Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.12-20)
Nam Sách quận công với nghệ thuật Ca Huế và những thư tịch cổ quý giá tại phủ thờ
15:10 | 05/02/2021

TRẦN VĂN DŨNG  

Trong dòng chảy lịch sử, Ca Huế đã tiếp thu, kế thừa và ảnh hưởng nhiều sắc thái, tinh hoa của nhiều vùng miền để trở thành một loại hình âm nhạc truyền thống độc đáo của Việt Nam.

Nam Sách quận công với nghệ thuật Ca Huế và những thư tịch cổ quý giá tại phủ thờ
Bức tranh vẽ Nam Sách quận công đang đánh đàn nguyệt - Ảnh từ Tập san BAVH

Ca Huế được hình thành từ thời các chúa Nguyễn (1558 -1777) và phát triển cực thịnh dưới thời các vị vua triều Nguyễn (1802 - 1945). Góp phần quan trọng tạo dựng nên diện mạo mới, bản sắc riêng của Ca Huế trong giai đoạn này phải nhắc đến các ông hoàng, bà chúa của triều Nguyễn. Những tên tuổi nổi tiếng như Nam Sách quận công Miên Ổn, Tùng Thiện vương Miên Thẩm, Tuy Lý vương Miên Trinh, Tương An quận vương Miên Bửu, Tuyên Hóa vương Bửu Tán, Quy Đức công chúa Vĩnh Trinh, Lại Đức công chúa Trinh Thận, Thuận Lễ công chúa Tĩnh Hòa… đã đi vào trong tâm thức của mọi người như những dấu ấn đặc sắc của thời kỳ lịch sử này.

Nam Sách quận công không chỉ được biết đến là một vị hoàng tử có tính cách đôn hậu, khiêm cung mà còn được người đời mệnh danh là tay đàn cự phách dưới triều Nguyễn. Ông đã góp phần làm lan tỏa và phát triển rực rỡ nghệ thuật Ca Huế trong chốn cung đình và dân gian. Song vì trải qua nhiều biến động của thời cuộc, nên sự nghiệp của ông hoàng Nam Sách ít được biết đến. Vì thế, trong bài viết dưới đây, chúng tôi xin góp chút tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp và nơi thờ tự của ông, với mong muốn sẽ phần nào đó đem lại một cách nhìn tương đối đầy đủ về chân dung vị hoàng tử triều Nguyễn đầy tài hoa này. Đồng thời, qua đây giúp cho các thế hệ hôm nay nhìn nhận toàn vẹn hơn đối với một trong những người có nhiều công lao gìn giữ và phát triển nghệ thuật Ca Huế trong lịch sử.

1. Nam Sách quận công: Vị hoàng thân nặng lòng với Ca Huế

Nam Sách quận công Miên Ổn sinh ngày 24 tháng 1 năm Quý Tỵ (15/3/1833), là con trai thứ 61 của vua Minh Mạng, mẹ là Quý nhân Nguyễn Hữu Thị Hạnh. Ông là em cùng mẹ với Triêm Đức công chúa Trang Nhàn1 và Trấn Định quận công Miên Miêu2. Khi còn là hoàng tử, ông là người có học hạnh3. Năm 1845, ông được vua Thiệu Trị ban cho bộ chữ Giác (角) để đặt tên cho các con cháu trong phủ - phòng. Đến năm 1850, với tài năng, đức độ và tri thức uyên bác của mình, hoàng thân Miên Ổn được vua Tự Đức sách phong làm Nam Sách quận công (南策郡公). Sách Đại Nam thực lục của Quốc Sử Quán triều Nguyễn đã có đoạn chép về sự kiện vua Tự Đức ban phong tước vị cho các hoàng thân, hoàng đệ:

Phong hoàng thân, hoàng đệ 6 người làm quận công (Miên Thẩm làm Tây Ninh quận công; Miên Sạ làm Tĩnh Gia quận công, Miên Triện làm Triệu Phong quận công, Miên Ổn làm Nam Sách quận công, Miên Tả làm Trấn Ninh quận công, Hồng Phi làm Anh Sơn quận công)4.

Ngoài tài văn học thì Nam Sách quận công được mọi người đánh giá là tay đàn tài danh xuất chúng lúc bấy giờ. Đồng thời, ông cũng được xem là một trong những người đã góp phần làm lan tỏa và phát triển mạnh mẽ nghệ thuật Ca Huế. Bằng niềm say mê, những tố chất thiên bẩm từ nhỏ, ông hoàng Miên Sách đã sớm học tập, lĩnh hội nhiều ngón nghề đàn ca Huế tuyệt kỹ từ người thầy Tống Văn Đạt và những thầy dạy nhạc nổi tiếng đương thời khác. Sau một thời gian ngắn, ông đã chơi nhuần nhuyễn cả ba cây đàn: tranh, nguyệt và tỳ bà. Cụ Phó bảng Minh Xuyên Hoàng Yến (1886 - 1955) là một nghệ sĩ rất am hiểu cổ nhạc Huế đã từng nhận định rằng, ông hoàng Nam Sách là một người chơi đàn hay nổi tiếng nhất thời bấy giờ. Trong công trình nghiên cứu về “Âm nhạc Huế: đờn nguyệt và đờn tranh” đăng trên tạp san BAVH (Những người bạn Cố đô Huế), cụ Hoàng Yến đã nhận xét về ông hoàng Nam Sách như sau: “Trong Hoàng phái có hoàng tử Nam Sách, không chỉ giỏi về đàn tranh, đàn nguyệt mà còn là người chơi đàn tỳ bà hay nhất trong thời kỳ ấy. Ông học nhạc với Tống Văn Đạt. Trong phần mở đầu cuốn sách nhạc của ông, ông có nói là ông mời ông Tống Văn Đạt đến chơi nhạc nhà ông và ông chỉ đạt được nghệ thuật này sau 5 năm học tập5.

Nam Sách quận công còn có biệt tài sáng tác các làn điệu Ca Huế xuất thần, tao nhã và hợp tình hợp cảnh. Bởi vậy, nếu như các phủ đệ khác đều được xem như biệt phủ kín cổng cao tường của các ông hoàng, bà chúa cao sang, quyền quý thì phủ Nam Sách quận công lại là chốn gặp mặt, nơi lui tới đàm đạo thơ văn giữa các Nho sĩ, các tao nhân mặc khách đương thời; không ngày nào vắng đàn ca Huế, ngâm thơ để giải bày tâm sự vui buồn cùng bạn tri âm, khách đồng điệu. Với tính cách phong lưu, thành thạo cả cầm, kỳ, thi, họa cũng như có kiến thức rất uyên thâm về đàn ca Huế nên ông hoàng Nam Sách đã dày công, tâm huyết viết cuốn “Nguyệt cầm phổ” vào năm 1859 nhằm gìn giữ, truyền dạy các làn điệu Ca Huế để nghệ thuật Ca Huế không bị mai một với thời gian. Trong cuốn Cố đô Huế, học giả Thái Văn Kiểm đã nhận định: “Ca nhạc Huế đã có những thời kỳ phong phú như dưới thời Tự Đức. Sử sách còn ghi chép những nhạc công có tiếng tăm lừng lẫy như ông hoàng Nam Sách và ông phò Trần Quang Phổ. Tôi có dịp may mắn được xem một bộ “Nguyệt cầm phổ” của Cúc Trang Tử, hiệu Thúc Ẩn, tức Nam Sách quận công, trong ấy chép tất cả các điệu ca Huế. Trong bài tựa, ngài Nam Sách có nhắc đến 2 nhạc công trứ danh thời bấy giờ là Biện Nhàn và học trò là Tống Văn Đạt. Sách này viết năm Tự Đức thứ VII (1859) tháng 106.

Trải qua nhiều giai đoạn biến cố trong lịch sử nên rất tiếc hiện nay, cuốn Nguyệt cầm phổ của ông hoàng Nam Sách đã bị thất lạc, các con cháu trong phòng Nam Sách quận công đã dốc lòng tìm kiếm, sưu tầm nhưng vẫn không có kết quả. Ông Vĩnh Hướng, Trưởng phòng Nam Sách quận công còn cho biết, lúc sinh thời cố họa sĩ Vĩnh Phối7 đã từng kể về một nhà sưu tập cổ vật tại Đà Nẵng đang lưu giữ cuốn Nguyệt cầm phổ và một số bài bản Ca Huế do ông hoàng Nam Sách biên soạn. Ông Vĩnh Hướng đã trao đổi với họa sĩ Vĩnh Phối sẽ cùng nhau vào Đà Nẵng để thương lượng với nhà sưu tập cổ vật nhằm đưa cuốn Nguyệt Cầm phổ về bảo quản, thờ phụng tại phủ thờ Nam Sách quận công. Tuy nhiên, ý nguyện này chưa thực hiện được thì họa sĩ Vĩnh Phối đã mất vào năm 2017.

Nam Sách quận công qua đời vào năm 1895, hưởng thọ 63 tuổi. Vua nghe tin lấy làm thương xót, sai quan ban rượu tế, ban thụy là Cung Lượng (恭 亮). Nghi thức tổ chức tang lễ của ông được thực hiện một cách trang trọng theo quy định của hoàng gia triều Nguyễn. Viên tẩm của ông hoàng Nam Sách được xây dựng ở làng Kim Long. Sau này, hậu duệ của ông cải táng đến làng Châu Chữ (nay thuộc xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy), nằm gần viên tẩm của mẹ là Đức từ Nguyễn Hữu Thị Hạnh. Chánh thất của ông là bà Bùi Thị Thu. Nam Sách quận công có 8 người con trai (tảo thương8 2 người): Công tử Hường Học, công tử Hường Hành, công tử Hường Huề, công tử Hường Khuê, công tử Hường Trấp, công tử Hường Quang và 4 người con gái: Công nữ Thúy Phong, công nữ Tiêu Hoài, công nữ Bội Lan, công nữ Mộng Hỗ. Con trai của ông hoàng Nam Sách là công tử Hường Hành được tập phong làm Kỳ ngoại hầu, còn cháu nội là công tôn Ưng Trí được tập phong tước Tá quốc khanh9. Phủ đệ của ông hoàng Nam Sách cũng được được con cháu cải tạo trở thành phủ thờ.

Nội thất phủ thờ Nam Sách quận công bây giờ


2. Phủ thờ Nam Sách quận công: Nơi lưu giữ giá trị lịch sử - văn hóa

Phủ thờ Nam Sách quận công tọa lạc tại số 273 Điện Biên Phủ, phường Trường An, thành phố Huế10. Nguyên xưa, phủ thờ có kiến trúc nhà rường 3 gian 2 chái, mái lợp ngói liệt, trong khuôn viên diện tích đất 5 sào, 13 thước, 1 tấc. Trải qua bao biến động của lịch sử, chiến tranh, đặc biệt là sau khi triều Nguyễn cáo chung (1945), phủ thờ ông hoàng Nam Sách ngày nay không còn gìn giữ được kiến trúc nhà rường như xưa, thay vào đó là xây dựng kiến trúc nhà bê tông cốt thép, diện tích đất phủ cũng bị thu hẹp nhiều. Tuy nhiên, kiến trúc phủ thờ vẫn đảm bảo các yếu tố trang trí truyền thống và thờ tự trang nghiêm. Bình đồ kiến trúc bao gồm: cổng vòm, bình phong và nhà chính. Nội thất phủ thờ chia làm 3 gian, gian giữa thiết trí án thờ ông hoàng Nam Sách, còn hai gian hai bên thiết trí án thờ các hậu duệ của phủ - phòng Nam Sách quận công đã quá cố. Trong những ngày tổ chức các lễ húy kỵ tại phủ thờ Nam Sách quận công, đặc biệt là lễ húy kỵ ông hoàng Nam Sách vào ngày 6/1 Âm lịch, con cháu trong phòng dù ở xa hay bộn bề công việc cũng phải cố gắng thu xếp về dự lễ, thăm viếng, chạp mộ, thắp một nén nhang khấn vái trước lăng mộ và bàn thờ tổ tiên. Con cháu vui vẻ, hòa thuận trong cuộc sống cũng như trong việc hiếu sự đối với ông bà, tổ tiên là thể hiện sâu sắc đạo lý uống nước nhớ nguồn và nề nếp gia phong truyền thống lưu giữ trong các phủ - phòng ở xứ Huế.

Phủ thờ Nam Sách quận công hiện vẫn còn gìn giữ một số bảo vật quý như sách đồng, ngọc điệp, văn bằng, gia phả... mang tính độc bản và rất có giá trị. Các hiện vật vô giá này được các thế hệ con cháu sống trong phủ - phòng Nam Sách quận công coi là vật gia bảo, cất giữ cẩn thận, trân trọng lưu truyền từ đời này sang đời khác, khiến cho những mạch nguồn giá trị văn hóa vật chất và tinh thần ấy luôn được bền vững mãi mãi qua thời gian. Dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu về 2 bảo vật quý hiện đang lưu giữ tại phủ thờ Nam Sách quận công.

Ngọc điệp của vua Thiệu Trị ban bộ chữ để đặt tên cho con cháu của các hoàng đệ vào ngày 9 tháng 6 năm Thiệu Trị thứ 5 (1845). Vua Thiệu Trị ban cho các em mình một bộ chữ dùng để chọn thứ nhì cho song danh, còn chữ thứ nhất thì vẫn dùng các chữ trong bài Ðế hệ thi, trong đó ông hoàng Miên Ổn được vua Thiệu Trị ban cho bộ chữ Giác (角) để đặt tên cho các con cháu trong phòng. Ngọc điệp có hình chữ nhật, dài 2,2m, rộng 65,5m, làm bằng lụa gấm vàng. Nét chữ Hán thêu trên ngọc điệp có chỉ màu đen, rất sắc xảo. Viền quanh ngọc điệp thêu kiểu thức trang trí lưỡng long tranh châu uốn lượn mềm mại giữa các cụm mây.

Ngọc điệp của vua Thiệu Trị ban cho phủ Nam Sách quận công


Nội dung ngọc điệp có đoạn viết như sau:

Lớn lao thay! Nước nhà ta, nhận mệnh lớn trời cho, phúc đức to tát; đấng hoàng tổ Thế tổ Cao hoàng đế ta nhất thống non sông, văn tự vết xe cùng lối, sai làm sách ngọc, để phúc lâu dài cho dòng họ nhà vua. Đấng Hoàng khảo Thánh tổ Nhân hoàng đế ta, sáng suốt theo làm, trời thương điềm tốt; truyền ngôi hưởng lộc, tôn xã vững vàng, định phả, định dòng, ngành ngọc phồn thịnh. Công to tích lũy hơn trước, ngôi báu truyền mãi về sau; vì thế, phân biệt thân sơ, rõ ràng thế thứ. Trẫm kính nối nghiệp lớn, noi theo chí xưa; hậu với người thân, càng ngày càng thịnh, rườm rà cành lá, càng ngày càng nhiều. Nay cứ Nội các dâng sớ tâu xin đặt tên cho hoàng tử và ban tên cho các con hoàng đệ thuộc hàng chữ “Hồng” [] đều dùng bộ chữ nhân (). Vả lại, số chữ có hạn, mà nhà vua càng ngày càng nhiều; xin tra đem bộ chữ nhân biên ra tâu lên xin Chỉ. Trẫm đã xét các chữ nên dùng thì ít dần đi, mà hiện đã ban tên như các chữ: giai (), giai (), đãn (), đãn, tuy chữ viết có phân biệt, nhưng âm thì giống nhau, lúc xưng hô mới thấy trùng điệp. Phúc lớn của nước nhà, dòng dõi nhà vua càng ngày càng nhiều thêm, đều nhờ cả vào đấng hoàng khảo ta, phúc lớn cao cả, thêm nhiều phúc lành hoàn toàn, có trai có gái 142 người; từ lúc có trời đất đến nay, các vua có tiếng tốt, có đức hiền, chép trong sách thực là ít thấy. Tuy đời xưa có nói đẻ trăm con trai, đó là trong Kinh Thi khen đức tốt của Văn Vương, tra cứu ở sách, không được rõ ràng; còn như Lạc long trong Nam sử, việc ấy cũng là ngoa truyền, không đủ chứng cớ. Chỉ có đấng hoàng khảo ta mới được hưởng phúc tam đa, vẻ vang được tứ đắc, đã nhận phúc trời, ban cho con cháu, đầy đàn đầy lũ, như lời chúc tụng trong thơ “Lân chỉ”, thơ “Chung tư” ở Kinh Thi, thói thường nhân hậu, tốt thịnh lắm thay! Trẫm kính xét 20 chữ mỹ tự trong bài thơ vua làm để đặt tên cho dòng dõi nhà vua, chính là để phân biệt thế thứ, mà liên hệ bằng bộ chữ; ban tên cho thì lấy ở các bộ chữ “nhân” (), “ngọc” (), “ngôn” (), “tài” (), “hòa” (), “tâm” (), có khi phải dùng cả hai, thực có ý đợi ngày khác càng nhiều thêm ra, cũng không ngại gì; trong đó châm chước bàn định để tỏ rõ dòng dõi nhà vua, mà phân biệt người thân người sơ, trăm con nghìn cháu, một gốc muôn lá, càng tỏ việc hay của thịnh triều. Nay chuẩn định về việc mệnh danh cho hoàng tử, hoàng tôn, được theo lệ cũ mà làm mãi mãi. Còn ban tên cho các con hoàng đệ, một chữ trên được theo trong bài thơ về dòng nhà vua, để nêu cái phúc tự trời cho; một chữ dưới thì chia phòng, cho bộ, để phân biệt con cháu các thân phiên. Về phòng Thọ Xuân công Miên Định, cho bộ “thủy” (), như đặt tên cho con là Hồng Tuấn, các cháu là Ưng Thanh, Bảo Hải, Vĩnh Trừng, Bảo Y, Quý Hoài, Định Cư, Long Giang, Trường Tế, Hiền Hiếu, Năng Nhu, Kham Thiếp, Kế Vinh, Thuật Diễm, Thế Long, Thụy Vịnh, Quốc Tư, Gia Chương, Xương Phái; còn các phòng thì chiểu bộ chữ của mình, chia theo thế thứ, lấy đấy mà suy ra. Phòng Ninh Thuận công Miên Nghi, cho bộ “khẩu” (); phòng Vĩnh Tường quận vương Miên Hoành đã chết, cho bộ “mịch” (); phòng Phú Bình công Miên An, cho bộ “mộc” (); phòng Nghi Hòa quận công Miên Thần, cho bộ “hiệt” (); phòng Tùng Quốc công Miên Thẩm, cho bộ “nhục” (); phòng Tuy Quốc công Miên Trinh, cho bộ “thảo” (); phòng Tương An công Miên Bảo, cho bộ “y” (); phòng Tòng Hóa quận công Miên Trữ, cho bộ “trúc” (); phòng Lạc Hóa quận công Miên Vũ, cho bộ “hỏa” (); phòng Hà Thanh quận công Miên Tống, cho bộ “cân” (); phòng Nghĩa quốc công Miên Tể, cho bộ “thù” (); phòng Trấn Man quận công Miên Thực, cho bộ “xa” (); phòng Sơn Định quận công Miên Cung cho bộ “dậu” (); phòng Tân Bình quận công Miên Phong, cho bộ “cách” (); phòng Quý Châu quận công Miên Miêu, cho bộ “ấp” (); phòng Quảng Ninh quận công Miên Mật, cho bộ “xước”; phòng Sơn Tĩnh quận công Miên Lương, cho bộ “vũ” (); phòng Quảng Biên quận công Miên Gia cho bộ “chí” (); phòng Lạc Biên quận công Miên Khoan, cho bộ “bưu” (); phòng Ba Xuyên quận công Miên Túc, cho bộ “mễ” (); phòng Kiến Tường quận công Miên Quan, cho bộ “mục” (); phòng Hòa Thạnh quận công Miên Tuấn, cho bộ “nữ” (); phòng Hòa Quốc công Miên Quần, cho bộ “giai” (); phòng Tuy An quận công Miên Hợp, cho bộ “phương” (); phòng hoàng đệ Miên tranh cho bộ “khiếm” (); phòng hoàng đệ Miên Thẩm, cho bộ “mao” (); phòng Trấn Tĩnh quận công Miên Dần, cho bộ “vũ”; phòng Quảng Trạch quận công Miên Cư, cho bộ “môn” (); phòng An Bình quận công Miên Ngung, cho bộ “xích” (); phòng hoàng đệ Miên Xạ, cho bộ “nghiễm” (广); phòng Trấn Biên quận công Miên Thanh, cho bộ “chu” (); phòng Điện quốc công Miên Tỉnh, cho bộ “điền” (); phòngTuy Biên quận công Miên Sủng, cho bộ “phong” (); phòng Hoàng đệ Miên Ngộ, cho bộ “hắc” (); phòng hoàng đệ Miên Kiền, cho bộ “nhĩ” (); phòng Trấn Định quận công Miên Cầu, cho bộ “ngõa” (); phòng hoàng đệ Miên Lâm, cho bộ “cung” (); phòng hoàng đệ Miên Tiệp cho bộ “kiến” (); phòng hoàng đệ Miên Vãn, cho bộ “xỉ” (); phòng Quảng Hóa quận công Miên Uyển, cho bộ “tẩu” (); phòng hoàng đệ Miên Ổn, cho bộ “giác” (); phòng hoàng đệ Miên Ngụ, cho bộ “trãi” (); phòng hoàng đệ Miên Tả, cho bộ “mạch” (); phòng hoàng đệ Miên Triện, cho bộ “hán” (); phòng Tân An quận công Miên Thái, cho bộ “khẩu” (); phòng hoàng đệ Miên Khách, cho bộ “mãnh” (); phòng hoàng đệ Miên Thích, cho bộ “hô” (); phòng hoàng đệ Miên Điện cho bộ “qua” (); phòng hoàng đệ Miên Hoảng cho bộ “bạch” (); phòng hoàng đệ Miên Trí, cho bộ “lập” (); phòng hoàng đệ Miên Thấn, cho bộ “vi” (); phòng hoàng đệ Miên Ký, cho bộ “thân” (); phòng hoàng đệ Miên Bàng, cho bộ “bì” (); phòng hoàng đệ Miên Sách cho bộ “hựu” (); phòng hoàng đệ Miên Lịch, cho bộ “kim” (). Thế là các phòng rõ ràng, hưởng thụ phúc nhiều, lại được vẻ vang. Nếu như ngày sau các phiên được nhờ phúc ấm của nhà, của nước, có nhiều con cháu, mà bộ chữ của phòng mình có khi dùng không đủ, phải do Đài thần, Nội các tâu xin, sẽ chọn bộ chữ hay cho thêm, để được nhờ mãi sự trời đất thần kỳ giúp đỡ, ông cha yêu thương, đời đời thêm lớn, phòng gốc trăm đời. Thật là đáng khen thay phúc tốt. Lại viết tỷ thư (58 đạo) ban cấp cho các hoàng đệ, giữ mãi làm gia bảo, cùng với nước cùng hưởng phúc, nhờ ơn không bao giờ hết11.

Cuốn sách đồng ghi lại sự kiện hoàng thân Miên Ổn được vua Tự Đức phong tước vị Nam Sách quận công vào năm 1850. Sách đồng có hình chữ nhật, khổ 13cm x 21cm, cân nặng 1kg. Sách đồng gồm 5 lá đồng tức 5 trang sách, 2 trang bìa trước và bìa sau là trang đơn, 3 trang ruột kép (6 trang đơn) để chép sách văn. Các trang được kết lại với nhau bằng 4 đồng khuyên tròn ở gáy phải của sách. Sách được đọc từ sau tới trước, từ trên xuống dưới, từ trái sang phải theo kiểu sách chữ Hán. Chính giữa hai trang bìa trước và bìa sau có đồ án trang trí mô típ long vân, thủy ba trong khung hình chữ nhật theo thủ pháp dập nổi kết hợp với chạm chìm. Long vân thể hiện một con rồng trong tư thế uốn lượn mềm mại để bay lên, xung quanh là các cụm mây. Bao quanh bốn mặt của trang bìa là đường viền, bốn góc dập nổi và chạm chìm lá đề cách điệu, trong lòng lá đề trang trí hoa thị trên nền hình lục giác. Phần sách văn bằng chữ Hán được trình bày trên 6 trang ruột đơn. Trang cuối chỉ có 3 dòng, còn trang đầu và các trang còn lại mỗi trang có 5 dòng, mỗi dòng từ 7 tới 12 chữ. Các chữ Hán được dập nổi trên nền lá đồng một cách chân phương, sắc nét và tinh xảo. Quyển sách đồng này dùng để cải cấp (cấp lại) cho hoàng thân Nam Sách vào niên hiệu Tự Đức thứ 22 (1869)12.

Sách đồng của vua Tự Đức ban cho phủ Nam Sách quận công


Có thể nói, ngọc điệp và sách đồng đang lưu giữ tại phủ thờ Nam Sách quận công là nguồn thư tịch cổ quý giá góp phần phản ánh diện mạo lịch sử văn hóa hoàng gia triều Nguyễn; đồng thời là một dấu ấn nghệ thuật độc đáo, giúp ích cho các nhà nghiên cứu mỹ thuật có tư liệu thực tế để tham chiếu tìm hiểu về nghệ thuật trang trí trên ngọc điệp và sách đồng.

Thiết nghĩ, để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản phủ Nam Sách quận công một cách có hiệu quả trong bối cảnh đương đại cần phải thực hiện một số giải pháp như: Tiếp tục công tác nghiên cứu sưu tầm các tư liệu, hiện vật liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Nam Sách quận công với lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nói chung và Ca Huế nói riêng. Bảo vệ diện tích đất xung quanh di sản phủ thờ Nam Sách quận công nhằm tránh sự xâm lấn, vi phạm, tranh giành sở hữu quyền đất đai trong khu vực tọa lạc di sản. Tập trung nghiên cứu các cổ vật quý hiện đang được bảo quản tại phủ Nam Sách quận công như sách đồng, ngọc điệp, văn bằng... Quy hoạch xây dựng trong khuôn viên phủ Nam Sách quận công một không gian trình diễn Ca Huế thính phòng để làm sống dậy lịch sử một thời luôn ngân vang tiếng ca tiếng đàn và làm nơi gặp mặt của các nghệ nhân, nghệ sĩ Ca Huế. Kết nối các di tích, thiết chế văn hóa nằm gần phủ thờ Nam Sách quận công như: Nhà lưu niệm cụ Phan Bội Châu, khu lăng mộ Tổ nghề Kim hoàn, chùa Thiền Lâm, chùa Từ Đàm, Đàn Nam Giao, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế… để tạo thành tuyến tham quan du lịch hấp dẫn thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan nghiên cứu và thưởng lãm. Tuy nhiên, những giải pháp nêu trên trước khi tiến hành thực hiện cần phải trao đổi, tham vấn ý kiến của các nhà quản lý văn hóa, nhà nghiên cứu lịch sử, đặc biệt là các con cháu hậu duệ hiện đang quản lý, gìn giữ di sản phủ thờ Nam Sách quận công để tạo tính đồng thuận và sự tin tưởng của họ.

3. Lời tạm kết

Phủ đệ của các ông hoàng, bà chúa triều Nguyễn là nơi khởi nguồn định hình Ca Huế với tư cách là một thể loại ca nhạc có đặc trưng, phong cách riêng của vùng đất sông Hương, núi Ngự. Ca Huế đã được hình thành bằng sự tích hợp các yếu tố tinh hoa của âm nhạc cung đình và âm nhạc dân gian Huế. Do vậy, Ca Huế là nhịp cầu nối giữa văn hóa nghệ thuật cung đình và dân gian, một thể loại âm nhạc cổ truyền đậm đà bản sắc Huế và còn in đậm dấu ấn hội tụ, lan tỏa trong lịch sử âm nhạc truyền thống Việt Nam. Dưới triều Nguyễn, Nam Sách quận công cùng với các ông hoàng, bà chúa thi sĩ khác đã sáng tác nhiều làn điệu Ca Huế nổi tiếng và còn được lưu truyền cho đến ngày nay. Nội dung các bài bản Ca Huế thường ngợi ca phong hoa tuyết nguyệt, là nỗi tự sự về thế thái nhân tình trước thời cuộc.

Ca Huế đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (2015). Hiện nay, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã giao cho Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với các cơ quan có liên quan tiến hành xây dựng Bộ hồ sơ “Nghệ thuật Ca Huế” đệ trình UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trong thời gian sắp đến. Do vậy, công tác nghiên cứu khảo sát về lịch sử, giá trị, hiện trạng của Ca Huế cũng như những danh nhân, nghệ nhân, nghệ sĩ đàn ca Huế từ xưa cho đến nay là việc làm mang tính thiết thực và có ý nghĩa cao. Với hành trạng và công lao nổi bật của ông hoàng Nam Sách với nghệ thuật Ca Huế như thế, chúng tôi nghĩ rằng Nam Sách quận công rất xứng đáng được các thế hệ hôm nay tôn kính và vinh danh là một trong những người có nhiều đóng góp lớn cho sự phát triển rực rỡ của nghệ thuật Ca Huế vào thế kỷ XX.

T.V.D  
(SHSDB39/12-2020)

-------------------
1. Bà chúa Trang Nhàn (1825 - 1892) được vua Tự Đức sách  phong làm Triêm Đức công chúa vào năm 1869.
2. Ông hoàng Miên Miêu (1832 - 1865) được vua Minh Mạng  sách phong làm Trấn Định quận công 1840.
3. Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2005), Đại Nam liệt truyện,  bản dịch Viện Sử học, tập 3, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr. 170.
4. Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục,  bản dịch Viện Sử học, tập 7, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr. 155.
5. Hoàng Yến (1998), “Âm nhạc Huế: đờn nguyệt và đờn  tranh”, BAVH (Những người bạn Cố đô Huế), Bản dịch Đặng Như Tùng, tập VI (1919) (B), Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr. 108.
6. Thái Văn Kiểm (1960), Cố đô Huế: Lịch sử - cổ tích - thắng  cảnh, Nha Văn hóa Bộ Quốc gia Giáo dục ấn hành, Sài Gòn, tr. 185 - 186.
7. Họa sĩ Vĩnh Phối (1938 - 2017) thuộc phòng Trấn Định  quận công, đồng từ với phòng Nam Sách quận công. Ông tốt nghiệp Trường Quốc gia cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn năm 1958, tu nghiệp ở Học viện Mỹ thuật La Mã (Ý) từ 1959 - 1966. Năm 1967 - 1975, ông làm Giám đốc Trường Quốc gia cao đẳng Mỹ thuật Huế. Sau 1975, ông được phong Phó Giáo sư về mỹ thuật, Nhà giáo Ưu tú và giữ chức Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nghệ thuật Huế cho đến ngày nghỉ hưu.
8. Vị công tử con trai của ông hoàng Nam Sách đã qua đời  khi chưa đặt tên.
9. Phổ lục phòng Nam Sách quận công sùng tu năm 1958.  Nhân đây chúng tôi xin cảm ơn ông Vĩnh Hướng, Trưởng phòng Nam Sách quận công đã nhiệt tình giúp đỡ chúng tôi tiếp cận tư liệu.
10. Trước đây, phủ thờ Nam Sách quận công tọa lạc ở ấp  Trường Súng. Sau sự kiện Thất thủ kinh đô vào ngày 5/7/1885 (23/5 năm Ất Dậu), khi tấn công vào kinh đô Huế, quân đội Pháp đã cướp bóc, đốt phá nhiều công trình kiến trúc hoàng gia triều Nguyễn. Trong thời kỳ lịch sử đau thương này, phủ thờ Nam Sách quận công bị thiệt hại nặng nề. Sau này, hậu duệ của ông hoàng Nam Sách di chuyển phủ thờ đến xây dựng tại ấp Trường Cởi (thuộc xã Phú Xuân, tổng Phú Xuân, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên) và tồn tại cho đến ngày nay.
11. Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực  lục, bản dịch Viện Sử học, tập 6, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr. 754 - 756.
12. Nguyên do cấp lại sách đồng vì vào thời điểm năm 1850,  hoàng thân Miên Ổn được vua Tự Đức phong tước Nam Sách quận công thì ban cho sách bạc. Tuy nhiên, sau thất bại trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược Pháp và buộc phải ký hòa ước Nhâm Tuất (1862) với thực dân Pháp, vua Tự Đức phải thu gom gần như toàn bộ vàng thoi, bạc nén trong quốc khố để bồi thường chiến phí cho liên quân Pháp và Tây Ban Nha. Đến năm 1869, vua Tự Đức ra lệnh cho các hoàng thân, hoàng tử, công chúa, phi tần... phải nộp lại kim ấn và kim sách mà triều đình đã ban cho họ trước đây, đúc thành các đĩnh vàng để triều đình tiêu dùng. Sau đó, nhà vua đã cấp lại cho họ những chiếc ấn và sách phong làm bằng đồng. Không phải là một trường hợp ngoại lệ, sách phong làm bằng bạc của Nam Sách quận công được vua Tự Đức ban cho trước đây cũng phải nộp lại cho triều đình để cấp lại sách phong bằng đồng nhằm lưu giữ và truyền từ đời này qua đời khác trong phủ - phòng.  




 

 

Các bài mới
Cô bé bán diêm (18/02/2021)
Các bài đã đăng