Tạp chí Sông Hương - Số 381 (T.11-20)
Lớp học ở lầu 5
09:07 | 24/12/2020

THÁI HẠO   

Cô đứng lại thật lâu dưới chân cầu thang sau khi tiếng trống vào lớp đã gõ liên hồi từ cuối dãy hành lang.

Lớp học ở lầu 5
Minh họa: Nguyễn Thiện Đức

Cô có thể bị giám thị ghi vào sổ trực là “vào lớp muộn”, và sẽ phải bị nêu tên trong danh sách giáo viên mắc lỗi vào thứ 2 tuần sau. Tất cả giáo viên trong trường sẽ nhìn cô. Và cả bọn học trò nữa. Dù cô biết chúng chẳng thấy việc ấy có gì là quan trọng cả, có khi còn thấy cô thật gần với chúng, nhưng cô vẫn cảm thấy thật khó chịu với việc này.

Có tiếng chân bước vội nện dồn từ phía sau, cô bất giác quay lại, dù cô có thể đã đoán ra được bước chân ấy của ai, “thầy Dung mặt cười”, một người không bao giờ đúng giờ. “Ta lên thôi cô Hạnh, giám thị đã cầm sổ ra rồi đấy”. Cô bước theo anh thầy giáo có cái mặt như luôn cười ấy. Dường như anh ta sinh ra là để cười, đến nỗi học sinh láu cá trong trường đều gọi thầy là người có khuôn mặt giải trí. Cô thì chẳng bao giờ biết khi nào anh ta giận, bực mình, hay buồn bã. Anh ta giấu mọi thứ trong một nét mặt, cái nét mặt mà nhiều lần cô đã nghĩ nó giống một cái tượng được tạc ra từ một khối sáp màu xám chứ không phải mặt người. “Ta đi lối này cô, hướng đó sẽ gặp giám thị đấy” (vừa nói thầy ta vừa rẽ lên cầu thang). Hạnh bất giác rùng mình. Cô ngần ngại, có cái gì như mảnh chai dưới gan bàn chân. “Ta nhanh thôi cô”, trong khi bước đi như giật nhưng mặt anh ta vẫn cười cười rất lạ. Cô miễn cưỡng bước theo. Mắt cô dán vào lưng áo người đàn ông phía trước. Những giọt mồ hôi bắt đầu ứa ra và làm cái lưng áo ấy lấm tấm. Những nốt màu đen li ti bắt đầu nổi mỗi lúc một rõ hơn trên cái áo ấy vì bị thấm ướt. Cô bất giác rùng mình. “Trên lầu 5 lận, quá là xui xẻo đi, mà cô đưa cặp đây tôi xách luôn cho, đàn bà con gái là cần phải có người đàn ông mới vững chãi được” (vừa nói anh ta vừa giật lấy túi xách của Hạnh, cái cử chỉ như cướp, cô thấy một chút bực mình vì cái sự thô lỗ ấy). Lên tới lầu 2, anh ta bỗng đi thẳng theo hành lang chứ không leo lên nữa, Hạnh phải kêu lên ri rí trong cổ họng “Thầy Dung, tôi dạy ở lầu 5, thầy cho tôi xin lại cái túi”. “Tôi biết thế chứ, tôi cũng dạy lầu 5, nhưng ta đi lối này, vì những cái ô kính chết tiệt này mà giám thị có thể nhìn thấy chúng ta từ dưới văn phòng cơ đấy”.

