NGUYỄN ĐỨC SƠN
Nắm chặt cái thư mỏng trong tay, Lan biết chắc chắn cái việc nàng lo từ hai ngày nay đã bất thành một cách thảm hại. Lan muốn cắn lưỡi tự vận.
Nàng cảm thấy nhục nhằn không phải chỉ lần này. Nàng còn mơ hồ trông thấy nó ở trước mắt trong một tương lai vô hạn. Nàng bước vội khỏi nhà Nga, phóng nhanh lên chiếc vélo cũ mượn của Thư, người bạn gái không thân lắm ở gần cư xá nữ sinh viên trường Trần Quý Cáp. Lan tưởng tượng hành động và bộ điệu của nàng lúc đó phải giống con trai, những đứa con trai hư hỏng thường dẫn vélo đi cả ngày. Lan chỉ muốn được òa lên khóc. Nhưng nước mắt chỉ rươm rướm ứa ra. Và Lan dằn lòng được ngay. Lan khó nhọc đạp vélo ra khỏi hẻm. Thỉnh thoảng nàng phải đứng xuống dắt đi vì nàng đã mệt nhoài. Con hẻm ở đường Phan Đình Phùng này khá dài. Đất đá lại gồ ghề dễ vấp. “Mẹ ơi”. Lan chỉ có thể kêu lên những tiếng nhỏ trong miệng như vậy. Đôi lúc nghe một tiếng động xào xạo sau lưng, Lan giật mình tưởng như có người nào đi sát sau nàng, đã nghe được tiếng than của nàng, đã đọc thấy qua dáng dấp kia của nàng cả một công việc nhục nhằn. Khoảng đường này thường ồn ào luôn, bây giờ trở nên im vắng. Có lẽ tại những đợt mưa mới vừa rải qua và không khí ui ui khiến không ai muốn ra đường. Một vài chiếc taxi chạy vụt qua để lại một ít bụi cát và khói xăng. Ra đến đầu hẻm, Lan nghe rõ tiếng gọi từ một tiệm chạp phô bên trái: “Thưa cô…!” Lan hiểu ngay. Đó là tiếng nói của một anh sửa xe đạp và xe gắn máy đang mời gọi. Anh ta tưởng Lan đãng trí và cầm chắc một mối lợi nhỏ trong tay. Lan muốn giả lơ. Nhưng vì gần quá, Lan chỉ giơ tay vẫy nhẹ từ chối. Anh sửa xe chắc hẳn tin rằng xe của Lan không hư hỏng gì cả, chỉ tại người chủ của nó thích dẫn bộ cho khỏe người. Mà thật ra xe đó cũng không hư hỏng gì cả tuy nó quá cũ. Chỉ tại hết xăng. Buổi xế khi đến đại học xá mượn, người bạn đã cho biết điều đó. “Không hề gì”, Lan nói như thế làm cho người bạn tưởng đâu Lan sẽ đổ xăng ở một trạm Shell nào đó gần nhất đại học xá. Thực ra Lan chỉ dẫn bộ từ đó đến nhà Nga. Nàng dẫn như vậy đến hai lần rồi. Vòng thứ nhất Lan dẫn theo lối khu cư xá công chức ở đường Phan Thanh Giản. Lần đó Lan đã không gặp Nga. Vòng thứ nhì, muốn tránh những cặp mắt soi bói, nàng dẫn vào từ một đường hẻm ở Phan Đình Phùng. Cả hai lối đều dẫn đến nhà Nga. Bây giờ Lan đã mệt nhoài. Hơi đất sau trận mưa nhỏ hắt lên làm Lan khó chịu. Lan nhảy mũi một cái nhẹ. Cơn nhảy mũi muốn tiếp diễn nhưng Lan không đủ sức. Mỗi lần như vậy Lan tức bực và lo lắng. “Mẹ ơi”. Lan lại kêu nhỏ nhiều lần trong miệng. Lan muốn đi mau về nhà trọ. Nhưng nàng không thể leo lên vélo đạp đỡ. Như vậy đối với một đứa con gái chướng lắm. Hơn nữa Lan thấy bức rức trong người. Trời bỗng nhiên nắng cao rồi lại sa sầm xuống. Lan đưa một tay rờ ở ngực và trán. Nàng muốn chết. Nàng chỉ muốn chết giữa lúc này. Cả thân người và đầu óc choáng váng. Nàng lại đói từ ba hôm nay. Nàng không hiểu người ta sẽ có những ý nghĩ gì về nàng khi biết rõ sự thực đó. Tưởng tượng một đứa con gái, một sinh viên - vâng, Lan đang học năm thứ hai trường luật - chết vì đói ở giữa Saigon, chắc không ai muốn tin, nhất là khi đứa con gái đó đẹp. “Vô lý, không thể được, không thể được”. Lan nói một mình. Lan nghĩ đến những đứa bạn: Chẳng hạn Thư, con bạn học Văn khoa cho nàng mượn vélo. Nó sẽ nghĩ gì khi chuyện kia xảy ra. Mồ hôi đã bắt đầu tươm ra và thấm cả áo, nhễ nhại trên trán và tóc. Đầu óc Lan nóng bừng. Một chiếc xe hoa kỳ vùn vụt lướt qua. Lan tưởng tượng mình đã đâm đầu từ lúc trước và chiếc xe đã cán nát người nàng. Lan tưởng tượng mình đã chết. Nàng không sợ chi hết. Như vậy là mọi việc xong xuôi. Nàng đã nhẹ nhàng êm ả. Đến một khúc đường gần một quán ăn, Lan suýt vấp ngã. Nàng chăm chú đến một chiếc xe bánh mì thịt của một người Trung Hoa đang đậu dưới mái hiên. Những trái ớt treo thành chùm đỏ lói. Những khúc dồi căng bóng khêu gợi. Lan như đánh hơi được mùi thơm của thịt và bánh mì. Trong một phút ý thức, Lan quay mặt đi chỗ khác, cảm thấy xấu hổ hiện lên mặt. Lan tưởng tượng có ai dòm thấy và biết được sự thèm muốn sơ đẳng đó. Trời, có thể nào một sinh viên như Lan mà bây giờ, tại đây, đang khát khao một chút bánh mì thịt? Những đứa bạn con trai và con gái hiện đang ngồi trong lớp nếu biết được việc đó chúng sẽ nghĩ ra sao. Có lẽ có nhiều đứa bỏ học cỡi vélo, vespa hay lái xe hơi đến đậu một chỗ nào gần đó để nhìn cái hiện tượng quái dị kia. “Lan ơi, bao nhiêu năm nay mày đã làm gì, mày đã suy nghĩ chưa, mày sống trong ảo mộng, mày đuổi bắt cái gì, để đến bây giờ mày đứng trước ngõ cụt?” Lan nói nhỏ cho riêng mình nàng nghe. Câu nói không thành tiếng. Giờ phút này, Lan mới thấy mình thua sút hẳn các bạn, kể cả những đứa Lan khinh ra mặt. Con Hoa, con Thu là hai đứa học dốt nhất lớp mà bây giờ cũng có một đời sống đàng hoàng. Hai đứa đó bắt ngang con đường học vấn khi mới đỗ trung học. Chúng vào Quốc gia Sư phạm, đã ra trường từ mấy năm nay. Lãnh lương một tháng gần năm ngàn. Con Hoa chịu khó học thêm đã đỗ xong phần hai, đang dự định chồng tiền phí tổn lại chính phủ để ghi tên học Dược khoa. Con Hằng không đẹp lắm sau khi đỗ phần một đã lấy chồng và an phận. Còn những đứa khác, có đứa trước kia cũng chỉ có một hoàn cảnh sống tạm đủ như Lan bây giờ cũng khá hết. Một vài đứa học Văn khoa, một vài đứa học Khoa học, một vài đứa vào Đại học Sư phạm, một ít đứa khác đã đi ngoại quốc. Tất cả đều có một chân đứng trong đời sống. “Tụi con gái biết khôn và thực tế sớm lắm nên không thể có đứa nào hỏng chân thình lình như những đứa con trai mặt cứ ngó lên trời và chạy theo ảo ảnh”, Lan nhớ lại câu nói của một người bạn trai mà nàng cho là đúng. Lan thấy tất cả bạn gái của nàng đều như vậy. Và đó là điểm khác biệt của Lan đối với chúng. Nên nhiều lúc Lan thấy mình như con trai, đúng như lời một người bạn trai cùng lớp hiện đang viết văn, không ưa nàng lắm, nhưng có