Tạp chí Sông Hương - Số 383 (T.01-21)
Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ ở Huế - Những sắc thái biểu hiện
09:11 | 09/02/2021

NGUYỄN HỮU PHÚC

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ ở miền Trung là một hình thức thờ cúng người Mẹ hóa thân ở các miền trời, sông nước, rừng núi được hình thành trên nền tảng của tín ngưỡng thờ Nữ thần Chăm kết hợp với tục thờ Mẫu Tam phủ ở miền Bắc.

Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ ở Huế - Những sắc thái biểu hiện
Bàn thờ Thất Thánh tại điện Huệ Nam

Người dân miền Trung thờ cúng Thánh Mẫu Thiên Y A Na cùng với các vị Thánh Mẫu cai quản các cõi, những nhân vật lịch sử hoặc huyền thoại có công giúp nước, cứu dân. Với người miền Trung nói chung, Huế nói riêng, Thiên Y A Na không chỉ là vị Nữ thần có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần, mà Bà còn được suy tôn là “thần chủ” trong giới đồng bóng và Nữ thần hộ mạng cho “thánh môn đệ tử” trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ, mà trung tâm là điện Huệ Nam (điện Hòn Chén). Hiện nay, đa phần các nhà nghiên cứu đều thống nhất cho rằng hình tượng Thiên Y A Na là sản phẩm của quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa Chăm - Việt, vừa đại diện cho bóng dáng của Vân Hương Thánh Mẫu (Liễu Hạnh công chúa) tại vùng đất mới. Vì vậy, cùng với Thánh Mẫu Thiên Y A Na, hệ thống điện thần Tam - Tứ phủ và nghi lễ lên đồng/ hầu thánh, hát chầu văn đã tạo nên một diện mạo mới trong bức tranh tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, vừa độc đáo, vừa chứa đựng nhiều bản sắc văn hóa riêng biệt của Huế.

Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ có sự phân bố ở nhiều tỉnh thành ở miền Trung và được thực hành ở nhiều địa phương trong cả nước. Tỉnh Thừa Thiên Huế được coi là một trong những địa phương có các trung tâm thờ Thánh Mẫu Thiên Y A Na từng được triều đình nhà Nguyễn ban sắc phong thờ phụng, tiêu biểu như điện Huệ Nam, làng Hải Cát, Vạn Lợi Nông, điện Thiên Sanh,… và sau này là Thánh đường Thiên Tiên Thánh Giáo - Tổ đình thờ Mẫu tại miền Trung. Chủ thể di sản là đồng đền (thủ am) thủ nhang, thanh đồng, hầu dâng, cung văn, con nhang đệ tử cùng với cộng đồng cư dân có chung một niềm tin vào quyền năng, sức mạnh tối linh, sự bảo trợ của các Mẫu, đứng đầu là Thánh Mẫu Thiên Y A Na, gắn bó với nhau thành bản hội, cùng nhau thực hành nghi lễ thờ cúng, tham gia lễ hội, lên đồng tại các am, điện thờ Mẫu. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sau khi “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể vào năm 2018, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Huế đã có sự “lai căng” theo đồng Bắc và biến tướng trong thực hành nghi lễ lên đồng, dần đánh mất đi bản sắc riêng theo lối Huế.

1. Về thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ ở Huế

Khởi thủy tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ được hình thành từ việc tôn vinh người phụ nữ trong văn hóa truyền thống kết hợp với nhân tố “Thánh Mẫu Liễu Hạnh” đã “lên khuôn” từ một số hoạt động tôn thờ rời rạc đến một thứ tín ngưỡng có tính hệ thống hơn. Đánh giá một cách tổng thể, tục thờ Mẫu của người Việt được chia thành ba dạng thức là thờ Mẫu Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ, gắn liền với thể thức thờ tự, không gian điện thờ, thực hành nghi lễ lên đồng khác nhau. Sự khác nhau này được hình thành dựa trên cơ sở của yếu tố lịch sử và sự tiếp biến, giao lưu văn hóa trong quá trình cộng cư của các dân tộc. Điều này khá rõ nét qua tục thờ Mẫu theo dạng thức Trung Bộ, tuy hệ thống thần linh và nghi thức thờ cúng, tục thờ Mẫu ở Huế vẫn thuộc hệ thống thờ Mẫu Tam phủ ở miền Bắc, tuy nhiên trong điện thần, vị thần chủ không phải là Liễu Hạnh như ở Bắc Bộ, mà là Thiên Y A Na. Có thể nói, tín ngưỡng thờ Thiên Y A Na Thánh Mẫu là kết quả của sự tiếp biến văn hóa Việt - Chăm, đó chính là sự dung hợp và Việt hóa từ Nữ thần Mẹ xứ sở Poh Inư Nagar của người Chăm thành Thánh Mẫu Thiên Y A Na của người Việt. Để làm rõ, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Huế có điểm tương đồng và sự khác biệt so với thờ Mẫu miền Bắc, cần phân tích những nội dung sau:

Về hệ thống thần linh: Như trên đã phân tích, hệ thống thần linh trong điện thờ Mẫu của người Huế có phần giống với miền Bắc, chỉ khác là ngôi vị thần chủ là Thiên Y A Na, chứ không phải là Liễu Hạnh. Sự thay đổi ngôi vị thần chủ này được bắt nguồn từ “những kỳ tích trong truyền thuyết, được truyền tụng từ người dân láng giềng, là vị nữ thần đã dạy cho dân trồng lúa, dệt vải, cứu giúp mọi người khi gặp điều khốn khó, điều hòa mưa nắng, hộ quốc an dân; ý nghĩa cũng như thiên chức ấy, sớm gây ấn tượng và dễ đi vào lòng của những lớp người cùng tồn tại trên loại hình nông nghiệp trồng lúa, từ lâu đã có cuộc sống định cư nhưng cũng gặp những bất trắc, đe dọa từ thiên nhiên”1và sự công nhận “Thượng đẳng thần”, cùng các thần hiệu được gia tặng như Hoằng Huệ, Phổ Tế, Linh Cảm, Diệu Thông, Mặc Tướng, Trang Huy với ý nghĩa quảng đại thần thông, linh ứng, hộ quốc, cứu dân của triều đình nhà Nguyễn. Việc “các vua chúa nhà Nguyễn đề cao Thiên Y A Na và phong chức Thượng đẳng thần là một động thái phù hợp để lấy lòng dân chúng và củng cố uy quyền chính trị2. Hiện nay trên đất Huế chỉ có hai nơi thờ Thánh Mẫu Vân Hương, một là điện Huệ Nam ở dạng phối thờ do Bà Từ Cung (mẹ vua Bảo Đại) ra Bắc để thỉnh thần vị của Mẫu cùng hai thị giả Quỳnh Hoa, Quế Hoa (thờ ở hàng thứ hai, thấp hơn ban thờ Mẫu Thiên Y A Na tại Minh Kính Đài), nơi còn lại là điện Phổ Hóa3 trên đường Bùi Thị Xuân.

Cũng giống như ở miền Bắc, đứng đầu trong hệ thống điện thần là Vua Cha, mà cụ thể là Ngọc Hoàng Thượng Đế và Vua Cha Bát Hải Động Đình. Đây là hai vị nam thần có quyền lực tối cao, trong đó Ngọc Hoàng Thượng Đế cai quản toàn bộ bầu trời, mặt đất, biển cả, và cõi âm phủ, Ngài đứng đầu tất cả các thần, tiên với các quyền năng tự nhiên như mây mưa sấm chớp, nước lửa… có quyền ra lệnh cho các vị thần thực hiện các ý định của mình, thường là những điều tốt đẹp. Còn Đức Vua Cha Bát Hải Động Đình là vị vua đứng đầu Thoải Phủ, gắn với huyền thoại lịch sử trong công cuộc dựng nước và giữ nước từ thời vua Hùng thứ 18..

Tiếp đến là Tam Tòa Thánh Mẫu gỗm Mẫu Thiên Y A Na (Mẫu Thượng Thiên), Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thủy Cung. Nếu như ở miền Bắc, Thánh Mẫu Liễu Hạnh vừa cai quản cõi Thượng Thiên vừa là hóa thân Địa Tiên Thánh Mẫu, ở Huế ngoài Tam Tòa Thánh Mẫu còn có Mẫu Trung Thiên cai quản cõi Trung Thiên, ngoại cảnh, nên còn được là Tứ phủ. Khác với lối tư duy triết học và những khác biệt về bối cảnh lịch sử, địa văn hóa, điều kiện sống khi tín ngưỡng thờ Mẫu ở miền Bắc truyền đến Huế đã có sự thay đổi về tên gọi, kéo theo đó là màu sắc các phủ cũng có phần khác biệt. Màu vàng là biểu tượng của cõi Thượng Thiên (Thiên phủ), màu đỏ là cõi Trung Thiên, hai phủ còn lại màu sắc không thay đổi: xanh cho cõi Thượng Ngàn (Nhạc phủ), trắng thuộc miền sông nước (Thoải phủ).

Ngũ vị Thánh Bà tại Sơn Chúa điện


Dưới Tam Tòa Thánh Mẫu là Ngũ vị Thánh Bà hay còn gọi là Ngũ Hành Tiên Nương, gồm năm Bà là Tam Động Hỏa Phong Tiên Bà4, Đức Chầu Ngoại Mộc Tinh Chúa Lá, Đức Chầu Bạch Ba Kim Tinh Thánh Bà, Đức Chầu Đệ Tứ Thủy Cung Thánh Bà, Đức Chầu Lục Động Thổ Tinh Thánh Bà. Bên cạnh đó, còn có Lục vị Tôn Ông gồm Quan Đệ Nhất Thượng Thiên, Quan Đệ Nhị Thượng Thiên, Quan Đệ Nhị Giám Sát Thượng Ngàn, Quan Đệ Tam Giám Sát Thượng Thiên Kiêm Tri Thượng Ngàn, Quan Đệ Ngũ Long Vương và Quan Đệ Tam Thủy Phủ. Đến thời Đồng Khánh, vì ông là người có niềm tin vào Thánh Mẫu Thiên Y A Na và mất thực quyền nên nhà vua đã tự nhận mình là đệ tử của Mẫu, xếp mình vào vị thánh thứ bảy, nên được gọi là Thất Thánh. Có thể nói, những danh xưng “Ngũ vị Thánh Bà” và “Lục vị Tôn Ông” được nêu ở trên là những tên gọi mang những nét địa phương, và có sự đồng nhất, tương tự với các vị thánh được thờ trong điện thần Mẫu ở miền Bắc như Tứ vị Chầu Bà và Ngũ vị Quan lớn.

Tiếp đến là Tứ phủ Quan Hoàng, Thập nhị Thánh Cậu, Thập nhị Thánh Cô, Tả Hữu Các Quan, Ông Hạ Ban (Ông Hổ). Bên cạnh đó còn các một số vị thánh khác như: Ông Chín Thượng Ngàn, Ngài Giám Sát Chiêm Thành, Bà Chiêm Thành, Quan Đốc Binh, Cậu Khuôn viên, các Quận, các Nường,… Hệ thống các chư vị thần linh trong tín ngưỡng về Tứ phủ không chỉ là người các dân tộc Việt (Kinh), mà có cả những chư vị là người dân tộc Dao, Tày, Nùng, Tà Ôi,… Đây rõ ràng là một sự “tích hợp” văn hóa - tín ngưỡng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Như vậy, hệ thống thần linh trong điện thờ Mẫu Tứ phủ của người Huế được sắp xếp theo “trật tự của một triều đình phong kiến ảnh hưởng của Nho giáo với Tam Cung, Lục viện, Cửu Trùng đài “Tiên thánh thần thuộc bốn cõi liên kết với nhau chi phối cõi người5, từ thấp đến cao và tùy theo chức năng, quyền lực của mỗi vị mà được cai quản ở các phủ khác nhau.

 

Nội cung Thánh đường Thiên Tiên Thánh giáo (Chi Lăng, Tp. Huế)
Ngoại điện đền Lá Chúa Ngọc Sơn (Phạm Thị Liên, Tp. Huế)

Về cấu trúc và không gian điện thờ: Ở Huế, nơi thờ tự các vị Thánh Mẫu và chư vị được gọi là điện, am, cảnh, gành thủy phủ6 với cách bài trí có nét riêng so với miền Bắc. Nét chung nhất giữa Huế với Bắc Bộ về cách bài trí và điện thần là các vị thánh ở đây theo một thần điện đa thần, có cả nam thần lẫn nữ thần, mà thần chủ là Thánh Mẫu. Cấu trúc điện thờ Mẫu của người Huế về cơ bản gồm hai phần là nội cung và ngoại điện. Đối với nội cung (nội điện), thờ vị trí cao nhất là Vua Cha, Tam Tòa Thánh Mẫu ở gian thờ ở giữa, trước bàn thờ Mẫu là Nhị vị Tôn Ông (có nơi gọi là nhị vị quan lớn), Tôn Ông Đệ Nhất Thượng Thiên được thờ bên phải của Thánh Mẫu, mang trang phục đỏ, theo quan niệm ông đã xuất gia tu đạo nên ít khi giáng đồng. Bên phải là Tôn Ông Đệ Nhị Thượng Thiên khoát trang phục vàng, là vị thánh, thay Thánh Mẫu cai quản mọi việc trên cõi trần đời. Còn tả hữu hai bên tùy theo quan điểm mỗi người mà có cách bố trí khác nhau như Ngũ vị Thánh Bà, Lục vị Tôn Quan, hay Thánh Cậu Thủ Đền, Cô Thủ Cảnh, Ông Hoàng, Ông Chín Thượng Ngàn, Quan Thánh Đế Quân,…

Còn ngoại điện hay ngoại cảnh, đứng đầu là Mẫu Trung Thiên, thờ ở Trung Thiên đài và “các chư vị Thánh bộ hạ, họ năm giữ bổn mạng, quy định thọ yểu của con người7. Cũng cần nói thêm rằng, trong các đền, điện ở Huế, Trung Thiên đài, tức nơi thờ Mẫu Trung Thiên đều ở ngoại cung, thường là đối diện với chính điện Tam Tòa Thánh Mẫu. Ở một số điện khác, trên Trung Thiên đài thờ Mẫu Trung Thiên, còn phía dưới là thờ Thủy Phủ do nhị vị Tôn Ông Thủy Phủ hoặc Bà Đệ Tứ Thủy Cung cai quản. Tiếp đến là ban thờ các vị thuộc cõi Thượng Ngàn, thường đường thiết trí trong một cái động được gọi là động Thượng Ngàn, hoặc nằm ẩn tàng dưới các tàng cây, gốc cây cổ thụ, thờ Ông Chín Thượng Ngàn, Cô Sáu Sơn Trang, Cô Chín Thượng Ngàn. Và các cảnh (am) thờ những vị cai quản trong đất đai như Cậu Khuôn Viên, Ngài Chiêm Thành,… những vị thánh thần trong quan niệm của tín đồ do cái chết oan khuất mà linh thiêng và bí hiểm.

Như vậy, với kết cấu điện thờ gồm bốn cõi là Thượng Thiên - Thượng Ngàn - Trung Thiên - Thoải Phủ đã tạo một trục dọc không gian theo Tứ phủ, tạo nên một hệ thống thần linh vừa mang dáng dấp “cái nôi” đất Bắc, vừa mang lớp áo của sự giao  thoa - tiếp biến được khoác theo dòng chảy lịch sử, yếu tố văn hóa tạo tác.

Về nghi lễ lên đồng: Lên đồng hay còn gọi là hầu thánh, hầu bóng, hầu đồng là một trong những nghi lễ đặc trưng và điển hình của tục thờ Mẫu, đây chính là hình thức của Shaman giáo. Là một loại hình sinh hoạt văn hóa tâm linh thuộc về dân gian có từ lâu đời, nghi lễ lên đồng có ý nghĩa tôn vinh các nhân vật lịch sử cùng với công trạng của họ dưới hình thức diễn xướng. Theo Ngô Đức Thịnh lý giải: “Lên đồng là nghi lễ chính của thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ cũng như một số dạng thờ Mẫu  khác. Đó là nghi lễ nhập hồn của các vị Thánh Tam phủ, Tứ phủ vào thân xác các Ông đồng, Bà đồng, là sự tái hiện hình ảnh các vị Thánh, nhằm phán truyền, chữa bệnh, ban phúc lộc cho các tín đồ đạo Mẫu8. Còn học giả Phan Kế Bình cho rằng: “Đồng cốt là những người thờ về chư vị như thờ bà Liễu Hạnh công chúa, Thượng Ngàn công chúa, Cửu Thiên Huyền Nữ… thì gọi là đồng Đức Mẹ; thờ về các vị Hoàng tử thì gọi là đồng Đức ông; thờ về các cậu thì gọi là đồng Cậu quận; thờ về các cô thì gọi là đồng Cô9. Nghi lễ hầu đồng chỉ được diễn ra trong không gian thiêng của điện thờ Mẫu Tứ phủ, có sự hỗ trợ của âm nhạc hát chầu văn và tay Quỳnh, tay Quế (hầu dâng) giúp các Ông đồng, Bà đồng trong suốt buổi hầu.

Khi hình thức lên đồng vào vùng đất Huế, do điều kiện tự nhiên, hoàn cảnh lịch sử, xã hội, sự hỗn dung với những hình thức diễn xướng tâm linh bản địa nên đã có sự thay đổi. Có thể nói, nghi thức lên đồng của người Huế được dựa trên nền tảng hầu đồng trong Tam phủ Bắc, nhưng nghi thức hầu đồng Huế có những nét khác biệt là hầu đứng, hầu trùm khăn phủ diện, hầu vui, mang tính trang nghiêm.

Trình tự một giá đồng có thể chia thành các bước: Thánh giáng, nhập đồng thông qua hành động “xoay khăn” phủ diện10, “sau khi đã được thánh nhập thì thanh đồng sẽ làm lễ bái và dâng cau trầu rượu trước điện thần Tứ phủ. Tiếp theo, thanh đồng sẽ “múa đồng” với nhiều điệu múa như múa kiếm, múa thanh long đao, cặp song chùy, múa hèo của các nam thần, quan lớn; múa quạt, múa mồi, múa hoa, chèo thuyền,… rất mềm mại, duyên dáng của các Bà, các Cô. Tùy theo sự hóa thân các vị thần mà người hầu đồng sẽ thực hiện các động tác múa cho phù hợp. Sau khi đã múa đồng xong, thanh đồng đang nhập vai đó sẽ “uống rượu, ăn cau trầu” và phát lộc cho những người xem tới dự thánh tiệc11. Riêng đối với nghi thức hầu chứng đàn, thanh đồng sẽ thực hiện thêm việc chứng sớ, ban bố các lệnh điệp treo ở các án thờ trong điện thờ, ký nhận các đồ mã dâng lên. Kết thúc mỗi giá đồng thì người hầu đồng sẽ phủ khăn phủ diện lại, lúc này người cung văn sẽ hát “xe loan thánh giá hồi cung”.

Điểm khác biệt so với đồng Bắc là trong quá trình thực hiện lên đồng, thanh đồng phải mang trang phục hầu đồng trước rồi mới được vào sân chầu, chứ không được phép thay áo, mặc áo, đóng khăn trước ban Công Đồng, vì cho rằng sẽ mất đi tính trang nghiêm và lỗi phép đồng. Hầu Huế ngoài hầu cá nhân (hầu chứng đàn) như đồng Bắc thì còn có hầu tập thể (hầu vui) và trình tự được thực hiện theo đúng cấu trúc của một giá đồng.

Về kinh điển Thánh Mẫu và hát chầu văn Huế:

Về kinh Mẫu: Cũng như các tôn giáo như Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Hồi giáo,… để giáo dục con người sống tốt đời đẹp đạo, hướng thiện, tín ngưỡng thờ Mẫu ở Huế cũng có kinh Mẫu với nội dung răn dạy đệ tử của Thánh Mẫu. Tiêu biểu cho những lời răn dạy của Thánh Mẫu và các vị thần linh được tập hợp theo hai dạng là văn thơ giáng bút (Kinh Đạo Nam) và các bản kinh do tín đồ Thánh Mẫu viết như Kinh Thượng Thiên Thánh Mẫu, Kinh Nhật Tụng Thiên Y và Khuyến thiện ngôn,… Các bản kinh được trình bày theo thể thơ lục bát, song thất lục bát, thơ bảy chữ,… với ngôn ngữ vừa mang tính bác học, vừa mang tính bình dị khiến người đọc dễ tiếp cận, để minh họa thêm, dễ hiểu và làm phong phú nội dung bản kinh thì còn lấy các điển tích trong lịch sử, văn học. Những lời răn dạy của Thánh Mẫu các thánh trong các bản kinh còn được những người cung văn chuyển hóa thành những ca từ trong hát văn, đó cũng là một nét đặc trưng trong nghệ thuật hát chầu văn xứ Huế.

Các bản kinh Mẫu không chỉ có ý nghĩa như lời kinh răn dạy của Mẫu đến “Thánh môn đệ tử” mà còn ẩn chứa tư tưởng Phật giáo. Về cấu trúc bản kinh có phần giống với kinh Phật như mở đầu với nghi thức nhập chuông mõ với bài tán Chiên Đàn, Tụng Chú Đại Bi, tiếp đến nội dung bản kinh và phần cuối là hồi hướng công đức. Trong toàn nội dung bản kinh luôn luôn có từ “nam mô” và tư tưởng “sắc không” của nhà Phật để chuyển hóa, dạy dỗ “Thánh môn đệ tử” về tư tưởng và hành động, tạo cho họ một sự quyết tâm vượt qua tất cả những khó khăn, thị phi của người đời để một lòng hướng về Tiên Thánh và tu tập để trở thành một người có tâm có đức.

Về hát hầu văn: Chầu văn hay hầu văn là một loại hình ca nhạc dân tộc được hình thành và lưu truyền từ lâu đời. Theo ghi chép trong các văn bản cổ và các công trình nghiên cứu về nghệ thuật hát chầu văn thì hình thức này có từ thời Trần, cụ thể trong tác phẩm “Kiến văn tiểu lục” của Lê Quý Đôn có chép rằng: “Hát múa trước mặt đế vương gọi là “hát chầu” (thị xướng)12. Có thể nói lối hát chầu này sau đó được vận dụng trong nghi lễ, thờ cúng, rồi được kết hợp với hầu đồng, gọi là chầu văn. Vì vậy, các cung văn Bắc thường sử dụng nhịp phách đảo, loại nhịp phách này có đặc điểm mang đến người nghe một cảm giác mơ hồ, không ổn định và đưa người nghe vào cảm giác huyền ảo, mung lung và dẫn dắt họ đi vào một thế giới của thần linh ngự trị. Khi cộng đồng dân cư ở phía Bắc theo Nam tiến vào định cư tại vùng đất miền Trung, tín ngưỡng như một nhu cầu cấp thiết, là chỗ dựa tinh thần không thể thiếu để chống chọi lại bao tai ách, biến động của tự nhiên. Vì thế, người Việt với nhu cầu đi xa hơn quê hương để sinh cơ lập nghiệp, họ đã mang theo truyền thống văn hóa địa phương ở nơi mà họ định cư nhiều đời, trong đó có cả việc phụng thờ Mẫu và hát chầu văn để đáp ứng nhu cầu tâm linh của mình.

Từ đất Bắc du nhập vào Huế là cả một quá trình với nhiều thế hệ đã dày công cải biến để chuyển hóa cho nó phù hợp với bản sắc ở vùng đất Cố đô, trong đó có sự tham gia của tầng lớp quý tộc phong kiến triều Nguyễn và một phần lớn các nghệ sĩ thuộc các ban ca hát dân ca Huế. “Cũng chính từ những lớp người này, trong vai trò và địa vị của họ, khi đã toàn tâm toàn ý theo hầu Thánh Mẫu, họ muốn xây dựng tín ngưỡng của mình trở thành một tôn giáo, bằng cách sửa sang kinh sách, giáo lý; sáng tác, chỉnh lý văn chầu, lễ nhạc,… và cùng với các hoạt động thờ cúng Thánh Mẫu, là việc xây dựng am, cảnh, điện thờ…13. Có thể nói, với sự tham gia của tầng lớp nho sĩ và nghệ sĩ ở Huế đã từng bước đưa hát chầu văn vốn mang tính dân gian được nâng cấp lên thành văn bản nhuần nhụy hơn, lời văn đầy hình ảnh hơn, thể hiện chất thơ nhiều hơn, quan trọng hơn là văn phong tinh tế, súc tích và mang tính bác học. Không những lời văn, làn điệu, cách thức trình diễn khác với lối Bắc mà các nhạc cụ sử dụng trong hát chầu văn Huế cũng có phần khác biệt. Ngoài ra, hình thức hát văn Huế cũng có nét khác biệt, hát chầu văn Huế thì hát đơn, hát đôi, hát tập thể; còn hát văn Bắc, cung văn chỉ hát đơn, cộng với đàn nguyệt, bộ gõ, sáo, kèn bóp,… Về thể thức làn điệu thì ở miền Bắc sáng tác theo điệu Cò lả, Trống quân, Phụ đồng, hát Sãi, Cờn, Dọc,... Còn ở Huế thì sáng tác theo những làn điệu trong ca Huế như Kim tiền, Lưu thủy, Ngũ đối, Xàng xê, Lý ngựa ô.

Hát chầu văn Huế gồm có hai phần:

Văn tấu: (hay còn gọi là văn cúng, văn thờ) được sử dụng để cung thỉnh các vị Thánh Mẫu và chư vị chứng minh. Tuy nhiên, ở miền Bắc, văn tấu có lúc hát lúc không hát và thường lồng ghép khi thỉnh ba giá Mẫu (không mở khăn phủ diện, không hầu đồng); còn ở miền Trung nói chung, Huế nói riêng, văn cúng là một điều bắt buộc phải hát trong bất kỳ cuộc lễ nào, chỉ thay đổi bài văn tùy theo mục đích, dịp mà được sử dụng. Theo thống kê sơ bộ, “tín ngưỡng thờ Mẫu ở Huế và miền Trung có đến 12 bản văn cúng. Đó là 1 bản có tên Tam Bảo, 2 bản Hội đồng (có Hội đồng 1 và Hội đồng 2, 1 trong 2 bản này sẽ được hát tùy yêu cầu của cuộc lễ và người đảm nhận vai trò chánh lễ), 1 bản Mẫu Cửu Trùng, 1 bản Nguyên Đán, 2 bản Thiên Y Thánh Mẫu, 2 bản Thánh Mẫu Ca, 1 bản Vân Hương Thánh Mẫu, 1 bản Thượng Ngàn Thánh Mẫu, 1 bản Thủy Cung Thánh Mẫu14. Trước khi vào các làn điệu của văn tấu, các cung văn thường biểu diễn một đoạn gian tấu hơi tự do với mục đích sử dụng đoạn tấu nhằm giới thiệu mở đầu nội dung bản văn, mang âm điệu trang nghiêm, hoài vọng. Nhịp điệu ở các bản văn này được cung văn sử dụng nhịp 3/4, 4/4 (tức là 3 hoặc 4 phách trong một ô nhịp) mang tính chất nhẹ nhàng sâu lắng.

Có một điều đặc biệt, trong bất kỳ cuộc lễ nào, câu văn mở đầu cho tất cả các bản văn cúng đều có nội dung như sau: “Thần kim ngưỡng khởi. Đệ tử tấu chư tôn (tiên). Tọa vị dương dương yểm nhược tồn. Nguyện thỉnh pháp âm thi diệu lực. Tùy cơ phó cảm nạp trần ngôn”. Đây là câu thủ mang tính bắt buộc, vừa chứa đựng triết lý của thế giới nhân sinh quan Phật giáo.

Văn Hầu: được sử dụng để thực hiện nghi lễ lên đồng, nội dung của những bài văn này là hát về những các vị Thánh, Tiên Bà, Tôn Quan, các Cậu, các Cô,… giáng nhập vào thanh đồng để thực hiện hoạt động múa đồng. Với lối hát này, cung văn sẽ sử dụng nhịp 2/4 nên tính chất âm nhạc có sự nhanh hơn, tiết tấu thúc giục và dần dần gây cao trào làm cho không khí sôi động hẳn lên, đưa con người lạc vào thế giới tâm linh, vừa thực vừa ảo. Tùy theo từng giá đồng, mà cung văn hát các bài về các Thánh với các nhịp điệu khác nhau, như nhẹ nhàng, chậm rãi khi hát văn các Thánh Bà với điệu bộ “phương phi, khoan thai”; các Tôn Quan thì nhịp văn hùng hồn như ra trận đánh giặc; hay các Cô thì yểu điệu, thướt tha, duyên dáng. “Dù là người phụ nữ chân yếu tay mền, trong đời sống thường nhật chịu bao đè nén, giờ đây họ sẽ múa kiếm, múa chùy, múa đao; dáng mềm mại của nữ giới lại càng làm cho động tác thêm uyển chuyển, hấp dẫn. Và kể cả điệu ngựa phi: Họ sẽ co một chân lên, hai tay khuỳnh ra đằng trước, một chân còn lại nhảy liên tục, theo nhịp thôi thúc tấp nập của tiếng sênh, tiếng trống, và lời ca ngọt của người cung văn. Người tham dự sẽ không mấy ai cười, vì phần lớn hòa nhập trong một niềm đồng cảm mãnh liệt15. Như vậy, vũ đạo và âm nhạc hát văn trong thực hành nghi lễ thờ Mẫu có sự phối hợp nhịp nhàng, không thể tách rời với nhau, tạo điều kiện, hỗ trợ lẫn nhau. Sự thành công của một giá đồng không chỉ người hầu đồng thực hiện đúng hình ảnh của vị Thánh đó, trang phục, múa đồng mà còn từ phía cung văn.

Hình ảnh bằng nghinh Mẫu trong lễ hội


Về lễ hội: Tại các điện, am, cảnh, ngoài rất nhiều ngày vía, mỗi năm có hai dịp lễ quan trọng theo kiểu “xuân thu nhị kì” (tháng 7 giỗ Cha, tháng 3 giỗ Mẹ)16, đặc biệt là lễ rước Mẫu trong lễ  hội tháng 7. Vào hai dịp lễ này, các điện, am, cảnh sẽ lập bàn thờ trên các thuyền rồng, gọi là bằng. Trên đường rước từ Thánh đường Thiên Tiên Thánh Giáo đến Hòn Chén dọc sông Hương, các bằng phải xếp thứ tự như sau: “đi đầu đoàn rước là thuyền đơn - thuyền giám sát Thượng Ngàn để mở đường, đi sau là bằng Thượng Sơn, Mẫu Thượng Ngàn, kế đến là bằng Quan Thánh dẹp đường. Sau các bằng có chức năng mở đường này, mới đến bằng Mẫu và bằng Hội Đồng. Đi sau bằng Mẫu là bằng Mẫu Thủy Cung, bằng hai vị phò Mẫu Thiên Y A Na và bằng rước Hội đồng Đức Chầu17. Sau khi đoàn rước Mẫu đến điện Huệ Nam và tổ chức hoạt động cúng tế tại đây, đến hôm sau sẽ làm cung nghinh Thánh Mẫu lên đình làng Hải Cát. Ở đây cả ngày và đêm diễn ra các nghi thức tế lễ, hầu đồng. Sau buổi tế đoàn người lại rước Mẫu hồi loan về lại Thánh đường Thiên Tiên Thánh Giáo. Sau thời điểm này, hầu hết các đền, điện, am, cảnh ở Huế đều làm lễ hoàn tạ thu tế, và họ cũng thực hiện nghi lễ lên đồng.

3. Kết luận

Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ là một nghi thức mang đậm dấu ấn và bản sắc văn hóa Huế, gắn liền với nhu cầu kết nối giữa con người với thế giới tâm linh theo quan niệm “trần sao âm vậy”. Chính những khác biệt trong cấu trúc hệ thống thần linh, nghi thức lên đồng và nghệ thuật hát chầu văn, do sự chi phối của yếu tố địa văn hóa, lịch sử và tư duy về vũ trụ quan đã làm nên chất riêng của tục thờ Mẫu và nghi lễ lên đồng ở Huế so với các vùng miền khác ở Việt Nam. Tuy nhiên, trải qua thời gian, những bản sắc và giá trị riêng có của thực hành nghi lễ thờ Mẫu ở Huế dần bị biến đổi, lai căng sang một hình thái khác, vì thế những thế hệ sau cần có sự nhận thức đúng đắn trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy những nét riêng của Huế trong thực hành tín ngưỡng. Việc làm này góp phần vào hành động cùng chung tay lưu giữ bản sắc văn hóa Huế, làm phong phú cho bức tranh văn hóa Việt Nam - nền văn hóa đa dạng trong thống nhất.

N.H.P
(TCSH383/01-2021)

----------------------
1. Nguyễn Hữu Thông (2001), Tín ngưỡng thờ Mẫu ở miền Trung Việt Nam, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr. 47.
2. Nguyễn Thị Thanh Xuyên (2017), Nghi lễ lên đồng trong thờ Mẫu Tứ phủ tại Nha Trang, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 88.
3. Phổ Hóa điện hay Phổ Hóa Cung được xây dựng vào năm 1925, do một vị quan triều Nguyễn là Phan Tử Phong xây dựng. Họ vốn là người phụng thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh ở Hà Tĩnh, khi đến Huế nhậm chức quan thì đã tiếp tục việc thờ Mẫu và thiết lập ngôi đền ở gần chùa Báo Quốc hiện nay. Đến năm 1939, đền được chuyển đến như vị trí hiện nay.
4. Theo tín độ của Thánh Mẫu, ngoài Tam Động Hỏa Phong Thần Nữ thì còn có Nhị vị Chầu Bà thuộc Á Mẫu là Thánh Bà Đệ Nhất Trung Thiên và Thánh Bà Đệ Nhị Trung Thiên, là khâm sai hầu cận Mẫu.
5. Nguyễn Hữu Thông (2000), “Những đặc trưng của tín ngưỡng thờ Mẫu và chư vị ở Huế”, Nghiên cứu tôn giáo, số 3, tr. 41.
6. Gành là tên gọi dân gian để chỉ phần đất nhô ra hoặc bãi đất bồi trên các con sông, trên phần đất này, những cư dân vạn đò quen sống trên sông nước hoặc tín đồ của Mẫu xây dựng đền để thờ Mẫu Thủy Cung và chư vị thánh cõi Thủy phủ.
7. Nguyễn Hữu Thông (2001), Tín ngưỡng thờ Mẫu ở miền Trung Việt Nam, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr. 109.
8. Ngô Đức Thịnh (2010), Lên đồng, hành trình của thần linh và thân phận, Nxb. Thế giới, tr. 37.  
9. Phan Kế Bình (1973), Việt Nam phong tục, Nhà sách Khai Trí xuất bản, tr. 339.  
10. Chiếc khăn phủ diện là một mảnh khăn hình chữ nhật được phủ lên đầu các thanh đồng khi bắt đầu nghi thức nhập đồng. Chiếc khăn phủ diện này đã được đồng thầy làm lễ khai quang trong một buổi lễ mở phủ trình đồng hoặc được thánh chứng minh.
11. Nguyễn Hữu Phúc (2020), “Nghi lễ Khai bàn trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu ở Huế qua sự khảo sát tại điện Huệ Nam”, Tạp chí Huế xưa và nay, số 157, tr. 10 - 11.
12. Lê Quý Đôn (2013), Kiến văn tiểu lục, Quyển 1, Nxb. Hồng Bàng, tr. 96.
13. Nguyễn Phước Bảo Đàn & Tôn Nữ Khánh Trang (2015), “Tín ngưỡng dân gian vùng Huế với vấn đề khai thác du lịch tâm linh (Nghiên cứu trường hợp tín ngưỡng thờ Mẫu)”, in trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Vấn đề di sản tôn giáo miền Trung, Huế, tr. 15.
14. Nguyễn Đình Đính (2018), “Dấu ấn tư tưởng Phật giáo trong 2 bản văn “Tam Bảo” và “Hội Đồng” của tín ngưỡng thờ Mẫu ở Huế”, in trong Kỷ yếu hội thảo khoa học: “Phật giáo với tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam”, Sóc Sơn, tr. 70.
15 Trần Đại Vinh (1995), Tín ngưỡng dân gian Huế, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr. 213.  
16. Ngày 2, 3 tháng 3 âm lịch là ngày đản nhật của Vân Hương Thánh Mẫu, người ta chọn ngày này để đồng nhất vía Mẫu Thiên Y A Na, còn ngày đản nhật của Mẫu Thiên Y A Na là 17/4 âm lịch. Còn tháng 8 mới là giỗ cha, nhưng vì ở Huế thời gian này là mùa lũ, thuyền bè ngược lên điện Huệ Nam và làng Hải Cát khó khăn, nên chuyển sớm sang tháng 7. Đồng thời, tháng 7 cũng là thời điểm thu tế, cầu an nên đã có sự kết hợp tại đây, nên gọi lễ hội tháng 7 là thu tế tại điện Huệ Nam và Mẫu tuần du đình làng Hải Cát.
17. Nguyễn Hữu Thông (2006), Làng Hải Cát: Đất và Người, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr. 170.
 

__________________
Tài liệu tham khảo:


1. Phan Kế Bình (1973), Việt Nam phong tục, Nhà sách Khai Trí xuất bản.
2. Nguyễn Phước Bảo Đàn & Tôn Nữ Khánh Trang (2015), “Tín ngưỡng dân gian vùng Huế với vấn đề khai thác du lịch tâm linh (Nghiên cứu trường hợp tín ngưỡng thờ Mẫu)”, in trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Vấn đề di sản tôn giáo miền Trung, Huế.
3. Nguyễn Đình Đính (2018), “Dấu ấn tư tưởng Phật giáo trong 2 bản văn “Tam Bảo” và “Hội Đồng” của tín ngưỡng thờ Mẫu ở Huế”, in trong Kỉ yếu hội thảo khoa học: “Phật giáo với tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam”, Sóc Sơn.
4. Lê Quý Đôn (2013), Kiến văn tiểu lục, Quyển 1, Nxb. Hồng Bàng.
5. Nguyễn Hữu Phúc (2020), “Nghi lễ Khai bàn trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu ở Huế qua sự khảo sát tại điện Huệ Nam”, Tạp chí Huế xưa và nay, số 157.
6. Ngô Đức Thịnh (2010), Lên đồng, hành trình của thần linh và thân phận, Nxb. Thế giới.
7. Nguyễn Hữu Thông (2000), “Những đặc trưng của tín ngưỡng thờ Mẫu và chư vị ở Huế”, Nghiên cứu tôn giáo, số 3.
8. Nguyễn Hữu Thông (2001), Tín ngưỡng thờ Mẫu ở miền Trung Việt Nam, Nxb. Thuận Hóa, Huế.
9. Nguyễn Hữu Thông (2006), Làng Hải Cát: Đất và Người, Nxb. Thuận Hóa, Huế.
10. Nguyễn Thị Thanh Xuyên (2017), Nghi lễ lên đồng trong thờ Mẫu Tứ phủ tại Nha Trang, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội.
11. Trần Đại Vinh (1995), Tín ngưỡng dân gian Huế, Nxb. Thuận Hóa, Huế.  



 

 

Các bài mới
Chùm thơ Lữ Mai (24/02/2021)
Ngọn nến (23/02/2021)
Các bài đã đăng
Hoa lanh xanh (08/02/2021)