Tạp chí Sông Hương - Số 382 (T.12-20)
Phạm Văn Tường (? - 1823) - Danh tướng thống lãnh thủy quân đầu triều Nguyễn
10:33 | 08/01/2021

VÕ VINH QUANG

Tháng 4 năm 2019, trong dịp số hóa tư liệu Hán Nôm tại một số làng thuộc xã Vinh Xuân (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế), chúng tôi có dịp dâng hương nhà thờ tộc Phạm, tiếp xúc với nguồn văn bản sắc phong, bằng cấp và gia phả của dòng tộc, viếng mộ viên tướng thủy binh Phạm Văn Tường.

Phạm Văn Tường (? - 1823) - Danh tướng thống lãnh thủy quân đầu triều Nguyễn
Nhà thờ tộc Phạm làng Xuân Thiên - xã Vinh Xuân

Qua tìm hiểu được biết tộc Phạm làng Xuân Thiên, xã Vinh Xuân (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) xưa kia vốn có truyền thống về Thủy binh. Ở bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu sơ lược về họ Phạm làng Xuân Thiên và viên tướng thủy binh Phạm Văn Tường.

1. Danh tướng Phạm Văn Tường (? - 1823) qua chính sử và tư liệu tộc Phạm làng Xuân Thiên (Vinh Xuân, Phú Vang)

1.1. Tộc Phạm Văn và Phạm Văn Tường

Phạm Văn Tường 范文祥là một trong những vị danh tướng thủy quân, đóng góp tài năng, công sức cho công cuộc khôi phục trung hưng của Nguyễn vương Phúc Ánh (1780 - 1802), dần được thăng lên các chức vụ quan trọng dưới những triều vua Gia Long, vua Minh Mạng (với chức quan cao cấp nhất của ông là Khâm sai Thống chế, Phó Thống quản Thủy quân kiêm quản Trường Đà sự, tước Trung Cần hầu [đầu triều vua Gia Long thì ông được ban tước Trung Nghĩa hầu, sau đổi thành Trung Cần hầu], quan hàm nhị phẩm). Tiếc là do biến động, nên những thông tin cụ thể về ông trong gia phả của tộc Phạm phái 1 (họ Phạm - Khai khẩn đất Xuân Thiên. Gia phả được phụng tu năm 1972) rất sơ lược. Gia phả cho biết ông Phạm Văn Tường là vị tổ đời thứ 7 của tộc Phạm, phái 1.

Nhà thờ tộc Phạm, Phái 1 (phái trực hệ của ông Phạm Văn Tường)


Sơ tổ của tộc Phạm là ngài Phạm Văn Vị, tiên tổ đời thứ 2 là ngài Phạm Văn Liễu. Tiên tổ đời thứ 3 là ngài Phạm Văn Đờn (con trưởng ngài Liễu) và ngài Phạm Văn Nhịp [con trai thứ 2 của ngài Liễu]. Từ đời 1 đến đời 3, quý ngài đều ở làng Kế Võ (và mộ phần đều ở Kế Võ); đến khi ngài Phạm Văn Nhịp chuyển dời đến đất Đường Thiên (tức Xuân Thiên sau này) khai khẩn ruộng đất hoang hóa, trở thành vị Bổn thổ Khai khẩn của làng, thì tộc Phạm bắt đầu hiện diện tại đất Xuân Thiên như ngày nay. Đời thứ 4 là ngài Phạm Văn Quận (con trưởng ngài Nhịp - tách làm Phái 1), ngài Phạm Văn Núc (con thứ 2 của ngài Nhịp - tách làm phái 2) và ngài Phạm Văn Liên (con thứ 3 của ngài Nhịp - vô tự).

Đời thứ 5, phái 1 (gia phả từ đây chép các ngài phái 1) là các ngài Phạm Văn Quế (con trưởng ngài Quận), Phạm Văn Dạ (con thứ 2 của ngài Quận), Phạm Văn Lãng (con thứ 3 của ngài Quận), Phạm Văn Ham (con thứ 4 của ngài Quận), Phạm Văn Lân (con thứ 5 của ngài Quận).

