Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.12-20)
Hàng không mặt đất
14:11 | 03/02/2021

NGUYỄN HẢI YẾN

Lão Sếnh lệt sệt lê đôi dép tổ ong qua quãng đường nổi nhựa đen sì dưới nắng vào phòng vé. Đang nghênh nghênh như trâu cày ruộng cạn thì một cái bóng lù lù nhảy bổ từ đâu ra chặn ngang trước mặt lão: “Úi thầy!”…

Hàng không mặt đất
Minh họa: Tô Trần Bích Thúy

Lão Sếnh giật nảy mình, ôm chặt cái túi vải thắt dây dù vào ngực lùi phắt lại hai bước.

Thằng “úi thầy” cũng hai bước tiến lên theo: “Con đây thầy! Thằng Cu đây! Thầy không nhận ra à?” Lão Sếnh ngẩn người, lúc sau mới ồ lên: “Úi mày! Đi đâu mà lên tận đây?”… “Con cũng đang định hỏi thầy câu ấy!” “Tao về quê”. “Thế lên con chở.” “Mày đi đâu mà chở?” “Con lái xe Hoàng Long. Mấy năm rồi. Thầy chả quan tâm gì con sất”.

Thằng Cu cầm tay lão kẹp vào nách, vừa dẫn vừa kéo qua trận địa người rồi búng tay đánh choách. Chỗ ghế chờ căng tin một anh thanh niên đứng phắt dậy, mắt vẫn dán chặt vào điện thoại: “Chuẩn bị hả anh?” “Ừ! Lên nổ máy trước cho nó mát. Mà nhấc cái mặt lên! Hôm nọ cắm đầu xuống cống chưa chừa?” “Khổ! Anh thông cảm! Con nặc nô nhà em nó đương kiểm tra…”. “Bảo nó là đi làm móp đít vào chứ có chơi đâu. Giỏi theo mà kèm. Om nắng hống gió vài hôm mặt nhàu như tã chó là tởn ngay”. Thằng phụ xe xớn xác quay lại thì thào: “Anh bé chứ… Đương chờ bên Aion đấy”.

Cái điện thoại lia một vòng rồi dừng lại trước mặt lão Sếnh. “Thấy chưa? Thôi nhá!” Cái đầu xù tung, mắt thâm môi trầm trong màn hình reo: “Ui bác! Bác đi đâu mà về xe nhà cháu. Cháu Tuyết Anh con bố Toản đây”. Lão Sếnh đang ngẩn ra bảo quái nhà lão Toản bốn đứa con gái Tí, Tị, Tì, Ti, moi đâu ra con Tuyết Anh thì thằng cầm điện thoại quay lại phân trần: “Khổ lắm thầy ạ! Nó chính là con Ti. Đi lấy chồng đua đòi đổi thành Tuyết Anh. Con chính là chồng nó…”. Rồi cắm đầu chạy về phía bãi. Xe nổ máy, phun vào giữa nắng luồng khói đen sì.

Lão Sếnh theo liền thằng Cu lên xe mặc nó bảo thầy cứ yên đấy cho thoáng. Con phải chờ khách chứ thầy lên om làm gì. Mà thầy ngồi chỗ này về đến nhà đen kít, bu con không nhận ra đâu. Lão Sếnh gạt đi, bảo như này ăn thua gì. Ngày xưa tao làm bên xã, trưa rặt mới về, lại tranh thủ vác trâu đi cày, nắng thui như cuốc đã sao. Giờ đệm da điều hòa tiện nghi tối tân, làm gì mà rộn… Nó bảo vâng, tối tân dư này thầy đừng bảo sao mày không nói trước…

Xe nổ máy sình sịch. Nắng xuyên qua cửa kính om như cái lò nướng. Thằng Cu lật mũ, lau mồ hôi, nhìn đồng hồ, ngó xuôi ngó ngược như con đông tây chúa: “Sắp đến giờ thầy ạ”. “Sao chỉ có tao mí mày?” “Thế mới chết. Bọn con đói nhũn mồm…”. “Tao tưởng oách thế này…”. “Oách gì. Trừ lương điên đảo. Thầy không biết đâu”.