Hạnh bước vội theo, trong lòng thật khó chịu. Tại sao lão ta có thể đi như chạy thế nhỉ, lâu lâu lão lại quay lại nhìn cô với cái khuôn mặt sáp nến cười cười ấy. Cô phải tránh cái ánh mắt đó. Anh ta đột ngột quay lại, dí sát mặt vào mặt cô, “Mà tại sao cô không lên sớm hơn, tôi thấy cô đứng ở hành lang từ lúc chưa có trống?”. Hạnh định trả lời anh ta nhưng liền khựng lại. Chẳng lẽ cô lại nói rằng vì cô sợ lũ bọ nằm ngổn ngang trên các bậc cầu thang. Anh ta sẽ cười mình. Mà có lẽ anh ta cũng chẳng tin việc ấy nữa. Nhưng tại sao lão ta lại nhắc tới chúng nhỉ? Người cô bắt đầu nổi gai ốc, từ hai cánh tay những nốt to như hạt vừng bắt đầu phủ lên da, nước chua trong miệng tứa ra như muốn ngập hết những kẽ răng. Cô buồn nôn. Dạ dày bắt đầu cuộn lên. “Thầy Dung… tôi muốn đi lối này”. “Sao thế? Giám thị sẽ thấy chúng ta đấy”. “Mặc họ”. “Cô không nên cáu với tôi như thế! Con gái thì cần phải dịu dàng chứ”. Cô muốn nói tục một câu nhưng may mà kìm lại được trong lúc đưa tay giật lại cái túi xách, “tôi đi đường này”. “Tôi đi với cô” (anh ta vừa nói vừa bước vội theo Hạnh). Cô chợt đứng phắt lại, “anh đi trước đi, và xem có con bọ nào trên cầu thang không, anh làm ơn đừng để tôi trông thấy chúng được không?”. Trong khi anh ta vẫn giữ cái mặt cười ấy nhưng cô biết là đang băn khoăn lắm. “Tôi sợ…”, cô nói. “À, tôi hiểu rồi. Có gì đâu mà sợ, cô đúng là con nít”. “Nhưng anh có định đi trước không đấy?”. “Được được, cô cứ đi sau tôi”. Anh ta sốt sắng đi lên phía trước, mắt dán xuống cầu thang, chân bước thoăn thoắt. Cô ghét cái kiểu đi ấy của đàn ông, xăng xắc như chuột. “Mà này, tại sao cô lại sợ lũ bọ? Chúng có gì đáng sợ đâu, những con cánh cam và xén tóc ấy?”. Cô không trả lời, hai mắt vẫn dán chặt vào lưng người đàn ông phía trước, lúc này lưng áo anh ta đã ướt đẫm, chiếc áo mốc giờ trở nên thâm đen cả một mảng lớn. Cả cái mùi trên người anh ta nữa… cô lại rùng mình. “Một con cánh cam”, anh ta nói như reo lên. Cô nhìn vội xuống, con cánh cam nằm ngửa, xoay xoay, chắc nó đã nằm như thế suốt đêm qua. Anh thầy giáo co chân đá mạnh, con cánh cam văng đốp vào lan can rồi bật trở lại, cô há hốc mồm không kịp kêu. Bất giác cô lao đến chỗ nó, quỳ một chân trên sàn và đưa tay cầm con vật lên. Từ phía đít nó một giọt màu trắng to như hạt gạo, lủng lẳng; những chiếc chân vẫn còn cử động nhưng cái đầu nó thì không thấy đâu nữa. Cô bước ra phía hành lang và nhìn xuống để chọn cái thảm cỏ rồi thả nó xuống. Cô muốn nó được chết ở đó, trên cỏ xanh. Và cả cú rơi này nữa, cô muốn nó rơi trên cỏ thật êm và lẫn vào màu xanh kia. “Sao cô nói là sợ những con bọ kia mà, thật khéo đùa”. Cô quay lại và nhìn anh ta, lại gặp cái mặt cười ấy, cái mặt cười mà từ ngày vào trường đã ba năm chưa bao giờ cô thấy nó thay đổi. Cô tự hỏi, không biết khi ngủ thì anh ta có cười như thế không nhỉ? Cả mồ hôi nữa, hai nách anh ta ướt đầm, những gai ốc lại nổi lên trên cánh tay cô và cơn buồn nôn cuồn cuộn dâng lên trong cổ họng. Cô nhìn anh ta như một cái gì rất gớm ghiếc. Cô giật lấy chiếc túi và bước nhanh lên lầu 4. Đúng lúc ấy có tiếng nói oang oang vọng lên từ giữa cầu thang: “Thầy cô hôm nay tình cảm nhỉ, chà, có thế chứ, sắp được ăn cỗ rồi đây”. Lão Bốn thể dục, lão luôn nói kèm với tiếng cười như có đờm trong cổ họng. Hạnh đỏ mặt và cảm giác khó chịu như có gai châm chích trên da thịt. Nàng vẫn bước lên và vờ như không nghe thấy gì, chỉ văng vẳng tiếng lão Dung the thé đáp lại “thầy cứ trêu, chúng tôi đâu đã có gì…”. Nàng bước thật nhanh để không nghe thấy hai người ấy nói chuyện nữa.

