Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.6-20)
Một vài khuynh hướng trong văn xuôi Thừa Thiên Huế từ 1986 đến nay
09:32 | 17/07/2020


LÊ MINH PHONG

Một vài khuynh hướng trong văn xuôi Thừa Thiên Huế từ 1986 đến nay
Nhiều nhà văn nổi tiềng của Huế tham dự Hội thảo “Văn học Thừa Thiên Huế sau đổi mới 1986” - Ảnh: PA

Nếu xét về đội ngũ sáng tác văn xuôi của Thừa Thiên Huế từ sau 1986, thì nơi đây có một đội ngũ nhà văn đông đảo, những tên tuổi phải kể đến như: Hồng Nhu, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trần Thùy Mai, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Khắc Phê, Hà Khánh Linh, Nguyễn Quang Hà, Hồ Đăng Thanh Ngọc, Dương Thành Vũ, Nguyên Quân, Nguyễn Nguyên An, Hoàng Việt Hùng, Nguyễn Xuân Hoàng, Hoàng Trọng Định, Lê Vũ Trường Giang, Meggie Phạm, Nguyễn Hoàng Anh Thư, Lãng Hiển Xuân, Nhụy Nguyên,… Mỗi một tác giả có một lối viết khác nhau, với muôn hình vạn trạng về đề tài, tất cả hun đúc nên một diện mạo văn học phong phú.

Nhìn chung, để tiếp cận văn xuôi Thừa Thiên Huế từ sau 1986, chúng ta có thể dùng nhãn quan của các khuynh hướng như: Hiện thực, siêu thực, lãng mạn và về sau, nhiều sáng tác có thể dùng mỹ học hiện đại, hậu hiện đại để rọi chiếu. Rất nhiều khai mở đáng trân trọng. Dù sáng tác theo khuynh hướng nào, theo trào lưu mỹ học nào thì văn xuôi Huế vẫn luôn có những nét đặc trưng khu biệt, khu biệt trong ngôn ngữ, trong hình tượng, trong sự phản ánh tính cách con người văn hóa xứ Thần kinh, vùng đất đã cho các nhà văn những đề tài lớn, những nguồn cảm hứng vô tận.

Có thể nói, khuynh hướng hiện thực là khuynh hướng quy tụ đông đảo nhất các nhà văn tham gia, chúng ta có thể thấy những yếu tố của bút pháp văn học hiện thực xuất hiện đậm đặc trong các sáng tác của Hồng Nhu, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Quang Hà, Nguyễn Khắc Phê, Hà Khánh Linh… Ở các nhà văn này, hiện thực cuộc sống, phản ánh sự tồn tại như là một nguồn mạch giàu có. Trong các tiểu thuyết như: Phía ấy là chân trời (1988), Vùng Sâu (2012) của Tô Nhuận Vỹ; Những ngọn lửa xanh (2008), Biết đâu địa ngục thiên đường (2010) của Nguyễn Khắc Phê; Vũng lõm (2008) của Nguyễn Quang Hà… người đọc cảm thấy các trang viết như là những tấm gương phản ánh hiện thực, một hiện thực khá nghiệt ngã, đau thương và bi tráng của chiến tranh. Những đặc trưng của nghệ thuật viết theo khuynh hướng hiện thực dường như đã được các nhà văn này sử dụng tối đa. Đó là những kiểu sáng tác tái hiện lại hiện thực mà nhà văn thấy, cảm nghiệm, dĩ nhiên là có hư cấu nhưng hư cấu ở đây không trở thành một phương pháp sáng tác mà mô phỏng, tái hiện trở thành yếu tố chủ đạo. Có thể nói khung cảnh lịch sử trong “Vùng sâu” của Tô Nhuận Vỹ hay trong “Biết đâu địa ngục thiên đàng” của Nguyễn Khắc Phê như là những thước phim quay lại hiện thực, ở đấy có một không gian cụ thể, một bối cảnh cụ thể, những nhân vật cụ thể… tất cả vận hành theo số phận của từng nhân vật và của xã hội, đi theo sự sắp đặt chủ quan của nhà văn nhưng cơ bản vẫn là trung thành tuyệt đối với hiện thực, thứ hiện thực mà nhà văn đã trải qua, một thứ hiện thực có thể là quá khứ đến từ tiềm thức của nhà văn, có thể là ở hiện tại và cũng có thể là dòng hiện thực mà nhà văn đang nghĩ tới trong tương lai.

