Tạp chí Sông Hương - Số 379 (T.09-20)
Con người trong văn học trên hành trình nhiều nghìn năm lịch sử
15:08 | 23/10/2020

PHONG LÊ    

Lý luận văn học mác xít xác định mối quan hệ giữa văn học và cuộc sống trong mối quan hệ giữa ý thức và vật chất, xem văn học là tấm gương phản ánh đời sống; có đời sống mới có văn học.

Con người trong văn học trên hành trình nhiều nghìn năm lịch sử
Ảnh: internet

Và nói đời sống là nói sự tồn tại và hoạt động của con người, là các mối quan hệ xã hội của con người. “Con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội”.

Cần trở lại cái gốc kinh điển này để được yên tâm khi nhìn lại lịch sử văn học nhân loại, và văn học dân tộc như một bộ phận hợp thành của văn học nhân loại, đó là một bảo tàng, hoặc một triển lãm về chân dung con người trong hành trình nhiều nghìn năm lịch sử.

Thử điểm thoáng qua cái bảo tàng khổng lồ đó trong văn học - từ thế giới thần sang thế giới người, và mối quan hệ giữa thế giới thần linh và thế giới người trong văn học cổ đại, như cổ đại Hy-La, Trung Hoa, Ấn Độ… Chuyển sang thời trung đại và hiện đại, thế giới người với dấu ấn của nó trong văn học, qua các kiệt tác văn chương nhân loại để lại, không thể bỏ qua những tên tuổi vĩ đại như Đăngtơ, Xecvăngtet, Gớt, Sechxpia, Rabơle, Hugo, Puskin, L.Tônxtôi, Khuất Nguyên, Lý Bạch, Đỗ Phủ, Tagore…

Trở về văn học Việt Nam, trong nguồn cội của nó, những kết tinh của tinh hoa văn hóa bản địa đã tạo nên các hình tượng tuyệt vời như Lạc Long Quân và Âu Cơ, Thánh Gióng, Sơn Tinh - Thủy Tinh, Chử Đồng Tử, Liễu Hạnh… Chuyển sang thời Bắc thuộc, và sau đó, trong hơn một thiên niên kỷ tự chủ, chịu ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa trong tiếp nhận giáo lý Nho gia, và trong gắn bó với nhiều tín ngưỡng khác, trong đó chủ yếu là Phật giáo - con người Việt và bản sắc Việt được thể hiện đậm nét trong văn học dân gian, như ca dao, tục ngữ, truyện cổ: “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”, “Người trong một nước phải thương nhau cùng”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”, “Con vua thì lại làm vua…”…; và đến khi có chữ viết - trước là Hán, sau là Nôm, con người Việt dần rõ nét trong cả hai giòng viết Hán và Nôm sẽ là con người của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân văn, như trong Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo, Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, Lục Vân Tiên… Theo sự phát triển của kinh tế xã hội, đưa tới sự hình thành các giai cấp, rồi sẽ có một trật tự sắp xếp Sỹ - Nông - Công - Thương, trong đó Kẻ Sỹ là nhân vật được đặt ở vị trí cao nhất - đó là lớp người có học, là tầng lớp trí thức, nên luôn giữ hai vị trí: tiến vi quan, thoái vi sư. Nông dân ở vị trí thứ hai, cơ động giữa hai vế: “Nhất Sỹ, nhì Nông; hết gạo chạy rông, nhất Nông nhì Sỹ”. Vế thứ nhất là sự bình ổn, bình yên khi một triều mới lên ngôi, sau một thắng lợi chống ngoại xâm. Còn vế thứ hai, đó là tiền đề cho những cuộc nông dân khởi nghĩa trong lịch sử, đa số hoặc hầu hết đều thất bại, trừ một cuộc không những thắng lợi, mà còn đưa vị lãnh tụ nông dân lên hàng Danh nhân dân tộc, đó là Nguyễn Huệ - Quang Trung cuối thế kỷ XVIII.

Trong bộ tứ Sỹ - Nông - Công - Thương ổn định suốt hơn một nghìn năm thì Công và Thương luôn ở vị thế kém, bị coi nhẹ hoặc khinh rẻ (do vậy bóng dáng của nó rất mờ nhạt trong văn học), và đó chính là nguyên nhân cơ bản cho sự đình trệ, sự lạc hậu của phát triển xã hội, nằm trong sự thất thế, sự yếu kém của “phương thức sản xuất châu Á” như nhận định của K.Marx.

Thời hiện đại của văn học Việt Nam bắt đầu từ thế kỷ XX, sau cuộc xâm lăng và ách đô hộ của chủ nghĩa thực dân Pháp đến từ phương Tây - nói theo Marx, đó là thời thống trị của phương Tây đối với phương Đông, của các dân tộc tư sản đối với dân tộc nông dân, của văn minh đối với lạc hậu… Một nền văn học Quốc ngữ ra đời, và đạt đến sự phát triển rực rỡ của nó, cùng với các ảnh hưởng của văn học phương Tây trong độ chín của nó, cho ta chứng kiến một thời kỳ phát triển rực rỡ của văn học - đó là thời kỳ 1900 - 1945, hoặc hẹp hơn - 1930 - 1945. Đây là thời kỳ văn học đáp ứng được tối ưu các yêu cầu của hiện đại hóa, trong hoàn cảnh công khai của xã hội thuộc địa; và một phía khác - là yêu cầu cách mạng hóa, trong hoàn cảnh bí mật để đến với Cách mạng tháng Tám - 1945. Cả hai được chung đúc qua ba trào lưu văn học: lãng mạn, hiện thực cách mạng; và ở mỗi trào lưu đều có sự kết tinh các giá trị riêng qua những tác gia tác phẩm tiêu biểu. Với họ, ta có một Bảo tàng chân dung Con người thật sống động, từ cái Tôi - “Ta là một, là riêng, là thứ nhất. Không có ai bè bạn nổi cùng Ta” (Xuân Diệu) đến cái Ta: “Ta đã là con của vạn nhà. Là em của vạn kiếp phôi pha” (Tố Hữu). Từ Dũng - “khách chinh phu” (Nhất Linh), “Rũ áo phong sương trên gác trọ” (Thế Lữ), như “một tiếng thở dài chống chế độ thuộc địa” (Trường Chinh) đến hình ảnh người cách mạng bị cầm tù (Hồ Chí Minh, Trần Huy Liệu, Tố Hữu). Rồi những anh Pha và chị Dậu; những Nghị Hách và Xuân Tóc đỏ; những Chí Phèo, Thị Nở, Tám Bính… làm nên cả một bức tranh đời… Bức tranh đó, nhờ vào sự tiếp cận các phương thức miêu tả của chủ nghĩa hiện thực phương Tây, nên đã có thể để lại được những hình hài, nét dáng đến như có thể sờ mó được.

Sau 1945 - khi vai trò của quần chúng được đưa lên tầm cao, và sức ma- nh của quần chúng được phát động thì chân dung con người trong văn học sẽ hướng về số đông, theo yêu cầu Đại chúng hóa, như trong Đề cương về văn hóa Việt Nam của Đảng Cộng sản Đông Dương - năm 1943. Để hiểu cái bùi ngùi, như một sám hối, của Hoài Thanh - tác giả Thi nhân Việt Nam, trong bút ký Dân khí miền Trung (1945): “Đoàn thể đã tái tạo chúng tôi, và trong bầu không khí mới của giang sơn, chúng tôi, những nạn nhân của thời đại chữ Tôi, hay muốn gọi là tội nhân cũng được, chúng tôi thấy rằng đời sống riêng của cá nhân không có nghĩa gì trong đời sống bao la của Đoàn thể”. Và, Xuân Diệu cùng Nguyễn Tuân, hai gương mặt lớn của trào lưu lãng mạn trước 1945, cả hai đều rất quyết liệt trong sự phủ định bản thân, cùng với tất cả những gì đã làm nên tên tuổi của họ trước 1945. Từ đây, Công - Nông - Binh sẽ là bộ ba có sự hiện diện đầy đủ trong văn học - nghệ thuật, và chiếm vị trí cao trong các Giải thưởng văn nghệ, như Giải thưởng 1951 - 1952 và 1954 - 1955. Trong bộ ba Công - Nông - Binh thì Nông là gương mặt nhận được sự quan tâm và am hiểu nhiều hơn - bởi họ từng chiếm trên 90% số dân, bởi luôn luôn họ đóng vai trò chủ đạo trên cả hai mặt trận chiến đấu và sản xuất trong suốt cả hai cuộc kháng chiến: “Thóc không thiếu một cân. Quân không thiếu một người”. Không kể họ còn là gương mặt chính trong một cuộc cách mạng dân chủ lớn nhất sau Cách mạng tháng Tám - 1945; đó là cuộc Cải cách ruộng đất sau 1954, rồi sẽ gắn với Sửa sai - năm 1956; để lại nhiều dấu ấn trong văn học với nhiều sắc màu tương phản.

Giải Ngoại hạng trong Giải thưởng văn nghệ 1951 - 1952 dành cho bộ Truyện về các anh hùng chiến sĩ thi đua, và sự xuất hiện Xung kích, Vùng mỏ, Con trâu, cùng với Truyện Tây Bắc, Đất nước đứng lên… làm nên gương mặt mới của văn học Việt Nam những năm sau 1945 gắn với cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm, 1946 - 1954. Từ 1954, gương mặt người nông dân cá thể có ruộng sau Cải cách ruộng đất nhanh chóng chuyển sang tâm thế người nông dân tập thể trong phong trào, rồi cao trào Hợp tác hóa trước sau thời điểm 1960 - là năm, cùng với kết quả của Đại hội Đảng lần thứ III, chính thức công bố Cương lĩnh xây dựng chủ nghĩa xã hội và Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965), theo mô hình Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa. Từ đây, Con người trong văn học, trước yêu cầu của Chủ nghĩa Hiện thực xã hội chủ nghĩa, được xem như là một bước phát triển cao của Chủ nghĩa Hiện thực phê phán, sẽ hướng tới chân dung Con người mới, trong cặp đôi Con người mới - Cuộc sống mới như một đối tượng trung tâm, một mục tiêu cao cả của văn học nghệ thuật. Con người mới - chứ không phải Con người bình thường; càng không phải là bất cứ Con người nào trong các nền văn học thế giới hiện đại, ở phương Tây như Con người cô đơn, Con người nổi loạn, Con người vỡ mộng, Con người phá bĩnh, Con người phân thân… Con người mới với các phẩm chất ưu tú, nêu gương trên hai trận tuyến: chiến đấu và sản xuất là mục tiêu chung cho cả một nền văn học, không trừ ai. Với chiến đấu, đó là Con người “từ tuyến đầu Tổ quốc”, Con người như trong Sống như Anh, Bất khuất, Hòn Đất, Mẫn và tôi, Rừng xà nu… Với sản xuất, đó là Con người mang tên Những người thợ mỏ hoặc Xi măng; với Tầm nhìn xa hoặc Hãy đi xa hơn nữa; với Đất làng Vụ lúa chiêm hoặc Vụ mùa chưa gặt… Dù mang tên gì, ở bất cứ đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, phẩm chất cao nhất họ phải có - đó là tính chiến đấu, trên sự kiên định, không chút nao núng, do dự trong phân biệt rạch ròi giữa hai tuyến địch và ta, riêng và chung, cá nhân và tập thể, lạc hậu và tiến bộ; giữa hai tuyến chỉ được phép chọn một, chứ không thể nhập nhòe khoảng giữa. Tiêu chí này phải được quán triệt trong nhận thức và miêu tả để đạt được hiệu quả tối ưu, đó là tính Đảng, được xem là cốt lõi, là linh hồn của phương pháp sáng tác Hiện thực xã hội chủ nghĩa trên miền Bắc từ 1954 đến 1975, và trên cả nước, từ 1975 đến giữa 1980.

Thời Đổi mới, chính thức bắt đầu từ cuối 1986, sau Đại hội Đảng lần thứ VI, với hai khẩu hiệu lớn: “Lấy Dân làm gốc” và “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”; nhưng trong văn học những chuyển động mang tính dự báo hoặc “tiền trạm” đã có sớm hơn; rồi nhanh chóng trở thành một giòng chủ đạo suốt hết thập niên 1980, nửa đầu 1990. Những tên sách làm nên gương mặt văn học Đổi mới sẽ như một phản đề, hoặc một đối thoại với nhiều chục năm trước đó. Theo đó, nếu là Thời, thì là Thời xa vắng. Nếu là Đám cưới, thì là Đám cưới không có giấy giá thú. Nếu là Mùa thì là Mùa lá rụng trong vườn. Nếu là Tướng thì là Tướng về hưu. Nếu là Thiên đường thì là Những thiên đường mù. Nếu là Bến thì là Bến không chồng… Chiến tranh không còn gương mặt của ngày hội, mà mang theo nỗi buồn - Nỗi buồn chiến tranh. Đất làng, Đất nước, Đất quê hương, với gương mặt người rạng rỡ, bây giờ có thêm bóng ma với Mảnh đất lắm người nhiều ma…

Thập niên 1980 và 1990 là sự nối dài hành trình của ít nhất 3 thế hệ viết có vốn từng trải về 3 cuộc chiến tranh (trong đó cuộc chiến thứ 3 chống thế lực bành trướng kéo dài cho đến hết thập niên 1980 còn ít có dấu ấn trong văn học), và một cuộc tìm kiếm mô hình phát triển xã hội, đầy trăn trở và bức xúc, cả trước và sau khi Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa tan vỡ, năm 1990. Gắn với sự đổ vỡ này là những hạn chế và ngộ nhận về các tiêu chí xây dựng Con người trong đời sống, đem đến những tìm kiếm chưa mấy thành công trong chân dung Con người của văn học nghệ thuật.

Từ Đổi mới (1986) sang Hội nhập (1995) gắn với cuộc Toàn cầu hóa lần thứ 3 và Kỷ nguyên Thông tin, sứ mệnh xây dựng và làm chủ văn học trong giai đoạn mới sẽ chuyển dần sang thế hệ giữa 8X đến hết 9X - là một đội ngũ rất đông, và với những kiếm tìm không lặp lại những giai đoạn cũ, bất kể đó là đội ngũ viết trong hoặc sau chiến tranh, cho đến hết thập niên 1980 và nửa đầu thập niên 1990. Khi chức năng nhận thức xã hội chuyển dần sang các phương tiện của công nghệ thông tin, và chức năng giáo dục khoán cho gia đình, nhà trường và xã hội thì yêu cầu nhận diện và xác định vai trò Con người trong văn học sẽ dần dần mờ nhạt, để chuyển sang các chức năng khác, trong đó, ngoài chức năng giải trí trở nên nổi bật hoặc bao trùm, còn có chức năng trở về với cái riêng cái khác, trong phân biệt với cái chung cái giống tựa như một bản sao của nền sản xuất hàng hóa và kinh tế thị trường. Thay vì gương mặt cộng đồng như trong Đất nước đứng lên, Ba mươi năm đời ta có Đảng, Thù muôn đời muôn kiếp không tan, Ánh sáng và phù sa, Một khối hồng, Bài thơ cuộc đời, Trời mỗi ngày lại sáng, Đứa con của đất, Bài ca vỡ đất, Họ sống và chiến đấu, Dấu chân người lính…, bây giờ, đó sẽ là: Ngày trôi về phía cũ, Đường hai ngả - người thương thành lạ, Buồn làm sao buông, Đi đâu cũng nhớ Sài Gòn và… Em, Thương mấy cũng là người dưng (Anh Khang), Em là để yêu, Không xinh - không thông minh - không bất bình thế giới, Khi phụ nữ uống trà đàn ông nên cẩn thận (Phan Ý Yên)… Một truyện dài gần đây nhất, lọt vào tốp 20 tác phẩm vào chung khảo Cuộc vận động sáng tác văn học tuổi 20, lần thứ 6, do Hội Nhà văn Tp. Hồ Chí Minh, Nxb Trẻ và báo Tuổi trẻ tổ chức có tên Wittgenstein của thiên đường đen của Maik Cây, thoạt nhìn có vẻ “là một truyện dịch. Bởi từ tên tác giả, tên sách đến cả nội dung sách đều không mang dáng dấp Việt Nam (…) Ấn tượng đầu tiên (…) đem đến là điên rồ. Các nhân vật điên rồ, sống trong một xã hội phản thiên đường, nói năng với nhau toàn chuyện điên rồ…” (1)

Có điều cần lưu ý: cách thức đi tìm cái riêng cái khác ấy lại nhận được sự hưởng ứng, hô ứng của không ít người đọc, với tirage cho mỗi đầu sách là nhiều trăm nghìn bản, không kể tái bản; trong khi giới viết chuyên nghiệp, những hội viên lâu năm Hội Nhà văn Việt Nam, những cây đa cây đề trong lịch sử văn học suốt thế kỷ XX chỉ có số lượng trên dưới 1000 bản.

Cuộc cách mạng Bốn Chấm Không (4.0) đang gấp rút gõ cửa vào ngôi nhà chung văn hóa, văn học nghệ thuật chúng ta, chắc chắn sẽ còn đem lại nhiều thay đổi không chỉ chóng mặt, mà còn hơn thế, khi trí tuệ nhân tạo có thể làm thơ, viết văn, soạn nhạc, chơi nhạc, vẽ tranh, giảng bài, làm MC, cầm dao mổ, điều khiển mọi phương tiện giao thông… Khi Con người tạo ra Con người. Khi búp bê tình dục thay cho tình nhân. Khi con người sinh ra không nhất thiết cần đến sự phối thuộc giữa tinh trùng với trứng…

Mỗi cuộc cách mạng do con người tạo ra trong lịch sử đều đem lại những đổi thay vĩ đại cho cuộc sống. Với ba cuộc cách mạng đã diễn ra, từ hơi nước qua điện năng, từ điện năng qua máy tính - con người còn có nhiều thời gian, hoặc còn có thời gian cho sự chiêm nghiệm. Nhưng với cuộc cách mạng 4.0 gần như thời gian không còn đủ cho sự chiêm nghiệm, khi vận tốc không còn là của một chuyến tàu nhanh, do vậy chân dung con người sẽ chỉ còn là những nét dáng hoặc hình khối lung linh mờ ảo trên cái nền chung mở ra vô cùng được thu gom trong một … thế giới phẳng.

Sau Cách mạng 4.0, rồi 5.0, kể từ cuối 2019 cho đến nay toàn nhân loại vấp phải một đại dịch có tên là Covid-19 uy hiếp tất cả một khu vực không trừ ai, không trừ quốc gia nào, gây nên một thảm họa vào loại lớn nhất thế kỷ XX, đưa đến 5 triệu người bị lây nhiễm, 5 trăm nghìn người chết, tính cho đến khi có bài này; càng ở những địa chỉ văn minh như Âu - Mỹ càng chết nhiều. Để đối phó, chống đỡ, giảm nhẹ thảm họa, cả nhân loại, tất cả không trừ ai, không trừ địa chỉ nào, thể chế chính trị nào cũng phải thực hiện những đối sách chung như ngồi ở nhà, không ra đường, phong tỏa biên giới, giãn cách xã hội, khẩu trang che mặt... tóm lại đó là những cách thức gần như ngược 180 độ với các động thái và kết quả của Toàn cầu hóa (lần thứ 3) chỉ mới ứng nghiệm trong hơn 30 năm qua. Một cuộc Giải Toàn cầu hóa (Deglobalization) gần như đang dẫn dắt nhân loại vào một tình thế mới: không thể sống như cũ nữa, mà phải sống khác, không chỉ cho đến khi đại dịch qua đi, mà còn là lâu dài, để có được sự an toàn và một chất lượng sống cao hơn. Cái khác đó là như thế nào - sẽ là câu hỏi đặt ra chung cho mọi lĩnh vực hoạt động của con người, trong đó có văn học - nghệ thuật.

Hà Nội, 21 tháng 5/2020
P.L
(TCSH379/09-2020)

---------------
1. Tuổi trẻ; 15/11/2018.




 

 

Các bài mới
Chùm thơ My Tiên (26/10/2020)
Các bài đã đăng
Đứa bé (16/10/2020)
Chùm thơ Lữ Mai (13/10/2020)