Một con bọ đang nằm ngửa ngay dưới chân nàng, cơn rùng mình dâng lên, nhưng nàng nghĩ tới con bọ đã bị đá mất đầu lúc nãy, nỗi sợ biến mất. Nàng cúi xuống và đưa tay khẽ chạm vào nó, nàng muốn lật nó lại. Con bọ chợt ôm choàng lấy ngón tay nàng, nàng hét lên và rảy mạnh. Cú rảy khiến nó văng thẳng vào tường với một âm thanh rất đanh. Con bọ trượt xuống, để lại một vệt màu nâu nhạt trên tường, đó là chất nhầy từ trong chiếc bụng vỡ của nó. Nàng òa khóc, khuôn mặt nàng ướt đẫm. Nàng bỏ con bọ lại ở đó và bước lên cầu thang. Những con bọ nằm la liệt, con sấp, con ngửa, có những con bị mắc kẹt trong góc của chiếc gương. Nàng đỡ chúng dậy và cứ thế mang ra hành lang, nàng tìm đám cỏ và thả xuống. Nàng phải đi hơn mười chuyến như thế mới hết lũ bọ.

Chưa bao giờ nàng thấy ở đâu nhiều những con bọ như ở trường này. Hồi mới về, nàng đã khóc, chúng làm nàng sợ, nàng không dám bước qua chúng. Nỗi sợ của nàng khiến nàng không hiểu được. Hồi còn bé, ở quê, nàng không sợ. Quê nàng ở ngoài Bắc, vì bây giờ giá xin việc ngoài đó rất cao nên nàng phải một mình vào miền Nam theo lời giới thiệu của một người đồng hương cùng nghề dạy, cô ấy đã ở trong này hơn 10 năm rồi. Bố mẹ nàng chỉ có mình nàng, nhưng bố nàng bảo “chúng tao già thì phải chết thôi, mày lo mà kiếm công ăn việc làm, sự nghiệp là quan trọng, rồi còn chồng con nữa”. Nàng lên đường, khóc suốt chuyến xe ấy…

Ngày xưa nàng không hề sợ những con bọ, cả những con bươm bướm ma to như bàn tay nữa, nàng chơi với chúng và bao giờ cũng thương chúng như thương những con gà mới nở. Nàng nhớ lại, cho đến khi lớn lên, nàng vẫn không hề sợ. Đã nhiều lần nàng cầm những con bọ trên sân trường cấp 3 và mang thả chúng vào bãi cỏ. Suốt những năm còn bé chưa bao giờ nàng nhìn thấy một con bọ đã chết. Nàng giữ cái ý nghĩ ấy, ý nghĩ rằng những con bọ không bao giờ chết. Đã nhiều năm rồi nàng không gặp lại những con bọ, những con cánh cam màu xanh biếc ấy, và dường như nàng đã quên chúng, cho đến khi bắt bắt đầu làm một cô giáo. Lần đầu tiên về ngôi trường này, khi bước chân lên cầu thang, nàng kinh hãi vì thấy những con bọ nằm la liệt. Có những con còn loay loay với những chiếc chân huơ huơ lên trời, nhưng nhiều con đã chết. Có những con không biết đã chết từ khi nào, chúng khô tới nỗi, khi cầm lên tay nàng có cảm giác như cầm một chiếc lá non bị nắng đốt quắt lại trên sân gạch. Những con bọ nằm chết đầy trên lối đi. Ở đây hình như người ta không bao giờ quét cầu thang. Những con bọ cứ nằm đó. Nàng nghĩ, chúng đã nằm như thế phải ba bốn ngày cho đến khi lìa đời. Trong mấy ngày ấy chúng đã sống như thế nào? Chúng kiệt sức dần trong cái thế bị phơi ngửa ra và chết đi trong tuyệt vọng.

