Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.6-20)
Văn nghệ sỹ trẻ trên hành trình hướng về cái đẹp
15:29 | 17/07/2020

LGT: Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế luôn kỳ vọng vào sự phát triển của đội ngũ sáng tác, nhất là các văn nghệ sỹ trẻ với những sáng tạo để lại dấu ấn lớn trong đời sống xã hội, gắn bó với văn hóa Huế, sự đổi thay về kinh tế - xã hội của vùng đất Cố đô. Trước thềm Đại hội, Sông Hương có cuộc trò chuyện với các văn nghệ sỹ trẻ của các hội chuyên ngành thành viên Liên hiệp Hội.

Văn nghệ sỹ trẻ trên hành trình hướng về cái đẹp
Ảnh: internet

Vũ Nhiên: Anh có thể chia sẻ đôi điều về hoạt động nghệ thuật/ nghiên cứu mà anh đang theo đuổi và quan niệm của anh với các loại hình này?

Họa sỹ Đỗ Văn Lân: Hiện nay, hoạt động mỹ thuật được nhận thức và tiếp cận với nhiều giác độ khác nhau; về cá nhân tôi, tôi nghĩ rằng hoạt động mỹ thuật là một khái niệm - mà ở đó đã bao hàm sự sáng tạo, tác động có chủ đích của con người - của nghệ sỹ đối với hiện thực khách quan để hình thành, tạo ra những tác phẩm mỹ thuật như tranh, tượng, sắp đặt, trình diễn, ý niệm… nhằm chuyển tải những thông điệp, giá trị tư tưởng chính trị, văn hóa, giáo dục… và giá trị thẩm mỹ trên nhiều bình diện khác nhau thông qua các ngôn ngữ biểu đạt cụ thể.

Biên đạo múa Phan Hoàng: Theo tôi, múa là một loại hình nghệ thuật độc đáo của nhân loại. Nó ra đời từ rất sớm, khi loài người mới bắt đầu được hình thành. Có thể nói múa là tiếng nói đầu tiên của loài người thời nguyên thủy, nó được thể hiện trong quá trình sinh hoạt tập trung của loài người bằng những hành động trong đời sống.

Là một biên đạo múa trẻ, tôi luôn khát vọng, nhiệt huyết với ngọn lửa của tuổi trẻ với niềm đam mê văn hóa nói chung và nghệ thuật múa nói riêng. Cho đến bây giờ tôi đã dành rất nhiều thời gian, tâm huyết tìm tòi sáng tạo và tìm đi hướng riêng cho bản thân mình. Tôi tập trung ưu tiên phát huy bảo tồn những giá trị văn truyền thống tốt đẹp của dân tộc một cách bài bản, chuẩn mực và bền vững; không lạm dụng tùy tiện sử dụng các nét đẹp văn hóa thiếu hợp lý trong các tác phẩm múa.

Nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Trần Văn Dũng: Nghiên cứu văn nghệ dân gian trước đây chủ yếu là giới thiệu và sưu tầm các di sản văn hóa truyền thống như văn học dân gian, nghệ thuật dân gian, lễ hội, tri thức dân gian, làm nghề thủ công, phong tục tập quán… nhằm góp phần bồi đắp, giữ gìn các giá trị bản sắc văn hóa ở mỗi cộng đồng. Nhưng theo tôi hiện nay, các nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian cần quan tâm nghiên cứu đến các vấn đề nảy sinh, biến đổi trong đời sống xã hội như không gian văn hóa làng xã, nhiều công trình kiến trúc cổ cần được bảo tồn và phát huy giá trị gắn với phát triển du lịch bền vững…

Quan niệm về vai trò của người nghiên cứu văn nghệ dân gian cũng dần chuyển đổi từ người say mê giới thiệu, sưu tầm vốn cổ trở thành người nhiệt tình tham gia góp ý đánh giá, thẩm định các cơ chế, chính sách, dự án liên quan đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa Huế trong bối cảnh đương đại. Đồng thời, họ còn tích cực góp phần truyền dạy, phục dựng các di sản văn hóa đã bị mai một, lãng quên cho cộng đồng, trao truyền hướng dẫn tri thức bản địa của cộng đồng này với cộng đồng khác. Nếu được chọn một từ để diễn đạt ngành tôi theo đuổi, tôi sẽ chọn từ “đam mê”. Vì bản thân mỗi nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian luôn có niềm đam mê tìm hiểu các giá trị di sản văn hóa truyền thống và đối với họ, nghiên cứu khám phá vừa là niềm vui vừa là thách thức và họ luôn dành tất cả công sức, trí tuệ để cố gắng vượt qua thử thách đó nhằm đạt được những thành tựu trong nghiên cứu khoa học. Giữa những thách thức của cuộc sống, những lo toan thường nhật, những bận rộn trong công việc hằng ngày… đối với tôi, niềm đam mê nghiên cứu khoa học của mình vẫn cháy bỏng.

Vũ Nhiên: Là một văn nghệ sĩ trẻ, anh có thể cho biết những thuận lợi và thách thức trong ngành nghệ thuật mình đang theo đuổi? Nếu chọn một từ hoặc một cụm từ thể hiện đủ những phẩm chất sáng tạo, là “kim chỉ nam” trong lao động nghệ thuật của mình, anh sẽ chọn như thế nào?

Họa sỹ Đỗ Văn Lân: Là một họa sĩ trẻ, tôi có nhiều điều kiện thuận lợi hơn về quỹ thời gian, sức khỏe và có nhiều cơ hội để tiếp cận, kết nối thế giới trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Tuy nhiên, với kho tàng nghệ thuật đồ sộ của các danh họa để lại cho hậu thế ngày nay, thì không chỉ bản thân tôi mà cả những họa sỹ trẻ khác ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng bởi trường phái, phong cách và việc vượt qua “cái bóng” của các danh họa đó để tìm giá trị nghệ thuật mới, từ đó định hình và khẳng định tên tuổi của một nghệ sĩ trẻ là cực kỳ khó khăn.

Hiện nay, tôi suy nghĩ cực kỳ đơn giản và nhẹ nhàng, có thể xem là phương pháp hoạt động nghệ thuật của bản thân đó là “làm việc”. Vậy thôi, theo tôi, thông qua “làm việc” có thể đánh thức các giác quan, các tiềm năng đang ngủ yên trong tôi để có thể tạo ra các giá trị nhất định trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật của mình. Bản thân tôi cho rằng “làm việc” chính là mình đang đi, có thể lúc đầu là mò mẫm, ẩn chứa nhiều rủi ro; tuy nhiên, nếu cố gắng một lúc nào đó ta sẽ đến được đích, có thể là hữu ý hay vô tình, nhưng chắc chắn một điều rằng phía sau lưng ta đã là một con đường có thể không to lớn, hoặc chỉ là những vết hằn bé nhỏ nhưng ít nhiều đã để lại một điều gì đó của mình nếu ta “làm việc” thật sự là nghiêm túc với chính bản thân mình, với chính những người đang ngày đêm quan tâm, hỗ trợ mình hay với xã hội.

Biên đạo múa Phan Hoàng: Để thực hiện niềm đam mê và mong muốn bản thân trở thành một nhà biên đạo, tôi cũng đã trải qua rất nhiều khó khăn và thách thức trong quá trình theo ngành nghệ thuật biên đạo múa. Hiện tại bản thân tôi là một biên đạo trẻ đang công tác tại Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung Đình Huế, thách thức lớn nhất vẫn là khi hình thành lên một tác phẩm múa, thơ múa và kịch múa là phải có sự chuẩn bị dài hơi, nó hội tụ đầy đủ nhiều ý tố: kịch bản múa, kết cấu âm nhạc, chọn lọc ngôn ngữ, phục trang, đạo cụ, âm thanh, ánh sáng chúng ta phải kết hợp những ý tố đó lại với nhau một cách hài hòa, chặt chẽ và logic và yếu tố quan trọng nhất là nguồn lực diễn viên thể hiện tác phẩm.

Vũ Nhiên: Với điểm nhìn của một văn nghệ sỹ trẻ, anh có ý tưởng nào để hoạt động văn học nghệ thuật của Thừa Thiên Huế sôi nổi hơn trong tương lai?

