Tạp chí Sông Hương - Số 384 (T.02-21)
Vọng tết quê
14:11 | 11/02/2021

PHI TÂN

1.
Buổi chiều trên đường đi làm về thấy một chị phụ nữ bày bán những con heo đất bên vỉa hè màu xanh, đỏ, vàng, cam nhìn thật vui mắt.

Vọng tết quê
Ảnh: Hồ Ngọc Anh Tuấn

Tôi dừng lại mua một con heo đất to, trông rất ngộ nghĩnh, nghĩ là mấy nhóc nhà tôi sẽ vui lắm khi tết đang về và đã có con heo đất mới để thay thế con heo đất cũ chuẩn bị được mổ ra. Chợt ùa về những niềm vui nho nhỏ của tuổi thơ trong tôi. Đúng là tuổi thơ nông thôn của tôi làm chi có mấy con heo đất mũm mĩm nhiều màu sắc đẹp như bây giờ. Nhưng hồi đó, để có tiền tiết kiệm cho tết, lũ con nít nhà quê chúng tôi cũng có một vật dụng để cất giữ tiền đó là những chiếc lùng binh.

Những chiếc lùng binh làm bằng một khúc tre nứa, được bịt kín hai đầu, khoét một lỗ nhỏ ở giữa đủ để nhét mấy đồng xu hay mấy tờ giấy bạc gấp nhỏ vô trong. Sau này, ở chợ quê tôi có thêm những chiếc lùng binh được làm từ những lon sữa bò bỏ đi được bịt kín lại đầu miệng bằng một miếng sắt, chừa lại một lỗ nhỏ để bỏ tiền vô. Chúng tôi gọi đó là những lon lùng binh... Bà nội vẫn thường mua cho anh em tôi một chiếc lon lùng binh như rứa trong những buổi chợ cuối năm. Suốt một năm, mấy anh em cũng dồn được chục đồng bạc và thật là vui. Chúng tôi gửi hết tiền cho bà nội để bà nội mua quà cho mỗi đứa; còn bao nhiêu bà để dành để lì xì cho mấy đứa cháu trong ngày đầu năm mới...

Những ngày Tết đến, tiền lì xì, tiền ăn từ trò chơi cua bầu được anh em chúng tôi lần lượt thả vô chiếc ống binh. Tôi vẫn còn nhớ đồng xu năm hào có một lỗ tròn ở giữa, đồng xu một đồng không có lỗ màu trắng bạc. Lũ trẻ xóm tôi vẫn thường chơi tán mạng bằng những đồng xu này và ai chơi hay thì có khi thắng đến mấy đồng. Rồi khi có rủng rẻng tiền thì bỏ vô lùng binh. Cái lùng binh được anh em tôi cẩn thận gác trên cái băng trần nhà. Trong suốt năm, cứ có tiền dư là anh em chúng tôi cho vô lùng binh. Mà những đồng tiền đó cũng chủ yếu là tiền của ba mạ hay bà nội cho để ăn quà hay thỉnh thoảng chúng tôi nhặt nhôm nhựa, mót lúa đi bán lấy tiền. Cứ đến độ cuối năm thì chiếc lùng binh lon sữa bò cầm lên lúc lắc không kêu nữa.

Rồi tối Ba mươi Tết, anh em chúng tôi chờ đợi đến giờ phút để đục lùng binh. Chiếc nắp đậy lon lùng binh được chúng tôi lấy con dao bẩy ra. Những đồng tiền kẽm quay tròn leng keng trên tấm phản trong ánh mắt sáng rực niềm vui của cả mấy anh em tôi. Thực tình thì từ lùng binh toàn là tiền lẻ nên cũng chẳng nhiều nhặn chi nhưng vì là tiền tiết kiệm được nên vui lắm. Bây giờ, mấy đứa con gái của tôi cũng thích được nuôi heo đất để tiết kiệm từ quà ăn vặt. Chỉ có điều, không như xưa, khi còn những đồng tiền xu bằng kẽm nên chú heo đất thiếu đi âm thanh lắc cắc thiệt vui tai như những chiếc lùng binh bằng lon sữa bò mấy lối của tuổi thơ...

2.
Vụ mùa mô cũng rứa cả, ba tôi cũng chọn miếng ruộng gần nhà để cấy nếp. Có năm cấy giống nếp Ba trăng, có năm cấy giống nếp Trứng; cũng có năm cấy giống nếp Đà. Khi đã gặt xong hết mấy sào lúa, ba mới cho gặt nếp. Sân phơi trước nhà phải dọn dẹp sạch sẽ tránh cho mấy hột lúa vương vãi lộn vô nếp sau này nấu xôi sẽ mất ngon.

