Tạp chí Sông Hương - Số 377 (T.07-20)
Mỹ thuật ở Huế - những nghĩ suy về 20 năm đầu của thế kỷ XXI
15:15 | 14/07/2020

PHAN THANH BÌNH

Cách đây 20 năm, những ngày cuối cùng của năm 2000 dần trôi qua trong sự lắng đọng của thời khắc chuyển giao thế kỷ, đấy cũng là khoảng thời gian mà trong mỗi người có sự xao động, nghĩ suy khi nhìn lại những gì đã trải qua, sự hân hoan dạt dào khi nghĩ về tương lai.

Mỹ thuật ở Huế - những nghĩ suy về 20 năm đầu của thế kỷ XXI
Một hoạt động mỹ thuật tại Festival Huế

Cuộc sống đầy ắp những lo toan, bộn bề và trăn trở, nhọc nhằn, thành công và thất bại, để ngoảnh lại thời khắc xuôi dòng đã hai mươi năm đầu của thế kỷ 21 trôi qua. Đối với mỹ thuật xứ Huế cũng vậy, cần có cái nhìn chung nhất về một chặng đường sáng tạo, sự cựa mình chuyển đổi, hòa vào không khí sang tạo những thập kỷ đầu thế kỷ 21.

Đời sống mỹ thuật xứ Huế từ lâu đã có cảm giác là khá khép kín với sự chậm rãi, bình lặng một thời gian dài hay nói đúng hơn là rất dài. Cho dù xứ Huế có những họa sĩ quen thuộc đáng trân trọng, những người góp phần tạo nên những giá trị sáng tạo cho xứ Huế. Những người đi đầu và xông pha vào cuộc sống, nhọc nhằn tìm tòi cả những góc khuất của nghệ thuật để sáng tạo nên những cái đẹp, cái mới. Sự say mê sáng tạo của chính những nghệ sĩ ấy trong sự ưỡn mình và chấp nhận tất cả, đón nhận tất cả từ vinh quang cho đến những thất bại sau mỗi thời khắc trải qua. 20 năm đầu, những thời khắc thay đổi trong sáng tạo nghệ thuật của thế kỷ 21, mỹ thuật Huế không còn giữ vẹn nguyên vẻ bình lặng, thăng trầm như trước mà công chúng vẫn nghiễm nhiên đón nhận, trái lại, về bản chất chúng được thức tỉnh, náo động hơn bởi sức nóng của cái mới và sự truyền bá nhanh, nhạy cũng như sự trợ giúp phóng khoáng của truyền thông thời đại kỹ thuật số.

Sự tác động của xã hội, sự cởi mở của Việt Nam trong những năm 2000 - 2010 đã làm cho mỹ thuật hậu hiện đại ở Việt Nam có được không gian thoáng đãng, rộng mở để phát triển. Sự sôi động của mỹ thuật Huế có lẽ được bật dậy từ những Festival Huế được tổ chức suốt trong 20 năm qua. Chính những cái mới tác động đến mỹ thuật Huế, bản thân công chúng cũng như người nghệ sĩ cũng không thể ngờ, điều đó có được trước hết từ sự phát triển nghệ thuật của đất nước. Trong hoàn cảnh và không gian, điều kiện tổ chức các hoạt động mỹ thuật ở các Festival đã tạo nên những “cú hích” đáng chú ý, tác động đến đời sống mỹ thuật Huế. Hàng loạt hoạt động mỹ thuật trong các kỳ Festival đã làm mở rộng hơn không gian mỹ thuật, tạo nên sức hút tương tác nghệ thuật khá mạnh mẽ với công chúng. Điều đó đã tạo cho Huế có những dấu ấn khác lạ, sinh động, cởi mở hơn, để rồi hình thành nên những xu hướng khác nhau và bảo lưu những giá trị của nó trong sự đổi mới và hòa nhập. Trong đó nghệ thuật cộng đồng dường như là một sự “lây lan” từ các festival Huế, khi chúng là một loại hình nghệ thuật mới có tính thích ứng, thiết thực, kích thích mọi sự sáng tạo, hòa nhập và tiếp biến rõ nét.

Một sinh hoạt giao lưu quốc tế tại Dự án Open được nhiều họa sĩ quan tâm
Công chúng tại một triển lãm họa sĩ trẻ

Trong bình diện mỹ thuật Huế 20 năm qua, chúng ta có thể nhận ra những khuynh hướng khác nhau cùng phát triển trong một không khí mới, đầy tích cực của nó. Chẳng hạn với trường Đại học Nghệ thuật Huế, dẫu vẫn là lối đào tạo hàn lâm, nhưng sự tiếp cận mỹ thuật đương đại khu vực đã đa dạng, cởi mở hơn nhiều. Trường đã đưa được nhiều tác giả, tác phẩm mỹ thuật đương đại đến Huế trong các triển lãm quốc tế và hoạt động nghệ thuật cộng đồng ở các Festival Huế. Mỹ thuật đương đại ở Huế cũng cho thấy bóng dáng của quá trình tích hợp văn hóa và chuyển hóa của thị hiếu người Huế. Các nghệ sĩ ở Huế dần hòa vào kinh tế thị trường mở cửa khi mà hội nhập và phát triển toàn cầu hóa là một xu thế tất yếu. Các loại hình nghệ thuật đương đại, nghệ thuật Mới tạo nên một diện mạo khác cho đời sống mỹ thuật Huế. Từ nhữn  g năm đầu của   thế kỷ 21, ở Huế đã có các lớp đào tạo về nghệ thuật đương đại, workshop, nhữn  g cuộc trao đổi nghệ thuật giữa Trường Đại học Nghệ thuật Huế với Viện Goethe Đức - Hội đồng Anh - Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội do các nghệ sĩ nổi  tiếng thuyết giảng. Qua đó trường và nhiều họa sĩ trẻ ở Huế đã góp một phần đáng kể về việc tạo dựng diện mạo mỹ thuật Huế thời công nghệ số và tiệm cận một cách nhanh nhất thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 trong thời đại mới. Triển lãm mỹ thuật sắp đặt - đa phương tiện tổ chức ở Huế hầu như bó hẹp chỉ ở trường Đại học Nghệ thuật, nhưng sự có mặt của hàng trăm họa sĩ, sinh viên, công chúng Huế đã tạo cho cái nhìn về mỹ thuật đương đại có những thay đổi trong cách nghĩ, cách tiếp cận và cảm thụ nghệ thuật. Cái quan trọng là công chúng và các họa sĩ Huế nhận ra rằng mỹ thuật Huế cần phải đổi mới, cần phải coi trọng sự hòa nhập không chỉ là hòa nhập quốc tế mà còn là hòa nhập bằng tư duy, suy nghĩ của chính mỗi người họa sĩ, mỗi công chúng ngay trên mảnh đất quê hương của mình.

Tác phẩm sắp đặt gây ấn tượng tại một Festival Huế

Các họa sĩ trẻ ở Huế đã tiếp nhận nghệ thuật Hậu hiện đại khá sớm từ thập kỷ cuối của thế kỷ 20 và ngay trong năm đầu thế kỷ 21, đã có cuộc trình diễn đầu tiên do anh em Lê Ngọc Thanh - Lê Đức Hải tổ chức tại New Space Art (25 Phạm Ngũ Lão - Huế) như là sự mở đầu cho cuộc chinh phục đầy gian nan trước công chúng kỹ tính, sâu nặng hoài cổ ở Cố đô về các giá trị mới của nghệ thuật Hậu hiện đại. Họa sĩ Lê Thừa Tiến cũng là một trong những họa sĩ đi đầu trong các phong trào đổi mới, anh đã có nhiều hoạt động tích cực trong Light Art năm 2002. Triển lãm Installation Art với chủ đề “Ánh trăng” khi được trưng bày trên dòng Hương, đó là một không gian trưng bày đáng chú ý trong ánh sáng màu tím lung linh, kỳ ảo. Lần đầu tiên qua tác phẩm sắp đặt của Lê Thừa Tiến, công chúng nhận ra một vẻ đẹp mới của dòng Hương ở sự lặng lẽ sắc màu, bình dị mà lắng sâu ký ức của nó. Các trào lưu mỹ thuật mới đương đại ở Việt Nam từ cuối thế kỷ 20 đến đầu thế kỷ 21 vẫn tiếp tục như Trình diễn (Performance Art), Sắp   đặt (Installation Art), Vẽ cơ thể (Body Paiting - Body Art), Graffiti,… dường như đã bão hòa ở Hà Nội, TP HCM, nhưng ở Huế chúng vẫn chiếm giữ và có khả năng tạo ra những đổi mới mạnh mẽ trong nhận thức thẩm mỹ. Các trào lưu nghệ thuật mới gắn liền với tên tuổi của các nghệ sĩ trẻ như Lê Ngọc Thanh, Lê Đức Hải, Đinh Khắc Thịnh, Nguyễn Văn Hè, Trương Thiện, Trần Tuấn, Trần Lam Bình,… Qua các đợt trình diễn, các nghệ sĩ trên thực sự đem lại được thành công và cuốn hút được một số đông công chúng đến với họ vào những năm đầu thế kỷ 21 đến 2010, tuy nhiên từ 2015 đến nay các khuynh hướng Video Art, Trình diễn, Sắp đặt có vẻ ít xuất hiện hơn. Đó cũng là xu hướng chung của mỹ thuật khu vực khi xem xét trên bình diện công bố nghệ thuật, triển lãm và giao lưu quốc tế, nhất là từ 2017 đến nay đã vắng bóng rất nhiều về nghệ thuật Trình diễn (Performance Art). Dẫu vậy các họa sĩ trẻ ở Huế đã tạo được sức nóng của nghệ thuật mới, họ tự tin tung phá làm chủ trong nhiều Festival đến mức ngay cả các họa sĩ quốc tế khi có mặt ở Huế cũng ngạc nhiên bởi cái “đương đại” trong nghệ thuật Việt Nam lại xuất hiện ở Huế khá đậm nét.

Trong bình diện hai thập kỷ đầu thế kỷ 21, có thể thấy ngoài những khuynh hướng mới đáng chú ý ở Huế, thì nghệ thuật biểu hiện, trừu tượng, những phong cách mỹ thuật một thời tạo nên sắc màu và ngôn ngữ tạo hình độc đáo của Huế với những tác phẩm của các họa sĩ Vĩnh Phối, Dương Đình Sang, Trương Bé, Nguyễn Duy Linh, Nguyễn Thiện Đức, Ngô Tâm, Lê Văn Nhường v.v, vẫn ổn định. Khuynh hướng hiện thực biểu hiện ở các họa sĩ Tôn Nữ Tuyết Mai, Đặng Mậu Tựu, Phạm Đại, Hà Văn Chước, Đặng Mậu Triết, Nguyễn Đức Huy, Đỗ Kỳ Huy, Võ Xuân Huy, Phan Thanh Bình, Lê Nguyễn Đăng Gioan, Tô Trần Bích Thúy, Phạm Thị Tuyết, Trần Hữu Nhật, Nguyễn Hùng… cũng tạo nên một bình diện nghệ thuật nhiều góc cạnh và có chiều sâu ở Huế. Đặc biệt là nghệ thuật Trúc Chỉ do họa sĩ Phan Hải Bằng khởi xướng từ những năm đầu thế kỷ 21 đã có những dấu ấn quan trọng trong đời sống mỹ thuật Huế và vẫn ngày càng đứng vững trong đời sống mỹ thuật Huế hiện nay. Những năm từ 2010 đến nay phong cách hiện thực Mới vẫn được nuôi dưỡng trong sáng tác của các họa sĩ trẻ như Nguyễn Ánh Dương, Đặng Thu An, Nguyễn Thị Huệ, Trần Hữu Nhật, Nguyễn An, Nguyễn Đình Dàng, Phan Lê Chung, Lê Anh Huy, Nguyễn Đăng Sơn, Hoàng Thanh Phong, Trần Ngọc Bảy, Nguyễn Vũ Lân… và những người rất trẻ như Nguyễn Đình Việt, Võ Thành Thân… Họ đúng là những họa sĩ xứng với danh “Mỹ thuật Huế luôn luôn mới” khi đa phần có thiên hướng sáng tác với phong cách biểu hiện mới, có những tìm tòi thực sự trong sáng tác. Những họa sĩ trẻ của Huế đã làm thay đổi nhiều về hình ảnh mỹ thuật đương đại Huế, họ gần như sáng tác, xuất hiện không theo một quy luật nào và càng có vẻ xa lạ với các kế hoạch hoạt động thường niên vẫn đang duy trì ở Huế. Nhiều triển lãm của họ gây bất ngờ không chỉ ở nội dung, hình thức nghệ thuật mà ngay ở cả cách trình bày Vựng tập, cách mời khách tham dự triển lãm hay lối phản biện văn hóa thẩm mỹ nhiều khi rất bạo của họ.

Khuynh hướng hiện thực vẫn lưu giữ và xuất hiện không ít trong những tác phẩm của các họa sĩ đồ họa như Nguyễn Thị Hòa, Nguyễn Khắc Tài, Trần Thị Thanh Dung hay các họa sĩ khác như Lê Phan Quốc, Nguyễn Văn Nguyên, Đỗ Văn Lân,… các họa sĩ đồ họa của trường Đại học Nghệ thuật thực sự đã tạo được một luồng gió mới cho đời sống nghệ thuật đồ họa ở Huế. Trong đó khắc gỗ phá bản là một trong những hoạt động sáng tạo gây được sự chú ý cao trong các triển lãm và workshop quốc tế được tổ chức tại Huế.

Trong những năm 2017 đến 2020, có những họa sĩ rất trẻ đã mạnh dạn công bố tác phẩm trong và ngoài nước, như Nguyễn Đức Phước sáng tác rồi tổ chức triển lãm, tham gia khá nhiều hoạt động nghệ thuật khác một cách đầy đam mê, cởi mở và chan hòa. Tranh sơn mài của Đức Phước tại các triển lãm ở Trung tâm Văn hóa Pháp khiến cho người xem bất ngờ bởi anh không đi theo lối hàn lâm của tranh giá vẽ, mà có xu hướng mang tính ứng dụng - trang trí rõ nét bởi chúng là cấu trúc của những bình phong xinh xắn, những chiếc bàn hay vật dụng trang trí thoáng nhã mà đầy tính nghệ thuật. Không gian biểu tả vì vậy cũng khác biệt, cảm giác về “khung hình” bị xóa nhòa một cách cố ý để tạo nên một sự “mở đa chiều” của sơn mài hiện đại và mang sắc thái sơn mài ứng dụng.

Thực tế cho thấy tiềm năng sáng tạo mỹ thuật ở Huế rất dồi dào, những thành quả sáng tạo mỹ thuật đương đại ở Huế đã được hình thành, phát triển trên một nền tảng mỹ thuật truyền thống của Huế và khi hòa nhập với xu thế chung phải luôn gồng mình để tồn tại và vượt lên phía trước. Mỹ thuật Huế đương đại trong dòng chảy mỹ thuật khu vực và đất nước cho thấy khi đứng trước thời cơ mới, người nghệ sĩ sẽ tự xé bỏ những rào cản, với những cách tân về phương thức hoạt động, tham gia vào đời sống mỹ thuật đất nước một cách đàng hoàng, tự tin, có bản sắc. Những hình thức nghệ thuật mới với những tiêu chí thẩm mỹ khác biệt cần có những phương thức diễn giải mới, đó là một vấn đề sớm được nhận ra ở Huế trước thềm bước sang thập kỷ thứ 3 của thế kỷ 21.

P.T.B
(TCSH377/07-2020)

 

 

 

Các bài mới
Gió rừng (21/08/2020)
Ngày Huế xanh (17/08/2020)
Các bài đã đăng