Có tiếng cộc cộc gõ ngoài cửa kính. Một cánh tay giơ túi nilon đựng ba chai nước: “Ship hàng anh ơi! Vợ em bảo khuyến mại trà xanh”. “Thấy thằng Quân đâu không?” “Ngoài kia. Đương đi mua bỉm với sữa hộ khách”. “Nhắc nó lấy hai nồi lẩu ếch hộ anh!” “Lấy rồi!” Lão Sếnh ngạc nhiên giời này chúng mày ăn lẩu ếch thì kinh. Thằng Cu phân trần khách đặt thầy ạ, bọn con mua hộ, lấy tiền ship chứ chúng con đi làm cọm đít, thời gian đâu. Mà ngồi phòng lạnh, ăn cả Hỏa Diệm Sơn còn được chứ gì nổi lẩu ếch. Lão Sếnh ờ ờ rồi chỉ tay về phía cổng: “Có phải kia không?”

Lão phải hỏi thế vì cái thằng vai khoác túi, nách cặp bọc bỉm tròng thêm túi sữa đầy thần thái tị nạn kia rất quen mặt nhưng lại không giống mấy cái thằng vừa đấu hót với con Tuyết Anh Ti qua điện thoại lúc nãy. Thằng Cu gật đầu: “Chính nó thầy ạ! Đón khách phải thế mới chuyên nghiệp. Cần cõng là cõng. Muốn bế có bế.” Lão Sếnh lại ờ ờ, khác hẳn ngày xưa. Chờ từ nửa đêm mới có chuyến xe lên Hà Nội. Chen quặp xương sườn lòi bong bóng mũi chứ được tối tân như giờ. Mà mày xem nó gọi cái gì kìa!

Lão nhắc thế vì thấy thằng Ti giơ cánh tay rảnh lên vẫy vẫy liên hồi. Thắng Cu mở cửa nhẩy phắt xuống phi như ma đuổi về phía cổng rồi quay trở về liền, kè kè theo một ông bác, vác bao dứa, xách cái rọ có hai cái đầu gà thò ra hai phía. Thằng Ti mở cửa, quay lại đỡ người phụ nữ tùm hum đứa con trong cái áo chống nắng: “Cẩn thận! Ngồi bên này cho râm. Bố sư, máy lạnh gì bật hàng tiếng mà vẫn như cái lò. Thầy nóng không thầy?” Lão Sếnh bảo ăn thua gì. Ngày xưa tao đi xe khách làm gì có máy lạnh. Giờ tối tân dư này… Thằng Ti há mồm. Lão Sếnh biết chắc nó định cãi thầy cái gì cũng ngày xưa nhưng chưa kịp vì tiếng gà quang quác chỗ bậc lên xuống át cả tiếng máy. “Ối bố ơi! Bố mang cái bao tùy thân lên thôi. Gà của bố phải an nghỉ trong cốp!”

Cái rọ gà bị đón ngược trở xuống, chạm mặt hai đứa, một trai một gái, đeo balo, dáng chừng sinh viên: “Xe về Hải Dương có qua 559 không chú?” “Qua luôn!” “Bao giờ chạy ạ?” “Chạy luôn! Nhanh còn kịp!”

Xe bắt đầu chạy. Rì rì ngược chiều nắng. Lão Sếnh và thằng Cu ngồi hấng trọn quầng lửa xiên khoai ngập buồng lái. Thằng Cu nhắc thầy đội mũ vào. Con đã bảo rồi. Thầy thấy con hệt như chấy thui chưa? Ngày xưa con đẹp trai, gái theo như đưa đám chứ đâu như giờ. Làm nghề này nhan sắc tàn phai nhanh như chó cái nuôi con thầy ạ. Lão Sếnh bảo công nhận. Cái gì ngày xưa chả hơn… Mà mày chạy kiểu gì như rùa cụt chân thế hử? Tốc độ trong thành phố chỉ được thế này, chốc ra kia chạy bù hử? Ờ nhẽ thế. Cứ như này mai không về đến nơi. Thằng Cu lau mồ hồi trán: “Có thí mát rồi đấy. Thầy hộ con chai nước!” Lão Sếnh ờ ờ, đang định bảo có cần tao mở nắp hộ không thì giật mình nghe thằng Ti gào: “Anh kìa! Anh kìa!” Tít đằng xa, trong cái cây ATM, đằng sau hai cái bao tròn có cái nón thò ra ngoắc ngoắc. Thằng Cu chúi lom lom, nhìn quăm quắm về phía trước, tấm tắc: “Quả vẫy xe quỷ khốc thần sầu thế kia mà mày nhìn thấy thì man rợ thật”. “Lại chả thế… Anh chậm thôi… Đại tỉ đi đâu? Hải Dương hở? Lên luôn…”.

Xe vẫn rì rì chạy. Thằng Ti mở cửa phóng xuyên qua nắng xuống chỗ cây ATM, hai tay quơ hai cái bao, rồi lao ngược về xe, mồm giục nhanh lên nhanh lên. Đại tỉ cắp nón chạy theo cũng luôn mồm chờ với chờ với. Lão Sếnh sốt ruột nhắc sao mày không đứng hẳn lại cho người ta lên chứ để chạy như gà nhảy ổ thế kia? Thằng Cu cãi thế mới tối tân thầy ạ. Chuẩn không được dừng bắt khách dọc đường.

Hai cái bao quăng đánh uỵch xuống sàn. Thằng Ti quay lại đón người phụ nữ: “Cái gì mà vẹo cả hông thế tỉ?” Đại tỉ vừa thở như công nông đầu dọc leo bờ mương vừa giở nón quạt phành phạch: “Mít đới! Vửa mí trật đới! Cẩn thận! Cậu đưa tôi cái bao xanh buộc lạt! Quả này mít bét!”

Đại tỉ ôm khư khư cái bao ngồi xuống ghế. Lão Sếnh bảo nhà chị cứ bỏ xuống cho rảnh, nặng thế cắp làm gì. Không được ông ạ. Quả này là của bu chồng con. Con đi mấy chặng đều ôm như này luôn! Bu chồng con chỉ thích mỗi món này. Mà phải là mít giồng ở vườn nhà cũ… Năm nào vào mùa con cũng lên quê bu xin một quả to oành mang về. Quả dai kia là của bọn trẻ con, quăng quật thế nào cũng được nhưng quả này là con phải như này…

Lão Sếnh ờ ờ… Thằng Ti hát: “Chiều còn vương nắng để gió đi tìm…”. Thằng Cu mở nắp chai café tu đánh ực: “Không phải tìm. Mộng sắp sang đến nơi rồi!” Lão Sếnh hỏi con cái Ti hả? Đâu? Chân cầu vượt á? Sao không nhìn thấy? Thằng Ti chồm lên, dí sát mũi vào kính chắn bảo kia thầy, ô tím huyền thoại kia kìa. Hai tay hai xách, nách kẹp bánh mì kia kìa. Thầy thấy con bắt sóng man rợ chưa?

Bấy giờ lão Sếnh mới nhìn ra, dưới chân cầu, chỗ mấy bóng người chen chúc trong bóng râm héo queo có cái ô tím nhô hẳn lên đang ngoáy như ngoáy cháo. Con bé áo bum bụp Pakistan kín mít luôn mồm gào cái gì đó sau cái khẩu trang đen có in hình mõm chó. Cửa mở, thằng Ti thò đầu ra gào oang oác: “Hải Dương… Hải Dương không mọi người ơi!” Con bum bụp gào giả lại: “Không ai sất! Cầm em cái ô!”

Xe dừng hẳn. Thằng Ti nhảy xuống đón hai cái bịch nilong nặng trĩu: “Gì mà lắm thế? Lên luôn đê!” - rồi xớn xác định co giò chạy. “Còn đi đâu?” “Đái bãi. Lúc nãy quên khoáy mất…”. “Điên à? Không nhìn camera gài bốn phía à? Muốn lên sóng khoe hàng à?” “Đâu? Ừ nhỉ! Hôm nọ làm gì đã thấy đâu”. “Ừ nhỉ… Ừ nhỉ… Hôm nọ chưa thấy thì hôm nay thấy. Đi đi anh ơi!”

Xe bắt đầu phóng vù vù ngược chiều nắng. Con Ti nói cái gì đó. Thằng Cu gật gù: “Mày bỏ bớt phục trang đạo cụ ra. Trông nhọc bỏ bà…”. Bấy giờ, lão Sếnh mới nhìn tận mặt đứa vừa nói, ngờ ngợ bảo quái, mày là con cái Ti á? Mũi tự yên cao như gò Ông Đống mí tài. Răng cũng hết vổ. Mà cái răng chẫng đâu rồi. Thằng Ti im lặng từ nãy, giờ nhảy bổ lên góp chuyện: “Mấy trăm triệu tích cóp của con… Đập đi xây lại đấy thầy!” Lão Sếnh nhìn chằm chằm vào mặt con Ti, tấm tắc: “Kinh thật! Thảo nào tao trông không thí nào quen…”. “Thầy con cũng nói y thế! Nhưng con bảo chưa xong. Thầy bu bán đôi lợn, con vay đi tắm trắng nữa cho đồng bộ. Bu con chu chéo méo giật, chửi ầm ầm cả họ nội nhà mày răng vổ mũi tẹt da đen như cứt trâu đã chết ai. Con bảo đúng rồi, ngoài các cụ ra đống Mả Chằm thì chưa chết ai nhưng bu nhìn rể bu chưa, cứ thấy gái là mồm tòe tĩ ngan, mắt chấp chới như quạ dòm chuồng lợn, suốt ngày lượn, con như này mà không trùng tu tôn tạo thì trước sau hắn cũng giở quẻ. Phòng còn hơn chống… Ơ con nói thật… Ông mí mọi người cười gì?…”.

Lão Sếnh bảo tao cũng không biết mọi người cười gì nhưng mày nói bé thôi kẻo trẻ con nó giật mình. Khóc không dỗ được. Người phụ nữ bế con gạt đi bảo ông với các bác cứ thoải mái, thằng cu nhà con chạ người. Nó dậy từ lâu rồi. Giờ làm bình sữa là chơi đến tối.

Con Ti chưa kịp ngồi xuống ghế thì bất chợt xe nghiêng như tráng cháo xô dúi sang bên trái rồi ngay lập tức lật kèo quăng sang phải, khuỷu tay huých đánh cốp vào đầu ông bác. “Úi anh chậm thôi!” “Chậm là chậm thế nào. Hai tiếng một chuyến. Từ thành phố ra đây mất cụ nó gần tiếng rồi. Về bến muộn công ti phạt cho bỏ bu. Mày tưởng… Mọi người ngồi vững nhá. Qua đoạn lướt sống trâu lên kia phi ngựa mới truyền thống cơ. Đường mới làm nó phải thế mới chuẩn. Thầy bảo cứ tưởng mới là đẹp á? Trông thế này thôi chứ nhựa kia lột lên làm bánh tráng cuộn được. Mới vài tháng đã nát như băm bầu. Xong kiểu gì cũng đổ cho quá tải. Thầy tin không?

Lão Sếnh chưa kịp bảo ờ ờ tin thì phía sau có tiếng ọe rõ to rồi tiếng nôn ồng ộc. Tiếng con Ti chu chéo ối giời ơi túi nilong đâu? Nôn ra sàn thế này là giết người rồi. Thằng bé sinh viên đỡ con bạn mềm oặt như tàu cải vừa tưới phân đạm lại gặp gió bấc phân trần túi đây ạ, nhưng không kịp. Nó nôn nhanh quá. Con này không đi được ô tô. Hôm nay nhỡ tàu. Con Ti quát mày đeo quai túi vào tai nó, hứng sẵn ở mồm ấy. Rồi nhao lên đầu xe nháo nhác, hai mắt lộn rồng rồng một lúc, lại gào lên: “Kia rồi anh ơi! Dừng dừng…”. “Dừng làm gì?” “Đống cát kia kìa! Cho em cái túi… Xuống lấy tí cát… Xong rồi! Đi đi anh ơi!” Lão Sếnh thán phục: “Con này mồm bao nhiêu năm vẫn y máy tuốt lúa. Mà sao bảo xe Hoàng Long không dừng đỗ dọc đường cơ mờ?” Thằng Cu thủng thẳng: “Trong thành phố thôi thầy! Khách như này thầy bảo không bắt thêm thì đói vêu mõm chó. Con kia, mày ngồi xuống, camera phạt chết tao. Mà bé cái mồm chứ. Long cả óc”. “Em không bé được. Khó chịu lắm! Cứ như nói vụng ấy…”. Đại tỉ ôm mít đồng tình: “Cô y tôi. Không nói một lúc là buồn rơi chán rụng. Ngáp như ếch hóng mưa, không nhặt được mồm… Mà cậu gì ơi, thu tiền đi chứ! Tính tôi là cứ phải nộp tiền xong mới yên tâm…”. Thằng Ti bảo vâng, tính em cũng thế. Cứ là phải thu xong tiền mới yên tâm. Nhà mình về Hải Dương hết, mỗi bố là chuyển xe Bắc Ninh hử bố? Vợ để ý nhá. Thằng Đức Phúc màu đỏ ấy! À mà quên, bố chuyển ghế mềm hay giường nằm?

Bác già đang ôm cái bao liu riu mắt chồm ngay dậy: “Ngồi! Tôi ngồi chú ơi! Tiền đâu mà nằm…”. Con Ti quay lại: “Chú không phải người vùng này?” “Vâng. Tôi mạn ngược. Xuống thăm con gái. Cô bảo quà gì mà nhiều thế á? Mỗi đôi gà. Cái bao này có ít gạo với cái áo bông của mẹ nó…”. Lão Sếnh bảo ờ ờ nước mắt chảy xuôi. Con cái nó không về thăm mình được thì mình đi với nó. Làm gì mà rộn. Chúng mày để ý xe đấy, kẻo qua mất. Thằng Cu gạt đi thầy yên tâm. Thằng Đức Phúc chạy sau mình từ Mỹ Đình có hơn chục phút. Kiểu gì cũng gặp.

Xe lù rù chậm lại. Phía sau, một chiếc khác lừ lừ trờ đến. Lão Sếnh bảo có phải kia không? Chữ Đức Phúc kia kìa… Thằng Ti reo lên úi may quá. Tự nhiên nó dẫn xác đến. Quá giời phù. Bố cứ yên đây con lo. Bọn này thấy mình đỗ cũng lại xuống a dua cho mà xem. Bảo ngay mà… Thằng điên… Chình ình thế kia… Ơi nài! Khách Bắc Ninh anh ơi…

Nhìn bên kia, lão Sếnh bảo dân số cũng lèo tèo, hẻo lánh y mình Cu ạ! Thằng Cu gật đầu. Giời đất này đâu cũng thế thôi thầy! Ngắc ngoải cả lũ. Mà thầy nhìn ông ôm ba lô. Quen cực! Lão Sếnh ngờ ngợ ai như nhà Vũ. Nhưng sao xơ xác như cò hương gặp bão. Ngày xưa màu mỡ đồng chiêm lắm. Bán nhà bán đất vào với con giai trong Nam cơ mờ. Để tao thử gọi xem có phải không nhá!

Cò hương gặp bão hóa ra đúng là lão Vũ màu mỡ đồng chiêm thật. Thằng Đức Phúc hớn hở may quá, anh đương tìm đổi xe cho cụ về Hải Dương thì tự nhiên chú dẫn xác đến. Thế mình sang ngang. Cụ yên tâm nhá! Lão Sếnh bảo cụ gì, ông ấy còn kém tôi dăm tuổi. Con Ti xen ngang chắc trong ấy nóng toắt cả người nên chú mới hom hem thế. Con nghe nói anh nhà chú có cái nhà mặt phố khủng long bạo chúa lắm. Chú sướng nhá! Lão Vũ bảo sướng gì? Chúng nó đi suốt. Tao bị nhốt như thằng tù. Đến bữa, thằng bán cơm câu hộp xốp qua khe cổng vào sân rồi gõ làm hiệu ra nhặt. Ở thành phố mười năm chỉ biết bốn bức tường với cái cổng sắt. Rồi quay sang lão Sếnh: “Em bán xới theo con, tưởng nó làm to, nó giàu thì mình sướng. Nào biết giời cao bể rộng như này…”.

Giọng lão cò hương nghèn nghẹn, mi mắt giần giật, đỏ tấy lên. Thằng Cu gạt đi: “Chú nghĩ nhiều làm gì. Cứ về đã. Quân ơi! Hai con gà đâu?”

Cốp xe mở. Lịch kịch… Rồi tiếng thằng Ti hốt hoảng chết rồi! Con Ti xớn xác nhao ra, thở dài đánh thượt: “Thế là xong!” Bác già luống cuống đón lấy cái rọ, nâng hai cái đầu gà rũ oặt. Làm sao bây giờ? Hai con này tôi nuôi bằng ngô từ đầu năm đấy. Bảo mang về cho con gái đấy. Con bé sinh viên vừa hồi hồi, nhìn bác già ngồi thẫn mặt, bất chợt giơ tay: “Ông để gà cho cháu. Mẹ cháu thích gà nuôi ngô lắm. Cháu mang về cho mẹ cháu thịt. Cháu gửi tiền ông mua quà cho chị. Ông đừng lo. Cháu đi gia sư có tiền…”. Bác già tần ngần nhiều thế này tôi không lấy. Cô cho tôi hai chục mua gói kẹo. Ngày ở nhà con bé nhà tôi thích ăn kẹo. Thằng Cu bảo giờ thế này, em bỏ hai chục đây, anh thêm chỗ này nữa để bố mua sữa cho cháu. Bố cất cẩn thận. Anh ơi! Em gửi bố! Xuống đúng chợ Hồ nhá!

Lão cò hương tha ba lô như nhện tha trứng, ngồi xuống đúng chỗ bác già, mặc cho thằng Ti bảo chú bỏ ba lô xuống chân đỡ nặng. Xe từ từ chuyển bánh. Con Ti thò hẳn người ra ngoài rối rít: “Bố ơi, lần sau về bố nhớ đi xe nhà con nhá!” Thằng Cu bảo nhá xong thì đóng cửa vào. Đau tai quá! Con Ti hỉ hả từ đây về nhà còn tí thôi thầy nhỉ.

Trưa vắng. Đám hoa râm bụt bên taluy rũ nhàu trong bụi. Thằng Cu bảo đây đến 559 tầm hai chục phút. Hai đứa xuống trước nhớ đôi gà. Con bé sinh viên lắc đầu: “Em thương ông nên bảo thế… Không phải... Em không sợ gà chết. Ngày xưa mẹ em xin được con gà rù, kho ăn mấy bữa liền, bạn này toàn sang ăn chực… Vâng… Chúng em gần nhà nhau… Nhưng mẹ em mất rồi. Mai 100 ngày anh ạ! Bố em cũng lấy vợ mới ngày mai…”.

Im lặng… Con Ti chưa kịp cạnh khóe giống đàn ông lạnh như đá bạc như vôi như lão Sếnh đoán thì bất ngờ tiếng máy dưới gầm giật lên lực khực đẩy cái xe giật theo vài nhịp rồi im bặt. Máy chết. Thằng Cu vội vàng đánh tay lái vào vệ đường. “Hôm qua vừa bảo trì. Sáng bơm đầy xăng. Sao thế nhỉ?” “Để em xuống xem. Hay làm mát có vấn đề? Không phải… Anh khởi động lại xem… Không được rồi. Xịt lắm! Anh xuống mà xem. Mà sao để trẻ con khóc thế?” Con Ti đứng lên đón thằng cu bé đang ưỡn ngược ra sau, hai bàn chân vò xoắn lại khóc như xé vải: “Sao thế nhỉ? Từ lúc lên chơi ngoan lắm cơ mà. Hay đói? Không phải. Vừa tu cả bình rồi thôi. Hay đau bụng nhỉ? Cô thử ấn tay vào bụng nó xem nào? Cũng không phải…”. Người phụ nữ phân trần xe chết máy cái là tự nhiên nó khóc. Em cũng không hiểu tại sao. Con bé sinh viên bảo cô đưa em cháu bế. Hay xuống dưới kia một tí. Trên này nóng quá. Lão Sếnh bảo ờ nhẽ thế. Xuống đỡ ngột… Thằng Ti giục anh lên khởi động lại lần nữa thử xem… Mà mấy chị em cô cháu không dỗ được thằng bé là thế nào?

Đại tỉ ôm mít dúi cái bao dứa nặng trịch vào tay thằng sinh viên bảo mày ôm cô tí. Có khi vía van. Rồi lật cái nón trên đầu giật bung cạp, tước nắm lá. Ai cho xin cái lửa? Vía vía van van. Chín lành bảy dở. Vía lành thì ở. Vía dữ thì đi… Cho thêm nắm nữa! Sao vẫn không được nhỉ? Còn có đoạn nữa. Qua cầu là về…

Lão Sếnh sốt ruột nhìn qua quãng đồng không. Đằng sau tấm biển: “Cầu Ma” thành phố nhòa đi trong nắng. Chợt à lên. Thôi chết. Hiểu rồi… Qua cầu này sang đất mình… Con Ti ngẩn người rồi vỗ trán đánh bốp. Con nhớ rồi. Cầu Ma đây mà. Ải vọng đây mà. Ngày xưa chỗ này là cửa ải trấn Thành Đông. Đánh nhau nhiều. Chết thôi là lắm. Giờ vẫn là ải trấn ma dữ. Thành ma xứ người muốn về quê cha đất tổ đều phải trình diện chốn này. Các Ngài không cho phép thì đừng hòng qua được. Bu con bảo thế. Lão Sếnh bảo thấy chưa. Thảo nào mà xe chết máy. Nhưng nếu thế hóa ra xe mình chở người âm à? Vô lí… Thằng Cu cũng gật đầu. Vô lí. Thôi con gọi chuyển xe rồi tính thầy ạ… Mà dỗ hộ tôi thằng bé đi.

Lão cò hương ôm cái ba lô ngồi gục mặt bên vệ cỏ. Im lặng nãy giờ mới ngẩng đầu lên. Chú đừng gọi. Xe mình chở người âm…

*

Một lúc sau, xe lại rì rì chạy. Im lặng... Thằng Ti rền rẫm: “Bao nhiêu năm giời còn mãi ra đi…”. Con Ti cạu cọ còn ngoạc mồm ra được. Thấy chưa, bảo cứ không tin. Không có lời với các Ngài, không mua vé cầu có qua được không? Mà chú ơi, anh nhà chú mất lâu chưa? Lão cò hương bảo nó chết trong tù cô ạ. Chả biết làm gì mà nhà cửa bị tịch thu, vợ con tứ tán. Cả đời bon chen tiền muôn bạc vạn giờ còn nắm tro. Tôi tay trắng rồi cô ạ! Mang con về không có nổi trăm nghìn cúng cơm nhập mộ… Lão Sếnh an ủi chú khóc làm gì. Về quê rồi mỗi người một ít. Làm lại từ đầu. Không sợ. Lão cò hương vẫn sụt sịt bảo em xin phép nói, các bác đừng cười, hay các bác cho em xin đôi gà dưới cốp xe, em làm lễ… Thằng Cu cười chú ơi, bữa lẩu tối nay của chúng cháu đấy. Tí cháu bảo vợ cháu giúp chú mâm cơm. Con vợ cháu gì chứ việc hiếu thì nhanh lắm. Đại tỉ ôm mít chen ngang con cũng xin biếu anh quả mít. Mà bác tài ơi, sao về đến đất mình rồi vẫn chậm thế? Thằng Cu quay xuống gào tỉ không thấy nổi danh công an quê mình à? Về đến đây mà còn bị phạt thì chúng em húp nước lã… Mà Quân ơi! Havina kia kìa! Xuống lấy cho anh mấy cành râm bụt. Hường nhà anh thích, mang về cho nó trồng. Con Ti bảo để em! Chỗ ấy nhiều màu lắm. Em chọn cho…

Xe vẫn rì rì chạy ngược chiều nắng…

N.H.Y
(SHSDB39/12-2020)  




 

Các bài mới
Cô bé bán diêm (18/02/2021)
Các bài đã đăng