Dọc theo các tiểu thuyết của các nhà văn Huế sau 1986, chúng ta có thể mường tượng hay sống lại trong không gian mà cuộc chiến tranh ở những thập niên trước vẫn còn dư âm của nó. Nhưng có lẽ đậm đặc nhất vẫn là những trang viết mô tả về hiện thực mà nhà văn đang chứng kiến trước mắt. Đó là đề tài về xây dựng xã hội chủ nghĩa, đề tài về xây dựng vùng kinh tế mới, đề tài về ngợi ca những công trình lớn... Có thể nhận thấy những đề tài này thu hút nhiều người cầm bút như: Nguyễn Quang Hà, Nguyễn Khắc Phê, Hoàng Phủ Ngọc Tường,… Đó có thể là những tiểu thuyết, những trang ký hay truyện ngắn đầy tính thời sự nóng hổi. Tất cả đi ra từ những vốn liếng trải nghiệm hiện thực, từ những trái tim nóng hổi với lý tưởng mà họ theo đuổi, từ bút pháp mô tả, tái hiện với phương châm từng trang viết là từng chiếc gương phản ánh hiện thực cuộc sống.

Những đặc trưng vốn có của trào lưu hiện thực như trung thành với hiện thực, xây dựng tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình, mối liên hệ giữa tính cách và hoàn cảnh, sự kế thừa và đổi mới từ bút pháp lãng mạn… những đặc trưng đó nếu soi chiếu và các trang viết của Hồng Nhu, Ngô Minh, Nhất Lâm, Hoàng Việt Hùng, Nguyễn Khắc Phê, Tô Nhuận Vỹ… sẽ thấy được đông đảo các nhà văn này đã rất trung với chiều hướng sáng tác theo trào lưu hiện thực.

Khi xã hội biến đổi, những chính sách về văn hóa nghệ thuật thông thoáng hơn, người ta nhận thấy trong các trang viết của một số nhà văn có sự biến chuyển, nhưng về cơ bản không có sự thay đổi về cách viết, về nghệ thuật thể hiện mà chỉ biến đổi về đề tài. Chúng ta thấy đầu những năm chín mươi là thời kỳ nở rộ của truyện ngắn, đặc biệt là ký ở văn xuôi Huế. Có một luồng không khí mới trong quan niệm sáng tác. Cũng có thể giai đoạn này các nhà văn đã có một độ lùi khá xa với cuộc chiến tàn khốc, đã vượt lên những rào cản tư tưởng đến từ một đại tự sự vô hình, phải đối mặt với hiện thực trần trụi trước mắt mà giảm bớt tính ngợi ca sử thi quen thuộc. Nhưng muốn nhấn mạnh một lần nữa, ở đây chỉ là sự tìm tòi đổi mới về đề tài, về cảm hứng, về đối tượng của nghệ thuật chứ về cách viết, về bút pháp, sự thay đổi một cách rốt ráo trong hình thức thì chưa hẳn đã là lớn. Các trang viết vẫn trung thành với sự mô tả, kể chuyện, phản ánh và nệ thực.