Họa sỹ Đỗ Văn Lân: Trước khi nêu lên những suy nghĩ của mình về hướng đi của mỹ thuật Huế trong thời gian tới, tôi xin chia sẻ vài cảm nhận của mình về mỹ thuật Huế. Có thể nói rằng, từ thời Huế còn là kinh đô của Việt Nam, là cơ sở để hội tụ nhiều nhân sỹ trí thức, trong đó có nhiều họa sỹ tài năng; ngày nay Huế có Trường Đại học Nghệ thuật Huế là một trong ba cơ sở đào tạo mỹ thuật có uy tín của cả nước; bên cạnh đó, hoạt động nghệ thuật đã được nhận được sự quan tâm, hỗ trợ tạo điều kiên để phát triển của các cơ quan, ban ngành. Tuy nhiên, so với hai đầu đất nước thì mỹ thuật Huế vẫn chưa xứng tầm. Thiết nghĩ cần khẳng định vị thế của mỹ thuật Huế, của văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế không chỉ trong nước mà cả quốc tế; thực hiện công việc này không ai khác ngoài bản thân nghệ sỹ; tuy nhiên cần sự hỗ trợ tích cực của Hội Mỹ thuật tỉnh, của Liên hiệp Hội đối với hoạt động sáng tạo của họ. Hơn ai hết, chính các nghệ sỹ, mà đi đầu là Hội Mỹ thuật và Liên hiệp Hội phải tạo nên một không gian nghệ thuật Huế đúng nghĩa; để nơi đây thật sự tôn vinh giá trị mỹ thuật Huế; đồng thời cũng là địa điểm giới thiệu, trưng bày các tác phẩm mỹ thuật mới của nghệ sỹ Huế đến với công chúng, đến với các nhà sưu tập.

Biên đạo múa Phan Hoàng: Theo ý kiến cá nhân tôi, cơ quan hữu trách nên tăng cường tổ chức hoạt động quảng bá, truyên tuyền VHNT một cách rộng rãi, thiết thực và gần gũi. Tiếp tục duy trì và phát huy mở rộng nhiều đề tài trong các đợt trại sáng tác cho các hội chuyên ngành thuộc Liên hiệp Hội. Về chuyên ngành múa, nên tạo mọi điều kiện thuận lợi, tiếp tục hỗ trợ kinh phí sáng tác, tác phẩm cho nhà biên đạo một cách tốt nhất và hiệu quả nhất. Cần tổ chức các hội thảo về ngành múa truyền thống, dân gian, đương đại, cổ điển và phổ biến một cách rộng rãi và chuyên sâu về múa. Ngành múa kết hợp với Hội Âm nhạc Thừa Thiên Huế cùng xây dựng kịch bản và thực hiện một số chương trình ca múa nhạc đặc sắc, trọng điểm nhằm hướng đến thành phố Huế là thành phố di sản trực thuộc Trung ương trong tương lai gần.

Nhà nghiên cứu Trần Văn Dũng: Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế. Theo tôi, phương hướng hoạt động văn hóa nghệ thuật nói chung và văn nghệ dân gian nói riêng trong 5 năm đến cần đẩy mạnh nghiên cứu, sáng tác, phát huy thế mạnh về di sản văn hóa, bề dày lịch sử của vùng đất từng là thủ phủ thời Chúa Nguyễn, kinh đô của Triều Tây Sơn và Triều Nguyễn, môi trường thiên nhiên vô cùng phong phú với biển cả, sông ngòi, đầm phá, rừng núi… để góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, một trung tâm văn hóa, di sản hàng đầu của đất nước. Vì vậy, theo tôi cần đề xuất cho các cơ quan có liên quan xem xét chế độ hỗ trợ các tác giả trong quá trình đi điền dã thực tế, xuất bản sách và sử dụng, ứng dụng các công trình nghiên cứu. Hàng năm, Hội Văn nghệ dân gian sẽ xuất bản ấn phẩm Nghiên cứu văn hóa dân gian Thừa Thiên Huế nhằm tạo ra diễn đàn trao đổi học thuật, công bố những kết quả nghiên cứu khoa học mới trong lĩnh vực văn hóa dân gian.

Vũ Nhiên: Xin trân trọng cảm ơn quý văn nghệ sỹ.

(SHSDB37/06-2020)

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng