Tạp chí Sông Hương - Số 377 (T.07-20)
Văn chương Thừa Thiên Huế - Giữa hai kỳ đại hội
14:42 | 14/07/2020

 

PHẠM PHÚ UYÊN CHÂU

Văn chương Thừa Thiên Huế - Giữa hai kỳ đại hội
Ban chủ trì Hội thảo - Ảnh: Phương Anh

Trong 5 năm qua (2015 - 2020), nhằm thực hiện mục tiêu phương hướng và nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế đã đề ra cho giai đoạn 2015 - 2020 là: “Đoàn kết, đổi mới, dân chủ, nhân văn, tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới”, những người hoạt động văn chương xứ Huế đã có nhiều nỗ lực, đổi mới trong sáng tạo và nghiên cứu đem lại những thành tựu đáng khích lệ. Trong bối cảnh cả nước đang bước vào thời kỳ hội nhập một cách sâu rộng, có sự du nhập của nhiều trào lưu hiện đại nói chung trên thế giới vào nước ta, văn nghệ sĩ ở Huế đón nhận một cách cởi mở nhưng đầy thận trọng, tạo cho đời sống văn học phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, nhất là sự đổi mới về thi pháp biểu hiện và phương pháp nghiên cứu. Với sự quan sát không đầy đủ, tầm kiến văn hạn hẹp và khả năng hạn chế của mình, bài viết này chỉ khảo sát chủ yếu các tác phẩm, công trình được các tặng thưởng, giải thưởng trong thời gian qua.

Về số lượng, trong 5 năm qua, trong số 89 hội viên Hội Nhà văn của tỉnh, hầu như mỗi người có ít nhất một tác phẩm được in thành sách, hoặc công bố trên các hệ thống thông tin đại chúng. Theo thống kê chưa đầy đủ của chúng tôi, đã có 67 tập thơ, 45 tập văn xuôi gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, các tiểu loại ký và 23 công trình nghiên cứu lý luận, phê bình được ấn hành trong thời gian qua. Đó là chưa kể các công trình nghiên cứu về văn hóa, văn học dân gian. Đáng lưu ý là hoạt động đa dạng, phong phú và có chiều sâu của Hội Văn nghệ Dân gian, nhất là việc đi sâu vào lĩnh vực còn nhiều khuất lấp là văn nghệ dân gian miền núi. Trong “Tặng thưởng công trình tác phẩm xuất sắc hàng năm” của Liên hiệp Hội, hầu như năm nào cũng có các công trình nghiên cứu về văn hóa, văn học dân gian. Thậm chí, có thể thấy rõ, trong lĩnh vực này, tặng thưởng hàng năm và giải thưởng VHNT Cố đô dành rất ít cho các công trình nghiên cứu lý luận, phê bình văn học (trừ trường hợp hiếm hoi Tập chuyên luận phê bình và nghiên cứu văn học của Trần Huyền Sâm được tặng thưởng năm 2016 và Gabriel Garcia Marquez và nỗi cô đơn huyền thoại của Phan Tuấn Anh được giải thưởng VHNT Cố đô), mà hầu như dành hoàn toàn mảnh đất này cho văn nghệ dân gian. Ví như, các công trình Văn học dân gian Nam Đông, Thừa Thiên Huế của Trần Nguyễn Khánh Phong (2016); Dân ca của người Tà Ôi của Trần Nguyễn Khánh Phong và Tìm hiểu về truyện cổ tích thế tục Việt Nam của Triều Nguyên (2017); Tục ngữ dân tộc Tà Ôi của Kê Sửu, Văn hóa dân gian các làng biển Bình Trị Thiên của Trần Hoàng và Các thể loại, kiểu tác phẩm dạng tản văn của Triều Nguyên (2018); Tìm hiểu văn hóa dân gian dân tộc Tà Ôi của Trần Nguyễn Khánh Phong, Tìm hiểu truyện thơ dân gian Việt Nam của Triều Nguyên, Làng văn vật Thừa Thiên Huế (3 tập) do Trần Đại Vinh Chủ biên (2019). Các nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian đã đầu tư có trọng điểm về văn nghệ dân gian miền núi Thừa Thiên Huế, rồi mở rộng biên độ ra cả nước, không chỉ dừng lại ở văn học mà còn đi vào văn hóa, các loại hình nghệ thuật truyền thống, lấn sang cả lĩnh vực phong tục, địa chí. Ở Giải thưởng Văn học nghệ thuật Cố đô lần thứ VI (2013 - 2018), các công trình nghiên cứu văn hóa dân gian cũng đạt nhiều giải thưởng cao, như Tuyển tập nghiên cứu, phê bình âm nhạc truyền thống của Bùi Ngọc Phúc (giải A), Folklore và văn hóa viết: nghiên cứu từ góc độ dịch chuyển không gian trong truyện cổ tích và truyện truyền kỳ của Nguyễn Thị Kim Ngân, Tìm hiểu truyện trạng của Triều Nguyên (giải B), Kho tàng truyện cổ tích các dân tộc của Trần Nguyễn Khánh Phong (giải C).

