Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.6-20)
Ký giả Huế viết văn: chấm phá một vài...
08:52 | 14/07/2020

THUẬN AN

Không có điều kiện để bao quát hết những ký giả viết văn của xứ Huế đương đại, trong khoảng vài chục năm trở lại đây, nhưng tôi nghĩ đó là một đề tài thú vị và đòi hỏi khá nhiều tâm lực. Trong khuôn khổ bài viết này cũng chỉ có thể chấm phá vài ba gương mặt.

Ký giả Huế viết văn: chấm phá một vài...
Ảnh: internet

Nhà báo Nguyễn Xuân Hoàng qua đời ở tuổi bốn mươi để lại nhiều thương tiếc trong lòng bè bạn. Ban đầu anh công tác ở Đài Phát thanh và Truyền hình Thừa Thiên Huế, sau mới chuyển sang Tạp chí Sông Hương. Anh bắt đầu xuất hiện trên văn đàn với đôi truyện ngắn trên Tạp chí Cửa Việt thuở mới chia tỉnh Bình Trị Thiên đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, sau đó trên Sông Hương với bút danh Hạnh Lê. Truyện anh viết thường không có cốt, chủ yếu gây ấn tượng từ những ý tưởng và lối viết tung tẩy cũng chớm thấy tài hoa. Nhưng có lẽ anh sở trường nhất vẫn là những tùy bút, tản văn mới là cái làm nên “thương hiệu” Nguyễn Xuân Hoàng xứ Huế. Anh đã in năm tập sách, một gia tài báo chí - văn chương không thể coi là nhỏ khi để lại cho đời. Kể tên các tác phẩm: “Hương mùa thu” (2001), “Cỏ hoa xứ Huế” (2003), “Ký ức xứ Huế” (2007), “Hồn mai” (2007) và “Cõi tạm phù hoa” (2011).

Thể tạng tinh thần và bản mệnh văn chương của Nguyễn Xuân Hoàng chính là tùy bút. Dáng đi nghiêng, thường nhìn về một phía của người thích sống nội tâm; mái tóc bồng bềnh lượn sóng và đôi mắt đa cảm, xa xôi phát lộ vẻ bề ngoài của một hồn vía văn nhân như một nghiệp dĩ đã in dấu vân tay số phận từ tiền kiếp. Đặc sắc của tùy bút Nguyễn Xuân Hoàng là tinh tế thầm thì chầm chậm lọc qua ngũ giác mà khởi phát hành ngôn.

Xin đơn cử ba tùy bút rất kiệm ngôn của nhà văn để thực chứng điều vừa mới nói, coi như ba biến thể văn chương của Nguyễn Xuân Hoàng. Trước hết là cảm nhận bằng thính giác trong tác phẩm “Tiếng chuông Thiên Mụ”. Nếu tiếng chuông Trấn Vũ... là thanh âm Thăng Long hoài cổ thì xứ Huế cố đô không thể hình dung chùa Thiên Mụ lại có thể im hơi lặng tiếng. Tác giả kể cho ta nghe cuộc phiêu diêu của tâm hồn qua mỗi tiếng chuông: “Mỗi năm 365 đêm, đêm nào cũng thế, cứ vào giờ Tý, sư trụ trì chùa Thiên Mụ lại cho thỉnh chuông. Mùa xuân, tiếng chuông nghe trong vắt như hơi gió heo may đi qua kẽ lá, làm bồi hồi đất trời, đâu đó những mầm sống cựa mình cho đất nở hoa, cho hoàng mai nở vàng suốt một dãy phố chợ. Kể từ tiếng lập hạ, tiếng chuông nghe thảnh thơi hơn, có nắng gió và sự trầm tĩnh của lòng người thỉnh chuông. Tiếng chuông như có bóng mát che chở mỗi đời người. Nhưng từ trong sâu thẳm vẫn sừng sững một nỗi cô đơn nhân từ của trời cao, và tiếng chuông lúc này nghe như đại ngã bao dung”. Tiếng chuông đã vọng thấu tiếng lòng, từ tri giác mà chạm vào tri ngộ.

Và khứu giác thực sự thức giấc qua “Hương mùa thu” thật là vi tế. Khác với Xuân Diệu thuở ban đầu lưu luyến muốn thả trôi cảm giác khi tự vấn: “Ai đem phân tích một mùi hương...”, Xuân Hoàng đã tái hiện hương hoa cúc đậu xuống tóc người con gái, mùi phù sa, bùn đất không phải xưng danh cũng biết được “Đây thôn Vỹ Dạ” và cả hương bắp nấu thấm đẫm một đời đất nước sông Hương... “Xòe bàn tay đếm hương mùa thu Huế, những hương Thạch Xương Bồ, hương cúc, hương bắp, hương sen... sao vẫn còn thấy thiếu thiếu. Chợt nhớ trong ký ức là còn nữa một mùi hương lá. Chỉ thoáng hiện vào buổi sáng sớm và đậm đặc lúc chiều tối. Lá long não nồng nàn, lá phượng cay thoảng chút chua chua, lá bàng sên sết đắng, lá hoàng hậu ngọt lạnh. Hương lá đã làm cho mùa thu xứ Huế có một phong vị và gương mặt riêng của đất kinh kỳ. Như là một tổng phổ của xứ Sông Hương cơ hồ tác giả “Đi tìm thời gian đã mất”. Còn đây là nghệ thuật thị giác hay là cái nhìn văn chương của Xuân Hoàng khi viết về một ngoại cảnh như là màu sắc mùa hè quen thuộc tưởng chừng như không còn thấy lạ, như thể quên nhận ra hơi thở của chính mình: “Cây phượng bên chân cầu Trường Tiền”. Vậy mà nhà văn vẫn nhìn ra và viết: “Có người đi qua lần đầu chỉ thấy phượng hay hay. Đứng một mình mà làm cả mùa hè. Còn với cư dân Huế, cây phượng là thước đo niềm vui, nỗi buồn, những kỷ niệm chưa bao giờ phai nhạt. Trên lớp vỏ xù xì thời gian vẫn còn đọng mãi những dấu khắc vụng dại. Dấu khắc có khi là một cái tên người trọn vẹn. Có khi chỉ là hai chữ xoắn vào nhau trong một ô van trong ngần tuổi học trò. Vỗ nhẹ bàn tay vào thân cây, nghe như đâu đó dưới mặt sông có tiếng cười âm vang. Rồi một tà áo tím bạch như áo lụa Hà Đông của Nguyên Sa đi qua cội lòng như một giấc mơ đã nhòa hương sắc”.

Văn của Xuân Hoàng thường nhẹ mà sâu, từ tốn mà da diết, tạo được một góc Huế ấn tượng của riêng mình.

Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc (còn có bút danh thường dùng là Hạ Nguyên) khởi nghiệp văn bút từ khi làm phóng viên báo Thừa Thiên Huế rồi về sau trở thành nhà văn không chút ồn ào. Lứa tôi còn nhớ truyện ngắn chép bằng tay “Thảo nguyên thứ 18” lần đầu in trong giải phẩm “Cỏ” của sinh viên văn khoa, từng được nhiều bạn trẻ xuýt xoa. Đó tác phẩm văn xuôi trong suốt, giàu chất thơ và hồn nhiên triết lý của thời trai trẻ. Nhưng có thể về sau khi đã già dặn trường đời và sách vở, chắc gì đã viết đạt một cách nhi nhiên.

Cho đến nay nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc đã xuất bản: “Chuyện Huế” (tập bút ký, 2008), “Đi qua cánh rừng” (tập thơ, 2009), “Đôi triêng gióng của mạ” (tập tùy bút, 2011), “Chiếc ô đi lẻ” (tập thơ song ngữ Việt-Anh, 2013), “Hoa đăng” (tập trường ca, 2014), “Giọt mực của mưa Huế” (tập trường ca, 2019), “Có những ngày” (thơ Tân hình thức Việt, 2019).

Bút ký, tùy bút, tản văn của Thanh Ngọc cũng tạo được giọng điệu và dấu ấn riêng, đặc biệt nhiều đoạn tôi thích cách lập ngôn của anh, ngay cả khi viết về một đề tài rộng như đất trời và hẹp như một lối nhỏ độc hành trong xóm nhỏ ở đất cố đô. Tác giả viết tản văn “Mùa đông Huế” chẳng hạn, ngay khi mở đầu đã vượt thoát lối từ chương mòn cũ, dụng công tự nhiên mà hào sảng theo cách của riêng mình:

Với tôi, mùa đông Huế bắt đầu không phải từ những cơn mưa tháng mười áp thấp da diết dầm dề, không phải từ những cơn gió lạnh lê thê len vào cửa trong một đêm bắt đầu lập đông trở gió; mà là từ khi những cành cây sứ ở Phu Văn Lâu thu mình rụng hết lá để từ đó bước vào chuỗi ngày cam chịu rét mướt đầy cốt cách. Cái cách những cành cây sứ đứng gan góc chơ vơ trong sương sớm giá lạnh cơ hồ như những kiếm khách khoác áo khinh cừu, coi thường bão táp mưa sa, bỏ ngoài tai những lời rên rỉ của đám cỏ cây thảo mộc yếu đuối bên ngoài bờ sông.

