Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.9-20)
Thơ Yến Lan trước 1945 nhìn từ địa - văn hóa
14:49 | 04/12/2020

HỒ THẾ HÀ

Yến Lan là nhà thơ thuộc phong trào Thơ mới (1932 - 1945). Ông sinh ra, lớn lên, học tập và làm thơ trên vùng đất cũ thành Đồ Bàn, thuộc làng An Ngãi, phủ An Nhơn. Ông là một trong những thành viên nòng cốt của nhóm thơ Bình Định.

Thơ Yến Lan trước 1945 nhìn từ địa - văn hóa
Chân dung nhà thơ Yến Lan - Ảnh: internet

Tuy xuất hiện sớm muộn khác nhau, nhưng Bình Định là mảnh đất có duyên hội tụ những thi sĩ tài danh châu tuần đông vui: Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Yến Lan (tức Xuân Khai), Hoàng Diệp, Bích Khê, Quách Tấn, Quỳnh Dao, Nguyễn Viết Lãm...

Nhóm thơ Bình Định là cụm từ chỉ chung những nhà thơ gắn bó, sáng tác ở vùng đất này. Trường thơ Loạn chỉ là một bộ phận. Gọi là bộ phận, nhưng thực ra, họ cùng hòa hợp, đông vui và lấy việc đàm đạo, sáng tác thi ca làm lý tưởng nghệ thuật chung. Về sau vì công việc, hoàn cảnh, một số người phải chuyển địa bàn như Bích Khê, Hoàng Diệp... Các cây bút chủ chốt còn lại gồm: Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Yến Lan, Quách Tấn. Tất cả đều là thi sĩ tài danh của Phong trào Thơ mới. Riêng Quách Tấn là hiện tượng đặc biệt. Ông vẫn sáng tác thơ theo luật Đường. Nhưng qua các tập Một tấm lòng, Mùa cổ điển, ông vẫn được mọi người yêu quý và thừa nhận là có một sự giao thoa nào đó giữa ý và tình, tâm và cảnh mà trong lúc lơ đãng, ta không để ý là thơ cũ, thơ mới. Quách Tấn vẫn được Chế Lan Viên viết tựa và Hoài Thanh mời vào Thi nhân Việt Nam với vị trí xứng đáng.

Vì điều kiện xê dịch, công tác; hơn nữa, nghiêng về hướng cảm xúc khác, Xuân Diệu giai đoạn từ 1936 trở đi không còn ở Bình Định nữa. Ông học ở Huế, sau công tác ở Mỹ Tho, rồi Hà Nội nên ông không được xem là thành viên của nhóm thơ Bình Định như trước đây nữa. Còn lại bốn cây bút quen thuộc là Chế Lan Viên, Quách Tấn, Hàn Mặc Tử, Yến Lan mà nhân dân, độc giả ở đây yêu quý tấm lòng bằng hữu văn chương gắn bó của họ nên gọi với cái tên trìu mến là Bàn thành tứ hữu (bốn người bạn thơ ở thành Đồ Bàn).