Lưu trú trong một khung cảnh xứ Huế nên thơ, nhiều mưa lắm nắng, những di chỉ của ký ức vẫn hàng ngày ngự trị trên mảnh đất này, văn hóa và di sản tiền nhân luôn được duy trì như một sự giàu có đáng tự hào… tất cả những yếu tố đó nghiễm nhiên đi vào trong từng trang viết của các nhà văn và trào lưu lãng mạn một lần nữa lại sống dậy trong văn chương trên mảnh đất này. Có thể nói, không chỉ văn xuôi, mà trong thơ ca, nhạc, họa, kiến trúc… của xứ Huế luôn nhuốm màu sắc lãng mạn, ở đây thuộc tính lãng mạn có khi được bộc lộ một cách rõ ràng trên từng tác phẩm, có khi nó ẩn mình sau những con chữ rất khó nhận ra. Nhưng có thể nói, màu sắc lãng mạn là màu sắc chung nhất trong nghệ thuật của người Huế, hay của các tác giả lấy Huế là quê hương, là nơi lưu trú để mơ mộng của mình. Đại diện cho dòng văn chương này chúng ta phải kể đến là Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trần Thùy Mai, Văn Cầm Hải, Nguyễn Xuân Hoàng, Lê Vũ Trường Giang, Meggie Phạm… có thể đề tài lựa chọn của họ đến từ hiện thực, họ mô tả hay phát hiện những vỉa tầng mới ẩn sau sự tồn tại của khách quan nhưng xuyên suốt, thấm đẫm trong từng câu chữ của họ là thuộc tính lãng mạn bao trùm và chế ngự.

Giàu thuộc tính lãng mạn nhất là truyện ngắn của Trần Thùy Mai. Tuy vẫn dựa trên nền của hiện thực, cùng với những câu chuyện đan xen giữa hiện thực và hư cấu nhưng truyện ngắn của Trần Thùy Mai có một thế giới riêng biệt, một thế giới không lẫn lộn với bất kỳ một nhà văn nào ở Huế nói riêng hay ở Việt Nam nói chung. Là một tác giả nữ có bút lực mạnh mẽ, có lối viết riêng biệt cuốn hút, những tập truyện ngắn tiêu biểu của Trần Thùy Mai như: Thị trấn hoa quỳ vàng (1994); Trò chơi cấm (1998); Người khổng lồ núi Bạc (2002); Đêm tái sinh (2003); Thập tự hoa (2003); Mưa đời sau (2005); Mưa ở Trasbourg (2007); Lửa hoàng cung (2008); Trăng nơi đáy giếng (2010)… Đó là một thế giới cuốn hút bạn đọc và các nhà phê bình cả mấy thập niên qua. Dù lấy bối cảnh sáng tác là cứ liệu lịch sử hay thời hiện đại thì truyện ngắn của nữ tác giả này luôn phảng phất những nỗi buồn, những nỗi hoài cảm se sắt lòng trắc ẩn của nhân sinh. Biệt tài của Trần Thùy Mai là khơi gợi đến tận cùng những rung cảm của con người. Đôi khi những rung cảm ấy ta tưởng nhẹ nhưng cái nhẹ đó luồn sâu vào ta, nuôi dưỡng sự mơ mộng của ta và từ đấy trình ra những nỗi buồn bao la nhân thế. Những nỗi buồn của người con gái trong cung cấm, những vết thương của chàng thanh niên thời hiện đại, hay những cuộc tình đỗ vỡ trong chiều đông se sắt lạnh bên bờ thành quách rêu phong cũ, những nỗi đau dội ngược vào trong bởi tình yêu bị ngăn cấm của một chú tiểu trong chùa vắng bên núi… tất cả đó là nhân sinh, là những giá trị nhân văn tưởng như giản đơn nhưng chỉ có một ngòi bút tinh tế trong việc nắm bắt tâm lý nhân vật mới có thể lột tả hết được. Từ truyện ngắn của Trần Thùy Mai, chúng ta nhận thấy thuộc tính lãng mạn không chỉ là một trào lưu sáng tác mà còn là một phương pháp sáng tác có sức sống bền bỉ và trường tồn nhất. Các nhân vật trong truyện của Trần Thùy Mai, đôi khi bị giam cầm trong thực tại chua chát nhưng họ luôn hướng về, luôn mơ về một thế giới nào đấy đẹp hơn thực tại. Thân thể họ, sự hiện hữu về thể xác của họ có thể phụ thuộc vào ngoại giới nhưng tâm hồn họ đã phá vỡ những giam cầm từ những luật định mà bay về nơi mộng tưởng, bay về nơi có những chân trời viễn mộng.

Có lẽ các nhân vật trong truyện ngắn của Trần Thùy Mai đều phảng phất bóng dáng của chính nhà văn, đôi khi ta cảm tưởng rằng khi bước vào thế giới của nhà văn, ta như đang trò chuyện với chính nhà văn, trò chuyện cùng bà về cuộc đời của bà, về cuộc đời tha nhân, về bao la sầu nhân thế. Con người trong truyện của Trần Thùy Mai buồn, nhưng đó không là cái buồn bi lụy, họ bám vào thực tế, khi thực tế quá chua chát họ tìm về quá khứ, ôm lấy những mảnh vỡ của những vết thương đến từ tiềm thức rồi chữa lành lòng mình bằng chính những giọt nước mắt của chính mình.

Trần Thùy Mai có một cá tính văn chương khác biệt, song trùng tồn tại với thời kỳ mà nữ nhà văn này sáng tác là thế hệ cùng thời với bà và thế hệ trẻ hơn sau này. Trong khi những người cùng thời với bà bám vào bút pháp hiện thực để mô tả, để ngợi ca hay đả phá đại tự sự, trong khi lớp trẻ hơn về sau, say mê lao vào những cách tân thể nghiệm, áp dụng những lý thuyết tân thời, thì Trần Thùy Mai vẫn lặng lẽ một mình một cõi, đó là cõi của cái tĩnh mà sâu, của những mộng mơ tưởng như đơn giản nhưng mang mang cả một nỗi lòng trắc ẩn đến vô cùng.

Trào lưu lãng mạn coi trọng sự hoài cổ, cái lõi của nó không nằm ở lý trí mà nằm ở trái tim, lấy trái tim dõi theo sự vật, “lấy hồn ta để hiểu hồn người.” Tác phẩm lãng mạn giàu tính nhạc, tính họa, đu mình theo những cái đẹp quá vãng, khoác màu lên những sự vật khô cằn, đẩy tính duy mỹ lên tới cùng… Tất cả những điều đó chúng ta bắt gặp trong những trang ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường, của Văn Cầm Hải, Hồ Đăng Thanh Ngọc, Lê Vũ Trường Giang… Ở đây, ngoài việc các nhà văn này đi, quan sát và mô tả, nhưng đó là sự mô tả trong cảm quan lãng mạn, đẩy cái tưởng như bình thường trở thành những cái mang chuẩn mực của cái đẹp ở xứ Thần kinh nhiều vỉa tầng văn hóa. Gần như trong tâm tưởng của các nhà văn vừa kể thì việc mang ý hướng trở về với thiên nhiên - một ý hướng đậm nét của trào lưu nghệ thuật lãng mạn là chung nhất, rõ nét nhất và cũng đạt nhiều thành tựu nhất.

Rất khó để phân định rạch ròi về hệ mỹ học trong bút pháp của các nhà văn Huế, bởi có người thì sáng tác nhất quán một phong cách trong cả đời văn của họ, có người thì luôn thay đổi bút pháp qua từng thời kỳ sáng tác, từng giai đoạn lịch sử, có người thì cùng một lúc sáng tác dưới nhiều nhãn quan mỹ học. Kể từ 1986 đến nay, càng về sau, văn xuôi Huế càng xuất hiện nhiều hiện tượng phức tạp, đó là sự hỗn dung nhiều trào lưu sáng tác, nhiều phương pháp sáng tác, nhiều hệ hình mỹ học cùng một lúc tồn tại trong các tác phẩm. Tiêu biểu cho những hiện tượng này chúng ta phải kể tới những tên tuổi như: Nguyên Quân, Hồ Đăng Thanh Ngọc, Nhụy Nguyên, Lê Vũ Trường Giang, Nguyễn Hoàng Anh Thư… Dĩ nhiên công bằng mà nói, sự phức tạp này không phải chỉ diễn ra trong giai đoạn sau này, giai đoạn mà các nhà văn trẻ lao vào thử nghiệm những cách tân. Khởi đi cho những cái mới, khởi đi cho những thử nghiệm táo bạo, chúng ta phải kể đến một trường hợp cực kỳ phức tạp, một cá tính văn chương nỗi loạn đến tột cùng. Đó là trường hợp Hoàng Trọng Định.

