung đột trong đời sống xã hội làm cơ sở cho sự sáng tạo nghệ thuật, nhà viết kịch đã đến với hiện thực bằng con đường ngắn nhất. Bản thân quy luật vận động của hiện thực đời sống đã bao hàm trong nó sự đối lập và thống nhất các phạm trù thẩm mỹ: cái cao cả - cái thấp hèn, cái đẹp - cái xấu, cái bi - cái hài… Hiện thực thời Lưu Quang Vũ càng nhộn nhạo, rối ren, lộn xộn như “cuốn sách xếp lầm trang,” càng chồng chất thêm những mâu thuẫn của thời hậu chiến, thời quá độ như sự xung khắc giữa tân tiến và bảo thủ, nhân tính và phi nhân, đạo đức và thất đức… Vốn thông minh, nhạy cảm, lại có thêm sự từng trải qua những năm tháng lăn lộn với cuộc đời, Lưu Quang Vũ phát hiện rất nhanh những mâu thuẫn đang tồn tại trong đời sống hàng ngày. Thông qua diễn đàn sân khấu, xoáy vào những xung đột trung tâm của đời sống xã hội, Lưu Quang Vũ đã tạo được mối tương tác, đồng cảm sâu xa giữa tác giả và khán giả, chủ thể sáng tác và chủ thể tiếp nhận. Kịch của anh là tiếng nói dõng dạc cất lên đòi đổi mới, đòi công bằng, dân chủ, đòi quyền sống và quyền được hạnh phúc cho nhân dân; đòi trừng trị cái ác, cái phi nhân đang hủy hoại đời sống con người. Nếu 1986 được coi là cộc mốc đánh dấu lộ trình văn học thời kỳ đổi mới thì Lưu Quang Vũ đã hiện diện và khẳng định vai trò tiên phong của mình một cách “ngoạn mục” ngay từ hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 1985 - một hội diễn được nhiều người mệnh danh là “Hội diễn sân khấu của Lưu Quang Vũ”.

Nắm bắt được những đòi hỏi bức thiết về nhận thức nghệ thuật từ phía công chúng, Lưu Quang Vũ đã đáp ứng nhanh nhu cầu đó bằng cách lựa chọn những xung đột mang ý nghĩa thời sự tiêu biểu. Tôi và chúng ta, Khoảnh khắc và vô tận, Nếu anh không đốt lửa, Quyền được hạnh phúc… là những tác phẩm để cập đến những vấn đề nóng bỏng của hiện thực đời sống đương thời. Với một cái nhìn quyết liệt, không ngại “va chạm”, Lưu Quang Vũ đã vạch trần dã tâm xấu xa, đê hèn của những kẻ hoặc vì dốt nát, ngu tối, hoặc vì lợi ích cá nhân, tham lam mà cản trở bước tiến của xã hội, làm ô nhiễm bầu không khí đang rất cần được tẩy rửa và hãm hại biết bao người tốt - những công dân chân chính, trong sáng và lương thiện. Không hô hào một cách chung chung, Lưu Quang Vũ đã nhận ra rất rõ và bắt trúng mạch căn bệnh trầm kha của cơ chế quan liêu bao cấp với đầy rẫy những thủ tục cứng nhắc, máy móc, nạn tham nhũng, tiêu cực, lộng hành, độc đoán giết dần giết mòn năng lực cống hiến sáng tạo của những người có tâm với nước, với dân. Cảm hứng xuyên suốt các tác phẩm thuộc mảng đề tài này là tư tưởng đổi mới và dân chủ, là ước vọng thoát khỏi lối mòn tư duy cũ. Đã đến lúc phải biết “căm ghét cái nghèo, cái trì trệ” và can đảm “đốt lửa lên để đẩy lùi bóng tối”. Kịch Lưu Quang Vũ hấp dẫn người xem ở chỗ đã đặt và giải đáp được những câu hỏi bức thiết về thực trạng xã hội đêm trước thời kỳ đổi mới. Là một cây bút giàu lòng nhân ái, cái nhìn về đời sống và con người của Lưu Quang Vũ thấm đượm tình thương và nỗi buồn nhân tình, thế thái. Anh đấu tranh chống lại cái ác, cái xấu xa, cái thấp hèn để mang đến cái đẹp, cái thiện, cái cao thượng, để cho nhân dân có được cuộc sống yên bình, no ấm, đúng như nỗi lòng anh từng thổ lộ trong thơ: Có ai nói cho lòng ta hiểu/ Về cuộc đời ghê gớm ta yêu…