Người nghiên cứu văn nghệ dân gian không chỉ xâm nhập khám phá tác phẩm, không chỉ sống với tác phẩm mà còn phải sống cùng và sống với con người. Phải lăn lộn điền dã, xâm nhập cuộc sống, phải am hiểu tường tận những ước muốn, mong mỏi, khát vọng của con người bình dân, kéo dài từ trong truyền thống lịch sử đến hiện tại, mới mong có những đóng góp nhất định. Tác phẩm đạt giải A của Bùi Ngọc Phúc được hội đồng chung khảo đánh giá là một công trình thể hiện sự dày công nghiên cứu của tác giả, đã trình bày một cách tổng quan về sự phát triển của âm nhạc truyền thống, trong đó có sinh hoạt âm nhạc của đồng bào các dân tộc thiểu số miền Trung và Thừa Thiên Huế, từ âm nhạc cổ truyền đến dân ca các vùng Thanh  Nghệ - Tĩnh, Bình - Trị - Thiên và ca Huế... Nhất là lối tư duy đầy tính phát hiện những điều mới mẻ, trình bày súc tích, tỉ mỉ, kiến thức đa dạng về các loại hình âm nhạc, kiến giải sâu sắc, khác với các công trình nghiên cứu lâu nay. Hai tác giả luôn miệt mài với công việc, tặng thưởng năm nào cũng có và cũng được xướng danh trong Giải thưởng Văn học nghệ thuật Cố đô là nhà nghiên cứu kỳ cựu Triều Nguyên, và đáng khen hơn, là cây bút trẻ Trần Nguyễn Khánh Phong. Tất nhiên, cũng không thiếu những tác giả lặng lẽ viết và công bố, không  hề  tham  gia  các  giải,  cứ  để  thành  quả  của  mình  “hữu  xạ  tự  nhiên hương”!

Về lĩnh vực sáng tác, số lượng tác phẩm được công bố của các nhà thơ tỏ ra áp đảo so với các thể văn xuôi và nghiên cứu, phê bình. Chỉ nhìn vào tặng thưởng hằng năm và Giải thưởng Văn học nghệ thuật Cố đô cũng thấy rõ điều đó: Lục bát rời của Nguyên Quân (2016); A Lưới đồng bào mình của Phạm Nguyên Tường và Nghi lễ thụ phấn của Trần Tịnh Yên (2017); Dài trên những tháng năm của Lê Tấn Quỳnh (2018); Không nơi nào là chốn tôi của Đỗ Văn Khoái (2019). Nhìn sang giải Cố đô, giải thưởng danh giá nhất của tỉnh 5 năm mới phát một lần: Dặm dài trên những tháng năm của Lê Tấn Quỳnh (giải B); Giấc mơ của trái tim em của Lưu Ly, Nghi lễ thụ phấn của Trần Tịnh Yên, Tơ sương của Hồ Thế Hà, Lục bát rời của Nguyên Quân, Nép về phía anh của Châu Thu Hà, Viết ở Tử cấm thành của Nguyễn Duy Từ (giải C). Huế là xứ sở thơ mộng, gần đồng nghĩa với thơ, là xứ sở của thơ ca. Chẳng thế, mà cách đây hơn tám mươi năm một người làm thơ ở xứ Quảng là Nam Trân đã khách quan khẳng định Huế, Đẹp và Thơ (1937), đã như một tuyên ngôn khắc vào bia đá, tường đồng còn mãi với thời gian thật khó phôi phai. Vậy mà, thơ Huế bây giờ, tuy số lượng được in ấn và đạt các tặng thưởng, giải thưởng đều nhiều, số lượng nhà thơ đông, mà ít có giải cao! Quy luật lượng đổi chất đổi của triết học, đối với nghệ thuật luôn là một nghịch lý khắc nghiệt, như một bản nhiên mà con người không phải bao giờ cũng cứ muốn là đạt được. Ý chí con người khó mà vượt qua cái ngưỡng của nghệ thuật, nó luôn hạn chế, hoặc chỉ giới hạn trong một phần rất nhỏ của hoạt động sáng tạo nghệ thuật, nhất là đối với loại hình nghệ thuật tinh túy như thơ. Tất nhiên, không thể phủ nhận những cảm xúc nồng nàn mà tinh tế, chân thành mà trong sáng, giọng điệu mềm mại có phần mới lạ trong thơ Lê Tấn Quỳnh, hoặc của Lưu Ly và một vài người khác nữa, nhưng nhìn chung thơ Huế thời kỳ này, kể cả thơ của những người không dự giải, khi tìm một tứ thơ hay, một đoạn thơ dễ thuộc, một câu thơ dễ nhớ, hoặc một lối giãi bày mới lạ, một sự cách tân về câu chữ, không phải là khó, nhưng tìm một bài thơ hay, có thể đáp ứng được đòi hỏi của cảm xúc và nỗi đồng cảm trong tâm hồn người đọc thật là không dễ. Tất nhiên, vấn đề không phải chỉ ở giải thưởng, mà còn là ở chỗ nhìn một cách tổng quan và thấu đáo, khó tìm ra một giọng điệu tâm hồn vừa chỉ của riêng thi nhân, vừa mang tầm vóc của thời đại, khi mà cả nước đang chuyển động một cách nhanh chóng về tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội.

Ở văn xuôi, tuy số lượng in ấn và đạt các tặng thưởng, giải thưởng ít hơn thơ nhưng được khẳng định ở tầm cao hơn, trong đó, đáng lưu ý là thể ký. Đó là thể văn chiếm ưu thế trong tặng thưởng hằng năm và được xếp nhiều giải (2 B, 2 C) trong giải thương Cố đô. Về tặng thưởng hằng năm: Nhìn từ Huế II tập bút ký của Dương Phước Thu (2016); Sống thời bao cấp tập bút ký của Ngô Minh (2017); Đi như là ở lại tập bút ký của Lê Vũ Trường Giang (2018); Phấn hoa tiểu thuyết của Phạm Ngọc Túy (2019). Đặc biệt, đối với giải thưởng Cố đô, văn xuôi đạt nhiều giải thưởng cao một cách xứng đáng như Trong tiếng reo của lửa tập truyện ngắn của Lê Minh Phong (giải A); Đi như là ở lại tập bút ký của Lê Vũ Trường Giang, Số phận không định trước hồi ký của Nguyễn Khắc Phê (giải B); Thiền sư ở đâu tập ký sự của Bùi Long, Người của một thời tập hồi ký sự kiện của Lê Công Cơ và Nguyễn Đông Nhật, Nhật ký Đông Sơn tiểu thuyết của Nguyễn Quang Hà, Truyện kể của người đánh cắp tượng Phật Thích Ca Mâu Ni tập truyện ngắn của Vĩnh Nguyên (giải C). Không chỉ ở những tác phẩm dự giải, mà tình hình chung là văn xuôi xứ Huế những năm qua, số lượng tác phẩm thuộc các tiểu loại ký xuất hiện khá nhiều, chủ yếu là của các tác giả trẻ. Bút ký là thể văn xuôi trữ tình, ở đất này, từng tôn vinh cây bút tài hoa lẫy lừng trong văn học hiện đại khó có người thay thế là Hoàng Phủ Ngọc Tường, đến những thành công của Nguyễn Văn Dũng hoặc cây bút trẻ tài hoa vắn số Nguyễn Xuân Hoàng, nay lại được tiếp tục ủ mầm và tăng trưởng đối với các cây bút trẻ như Nhụy Nguyên, Lê Vũ Trường Giang, Bùi Long (một cái tên “mới toanh” trong thế giới văn chương, một nhà báo, một người chưa từng tham gia sinh hoạt tổ chức Hội, và Thiền sư ở đâu là tác phẩm đầu tay của anh).

Trong số 158 công trình, tác phẩm của 86 tác giả, nhóm tác giả gửi tham dự giải thưởng Cố đô, trong đó có hơn 40 công trình, tác phẩm văn học, nhưng chỉ có duy nhất một cuốn tiểu thuyết là Nhật ký Đông Sơn của Nguyễn Quang Hà và cũng là tác phẩm duy nhất quay trở lại với đề tài chiến tranh. Mảnh đất từng ngổn ngang những sự kiện nóng bỏng thời chiến tranh và cả thời hậu chiến, là cánh đồng màu mỡ cho tiểu thuyết, nay bỗng nhiên chững lại, ngẫm ngợi, thăm dò, ướm thử cho các thể văn xuôi ngắn như là truyện ngắn và các tiểu loại ký, hai thể văn độc chiếm giải A và hai giải B lần này. Về giải thưởng cao nhất dành cho tập truyện ngắn Trong tiếng reo của lửa của Lê Minh Phong, trong báo cáo thay mặt cho cơ quan thường trực giải thưởng, nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc phát biểu một cách trân trọng về tác giả và tác phẩm như sau: “Lê Minh Phong là tác giả văn xuôi trẻ (sinh năm 1985), là một trong những cây bút văn xuôi hậu hiện đại đáng chú ý bậc nhất hiện nay của văn học Việt Nam đương đại. Trong tiếng reo của lửa là một tập truyện ngắn mỏng chưa đầy hai trăm trang viết, với 22 truyện ngắn; đây là tác phẩm của người trẻ có ý thức làm mới văn chương từ những hệ thống lý thuyết văn chương mới.”

Về nghiên cứu lý luận, phê bình, như đã nói, chỉ có công trình Tập chuyên luận phê bình và nghiên cứu văn học của Trần Huyền Sâm được tặng thưởng năm 2016, đến giải thưởng Cố đô cũng chỉ có công trình Gabriel Garcia Marquez và nỗi cô đơn huyền thoại của Phan Tuấn Anh đạt giải B. Lý luận, phê bình là lĩnh vực khó, không chỉ đòi hỏi trình độ chuyên môn học thuật, mà còn ở khả năng phát hiện, cảm thụ tác phẩm, cảm thức trong hoạt động sáng tạo, nhất là lại rất kén chọn và hạn chế người đọc nên ít có người theo đuổi một cách chuyên nghiệp. Cũng ít người ý thức đó là sự nghiêp mà chỉ là nghề tay trái, phần lớn là những nhà giáo tạt ngang qua, để thỏa mãn cho chính tâm hồn mình nặng nợ với văn chương, câu chữ. Nếu có thể nói câu chữ cũng có tâm hồn, thì hồn chữ sẽ níu giữ hồn người có khả năng nhạy cảm, hướng đến bắt hồn những người người làm lý luận, phê bình đầu tiên. Lý luận, phê bình không chỉ là khoa học mà còn là nghệ thuật. Khác với các thể văn khác, mỗi công trình có thể đã được tác giả dày công tìm kiếm, theo đuổi, gom góp cả chục năm, hoặc có khi cả một đời người. Không nhiều người tham gia, ít tác phẩm, ít có thành tựu nổi trội, ít giải thưởng, âu đó cũng là lẽ đương nhiên của một thể văn không mấy hấp dẫn này.

Điều đáng lưu ý là, trong vòng sinh quyển của lý luận phê bình, những năm qua ở xứ Huế, có hai tác giả viết sung sức đến độ kinh ngạc, gần như mỗi năm cho ra đời một cuốn sách, trung bình dày đến ba, bốn trăm trang. Đó là hai nhà khoa học có học vị học hàm, là lão tướng Hồ Thế Hà và cây bút trẻ Phan Tuấn Anh, đều là giảng viên trường Đại học Khoa học Huế. Hồ Thế Hà vẫn kiên trì với “thi luận” lấy đó làm hệ thống lý thuyết để phân tích tác giả, tác phẩm và Tiếp nhận cấu trúc văn chương (2014), Khoảng lặng thơ (2018), Thơ Việt Nam hiện đại - thi luận và chân dung (2018), Đường biên thơ (2020), Những tiêu điểm thẩm mỹ thi ca (2020). Phan Tuấn Anh thì đắm mình trong thế giới hậu hiện đại, lăn lộn từ trung tâm đến ngoại biên với Gabriel Garcia và nỗi cô đơn huyền thoại (2015), Văn học Việt Nam đổi mới - từ những điểm nhìn tham chiếu (2019), Những khu vực văn học ngoại biên (2020). Cả hai còn là nhà thơ, tác giả của những tập thơ trước đây từng được người đọc quan tâm, nhất là giới trẻ.

Cố nhiên, như đã nói, thành tựu văn chương của xứ Huế giữa hai kỳ đại hội không phải chỉ gói gọn trong phạm vi những tác giả, tác phẩm được tặng thưởng và giải thưởng, bởi lẽ, có quá nhiều những tác giả có nhiều tác phẩm xuất sắc, được độc giả chú ý, nhưng đã không gửi tác phẩm dự giải vì một lý do riêng nào đó. Nhà văn Hà Khánh Linh năm nào cũng có sách in, trung bình mỗi năm một cuốn, nhưng không dự giải. Nhà viết bút ký tài hoa Nguyễn Văn Dũng, người mà nhà văn Nguyễn Khắc Phê từng đánh giá là chỉ xếp sau cây đại thụ Hoàng Phủ Ngọc Tường, chưa bao giờ dự giải. Hoặc gần hơn, là Hồ Đăng Thanh Ngọc, người đứng đầu Liên hiệp Hội, trong thời gan qua cũng liên tiếp cho ra đời những tác phẩm đáng chú ý: Hoa đăng (trường ca, song ngữ, 2014), Có những ngày (thơ Tân hình thức, 2019) cũng không dự giải. Các cây bút đang độ sung sức được người đọc quan tâm, mỗi người đều có những tìm tòi, sáng tạo mới có ý nghĩa cách tân văn chương trên con đường hiện đại hóa, như Phạm Nguyên Tường, Đông Hà, Lê Vĩnh Thái... mỗi người có mỗi lý do riêng, đều không tham gia... Người viết rất sung sức trong những năm qua là Nhụy Nguyên, người mà chỉ trong năm 2018 đã cho ra đời nhiều tác phẩm: Ngôi nhà của cỏ (tùy bút), Trôi trên dòng thời gian trắng xóa (truyện ngắn), 4 tập tiểu luận khác và năm nay là Mộng tinh khôi đến già (2020). Trước đó, anh đã từng ấn hành một tập bút ký và hai tập thơ và đang chuẩn bị cho ra đời tiểu thuyết.

Và còn nhiều tác giả, tác phẩm khác nữa, trong một bài viết ngắn, thật khó mà thống kê cho đầy đủ. Người viết bài này, do tầm quan sát của mình chỉ tự giới hạn trong phạm vi điểm qua những tác giả, tác phẩm được tặng thưởng và giải thưởng, thì quả thật là phiếm diện. Nhưng thiết nghĩ, đây thật sự là việc làm cần thiết, bởi lẽ, từ điểm nhìn vô cùng khiêm tốn này, có thể gợi mở cho một cái nhìn rộng, thông thoáng, toàn diện và đầy đủ hơn ở những dịp khác, vào một thời điểm khác, khi có thời gian và điều kiện.

P.P.U.C
(TCSH377/07-2020)

 

 

 

Các bài mới
Gió rừng (21/08/2020)
Ngày Huế xanh (17/08/2020)
Các bài đã đăng