Tính cách tân của Hoàng Trọng Định không thua kém bất cứ nhà văn hiện đại nào ở Việt Nam. Chúng ta nhận thấy, trong sự bất định của các giá trị, sự đánh lận con đen, sự nhấp nhem của cái gọi là cách tân nhưng nửa vời, cách tân giả tạo ở một số lượng lớn các nhà văn hiện thời, thì Hoàng Trọng Định không nằm trong những kiểu dạng này. Văn chương của Hoàng Trọng Định khởi đi từ một nhà văn có kiến văn sâu rộng, có kiến thức chắc chắn về triết học và mỹ học, có phương pháp sáng và mô hình tác phẩm rõ ràng, tất cả làm căn nền để những chấn thương trong ông thăng hoa. Thỉnh thoảng Hoàng Trọng Định viết với bút danh Hoàng Nguyệt Xứ, ông sinh năm 1958 và mất năm 2011. Sinh thời, Hoàng Trọng Định là một người đam mê triết lý, có lối sống quái gở và dĩ nhiên có tư duy khác biệt. Nhưng tiếc thay, cái khác biệt của Hoàng Trọng Định lại bị những cái đồng dạng ồn ào cùng thời làm khuất lấp. Có thể nói, trong sự ồn ào của những khuôn mặt đám đông đồng dạng thì Hoàng Trọng Định tự chủ động tạo ra cho mình một thế đứng riêng, thế đứng của một kẻ ngoại biên, ngoại biên trong văn chương và cả trong tư tưởng, lối sống. Và luôn là như thế, yếu tố ngoại biên là những mầm móng cho những cuộc đổi thay về sau trong nghệ thuật, yếu tố ngoại biên luôn có những ý tưởng và những thử nghiệm táo bạo, những cấu trúc tinh thần và cấu trúc ngôn ngữ dị biệt.

Tập truyện ngắn “Cái chết không có con người” (Nxb. Văn Học, 2012), là một tập truyện khiêm nhường về số lượng nhưng lại lớn về sự thể nghiệm kỹ thuật viết, sâu xa về tư tưởng và đặc biệt hơn, nó chứng minh một điều, bi kịch bao giờ cũng là suối nguồn của nghệ thuật. Các truyện ngắn có trong tập truyện như: Nhân vật chính của vở kịch; Những bước chân bên ngoài khe hở; Quy luật của trò chơi; Quà tặng cho thơ; Cái chết không có con người; Hóa thân của bông hồng, tất cả như là những thách đố đối với sự diễn giải của người đọc. Bút pháp của Hoàng Trọng Định đã vượt xa các nhà văn cùng thế hệ khi ông đánh lừa người đọc vào những mê trận của cấu trúc văn bản, ngôn ngữ mang tính chất siêu thực, ma quái, truyện không dừng lại chỉ là ở tính chuyện, mà tính truyện đã đi xa hơn, nó hướng tới những ý niệm, giải tính chuyện, tác phẩm không chỉ là những câu chuyện về thân phận của nhân vật mà chỉ là cuộc rượt đuổi của trò chơi ngô ngữ, của lý thuyết hiện sinh, của những ẩn hiện mang tính phân tâm học dưới lối viết hiện đại, thậm chí là hậu hiện đại. Hầu hết nhân vật trong truyện Hoàng Trọng Định đều bị đẩy vào trong một không gian tối tăm, o bế, họ đều bị cái chết ám ảnh, ngôn ngữ của họ đôi khi là kiểu ngôn ngữ của người điên, ngôn ngữ và tư duy tâm thần phân liệt, họ tồn tại trong tính toán phức tạp của cấu trúc mà nhà văn đưa ra trong văn bản. Cấu trúc đó là sự đan cài của thực và mộng, của cái chết và sự hồi sinh, của thực tại và quá vãng, của hư cấu và siêu hư cấu… Tất cả vần vũ trong căn tính bạo lực không dễ vượt qua. Có thể đưa ra nhiều sự tương đồng về tư tưởng cũng như bút pháp của Hoàng Trọng Định với thi ca của Ngô Kha, một nhà thơ trước ông và cũng có những truy vấn tận cùng đối với nghệ thuật như ông.

Trở lại với trào lưu hiện đại, hậu hiện đại trong những thử nghiệm của các nhà văn trẻ về sau như: Hồ Đăng Thanh Ngọc, Nhụy Nguyên, Nguyễn Hoàng Anh Thư, Lê Vũ Trường Giang, Nguyên Quân… chúng ta thấy rằng nếu như có thể đưa ra một cái nhìn đối sánh thì văn học viết trong xu hướng hiện đại, hậu hiện đại ở Huế không thể có một đội ngũ nhà văn đông đảo như ở Hà Nội hay Sài Gòn, nhưng nếu nói về độ sâu của tác phẩm và xét trong việc chạm đến tâm thức hiện đại, hậu hiện đại thì văn học Huế không hề lép vế, điều đó được làm nên bởi một số ít nhà văn chịu tìm tòi khám phá. Thành tựu của họ đã và đang hòa vào dòng chảy của những tìm tòi đến từ các nhà văn Việt Nam như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Hồ Anh Thái, Nguyễn Bình Phương, Tạ Duy Anh, Phạm Thị Hoài, Thuận… cũng từ đó sẽ mau chóng đưa tới sự thay đổi hệ hình cho nghệ thuật Việt Nam hiện đại. Xét cho cùng, hiện nay, trong khi hầu hết các nhà văn Huế dường như vẫn đang miệt mài với lối viết mô tả hiện thực, trung thành với những câu chuyện lẩy ra từ cuộc sống thực, tư duy tiền hiện đại vẫn là tư duy chủ đạo thì việc một số nhà văn ý thức được tầm quan trọng của những khả thể hư cấu, siêu hư cấu, bước chân sang những thử nghiệm hiện đại, hậu hiên đại… thực sự đáng ghi nhận. Đó là những vốn liếng để nghệ thuật Huế có những mùa màng rực rỡ về sau.