Vẫn là tâm điểm con người, bên cạnh tính thời sự - một phẩm chất không thể thiếu của sân khấu đương thời, kịch Lưu Quang Vũ còn biểu lộ một khát vọng sáng tạo lớn hơn: đó là hướng tới việc khám phá những xung đột mang ý nghĩa khái quát và giá trị nhân bản, nhân sinh sâu sắc. Chỉ riêng Hồn Trương Ba da hàng thịt, nếu mở rộng tầm đón đợi, người ta có thể tiếp nhận tác phẩm bằng nhiều “kênh thẩm mỹ,” nhiều mã ký hiệu nghệ thuật khác nhau. Trước hết là sự phản ứng, phẫn nộ để chống trả mọi sự áp đặt bởi theo Lưu Quang Vũ, đã là áp đặt dù mang danh nghĩa lớn đến mức “cải tử hoàn sinh” thì cuối cùng vẫn không thể duy trì sự sống, vẫn là phi nhân bởi chỉ mang đến bi kịch cho những người hiền lành, đức độ. Họ đã phải lấy sinh mệnh của mình để trả giá cho những sai lầm của các đấng quyền thế. Đó còn là sự trân trọng tuyệt đối, một phép ứng xử có chiều sâu văn hóa và rất nhân văn trước bản thể người: Con người ta sống không phải bằng thân xác, song, ngôn ngữ thân thể cũng có tiếng nói và triết lý riêng, rất cần được giải mã lắng nghe… Và cuối cùng là lời khẳng định: con người ta, nhất là nghệ sĩ luôn ao ước được sống với chính mình, được “là mình:” tôi là tôi, tôi không phải là tha nhân. Các vở kịch khác như Nguồn sáng trong đời, Người trong cõi nhớ, Người tốt nhà số 5… tuy mỗi tác phẩm mang một thông điệp, một lát cắt hiện thực khác nhau nhưng đều gặp gỡ, qui tụ vệ một điểm chung là đề cao giá trị cao đẹp của đời sống con người, của lòng vị tha, đức hy sinh. Đối với Lưu Quang Vũ, tinh thần nhân ái, tình yêu thương con người mãi mãi là “nguồn sáng trong đời,” xua đi những gì đen tối và hắc ám. Đó là kết quả của một quá trình nhập cuộc, dấn thân vào cuộc sống của cộng đồng dân tộc, đặc biệt là những “con người nhỏ bé” để tìm câu trả lời về ý nghĩa của sự sống và cái chết, về lẽ làm người, về sự công bằng, dân chủ. Đi từ những xung đột cụ thể của một cá nhân, một gia đình, một thời đang sống; khám phá những cái vĩnh hằng trong cái thường hằng, vẻ đẹp cao quí trong cái bình dị… Kịch Lưu Quang Vũ đã chạm sâu tới những vấn đề có ý nghĩa lớn lao của đời sống muôn người và muôn đời.

Khẳng định phong cách, “kịch pháp” Lưu Quang Vũ, có nghĩa là bên cạnh những đặc tính nổi bật về xung đột, cốt truyện, những tìm tòi, cách tân về sắc thái diễn ngôn, về kết nối, tiếp biến liên văn bản, một trong những dấu ấn đặc trưng của kịch Lưu Quang Vũ là đã xây dựng được một thế giới nhân vật để cắt nghĩa hiện thực, bày tỏ nhân sinh quan và là nguồn cảm hứng sâu đậm nhất của chính anh. Với hơn 50 tác phẩm, thế giới nhân vật trong kịch Lưu Quang Vũ là một cõi người thu nhỏ với biết bao mảnh đời, gương mặt, thân phận: người khôn kẻ dại, người tốt kẻ xấu, tân tiến và bảo thủ, cao thượng và đê hèn, thông minh và u tối, trọng sạch và nhơ bẩn, trung thực và giả dối, quyền thế đầy mình và thấp cổ bé họng… Qua hệ thống nhân vật đa nhân cách và phức tạp ấy, nhà viết kịch cùng lúc có thể hóa thân, nói bằng nhiều lời, nhiều “tông” giọng khác nhau, tạo nên nhiều âm sắc và tính đa thanh cho cả văn bản cùng vở diễn.

