Tạp chí Sông Hương - Số 381 (T.11-20)
Chông chênh ngày lũ
09:52 | 31/12/2020

LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG  
                           Bút ký   

Chỉ mấy ngày mưa dồn dập, trắng trời quê hương, tang thương lại gieo lên mảnh đất nghèo khó mỗi lần lũ về.

Chông chênh ngày lũ
Thành phố Huế trong lũ lụt vừa qua. Ảnh Tấn Phong

Trận lũ lụt kinh hoàng năm 2020 này đã gây bao mất mát cho người dân miền Trung, vượt qua các mốc lịch sử. Người bạn vong niên Nguyễn Đức Hạnh (Thái Nguyên), đã viết lời ai điếu: “Mưa trắng trời khăn tang trắng đất/ Cơm mẹ nghèo chan nước mắt nuốt làm sao/ Đất lở màu đau/ Nước lũ màu tàn phá/ Chỉ đau thương có màu đỏ bầm”. Ai có thể quên được dòng nước lũ trắng xóa ở các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh trong cơn đau này. Nước mắt người khóc than cho số phận, khóc những cuộc chia ly hòa vào mưa, vào lũ, vào con sông oằn mình nghiêng ngả, vào con đập nham nhở, những ngọn đồi sạt lở thay hình đổi dạng. Miền Trung chỉ còn màu đỏ bầm của lũ, của dòng nước dữ cuốn trôi bao cảnh an bình, bao mảnh đời khốn khó, bao ước mơ chưa kịp xanh.

Kinh thành Huế, chìm trong biển nước, những cây xanh và những ngôi nhà, dãy phố bốn bề nước vây… trong tấm hình không ảnh mới thấy sự kinh hoàng của trận lũ lịch sử này. Cầu Trường Tiền bé nhỏ trong dòng nước bạc, cuồn cuộn chảy, chỉ còn nửa mét nữa nước cũng ngập lên cầu. Mưa rơi nặng hạt, mưa không ngừng nghỉ như có bao nhiêu nước trên trời dồn lại mưa một lần suốt dải đất miền Trung nghèo khó. Thừa Thiên Huế quê tôi là một trong những tỉnh hứng chịu đầu tiên và nặng nề của đợt bão rồi mưa lũ kéo dài.

Mưa trắng xóa quê hương. Rồi mưa xộc mái vào nhà, bụi nước bay khắp nơi, có bao nhiêu chậu ra kê ở những chỗ dột, chỗ thấm. Qua ngày 10/10 nước đã dâng qua bậc tam cấp, may có căn gác nhỏ nên cả nhà di chuyển những vật dụng cần thiết lên để dùng. Bây giờ nhà tôi và nhiều nhà trong xóm đã thành ốc đảo, nhìn thấy nhau mà không thể sang nhau. Những ngày ấy, nếu không có những người hàng xóm ở xóm Mỏ Giác có ghe thuyền đi lại, lâu lâu họ lại tiếp tế đồ ăn uống trong mưa, trong gió khi gói mỳ, đùm gạo, đồ ăn để qua những ngày dài mịt mùng. Nhớ hình ảnh cô Lếu chèo ghe mang đồ ăn gửi cho nhà tôi qua ô cửa sổ đầy lục bình chen chúc. Nhớ những giỏ đồ ăn treo trước cổng âm thầm mà tình nghĩa. Ở xóm đầu sông Vực, mệ Me 84 tuổi vừa mất, con cháu khóc than ơi hời. Mệ (bà) vừa mất thì nước vừa lên, ngập cả giường và chỗ khâm liệm mệ. Cuối cùng, người ta treo quan tài lên cửa sổ. Bà con xóm làng ai có ghe thuyền thì chèo đến viếng. Nước mưa chan nước mắt người dân lãm lũ quê tôi.

Giữa trời đất mịt mùng, mệ tôi ngồi lặng lẽ nhìn dòng nước lũ hung dữ, gửi trong gió mưa đôi câu hò mái nhì:

“Sóng sầm sịch, lưng chừng ngoài biển bắc
Giọt mưa tinh tăng ri rắc chốn hàng hiên
Em muốn làm lơ đi mà ngủ, ngủ cũng không yên
Sợ mưa già nước ngập, biết tựa con thuyền vào đâu”


Nỗi lòng ấy người dân vùng lũ bao đời nơm nớp, lo âu. Nhưng trận lũ có to biết mấy cũng không làm xói mòn được cái sống, giấc mơ và sự tồn tại, vươn lên của bấy nhiêu thế hệ.

Bao người nghẹn ngào trước hình ảnh anh Nguyễn Đắc Minh gào thét, quỳ lạy vật vã giữa cơn mưa trắng trời gọi vợ con, van xin ông trời trả lại người vợ đang mang thai bị lũ cuốn trôi ngày 12/10 ở xã Phong An, huyện Phong Điền. Nỗi đau thấu tận trời xanh. Chỉ trong tích tắc, âm dương cách biệt, anh cùng lúc mất hai người thân yêu. Ôi cơn đau kiệt cùng, bi thảm! Cả gia đình 6 người gồm cha mẹ và 4 con nhỏ ở xã Húc, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị bị núi sạt lở, chôn vùi không một ai sống sót. Nhìn những tấm chăn, chiếu đắp tạm trên thi thể cả gia đình đầy bùn đất, mưa đỏ, lòng quặn nhói. Hai cháu nhỏ là anh em ruột ở xã Thanh Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình được gia đình đưa lên ghe đi tránh lũ bị lật, tử vong ngày 18/10. Nước chưa rút nên chưa thể an táng hai cháu, quan tài nổi bồng bềnh xa xót. Cha mẹ khóc hết nước mắt trước sự mất mát không thể bù đắp này. Thương quá thay!

Cả miền Trung suốt từ 6/10 cho đến những ngày cuối tháng toàn nhiều tin đau buồn. Mưa lũ kéo dài trên diện rộng đã gây ra những thiệt hại to lớn. Tối 25/10, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai có báo cáo nhanh tổng hợp tình hình thiệt hại do mưa lũ ở miền Trung kể từ ngày 6/10 đến nay. Chỉ trong gần 3 tuần, mưa lũ đã gây thiệt hại nặng nề khi khiến 130 người chết và 18 người mất tích. Quảng Trị tiếp tục là địa phương ghi nhận nhiều thiệt hại nhất về người với 50 người chết, 4 người mất tích. Tại Thừa Thiên Huế, 12 công nhân mất tích sau trận sạt lở đất ở thủy điện Rào Trăng 3 chưa được tìm thấy. Sau khi nước lũ rút, miền Trung có 885 ngôi nhà hư hỏng và 320 nhà đang bị ngập.

Ngành nông nghiệp ghi nhận thiệt hại nặng nề với hơn 1.400 ha lúa và 7.800 ha hoa màu bị ngập; hơn 7.000 con gia súc và 927.000 con gia cầm bị chết, cuốn trôi. Tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh tây còn 16 điểm sạt lở. Nhiều đoạn ở quốc lộ 12C, 12A, 9C qua Quảng Bình vẫn hư hỏng. Tại Quảng Trị, lực lượng chức năng ghi nhận 11 điểm trên quốc lộ 15D bị cuốn trôi dài 5 m, phải xếp đá hộc để xe tải trọng nhỏ lưu thông. Tại Thừa Thiên Huế, quốc lộ 49 còn 6 điểm đang cấm ô tô, chỉ cho xe máy và người đi bộ lưu thông. Ngoài ra, mưa lũ làm 28 xã ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam bị cắt điện.

*
Đau thương mất mát lớn nhất của Thừa Thiên Huế là sự cố tại thủy điện Rào Trăng 3 thuộc địa phận xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế đã chôn vùi 17 công nhân thủy điện vào ngày 12/10 và đoàn cứu nạn gồm 13 thành viên trong sự cố lở đất tại trạm kiểm lâm 67 rạng sáng ngày 13/10. Chính quyền và quân đội huy động gần 1.000 người tham gia tìm kiếm cứu nạn người mất tích với hơn 200 xe cơ giới các loại ở khu vực thủy điện Rào Trăng 3. Cụ thể, Bộ Quốc phòng đã điều động 666 cán bộ, chiến sĩ và 119 trang bị, phương tiện các loại cùng ba chó nghiệp vụ. Tham gia tìm kiếm cứu nạn ở Rào Trăng 3, Bộ Công thương điều động 5 người và 2 máy phát điện công suất lớn, lực lượng tại địa phương là 312 người và 68 phương tiện các loại. Đến ngày 15/10, lực lượng tìm kiếm được huy động tối đa và đã tìm thấy toàn bộ 13 thi thể của cán bộ, chiến sĩ tham gia đoàn công tác thực hiện nhiệm vụ cứu nạn bị mất tích. Cho đến nay (26/10), lực lượng cứu hộ, cứu nạn tìm thấy được 5 thi thể công nhân trong số 17 người mất tích sau vụ sạt lở. Công an tỉnh Thừa Thiên Huế, lực lượng quân đội thuộc Quân khu 4 là lực lượng chủ chốt tham gia cứu nạn, bất kể gian nan vẫn nỗ lực tích cực tìm kiếm các công nhân bị mất tích. Khi tìm thấy được thi thể, bất chấp đêm tối, họ phải vượt qua chặng đường hàng chục km đường sông thác ghềnh, nguy hiểm, trời tối hạn chế tầm nhìn nhưng vẫn quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ mang thi thể các công nhân xấu số về cho người thân đang ngày đêm ngóng trông. Những ngày này, ở gần nhà tôi, gia đình em Ngô Viết Huy, sinh năm 1996, là một trong các công nhân bị mất tích chưa tìm thấy thi thể, trùm lên không khí ảm đạm, buồn bã. Cha mẹ, người thân mỏi ngóng tin em từ ngày 12/10 nhưng đến nay vẫn vô vọng. Bàn thờ đã lập cho em nghi ngút khói nhang. Người thân khóc cạn nước mắt.

Biết được thông tin về lễ viếng và truy điệu 13 cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ tại Thủy điện Rào Trăng 3 sẽ diễn ra vào sáng 18/10 tại nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 268 (phường Thuận Lộc, thành phố Huế), tôi đến dự và tiễn đưa các anh. Tôi đến đã thấy đoàn người đông đúc, dài hàng km, đoàn người đông đúc, trật tự, thành kính xếp hàng vào viếng. Hàng trăm chiếc khăn tang phủ kín từ sân vào tận bên trong nhà tang lễ. Những người đồng đội nghiêm trang vây quanh 13 linh cữu phủ kín cờ Tổ quốc. Nhiều người mắt đỏ hoe, xót xa trước hình ảnh đau thương, mất mát lớn lao. Lần lượt từng nén nhang đốt lên, thắp lên bàn thờ các liệt sĩ, những giọt nước mắt lăn dài...

Một không khí u buồn nhuốm lên khu vực Trấn Bình Đài. Tôi nhớ mấy câu thơ anh Hoài Đức viết trước đó: “Mẹ sợ mất con nơi rừng núi mưa mù/ Chẳng gặp lại, biết thu nào gặp lại?” và sự thật đau lòng đó đã diễn ra giữa những ngày mưa lũ mịt mùng, bi ai. Trong ngày tang lễ, tôi gặp anh Trần Hoài, phóng viên thường trú của báo Quân đội nhân dân tại Bắc Trung Bộ. Anh bảo cả một tuần lăn lộn trên các vùng lũ và vào Rào Trăng 3. Có hôm đi cùng đoàn cứu nạn vào hiện trường anh bị sụt hố bùn sâu ngập gần hết chân, cũng may có các anh công binh đứng gần ứng cứu kịp thời. Trong lễ truy điệu, Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Tư lệnh Quân khu 4 - trưởng ban tang lễ, đọc điếu văn về những đồng đội hy sinh ở trạm 67 - những cán bộ, chiến sĩ đến phút cuối cùng vẫn sống vì dân: “Phẩm chất đạo đức và sự dũng cảm của các đồng chí luôn sống mãi trong tim của đồng đội và nhân dân. Xin kính cẩn nghiêng mình trước sự hy sinh cao cả của các chiến sĩ, giữ bình yên cho nhân dân”.

Tôi chưa bao giờ thấy một tang lễ nhiều quan tài như thế, những chiếc quan tài phủ lá cờ Tổ quốc, những bát nhang ngút hương khói và hàng trăm dải khăn tang buồn lặng lẽ. Bà con nhân dân đến viếng chắp tay nguyện cầu, hàng trăm giọt nước mắt lăn chảy trong giờ phút chia ly. Và những người lính lặng lẽ khóc, lặng lẽ gạt nước mắt tiễn đưa đồng đội mình trong một ngày Huế thật buồn. Những chị quân nhân đứng bên cạnh các mẹ, các chị là vợ, là mẹ các liệt sĩ vỗ về an ủi. Có chị ôm lấy mẹ bên bờ vai, có chị bế các cháu đang không ngừng gọi tên cha. Cảnh tượng cảm động ấy đập vào tâm trí tôi. Lần lượt từng chiếc quan tài được đưa ra, lên xe đưa tang của quân đội. Mỗi quan tài được đưa ra, những tướng lĩnh, đồng đội ghé tay nâng đưa tiễn một đoạn đường. Khi tiễn đồng đội mình, Thượng tá Ngô Nam Cường, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tay đỡ quan tài, nước mắt chảy dài chào vĩnh biệt đồng đội!

Trong không khí đau buồn ấy, nhớ câu nói cuối cùng của Thiếu tướng Nguyễn Văn Man trong hình ảnh video cuối cùng vừa mới được công bố: “Việc thì gấp, vì nhiệm vụ, vì nhân dân chúng ta phải làm!” Tấm lòng và nghĩa cử của các anh nhân dân sẽ không bao giờ quên. Những chiếc xe lăn bánh ra khỏi bệnh viện 268, ra cửa chánh Bắc mang theo những tiếng khóc tiễn đưa. Nhà thơ Đoàn Văn Mật nghẹn ngào tiễn đưa những đồng đội mình qua đôi dòng bi tráng: “Xin cúi chào các anh những ngọn đèn trong bão giông không tắt/ những cuộc đời không bao giờ đánh mất lòng tin ở con người”. Các anh ngã xuống, “những ngọn đèn trong bão giông không tắt” vì ý chí, vì tinh thần đồng hành, tương trợ cùng người dân trong bão lũ. Thời bình không phải cảnh chinh chiến, nhưng còn hơn cảnh chiến chinh trước những mất mát to lớn này. Mưa lũ đã gây bao đau thương cho người dân bị nạn và những cán bộ, chiến sĩ hy sinh làm nhiệm vụ cứu nạn.

Mưa vẫn rơi không ngừng, mưa từ sáng đến chiều, mưa xuyên qua đêm, mưa mưa não nề, lê thê, mưa vô tình, mưa cuồng điên, mưa phá phách. Mưa lũ ngập đường, ngập nhà, ngập xóm, phố phường, công sở, trường học, đền đài, lăng tẩm, chùa chiền. Tất cả chìm trong biển nước, điêu tàn. Anh Nguyễn Quang Hàn viết những dòng cầu mong “xin mưa đừng rơi”:

“Quê nghèo ôi thương quá
Vất vả từ trong nôi
Mưa trắng cả núi đồi
Dân mình sao khổ thế”.


*
Lũ qua rồi, đi qua những xóm làng điêu tàn sau lũ, những đống quần áo nhầy nhụa bùn non được đem ra giặt vội. Ở nhiều hộ gia đình, toàn bộ đồ đạc, thóc gạo bị ướt ẩm hết. Những người phụ nữ giặt áo quần bên dòng nước đục ngầu phù sa. Nước máy vẫn chưa có, phải giặt không là mốc. Chú Phan Ngọc Văn (Quảng Phước, Quảng Điền), một người bà con của gia đình tôi, buồn bã kể rằng lúa nhà chú nước vào ngập cả. Nước lên nhanh quá, nhà chỉ có hai vợ chồng già, không thể cơi nới kịp thời, bà con xung quanh đều lâm vào tình trạng tương tự. Ở các xã Quảng Thọ, Quảng Thành, Quảng An, mưa lũ triền miên khiến rau màu chìm trong nước dài đều hư hỏng cả. Cây úng, đổ ngã la liệt giữa đồng, không thể thu hoạch được. Người nông dân đứng khóc trên cánh đồng tan hoang sau mưa lũ.

Những di tích lịch sử, từ quần thể di tích cố đô Huế, đến các di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh, lũ lụt đã làm hư hại xuống cấp nhiều công trình. Những cửa hiệu hàng hóa chỉ toàn bùn đất, người chủ trẻ ứa nước mắt trước bao công sức gây dựng. Nhiều người sống tạm bợ trong ủy ban xã, trong trường học, nhà người thân, vì nhà họ lũ đã cuốn đi rồi. Thương cho các em học sinh ở vùng lũ, sách vở hoặc bị ngập rách nát hoặc bị lũ cuốn trôi. Trường lớp được dọn dẹp, các em đến trường và hành trang là tay không. Các cô giáo, các mạnh thường quân kêu gọi quyên góp sách vở, viết, áo quần cho các em đến lớp. Hàng ngàn chuyến xe chở nhu yếu phẩm nối nhau về miền Trung hỗ trợ. Đồng bào sống trong lũ không cô đơn vì đồng bào cả nước hướng về miền Trung với tất cả sự sẻ chia ấm áp nhất.

Trận lũ lụt kinh hoàng trong tháng 10 còn đó những thiệt hại, mất mát, những bộn bề, lo toan còn chưa giải quyết xong thì cơn bão số 9 (bão Molave), một cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm qua với sức gió đạt cấp 14 (giật cấp 17 khi ở trên biển Đông) và khi đổ bộ vào đất liền cấp 10 - 11 (90 - 115 km/h), giật cấp 13. Trưa và đầu giờ chiều ngày 28/10, bão số 9 đã đổ bộ vào các tỉnh miền Trung với tâm bão nằm ở hai tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Nam, đồng thời phạm vi ảnh hưởng các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên. Gió mưa quần thảo liên hồi từ đêm 27/10 cho đến giữa đêm 28/10. Ở trong nhà nghe tiếng rít ghê rợn, tiếng cây đổ, mái tôn bay vèo vèo, chợt thấy thân phận con người quá mong manh trước sức tàn phá của thiên tai. Bão tới, nước biển dâng, mưa to, lũ lại lên, người miền Trung lại gồng mình chống bão, chống lũ. Bão số 9 đã càng quét dữ dội và gây ra những hậu quả rất nặng nề. Theo báo cáo (tính đến ngày 1/11) của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Nguyễn Xuân Cường - Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, bão số 9 làm 80 người chết, mất tích, trong đó, 45 người do sạt lở đất; 727 nhà bị sập hoàn toàn, ước thiệt hại khoảng 10.000 tỷ đồng cho 4 tỉnh miền Trung. Trong đó, nặng nhất là tỉnh Quảng Nam và tỉnh Quảng Ngãi. Thương tâm nhất là vụ sạt lở núi do ảnh hưởng của bão số 9 gây mưa to gió lớn vào tối ngày 28/10 tại 2 xã Trà Leng và Trà Vân (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) đã vùi lấp nhiều ngôi nhà và khiến hàng chục người mất tích, đến nay một số nạn nhân vẫn chưa được tìm thấy. Miền Trung ơi! Một tháng quê hương mưa gào gió thét. Đôi tay trắng bàn tay sau thiên tai tới tấp thiên tai. Bao nhà đổ, bao người chết, bao lúa khoai ngô sắn... hóa bọt bèo, bùn đất. Lũ đã lên, bão đã tới, người miền Trung vén sương buồn nhìn về phía ngày mai.

*
Mỗi mùa mưa đến, tôi lại nhớ đứa em gái nhỏ xa quê thường vẫn hay hát bài “Mưa chiều miền Trung” da diết, sầu ai khi nhớ nhà. Hồng Xương Long có lẽ đã quá yêu thương vùng đất “trời hành cơn lụt mỗi năm” để viết nên lời ca từ đi vào lòng người: “Miền Trung nước lên/ đau lòng xa rồi người em/ ơi quê hương man mác buồn/ chiều miền Trung mưa tím bến sông”. Mưa về, bão tới, lũ dâng là điệp khúc lặp đi lặp lại tưởng chừng quen thuộc với người miền Trung, là thử thách với lòng kiên nhẫn sống chung bão lũ và như một thứ căn cước tự nhiên gắn trong từng thớ ký ức vừa để nhớ vừa muộn phiền, cay đắng.

L.V.T.G  
(TCSH381/11-2020)



 

 

Các bài mới
Ván cờ (08/01/2021)
Các bài đã đăng
Tia nắng sau mưa (28/12/2020)