Xong vụ mùa, mạ đi xay một thúng nếp để nấu xôi cho cả nhà thưởng thức hương vị mùa nếp mới. Số nếp còn lại ba cho vô hai cái lu to bằng sành để dành cho Tết. Đầu tháng Chạp, mạ đổ nếp trong lu ra đi xay để chuẩn bị làm bánh. Cái náo nức về mùa Tết con trẻ của anh em nhà tôi có lẽ đã đến từ khi mạ gánh hai thúng gạo nếp trắng như màu sữa về nhà. Nếp được dùng làm các loại bánh để cúng cấp và dọn khách trong ba ngày Tết vì nó dẻo và thơm. Nhưng để xay được bột nếp là cả một công đoạn khó khăn. Tôi nhớ nhà bác Toàn hàng xóm nhà tôi có cái cối xay bột nếp nhỏ bằng đá. Nếp dầm nước qua một đêm cho thật mềm nhừ, rồi bỏ vào cối xay từng nhúm nhỏ, dùng tay quay cối mà xay suốt cả ngày, rồi lọc, rồi phơi, rồi hấp cho bột chín... Sau này ở làng dưới có một cái máy xay bột hiện đại. Nếp chỉ cần rang cho chín rồi mang đi xay là bột có thể làm bánh được. Nhưng cứ đến đầu tháng Chạp nhà mô cũng chuẩn bị bột nếp cho ngày Tết nên ai cũng phải xếp hàng chờ đến lượt mình ở cái máy xay bột này…

Nhớ hương vị nếp là nhớ về cái không khí của Tết xưa với sự chắt chiu của người quê để lo cho cái Tết được đủ đầy, tươm tất. Nếp ruộng quê, đậu xanh vườn, heo cỏ nhà, có thêm vài chục trứng gà nữa để đổ bánh thuẫn… Không biết răng là đủ, cũng không biết răng là thiếu cho một cái Tết. Nhưng cái hương vị Tết cũ nó thấm đẫm từ cái tất bật, cái hương, cái vị và cả cái tĩnh nữa là vì người quê đã khéo léo làm thăng hoa hương vị của đất đai, cây cỏ quê nhà lên mâm cỗ, bánh trái trong ba ngày Tết. Cũng vì thế chăng mà ai đi xa cũng muốn về quê để được thưởng thức những món bánh trái chỉ riêng có của quê mình.

Có năm, nhà đứa bạn hàng xóm đưa ở đâu đó về trồng một loài cây lạ, lá hơi giống cây bình tinh nhưng lá to và dày hơn. Nó nói lá này là lá dong để nấu bánh chưng ngày tết. Rứa là cả mấy thằng trong xóm cười to nói bánh chưng thì gói bằng lá chuối thôi làm chi có chuyện gói bằng lá dong mà mi nói tầm bậy tầm bạ rứa. Rứa rồi đến giáp Tết, thằng bạn tôi đi kêu mấy thằng trong xóm thiển cận lên xem nhà hắn gói bánh chưng bằng lá dong. Thì ra có một loại lá dong gói bánh chưng mà không phải là lá chuối thật. Ba của thằng bạn bỏ hai miếng lá dong chồng lên nhau vuông góc trong cái khuôn bằng tre và gói bánh. Chiếc bánh chưng gói bằng lá dong xem ra còn đẹp hơn cả bánh chưng gói bằng lá chuối bởi lá dong xanh hơn, dày hơn. Ngày mồng một Tết, tôi mặc bộ đồ mới lên nhà thằng bạn chơi đã thấy mấy cái bánh chưng gói bằng lá dong đặt trên bàn sau khi cúng giao thừa xong. Những chiếc bánh chưng gói bằng lá dong đẹp quá, nhất là cái màu xanh đậm và cả những đường vân của lá.

Cùng lúc đó mẹ thằng bạn mời khách đến chơi ăn món giò nấu đông, một đặc sản Tết của quê bà ở tận ngoài Bắc. Bà thím thằng bạn lắc đầu nói: “Chao ơi bác nấu cái món chi mà thấy cả mợ (mỡ) khôn rứa, thấy ớn ang rứa ăn răng chù (cho) được bác hè!” Nói thì nói rứa nhưng bà thím cũng nể lời chị dâu ngày đầu năm mà thưởng thức món giò nấu đông. Ăn xong một tô bà thím xuýt xoa: “Té ra nhìn thì rứa mà kỳ (cái) món ni hắn khôn ớn chi hết tề, ngon quá!” Tôi cũng được mẹ của bạn mời ăn món đông nhưng từ chối chỉ vì đã lỡ ăn một cái bánh chưng gói lá dong và còn mê mấy thứ bánh ngọt khác nữa.

3.
Nhớ một chiều cuối năm, trên chuyến đò dọc từ Huế về quê ăn Tết, ngồi cạnh tôi là một người đàn ông chừng trên dưới lục tuần. Đò vừa nổ máy rời bến Đông Ba, tôi bắt chuyện làm quen với ông: “Bác về mô, làng Kế Môn hay làng Đại Lược?” “Tui về Đại Lược, cũng là quê của tui đó!” Sau câu nói này, ông bỗng trở nên gần gũi với tôi và câu chuyện giữa tôi với người đồng hương mới quen đã bắt đầu rồi say sưa dần khi đò rời bến...

Quê ông cũng là quê tôi, làng Đại Lược bên sông Ô Lâu. Nhưng ông đã cùng gia đình rời làng vô miền Nam sinh sống từ cuối năm 1960 khi mà tôi còn chưa ra đời. Xa quê từ nhỏ, nên giọng nói của ông gần như là giọng Nam Bộ, chỉ sót lại đôi ba từ là của miền Trung. Chiến tranh bom rơi đạn lạc với bao mất mát; rồi hòa bình và những cuộc mưu sinh cơm áo nhọc nhằn đã làm cho gia đình ông ngày càng xa dần, xa dần cố hương cả về mặt địa lý và tình cảm. Cũng may là những cái Tết ấu thơ yên ả vui vầy vẫn còn ngưng đọng trong ký ức của ông dù thời gian đã qua mấy chục năm qua rồi... Ông kể: “Hồi đó là bom đạn liên miên, xóm làng tiêu điều, xơ xác lắm! Người làng thì ly tán đây đó khắp nơi; nên những ngày Tết cổ truyền khi mô cũng đặc biệt cả. Đó là thời gian và không gian để những người xa quê trở về nhà hướng về tổ tiên, mồ mả. Tui vẫn còn nhớ tiếng pháo nổ đón giao thừa chen lẫn tiếng súng và ánh hỏa châu của mấy anh lính bắn lên trời chào năm mới. Là những ngày Tết bình yên không có tiếng súng giao tranh bên này bên kia và mọi người có thể thoải mái đi trên đường làng đon đả chào nhau, chúc nhau và đến từng nhà thăm nhau... Tui vẫn còn nhớ cái bánh in làm bằng bột củ bình tinh còn gọi là bột linh, bóc lớp giấy ra là phải đổ thẳng vô miệng ăn liền, ngọt và thơm lắm; chỉ có điều khi ăn thì không được nói, được cười chi cả, không thì sặc chết bà nội à! Tui nhớ quê mình có cái bánh bài, là thứ bánh làm bằng bột nếp trộn với đường đen; được đúc ra từ chiếc khuôn bằng gỗ hình chữ nhật to như lá bài tây, ăn một cái thôi là no cả ngày… Tui nhớ sáng mồng một Tết mô ba tui cũng dắt mấy anh em tui lên chùa lễ Phật rồi lên nhà thờ của dòng tộc thắp hương tổ tiên… Rồi tối mồng ba Tết có chương trình ca vũ nhạc của mấy anh chị trong làng. Tui nhớ mấy chị múa bài hát chi có câu: “Xuân đã đến rồi - Gieo rắc ngàn hồn hoa xuống đời - Vui trong bình minh - Muôn loài chim hát vang mọi nơi...” hay thiệt là hay, không thể nào quên được! Tui là người lạc quê từ nhỏ mà sao vẫn nhớ hoài ngày Tết cũ ở làng mình?...”.

Ông đúng là người lạc quê đang tìm được lối về trong chiều cuối năm se se gió lạnh. Trời ngả sang chiều. Con đò chạy chầm chậm trên con phá Tam Giang kéo ông về với bao nhiêu kỷ niệm mà ông đã đánh rơi đâu đó qua bao tháng năm phiêu bạt trên đất khách quê người... Hai cụ thân sinh của ông quy tiên cũng đã mấy năm rồi. Ở quê cũ, ông cũng chỉ còn duy nhất một ông chú họ mà chừ cũng đã già lắm. Ông hỏi tôi về những cảnh cũ, người xưa của quê nhà Đại Lược. Cảnh cũ thì vẫn còn đó như cây vông đồng to đứng giữa làng, chiếc chuông chùa làng bị sứt một miếng vì dính một mảnh bom bay lạc trong một trận Tây càn hay ngôi chợ Đại Lược với những trò vui ngày Tết từ đánh bài Tới, chơi Bầu Cua Cá... Còn những người cũ mà ông từng quen biết khi ông còn bé ở làng, lúc đó tôi vẫn chưa ra đời nên tôi cũng chỉ biết lơ mơ một vài người qua lời kể của ba mạ mà thôi… Đò cập bến quê. Ông chậm rãi run run từng bước trên mạn đò rồi từ từ đặt chân xuống bến. Ông đứng thật lâu trên bến sông, mắt nhìn yêu thương về hướng làng. Đôi mắt của một người bôn ba, từng trải và lạc quê mấy chục năm thật lạ, nó chợt sáng long lanh như mắt trẻ thơ rồi cũng chợt u buồn thăm thẳm...

Chuyện đó cách đấy cũng đã gần hai chục năm rồi. Nhưng cứ mỗi lần về quê, đi ngang qua địa điểm bến đò năm cũ, tôi lại nhớ hình ảnh người đàn ông dạn dày sương gió, tóc đã bạc gần hết mái đầu, đứng trên bến sông chiều cuối năm mưa bụi mà mắt nhìn đăm đăm, thao thiết về phía làng…

P.T   
(TCSH384/02-2021)



 

 

Các bài mới
Tìm O gái Huế (09/03/2021)
Các bài đã đăng
Giao thừa sương (09/02/2021)