Tắm mình vào “dòng chảy mãnh liệt của đời sống” để cảm nhận những mạch sóng ngầm chứa nhiều kịch tính, Lưu Quang Vũ đã nhào nặn và sáng tạo nên những chân dung con người theo quan niệm và triết lý riêng. Mỗi vở kịch của anh là một câu chuyện đời thường ẩn chứa một góc nhìn, một cách giải minh về con người và hiện thực: nếu Tôi và chúng ta, Nếu anh không đốt lửa là phản ứng gay gắt, thái độ kiên quyết đấu tranh để người có đức, có tài, có tâm được lên nắm cương vị quan trọng, thay thế cơ chế lỗi thời, mục ruỗng thì Nguồn sáng trong đời, Người tốt nhà số 5 là lời ngợi ca tấm lòng nhân ái và tâm hồn cao thượng của con người. Nếu Cô gái đội mũ nồi xám, Hoa cúc xanh trên đầm lầy là nỗi khắc khoải trước hành trình đi tìm ý nghĩa đích thực của tình yêu, hạnh phúc thì Ông không phải là bố tôi, Bệnh sĩ là cái nhìn hài hước, giễu cợt xen lẫn buồn bã trước những ấu trĩ, thói hư tật xấu của một thời… Từ một bức tranh thu nhỏ trong phạm vi gia đình đến khung cảnh rộng lớn của một nhà máy, một nông trường; từ một mảnh đất tình yêu đến chiến trường khốc liệt, từ quá khứ đến hiện tại…; qua bàn tay tái tạo của anh, tất cả đều hiện lên với dáng vẻ chân thực, gần gũi mà có sức lay động. Trên nền cảnh của một hiện thực có nhiều “sang chấn”, không yên ổn, nhân vật kịch của Lưu Quang Vũ luôn buộc phải lựa chọn một con đường, một cách sống, một phép ứng xử phù hợp với đạo lý, bổn phận và xu thế thời đại. Mỗi nhân vật là một cá tính phức tạp, một biểu tượng sinh động với những chặng đường miệt mài đi tìm tình yêu, tình đồng chí, tình người (Cô gái đội mũ nồi xám, Điều không thể mất, Hoa cúc xanh trên đầm lầy, Lời thề thứ chín…). Trong hành trình tìm kiếm đó, có lúc họ được đền đáp, nhưng cũng nhiều khi lầm lỗi, sa ngã, thất bại, lâm vào bi kịch và trắng tay… Nhưng hầu như tất cả đều khát khao hướng thiện, đều tìm về phía ánh sáng. Đó là khía cạnh chủ đạo của tính cách. Xét về bản chất, nhân vật kịch của Lưu Quang Vũ không quá cao siêu như những bậc thánh nhân nhưng cũng không xấu xa, độc ác đến mức không còn cơ hội hoàn lương. Ngay cả những nhân vật được coi là tốt, là “chính diện” vẫn mắc những sai lầm, ảo tưởng và những nhân vật bị coi là xấu, là “phản diện” vẫn có những mặt được cảm thông, tha thứ. Đó là nhãn quan trong sáng, cái nhìn nhân hậu, là thiện tâm, là sự cố gắng không ngừng để bảo vệ con người, đưa họ thoát khỏi môi trường phi nhân và sự tha hóa nhân cách.

Tâm huyết với đời, với nghề, Lưu Quang Vũ ý thức sâu sắc sứ mệnh của người cầm bút trước thời đại, Tổ quốc và nhân dân; luôn say mê sáng tạo, vượt lên chính mình để có được những vở kịch “trong đó khát vọng nhân bản của người nghệ sĩ hòa đồng được cùng nhiệm vụ công dân.” Không tự bằng lòng với những gì mình đạt được, không ảo tưởng và tự đề cao tài năng cá nhân, anh dồn tâm lực và tình yêu cho cuộc đời rộng lớn: “Cuộc sống, chỉ gắn bó với cuộc sống, sống hết mình với cuộc sống mới tránh khỏi sự khô cạn tài năng và tâm hồn - thứ hiểm họa luôn đe dọa người nghệ sĩ ở bất cứ lứa tuổi nào, địa vị nào.” (Lưu Quang Vũ - Tài năng và lao động nghệ thuật - Nxb. Văn hóa - Thông tin 2001, tr 181). Rõ ràng, với anh, đất nước và nhân dân thực sự đã là nguồn năng lượng cảm xúc không bao giờ vơi cạn.

Hơn hai mươi năm cầm bút, Lưu Quang Vũ đã để lại một khối lượng lớn tác phẩm văn học gồm nhiều thể loại. Anh là một nghệ sĩ đa tài: “làm thơ để sống với chính mình” và “viết kịch để sống với mọi người.” Từ một cây bút tài hoa vào bậc nhất của thơ trẻ chống Mỹ cứu nước đến nhà viết kịch nổi danh “có một không hai” của sân khấu thời kỳ đổi mới sau 1985, từ cảm hứng trữ tình di chuyển, thẩm thấu vào cảm hứng đời tư, thế sự và tư duy phản biện…; con đường nghệ thuật mà Lưu Quang Vũ đã đi là sự lựa chọn của riêng anh, in dấu những đam mê, thăng trầm của đời anh. Ở đó có ngọt bùi - cay đắng, yên bình - sóng gió, những hệ luỵ và sự vinh danh… Trong bức tranh văn học Việt Nam vài ba thập niên cuối thế kỷ XX, Lưu Quang Vũ là một mẫu hình nghệ sĩ, một chân dung sinh động về tài năng, sức sáng tạo và sự cống hiến.

L.H.T  
(TCSH376/06-2020)



 

 

Các bài mới
Chùm thơ Lê Hào (07/08/2020)
Kính vỡ (15/07/2020)
Các bài đã đăng
Rượu quê (03/07/2020)