Tạp chí Sông Hương - Số 381 (T.11-20)
Duyên nghiệp với nghề
14:21 | 20/11/2020

HOÀI NAM  

Ý niệm về nghề giáo trong tuổi thơ của tôi thật mơ hồ!

Duyên nghiệp với nghề
Minh họa: Nguyễn Thiện Đức

Thuở nhỏ, khi còn là một con bé tóc vàng hoe nắng gió, chiều chiều, tôi thường cõng cậu em trai ra sân đài liệt sĩ nằm gần trung tâm thị xã để chơi cùng các bạn. Bọn trẻ tụ tập đông lắm vì đây là nơi gần như duy nhất chúng có chỗ để chơi. Tùy theo sở thích, mỗi nhóm chơi một trò: chơi ô, chơi gụ, chơi chuyền, nhảy lò cò, đá bóng, kéo co… các trò chơi như những bài đồng dao cứ thế lặp đi lặp lại nhưng chưa bao giờ chúng cảm thấy chán. Cho đến cái ngày đoàn xiếc Trung ương về biểu diễn…

Tôi vẫn nhớ như in ngày đó, khi được thông báo sắp có đoàn xiếc về biểu diễn ở thị xã hai đêm, dân tình từ già đến trẻ đều háo hức mong ngóng như một sự kiện đặc biệt. Cha tôi ra điều kiện, chỉ đứa nào làm việc tốt mới được đi xem. Ngày thường chị em tôi vẫn hay chí chóe cãi cọ tị nạnh đùn đẩy nhau việc nhà nhưng mấy hôm đó đứa nào cũng bỗng dưng chăm ngoan kỳ lạ, không ai bảo ai cứ răm rắp làm việc rất tự giác. Tôi cũng được cha duyệt cho đi xem một tối. Sau lần đó, bọn trẻ ngồi đâu cũng kháo nhau chuyện xiếc và chuyển các trò chơi thường ngày sang bắt chước làm trò xiếc lúc nào không hay. Tôi và mấy đứa con gái thì thích uốn dẻo, tung hứng. Chiều chiều, mỗi khi cõng em ra sân chơi, tôi đặt thằng em lê la giữa nền gạch cũ rồi cứ thế tập uốn dẻo. Tôi bắt chước khá nhanh, chả mấy chốc đã có thể làm được động tác ngã người, uốn về sau để lò cả cái mặt ra trước hai cái chân như mấy cô diễn viên xiếc vẫn làm trước sự tán thưởng của bạn bè. Tôi mải mê tập đến nỗi có khi rách toác cả đáy quần cũng không biết. Đến lúc phát hiện ra thì tìm đại một cái dây chuối khô buộc túm lại, thế là lại tập tiếp. Mẹ tôi vốn là một nữ sinh Đồng Khánh Huế, giỏi nghề đan thêu nên ngán ngẩm lắc đầu về cái khoản xoay xở này của tôi: Không biết nó giống ai! Còn tôi, vẫn cứ mải mê uốn xoạc, đến nỗi, nhiều đêm, trong giấc ngủ chập chờn, tôi mơ thấy mình như mấy cô diễn viên xiếc được mặc những bộ đồ lóng lánh, bay lượn trong ánh đèn đủ màu và thầm nguyện sau này mình sẽ làm một diễn viên uốn dẻo của một đoàn xiếc nào đó…

Nhưng một biến cố bất ngờ đầu đời đã đến!

Vào một buổi tối, khi vừa kết thúc năm học, cha tôi bằng cái giọng trịnh trọng khác thường đã gọi tôi lên nhà trên nói chuyện. Chẳng rào đón gì cha vào thẳng vấn đề: Con biết đó, trong nhà đã có anh chị con vào đại học, nếu con cũng học đại học nữa thì chắc chắn sẽ không còn cơ hội cho hai em trai con (hồi đó luật bất thành văn gần như là vậy). Cha tiếp, hiện nay cha biết đang có mở một lớp trung cấp vô tuyến điện, cha đã làm đơn xin cho con nhập học; con theo học nghề đó cũng có tương lai. Tôi ngẩn người, một thoáng trì độn không hiểu chuyện gì đã xẩy ra nhưng ngay sau đó bỗng nhận ra sự nghiêm trọng của vấn đề. Thế là mình sẽ không được đi học nữa sao? Bản năng trỗi dậy sự phản kháng nhưng không hiểu sao tôi chỉ biết ngồi chết lặng mặc cho những giọt nước mắt cứ lăn tràn trên gò má. Tôi đang học tốt, được chọn vào lớp toán nữa nên rất ham học và thường mơ về một trường đại học nào đấy như các anh chị tôi đã từng. Nhưng tôi biết tính cha rất nghiêm, không khi nào nói hai lời nên đành thuận theo. Tôi đã phải khai thêm tuổi để đủ tuổi đi học nghề. Sau mười tám tháng theo học tại một trường trung cấp, với tấm bằng xuất sắc, tôi trở thành cô công nhân kỹ thuật vô tuyến và được điều về làm việc tại xưởng Truyền thanh Cục Truyền thanh.

Năm 1972 - Đó là một cái mốc lớn của lịch sử dân tộc và cả chính cuộc đời tôi. Đó là thời điểm cuộc chiến chống Mỹ của toàn dân tộc diễn ra vô cùng ác liệt. Hoạt động tấn công quân sự chiến lược của Quân đội nhân dân Việt Nam và Quân Giải phóng trên chiến trường miền Nam cũng như phòng thủ đường không ở miền Bắc diễn ra đồng thời ở khắp hai miền Nam Bắc. Chiến cục này kéo dài cho đến ngày 31/1/1973, ba ngày sau khi Hiệp định Paris có hiệu lực. Từ hiệp định này đã tạo thế xoay chuyển có lợi cho Cách mạng Việt Nam dẫn đến ngày toàn thắng 30/4/75.

Giữa những ngày sôi động đó, Trung ương đã có chủ trương chi viện cho miền Nam một đội ngũ cán bộ nòng cốt với một số ngành nghề cơ bản chuẩn bị cho ngày thống nhất đất nước. Tôi là con em miền Nam được theo cha mẹ ra Bắc tập kết. Cũng như những cán bộ miền Nam ra Bắc, gia đình tôi ai cũng đau đáu hướng vọng về quê hương. Lúc bấy giờ tôi sống cùng với gia đình ông cậu ở Hà Nội. Cậu tôi là một đạo diễn phim quân đội. Ông có hai người con trai nên coi nó như con gái. Tôi chịu ảnh hưởng từ ông khá nhiều trong suy nghĩ và lối sống của một nhân cách nghệ sĩ, chiến sĩ. Cứ gần như mỗi tháng một lần, ông lại đưa tôi đến K15 - nơi các cô chú miền Nam ra dưỡng thương đóng ở Hà Tây để thăm họ. Được gặp gỡ trò chuyện, được nghe bao câu chuyện về cuộc đời cũng như cuộc chiến của họ đã làm dấy lên trong tôi niềm cảm phục và khao khát được trở về. Tôi quyết định tình nguyện đi B mặc cho những lời khuyên can của người thân bạn bè níu giữ. Họ bảo tôi là con gái, lại đang có việc làm, hộ khẩu Hà Nội ai lại dại dột như tôi. Hồi đó có được hộ khẩu Hà Nội là rất khó. Khó đến mức người ta thường tạo ra các giai thoại buồn cười. Ví như, có con bò cứ nằm chình ình trên đường phố, bảo thế nào cũng không đi nhưng khi lên tiếng dọa nếu không đi sẽ cắt hộ khẩu thì nó co giò vọt chạy… Ai cũng thương cảm cho tôi nhưng tôi vốn là một đứa lì nên đã quyết để lại sau lưng thành phố tôi yêu với rất nhiều kỷ niệm và Nam tiến… Đến giờ, chiêm nghiệm lại, tôi vẫn chưa một lần hối tiếc về quyết định này. Tôi đã không được bước chân vào cổng trường Đại học như những bạn bè cùng trang lứa, nhưng bù lại, nhờ những trải nghiệm sống đã giúp tôi thấu thị được nhiều điều về lẽ đời, về tình người và hơn hết điều làm tôi cảm thấy hạnh phúc nhất là được dâng hiến phần đời thanh xuân đẹp nhất của mình.

Sau một thời gian được an dưỡng và huấn luyện ở ban B tại Hòa Bình, tôi cùng đồng đội ròng rã hơn tháng rưỡi trời mới vượt tuyến vào được miền Nam giữa mưa bom bão đạn. Càng vào sâu, càng ác liệt, B52 rải thảm hết đợt này đến đợt khác trên đường đi. Ngày nghỉ đêm đi, tôi hành quân qua những ngôi làng mà ở đó tuyệt nhiên không có lấy một ánh đèn, một tiếng chó sủa, một tiếng gà gáy. Không lạ sao? Những cảnh tượng này luôn ám ảnh tôi về sự ghê rợn và tàn khốc của cuộc chiến. Cũng có khi tôi bị vùi lấp cả người, vượt sông giữa mùa lũ bị đuối nước nhưng rồi lại thoát chết một cách thần kỳ và cuối cùng cũng đặt chân vào bờ Nam sông Bến Hải vào một đêm khuya giữa mùa trăng.

Tôi được phân công về bộ phận văn hóa do anh Hoàng Phủ và anh Nguyễn Phong thông tấn xã phụ trách. Đó là hai con người tính cách trái ngược nhưng rất thông tuệ, kiên định và tình cảm. Thấy tôi không ra dáng dân lao động, các anh đã phân công tôi trực tổng đài vừa hướng dẫn tôi tập viết các bản tin ngắn. Một hôm, anh Hoàng Phủ đường đột gọi tôi lên và bảo: Em giúp anh dạy học cho các anh chị trong đơn vị nhé. Lời đề nghị bất ngờ làm tôi ngơ ngác: Dạy ai? Ồ không, em chưa bao giờ đi dạy, nhà em cũng không có ai đi dạy mà dạy ở đây thì lớp ở đâu, bút ở đâu, giấy ở đâu… Tôi tuôn ra một tràng những câu hỏi ngạc nhiên nhưng anh vẫn ôn tồn tiếp: Ở đây có một số anh em tội lắm em à, đánh giặc thì rất giỏi nhưng có người còn chưa biết chữ, chưa bao giờ được đi học. Em cứ mạnh dạn làm đi, anh sẽ hướng dẫn. Còn giấy bút để anh sang nhà in quân khu xin cho. Tôi chẳng biết nói gì nữa chỉ im lặng thuận theo.

Thế là lớp học được hình thành. Nơi lán dùng để làm bếp ăn của đơn vị được chọn làm chỗ dạy. Bàn ghế toàn làm bằng tre nứa lồ ô. Lán được dựng nửa nổi nửa chìm, ngụp sâu trong thảm cỏ tranh. Chỗ đơn vị tôi đóng ở chỉ toàn cỏ tranh ngút ngàn. Có khi các lán chỉ ở cách nhau vài trăm mét mà phải đi cả tiếng đồng hồ mới đến được; khi đi, tay phải khỏa tranh để tìm lối. Cái động tác này làm tôi liên tưởng đến những hình ảnh dễ thương trong thơ Trần Nhật Thu: Em đi như bơi trong tranh. Lá sắc cứa tay con gái. Chẳng nhận ra làng ra bãi. Nàng nàng đỏ lối em qua. Sau khi ăn trưa xong, mọi người dọn dẹp và ở lại tranh thủ học. Sợ tôi chưa có kinh nghiệm, hôm nào anh Hoàng Phủ cũng nán lại ngồi phía sau tấm màn che nghe tôi dạy, xong buổi lại góp ý cho tôi. Anh bảo trước khi lên rừng anh cũng đã từng làm nghề dạy học tại một đô thị ở miền Nam, giờ vẫn mong ước ngày đất nước bình yên sẽ được trở lại nghề cũ.

Lớp học của tôi khoảng mười mấy người, nội dung dạy cũng rất đặc biệt, ai thích gì học nấy, chủ yếu là đọc, viết và tính toán. Nhìn những khuôn mặt đen sạm vì nắng gió, vì cuộc chiến, giờ ngồi đây ngây ngô đánh vần từng con chữ, miệng cứ hết méo lại tròn theo từng nét viết trông vừa buồn cười vừa thương cảm. Sự ham học của các anh chị học viên đã truyền cảm hứng cho tôi rất nhiều. Tôi bắt đầu cảm thấy thích với công việc mới mẻ này và luôn cố gắng để có thể giúp được những gì tốt nhất cho họ. Điều thú vị là sau những ngày mở lớp, tôi tự nhiên được các anh chị trong đơn vị cưng chiều thái quá. Khi đi cùi gạo, lấy củi hay bất cứ công việc gì nặng nhọc tôi đều được có người giành phần làm giúp. Đi đâu về họ đều có quà cho tôi, khi thì vài quả lê ki ma nếu họ về xuôi cùi thực phẩm; còn khi đi rừng về, họ tặng tôi hạt dẻ, quả bứa. Họ bảo: Út không phải làm, chỉ cần Út giữ sức khỏe để dạy học thôi! Mỗi khi nhận được thư nhà hay tự viết được bức thư gửi người thân, họ đều đọc cho tôi nghe. Sự tin cậy của mọi người làm tôi cũng buồn vui theo. Đêm nằm, chợt nghĩ, chao ôi sao lại có một công việc dễ thương chi lạ ri hè. Không ngờ những việc bình thường của mình lại đem lại nhiều niềm vui cho các anh chị như thế. Và rồi, tình yêu với nghề giáo đến với tôi lúc nào không hay. Có lần, vào những ngày hiệp định Paris được ký kết, tôi được lệnh theo trưởng ban tuyên huấn vượt sông sang bờ Bắc để ghi chép một số nội dung của hiệp định. Tôi lo việc học của các anh chị sẽ bị gián đoạn, nhưng sau mười ngày trở về, chưa kịp hỏi thăm các anh trong đơn vị đã khoe: Út đừng lo, Út đi nhưng mấy hôm ni anh Hoàng Phủ đã dạy cho tụi tui rồi. Tôi cảm động quá! Thế mà gặp anh lại chẳng nói gì về chuyện đó cả. Tôi thầm cảm ơn anh rất nhiều. Và cứ thế, ý niệm về nghề giáo lớn dần trong nó. Tôi thầm nghĩ sau này thống nhất tôi nhất định sẽ là một cô giáo.

Cuộc đời lại có những ngã rẽ mà không ai có thể sắp đặt được. Tôi bất ngờ được chuyển sang bộ phận viết tin bài. Được các bậc tiền bối hướng dẫn, tôi khá thích nghi và nhạy bén với công việc mới. Tôi trở thành phóng viên từ ngày đó. Đó cũng là một nghề mới của tôi! Trong những tháng ngày đó, tôi đã vinh dự được cử đi cùng với trưởng ban phóng viên làm chương trình tường thuật Đại hội Anh hùng dũng sĩ 18 năm chống Mỹ toàn miền Nam tại Cồn Tiên Quảng Trị. Ở đó, tôi lần đầu được gặp các vị lãnh đạo tối cao của quân giải phóng như luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình…, được nghe các báo cáo, được gặp gỡ những con người phi thường nhưng cũng rất đỗi bình thường chân chất làm tôi vô cùng cảm phục... Và cứ thế công việc của một phóng viên cứ cuốn lấy tôi và tưởng như tôi đã quên đi ước mơ trở thành cô giáo ngày nào…

Hòa bình, tôi được phân công làm biên tập viên tại Đài phát thanh tỉnh. Cơ quan cử tôi đi thi để học tại khoa Báo chí Tuyên huấn Trung ương tại Hà Nội nhưng đành lỡ hẹn vì tôi vừa mới sinh con được vài tháng không thể đi xa được. Vừa may, cũng vào dịp đó, Khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Huế mở khóa tuyển sinh đầu sau ngày giải phóng, tôi đã gần như ngay lập tức nộp hồ sơ thi tuyển. Sau bốn năm, tôi tốt nghiệp và dự tính sẽ trở lại Đài làm việc. Nhưng một lần nữa duyên nghiệp với nghề đã dẫn dắt tôi rẽ lối. Tôi sinh con thứ hai, chồng lại đi học xa; những khó khăn ập đến. Một người bạn thân ở phòng Giáo dục thành phố đã khuyên tôi nên đi dạy để có thời gian chăm sóc con. Anh nhiệt tình bố trí cho tôi về làm giáo viên tại một ngôi trường gần nhà nhất có thể để tiện đi lại. Những tưởng như thế cũng tạm ổn nhưng khi bước chân vào nghề dạy tôi bị sốc vì những khó khăn dồn dập đến bởi những mối quan hệ và cuộc sống mưu sinh. Thời kỳ này, nhiều giáo viên đã không thể chịu đựng được đành bỏ nghề tìm một công việc khác có thu nhập khá hơn. Cạnh nhà tôi có cô giáo vì anh rể là quan chức nên đã được chuyển sang bán cửa hàng thực phẩm tươi sống. Trưa nào, từ cái cửa sổ nhà bếp của họ mở sang hướng vườn tôi một mùi thơm được bốc lên từ cái chảo mỡ lênh láng làm tôi chỉ biết nuốt nước bọt trong nỗi thèm khát, ước gì có một thìa mỡ thôi để chiên xào cho bọn trẻ. Cơm chúng tôi ăn đủ thứ độn vẫn không đủ no. Con tôi ngoài sữa mẹ không biết đến một loại sữa nào khác. Tôi mơ hồ liên tưởng đến thân phận mình như loài cỏ dại; những bước chân buồn đến trường bỗng dài ra chững lại, nặng nề, ý nghĩ từ bỏ nghề giáo cũng bắt đầu len lỏi trong tôi.

Nhưng thật kỳ lạ! Cứ mỗi lần như vậy là bất chợt tôi lại nhớ đến lớp học ngày xưa ở chiến trường B ấy. Sự hồi tưởng về những ngày mà mình đã sống làm tôi bình tâm, quên hết nỗi nhọc nhằn để bước tiếp với nghề. Khi con tim không còn xao xác, tôi không còn tơ tưởng đến công việc nào khác nữa. Bỏ lại sau lưng những buồn lo của cuộc sống, tôi toàn tâm toàn ý với nghề với một niềm say mê khó lý giải. Cứ đứng trên bục giảng là tôi gần như quên hết mọi nỗi lo toan phiền muộn của cơm áo gạo tiền và cứ thế say sưa dạy như cuộc đời chỉ toàn những hoa hồng. Chính trong những thời khắc khó khăn nhất đó tôi lại gặt hái được nhiều thành công. Tôi được mời đi dạy khai mạc cho các hội nghị thay sách toàn quốc tại Hà Nội, Sài Gòn; được thành phố và các tỉnh mời dạy trong các đợt tập huấn cho giáo viên. Ngẫm lại, tôi nghiệm ra, sự thành công của mình không chỉ có được từ sách vở mà chính là những trải nghiệm trong những năm tháng ở chiến trường cùng với tình yêu, lòng say mê đối với công việc đã hình thành phẩm chất và năng lượng đột phá giúp tôi thành công.

Giờ, tôi đã là giảng viên của một trường Đại học, ngày ngày đứng trên bục giảng để góp phần đào tạo các thế hệ trẻ biết sống tự chủ, trách nhiệm và có kỹ năng làm việc chuyên nghiệp tại một trong những ngôi trường uy tín đẹp nhất Huế, nằm thơ mộng bên dòng Hương giang. Nhưng dù vậy, tôi cũng sẽ không bao giờ có thể quên được lớp học ân tình ngày ấy, những buổi dạy học đầu tiên của ngày xưa ấy mà cho đến bây giờ hồi tưởng lại trong tôi vẫn ngập tràn cảm xúc của lòng biết ơn và một niềm vui rưng rưng ở khóe mắt.

Giờ thi thoảng nhớ lại tôi vẫn vu vơ tự hỏi, không biết tôi đã chọn nghề hay nghề đã chọn tôi? Đó vẫn còn là một bí ẩn ngay cả với chính tôi và tôi cũng không có ý định giải mã. Thôi, hãy để tất cả thuận theo tự nhiên như là một duyên nghiệp tốt lành!

Huế, những ngày bão Noul
H.N  
(TCSH381/11-2020)



 

 

Các bài mới
Ván cờ (08/01/2021)
Tia nắng sau mưa (28/12/2020)