Đời thứ 6 là ngài Phạm Văn Vầy (con trưởng của ngài Phạm Văn Dạ), chính là cha của Khâm sai Thống chế Phó thống quản Thủy quân Phạm Văn Tường. Ngài Phạm Văn Vầy được sắc ban Anh Dũng tướng quân Khinh Xa đô úy, Thần Sách quân Vệ úy Phạm hầu quý công. Ông cưới bà Trần Thị Nghệ, sinh hạ các con gồm: (1) Phạm Văn Tường; (2) Phạm Văn Ứng; (3) Phạm Thị Áng; (4) Phạm Thị Sáng; (5) Phạm Văn Túy; (6) Phạm Văn Thẩn.

Ngài Phạm Văn Tường - con trưởng của ngài Vầy là tổ đời thứ 7, phái 1 của tộc Phạm làng Xuân Thiên. Gia phả không ghi năm sinh năm mất cũng như tiểu sử của ông, chỉ cho biết Tiên tổ khảo Phạm Văn Tường được “Tiền triều sắc phong Nghiêm Oai tướng quân, Thượng hộ quân Khâm sai Thống chế Phó Thống quản nội quân viên, Trung Cần hầu Phạm quý công”.

Ông cưới 2 vợ, gồm bà chính phối Nguyễn Thị Xanh và thứ phối Trần Thị Kế; sinh hạ các con gồm: (1) Văn Hội; (2) Thị Lữ, (3) Văn Trinh; (4) Văn Phụng; (5) Văn Hiếu; (6) Văn Bình; (7) Thị Trung; (8) Văn Nghĩa; (9) Văn Lân; (10) Thị Yến; (11) Văn Loan; (12) Văn vô danh; (13) Thị Lợi.

Về sau, người con thứ 3 là Phạm Văn Trinh tiếp nối nghiệp thủy quân của cha mình, làm đến chức Đội trưởng Kinh Kỳ thủy sư (hiện tồn ở các văn bằng, sắc chỉ).

Gia phả họ Phạm, phần viết về Phạm Văn Tường


Hiện nay, nhà thờ họ Phạm (Phái 1) còn lưu giữ được khoảng 20 đơn vị văn bản, trong đó có bản gia phả (đã kể) soạn năm 1972; và 2 bản chế phong trên vải lụa cho cha mẹ Khâm sai Thống chế Phạm Văn Tường vào năm Minh Mạng thứ 3 (1822); 2 bản sao chép sắc phong giấy tờ (từ văn bản gốc); còn lại là các bản sắc phong, sắc chỉ bổ nhiệm chức vụ, khen thưởng chức phận… cho Phạm Văn Tường và con là Phạm [Văn] Trinh. Trong số các sắc phong giấy tờ ấy, chúng tôi xin giới thiệu, phiên dịch bản Sắc chỉ của vua Minh Mạng vào năm Minh Mạng thứ 3, liên quan đến Trường Đà sự (kiêm quản đội Hoàng Sa, Bắc Hải) và có một số kiến giải về Trường Đà, cũng như về giá trị của văn bản ở mục tiếp theo.

1.2. Khâm sai Thống chế Phạm Văn Tường trong Đại Nam thực lục (ĐNTL)

Sách ĐNTL có một số đoạn nói về danh tướng Phạm Văn Tường (theo trình tự thời gian) dưới đây.

ĐNTL Chính biên, Đệ nhất kỷ - Quyển XIV - Thực lục về Thế tổ cao hoàng đế. Tân Dậu, năm thứ 22 [1801], mùa hạ, tháng 5: “…Chia bổ quân cũ của vệ Phấn Dực Thủy dinh Trung Quân và các vệ thủy binh mới tổ chức làm ba vệ Phấn Dực Nhất, Nhị, Tam. Lấy Cai đội đội Nhất vệ Phấn Dực là Phạm Văn Tường làm Vệ úy vệ Phấn Dực Nhất…”1.

Đến tháng 5 năm Đinh Mão - Gia Long năm thứ 6 [1807]: “…sai bọn Tham tri Công bộ là Nguyễn Đức Huyên, Thiêm sự là Hoàng Kiêm Điến, Vệ úy Thủy quân là Phạm Văn Tường đi Nghệ An đốc suất chế tạo 100 chiến thuyền ô”2. Tháng 8 năm này: “… Lấy Phạm Văn Tường làm Vệ úy vệ Phấn Dực Nội Thủy, Tống Phước Thảo là Quản cơ cơ Trung Thủy, Phan Văn Thọ làm Phó quản cơ, Bùi Văn Thuận làm Quản cơ cơ Tả Thủy, Nguyễn Văn Lữ làm Phó quản cơ…”3.