những nhận xét thành thật: “Chị thuộc vào hạng con gái cao cấp và hạng này, tôi không nịnh chị đâu, rất hiếm hoi. Nhưng nếu chị bằng lòng làm hạng con gái đó chị sẽ…”. Mãi đến bây giờ Lan mới hiểu những phẩm từ có thể lấp kín câu nói của người bạn kia, câu nói lỡ dở vì ái ngại, cái ái ngại luôn luôn có nơi một người con trai khi nói trước mặt một đứa con gái những nhận xét thật tình chua xót về đối tượng đó. Lan nhận thấy tất cả những đứa bạn nàng hình như đứa nào cũng có một cái gì chống đỡ như cả một gia đình, một người mẹ, một người anh, một người bác, một người thân thuộc, một công sở, một việc làm gì đó. Nàng chưa thấy một đứa nào thình lình có thể rơi vào chỗ túng thiếu như Lan. Nhưng tại sao trời không sinh nàng làm con trai, chúng nó xoay xở rất tài tình. Lan từng trông thấy tận mắt một sinh viên Văn khoa lãnh báo đi bán suốt một tháng để có tiền ăn tiện tặn cho hai tháng. Bọn họ xông xáo rất giỏi, khinh thường tất cả. Nhưng Lan, dầu sao Lan cũng là con gái. Bất giác Lan thở mạnh. Mồ hôi tuôn ra ướt sẩm cả người. Mưa lại bắt đầu rơi ở đằng xa. Mây ở phía đó đen lại như khói mù bay lên từ một nhà máy điện. Lan rùng mình như có một luồng gió lạnh lẻn vào xương sống. Chốc chốc Lan ớn lạnh. Nàng mong có một chút dầu khuynh diệp hay nhị thiên đường để làm át hơi đất. Lan dắt xe đến gần một sạp báo thì chân nàng cũng vừa khuỵu xuống. Lan nghĩ nếu bây giờ đang đi trên một chiếc cầu, nàng sẽ ngó trước ngó sau thừa cơ hội vắng người nhảy bổ xuống sông sâu. Ùm! Lan tưởng tượng tiếng nước một con sông nào đó sẽ xáo động lên khi thân thể nàng rơi xuống. Rồi sẽ không còn gì nữa. Và mặt nước sẽ trở nên bình lặng xuôi dòng như cũ. Lan chúi cả tâm hồn vào ý nghĩ đen tối kia. Có lúc nàng chậc chậc mấy tiếng nhỏ trong miệng như người đang mê. “Không thể được”, bất giác nàng nói lên thành tiếng. Cả một cái dĩ vãng tranh đấu cho bản thân kéo dài đến hôm nay, bây giờ nàng bị quật ngã hay sao. Lan rướn người về phía trước. Nàng có cảm tưởng sức mạnh trong người nàng trôi đi đâu hết. Cơ hồ nàng dẫn vélo không nổi. Nàng tiếc hối không chịu mang xe đạp của chính nàng đi. Chiếc xe đầm tuy cũ và lỗi thời nhưng trông thanh lịch như mọi người vẫn nói. Nhưng việc thất bại rồi nàng mới nghĩ đến việc đó. Thật ra chiếc vélo dễ gây ấn tượng hơn, dù chỉ là một chiếc vélo cũ và hư máy. Không những nó có sức làm tăng lên sự mạnh dạn của nàng khi vào nhà Nga, ngồi trước mặt Nga, trước người chồng Nga, trước đứa tớ gái và cả trước đứa con nhỏ hai ba tuổi của Nga, mà nó còn giúp nàng phương tiện đi đỡ mệt. Ai ngờ xe hết xăng. Đến bây giờ thì Lan không còn lấy một đồng trong tay, không còn lấy một đồng ở nhà, trong rương, trong tủ sách, trên giường. Lan tủi hổ quá chừng. Người ta không thể tưởng tượng được một đứa con gái không có tiền sẵn trong tay, nhất là khi đó là một đứa con gái lớn, một sinh viên, nghĩa là một người dù sao cũng có địa vị đáng kể nào, và nhất là khi đứa con