Bên ngoài ô kính kia là bầu trời… Chắc chúng đã cố gắng để thoát ra. Đúng rồi, chúng đã lao ra, nhưng làm sao chúng biết được đó là một cái ô kính. Nhiều lần chúng đã đâm sầm vào mặt kính, cứ như thế cho đến khi kiệt sức. Lần cuối cùng, lấy hết sức bình sinh và giáng chiếc đầu bé xíu của mình lên cái khung màu trắng ma quỷ kia, chúng rơi xuống trong tư thế nằm ngửa và không bao giờ tự lật lại được nữa.

Thời gian đầu nàng đã cố cứu chúng. Sáng nào nàng cũng đến trường sớm và leo lên cầu thang, có 3 chiếc cầu thang (ở giữa và hai bên). Nàng nhặt những con bọ và bỏ vào một chiếc túi nhỏ rồi mang chúng xuống bãi cỏ. Trưa hôm ấy, khi tan trường, nàng ra về và chợt nhớ tới lũ bọ. Nàng bước về phía bãi cỏ trước sảnh lớn để xem chúng đã đi đâu. Nhưng chúng vẫn còn ở đó, bất động. Nàng phát hiện ra chúng đã chết, có những con bò được đi một quãng rồi nằm chết cách đó không xa. Nàng khóc. Khóc như lần đầu nàng bị người yêu ruồng bỏ trên sân trường đại học. Kể từ lần yêu ấy, chưa bao giờ nàng khóc đến thế…

Những con bọ ấy không sống được vì chúng đã lao đầu vào ô cửa kính suốt đêm. Nàng không biết là bao nhiêu lần, nhưng nàng chắc chắn rằng chúng cứ lao như thế cho đến khi trời sáng. Những cột đèn cao áp trên sân trường đốt sáng suốt đêm và chúng thấy ánh sáng ấy. Đó là một cái bẫy. Nàng hình dung những cái đầu bé xíu kia cứ đập suốt đêm vào tấm kính. Và bao nhiêu những âm thanh đã vang lên trong đêm tối như tiếng người ta ném những viên sỏi vào bức tường, mỗi đêm đều như thế. Nàng đã cố chạy trốn cái hình ảnh lao đầu vào ô kính của những con bọ, nhưng nàng không thể… Có rất nhiều những con bọ ở đó. Chúng cùng nhau lao vào tấm kính, rồi rớt xuống và cố bò dậy để làm một cú lao tiếp theo… cho đến khi mặt trời lên thì tất cả đều kiệt sức. Nàng mang chúng ra bãi cỏ, nhưng chúng không thể bay được nữa. Chúng cũng không thể ăn. Và chúng chết ở đó.

Ngôi trường nằm giữa rừng cao su. Nàng không hiểu sao người ta lại xây nó ở đây, vì bên ngoài thị xã đất trống còn rất nhiều, bằng phẳng và đẹp. Có người nói đất ấy để bán đấu giá và thường thì cán bộ sẽ mua hết, người ngoài khó mà mua tranh được; người khác thì bảo vì xung quanh khu đất làm trường ấy là đất của con trai cả chủ tịch, người ta xây trường để biến đất ấy thành vàng. Nàng không rành về những chuyện ấy nên không để ý lắm, chỉ nghe lờ mờ như thế. Nhưng nếu trường đặt ở ngoài phố thì sẽ không có nhiều những con bọ bị chết đến thế. Ngoài ấy rất ít những con bọ.

Nàng đã lên tới lầu 5, lớp của nàng ở đằng kia. Một con bọ đang huơ những chiếc chân bé xíu của nó lên trời. Nàng cúi xuống và cầm nó lên. Nó đã rất yếu, nàng thả nó từ tầng 5 xuống thảm cỏ dưới sân. Và đứng nhìn cú rơi ấy, nàng chỉ hy vọng nó sẽ nhờ độ cao ấy mà bung cánh ra và bay đi. Nhưng nó đã không làm thế, nó rơi xuống bãi cỏ như một viên kẹo. Trưa nay nó sẽ chết, nàng biết như thế…

Ô… cô Hạnh, chúng ta lại gặp nhau rồi”, thầy Dung mặt mũi nhệ nhại và hai nách ướt đầm loang ra tới tận ngực, vừa nói oang oang vừa nhìn cô bằng cái khuôn mặt như lúc gặp ở dưới sảnh. Nàng rùng mình.

- Thầy Dung và cô Hạnh vào lớp trễ nhé. Chúc tuần mới vui vẻ (Lão Tương giám thị vừa cười vừa lấy bút hí hoáy ghi vào sổ).

- Đấy! Tôi đã nói với cô rồi, cô không nghe tôi đi lối kia, chuyến này thì nhục to, hiệu trưởng nói từ tuần sau sẽ đọc tên giáo viên phạm lỗi trước toàn trường trong buổi lễ chào cờ đấy. Năm nay coi như chẳng còn thi đua thi điếc gì nữa. Thưởng cuối năm chắc cũng về mo rồi (Thầy Dung vừa nói vừa thở dài).

Hạnh chỉ nghe thấy tiếng rào rào bên tai, không rõ anh ta còn nói những gì sau đó nữa. Nàng bước vào lớp, nhiều học sinh của nàng đang nằm gục trên bàn. Lưng chúng khum tròn như lưng những con bọ. Có mấy đứa nhìn nàng cười tinh quái “Cô sướng nhé! Từ nay không phải xách cặp nữa”. Nàng nhìn chúng, không biết ánh mắt nàng lúc đó thế nào nhưng mặt chúng xanh mét đi và im lặng cúi gằm xuống. Chắc mặt nàng lúc đó dữ tợn lắm.

Nàng ở nhà tập thể trong trường, loanh quanh lên lớp rồi về phòng soạn bài chấm bài rồi bao nhiêu giấy tờ nhiêu khê nữa. Có khi cả vài tuần nàng chẳng thể ra khỏi trường. Mà ở đây ai đi đâu, mấy giờ về lãnh đạo đều biết hết. Họ phê bình nếu mình tắt điện đi ngủ sớm hay đi đâu đó về muộn, vì như thế là không chăm chỉ làm việc. Mình đã ăn lương nhà nước, lại được cấp nhà cho ở thì phải cống hiến, thầy hiệu trưởng nói thế. Nàng cũng chẳng gặp được ai bên ngoài, chỉ chơi với mấy người đồng nghiệp ở trong tập thể.

Năm ấy nàng cưới chồng. Lúc ấy nàng 27 tuổi. Nàng và thầy Dung làm đám cưới trên sân khu tập thể của trường vào ngày chủ nhật. Nghe nói, cả buổi sáng hôm ấy trời giông, nhưng may mà đến trưa thì lặng hẳn. Hôm đám cưới thầy hiệu trưởng không tới dự vì nghe đâu thầy ấy nói cô Hạnh làm xấu mặt nhà trường vì mang thai trước khi cưới.

Tây Lạc Viên, tháng 9/2020
T.H  
(TCSH381/11-2020)



 

 

Các bài mới
Ván cờ (08/01/2021)
Tia nắng sau mưa (28/12/2020)
Các bài đã đăng