Điểm cần lưu ý để thấy nét riêng của cả nhóm thơ này, đó là sự tìm tòi, đổi mới thi pháp thơ từ sự tích hợp thi ca Pháp và Trung Hoa trên nền tảng thi ca Việt, ngôn ngữ Việt và văn hóa Việt. Chất trữ tình lãng mạn giai đoạn đầu, giờ đây được các nhà thơ đẩy xa hơn sang khuynh hướng tượng trưng, siêu thực, tăng cường yếu tố khác lạ, dị thường, huyền ảo. Mỗi người mỗi xuất phát điểm nhưng đều gặp nhau ở mục đích: Muốn đưa những yếu tố hiện đại vào thi ca. Điều may mắn là trong quá trình đó, nhiều thi sĩ đã khẳng định thi nghiệp của mình ở những vị trí đỉnh cao. Đó là Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Yến Lan... với những tác phẩm được thử thách qua thời gian. Hoài Thanh đã nhận xét: “Trái hẳn với lối thơ tả chân, có lối thơ Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên. Cả hai đều chịu rất nặng ảnh hưởng Baudelaire, và qua Baudelaire, ảnh hưởng nhà văn Mỹ Edgar Poe, tác giả tập Chuyện lạ. Có khác chăng là Chế Lan Viên đã đi từ Baudelaire, Edgar Poe đến thơ Đường, mà Hàn Mặc Tử đã đi ngược lại, từ thơ Đường đến Baudelaire, Edgar Poe và đi thêm một đoạn nữa cho gặp Thánh Kinh của đạo Thiên Chúa. Cả hai đều cai trị Trường thơ Loạn và đã chiêu tập một số đồ đệ là Hoàng Diệp, Quỳnh Dao, Xuân Khai (Yến Lan). Tôi vừa nói Chế Lan Viên đi về thơ Đường. Nếu nói đi đến thơ tượng trưng Pháp có lẽ đúng hơn, tuy hai lối thơ này có chỗ giống nhau. Điều ấy thấy rõ ở tác phẩm một người rất gần Chế Lan Viên và Hàn Mặc Tử: Bích Khê” (Thi nhân Việt Nam) [5,tr.37].

Lời tựa tập Thơ Điên và tập Điêu tàn do chính Hàn Mặc Tử và Chế Lan Viên chấp bút chính là tuyên ngôn của Trường thơ Loạn do hai ông sáng lập 1938 đã nói lên sự kiếm tìm, đổi mới, sự phá rào để làm những thi sĩ “tiền trạm cho tương lai” (André Breton).

Trong bài viết ngắn này, tôi muốn nhìn nhận thơ Yến Lan trước 1945 từ góc nhìn địa - văn hóa, một trong những thi pháp chủ/ nổi trội (poétique dominante) của Trường thơ Loạn, qui định phong cách riêng và phong cách chung của cả Trường thơ.

Đặt thơ Yến Lan trước 1945 trong từ trường thi ca của Nhóm thơ Bình Định, ta sẽ thấy độc đáo riêng của ông, dù ông viết không nhiều và không đều tay. Đương thời, ông có tập thơ Bến My Lăng (chưa in), Giếng Loạn, những bài thơ rời in ở Phụ nữ, Tiểu thuyết thứ Năm, Nghệ thuật… và hai kịch thơ Bóng giai nhân, viết chung với Nguyễn Bính (1940), Gái Trữ La (1943). Qua các tác phẩm: Chơi giữa mùa trăng, Thơ Điên của Hàn Măc Tử; Tinh huyết của Bích Khê, Màu huyền diệu của Hoàng Diệp, một số bài thơ của Xuân Khai (tức Yến Lan), đặc biệt trong tập Điêu tàn, Vàng Sao của Chế Lan Viên... thì rõ ràng quan niệm về thi ca và thi sĩ của Trường thơ này đã có sự thay đổi quan trọng. Yếu tố dị thường thông qua liên tưởng, tưởng tượng có vẻ xa lạ, huyền hoặc trở thành điều quan tâm của các thành viên. “Họ muốn xác lập một thế giới mới trong thi ca khác với quan hệ quen thuộc của đời thường. Cái logique của thi ca đã trở nên khác biệt và nhiều khi đối lập với logique của cuộc đời. Nhà thơ, chủ thể sáng tạo là một nhân tố mạnh, xem mình như một trung tâm của vạn vật mà bộc lộ cảm xúc một cách khác thường.” (Hà Minh Đức) [1,tr.57].

Từ yếu tố địa - văn hóa trong thơ Yến Lan, tôi muốn nói đến địa danh Bình Định - là tên tỉnh, nhưng cũng là tên thành Bình Định cũ (thuộc huyện An Nhơn), nơi Yến Lan sinh sống, trưởng thành và định vị thi sĩ khi tuổi đời còn rất trẻ. Những cảnh vật và con người nơi đây đi vào thơ ông như những yếu tố ám ảnh mạnh, chúng như những cổ mẫu (archétypes), tạo thành những cảm xúc điển hình và tâm trạng điển hình trong thơ Yến Lan.

Suy cho cùng, thì nhà thơ nào chẳng lấy nền cảnh và nhân vật trữ tình của một vùng quê nào đó để làm chất xúc tác cho tâm lý sáng tạo. Thể hiện đậm đặc và kết tinh thành chất thơ riêng đến mức nào đó thì sẽ thành thi pháp và phong cách cá nhân thi sĩ. Chất thơ riêng và thi pháp cá nhân ấy sẽ để lại dấu ấn địa - văn hóa của vùng đất và con người nơi đó một cách sáng rõ. Thơ Yến Lan trước 1945 để lại dấu ấn này cụ thể và độc đáo hơn các giai đoạn sáng tác sau 1945. Có lẽ ông đã gắn với gia đình và cảnh huống quê hương suốt hết tuổi ấu thơ và tuổi học sinh ở đây trong từng cảnh vật u trầm với những đền đài, thành quách rêu phong và tháp Chàm hoen rỉ dưới thời gian, đặc biệt là dòng sông Côn trong những mùa lũ tràn bờ dũng mãnh… Tất cả đã gây ấn tượng mạnh trong tâm lý và cảm thức của ông để chúng thành những hình tượng thơ có sức vang ngân và biến ảo như vậy. Bình Định trong thơ Yến Lan chính là cái nền địa - văn hóa ấy. Ở đó: “Dấu xe ngựa đã niêm đầy ngõ kiệt/ Trăng lạc loài gặp lại giữa đêm thu. Trong không khí kháng Pháp giải phóng quê hương, Yến Lan đã kịp ghi lại những khoảnh khắc giao thời bừng bừng khí thế tranh đấu của của nhân dân quê hương mình: “Ôi Bình Định, đau thương gài trước ngõ/ Mẹ ru con trong bóng tối phập phồng/ Trong tay áo còn nghe dài tiếng thở/ Bỗng thấy quanh thềm hát núi, ca sông. Ở đó, bao niềm vui hiện tại tiếp nối hiện về, bao nỗi sầu quá khứ lùi xa:

Ôi Bình Định buổi đèn mờ, nước lã.
Bóng nha môn nằm chặn lối ân tình,
Đêm bỗng dậy những ánh vàng xa lạ.
Sao mọc rồi, sông núi bớt lung linh.
Sông Côn chảy qua bảy tầng thác đập.
Tình Trung châu: hương mật nặng khoang thuyền.
Duyên cá nục, măng le về hội họp.
Phiên chợ Thành vụt tỉnh giấc cô miên.

Quá khứ đồng hiện cùng hiện tại, hiện tại lay thức quá khứ khiến cho cảnh tượng quê hương hội tụ không khí vui ca, vùng lên mạnh mẽ của cảnh vật và con người:

Qua trường cũ thấy rạt rào sóng ngói.
Lòng bỗng dưng thơm mùi giấy học sinh.
Trên trang sách của cuộc đời đổi mới.
Nghe thơ về bay vút cả trời xanh.

Lầu Cửa Đông có nghe Em tâm sự
Em đi trong tình sử của lầu thơ.
Hai chúng ta bước qua đêm quá khứ
Ngoảnh đôi đầu không còn thấy bơ vơ.
              
(Bình Định, 1945)

Thành Bình Định bây giờ khác với ngày xưa: “Đây là chốn nương mây và cậy nguyệt/ Đàng chờ xe, sông nước ước mong thuyền!/ Tịch dương liễu không biết mình đang biếc/ Tương tư trời, tương tư nhạc triền miên”. Cảnh và người thật đấy mà như mộng. Buồn lặng triền miên là một thực tế không thể cứu vãn nỗi buồn của tuổi trẻ một thời dai dẳng:

Ôi Bình Định, hương phong trường cách biệt,
Nhúng bâng khuâng trong đức hạnh sương hoa.
Nhà ngơ ngẩn, những tường vôi keo kiết,
Nam Quách sầu, Đông Phố quạnh, Tây Môn xa…!

Ôi Bình Định tự thành cao trao gửi.
Buồn xế tà qua mấy cửa rong xanh:
Nơi đã đọng những vũng đàn lạnh dợi
Cửa trăng gầy, gió lụy xuống mong manh.

Bình Định trở đi trở lại trong thơ Yến Lan chính là nỗi buồn một thuở, hằn sâu trong tâm khảm nhà thơ. Hai cuộc đời, hai cảnh trạng đi vào thơ như những nhân chứng nghệ thuật: Trước cách mạng (Bình Định 1935): Buồn; trong cách mạng tháng Tám (Bình Định 1945): Vui. Dấu ấn hiện thực và văn hóa thể hiện rõ trong từng hình tượng thơ, giọng điệu thơ:

Trời Bình Định có thương em lẻ chiếc?
Em nằm thương xanh biếc của trời buồn!
Trên đài trán thơ hằn lên vọng nguyệt,
Trăng còn nương thuyền nhạc khuất trong sương.

Hoa tư tưởng phân thân chìu gió trải,
Trời Giang Nam hồ hải nói trong tâm.
Ôi Bình Định sao nằm trong mãi mãi…
Đĩa dầu vơi tim cháy ngọn âm âm...
              
(Bình Định 1935)

Bình Định trở thành “mắt thức” của nhà thơ để nhìn từng cảnh vật và soi vào từng tâm trạng của chính mình để tương cảm và tương sinh:

Cùng nhớ lại những nguồn vui nhỏ nhất
Bông gòn bay, chùm me rụng thành xưa
Bình Định đây, từng sợi tơ cái tóc
Vẫn chứa chan, tin tưởng tự bao giờ
              
(Bình Định mắt thức)

Những yếu tố lặp lại với tần suất cao trong thơ chính là cơ sở để nhìn nhận đặc điểm riêng của vùng đất và những ấn tượng sâu nặng tạo thành chất thơ riêng của thi nhân. Chính vì vậy, phê bình thực chứng - lịch sử của G. Lanson (dựa vào lịch sử, xã hội, không gian địa lý và hoàn cảnh gia đình của nhà thơ để giải mã tác phẩm) và phê bình theo lý thuyết nhân học - xã hội của H. Taine được các nhà phê bình, nghiên cứu vận dụng độc lập hoặc vận dụng kết hợp với các phương pháp khác để nghiên cứu hiệu quả tác phẩm và tác giả. Nghiên cứu địa - văn hóa cần vận dụng và kết hợp thành tựu khoa học của các phương pháp này vào trường hợp Yến Lan, có lẽ là thích hợp và thỏa đáng nhất. Vì những ám ảnh tâm lý và vô thức sáng tạo trước 1945 của ông vận vào nhiều thi phẩm thì có sự tương tác, ăn khớp với những hoàn cảnh xuất xứ của chúng mà ông đã tâm sự trong nhiều bài viết và bài trả lời phỏng vấn của mình. Ví như bài thơ Bến My Lăng là một minh chứng điển hình. Chưa kể, gần đây, nhiều nhà nghiên cứu phê bình đã vận dụng lý thuyết phê bình sinh thái (ecocriticism) để nghiên cứu tác phẩm và tác giả. Lý thuyết này chú trọng đến sự biến đổi khí hậu, sự xuống cấp của môi trường sinh thái, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống con người, trong đó, họ chú trọng đến những vùng đất nhạy cảm với những đổi thay của môi trường sống, và điều đó ảnh xạ trực tiếp vào tác phẩm, nhất là đối với các nhà văn, nhà thơ đa cảm, giàu trắc ẩn và gắn bó, trăn trở với quê hương, gia đình, người thân…

Với thơ Yến Lan, có lẽ dấu ấn địa - văn hóa hiển minh nhất trong nhiều thi phẩm là dòng sông vầng trăng, chúng sóng đôi nhau như hai đối tượng phản chiếu, có khi nhập vào nhau làm một mà Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam khi bình về thơ Yến Lan đã xác quyết một cách cụ thể và tinh tế. Ông chỉ ra cái chất riêng mơ màng, lặng lẽ mà đắm đuối rất Yến Lan ấy: “Khi đầu thì cũng hay hay, nhưng dần lâu cơ hồ ngạt thở. Chỉ thấy mờ mờ những con đường chảy, êm như những dòng sông và nhất là cái vừng trăng cứ thường ám ảnh các nhà thơ Bình Định.” (Thi nhân Việt Nam) [5,tr.155].

Trăng trong thơ Yến Lan đã trở thành những ám ảnh nghệ thuật, trở đi trở lại như những bí ẩn tinh khôi, nhưng gắn với cơn sinh hạ định mệnh của mình từ người mẹ tảo tần lỡ chuyến đò ngang: “Quê mẹ bên kia bãi cát vàng/ Mẹ tôi về, lỡ chuyến đò ngang/ Cơn đau trở dạ không giường chiếu/ Tôi lọt lòng ra giữa bãi trăng”. Cuộc trở dạ của mẹ “giữa bãi trăng”, về sau, giúp ông quan hệ gắn bó sâu nặng với vầng trăng: “Võng mẹ ru hời dưới mái trăng/ Hương đồng cỏ nội - mặc, kề bên/ Tôi nằm trong vũng ca dao lạnh/ Đón những vầng trăng mẹ vớt lên”. Trăng là đối tượng mà cũng là chủ thể trong cảm nhận của tuổi thơ Yến Lan để ông trở thành người mắc “bệnh trăng”:

Trăng đi từ tóc, đi vào máu
Như sữa tuôn dòng chảy khắp thân
Tôi yêu trăng quá, mê trăng quá
Như má yêu môi, để đến gần

Tôi đã thành người mắc “bệnh trăng”
Chiều mây sớm nắng mỗi bâng khuâng
Chỉ riêng báo hiệu niềm vui đến
Khi ứng lòng đêm một ngấn hằng
                        
(Bệnh trăng)

Trăng tồn tại trong những mối liên hệ, trong những kinh nghiệm sống cụ thể của Yến Lan. Nhớ bạn, ông cũng mượn trăng để khuây khỏa nỗi niềm. Nhìn trăng ngần phản chiếu trên gương mặt người “khuyết cong mày bạc” là một phát hiện không chỉ thực tế mà có cả tâm linh và tâm cảm mãnh liệt. Ông đã sở hữu trăng như liệu pháp tâm lý để được thỏa mãn nỗi niềm mê đắm và huyền hoặc:

Sang canh, bìm bịp kêu đầu lán
Đất mới, nhà đơn, lạ láng giềng
Nhớ bạn nửa đêm ra tựa liếp
Khuyết cong mày bạc, ngần trăng in
                        
(Nhớ bạn)

Và trăng trong đêm phụ họa những tiếng mõ chùa xa biến thành những xao động tâm hồn như những khúc xạ của sự im lặng đến mênh mang, xa vắng:

Khuya ơi có một khuya tràn
Bờ ao đầy cả trăng vàng như trăng
Gió đi theo gió nhọc nhằn
Chùa xa giữa kín những lằng mõ xa
Im thôi im cả canh gà
Một cầu nhìn nước chẻ ra một cầu
Thuyền chàng còn khuất nương dâu
Thuyền nàng đã ghé bên cầu nước reo
                        
(Khuya)

Trăng trong thơ Yến Lan đủ trạng thái, nhưng vẫn là vầng trăng buồn gắn với từng cảnh vật và tâm trạng của chính người thơ. Khác với trăng trong thơ của Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên và Bích Khê - những thi sĩ tài danh cùng Trường thơ Loạn, ở chỗ, trăng của các thi sĩ này thường dựa vào một đối tượng và một tiền giả định, một không gian tưởng tượng cụ thể. Với Hàn Mặc Tử là trăng thật trong trạng huống bệnh tật và trăng trong Kinh Thánh; với Chế Lan Viên là trăng của nước non Chiêm Thành đã tan thành tro bụi. Riêng Yến Lan là trăng trên quê hương mình, trăng của cửa lầu thành Bình Định và trăng trên dòng sông hiện thực thời gian (sông Côn - sông An Thái - sông Trường Thi); trăng gắn với bao chấn thương tình cảm xa xót và hãi hùng tuổi nhỏ (6 tuổi) khi phải đi trong đêm gọi thuyền giữa không gian hoang lạnh và sợ hãi đến lạnh người mà bài thơ Bến My Lăng là một ám ảnh để trở thành vô thức sáng tạo.

Bến My Lăng nằm không, thuyền đợi khách
Rượu hết rồi, ông lái chẳng buông câu
Trăng thì đầy rơi vàng trên mặt sách
Ông lái buồn để gió lén mơn râu

Ông không muốn run người ra tiếng địch
Chở mãi hồn lên tắm bến trăng cao
Vì đìu hiu, đìu hiu, trời tĩnh mịch
Trời võ vàng, trời thiếu những vì sao

Hai khổ thơ đầu là một không gian và thời gian buồn, ngưng đọng do ông lái đò không tự mình tạo thành một chủ thể tích cực để hóa giải thiên nhiên, để mặc cho thiên nhiên diễn ra như nó vốn có. Ông lái đò thì không buông câu, trăng thì vàng rơi đầy trên mặt sách, rượu không còn để tiếng sáo ngân đêm. Cảnh buồn, người buồn tương hỗ nhau tạo ra một cảnh mênh mông rợn ngợp. Buồn nhưng đẹp và thánh thiện. Ông lái đò là một người tài hoa, là một trí thức tài tử:

Trôi quanh thuyền, những lá vàng quá lạnh
Tơ vương trời, nhưng chỉ giải trăng trăng
Chiều ngui ngút dài trôi về nẻo quạnh
Để đêm buồn vây phủ bến My Lăng

(Hai câu sau có sách ghi: Từng áo chiều, bọc vàng đua lảng tránh - Để trăng buồn bao phủ bến My Lăng).

Những câu thơ ưu tiên nhiều thanh bằng là một động thái logic vì chúng gắn liền với giọng điệu nội tâm của tác giả. Đây là mỹ học thơ mới nói chung, nhưng với Yến Lan, nó biểu hiện sắc thái riêng, phù hợp với tâm trạng và nỗi niềm hiu quạnh của ông. Giọng điệu thơ bao giờ cũng phản ảnh tâm trạng của nhà thơ gắn với chủng tộc, môi trường, hoàn cảnh và văn hóa mà nhà thơ sinh sống. Nhờ giọng điệu mà phong cách tác giả được tỏ lộ.

Toàn bài thơ, tác giả dùng nhiều từ mang sắc nghĩa buồn, xa ngóng và vợi trông: tĩnh mịch, đìu hiu, run rẩy, nẻo quạnh… Những từ này cộng hưởng ý nghĩa tạo thành tâm cảnh và ngoại cảnh… Vậy mà ông lái đò vẫn như hòa vào không gian thời gian xa vợi ấy để trầm tư về những gì đang đối lập với hiện thực chung quanh. Từ không gian “Bến My Lăng nằm không, thuyền đợi khách” đến “ông lái buồn”, “ông lái đợi”, “chẳng buông câu” là một chủ động có điều kiện mà cũng do tình huống khách quan: “trăng võ vàng”, “Vì đìu hiu, đìu hiu, trời tĩnh mịch”, “những lá vàng quá lạnh”… Ở đây, có sự gặp gỡ những từ ngữ cổ phổ biến của thơ trung đại: chàng kỵ mã, ngọc lưu ly, tiếng địch, trời tĩnh mịch… Hình như Yến Lan muốn quay về không gian văn hóa và con người trong mệnh đề “thiên nhiên tương dữ” của thơ trung đại. Loại ngôn ngữ và kiểu con người này trong thơ Quách Tấn (Một tấm lòng, Mùa cổ điển) hầu như tràn trên trang thơ. Hai thi sĩ cùng Trường thơ Loạn đã có sự gặp gỡ nhau về ngôn từ, dù khác nhau về tư tưởng và mỹ học sáng tạo. Một Yến Lan thơ mới, một Quách Tấn thơ Đường.

Nhưng đêm kia đến một chàng kỵ mã
Nhúng đầy trăng màu áo ngọc lưu ly
Chàng gọi đò, gọi đò như hối hả
Sợ trăng vàng rơi khuất lối chưa đi

Xuất hiện hình tượng người kỵ mã uy nghi, lộng lẫy trên yên ngựa và sắc áo lưu ly dưới ánh trăng là một lãng mạn bất ngờ, làm rung động không gian tĩnh mịch. Bài thơ đến đây từ tĩnh bỗng trở nên động. Tiếng gọi đò hối hả làm chao động cả vầng trăng. Vậy mà ông lái đò đã không nghe thấy tiếng gọi hối hả như oán trách kia của chàng kỵ mã. Ông để hồn mình thoát ra ngoài không gian tâm tưởng bến My Lăng. Ông say trăng gối đầu trên sách, chàng kỵ mã gọi lay động, run rẩy cả ngành trăng. Sự đối lập về trạng thái này của hai chủ thể trữ tình đã cho thấy có sự đối lập hay hờ hững trong sự xa cách, dù cả hai đều muốn gặp nhau.

Ông lão vẫn say trăng, đầu gối sách
Để thuyền hồn bơi khỏi bến My Lăng
Tiếng gọi đò, gọi đò như oán trách
Gọi đò thôi run rẩy cả ngành trăng

Bến My Lăng còn lạnh bến My Lăng
Ông lái buồn đợi khách biết bao trăng.
                        
(Bến My Lăng)

Chàng kỵ mã thì: “Chàng gọi đò, gọi đò như hối hả”, “Tiếng gọi đò, gọi đò như oán trách”. Còn ông lái đò thì: “Ông lái buồn đợi khách biết bao trăng”. Tại sao lại có sự tìm kiếm trong vô vọng và nghịch lý này? Có thể cắt nghĩa từ cái nhìn địa - văn hóa chăng. Những tháp Chàm lẻ loi và u trầm trong những đêm trăng vàng trên những miền quê Bình Định, trên thành cũ Đồ Bàn (Chà Bàn) nhất định có một tác động tâm lý và tạo nên những ấn tượng trực giác và tâm thức sáng tạo khi nhà thơ liên hệ với hoàn cảnh lịch sử của vùng đất này trong sự điêu tàn và tiêu vong của một vương triều và những biến thiên của lịch sử thời hiện tại mà Hoài Thanh đã nhận xét và xem đó như một yếu tố có tính địa - văn hóa trong thơ của Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên. Và cũng thế, cả trong thơ của Yến Lan. Tiếng gọi đò trong đêm bên sông Trường Thi tuổi nhỏ ấy là hình tượng âm thanh đã ám ảnh Yến Lan đến trọn đời mà sau này trong bài thơ Chút lòng để lại viết ở tuổi thất thập, ông vẫn còn run rẩy với chính mình. Người gọi đò và ông lái đò, giờ đây tuy hai mà một. Họ đã tan trong nhau để thành tiếng gọi miên viễn, tiếng gọi trong chốc lát mà thành thiên thu, thành minh triết cho một hồn thơ:

Lòng thôi tròn khuyết theo trăng
Tình còn cắm bến My Lăng gọi đò

Giải mã thơ Yến Lan từ góc nhìn địa - văn hóa không phải là cách tiếp cận duy nhất, nhưng nó là cách tiếp cận có cơ sở để hiểu và làm đầy nghĩa, làm mới nghĩa cho thơ ông dựa vào phê bình thực chứng - lịch sử của G. Lanson và phê bình nhân học - xã hội của H.Taine. Những ký ức, cổ mẫu trong thơ Yến Lan như thành Bình Định, sông trăng, ông lái đò, người con gái đẹp, mẹ… chính là những hình tượng có nội hàm riêng gắn với vùng đất cũ thành Bình Định/ Đồ Bàn mà Yến Lan đã sống trải trong sinh quyển ấy trọn tuổi ấu thơ và tuổi thi ca. Vì vậy, nó không thể không ám ảnh và trở thành máu thịt của ông trên suốt hành trình sáng tạo. Điều này được Yến Lan suy nghĩ về nghề văn rất chân thành và trách nhiệm: “Qua hơn nửa thế kỷ học tập, tìm tòi, ôn luyện, tôi tự thấy mình xứng đáng là một người cầm bút có nhiều ấp ủ, nhưng cái chính là tâm hồn được soi sáng qua sự hiểu biết tâm lý xã hội, cuộc sống con người. Đó là yếu tố cho nội dung tác phẩm. Nhà văn phải tự tạo lấy vị trí của mình, thành tài năng đích thực của mình, tức là phong cách” [3, tr.1255]. Muốn vậy, phải chọn và gắn bó máu thịt với một vùng đất thi ca và biểu hiện vùng đất ấy thành ngôn từ - hình tượng - tư tưởng mang tâm thức địa - văn hóa riêng, tạo thành chất thơ riêng, thi pháp riêng.

*

Ngày nay, hơn nửa thế kỷ nhìn lại, nhóm thơ Bình Định đã làm tròn trọng trách lịch sử - thi ca của mình. Mỗi người mỗi hương hoa, mỗi âm thanh, mỗi màu sắc đã góp phần làm cho khu vườn văn học dân tộc thêm nhiều đỉnh cao, tỏa sáng, tỏa mát, tỏa hương trước dòng thời gian vĩnh hằng. Những biệt danh và cụm từ cao đẹp mà Hoài Thanh - nhà tiên tri, “người ca sĩ của Phong trào Thơ mới” (GS. Đỗ Đức Hiểu) đã gắn vào thơ của họ vẫn còn nguyên giá trị và được các thế hệ nghiên cứu lớp sau bổ sung nhiều định ngữ mới cao sang, quý giá. Hoàng Diệp mơ màng đã ra đi; Bích Khê - thi sĩ thần linh, Hàn Mặc Tử - ngôi sao chói lòa, rực rỡ đều đã ra đi từ rất sớm; Xuân Diệu - hoàng tử của thi ca cũng ra đi; rồi Quách Tấn ra đi; Chế Lan Viên - nhà thơ lớn, người làm vườn thi ca vĩnh cửu cũng ra đi. Chỉ còn lại Yến Lan - ngồi lại trong bảng lảng hoàng hôn vọng Bến My Lăng. Ông là người cuối cùng của nhóm thơ Bình Định chứng kiến hành trình thi ca đầy vinh quang, ngoạn mục của những tuấn mã thơ Bình Định, giờ cũng đã ra đi. Vâng, họ đã ra đi, nhưng những dòng sông thơ của họ vẫn dạt dào giữa cõi người.

H.T.H
(SHSDB38/09-2020)

 

 

 

Các bài mới
Tiếng gọi cửa (17/12/2020)
Uống cùng Huế (15/12/2020)
Các bài đã đăng
Hoa trong nón (17/11/2020)