Tạp chí Sông Hương - Số 380 (T.10-20)
Mấy suy ngẫm từ câu Kiều “Dọc ngang nào biết trên đầu có ai” ở bản Nôm chép tay của Hoàng gia triều Nguyễn
15:20 | 27/11/2020

NGUYỄN PHƯỚC HẢI TRUNG  

Trên Tạp chí Sông Hương số 379 (9/2020) và Báo Thừa Thiên Huế, tôi đã có giới thiệu lại cuốn “Truyện Kiều, bản Nôm của Hoàng gia triều Nguyễn, lưu trữ tại thư viện Anh quốc” do Nguyễn Khắc Bảo công bố (Nxb. Lao động ấn hành, 2017).

Mấy suy ngẫm từ câu Kiều “Dọc ngang nào biết trên đầu có ai” ở bản Nôm chép tay của Hoàng gia triều Nguyễn
Ảnh trích trong 'bản Kiều Hoàng gia' tờ 56a

Các bài viết này đã đưa ra các bằng chứng để lập luận rằng đây là bản Kiều do chính vua Tự Đức chép tay, trên cơ sở so sánh thư thể, xác định sự trùng khớp về các chữ “châu phê” (chữ đỏ) và nội dung truyện Kiều (chữ đen) trên cùng 01 trang tượng trưng (xin xem Sông Hương số 379 từ tr. 47 - 50).

Nhân 200 năm (1820 - 2020) ngày mất của Đại thi hào, Danh nhân văn hóa Nguyễn Du, Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế đã tổ chức chương trình tưởng niệm vào ngày 20/9. Tại diễn đàn này, tôi cũng đã có phát biểu giới thiệu lại bản truyện Kiều ấy. Sau đó, một số câu hỏi đã được đặt ra. Đáng chú ý là câu hỏi của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm về ứng xử của vua Tự Đức đối với câu “Chọc trời khuấy nước mặc dầu/ Dọc ngang nào biết trên đầu có ai” trong Truyện Kiều. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã đề nghị tôi tra cứu để xác định cụ thể chi tiết trên, bởi lẽ trước đây nhiều người cho rằng đọc đến câu này chính vua Tự Đức đã rất tức giận, đòi đánh đòn cụ Nguyễn. Một cách cảm tính tôi trả lời ngay, nếu là một người hiểu biết như Tự Đức chắc chắn vua sẽ giữ nguyên văn câu này, vì trên hết, nhà vua thừa hiểu đây là câu thơ nói về Từ Hải, chẳng có ý ám chỉ điều gì. Tuy vậy, tôi đã khẳng định là sẽ tra cứu để trả lời cụ thể đối với câu hỏi có tính gợi mở ấy. Kết quả tra cứu lại có thêm một số thông tin đáng quan tâm, nhân đây cũng xin chia sẻ cùng độc giả, đặc biệt đối với những ai quan tâm đến Truyện Kiều.

1. Không có chuyện vua Tự Đức tức giận khi đọc câu thơ “Dọc ngang nào biết trên đầu có ai” và đòi đánh roi tác giả

Việc vua Tự Đức không thích/ hoặc tức giận vì câu thơ “Dọc ngang nào biết trên đầu có ai” nói trên, thực tế cho thấy trước đây đã có nhiều người đề cập:

- Đầu tiên có lẽ là học giả Nguyễn Văn Vĩnh (1882 - 1936). Trên Tạp chí Sông Hương số 137 (7/2000), trong bài “Nguyễn Văn Vĩnh, một dịch giả uyên bác”, Thu Trang đã đưa đến một thông tin: “Ông Vĩnh cũng đã nhắc là vua Tự Đức đã không thích câu: Dọc ngang nào biết trên đầu có ai (trang 675 chú thích số 743)”;

