Tạp chí Sông Hương - Số 384 (T.02-21)
Tết Nguyên tiêu và ngày thơ Việt Nam
08:12 | 26/02/2021

VÕ VÂN ĐÌNH     

Trong đời sống văn hóa của người Việt Nam, ngoài Tết Nguyên đán, Tết Nguyên tiêu là một trong những ngày tết gắn với thời điểm đặc biệt, là thời điểm chuyển giao trong chu kỳ vận hành của thời gian của vũ trụ.

Tết Nguyên tiêu và ngày thơ Việt Nam
Ảnh: internet

Nguyên tiêu là đêm rằm đầu tiên trong năm. Sau mấy tháng, trăng mờ lạnh trong giá rét mùa đông, giờ đây ban ngày ánh thiều quang trong sáng, ban đêm ánh trăng trong trẻo tỏa khắp đất trời. Đêm rằm tháng Giêng được mang tên Nguyên tiêu. Rằm tháng Giêng là Tết Nguyên tiêu, còn gọi là Tết Thượng nguyên.

Từ xa xưa, Tết Nguyên tiêu, nhà vua triệu các trạng nguyên vào vườn thượng uyển thăm hoa, thưởng trăng, ngắm cảnh và làm thơ. Đêm xuân ấm áp, trăng trong, các trạng nguyên thi hứng dạt dào, cùng nhau ngâm vịnh ca ngợi cái đẹp của hóa công và ân đức nhà vua. Bên ngoài, nhà nhà đều sắm bánh trái, hương hoa thờ cúng tổ tiên, trời đất, cầu mong mưa thuận gió hòa. Đêm đến, dưới ánh trăng xuân, các văn nhân, các bậc già lão cùng nhau uống rượu thưởng trăng xuân, vịnh thơ phú với sự hưởng ứng mến mộ của mọi người. Tết Nguyên tiêu trở thành một sinh hoạt văn hóa tao nhã.

Năm 1947, thực dân Pháp mở những trận càn lớn vào chiến khu Việt Bắc. Song, chiến thắng Thu - Đông (sông Lô) và trận Bông Lau vang dội vào tháng 10/1947 đã đập tan mưu đồ chớp nhoáng ấy của thực dân Pháp. Đầu xuân Mậu Tý (1948), tại “Thủ đô gió ngàn”, Bác Hồ, vị Tổng tư lệnh tối cao của dân tộc đã cùng với Trung ương Đảng bàn bạc kế hoạch quân sự cho những chiến dịch tiếp theo. Sau cuộc họp ở chốn “yên ba thâm xứ”, Bác xuôi thuyền về căn cứ chiến khu Việt Bắc. Đêm về khuya, trăng sáng, vẻ đẹp huyền ảo thiên nhiên đại ngàn nơi này đã tạo nên cảm hứng trào dâng, Bác đọc bài thơ “Nguyên tiêu” bằng chữ Hán:

Nguyên Tiêu

Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên
Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên
Yên ba thâm xứ đàm quân sự
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền


Bản dịch của Xuân Thủy:

Rằm tháng Giêng

Rằm xuân lồng lộng trăng soi
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân
Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền


Đây là một bài thơ đặc sắc, vừa đạt tới giá trị cổ điển, vừa mang giá trị hiện đại sâu sắc. Cổ điển ở thời điểm ra đời trong đêm Nguyên tiêu cổ truyền, ở đề tài đêm trăng, thuyền trên sông nước nơi khói sóng với cuộc đàm luận việc quân cơ quan trọng. Cổ điển ở thể thơ tứ tuyệt chuẩn mực về niêm luật và âm điệu bằng trắc, mang cốt cách của thơ Đường, thơ Tống, nối tiếp các nhà thơ tiền bối Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Bà Huyện Thanh Quan... Hiện đại ở hiện thực kháng chiến: điều kiện gian nan, cơ quan Trung ương làm việc ở nơi bí mật. Đặc biệt hiện đại ở tầm nhìn thời gian và không gian trong sự vận chuyển, bao quát, khoáng đạt; ở tầm vóc làm chủ thời cuộc, nắm chắc tương lai, dù trong những ngày gian nan nhất, hoạch định, giải quyết những vấn đề hệ trọng trong điều kiện khó khăn gian khổ, vẫn ung dung, tự tại, xong việc quân cơ vẫn dạt dào cảm hứng với đêm trăng, với trời mây sông nước để hồn thơ cất nên lời. Hiện đại còn ở chỗ: thơ chữ Hán nhưng từ ngữ, hình ảnh chân xác, dung dị, hầu hết các từ trong bài đã khá quen thuộc với người Việt Nam. Cả bài thơ mang một tinh thần mới, ấm áp và tươi sáng.

Bác làm thơ bằng chữ Hán, nhà thơ Xuân Thủy dịch ra thơ lục bát, như những cuộc giao lưu xướng họa thơ khác giữa Bác và cụ Bùi Bằng Đoàn, với luật sư Bộ trưởng Phan Anh và với các cán bộ kháng chiến làm việc bên Bác, gợi nhớ đến những hội tao đàn xưa, nhưng những cuộc giao lưu thơ của thời đại mới mang một nội dung mới. Đấy chính là văn hóa kháng chiến, biểu hiện chiều sâu của tư tưởng, của phong cách Hồ Chí Minh.

“Nguyên tiêu” là một trong những bài thơ đứng hàng đầu trong một trăm bài thơ hay nhất thế kỷ XX, do Trung tâm văn hóa doanh nhân và Bộ Giáo dục và Đào tạo tuyển chọn trong nền thi ca Việt Nam từ cổ chí kim. Hội Nhà văn Việt Nam đã quyết định: Lấy rằm tháng Giêng âm lịch hàng năm, ngày ra đời bài thơ “Nguyên tiêu” nổi tiếng được lấy làm Ngày Thơ Việt Nam. Năm đầu tiên được tổ chức vào rằm tháng Giêng Quý Mùi (15/2/2003). Và kể từ đó, giá trị tư tưởng và nghệ thuật của “Rằm tháng Giêng” đã và sẽ mãi mãi vang vọng cùng non sông, đất nước và hiện hữu như một áng thơ tuyệt mỹ trong tâm hồn mỗi người dân Việt.

Ngày thơ đã trở thành truyền thống hằng năm, vào ngày rằm tháng Giêng, ở Huế nói riêng và trên khắp mọi miền đất nước đều diễn ra nhiều hoạt động phong phú như kéo lá cờ Thơ, ngâm thơ, đọc thơ, bình thơ, sáng tác thơ, giao lưu giữa nhà thơ với công chúng, xem thư pháp thơ… Tất cả thể hiện một tình yêu với… thơ, một tâm hồn… thơ, đó là nét độc đáo trong văn hóa Việt Nam, đặc biệt trong dịp Tết đến xuân về, trong dịp Tết Nguyên tiêu - ngày rằm đầu tiên của năm mới.

Thơ là người bạn tri kỷ và làm tâm hồn bay bổng thăng hoa. Thơ là thú chơi tao nhã của người Việt từ xưa đến nay. Dịp Tết Nguyên tiêu lại về, càng cảm nhận thêm dáng vóc của người dân Việt từ bao đời nay, và để nhớ về Chủ tịch Hồ Chí Minh - thi nhân của bài thơ “Nguyên tiêu” độc đáo đã khởi nguồn cho ngày thơ Việt Nam hôm nay.



V.V.Đ   
(TCSH384/02-2021)



 

 

Các bài mới
Tìm O gái Huế (09/03/2021)
Các bài đã đăng
Hương xuân (22/02/2021)
Hương xuân (19/02/2021)
Ngôi sao nhỏ (11/02/2021)
Vọng tết quê (11/02/2021)