Tạp chí Sông Hương - Số 381 (T.11-20)
Hồi ký của Tô Hoài nhìn từ sự phức hợp thể loại và tư duy nghệ thuật (Qua 'Cát bụi chân ai' và 'Chiều chiều')
15:30 | 21/12/2020


LÝ HOÀI THU

Hồi ký của Tô Hoài nhìn từ sự phức hợp thể loại và tư duy nghệ thuật (Qua 'Cát bụi chân ai' và 'Chiều chiều')
Ảnh: internet

Cát bụi chân ai Chiều chiều đều ra đời vào thập niên chín mươi của thế kỷ XX. Chọn điểm nhìn cuối thế kỷ để “khai quang” bức tranh đời sống xã hội và con người ở một thời quá khứ với nhiều gam màu ấm lạnh, nhiều biến thiên thế cuộc xoay chiều, hai tập hồi ký của Tô Hoài đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trên hành trình sáng tác dài lâu, miệt mài, bền bỉ; nó như là hiện tượng thăng hoa vào tuổi xế tà của một cây bút dồi dào năng lượng và có sức chinh phục mạnh mẽ của diễn đàn văn xuôi Việt Nam hiện đại.

Theo cách hiểu thông thường, hồi ký là sự hồi tưởng quá khứ, là hành vi lội ngược dòng đặng “tìm lại thời gian đã mất” bằng ký ức, hoài niệm, tâm tưởng, tâm tình… Chủ thể của hồi ký đa phần là những gương mặt/ chân dung tên tuổi trên các lĩnh vực văn hóa - văn học nghệ thuật, chính trị xã hội… có tầm ảnh hưởng và sức lan tỏa rộng lớn đến cộng đồng. Việc xuất hiện ngày càng nhiều những hồi ký của các vị nguyên thủ quốc gia, các nhà khoa học, các ngôi sao thuộc lĩnh vực giải trí như điện ảnh, thể thao… đã góp phần khẳng định sự năng động và tính dân chủ của một thể văn vốn từng bị xếp vào hạng “cận văn học” nhưng lại được tiếp nhận nồng nhiệt ở thời đại phát triển vượt bậc về công nghệ thông tin và đời sống con người luôn diễn ra trong những tương tác, cộng hưởng của các lĩnh vực từ nghệ thuật đến kỹ thuật. Khác với các dạng hồi ký mà nhân vật chính của câu chuyện - người sở hữu hồi ức - kể lại (thậm chí là bán bản quyền) để người ngoài cuộc chấp bút, hồi ký của các nhà văn bao giờ cũng mang “căn cước” riêng: tác giả chính là người trực tiếp thuật lại quãng đời đã trôi về miền dĩ vãng bằng ngôi kể xưng “tôi” hiển thị trên văn bản. Đó chính là cơ sở cốt yếu/ quan trọng để định danh các tác phẩm hồi ký văn học.

Trong văn chương, nếu coi mỗi thể loại là một cách giải minh thế giới thông qua cơ chế nhận thức, cảm thụ đặc trưng thì hồi ký nói riêng cũng như ký văn học nói chung đều có cùng phẩm chất nổi bật là tính xác thực của nguyên mẫu. Nghĩa là hệ thống nhân vật hiện diện trong tác phẩm tuy đã được nghệ thuật hóa để trở thành những hình tượng văn học nhưng luôn được xem xét, đánh giá dưới quyền uy của “mã sự thật”. Chính vì vậy, đến với thể loại ký, dường như từ lâu đã hình thành một quy ước ngầm giữa chủ thể sáng tạo và chủ thể tiếp nhận: tác giả luôn phải chứng minh/ cảm hóa bằng những điều “mắt thấy tai nghe”, và người đọc cũng luôn đặt niềm tin vào sự trung thực của ngòi bút nhà văn. Đây gần như là một “mặc định nghệ thuật” riêng có của dòng văn chương “phi hư cấu”. Đặt trong bối cảnh văn học thời kỳ đổi mới cuối thế kỷ XX đầu XXI, khi cả chủ thể sáng tác và chủ thể tiếp nhận đều gặp gỡ nhau ở tâm thế khám phá/ nhận thức lại một số vấn đề của lịch sử bằng tư thế nhìn thẳng, nói thẳng cùng ý thức đối thoại, phản biện riết róng; chúng ta có thể lý giải sự lên ngôi và khả năng chiếm lĩnh thị hiếu của một loạt các tác phẩm hồi ký - một thể loại dẫu nói về quá khứ nhưng luôn khăng khít với hiện tại, biến những trải nghiệm quá khứ thành kinh nghiệm góp phần soi sáng và giúp hậu thế lựa chọn lối ứng xử thích hợp cho đời sống hôm nay. Đó chính là lý do tồn tại trong ý nghĩa sâu xa mà đông đảo độc giả hằng đón đợi ở thể hồi ký. Cát bụi chân ai Chiều chiều của Tô Hoài đăng đàn dưới bầu không khí đổi mới cùng hệ sinh thái tinh thần cởi mở, hào hứng; là hai thiên hồi ký lưu được dấu ấn sâu đậm và có giá trị trên nhiều phương diện: nổi bật nhất là năng lực kiến tạo sự phức hợp thể loại và đặc điểm tư duy nghệ thuật.

Khác với các tác phẩm có yếu tố tự truyện của chính Tô Hoài viết trước Cách mạng tháng Tám và gần hơn là trước 1985 như Mười năm, Quê người, Cỏ dại…, Cát bụi chân ai Chiều chiều ghi nhiều dấu ấn trong những tìm tòi, cách tân về nghệ thuật tự sự và thi pháp thể loại. Bước đột phá mang tính sáng tạo ấy đã tạo nên sự phức hợp thể loại, góp phần đa dạng hóa diện mạo hồi ký và đưa hai tác phẩm lên vị trí đỉnh cao trong sự nghiệp của Tô Hoài. Tính chất phức hợp chỉ diễn ra khi giữa các thể loại có sự hòa trộn, giao thoa làm mờ nhòe ranh giới, động thái ấy là một phương thức hữu hiệu nhằm thiết lập phẩm tính mới, đánh thức tiềm năng và hồi sinh thể loại. Diễn giải theo hệ quy chiếu đó, chúng ta dễ dàng nhận thấy hồi ký của Tô Hoài có sự tương giao mật thiết với tiểu thuyết, từ việc mở rộng tầm vóc/ quy mô hiện thực đến cảm hứng thân phận và lời giải đáp về con người cá nhân, từ khả năng chiếm lĩnh bức tranh đời sống phồn tạp, đa màu đến sắc thái diễn ngôn, giọng điệu trần thuật… Nếu Cát bụi chân ai xoáy sâu vào những nếm trải/ sóng gió của số phận qua các chân dung văn nghệ sĩ và bè bạn cùng thời như Nguyễn Tuân, Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Nguyên Hồng, Đặng Đình Hưng,… thì Chiều chiều lại chú trọng hơn đến sự mở rộng chiều kích không - thời gian bằng thủ pháp lồng ghép, đan cài hồi ức, hoài niệm như một mạng lưới hiện thực tâm trạng để tạo phông nền, hoàn cảnh cho sự hiện diện của Phùng Quán, Hoàng Trung Thông, Phan Khôi, Như Phong, ông Ngải nông dân, các nhà văn/ dịch giả Xô Viết như Marich, Ira, Vlat, Leeon, Ina… và của chính Tô Hoài qua các chặng đường tham gia cải cách ruộng đất, hợp tác hóa nông nghiệp, đi thực tế sáng tác “3 cùng” với công nông binh, học chính trị trường Nguyễn Ái Quốc, xuất ngoại giao lưu cùng bạn bè quốc tế v.v. Về mặt dung lượng, Chiều chiều có khuôn khổ tương đương với một tiểu thuyết có kích thước lớn. Song, như trên đã nói, đây chỉ là nền cảnh. Ấn tượng sâu đậm nhất của hồi ký Tô Hoài thuộc về nhân vật. Nhà văn đã có sự kết hợp hài hòa, khéo léo giữa bút pháp hồi ký và nghệ thuật tiểu thuyết để khắc họa chân dung và khám phá sâu vào đời sống nhân vật. Trung thành với ý hướng tôn trọng sự thật khách quan, nhìn nhân vật ở cự ly gần, những con người bằng xương bằng thịt ở ngoài đời bước vào tác phẩm của Tô Hoài thật sinh động với đủ tính khí, thói tật, tài năng và danh phận. Đằng sau những nét bút tả thực về trang phục khác người “khăn lượt vố, áo gấm trần, tay chống chiếc quạt thước thay ba toong, chân bít tất dận giày mõm nhái Gia Định” của Nguyễn Tuân; về chòm râu, những hàng nước mắt ròng ròng, lã chã rơi trên gương mặt phúc hậu của Nguyên Hồng; về thói quen “nghiêng mặt phồng má nhổ râu” của Hoàng Trung Thông; về hình ảnh Nguyễn Công Hoan đi “dự quốc khánh, lễ lạt sứ quán nào cũng diện đôi giày da bóng lộn” với lý lẽ “dự tiệc đứng thì hay đi đi lại lại, người ta cứ phải nhìn giày mình, cho nên cần có giày tử tế” và lời giải đáp vừa hài hước, vừa chua chát: “Không, giày này tớ đi mượn. Cậu nhận xét cũng xoàng. Có là giày đi mượn thì mỗi tiệc mới một đôi khác nhau chứ” (!) (Chiều chiều, tr110); về Phan Khôi với “cái khinh khỉnh bụng một bồ chữ, đối đáp ngang như cua nhưng không biết giận, cốt nói ngang hơn, to tiếng vặc lại chỉ vì không để bụng lâu”, bởi một điều hết sức đơn giản: “không ương bướng thì đã không phải là Phan Khôi” (Chiều chiều, tr531); về bài thuốc cai nghiện của Sao Mai “có gia giảm cả vị phụ nữ” và cái kết rất có hậu, đậm chất umua: “Tôi lại khoái ông có máu đa tình mà lại chung thủy, léng téng với ai rồi cũng lấy người ta”; về nết ga-lăng, cách tán tỉnh đã thành nghề “thấy gái như quạ vào chuồng lợn, như ếch vồ hoa. Thề bồi đấy rồi lại nhãng ngay đấy” của Nguyễn Bính; về những đêm mưa lạnh, buồn và căn bệnh “tình trai” da diết, muộn sầu, bế tắc của Xuân Diệu v.v. Tô Hoài đã gửi gắm, ký thác vào đó bao suy tư, chiêm nghiệm về cõi nhân thế để tái tạo nên những nhân vật mang đậm tố chất tiểu thuyết. Cùng sở hữu phong thái tài hoa, nghệ sĩ nhưng mỗi cá nhân lại có đời sống riêng, những nỗi niềm, vui buồn, hạnh phúc, khổ đau, cô đơn và bi kịch không thể sẻ chia, không hề vơi cạn. Đó là Nguyễn Tuân suốt đời khao khát chinh phục một thứ nghệ thuật toàn mỹ nhưng dường như không thể dung hòa lý tưởng/ mộng ước với thực tại; là Nguyên Hồng tài năng sớm nở nhưng lại loay hoay, chật vật về cuộc đời; là Nguyễn Bính đào hoa, đa tình mà long đong, trắc trở tình duyên và một đời chông chênh giữa ngọt ngào, cay đắng; là Xuân Diệu với “một khối tình” ai tỏ… Và chính Tô Hoài, một kiểu hình tượng tác giả cũng đã được soi chiếu từ nhiều phía theo nguyên lý “ô màu lập phương”. Có thể là lời tự thú can đảm: “Tôi là con ếch Cu Ba, ở rừng thì da xanh thẳm lá rừng, ở ruộng nước thì lổ đổ màu lá mía, đến mùa hoa, lưng ếch chấm đỏ, chấm vàng như cánh hoa rơi” (Chiều chiều); hoặc từ những phát ngôn của Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Như Phong… về con người và văn chương, trong đó có cả những chỉ trích, đay nghiến nặng nề: “Chó biết thằng này thế nào là thật! Tao ghét cái cười mủm mỉm hiền lành không hiền lành của mày” và “mày hút phí thuốc lá” - Nguyễn Tuân (Cát bụi chân ai - tr 159). “Tôi chưa xem bài nào của anh. Chẳng biết anh viết có ra cái gì. Nghe có người nói anh viết truyện con giun, con dế” - Phan Khôi (Chiều chiều, tr 40). “Thằng ngoại ô láu cá, văn chương thì đẽo gọt” - Như Phong (Cát bụi chân ai, tr 105). “Tiên sư mày, thằng Câu Tiễn. Ông thì không” - Nguyên Hồng (Cát bụi chân ai, tr 118) v.v… Nhưng Tô Hoài đã không né tránh, dám chấp nhận những thiếu khuyết để khẳng định bản thể, để khước từ lối miêu tả con người chỉ thiên về phía ánh sáng, về phần tốt đẹp và cao quý của hồi ký trước đây. Với Tô Hoài, mỗi con người là một nhân vị, không thể pha trộn, xóa mờ: “Ô hay, người ta ra người ta thì phải là người ta đã chứ” (Cát bụi chân ai)… Góp mặt vào sự đông đúc của thế giới nhân vật như một cõi người thu nhỏ, trong hồi ký Tô Hoài, bên cạnh những tên tuổi lớn của giới văn nghệ sĩ Việt Nam đương thời còn có sự hiện diện của nhiều tầng lớp thuộc nhiều miền đất, phương trời khác nhau: từ những người nông dân ở Thái Bình, Thanh Hóa đến người phụ nữ vùng cao Tây Bắc, từ những người lao động, tiểu thương nghèo trong một khu phố, một nhà ga của thủ đô Hà Nội đến các dịch giả, nhà văn ở các quốc gia Á, Phi, Âu, Mỹ… tất cả những nguyên mẫu có gốc gác, địa chỉ cụ thể đó dù mang lai lịch, địa vị xã hội khác nhau nhưng đều gặp gỡ nhau ở những nếm trải số phận. Chung quy, họ là những nhân vật đã được tiểu thuyết hóa, thoát khỏi sự ràng buộc về độ xác thực đôi khi chật hẹp của ký để trở thành hình tượng nghệ thuật sống động với đầy đủ hỷ, nộ, ái, ố của thân phận con người.

Nhằm kiến tạo dáng dấp tiểu thuyết cho Cát bụi chân ai Chiều chiều qua tầm vóc hiện thực và hình bóng nhân vật, Tô Hoài đã vận dụng một kiểu tư duy nghệ thuật năng động, linh hoạt, nhiều đổi mới và sáng tạo. Nó là sự phản chiếu năng lực khám phá và nhận thức hiện thực bằng chuỗi cảm xúc, trí tuệ, vốn sống, tài năng, thế giới quan và nhân sinh quan của nhà văn. Nếu sáng tác là một quá trình và phân đoạn trực quan sinh động là sự mở đầu hết sức quan trọng thì Tô Hoài ngay từ những tác phẩm đầu tay đã báo hiệu một lối cảm nhận trực giác vô cùng nhạy bén. Tài quan sát tỉ mỉ của ông đã sớm bộc lộ và trở thành vốn quý trong hành trang của một cây bút được trải đều trên trang văn từ thời Dế mèn phiêu lưu ký, Giăng thề, Cỏ dại đến Miền Tây, Quê nhà, Cát bụi chân ai, Chiều chiều…Trước mỗi bức tranh thực tại đa sự, muôn màu và con người thì đa đoan, phức tạp, Tô Hoài đã nhào nặn/ chế ngự nó bằng các chi tiết độc đáo và luôn nhập tâm kinh nghiệm thẩm mỹ của nhà văn Heming Way, đại ý: người viết có thể sáng tạo, nghĩ ra chủ đề, nhân vật, câu chuyện, nhưng không bao giờ nghĩ ra được chi tiết. Chỉ có sống mới có chi tiết (Theo Hà Minh Đức: Tô Hoài, sức sáng tạo của một đời văn – Nxb. Giáo dục Việt Nam, H. 2010, tr 39). Cát bụi chân ai Chiều chiều đã chọn lọc được nhiều chi tiết “đắt”, có sức nặng và độ điển hình khái quát. Đó là chiếc mũ vải kaki khi đội lên Tô Hoài trông như một ông già Nhật mà thực chất được cụ chủ hiệu mũ Triphooca ở phố Hàng Gai khâu lại từ chiếc quần cũ rách gối và tiền công là chỗ vải thừa; là tiếng kêu tòe tòe từ chiếc sáo Mèo của Tô Hoài khiến Nguyễn Tuân phải than: “ông cất đi cho tôi nhờ. Nghe ông thổi sáo, tôi đau tai hơn đau chân thấp khớp”; là chi tiết “cái gáy thằng Mỹ nát nhẽo” trần trụi, ghê ghê bên cạnh nét chấm phá tinh tế hồn sắc thơ Nguyễn Bính, tuy không chìm đắm vào mỹ cảm thi vị hóa như chủ thể trữ tình, nhưng lối miêu tả có sức gợi cảm đã mang chất thơ vào những trang văn của Tô Hoài qua liên tưởng cùng sự đong đầy cảm xúc mến cảnh, thương người: “Thơ Nguyễn Bính, tình buồn mà cảnh đẹp, nhưng những lũy tre làng Tiện Vinh, đồng chiêm ngập nước loi ngoi cỏ lẫn lúa, xơ xác… Gió ào ào qua rặng tre nghiến răng. Những thôn Đoài nhớ thôn Đông và đám rước quan trạng vinh quy qua làng ở trên cao xanh kia trang nghiêm đẹp đẽ biết bao… Trước hiên, giàn đỗ ván đã quăn queo còn vướng lại mấy quả khô đen như bồ kết thế mà mưa xuân đương độ “phơi phới bay”, vẫn nở một đóa hoa tím ngẩn ngơ” (Cát bụi chân ai, tr 225) v.v. Tuy nhiên, với tư cách là một cây bút giàu trải nghiệm và sức mạnh nội lực, Tô Hoài không lạm dụng tài quan sát mà biết thay thế ánh nhìn thị giác sắc sảo bằng cái nhìn nội tâm, nhìn từ bên trong thấu thị, sâu sắc. Chính vì thế, bức tranh được phản ánh và tái tạo trở nên ám ảnh, lắng đọng hơn bởi hình thái tư duy được bồi đắp thêm nhiều suy tư, nghiền ngẫm. Thế giới nghệ thuật hồi ký Tô Hoài bao gồm quan niệm về đời sống xã hội và con người, hệ thống hình tượng, biểu tượng, đặc điểm thi pháp, sắc thái ngôn ngữ, giọng điệu…; theo đó đã mang hình hài và bản chất tổng hợp nhiều bè mảng của tiểu thuyết, đạt giá trị nhận thức to lớn nhờ việc phá vỡ lằn ranh giới hạn không/ thời gian đơn tuyến khá hạn hẹp của hồi ký truyền thống. Ở Hà Nội lại quay quắt nhớ về Việt Bắc. Đến Thái Bình vẫn không quên vùng đất nghèo Thanh Hóa. Sống tại Việt Nam mà khắc khoải không nguôi về sự tan rã của liên bang Nga - Xô, đi Ôđétxa bây giờ phải có hộ chiếu như đi Mỹ, vì “đến Ôđétxa đã là sang nước khác rồi”, về sự sụp đổ của bức tường Béc - Lin, về những đêm thảo nguyên Mông Cổ dài như cổ tích và câu chuyện đời người đàn bà nghìn năm vẫn u uất v.v. Đặc biệt hơn, khi được tắm gội trong bầu sinh quyển của văn học thời kỳ đổi mới, với tư duy tái nhận thức và tâm thái cởi mở, coi hành vi viết như một sự “trả nợ” những lỗi lầm một đi không trở lại, hồi ký Tô Hoài đã “vén lên” những bức màn tưởng đã bị lãng quên/ ngủ yên trong quá khứ, khơi dậy ý thức phản tư và tính đối thoại đa chiều.

Ngoài ra, bên cạnh sự phức điệu của kết cấu văn bản, tính đa dạng về sắc màu thẩm mỹ, dấu hiệu tiểu thuyết trong hồi ký Tô Hoài còn được hiển lộ ở sự phối kết, pha trộn liên sắc màu của bức tranh đời sống tổng hòa: thiên nhiên và xã hội, lịch sử và văn hóa, chính trị và đạo đức… Am tường nhiều lĩnh vực, đầy đặn về tri thức văn hóa học, những trang viết về các làng nghề, về phong tục, tập quán, lễ hội của cư dân ven đô Hà Nội, về trang phục, nghệ thuật ẩm thực Á, Âu: chẳng hạn, bằng những so sánh nhằm tôn thêm sự sành sỏi trong cách ăn uống thưởng thức của bao đời ông cha ta qua giọng giễu cợt vui vui của một đầu bếp Việt có tiếng: “Nấu nướng cho Tây chẳng khó như cao lâu Tầu. Hành mỡ phi thơm lừng, Tây nở mũi, thế là khen “bồong”. Các ông để ý xem, hèn nhất là cái mặn muối, thế mà Tây cứ phải có lọ muối như bát hương mả tổ nhà nó để giữa bàn. Động một tý lại rắc muối, thế thì mất hết cái ngon. Các cụ nhà ta kén đến hàng chục loại nước mắm vẫn còn chưa bằng lòng” (Cát bụi chân ai, tr 29); hoặc lời bình của chính Nguyễn Tuân - một ngòi bút có hạng trong khoa ẩm thực, “quả là ăn bánh cuốn phải chấm nguyên xi nước mắm chắt Nghệ mới lên chất, chứ đoảng nhất đem pha dấm - dấm và muối, phương Tây thô, chỉ biết mặn khác nhạt trơ ra như con số, người mình không thế” (Cát bụi chân ai, tr 97) v.v, qua hai tác phẩm đã khơi gợi nhiều hứng thú, làm đầy hơn bức khảm văn hóa bằng các mã/ ký hiệu đặc trưng của mỗi vùng quê trên dải đất Việt Nam.

Những sáng tác cuối đời của Tô Hoài luôn có sức tỏa nhiệt và thực sự là những “rung chấn” làm xôn xao, sôi động văn đàn ở một thời chưa xa, đáng chú ý là tiểu thuyết mang đậm yếu tố tự truyện Ba người khác từng gây bất ngờ, tạo làn sóng dư luận có đủ hai chiều thuận - nghịch. Điều đó đã khẳng định một cách sinh động cá tính nghệ thuật, tài năng và sức sáng tạo phi tuổi tác của Tô Hoài.

Được dẫn dắt bởi nguyên lý ngược dòng thời gian, song Cát bụi chân aiChiều chiều có thể coi là những phiên bản hồi ký mang “thần thái” và sắc diện của lối viết hiện đại. Ở đó có sự kết hợp giữa tình cảm và lý trí, giữa những rung động ấm áp của con tim và sự phán xét lý tính lạnh lùng, giữa sự miên man đến lê thê của màn sương mù ký ức với sự sáng tỏ của tri giác… Hai tác phẩm là những dấu son không thể thay thế trong hành trình sống và viết với nhiều thành tựu/ cống hiến của nhà văn Tô Hoài - một tên tuổi sáng giá trên văn đàn Việt Nam hiện đại và đương đại.

Hà Nội, ngày 05 tháng 9 năm 2020
L.H.T  
(TCSH381/11-2020)



 

 

Các bài mới
Ván cờ (08/01/2021)
Tia nắng sau mưa (28/12/2020)
Các bài đã đăng