- Sau này, có nhiều người khác tiếp tục đề cập, dù ban đầu xem đó là một sự kiện “hư hư thực thực”, nhưng rồi có người nghĩ ra một đoạn “đối thoại” mà người đọc cứ ngỡ như là được trích dẫn từ một nguồn nào đó. Trong tham luận đọc tại Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VII, ngày 23/4/2005, Trần Mạnh Hảo viết: “Tương truyền, vua Tự Đức là người rất mê Truyện Kiều (... ) Nhưng đọc đến câu thơ Nguyễn Du viết về Từ Hải: “Dọc ngang nào biết trên đầu có ai”, nhà vua đập bàn quát: “Bắt ngay Nguyễn Tiên Điền vào đây cho ta, quất cho 20 roi để gã biết trên đầu còn có ai hay không?”. Quan hầu thưa: “Muôn tâu Hoàng thượng, Nguyễn Tiên Điền tịch đã khá lâu rồi thưa Hoàng thượng!”. Nhà vua không thể rút lệnh đánh roi Nguyễn Du về được, bèn phán: “Treo cái án 20 roi ta ban cho Nguyễn Du lên giữa giời, để bọn văn nhân thi sĩ đời sau nhìn thấy gương tày liếp này mà liệu liệu cái thân phận bút nghiên thấp cổ bé họng thi với phú cứ thích chơi trèo!” (Ngô Minh trích lại nguyên văn đoạn này trong bài viết “Buồn vui Đại hội Nhà văn VII”, Sông Hương số 196 (6/2005);

- PGS.TS. Nguyễn Trường Lịch viết: “Chẳng phải tiếng tăm về các vị vua chúa, quan lại triều đình cùng các bậc khoa bảng từ bao đời nay vẫn còn mơ màng sương khói chuyện cũ, khó lòng sáng tỏ hư thực. Ví như chuyện vua Tự Đức nổi giận khi đọc đến câu thơ trong Truyện Kiều, nói về Từ Hải: Chọc trời khuấy nước mặc dầu/ Dọc ngang nào biết trên đầu có ai. Vốn là vị vua ham mê thơ phú, nhưng Ngài liền nổi máu quyền lực, quát lớn: Giá mà Nguyễn Du còn sống thì phải đè ra đánh 30 trượng!” (Trang thông tin điện tử của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam 14/5/2010, truy cập lúc 8g52 ngày 21/9/2020);

- Nguyễn Văn Toàn viết: “Có giai thoại rằng, sau khi đọc Truyện Kiều, vua Tự Đức bỗng dưng đùng đùng nổi giận: “Nếu Tố Như (tên tự của Nguyễn Du) mà còn sống, phải nọc nằm xuống đánh cho 30 roi!”. Bởi khi viết về Từ Hải, Nguyễn Du đã viết: “Dọc ngang nào biết trên đầu có ai!”, đó là hình ảnh của Nguyễn Huệ ngày xưa trong liên tưởng của Tự Đức. Bởi qua thơ, vua Tự Đức thường xét lập trường chính trị của tác giả”. (Văn hóa Phật giáo số 228, ngày 01/7/2015, trang 10, nhiều trang web dẫn đăng lại);

- Và còn nhiều trường hợp khác nữa.

Trở lại cuốn sách “Truyện Kiều, bản Nôm của Hoàng gia triều Nguyễn, lưu trữ tại thư viện Anh quốc” (từ đây gọi tắt là Bản Kiều Hoàng gia), có thể thấy, đây là một bản Kiều của nhà vua vì điển lệ bìa bằng vải màu vàng, dệt hình rồng, mặt rồng ngang, thân uốn khúc, chân năm móng bấu vào mây ngũ sắc, trang trí xung quanh nền là họa tiết dệt hình bát bửu. Tính chất của họa tiết rồng năm móng đưa đến nhận xét đầu tiên, đây là bản của nhà vua “ngự lãm”.

Thông tin, căn cứ đã đầy đủ cơ sở để khẳng định bản Truyện Kiều đang xét là sở thuộc của Hoàng gia, cụ thể đối tượng sở thuộc là của vua, vua ở đây là vua Tự Đức. Và như vậy, nếu vua Tự Đức không thích/ hoặc tức giận bởi câu “Dọc ngang nào biết trên đầu có ai” thì câu đó ắt hẳn không có cơ hội tồn tại trong Bản Kiều Hoàng gia. Ở tờ 56a trong bản Kiều này, câu thơ ấy (tức là câu 2471, 2472) vẫn giữ y nguyên: “Chọc trời quấy nước mặc dầu/ Dọc ngang nào biết trên đầu có ai”. Hình ảnh này là minh chứng cụ thể:


Xin nhắc lại, sinh thời vua Tự Đức là người say mê Truyện Kiều, hai câu cuối trong bài “Tổng từ” cho Truyện Kiều, vua Tự Đức viết: “Trích hoa ly tảo phân đề vịnh/ Nhị thập hồi trung mặc thái nghiên1 (Rực rỡ gấm hoa đề chữ vịnh/ Hai mươi hồi ấy mực lung linh). Cũng cần nói thêm là, tất cả các bản Truyện Kiều (trong đó có 10 bản xuất hiện dưới thời Tự Đức: gồm 6 bản khắc in, 4 bản chép tay) thì câu “Dọc ngang nào biết trên đầu có ai” này đều giữ nguyên, không có sự thay đổi nào. Điều đó còn tạo nên một cơ sở để củng cố thêm cho lập luận đã đề cập.

Cần nói thêm điều này, say mê Truyện Kiều, say mê chữ Nôm đã tạo nên sự tương tác trong sáng tạo của vua Tự Đức. Trong các vua Nguyễn, dường như chỉ có vua Tự Đức mới sử dụng chữ Nôm trong sáng tác. Các bài thơ như Ngẫm sự đời, Mừng đặng mưa, v.v. bằng chữ Nôm của nhà vua được lưu truyền qua văn bản và truyền tụng qua khẩu ngữ đến giờ. Đặc biệt, vua Tự Đức còn góp sức “phổ cập” chữ Nôm qua tác phẩm “Tự Đức thánh chế tự học giải nghĩa ca”. Đây là một bộ sách gồm 13 quyển viết theo thể lục bát bằng chữ Hán và chữ Nôm, lấy chữ Hán để học chữ Nôm và ngược lại, xin trích 4 câu: “Thiên trời, Địa đất, Vị ngôi/ Phúc che, Tái chở, Lưu trôi, Mãn đầy/ Cao cao, Bắc rộng, hậu dày/ Thần mai, Mộ tối, Chuyển xây, Di dời”. Việc sắp xếp mục từ của nhà vua trong quyển sách này rất khoa học vì đã tạo nên tính hệ thống và logic 2. “Tự Đức thánh chế tự học giải nghĩa ca” có 4.572 câu gồm 32.004 chữ (16.002 chữ Hán và 16.002 chữ Nôm). Đó quả là một giáo khoa thư có một lượng chữ khá lớn, nếu thủ đắc được ắt sẽ tinh thông Hán Nôm. Điều ấy cho thấy, thích chữ Nôm, yêu Truyện Kiều là sự tương hợp trong tình cảm của vua Tự Đức.

2. Về một lối suy diễn trong cách viết đã làm méo mó thực tế

Như đã nói, khi viết về vua Tự Đức và Truyện Kiều, tuy các tác giả nêu trên có viết là “tương truyền”, nhưng vì lẽ muốn chứng minh rằng Nguyễn Du là người có khí phách, cũng vì lẽ “ám ảnh” định kiến cố hữu về triều Nguyễn và cả về vua Tự Đức nên đã đẩy câu chuyện theo hướng tiêu cực về phía nhà vua. Nhiều người đã cho là vua Tự Đức rất tức giận vì Nguyễn Du dám “coi trời bằng vung”, xem thường tôn ti, thứ bậc, có ý ngạo nghễ, kiêu bạc, v.v. Điều này là không những không công bằng mà còn làm méo mó thực tế. Đáng nói là tác giả Trần Mạnh Hảo và Nguyễn Văn Toàn không chỉ dừng lại ở mức độ “tương truyền” mà còn đẩy câu chuyện xa rời thực tế khi dẫn dắt, suy diễn câu chuyện theo ý riêng. Ở đây, không thấy các tác giả trưng dẫn từ nguồn nào, có lẽ xuất phát từ lời kể, hay là những câu chuyện đồn thổi lưu truyền trong dân gian chăng? Hoặc có thể là tiếp nhận từ cách đánh giá của Trương Tửu qua: “Hình bóng của anh hùng Nguyễn Huệ bao trùm cả thời đại đã làm cơ sở hiện thực cho sự sáng tạo nhân vật Từ Hải của nhà thơ thiên tài Nguyễn Du”3.Nhưng dù xuất phát từ nguồn gốc nào, khi dẫn lại cũng cho thấy rõ quan điểm “tán đồng” của các tác giả.

Tác giả Trần Mạnh Hảo đã làm cho “nhân vật Tự Đức” trong bài viết của mình trở nên phi thực tế khi tưởng tượng ra nội dung phát ngôn này rồi gán cho nhà vua: “Bắt ngay Nguyễn Tiên Điền vào đây cho ta (…) liệu liệu cái thân phận bút nghiên thấp cổ bé họng thi với phú cứ thích chơi trèo!”. Viết vậy là quá khinh suất đối với người xưa vì lẽ trên thực tế vua Tự Đức thừa biết Nguyễn Du là ai. Người hiểu biết, say mê thi phú như vua Tự Đức mà không biết đến Nguyễn Tiên Điền quả là nực cười. Vị hoàng đế thứ tư của triều Nguyễn nổi tiếng “tư chất thông minh, ham học” (như nhận xét của vua Thiệu Trị) mà không biết đến hành trạng của cụ Hữu Tham tri Lễ bộ, Du Đức hầu Nguyễn Du thì quá khôi hài.

Nguyễn Văn Toàn lại trượt dài hơn, không dưng lại “lôi” cả Nguyễn Huệ “vào cuộc” khi cho rằng Từ Hải trong liên tưởng của vua Tự Đức chính là “hình ảnh của Nguyễn Huệ ngày xưa”, rồi vu cho nhà vua “thường xét lập trường chính trị của tác giả”, thật đúng là suy diễn theo ý riêng.

Điều cần nói thêm là khi nghiên cứu Truyện Kiều, có nhiều hướng tiếp cận khác nhau về ngôn ngữ, văn chương, về giá trị nhân văn, về văn bản, thư tịch, v.v. và mỗi hướng đều có sự quan tâm khác nhau trong nội dung và hình thức.

Suy cho đến cùng, rộng ra, Truyện Kiều mang những nội dung tư tưởng nhân văn cao cả vì chạm đến nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần của thân phận người phụ nữ trong mọi xã hội, khi mà trong bối cảnh bấy giờ ít người như Tiên Điền đã làm được. Thân phận ấy không chỉ tồn tại thuở xưa ở xứ Tàu, ở xứ Ta mà đến nay, vẫn còn những số phận của các nàng Kiều hiện đại hiện thân đâu đó qua những “nhát cắt”, “khung hình” đậm nhạt khác nhau cuốn trong dòng chảy cuộc sống. Đỉnh cao nhân văn của Truyện Kiều vì vậy mà vượt thời gian. Nội dung đó phản ảnh tâm trạng xã hội của nhiều thời đại, không dừng lại ở thời đại Nguyễn Du. Mượn chuyện xưa xứ người, Nguyễn Du đã trình bày ngay đầu truyện về “chữ tài, chữ mệnh” trong hoàn cảnh “Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh” và khép lại bằng một sự tổng kết “Ngẫm hay muôn sự tại trời” là một diễn ngôn có hướng về “tài mệnh tương đố” mà thôi: Đã mang lấy nghiệp vào thân/ Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.

Thế nên, nhân có sự xuất hiện Bản Kiều Hoàng gia này, thiết nghĩ, trong nghiên cứu Truyện Kiều nên chăng cần cân nhắc lại những nội dung cố hữu vốn từng “gá buộc” Truyện Kiều phải “mang vác”. Cứ như lối nhận định truyền thống, Truyện Kiều là một bản cáo trạng đanh thép về chế độ phong kiến Việt Nam, có thật là vậy không, điều này có lẽ xin nhường lại để độc giả tiếp tục suy ngẫm. Tôi xin để ngõ hai câu hỏi sau:

- Câu hỏi để ngõ 1: Trước một tác phẩm có tính cách “cáo trạng” về chế độ phong kiến như thế, nhưng vì quá yêu mến văn chương nghệ thuật, mà các vua Nguyễn chả lẽ không những bất chấp “tác hại” của nó mà còn trân quý, cho sưu tầm, san định, khắc in rồi phổ biến, lưu trữ?!

- Câu hỏi để ngõ 2: Hoàng gia triều Nguyễn và bản thân vua Tự Đức liệu có đủ bản lĩnh để nâng niu, quý trọng nội dung một cuốn truyện thơ của vị quan trong thời đại ấy từng viết phê phán xã hội - một xã hội mà bản thân vua là người đứng đầu tạo dựng ra - để rồi chính triều thần và nhà vua lại căn cứ nội dung đó mà làm nên một hình thức cực kỳ thẩm mỹ cho một bản Kim Vân Kiều tân truyện như vậy?!

3. Nói thêm về Kim Vân Kiều tân truyện của Hoàng gia - một bản sách giấy dó đẹp nhất trong lịch sử thư tịch trung đại ở Việt Nam

Từng tiếp xúc với nhiều cổ vật thư tịch, như tôi được thấy và biết, Bản Kiều Hoàng gia có lẽ là quyển sách đẹp nhất và cầu kỳ nhất về hình thức của loại hình sách bằng giấy dó trong lịch sử trung đại ở Việt Nam. Nếu những ai đã quan tâm đến thư tịch, tiếp xúc với cuốn sách, sẽ đồng thuận với cá nhân tôi ở nhận định này.


Bản Kim Vân Kiều tân truyện của Hoàng gia gồm 146 trang (không kể bìa và phụ bìa). Bản Kiều này không theo lệ là đánh số tờ vào 01 trang, mà đánh số tờ vào cả 146 trang, do vậy mỗi số đều được đánh thành 2 lần (ví dụ, ở tờ đầu 1 thì đánh 2 lần Nhất vào 2 trang, tờ cuối 73 thì đánh 2 lần Thất thập tam). Đây là bản Kiều được chép tay rất cẩn thận với một lối thư pháp thể chân pha thể hành mềm mại, đều đặn từ dòng đầu đến dòng cuối.

Bố cục của từng trang tạo nên một tính điển phạm rất cao, chặt chẽ và thống nhất. Từng trang chia làm 02 phần: phần trên viết chữ, phần dưới vẽ tranh minh họa cho nội dung trang đó.

Phần trên, thứ tự từ trái qua, đầu tiên “châu phê” bằng chữ Nôm của nhà vua, viết chữ đỏ, ghi tóm lược và nhận xét của vua về đoạn Kiều chép trong trang. Tiếp đó là phần  nội dung đoạn Kiều viết chữ Nôm màu đen. Sau đó là phần phụ chú viết chữ Hán màu đen và kết thúc bằng một câu khái quát chủ đề và số trang bằng chữ Hán.

Phần dưới là tranh minh họa, toàn quyển có 144 bức minh họa tương ứng với 144 trang nội dung (không kể trang vẽ ghi tên sách, minh họa và trang giới thiệu vẽ tác giả Nguyễn Du ở đầu quyển). Các bức minh họa vẽ bằng mực nho với họa pháp ám họa, dùng sắc độ của mực mài để diễn đạt độ sâu của thể khối khi mô tả của con người, cảnh vật. Lối vẽ truyền thần, tả chân cực kỳ chi tiết là ngôn ngữ xuyên suốt của 144 minh họa. Gọi là minh họa vì chúng tương ứng, phụ họa cho nội dung của từng trang, nhưng thực chất có thể xem đó là từng bức tranh tả thực hoàn chỉnh trong một khuôn khổ thống nhất. Màu sắc và đường nét được lấp đầy trong phạm vi từng tranh. Điều đáng quan tâm là mặc dù con người và cảnh vật được tả trong tranh (như tóc tai, mũ miện, y phục, nhà cửa, vật dụng đều mang dáng vẻ Trung Hoa, vì cốt truyện xuất phát từ Trung Hoa) nhưng chúng ta có thể tìm thấy các điểm tương đồng của hình họa trong cách thể hiện nếu so sánh các tranh trong bản Kiều này với tranh in mộc bản năm 1844 của Bộ Công triều Nguyễn minh họa trong Thần Kinh nhị thập cảnh, thơ vua Thiệu Trị. Cách thể hiện lá cờ, cổng thành, thuyền ngoài khơi, non bộ dọc lối đi, đầu trụ tường thành, tường thành, v.v. đều có sự tương đồng rất thú vị. Dưới đây là vài hình ảnh so sánh về sự tương đồng đó:


Điều này tiếp tục khẳng định tranh vẽ trong bản Kiều này là họa sĩ cung đình thời Nguyễn vẽ. Đáng tiếc  là chưa có cơ sở nào để định hướng tác giả vẽ các bức tranh này.

Từ những phân tích ở bài viết trên Sông Hương số 379 và ở bài này, đến  đây, thiết nghĩ cũng cần nhận định thêm rằng:

- Vua Tự Đức là người cực kỳ ái mộ Truyện Kiều mới cho “tạo tác” một Bản   Kiều Hoàng gia đặc sắc như đã đề cập. Tất cả các tập thơ của các vua Nguyễn bằng giấy dó, giấy bản không có tập thơ nào được thực hiện công phu, thẩm mỹ như quyển Truyện Kiều này.

- Trong lịch sử, có lẽ chưa có ai, chưa có vị vua nào vì yêu mến một tác phẩm văn chương của người khác mà có thể bỏ thời gian và công sức để chép ra, bình luận, chú giải, rồi chỉ dụ vẽ tranh để minh họa, tạo nên một tác phẩm tuyệt mỹ như thế, chỉ có sự say mê đặc biệt mới có thể làm được.

- Cũng có lẽ, trong lịch sử trung đại, cũng chưa có một tác phẩm văn chương nào được đối xử trọng vọng như vậy, mà sự trọng vọng ở đây là một vị vua. Tấm lòng ấy của vua Tự Đức rất đáng trân trọng.
 

- Và qua bản Kiều này, có thể thấy rằng xưa nay, những hình dung của người Việt Nam đời sau về dung mạo Nguyễn Du đều xuất phát từ tưởng tượng. Chưa thấy xuất hiện một loại tài liệu hay tranh, ảnh nào đề cập đến dung mạo Nguyễn Du. Nay từ trang đầu tiên (Kim Vân Kiều tân truyện tiểu dẫn) của Bản Kiều Hoàng gia, xuất hiện một hình ảnh với những thông tin thú vị. Lần đầu tiên, chúng ta mới có một hình dung đầy đủ về dung mạo của Nguyễn Du qua ký họa của triều Nguyễn. Bên trên trang này là một đoạn tiểu dẫn ghi nhận xét của vua Tự Đức, xin trích hai câu đầu: 閱 才 情 錄 / 翠 翹 第 一 / 禮 参 阮 候 因 其 迹 而 為 傳 / 至 今 猶 嘖 嘖 在 人 口(Duyệt tài tình lục, Thúy Kiều đệ nhất. Lễ tham Nguyễn hầu nhân kỳ tích vi nhi truyện, chí kim do trách trách tại nhân khẩu, nghĩa là: Đọc duyệt, sao chép chuyện tài tình, thì Thúy Kiều là đệ nhất. Lễ tham Nguyễn hầu4 dựa vào tích ấy mà làm [viết] truyện, đến nay người đời vẫn còn nức nở khen mãi). Bên dưới trang  vẽ một nhà nho ngồi đọc  sách, hậu cảnh là bức bình  phong dạng cuốn thư. Đó chính là tác giả của Kim Vân Kiều tân truyện (Truyện Kiều).

*
Chắp nhặt dông dài” như vậy ngõ hầu phân tích lại cho công bằng khi đánh giá thái độ của một trí thức, một chính trị gia, một người đứng đầu là vua Tự Đức đối với một tác phẩm văn chương và tác giả của nó. Nhân đây, cũng có lời gửi gắm cùng các nhà Kiều học nên tiếp tục nghiên cứu cụ thể và toàn diện về Bản Kiều Hoàng gia, vì chắc chắn sẽ còn rất nhiều điều mới mẻ và thú vị về Truyện Kiều và chuyện quanh nó qua bản Kiều đặc sắc này.

N.P.H.T
(TCSH380/10-2020)

>> Xem thêm: Truyện Kiều, bản chép tay của hoàng gia Triều Nguyễn

------------------
1. Dẫn theo Nguyễn Quảng Tuân, Truyện Kiều, bản Kinh thời Tự Đức 1870, in trong Kỷ yếu “Di sản Hán Nôm Huế”, Đại học KHXH&NV Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế xb, Huế, 2003, tr.127.
2. Chữ trong 13 quyển sắp xếp như sau: quyển 1, 2 là các chữ chỉ về trời đất; quyển 3, 4, 5 là các chữ chỉ về con người; quyển 6, 7 là các chữ chỉ về chính trị, giáo hóa; quyển 8, 9 là các chữ chỉ về các vật dụng; quyển 10, 11 là các chữ chỉ về cây cỏ; quyển 12 là các chữ chỉ về các loài cầm thú; quyển 13 là các chữ chỉ về côn trùng, các loài tôm cá.
3. Trương Tửu, Tuyển tập nghiên cứu phê bình, Nxb. Lao Động, Hà Nội, tr. 545.
4. Lễ Tham Nguyễn Hầu là tên viết tắt của tác giả soạn Truyện Kiều (Nguyễn Du). Viết đầy đủ là Tham tri bộ Lễ, tước Du Đức hầu. Lễ tham Nguyễn hầu là cách dùng phổ biến để chỉ tác giả Truyện Kiều (xem ảnh các bản Kiều khắc in thời Tự Đức có in ở trang trước).  




 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Về với Huế (19/11/2020)
Chiếc cù lao (13/11/2020)