Lê Vũ Trường Giang là một tác giả hiện đang rất trẻ nhưng đã định hình cho mình phong cách trên văn đàn hiện nay. Là người viết đều trong nhiều thể loại như văn xuôi, thơ, nghiên cứu văn hóa. Ở thể loại nào Lê Vũ Trường Giang cũng đưa ra được những cái nhìn khác biệt của mình. “Ngủ giữa trùng sơn” là tập truyện ngắn đầu tay của Lê Vũ Trường Giang, bao gồm 9 truyện ngắn được triển khai với nhiều thủ pháp nghệ thuật khác nhau. Những tác phẩm trong tập truyện này hầu hết dựa trên nền tư duy lịch sử, lấy lịch sử làm căn cốt để từ đó hướng tới những khả thể hư cấu, tạo ra những cách lý giải khác biệt về lịch sử và con người. Có nhiều cái khó cho một người viết trẻ trong bối cảnh văn học dung hợp nhiều trào lưu sáng tạo như hiện nay. Đi theo lối viết truyền thống hay hướng tới thi pháp hiện đại là cả một sự lựa chọn khó khăn. Nhưng trong tập truyện ngắn này, Lê Vũ Trường Giang đã thể hiện được sự tìm tòi trong lối viết khi anh chọn cả hai hướng đi, vừa truyền thống vừa hiện đai. Lối viết truyền thống, đề tài lịch sử là căn nền để từ đó tác giả kết hợp nhiều thủ pháp của văn học hiện đại, hậu hiện đại như phân mảnh, lắp ghép, liên văn bản… Bất kể ở dòng thi pháp nào, truyện ngắn của Lê Vũ Trường Giang luôn thấm đẫm màu sắc của huyền thoại, nhà văn tìm về với huyền thoại, với lịch sử như đi tìm những tiếng nói đã mất, lôi kéo chúng về với thực tại để tạo ra những va chấn khác nhau. Trong những truyện ngắn mang dấu ấn của lối viết hậu hiện đại, tác giả trưng ra một thế giới của những đổ vỡ, chấn thương, thể hiện sự hoài nghi về chân lý và sự nỗ lực trong việc tìm đến cho truyện ngắn những kiểu cấu trúc lạ. Lê Vũ Trường Giang đã thoát ra khỏi những kiểu nhìn khô cứng về lịch sử; dựa trên vốn kiến thức về quá khứ, về những điều tưởng chừng đã ngủ yên, tác giả làm sống lại, thậm chí hướng những điều tưởng chừng như xưa cũ trở nên có sức ám ảnh hơn, mở ra được nhiều chiều hướng ý nghĩa mới bởi tính chất lấp lửng của hình tượng, biểu tượng và ngôn từ. Gần đây, Lê Vũ Trường Giang đã cùng một lúc cho xuất bản hai tập bút ký. Đó là “Đi như là ở lại” “Nở tàn biên niên ký”, đều được đông đảo bạn đọc đón nhận như một món quà đến từ một người trẻ ưa xê dịch, một người trẻ lãng du, vừa hoài cổ vừa hiện đại.

Có thể nói kỹ thuật của dòng văn chương hậu hiện đại đã được nữ nhà văn Nguyễn Hoàng Anh Thư đưa vào thử nghiệm trong tập truyện ngắn “Chỉ là gió trên cánh đồng” được công ty Domino phối hợp cùng với Nxb. Văn Hóa - Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh ấn hành năm 2017. Xuyên suốt tập truyện ngắn chúng ta thấy đậm đặc những thử nghiệm nghệ thuật mang màu sắc hậu hiện đại như tính chất giễu nhại, đã phá, hoài nghi, giải thiêng, sự tối giản cực hạn trong ý hướng xác lập tiểu tự sự, tẩy trắng nhân vật, xô lệch thể loại… Nguyễn Hoàng Anh Thư có một bút lực mạnh mẽ, nội tâm phức tạp và luôn cách tân trong lối viết. Trong lối viết của nữ nhà văn này tính hư cấu được đẩy lên cao độ, điều này khác hẳn với hầu hết các nhà văn ở Huế vốn nệ thực đến tối đa. Thế giới trong “Chỉ là gió trên cánh đồng” là thế giới khởi nguồn từ thực tại nhưng lại vượt qua thực tại để hướng tới một thế giới khác thực tại, thế giới ở những khả thể hư cấu. Truyện của Anh Thư không nhằm vào sự đắt giá của tính chuyện, sự ly kỳ gay cấn của tình tiết mà ở đây, nhà văn muốn luồn vào tận sâu của cảm giác, của những va chấn không rõ hình thù của con người đương đại đang bị giăng mắc vào trong những khoái cảm điên rồ, nhưng quái trạng không lối thoát. Văn chương Nguyễn Hoàng Anh Thư là bản hợp xướng của những mảnh vỡ siêu thực, ấn tượng, tương trưng và sự thăm dò tiềm thức của phân tâm học… Nhà phê bình Đặng Thơ Thơ cho rằng: “Nguyễn Hoàng Anh Thư dùng thủ pháp huyền ảo kết hợp với ngôn ngữ ấn tượng để tự do đi lại trong sáng tạo, băng qua các biên giới và nếm trải kinh nghiệm sống bằng tưởng tượng, khai phá và tiếp nhận. Tưởng tượng sáng tạo của Nguyễn Hoàng Anh Thư đưa người đọc vào những trò chơi khác, những cuộc du hành khác, ly tâm khỏi quỹ đạo, đứng ở một chiều không gian khác để định lượng lại bản chất của chủng loại người…”.