Tháng 5 năm Gia Long thứ 9 (1810): “Sai Vệ úy Phạm Văn Tường kiêm lãnh các Tượng cục...”4; và tiếp sau đó là “… Cho Khâm sai Cai cơ Phạm Văn Tường và Nguyễn Văn Hạnh làm Khâm sai Chưởng cơ…”5

ĐNTL Chính biên, Đệ nhất kỷ - Quyển LIV - Thực lục về Thế tổ cao hoàng đế. Tháng Chạp năm Bính Tý, niên hiệu Gia Long thứ 15 [1816]: “…Sai Hữu tham tri Công bộ là Nguyễn Đức Huyên và Khâm sai Chưởng cơ Vệ úy vệ Phấn Dực là Phạm Văn Tường đều quản việc Trường Đà6.

Năm 1816 cùng năm trước (1815) cũng chính là những năm Thế tổ Cao hoàng đế tích cực, quyết liệt thực thi các công tác đo đạc, tính toán hải trình bằng cách cử các đội thủy quân (nhất là đội Hoàng Sa) ra đảo Hoàng Sa đo đạc đường biển, để đẩy mạnh quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Như vậy, qua ĐNTL và các tư liệu liên quan, chúng ta biết được tướng Phạm Văn Tường đã đảm nhiệm “quản Trường Đà sự” khoảng 8 năm (từ 1816 đến 1823, khi ông qua đời).

Đấy là giai đoạn việc thực thi chủ quyền biển đảo dưới sự quản lý, chỉ huy của Khâm sai Thống chế Phạm Văn Tường mặc dù không được ghi chép rõ ràng trong sử sách, nhưng ắt hẳn khá thường xuyên, liên tục. Điển hình là vào năm 1819, theo nghiên cứu của Trần Kinh Hòa về lịch sử quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa (tiếng Nhật) đã xác nhận “... Tiếp đến vào tháng 11 năm thứ 18 (1819) người ta đã mộ tập 50 người dân không có hộ khẩu vào đội Thái Sâm để thu nhân sâm mọc hoang trên các núi vùng Sa Kỳ (quyển 60). Những đội mà chúng tôi đưa ra ở đây chủ yếu là làm những việc như hái lượm, săn bắt các sản vật quý hay chế tạo, sản xuất dụng cụ, vũ khí và khác hẳn với các đội làm nhiệm vụ đặc thù là đi biển như đội Hoàng Sa hay đội Bắc Hải thuộc Trường Đà. Cơ quan trực thuộc của các đội này hầu như không rõ ràng và đội viên lại đa phần là dân ngụ cư có những nghề đặc biệt nên có thể đã vấp phải vấn đề gì đó. Vì thế nên vào đầu thời Minh Mệnh các đội này đã bị xóa bỏ và nhiệm vụ này chuyển sang tiến hành bởi Thủy quân và Giám thành quần7.

Tháng 11 năm Kỷ Mão, niên hiệu Gia Long thứ 18 (1819): “…Cho Khâm sai Chưởng cơ Vệ úy vệ Phấn Dực Nội Thủy là Phạm Văn Tường làm Thống chế Thủy quân Phó thống quản Thủy quân, cho trật ngang với Thống chế Thị trung…8.

Sắc phong cho Vệ úy vệ Tiền Dực ở doanh Phấn Dực là Phạm Văn Tường thêm chức Khâm sai Cai cơ, tước Trung Nghĩa hầu (vào năm Gia Long nguyên niên, ngày 12 tháng 11).


Đến tháng 6 năm Nhâm Ngọ, niên hiệu Minh Mạng thứ 3 [1822], nhà vua thay đổi cách gọi một số sự vụ, trong đó Trường Đà sự thì đổi gọi là Tào Chính sự. Sách ĐNTL chép: “Đổi chức cai Tàu vụ làm quản lý Thương Bạc sự vụ, chức cai Trường Đà sự làm Tào chính. Sai Chưởng Tượng quân Nguyễn Đức Xuyên vẫn quản lý Thương Bạc sự vụ, Thượng thư Hình bộ Lê Bá Phẩm và Phó Đô thống chế Thủy quân Phạm Văn Tường vẫn quản Tào chính9.

Cuối cùng, vào tháng 2 năm Minh Mạng thứ 4 [1823], “Phó đô thống chế Thủy quân Phạm Văn Tường chết, cho 50 lạng bạc, 1 cây gấm Tống10.

Qua một số thông tin sơ lược ở ĐNTL, chúng ta có thể hình dung được phần nào về tiểu sử, sự nghiệp của Khâm sai Thống chế kiêm quản Trường Đà sự Phạm Văn Tường. Cụ thể, ông đã theo phò Nguyễn vương Phúc Ánh chinh chiến từ nhiều năm trước và vì giỏi thủy quân nên đã dần thăng từ Cai đội đội Nhất vệ Phấn Dực (trước khi Thế tổ Cao hoàng đế lên ngôi, vào tháng 5 năm Nhâm Tuất - 1802) lên chức Vệ úy vệ Phấn Dực Nhất ở tháng 5 năm Gia Long nguyên niên (1802).

Cả sự nghiệp binh nhung và quan trường, ông đều gắn liền với Thủy binh (mặc dù có một thời gian vẫn kiêm lãnh nhiệm vụ ở Tượng cục), và đảm nhiệm Trường Đà sự (năm 1822 đổi thành Tào chính) nhiều năm liền (từ 1816 đến 1823).

Dưới đây, chúng tôi xin trích dịch và giới thiệu một văn bản liên quan đến “Trường Đà sự” của Phạm Văn Tường, hiện đang được gia tộc bảo lưu cẩn thận.

2. Bản Chiếu [sắc chỉ] vua Minh Mạng ban cho Phạm Văn Tường

Văn bản này có kích cỡ 60 x 40cm, bị thủng rách vài chỗ nhưng vẫn đảm bảo về mặt nội dung. Đây là văn bản Chiếu [sắc chỉ] gốc của vua Minh Mạng, với các dấu hiệu cụ thể về ấn song “Thủ tín thiên hạ văn vũ quyền hành” ở mép đầu văn bản, và ấn son “Quốc gia tín bảo” ở dưới dòng niên hiệu Minh Mạng.

Sau đây, chúng tôi xin gõ lại chữ Hán, phiên âm và dịch nghĩa:



Chữ Hán:
 

[小龍璽:取信天下文武權行]
詔欽差統制副統管水軍兼長舵事忠勤侯范文祥。玆准改兼該長舵事為兼漕
政事,並頒給關防壹顆委在黎伯品收掌凡漕政事例照舊奉行押用漕政關防
為信以合事體。欽哉特詔。
明命三年六月初一日珠印國家信寶]


Phiên âm:

[Tiểu long tỉ: Thủ tín thiên hạ văn vũ quyền hành]

Chiếu Khâm sai Thống chế Phó Thống quản Thủy quân kiêm Trường Đà sự Trung Cần hầu Phạm Văn Tường. Tư chuẩn cải kiêm cai Trường Đà sự vi kiêm Tào Chính sự, tịnh ban cấp quan phòng nhất khỏa, ủy tại Lê Bá Phẩm thu chưởng. Phàm Tào Chính sự lệ, chiếu cựu phụng hành, áp dụng Tào Chính quan phòng vi tín, dĩ hợp sự thể. Khâm tai! Đặc chiếu.

Minh Mạng tam niên lục nguyệt sơ nhất nhật

[Chu ấn: quốc gia tín bảo]

Dịch nghĩa:

[Bảo tỷ rồng nhỏ: Thủ tín thiên hạ văn vũ quyền hành]

[Hoàng đế ban] Chiếu [chỉ] cho Khâm sai Thống chế Phó Thống quản Thủy quân kiêm Trường Đà sự Trung Cần hầu Phạm Văn Tường. Nay chuẩn cho [ông] đổi từ kiêm cai Trường Đà sự (kiêm nhiệm cai quản việc Trường Đà) làm kiêm Tào Chính sự [kiêm quản việc Tào Chính], gồm ban cấp cho một chiếc ấn Quan phòng (tức Tào Chính sự quan phòng), giao cho Lê Bá Phẩm nhận lãnh [ấn]. Phàm các lệ định của Tào Chính sự thì đối chiếu với các lệ định cũ [của Trường Đà sự] mà phụng mệnh thi hành, áp dụng ấn Tào Chính quan phòng làm ấn tín, để hợp sự thể. Khâm tai, đặc biệt ban chiếu.

Ngày 01 tháng 06 năm Minh Mạng thứ 3 [1822]

[Ấn son: quốc gia tín bảo]

*
Văn bản chiếu [chỉ] của vua Minh Mạng ban cấp cho Phạm Văn Tường, đổi chức kiêm quản Trường Đà sự sang kiêm Tào Chính sự này là tư liệu gốc có giá trị, trùng khớp với những gì được ghi chép ở sách ĐNTL (đã dẫn ở trên). Đấy cũng là văn bản đặc trưng, giúp xác tín thông tin về sự thay đổi cách gọi tên đơn vị Trường Đà sang Tào Chính (bắt đầu từ tháng 6 năm Minh Mạng thứ 3 - 1822). Đồng thời, văn bản Chiếu [chỉ] này là di vật quan trọng, giúp khẳng định vai trò cai quản việc Trường Đà (Trường Đà sự) - là đơn vị quân sự của triều Nguyễn giai đoạn đầu, có trách nhiệm quản lý, sai phái các đội thủy quân Công sai là Kỵ Hải, Mã Hải, Hoàng Sa, Bắc Hải, Long Yên, Trường Thọ, Đại Lê...

Để làm rõ về Trường Đà, nhất là vai trò quản lý, sai phái các đội thuyền Công sai liên quan đến việc tổ chức, thực thi bảo vệ biên cương lãnh hải của Tổ quốc, nhất là việc thường xuyên đến Hoàng Sa, Trường Sa thực hiện công vụ, chúng tôi xin điểm qua một vài nét chính của Trường Đà dưới đây.

Quân hiệu Trường Đà 長舵 được ĐNTL ghi nhận xuất hiện từ cuối thời chúa Nguyễn, với vị Chưởng Trường Đà Nguyễn Đại Lữ. Sử viết: “[Đinh Dậu, năm thứ 12 triều Định vương Nguyễn Phúc Thuần - 1777]… Tháng 3, giặc Tây Sơn Nguyễn Văn Huệ đem quân thủy bộ vào cướp. Tân chính vương lưu Lý Tài lại giữ Sài Gòn, rồi tự đem quân tiến đóng ở Trấn Biên. Bộ binh giặc lẻn vào miền thượng đạo, Phó tiết chế Nguyễn Cửu Tuấn, Chưởng Trường Đà Nguyễn Đại Lữ đều chết trận…”.11

Thuyền Trường Đà bấy giờ là một trong những loại thuyền chiến của quân đội Nguyễn vương, được ghi chép rõ trong sách ĐNTL. Cụ thể, năm Canh Tý (1780), “…Mùa thu, tháng 7, sai các quân đóng binh thuyền. Đỗ Thanh Nhân sai thủy quân lấy thứ gỗ nam [kiền kiền] để đóng thuyền Trường Đà [bánh lái dài], trên gác sàn chiến đấu, hai bên dựng phên tre che thủy binh ở dưới để cho chuyên sức mà chèo, còn trên thì bày bộ binh để xung trận mà đánh. Do đó đi đường biển thuận lợi mà nghề thủy quân sở trường càng tinh thêm.”12

Các đội Trường Đà cũng đóng góp nhiều công trạng trong công cuộc chiến đấu với quân Tây Sơn, thời Nguyễn vương Phúc Ánh. Sử chép: [Tháng 10 năm Tân Dậu (1801)] “…Bọn Nguyễn Văn Trương và Phạm Như Đăng dâng sớ: “Đường biển ở Bắc Hà quân miền Nam chưa được am hiểu, xin mộ các đội Trường Đà cũ ở thôn Lý Hòa lập làm đội Hòa Hải để phòng sai bát”. Vua y cho”13.

Tháng 6 năm Ất Sửu, niên hiệu Gia Long năm thứ 4 (1805), triều đình “Hạ lệnh cho từ Quảng Bình vào Nam đến Bình Thuận đều ghi số thuyền số người các đội Trường Đà để tâu lên. (Quân Trường Đà trước có các đội Công sai là Kỵ Hải, Mã Hải, Hoàng Sa [nguyên bản Hán văn ghi nhầm là Sa Hoàng 沙黃], Bắc Hải, Long Yên, Trường Thọ, Đại Lê, lấy dân ở ven biển sung vào, Quảng Bình 10 xã thôn phường Cừ Hà, Lý Hòa, Thuận Cô, Cảnh Dương, Lộc Điền, Chỉ Giáp, An Náu nam biên và An Náu bắc biên, Nội Hà, Để Võng, có 183 chiếc thuyền, 1.427 người, từ Quảng Trị vào Nam đến Bình Thuận, có 327 chiếc thuyền, 1.604 người)14.

Như vậy, đội Trường Đà vốn là các đội Công sai Kỵ Hải, Mã Hải, Hoàng Sa, Bắc Hải, Long Yên, Trường Thọ, Đại Lê… đã có từ lâu, được khẳng định chính trong ĐNTL. Với vai trò trực tiếp quản lý các đội Hoàng Sa, Bắc Hải thì Trường Đà chịu trách nhiệm thực thi chủ quyền biển đảo của Tổ quốc thường xuyên liên tục từ trước đó nhiều năm, chứ không phải bắt đầu từ năm 1805.

Đến tháng 12 năm Bính Tý (1816), Khâm sai Chưởng cơ Phạm Văn Tường bắt đầu kiêm nhiệm quản Trường Đà sự (đã dẫn ở trên). Ông giữ chức vụ này cho đến khi qua đời năm 1823.

Mộ phần của ngài Phạm Văn Tường


*
Phạm Văn Tường là một trong những vị tướng thủy quân tài năng đầu triều Nguyễn. Ông đã đóng góp nhiều công sức trong cuộc chiến đấu đầy gian truân và thử thách của Nguyễn vương Phúc Ánh đối với quân đội Tây Sơn những năm cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX. Nhờ am tường sông biển, có tài về thủy chiến, Khâm sai Thống chế Phạm Văn Tường đã dần được thăng lên các chức vụ quan trọng trong triều đình nhà Nguyễn thời kỳ đầu (ở các triều vua Gia Long, Minh Mạng). Ông cũng là người trải 8 năm thống quản Trường Đà sự, trực tiếp đảm nhận công vụ thực thi chủ quyền biển đảo, với việc liên tục sai phái những đội Hoàng Sa, Bắc Hải tiến hành đo đạc, thu thập và tiếp quản Hoàng Sa, Trường Sa.

Tiếc rằng, sau gần 200 ngày mất của ông, trải qua nhiều biến động lịch sử xã hội, danh tướng Phạm Văn Tường đến nay gần như ít được ai quan tâm tìm hiểu.

Qua khảo sát, người viết thấy dòng tộc luôn có ý thức giữ gìn bảo quản di sản tư liệu của tổ tiên, song có lẽ do thiên tai, hoặc do thời tiết ẩm thấp, nắng mưa lũ lụt thường xuyên của xứ Huế, cũng như do những biến động của thời cuộc trong mấy trăm năm nay, nên số tư liệu Hán Nôm họ Phạm đã dần bị hư hỏng, rách nát ít nhiều (như thực trạng của tờ Chiếu cho Phạm Văn Tường ở trên). Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng phiên dịch và xâu chuỗi dữ liệu từ các nguồn tư liệu chính sử và văn bằng sắc chỉ, chiếu chế… hiện tồn của tộc Phạm (Xuân Thiên), thông qua đó sẽ tiếp tục có các bài viết khác, nêu bật giá trị của nguồn tư liệu trên. Đó là điều cần thiết để thể hiện lòng trân quý đối với những người, những gia đình có công lao với quê hương, đất nước.

V.V.Q  
(TCSH382/12-2020)

------------------
1. Quốc sử quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục tập 1 (Viện Sử học dịch), Nxb. Giáo Dục, tr. 443.
2. Đại Nam thực lục tập 1, Sđd, tr. 701.
3. Đại Nam thực lục tập 1, Sđd, tr.706
4. Đại Nam thực lục tập 1, Sđd, tr.786
5. Đại Nam thực lục tập 1, Sđd, tr.786
6. Đại Nam thực lục, tập 1, Sđd, tr.940
7. Trích từ bài viết “Đội Hoàng Sa: Cách thức thực thi chủ quyền độc đáo của Việt Nam trên các vùng quần đảo giữa biển Đông trong các thế kỷ XVII, XVIII và đầu thế kỷ XIX - Phần 3” của Nguyễn Quang Ngọc tại trang: http://vietnam.vn
8. Đại Nam thực lục tập 1, Sđd, tr.1000.  
9. Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 2 (Viện Sử học dịch), Sđd, tr.217.  
10. Đại Nam thực lục tập 2, Sđd, tr.261.
11. Đại Nam thực lục, tập 1, Sđd, tr.189.
12. Đại Nam thực lục, tập 1, Sđd, tr.209.
13. Đại Nam thực lục, tập 1, Sđd, tr.469.
14. Đại Nam thực lục, tập 1, Sđd, tr.634   




 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Ký ức mùa Thu (08/01/2021)