gái đó sống một mình. Lan bắt đầu đói thật sự từ nửa tháng nay, sau khi người chủ gia đình một nhà có mấy đứa con giao nàng dạy kèm từ hai năm nay thình lình từ chối. Ngày được tin sét đánh đó, nàng chạy về nhà òa khóc. Nàng cũng không trách ai. Người chủ kia buôn bán giàu có nhưng không hiểu vì lý do gì bại sản thình lình. Vậy mà từ lâu Lan cứ tưởng đó là một điểm tựa bền vững nhất của nàng. Nàng chịu đựng một tuần. Nàng định đi cầm cái đồng hồ, món độc nhất có thể bán được. Nhưng đó là của người bạn cho nên cũng không có biên lai nên hơi chướng. Mà đồng hồ cũng quá cũ, dù có can đảm đi bán cũng không được bao nhiêu. Nàng gửi liền hai lá thư cầu cứu. Một cho ông chú làm tiểu công chức ở Dalat và một cho mẹ ở Phú Yên. Nhưng nàng không nhận được hồi âm. Điều ấy không có gì lạ vì người mẹ và cả người chú quá nghèo, túng bấn luôn. Bây giờ Lan đã đậu xe sát bên một sạp báo bỏ trống. Nàng thở từng cơn nhẹ, ngắn, dồn dập. Đầu nàng bắt đầu nặng, muốn gục xuống. Lan cố gắng lắm mới giữ được thăng bằng. Nàng giơ một tay lên sờ trán. Từ nãy giờ Lan quên đi cái thư. Bây giờ nàng hồi hộp. Nàng cố nuôi một hy vọng dù là mong manh. Biết đâu chẳng có tờ giấy 200 đồng ép vào trong đó. Thứ giấy trăm này vốn đã mỏng, hễ cũ thì mềm nhũn, có thể nằm giữa cái tờ giấy học trò xếp đôi và cái bì thư một lớp thông dụng - thứ hết sức thô xấu - là không gây được ấn tượng khác lạ nào cho người cầm thư. Nhưng tại sao phong bì lại để mở và Ngân - chồng Nga - có vẻ ái ngại khi trao cho Lan? Cách đây được một tuần, túng quá Lan có ghé đến Nga hỏi vay vài trăm bạc. Hôm ấy nhà Nga có khách nên Lan khôn khéo viết vào bìa một cuốn sách cầm theo đưa cho Nga xem: “Chị cho vay 200 đồng vì khẩn thiết, khéo léo đừng để bất cứ ai biết, nhất là… cám ơn lắm.” Nga đã viết trả lời vào sách đó cho Lan biết ngày không có chồng nàng ở nhà để Lan đến thì dễ dàng hơn. Trưa nay, đúng hẹn, Lan đến lần thứ nhất không gặp Nga. Lần thứ nhì nàng nhận được thư Nga trả lời do Ngân trao lại. Lan đã biết việc bất thành. Vậy mà bây giờ bỗng nhiên nàng lại hy vọng. Không nghĩ ngợi hay chờ đợi gì nữa, Lan kéo nhanh lá thư ra. Không có gì cả. Trên miếng giấy học trò kia chỉ vỏn vẹn có mấy chữ: “Lan mến. Việc nhờ Nga giúp vì vội quá không tính toán được. Thật đáng tiếc. Thân, Nga.” Lan thật hoàn toàn thất vọng. Nàng không ngờ Nga đối đãi quá tệ bạc như vậy. “Dù sao vẫn còn một chút gì chứ, Nga ơi!” Lan kêu lên một tiếng nhỏ tuyệt vọng. Nàng gục đầu xuống tay lái, đứng nép vào mái hiên để tránh những giọt mưa lưa thưa bắt đầu bay vào. Mây mù giăng bốn phía. Trời đã ngã sang chiều. Lan tưởng tượng đến căn phòng trọ vô giác, trống lặng mà lát nữa đây nàng sẽ giam thân trong đó. Nàng nghĩ đến những chồng sách khô khan. Nàng nghĩ đến chai nước uống đã cạn từ hơn một ngày nay và ở đáy đã đóng một lớp bợn vàng. Chút nữa đây Lan sẽ về đó, gõ cửa phòng bên cạnh xin cô y tá trẻ độc thân sống ở đó một ít nước sôi, nàng sẽ pha ít trà thật đậm để uống cho tỉnh táo rồi nghĩ đến những cách làm ra tiền. Lan nghĩ đến Hạnh - tên cô y tá - và cuộc đời không vướng bận chút âu lo. Hạnh sống để hưởng thụ. Hạnh làm ở bệnh viện Chợ Rẫy không có lương bao nhiêu nhưng nàng vẫn ăn diện xài phí nhờ nàng sống bằng nghề khác vào ban đêm, nhiều khi cả ban ngày. Lan thường cảm thông và hiểu được hạng người đã sa chân phải làm cái nghề đau đớn. Nhưng trường hợp Hạnh thì khác. Hình như trời sinh ra Hạnh để làm thứ nghề đó. Cái nghề tối cần thiết nhưng thường bị khinh miệt. Hạnh ở sát phòng với Lan, phân cách bởi một tấm vách carton. Chiếc giường Lan lại kề sát giường Hạnh ở bức vách ngăn đó nên nhiều đêm Lan nghe rõ cả tiếng đàn ông nói chuyện bên kia. Cả tiếng cười đú đởn và tiếng nói thô tục nhất. Có hôm Lan nghe: “Này em Hạnh, cái cô bên kia làm nghề gì mà yên lặng thế?”. Tiếng Hạnh đáp nhỏ: “Sống một mình, đi dạy học”. “Chắc nghèo?”. “Không mua nổi một cái lò điện và một cái bình tích thủy nên thỉnh thoảng vẫn qua em xin nước”. “Trông xinh và hay đấy chứ, sao lại sống một mình như vậy nhỉ?”. “Thỉnh thoảng vẫn có một hai cậu đến thăm, đi vespa hay xe hơi cẩn thận.” “Hay là…” “Anh muốn nói cô đó cũng… như em và mấy chàng thanh niên kia cũng… như anh?”. “Chắc hẳn!” “Anh lầm, cô ấy là sinh viên, học luật!” “Học luật cũng phải cần tiền chứ, biết đâu, này em, tìm cách ướm thử… Bao nhiêu cũng được… Sinh viên mà!” Lan như còn nghe rõ mồn một lời nói trắng trợn, ngổ ngáo của người đàn ông đang tung bạc ra mua thịt người bên kia phòng nàng. Nàng phát rùng mình. Nàng tưởng tượng bây giờ nàng đã về đến căn phòng cô đơn kia. Và cuộc đời khổ nhọc từ bao năm qua. “Tại sao chị lại chọn nơi ở như thế nầy, chị không xin vào nơi đại học xá, hay một người quen nào khác? Sống một mình nguy lắm, lỡ đêm hôm trúng gió trúng máy khổ lắm!”. Một người bạn gái đã ái ngại nói với Lan những lời chân thành đó. “Tại sao, tôi cũng chẳng hiểu tại sao”. Lan tính trả lời như thế mỗi lần gặp những câu hỏi ái ngại tương tợ như vậy. Nhưng thấy câu trả lời không có nghĩa và có thể gây nghi ngờ gì đó cho người nghe nên Lan tìm cách nói những cái lợi rất gần. Như không muốn ai làm phiền đến mình. Tránh được những cặp mắt soi bói. Có thể ăn bánh mì với đường và uống nước lã hàng tháng ở trong đó mà không ai biết được để thương hại hoặc khinh bỉ. Lan chỉ có thể đưa ra những lý lẽ tương tự như vậy. Còn lý lẽ sâu xa thì chính Lan, Lan cũng không hiểu nổi. “Chị thuộc vào hạng con gái cao cấp và hạng này… rất hiếm hoi”. Lan như nghe lại cả câu nói người bạn trai viết văn và vốn có những nhận xét tinh tế về mọi người. Nhưng thực ra chính Lan cũng không thể hiểu được nàng. “Mày muốn gì Lan ơi!”. Rất nhiều khi Lan nói lên một mình trong đêm khuya vắng như vậy và nàng thấy hậm hực nơi ngực muốn bỏ đi đâu mất. Chốc nữa đây, về nhà, Lan phải làm gì? Có lẽ nàng phải thu xếp một ít sách để ngày mai đi đến những gian hàng bán sách cũ gạ bán để kiếm một ít tiền. Lan nhớ một đôi lần nàng mang sách cũ đi bán. Lan thường đi vào buổi trưa khi mọi người đã bắt đầu ngủ và cái hè phố Lê Lợi bấy giờ tương đối vắng người. Lan bực nhất là những gian hàng bán sách đó cứ sát vào nhau và gần như lúc nào cũng có một hai người đứng dòm ngó. “Tôi muốn để lại một ít sách cũ”, thu hết can đảm, Lan mới bật nói được một câu như vậy. Nàng nhìn qua nhìn lại, ngại có một người nào quen biết chứng kiến cái cảnh mua bán kia. Vậy mà có một lần Hạnh - cô y tá sát ở bên phòng - và một thanh niên ăn chơi đi với Hạnh đã trông thấy. Lúc đó Lan bối rối muốn độn thổ. Nàng không coi Hạnh và thanh niên kia vào đâu. Nhưng chúng ở sát bên nhà phiền lắm. Vậy là họ đã đoán được thực trạng của Lan. Cho nên mới có chuyện láo xược, ngổ ngáo xảy ra. Đó là một bức thư không biết của ai quăng vào phòng Lan mới đây cách độ một tuần. “…Nếu cô thuận, mỗi lần trông thấy cánh cửa trái hé mở và có ánh đèn chiếu sáng trong đêm, tôi sẽ tìm đến cô. Cô là một sinh viên. Tôi muốn ôm một người có học thức với bất cứ giá nào. Mỗi đêm khoảng 12 giờ tôi thường từ Chợ Lớn lái xe về ngang qua đây…”. Lan đã bao lần rùng mình khi đọc lại trong trí những đoạn trong bức thơ của kẻ lạ mặt kia. Có lẽ là của một thương gia vốn thường đi với Hạnh. Chắc là hắn đã biết rành rẽ nỗi túng khó của Lan qua lời Hạnh. Lan không hiểu sao nàng gặp chuyện khốn nạn như vậy. “Có thể nào không, mình có chống cự nổi hai bàn tay và dục vọng thú vật vũ bão của nó không?” Lan nói thầm. “Đêm nay, có thể lắm, hãy tìm cách cho hắn chết tức tốc khi vừa ôm lấy mình. Bằng cách nào đây? Một nhát dao. Dám không Lan? Và việc gì xảy ra khi nhà chức trách phát giác. Và Lan, Lan ơi, những bạn bè, những đứa con trai con gái sẽ nghĩ gì về mày?” Lan rùng mình liên tiếp mấy cái. “Đứa con gái giết người sau khi đoạt một số tiền đáng kể của một tên thương gia. Chuyện đó có kinh dị lắm không? Có quái gở lắm không? Và thằng đàn ông khao khát xác thịt kia. Được rồi, nó đáng chết lắm”. Nghĩ đến đó Lan thấy tối tăm mặt mày. Bây giờ Lan đã dẫn xe đến đường Lê Văn Duyệt. Trời u ám nhưng không mưa được. Những đợt gió bất thường ở đâu lùa đến làm Lan ớn lạnh. Nếu không gượng giỏi, Lan đã gục ngã giữa đường nhiều lần rồi. Đèn đường đã bắt đầu thắp sáng. Xe cộ qua lại ồn ào, gây những tiếng động và âm thanh làm nàng muốn ọe. Nàng nghĩ đến Nga. Giờ này chắc hẳn đang ngồi vào mâm cơm với chồng. Cái hạnh phúc tầm thường đó bây giờ Lan thấy cần thiết. “Phải rồi, tụi nó khôn ngoan hơn mình hết. Chỉ có mình là một đứa con gái ngốc. Mày tìm kiếm gì trong bao năm nay, Lan, Lan? Có lẽ một đời mày chỉ bơ vơ như chiều nay,” Lan vừa nghĩ đến đây thì đèn công lộ ở ngã tư Lê Văn Duyệt - Trần Quý Cáp cũng vừa bật đỏ. Xe máy, xe gắn máy, xích lô, xe hơi, những bộ hành thình lình bị dồn lại để chờ đèn xanh. Khói xăng, tiếng động cơ làm Lan ngạt thở. Phải qua một ngã tư ồn ào náo động này và một ngã tư khác tương đối yên lặng hơn mới đến lại đại học xá. Dù sao Lan cũng phải trả xe và phải về. Lan ngẫm nghĩ: “Nhưng về đâu Lan ơi!”. Căn phòng thuê 300 đồng một tháng kia có phải là nơi trở về của nàng không, dù chỉ là tạm thời trong vài tháng, một hai năm? Khu Phú Nhuận nằm bên con sông nhỏ có thả rau muống hiện ra trước mắt Lan, nơi nàng tạm trú từ mấy năm qua. Lan như trông thấy những ngọn đèn dầu tỏa ánh sáng yếu ớt của từng gia đình phần đông nghèo hoặc dư giả chút đỉnh. Giờ này chắc hẳn những chủ gia đình đạp xích lô, đi taxi, làm thợ, công chức hạng nhỏ đã trở về ăn cơm. Cả cô y tá Hạnh chắc cũng trở về nằm nhà đọc sách báo phim ảnh lăng nhăng chi đó, mở radio nghe nhạc ngoại quốc, hoặc đang đú đởn với một thanh niên nào đó. Bỗng Lan kêu lên một tiếng thất vọng: “Thôi rồi hôm nay thứ sáu, đúng là phiên trực của Hạnh ở bệnh viện”. Hạnh sẽ không về suốt đêm nay. Căn phòng của Hạnh sẽ tối đen và im vắng. Cả cái dãy nhà này cũng sẽ im vắng. Mụ chủ nhà sống một mình đêm đêm vẫn vào sâu trong xóm đánh bạc, những canh bạc nhỏ thôi vì mụ cũng không phải là hạng khá giả và dân xóm đều nghèo. Mụ chủ sống cô độc và đánh bạc hẳn là một thú vui hay ít ra cũng đủ mãnh lực tạo thành một thứ giải trí lấp được những khoảng trống buồn chán đời người đối với mụ. Lan cảm thấy cô đơn. Và cô đơn cứ nới rộng ra và trùm lấp xuống tâm hồn nàng. Lan bỗng ao ước sự có mặt của Hạnh đêm nay ở căn phòng bên cạnh này, không phải để Lan có thể qua xin một ít nước sôi để pha trà, không phải thế đâu. “Không phải thế đâu”. Lan tự nói và lắc đầu để nghĩ tiếp liên tưởng của nàng. Chưa lúc nào Lan thấy nàng tầm thường như vậy. “Có lẽ rồi mình cũng như bọn họ hết, không sớm thì muộn”. Lan muốn khóc. Nàng lại nghĩ đến Thu, đứa bạn học Quốc gia Sư phạm, đã ra trường từ lâu, đang dạy một trường tiểu học ở miệt Phú Nhuận này và đã có chồng. Nhà Thu ở trái đường với nhà Lan. Nhưng Lan ít khi đến chơi không phải vì lý do đó mà vì nhiều lý do khác. Bây giờ nàng có thể đi ngang đó, làm bộ đi chơi đâu về bị ốm thình lình. Chắc hẳn Thu sẽ săn sóc Lan, lấy thuốc cho Lan uống và biết đâu sẽ pha cho nàng một ly sữa. Nhà Thu đủ cả tiện nghi và đủ cả thức ăn. Nhưng lâu lắm rồi, có lẽ gần nửa năm nay, vì lý do này hay lý do khác, Lan không có dịp đến chơi. Bây giờ Lan đến sao, đến để nhận một ơn nghĩa, để làm phiền người ta, dù sự làm phiền không đáng kể, “Lan ơi, Lan ơi, bây giờ mày đã rõ mày chưa, đứa con gái hai mươi bốn tuổi rồi. Trời ơi hai mươi bốn tuổi rồi, mày đã làm gì, nghĩ gì. Mày thua lỗ tất cả. Lan, Lan, Lan ơi.” Sự thật thì Lan đã hai mươi bốn tuổi. Và mặc dù thường xuyên suy nghĩ và sống khó khăn, Lan trông vẫn đẹp và trẻ lắm, như đứa con gái hai mươi là nhiều. Bởi vậy nàng tự cho nàng “trẻ sau tuổi” để mỉa mai những đứa bạn gái luống tuổi mà tự dối gạt mình “già trước tuổi” như người ta vẫn thường nói. “Lan ơi, Lan ơi” nàng kêu lên những tiếng nhỏ, gần như từ vô thức. “Đêm nay, đêm mai và những ngày sắp tới, và hết cuộc đời đứa con gái này sẽ ở một mình trong những phòng trọ kia chăng? Lan ơi, Lan ơi, sao mày không tìm một mái nhà, dù là một mái nhà thuê lợp ngói tầm thường như nhà Nga?”. Lan nghĩ đến những thanh niên có địa vị xã hội đã theo nàng từ mấy năm nay. Một Huyên mới xong cái Tiến sĩ văn chương. Một Tùy mới xong cái kỹ sư điện. Một Nghĩa có một đồn điền trà mới lập ở gần Djiring. Tại sao, tại sao Lan không chui vào đó, vào những cánh tay và những tâm hồn kia để có một nơi che chở cho thể xác lẫn tinh thần? Lan tưởng tượng nếu tình cờ gặp bất cứ một Huyên, một Tùy, một Nghĩa, nào trong tình cảnh nầy chắc nàng sẽ sung sướng lắm. “Bất cứ đứa con gái nào muốn ôm một thứ mộng ước nào, trước hết dù muốn dù không cũng phải ôm chặt một thằng đàn ông như ôm cây cột cái đã”. Lan nhớ lại câu nói của Nga, khi Nga đi lấy chồng. Lan nhớ câu nói đó đã làm Thanh - bạn thân của Nga và của Lan cả buổi thiếu thời - phật ý. Và cũng từ giai đoạn đó, bộ ba Thanh, Lan và Nga hoàn toàn không còn gì liên lạc với nhau. Thanh đi tách hẳn một con đường riêng lạ. Thanh đã vào tu Dòng Áo Trắng sau khi đỗ Tú tài II. Thanh được một giáo sư linh mục đưa vào. Thanh không còn tham dự gì vào đời sống nữa. Cả Nga cũng vậy. Lan không biết thực ra trong thâm tâm Thanh đã có những ý nghĩ lạ lùng gì. Lan chỉ có cảm tưởng cả hai đều đầu hàng cuộc sống. Đó cũng là một lý do xui Lan ghi tên học luật, dù có sự ngăn cản của bạn bè, và dù thật ra Lan chỉ muốn học văn chương và triết. “Chị thuộc vào hạng con gái cao cấp… và đây chính là chỗ chết của Lan, Lan ơi”. Lan mường tượng lại tiếng nói của người bạn trai và mấy chữ do chính nàng thêm vào. Nàng lúi húi đi mau qua một ngã tư cuối cùng trước khi đến nhà Thư ở đại học xá trả xe cho bạn. Từ xa, Lan đã nhìn thấy ánh điện sáng trưng của phòng học trên lầu. Lan nghĩ đến lũ bạn bây giờ chắc đã bắt đầu học bài. Nàng giật mình khi nhớ lại đã bỏ học cả ngày nay, may mà không có thì giờ thực tập. Lan không biết tụi bạn đang nghĩ ngợi gì. Có điều chắc chắn là họ có một mái nhà để che chở dù mái nhà này khác hẳn mái nhà của Nga, của Thu. “Không phải, không phải nhưng ít ra…”. Nàng bỏ ý nghĩ khi chân vấp phải một khúc gỗ dùng làm cái bệ của anh sửa xe đạp nào đó đã bỏ về. Nàng thấy đau nhói và muốn bật khóc thành tiếng. Dù sao cũng phải trả xe, mượn đứa bạn một đồng bạc lẻ, đón chuyến xe buýt cuối cùng trong ngày về Phú Nhuận. Nàng giơ tay lên sờ trán vì cơn sốt đã bắt đầu tấn công. Một chiếc xe buýt ồn ào chạy ngang qua. Lan có cảm tưởng mình đã đi ngay chiếc xe buýt đó, nàng đang ngồi trên xe và không biết xe sẽ đưa nàng đi đến đâu. Ý tưởng kỳ quặc đó làm cho Lan rùng mình bật khóc thành tiếng. Và tiếng khóc đánh bạt Lan ra khỏi sự bắt đầu của một cơn mê ngắn mà ở đó nàng đang bềnh bồng trôi đến một cù lao cô đơn. “Mẹ ơi!” Lan không biết mình đã chới với kêu lên trong giấc mơ hay ngoài thực tại nữa.
1969
N.Đ.S
(TCSH380/10-2020)