HOÀNG THỊ THU THỦY
Chúng ta không cần phải đẹp lắm
Để yêu nhau chúng ta không cần phải đẹp lắm
Phải giỏi giang hơn mọi người, phải biết nấu ăn ngon
Không phải lúc nào em cũng cần phấn son
Để yêu nhau chúng ta còn nhiều việc phải làm
Khi nửa đêm trời sao tối dần, sương mù
Rơi lặng lẽ, bầy ngỗng trời bay qua
Cất tiếng kêu, tiếng chúng không hay lắm
Buồn rầu, cô quạnh, khàn khàn, xa vắng
Không cần phải ngọt ngào, cũng làm anh thức giấc, ngồi lên
Nhìn đăm đăm vào tường, ra mở cửa sổ, nhìn xuống vườn
Bóng của chúng bay lướt qua, một con bay sau cùng
Lạc trong sương mờ tối, như ngày ấy
Anh bỏ rơi em
Để yêu nhau em không cần phải xinh đẹp lắm
Không cần phải bay đến chốn vô cùng
Không cần quá thông minh và đi chân đất
Không cần phải sexy và bận đồ nóng nhức mắt
Không cần phải hát hay, để yêu một người đàn ông
Em chỉ cần bay qua mái nhà lúc nửa đêm
Trong giấc mơ của anh
Bay chậm lại, bay sau cùng
Như một cánh chim lạc bầy, như ngày ấy
Khi em bỏ rơi anh
Nguyễn Đức Tùng
Thật hữu duyên, khi tôi đọc được bài thơ “Chúng ta không cần phải đẹp lắm” trên trang “Thơ tình thứ bảy” của nhà thơ Nguyễn Đức Tùng; bài thơ có thi tứ độc đáo, góc nhìn riêng, tôi có cảm nhận thơ anh rất mới. Bài thơ như là sự cô đặc và nén chặt của một cuốn tiểu thuyết có nhiều phân mảnh, nhiều trường đoạn, mà trong đó cái tôi trữ tình như tự soi chiếu và cảm nhận sự mất mát, tiếc nuối khi mất đi tình yêu.
“Để yêu nhau chúng ta không cần phải đẹp lắm” - tứ của bài thơ thật bất ngờ khiến người đọc như giật mình, đốn ngộ, và bài thơ như chạm vào cái tôi thẳm sâu trong trái tim đang yêu và khao khát một tình yêu. Kết từ “để” đặt ở đầu câu, nói rõ mục đích của sự việc: “để” “yêu nhau” thì “không cần phải đẹp lắm” - nghĩa là có đẹp, phải đẹp, nhưng “không cần phải đẹp lắm” - phụ từ “lắm” là mức độ được đánh giá là cao, nhưng đã có từ phủ định: “không cần phải”. Lập tứ bằng một câu thơ có sự sắp xếp chặt chẽ của ngôn từ như thế là đã gây ấn tượng đến tâm thức của người đọc, bởi lối tư duy vốn đã quen thuộc trong chúng ta là đã yêu thì phải “Dịu dàng quá, dịu dàng không chịu nổi” (Olga Berggoltz), hoặc phải “Dữ dội và dịu êm” (Xuân Quỳnh)… Nguyễn Đức Tùng đã lập tứ bằng cái nhìn trung tính, trầm tĩnh, chứa đựng chiều sâu của triết lý “Để yêu nhau chúng ta không cần phải đẹp lắm”. Cái tôi của thi nhân phân thân trong cái nhìn sâu vào ký ức, hòa quyện giữa vô thức, tiềm thức và ý thức của cả anh và em.
“Khi nửa đêm trời sao tối dần, sương mù/ Rơi lặng lẽ, bầy ngỗng trời bay qua/ Cất tiếng kêu, tiếng chúng không hay lắm/ Buồn rầu, cô quạnh, khàn khàn, xa vắng…”. Thời gian để anh lắng nghe anh là lúc “nửa đêm”, không gian vào lúc này thanh tĩnh đến mức anh nghe tiếng kêu của “bầy ngỗng trời” - nghệ thuật dùng động tả tĩnh khá quen thuộc trong thơ trung đại “Một tiếng trên không, ngỗng nước nào?” - (Thu vịnh - Nguyễn Khuyến); mà đặc biệt là tiếng kêu của chúng không hay, khàn khàn - không ngọt ngào, không lãng mạn… thế mà “cũng làm anh thức giấc, ngồi lên”, hư từ “cũng” là điểm nhấn của câu thơ, như ngầm chỉ về sự giống nhau của hiện tượng, trạng thái. Nghe tiếng kêu của đàn ngỗng trời bay qua mà anh hình dung “một con bay sau cùng” cũng như nỗi xót xa, nẫu ruột, đớn đau trong anh, bởi ngày ấy “Anh bỏ rơi em”. Hai dòng thơ cuối ở khổ thơ thứ hai như lạc nhịp, phá bỏ lối diễn đạt thông thường: “Lạc trong sương mờ tối, như ngày ấy// Anh bỏ rơi em” - 5/ 3// 4; trạng ngữ chỉ thời gian “như ngày ấy” đặt vào cuối dòng thơ thứ nhất, ngắt giữa 2 dòng thơ tạo thành sự đứt gãy nhịp điệu của cả câu thơ, nhấn mạnh sự việc “Anh bỏ rơi em”. Kết từ “như” trong cụm từ “như ngày ấy” đã biểu thị sự so sánh giữa tiếng kêu của bầy ngỗng trời, cùng cánh chim của con bị lẻ đàn đuối sức, với chuyện “anh bỏ rơi em” - cái nhìn của thi nhân đã soi chiếu đến tận cùng của nỗi đau vì sự mất mát, tiếc nuối; đó cũng là lối sử dụng biểu tượng nhằm tri giác cái bất khả tri giác. Thi ảnh dịch chuyển cùng cái nhìn của cái tôi thật nhiều luyến tiếc, bởi ngày ấy “anh bỏ rơi em”. Hình ảnh “một con bay sau cùng” cùng cánh chim lạc lối ấy như soi tỏ trong tâm thức anh một nỗi đau không biết tự bao giờ, nỗi đau không chỉ xuất hiện một lần, mà nhiều lần, bởi vì khi đàn ngỗng trời bay qua… anh đã thức giấc, thời gian câu thơ đã viết rõ là “nửa đêm”, và còn ẩn ngầm thêm cả thời gian mùa - bầy ngỗng trời thường bay đi khi chuyển mùa từ thu sang đông… Tự thú nhận “anh bỏ rơi em”, và từ đó biết bao lần lúc nửa đêm anh nghe tiếng ngỗng trời mà bật dậy? Sự luyến tiếc lớn đến chừng nào, bởi vì lúc “anh bỏ rơi em” là lúc anh chưa ngộ ra rằng: “Để yêu nhau chúng ta không cần phải đẹp lắm”.
“Để yêu nhau em không cần phải xinh đẹp lắm” - cái nhìn về em trìu mến, bao dung làm sao. Không cần em là người đẹp, người tài, người nổi bật, mà chỉ cần tâm hồn em quấn quít lấy anh, mãi ở bên anh. Nên “Em chỉ cần bay qua mái nhà lúc nửa đêm/ Trong giấc mơ của anh” - giấc mơ vi diệu về một tình yêu thật giản dị, ngay cả “Khi em bỏ rơi anh”. Thời gian vẫn là nửa đêm, không gian không xa xôi cùng cánh ngỗng trời mà gần gũi đến mức ngỡ như chạm vào được “Em chỉ cần bay qua mái nhà” - chỉ cần có em, ngôi nhà sẽ bình yên (trong nhà có em là bình yên)…
Hai khổ thơ đăng đối nhau về ý tứ: “Anh bỏ rơi em”… “Khi em bỏ rơi anh” - bỏ rơi - bỏ lại phía sau rất xa, coi như không còn quan hệ. Cả hai cùng bỏ rơi nhau - ẩn ngầm một chút kiêu hãnh của cái tôi tình yêu khi bị phụ bạc; riêng ý thơ viết về em thì có thêm hư từ “khi” - bỗng dưng, không rõ lí do - “em bỏ rơi anh” - diễn đạt nỗi đau mơ hồ từ anh, bởi vẫn không rõ lý do vì sao “em bỏ rơi anh”. Hình ảnh sử dụng trong mỗi khổ thơ đều có dụng ý, anh thức giấc lúc nửa đêm bởi có tiếng kêu đàn ngỗng trời bay qua; và em trở về trong giấc mơ anh cũng vào lúc nửa đêm - đó là khoảng không gian, thời gian yên tĩnh, lắng sâu cho một nỗi đau, một sự day dứt, tiếc nuối… Không gian và thời gian trong bài thơ không còn là những đại lượng vật lý bên ngoài, mà là những không gian, thời gian đã thấm vào tâm thức, cảm xúc tác giả; biểu hiện cái nhìn của tác giả về sự mất mát trong tình yêu thật da diết và đớn đau.
Điệp ngữ “như ngày ấy” trong hai câu thơ ở hai khổ thơ: “Lạc trong sương mờ tối, như ngày ấy”/ “Như một cánh chim lạc bầy, như ngày ấy” đã khắc ghi trong tim khoảng thời gian cả hai đã bỏ rơi nhau, vì khi bỏ rơi nhau là khi họ chưa hiểu rằng: “Để yêu nhau chúng ta không cần phải đẹp lắm” mà “Để yêu nhau chúng ta còn nhiều việc phải làm”. Cái hay của thi tứ được biểu đạt bằng cái nhìn đằm sâu với lối diễn đạt độc đáo, mới lạ, riêng biệt của nhà thơ Nguyễn Đức Tùng đã thực sự gây ấn tượng trong tâm hồn chúng ta; bởi để ngộ ra một điều tưởng chừng rất giản dị là “Để yêu nhau chúng ta không cần phải đẹp lắm” thì con người cũng đã phải trải qua những nỗi buồn không thể diễn tả bởi những mất mát, day dứt khôn nguôi.
Huế ngày 19/7/2020
H.T.T.T
(SHSDB38/09-2020)