Viết về cái ăn, cái đói quay quắt của một thời sinh viên gian khó trong mùa đông Huế nhưng không khiến người ta nhỏ bé đi mà vẫn toát lên vẻ hiệp khách, thi nhân cũng ở tản văn này. “Mùa đông dông xe lòng vòng ra đường, thành phố nhỏ nên góc phố nào cũng chứa đầy kỷ niệm. Năm nào xưa đó, sinh viên qua cầu Kho Rèn kiếm quán bà Cúc đổi áo ăn khuya mà như Kinh Kha sang sông một đi không trở lại. Năm xưa nào đó, quãng một giờ sáng vét sạch túi đủ gọi một tô phở trên đường Nguyễn Khuyến cho cả mấy nhà ẩm thực tương lai nếm cho biết thế nào là phở gốc Huế… Những xe phở khuya đó giờ đã tang bồng theo dấu xưa kỷ niệm, không còn thấy những lò lửa ấm đi dọc trong mưa phố cùng tiếng gõ cốc cốc ấm lòng giữa đêm khuya. Sao bỗng dưng lòng rưng rưng khi biết mình đã mất đi cái không bao giờ tìm thấy lại được, dẫu chỉ một lần…”.

Thơ, có lẽ là địa hạt mà Thanh Ngọc tâm huyết và mong mỏi đổi mới nhất, khi anh luôn hân hoan chào đón những tìm tòi có ý thức của những cây bút hậu hiện đại và tân hình thức. Với bản ngã Thanh Ngọc cũng vậy. Mặt khác, nhà thơ luôn ý thức giới hạn sáng tạo của chính mỗi người để mọi phá cách đều có giới hạn và có thể chấp nhận được. Tâm thế tự cân bằng này đã trang điểm cho Nàng Thơ dù tân kỳ đến mấy nhưng vẫn gần gũi nên không quá kiêu sa, bí hiểm. Đó cũng là nghệ thuật tiết chế để tự thân thăng bằng trong sáng tác thi ca với một người luôn khát khao kiếm tìm và thể nghiệm:

Ngọn nến thắp trong đêm
Cháy lên bức tranh tĩnh vật
Sự lay động của đốm sáng

Người họa sĩ bắt đầu vẽ
Có thể thêm một chiếc sừng trâu của vành
trăng khuyết
Có thể thêm lời hát thì thầm của rêu
Có thể thêm đêm nguyện thề của cỏ
Có thể là những ánh mắt sang ngang
Có thể...

Nhưng dầu sao đi nữa
Gió ơi đừng làm tắt nến

Bởi tĩnh vật đen là giới hạn cuối cùng.
                                   (Nến)

Bùi Ngọc Long (phóng viên báo Thanh niên thường trú ở Huế) cũng đến với thơ trước khi đến với văn xuôi như thường tình của nhiều cây bút khác xưa nay và cũng được nhiều người đồng cảm. Nhà thơ Từ Dạ Thảo học văn khoa cùng trường trước Bùi Ngọc Long mấy khóa cũng có lần tỏ ý thích thơ anh.

Mới đây, anh cho xuất bản tập sách “Thiền sư ở đâu?” nghe mơ hồ, chấp chới như một công án thiền. Dù lắm lúc hỏi cũng là một cách trả lời và đôi khi vô minh đã sáng soi cho minh triết, hay ít ra với những điều tưởng chừng minh triết. Một hành trình nhận thức và tư tưởng thật không đơn giản.

Bản thân câu hỏi trên đã bao hàm câu trả lời thiền vô trú xứ. Tư tưởng ấy bàng bạc trong triết học phương Đông và từng được lý giải trong Thiền luận của học giả Suzuki mà một thời trai trẻ tôi đã đắm mình...

Non nửa đời người tôi vẫn chưa tìm thấy ngài. 14 tuổi, ngày ông nội tôi mất, thầy đã đến. Thầy đã tụng kinh cầu siêu và tiếp dẫn hương hồn ông nội tôi về với thế giới cực lạc:

Nhất thiết hữu vi pháp
Như mộng, huyễn, bào, ảnh
Như lộ diệc như điện

Ưng tác như thị quán...

Đại ý tất cả pháp hữu vi đều như mộng, huyễn; như bọt sóng, bóng; như sương, như ánh chớp. Hãy quán chiếu như thế. Lời bài kệ sâu xa mà thầy đã xướng lên trong nghi lễ cầu nguyện cứ vang vọng níu gọi tôi về một nơi nào đó thật vô định. Mãi sau này tôi mới biết bài kệ ấy là 4 câu của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong kinh Kim Cang.

Và cuối tản văn, tác giả đã nhìn thấy thiền qua thơ:

Lên chùa không thấy Phật
Xuống núi chẳng thấy tình
Hỏi sư, sư không nói

Hỏi Bụt, Bụt làm thinh
Không lên chùa tìm Phật
Chẳng xuống núi gọi tình
Phật và Em nhất thể

Chỉ mình ta vô minh
Không Sư không Phật nữa
Ta cứ đi một mình

Mai về bên Cực lạc
Cười một tràng Tâm kinh

Bụi trần như bay hết, chỉ lưu lại một nỗi cô đơn hành giả.

Huế sẽ còn ám ảnh và duyên nợ dài lâu với nhiều người cầm bút. Đó quả thực là một ấn tứ cố đô mà không phải nơi nào cũng có. Mà một khi đã là duyên thì khó thể chối từ.

T.A
(SHSDB37/06-2020)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng