Tạp chí Sông Hương - Số 381 (T.11-20)
Các dạng biến dị của Mã gien nghệ thuật
09:17 | 15/12/2020

VŨ HIỆP  

Quá trình di cư và định cư, sự thích ứng với thổ nhưỡng và môi trường sinh thái, những biến cố và lựa chọn lịch sử, di truyền sinh học và văn hóa... đã tạo nên những đặc tính nghệ thuật khác nhau được lưu truyền ở các dân tộc. Hiện tượng đó có thể gọi là Mã gien nghệ thuật.

Các dạng biến dị của Mã gien nghệ thuật
Ảnh: TT&VH

Mã gien nghệ thuật nằm sâu bên trong các biểu hiện của văn hóa, nghệ thuật. Nó âm thầm chỉ huy đến quá trình sáng tạo mà nghệ sĩ và công chúng không dễ nhận ra. Mã gien xuyên qua các thời đại khác nhau, kết nối những phong cách, xu hướng khác nhau để quy hồi tất cả trở về với đặc tính nguyên gốc của dân tộc, xa hơn nữa là giống loài.

*
Các hình thức biến dị của mã gien nghệ thuật bao gồm: giao biến, di biến, thời biến, và đột biến.

Giao biến là biến dị có được qua sự pha trộn, giao thoa các nền nghệ thuật khác nhau. Dân tộc Việt Nam được định hình từ sự giao lưu các dân tộc từ phương Bắc (Bách Việt, Hán, Thái...) và các dân tộc Nam Đảo nên nghệ thuật là sự hòa trộn các hình thức, nguyên lý, đặc tính của ít nhất hai nguồn gốc này. Trong kiến trúc, người Việt sử dụng vật liệu gỗ, cách bố cục mặt bằng, không gian của các dân tộc phương Bắc, nhưng lại làm đẹp nhờ nghệ thuật chạm khắc tinh xảo của các dân tộc phương Nam. Kiến trúc gỗ của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc nhìn sơ qua thì có vẻ giống Việt Nam, nhưng đi sâu vào bên trong thì thấy có sự khác biệt về phương thức cảm xúc và tinh thần. Kiến trúc Trung Quốc, Nhật Bản tạo cảm giác chuẩn mực, ngay ngắn, chắc chắn, hầu như không sử dụng chạm khắc mà thiên dùng tranh để trang trí hoặc tô màu lên cấu kiện. Còn kiến trúc Việt Nam tạo cảm giác lãng mạn, bay bổng, phong phú, gần gũi, bởi tỷ lệ vừa phải, dáng mái cong và những đường nét chạm khắc tinh xảo, giàu cảm xúc. Nghệ thuật chạm khắc của người Việt cũng ít khi tràn ngập trên bề mặt cấu kiện như trong kiến trúc Khmer, Ấn Độ, mà sắp đặt theo nguyên lý cân bằng âm dương: chỗ nhiều chỗ ít, chỗ có chỗ không, giống như cách bố cục trên bức tranh thủy mặc của Trung Quốc vậy.

Về hội họa, trước đây người Việt tư duy trên mặt phẳng (của giấy, lụa) không được sâu sắc như người Hán, Nhật, mặc dù thường xuyên giao lưu văn hóa với họ trong hàng ngàn năm phong kiến, chứng tỏ người Việt không có mã gien tương thích với hội họa thủy mặc. Tranh dân gian của chúng ta cũng gắn liền với khắc. Thế nhưng, chỉ cần 10 - 20 năm được người Pháp hướng dẫn theo phương pháp và kỹ thuật hội họa phương Tây, người Việt Nam đã có thể đạt được những thành tựu đáng kinh ngạc bằng sự ra đời dòng tranh lụa và sơn mài mang vẻ đẹp đặc sắc của Việt Nam. Phải chăng, mã gien hội họa của người Việt rất hợp với tư duy phương Tây chăng? Có thể nói, nhờ có giao biến mà nghệ thuật Việt Nam đã xác lập được những mã gien độc đáo của riêng mình.

Di biến là biến dị qua sự di cư đến vùng đất mới có sinh thái khác với vùng đất cũ. Theo bản đồ phân tán gien qua quá trình di cư của loài người, người Tây Tạng, Triều Tiên, Nhật Bản, Altai, Miêu, có tần suất xuất hiện nhóm đơn bội D khá cao, có thể họ cùng xuất phát đâu đó ở khu vực Tây Bắc Trung Quốc ngày nay, xa hơn nữa là từ phía Bắc Ấn Độ, rồi phân nhánh. Đặc biệt ở người Tây Tạng, đơn bội D-M174 cao hơn tất cả dân tộc khác. Điều này khiến các nhà di truyền học cho rằng điều kiện sống trên núi cao, không khí loãng, làm cho đơn bội D-M174 phát triển. Có lẽ bởi sống trên núi cao với cảnh quan rộng lớn phi thường, người Tây Tạng có tư duy siêu linh mạnh mẽ, bí hiểm. Nghệ thuật Tây Tạng gắn liền với tôn giáo, nhưng không bảng lảng ẩn hiện theo hướng Thiền và Đạo như ở Trung Nguyên, mà kỳ bí, dữ dội, thể hiện một thế giới tinh thần rất gai góc, mạnh mẽ. Những người có thể sống được trên núi rất cao thì trước hết là những người có ý chí và nghị lực phi thường. Tinh thần đó chúng ta cũng bắt gặp ít nhiều ở người H’Mông của Việt Nam, một dân tộc có thể có cùng tổ tiên xa với người Tây Tạng. Theo truyền thuyết truyền khẩu của người H’Mông (Miêu, Mèo), tổ tiên của họ vốn sống ở vùng đất cực kỳ lạnh lẽo, sau di cư đến Trung Quốc, bị người Hán truy đuổi nên đi tiếp về phía Nam, một nhánh đến miền núi phía Bắc Việt Nam định cư.

Nhật Bản thời phong kiến chịu ảnh hưởng rất mạnh từ văn hóa, nghệ thuật Trung Hoa. Ở ngoài đảo nên họ giữ được độc lập chính trị với Trung Nguyên. Người Nhật Bản không có nhiều sự pha trộn gien. Trước khi giao lưu với phương Tây, nghệ thuật Nhật Bản thu nạp gần như chỉ từ một nguồn Trung Hoa và biến đổi sáng tạo dựa trên sự thích ứng bản địa. Trà, kiếm, võ, hội họa, kiến trúc... đều được xuất phát từ Trung Quốc nhưng lại phát triển đến một thái cực rất đặc trưng: đơn giản, sá tịch, sắc bén. Người Nhật thường bình thản, lạnh lùng, chậm rãi, có thể kiên trì rất lâu để đến được một thái cực mới; thị hiếu thẩm mỹ hướng đến sự đơn giản, tinh tế, nhất quán. Tinh thần đó rất hợp với quan niệm nghệ thuật Hiện đại của phương Tây thời công nghiệp hóa, nên khi “thoát Á” và học phương Tây, người Nhật ngay lập tức có thành tựu lớn trong kinh tế và khoa học, sau đó trong nghệ thuật, nhất là kiến trúc đương đại. Có thể coi nghệ thuật truyền thống Nhật Bản chính là một ví dụ của di biến, từ nghệ thuật Trung Hoa mà phát triển thành mã gien đặc sắc của mình. Có người còn cho rằng nghề sơn của người Nhật Bản đặc sắc có phần vì họ sống ở đảo “ít bụi” (bụi là một mối nguy với nghề sơn). Như vậy, nghệ thuật, con người Tây Tạng và Nhật Bản có những nét tương đồng về mã di truyền sinh học và nguồn gốc, nhưng do điều kiện sinh thái của hai dân tộc khác nhau mà phát triển những dị biến nghệ thuật khác nhau.

Mỹ La-tinh là nền nghệ thuật được tạo nên bởi di biến và giao biến. Người Nam Mỹ là sự hòa trộn giữa các dân tộc bán đảo Iberia châu Âu với người châu Phi và người bản xứ. Điệu nhảy Tango là sự hòa trộn và phát triển từ các vũ điệu truyền thống Tây Ban Nha và châu Phi. Đặc tính đơn giản và sâu lắng của người Bồ Đào Nha cùng với cảnh quan đồi núi của Brazil đã tạo nên vẻ đẹp đặc trưng trong kiến trúc Niemeyer: những đường cong nuột nà thuần khiết. Trào lưu văn chương hiện thực kỳ ảo ở khu vực này, mà nổi bật là Gabriel Garcia Marquez, là sự tiếp nối truyền thống nghệ thuật tiểu thuyết Tây Ban Nha với những tín ngưỡng, thần thoại bản địa. Marquez từng có thời gian sống ở châu Âu, nhưng rồi ông sớm quay lại Nam Mỹ bởi ông cho rằng những điều huyền thoại đang bị nguội lạnh ở châu Âu. Rất nhiều các đặc tính của người Iberia đã được phát triển và đổi mới nhờ vào sự thay đổi môi trường sinh thái và giao lưu với người châu Phi và bản xứ, mà chúng ta có thể nhận ra nhanh nhất là năng khiếu đá bóng và nhảy múa.

Thời biến là biến dị do thay đổi thời. Sự tiến hóa của loài người gắn bó chặt chẽ với sự biến chuyển tự nhiên, khí hậu, phương thức sản xuất, khoa học công nghệ...; tức là thời đại thay đổi thì mã gien cũng phải “điều chỉnh” theo để phù hợp. Các mã gien nghệ thuật không phải “tự đủ” ngay từ thuở ban sơ mà phải trải qua những thăng trầm cùng lịch sử dân tộc, được tổng hợp từ các yếu tố sinh học, sinh thái, văn hóa.... Ví dụ, tính Chiết trung và Tối đa trong kiến trúc Nga chỉ xuất hiện với tần suất cao từ thế kỷ 15, sau khi người Slav hòa trộn mạnh mẽ với Mông Cổ và các dân tộc khác; trước đó, kiến trúc của người Slav giai đoạn thế kỷ 9 - 13 tương đối thuần nhất, thường sử dụng màu trắng và thể hiện hoa văn một cách tiết chế. Nghệ thuật nước Pháp thời tiền sử và Celtic có tính biểu hiện mạnh, nhưng sau khi chịu ảnh hưởng từ văn nghệ Phục hưng Italia và triết học Khai sáng, cùng với vị thế quân sự, chính trị trung tâm châu Âu, các đặc tính của nghệ thuật Pháp đã phần nào biến đổi, ví dụ: tính chuẩn mực, hào hoa, trang nhã của hiện thực cổ điển, tính nhạy cảm, lãng mạn của ấn tượng.

Có vẻ như nghệ thuật Việt Nam đang trong thời điểm biến tạo một số mã gien mới. Sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, cùng với quá trình đô thị hóa thần tốc hiện nay đã khiến nhiều thói quen sinh hoạt, lề lối làm việc, quan niệm sống trước đây của người Việt thay đổi. Một số đặc tính kiến trúc truyền thống gắn liền với xã hội nông nghiệp như Đa lớp, Ẩn dật, Linh điểm... nay bị suy yếu rõ rệt. Ngược lại, một số biểu hiện mới được “nhập khẩu” từ nước ngoài nhưng phù hợp với thời đại công nghiệp hóa, đô thị hóa như Tối giản, Hiển lộ, Trực thị... ngày càng được nhiều người ưa thích và biết đâu trong tương lai sẽ trở thành những mã gien kiến trúc của người Việt?

Trong một giai đoạn lịch sử nào đó của một dân tộc, có những “gien trội” xuất hiện với tần suất cao, được tỏa sáng hết mức; đồng thời có những “gien lặn” không phù hợp với thời đại ấy, phải đợi đến giai đoạn lịch sử tương thích sau đó mới thể hiện được phẩm chất của mình, ví dụ mã gien Chiết trung của người Việt Nam đã xuất hiện từ hàng nghìn năm trước nhưng chỉ thực sự bùng nổ khi chúng ta giao lưu sâu rộng với nghệ thuật Pháp và phương Tây, khoảng giữa thế kỷ 19 - giữa thế kỷ 20.

Thời biến cũng thể hiện sự ảnh hưởng của ý thức hệ, định chế xã hội, thành phần chính trị (nói chung là “thời thế”) đến mã gien nghệ thuật. Nghệ thuật Ai Cập cổ đại thời các Pharaon trị vì có tính siêu tượng và duy linh rõ nét, hợp nhất các vị thần với lãnh tụ quốc gia, phong thái cao siêu, bí ẩn, có vẻ như được tạo ra bởi các nghệ sĩ có liên hệ mật thiết với hoạt động tôn giáo. Sau đó nước này bị Hy Lạp, rồi La Mã xâm chiếm, nghệ thuật gắn liền với triết học nhiều hơn, tính hiện thực và quy thức được coi trọng (Alexandria từng là một thành phố của khoa học và nghệ thuật quan trọng của thế giới Hy-La). Đến khi những người Hồi giáo lên nắm quyền, nghệ thuật Ai Cập lại thiên về tính trừu tượng, vốn là một biểu hiện đặc sắc của nghệ thuật Hồi giáo. Một số dân tộc khác cũng ghi nhận sự biến đổi mã gien nghệ thuật khi thay đổi thời thế, như Ấn Độ với quyền lực chính trị thay đổi cùng tôn giáo (Hindu giáo, Phật giáo, Hồi giáo), hoặc Thổ Nhĩ Kỳ với mỗi giai đoạn lịch sử có quan điểm và phương tiện nghệ thuật khác biệt: Hy-La cổ đại, Byzantine, Ottoman. Chúng ta cũng lưu ý rằng, sau khi một quốc gia thay đổi thể chế chính trị, kinh tế, xã hội, tôn giáo thì phải duy trì ổn định đủ lâu thì mã gien nghệ thuật mới có thể biến đổi. “Đủ lâu” là bao nhiêu thế hệ? Để trả lời câu hỏi này cần sự nghiên cứu sâu hơn mà chúng tôi chưa có điều kiện.

Ở một số quốc gia, thời biến còn được thể hiện ở sự khác biệt giữa nghệ thuật dân gian với nghệ thuật chính thống (của chính quyền hoặc của giai cấp tinh hoa), ví dụ nghệ thuật đế chế Nga được thế giới biết đến chủ yếu là do giai cấp quý tộc, tinh hoa sáng tạo, còn những gì đặc sắc nhất của nghệ thuật Việt Nam phần lớn do những người thợ vô danh trong dân gian thực hiện. Lịch sử Việt Nam thời các triều đại phong kiến luôn song hành hai dòng nghệ thuật (nhưng không tách biệt), đó là: nghệ thuật cung đình, chịu ảnh hưởng rõ rệt từ Trung Hoa; và nghệ thuật dân gian, chủ yếu được sáng tạo trong không gian làng xã, thể hiện những đặc tính nghệ thuật cốt lõi (mã gien nghệ thuật) của người Việt. Ví dụ, chúng ta có thể nhận ra sự ảnh hưởng từ Trung Hoa đến kiến trúc cung đình Huế ở cách quy hoạch đô thị, bố cục chức năng hay hình thức mái ngói âm dương. Trong khi đó kiến trúc dân gian, nhất là ở đình làng, lại là nơi gửi gắm tâm hồn và tư tưởng của nhân dân Việt Nam. Ở đình, chúng ta có thể thấy sự phóng khoáng, mộc mạc, được biến hóa sinh động ở mỗi làng nhưng dường như đều có chung một quy thức tinh thần. Tục ngữ có câu “phép vua thua lệ làng”, chứng tỏ sức sống bền bỉ của văn hóa làng xã. Lịch sử đã chứng minh sự thất bại trong nỗ lực đồng hóa người Việt của người Hán hay người Pháp, nguyên nhân cốt lõi phải chăng là sự bảo thủ của những “lũy tre làng”, nơi “phép vua” theo kiểu Hán hay Pháp cũng phải chào thua?

Đột biến là biến dị bộc phát bất thường. Trong sinh học, đột biến xảy ra do các tác động bất thường của vật lý, hóa học, vi sinh. Trong nghệ thuật, đột biến là sự xuất hiện các trường phái có tư tưởng nghệ thuật hoàn toàn khác lạ, thay đổi cách con người tư duy về nghệ thuật, là các thiên tài tạo nên những tác phẩm khiến cả thế giới phải ngỡ ngàng, thậm chí “khó chịu”. Sự đột biến ở đây nằm ở cấu trúc chứ không chỉ ở hình thức. Đột biến vượt thoát khỏi những nguyên lý tạo nên cấu trúc (cả cấu hình và biến thiên). Nguyên nhân tạo nên đột biến nghệ thuật có thể là do sự “cộng hưởng” của các yếu tố di truyền, sinh thái, văn hóa... trong một điều kiện đặc biệt nào đó. Sự ra đời của hội họa Ấn tượng, Trừu tượng, kiến trúc Bauhaus, Deconstructivism, sự xuất hiện các tác phẩm như Tháp Eiffel ở Paris, Hình vuông đen của Malevich, Đài phun nước của Duchamp, Bảo tàng Guggenheim Bilbao của Gehry... có thể coi là những ví dụ đột biến. Chúng đã tạo ra những quan niệm chưa từng thấy về nghệ thuật, mà hàng thập kỷ, thế kỷ sau đó vẫn tạo cảm hứng cho các thế hệ nghệ sĩ đời sau. Nghệ thuật của đột biến thường không “đẹp”, bởi nó đã vượt qua các tiêu chí thông thường trước nó về “đẹp”.

Khả năng tạo ảnh hưởng, di truyền cho đời sau của các đột biến nghệ thuật có thể xảy ra hoặc không. Đôi khi, có những thiên tài nghệ thuật xuất hiện như những ngôi sao băng, người đời sau không thể học theo được. Đó là những con đường độc đạo dẫn thẳng lên đỉnh núi rồi như bị lấp đi. Những kẻ hậu thế chỉ có thể bái vọng họ mà thôi. Đó là những người đã kiến thiết Vườn treo Babylon, Kim tự tháp Giza; là những nghệ sĩ được trời phú cho những kỹ thuật siêu đẳng, vô tiền khoáng hậu như kỹ thuật chơi violon của Paganini, khả năng chạm khắc của Tô Phú Vượng; là những thiên tài đã đi trước thời đại mình nhiều thập kỷ, thế kỷ khiến cho họ không thể có môn đệ một cách xứng đáng, như Imhotep, Apelles, Ngô Đạo Tử... Họ đã trở thành những vị thánh. Nhưng để có sự đột biến thiên tài ấy, trước hết mã gien nghệ thuật của dân tộc sản sinh ra các vị ấy phải rất mạnh, rất đặc sắc. Không có con đại bàng nào sinh ra từ vườn trại gà vịt cả.

*
Dân tộc ta có một đặc tính rất mạnh là khả năng di truyền văn hóa, không khoa trương nhưng rất bền bỉ. Dù đã từng là thuộc địa nghìn năm của Trung Hoa, gần trăm năm của Pháp, vốn là những nền văn minh lớn của nhân loại, có khả năng đồng hóa kẻ khác rất mạnh, nhưng rốt cuộc chúng ta vẫn giữ vững và phát triển những tính chất nghệ thuật đặc sắc của riêng mình. Đó chính là cảm hứng để chúng tôi tin tưởng rằng lý thuyết Mã gien nghệ thuật là một hướng nghiên cứu đúng đắn, ít nhiều có triển vọng. Lý thuyết này không có tham vọng khiến ai đó đọc nó thì sáng tác tốt hơn. Nó chỉ đặt ra một vấn đề nhận thức rằng: người Việt Nam thế nào thì về căn bản sẽ tạo ra nghệ thuật thế ấy.

V.H  
(TCSH381/11-2020)




 

 

Các bài mới
Ván cờ (08/01/2021)
Tia nắng sau mưa (28/12/2020)
Các bài đã đăng