Xin nói lại một lần nữa, so với sự ồn ào của hai đầu đất nước thì nghệ thuật nói chung và văn học đương đại Huế nói riêng đã có được một chiều sâu căn bản, chiều sâu này không nằm ở những ồn ào cách tân trên bề mặt mà nó ẩn dưới chiều sâu văn bản những vỉa tầng của tâm thức. Điều này là hết sức quan trọng bởi trong sáng tác văn chương, sự bắt chước kỹ thuật viết thì có thể nhiều nhà văn làm được và đã làm rất tốt nhưng để có một tâm thức đương đại thì đòi hỏi ở nhà văn nhiều hơn chứ không nằm ở sự bắt chước. Nó đến từ văn cách của nhà văn cộng thông với những trải nghiệm, sự trải nghiệm ở đời sống, trải nghiệm qua triết học, mỹ học, phân tâm học… và đặc biệt hơn, nhà văn Huế đang lưu trú trong một không gian mà ở đó giúp năng lượng được bảo toàn, tránh được những màn diễn không cần thiết để văn chương luôn là tiếng nói chân thực nhất.

Con đường thực hành nghệ thuật của một cá nhân hay của một cộng đồng thì cũng như sóng ba đào, lớp sau xô lớp trước. Văn chương hiện đại Huế đã trải qua nhiều thế hệ, mỗi thế hệ có một bút pháp và tư tưởng riêng, mỗi thế hệ có một căn nền tồn tại riêng. Nếu như thế hệ trước chịu nhiều chi phối của thời cuộc, của chiến tranh trong tư duy phản ánh, mô phỏng thì thế hệ tiếp nối đã phần nào thoát ra khỏi những trở lực đó và hiện tại, Huế đang có một lớp người trẻ thực sự, trẻ trong tư tưởng, trong cách viết. Họ đang ngày đêm tạo lập thế đứng cho mình giữa sự mù mịt cơn lốc thông tin. Dĩ nhiên, “Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh” (Truyện Kiều). Để có được những mùa màng thực sự, để góp được sức mạnh của mình trong việc thúc đẩy sự chuyển đổi hệ hình nghệ thuật hiện đại Việt Nam, các nhà văn trẻ Huế không thể dừng lại ở những khai phá như đã từng mà cần đẩy sự khai phá đi đến đa dạng và vững vàng hơn. Sự khai phá cần hơn ở tư tưởng chứ không chỉ là những thể nghiệm kỹ thuật. Sự khai phá cần rốt ráo hơn, quyết liệt hơn, tận cùng hơn.

Để kết thúc bài viết này, chúng tôi xin có một vài lời minh định. Trước hết, việc đặt một tác giả văn học vào một trào lưu văn học cụ thể không bao giờ là hoàn toàn trùng khớp, bởi xưa nay, có những nhà văn luôn tìm cách đứng ngoài mọi quy chuẩn của các trường phái, trào lưu. Bên cạnh đó có những nhà văn luôn biến đổi lối viết qua từng thời kỳ, từng giai đoạn sáng tác. Ở đây, chúng tôi chỉ dùng một vài đặc trưng tiểu biểu, rõ nét nhất của một số tác giả để ứng với mỗi trào lưu, dùng những đặc trưng tiêu biểu của từng trào lưu để đi vào khám phá những đặc trưng nổi bật nhất của từng tác giả, nhằm đưa ra một góc nhìn cá nhân của mình về một diện mạo văn học không dễ hình dung.

L.M.P
(SHSDB37/06-2020)

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng