Tạp chí Sông Hương - Số 379 (T.09-20)
Tác phẩm mới tháng 09/2020
14:40 | 28/09/2020


THƯƠNG HOÀI THƯƠNG HỦY (Tập thơ), Nguyễn Lãm Thắng, Nxb. Đại học Huế, 2020.

Tác phẩm mới tháng 09/2020

Nguyễn Lãm Thắng với năng lượng sáng tạo dồi dào của mình trên chặng đường thơ, phá bỏ các ước lệ, cũng như kiến tạo một tinh thần, một phong cách thơ rất riêng. Tập thơ dày dặn với hơn 300 bài thơ và được chia thành các tiểu mục nhỏ như: Buồn vui chi cũng tím bầm nhớ thương; Thương dân ca, nhớ hò khoan quê mình; Những điều không nói là thường rất đau. Người thơ đã chạm vào mưa mà nhớ, đi đến tận cùng nỗi nhớ, đây vết sẹo câm, kia vết thương dịu dàng và đâu đó đã chết trong lòng một giấc mơ. Nguyễn Lãm Thắng đã cho con chữ tự do bay, nhảy, múa trong các trạng huống đời sống, những cơn mơ, ý nghĩ móc ruột từ đêm, chợt nhận ra rằng trần gian chật quá, để vỗ về một hạt bụi và trả lời giấc mộng của chính mình với bao ngậm mùi bể dâu: “trước sau cát xóa lối về/ ta làm một cái bổn lề nhơn gian”, đã tạc vào nỗi trắc ẩn của một tâm hồn đa cảm: “nát nhàu một lối đi quen/ cỏ xưa đâm rát những đêm hẹn hò”.


HUẾ TÍM VÀO TÔI (Tập thơ), Nguyễn Loan, Nxb. Thuận hóa, 2020.

Một tập thơ chứa đựng nhiều cảm xúc về Huế, nhiều mộng mơ trìu mến và những kỷ niệm êm đềm. Trong dòng cảm xúc đó, Nguyễn Loan đã sáng tác về cô gái Huế, mắt Huế, thu Huế, đêm Huế, nỗi niềm Huế, dân ca Huế, chuyến tàu Huế, Huế tím, Huế tháng Giêng… Những câu thơ để lại ấn tượng trong tập thơ này lại nghiêng về dòng Hương huyền thoại: “Nhặt lá vàng rơi gói ghém nỗi buồn/ Thả vào sông Hương/ Nhờ sông cất giữ”. Sông Hương hiện lên với cơn mưa huyền, nét chấm phá của những chiếc thuyền rồng, vẻ ảo diệu của lớp lớp hoa đăng, chút thơ Hàn Mặc Tử cùng con nước và sông Hương hóa rượu thanh tao trong mắt người thơ. Và vầng trăng muôn đời soi bóng thi ca cũng được lý giải: “Nhờ tắm nước sông Hương mà thành trăng thi sĩ”.


TÌM HIỂU VỀ VÈ NGƯỜI VIỆT (Chuyên luận), Triều Nguyên, Nxb. Đại học Huế, 2020.

Chuyên luận gồm sáu chương; trong đó chương 2: Sự phân loại, tổng thể vè người Việt; 3. Xác định vè người Việt; 4. Hình thức vè người Việt, và 6. Đặc điểm và vai trò của vè người Việt, là những đóng góp lớn về mặt nghiên cứu về thể loại vè hiện nay. Về mặt lịch sử, sự xuất hiện của vè là một bước tiến mới của văn tự sự dân gian, phản ánh hiện thực ở từng địa phương nhất định, bộc lộ rõ thái độ của người dân trước những sự việc, sự kiện tác động đến tâm lý, nhịp sống của người dân qua từng thời kỳ. Đặc biệt, dựa trên các định nghĩa trước đây về vè và quan điểm cá nhân, chuyên luận cũng đã đưa ra định nghĩa mới: “Vè là một thể loại tự sự bằng văn vần của văn học dân gian, dạng “khẩu báo” (báo miệng), kể về các hiện tượng tự nhiên (có tác động lớn đến con người), về con người và xã hội, các đối tượng này đều “có vấn đề”, khiến những người ở địa bàn liên quan muốn biết, để thể hiện sự quan tâm của họ; vè có phong cách tường minh, cụ thể”. Về đặc điểm của vè theo tác giả có những tính chất sau: tính chất kể lể, mộc mạc, không trau chuốt, chất thời sự và địa phương. Tầng lớp dưới trong xã hội được cho là những người người đặt vè, bẻ vè, nói vè chiếm tỷ lệ lớn trong các sáng tác dân gian. Chuyên luận Tìm hiểu về vè người Việt là một đóng góp lớn của nhà nghiên cứu Triều Nguyên với văn học dân gian.


KÝ ỨC CỦA KÝ ỨC (Tiểu thuyết), Nguyễn Vĩnh Nguyên, Phanbook và Nxb. Phụ Nữ, 2019.

Nguyễn Vĩnh Nguyên có nhiều tác phẩm, công trình gắn với xứ sở Đà Lạt sương mù nhiều ký ức, huyền thoại. Tiếp nối các tác phẩm biên khảo, tùy bút như “Với Đà Lạt, ai cũng là lữ khách”, “Đà Lạt một thời hương xa”, “Đà Lạt bên dưới sương mù”, Nguyễn Vĩnh Nguyên một lần nữa tái hiện Đà Lạt trong hình hài mới: tiểu thuyết “Ký ức của ký ức” thể hiện thế giới tinh thần với nhiều lớp trầm tích của quá khứ, ký ức chồng lên nhau và một Đà Lạt tính ẩn giấu dưới nhiều tuyến nhân vật. Tiểu thuyết được cấu trúc theo hình thức truyện đặt trong truyện, dẫn dắt người đọc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Đó là câu chuyện kể về một nhà biên khảo lịch sử Đà Lạt miệt mài phục dựng quá khứ và kiếm tìm lai lịch một nữ sinh Đà Lạt hồi thập niên 1960 - 1970. Những không gian thực và mơ hòa vào nhau, từng trang viết là từng vệt sương mù phủ lên lung linh, huyền ảo. Kỹ thuật của lối viết hậu hiện đại và liên văn bản được Nguyễn Vĩnh Nguyên áp dụng, phù hợp với tâm thức của nhân vật và nội dung câu chuyện. Qua đó cho thấy, một thế giới quan duy mỹ, tràn đầy hoài niệm về xứ sở nhiều mộng ảo đã được một người yêu mến Đà Lạt, tận lực thực hiện các dự án văn chương để lưu lại vẻ đẹp một thời đang dần vào quên lãng.  

(TCSH379/09-2020)



 

 

Các bài mới
Chùm thơ My Tiên (26/10/2020)
Các bài đã đăng