Tạp chí Sông Hương - Số 384 (T.02-21)
Lối thuận nghịch độc của thơ thất ngôn bát cú luật Đường: Bài “Cửa sổ đêm khuya” (Hàn Mặc Tử) có thể đọc theo sáu cách không?
15:29 | 25/03/2021


TRIỀU NGUYÊN

Lối thuận nghịch độc của thơ thất ngôn bát cú luật Đường: Bài “Cửa sổ đêm khuya” (Hàn Mặc Tử) có thể đọc theo sáu cách không?
Ảnh: internet

1. Thể thơ thất ngôn bát cú (bảy tiếng/chữ tám câu/dòng) luật Đường, lối chính cách, có yêu cầu về phối thanh, hiệp vần, tạo đối và bố cục, khái lược như sau:

- Về phối thanh (hay niêm luật): Có hai kiểu phối thanh, thường gọi là luật bằng luật trắc. Để giản tiện, có thể dựa vào tiếng thứ hai của câu/ dòng đầu: nếu tiếng này bằng là luật bằng, nếu tiếng này trắc là luật trắc. Giản tiện thôi, chứ quy tắc phối thanh được thực hiện trên tổng thể bài thơ, qua phương thức niêm. Các cặp dòng 1 - 8, 2 - 3, 4 - 5, 6 - 7 niêm bằng trắc với nhau; theo lệ nhất, tam, ngũ bất luận; nhị, tứ, lục phân minh (các tiếng thứ nhất, thứ ba và thứ năm [của mỗi câu/dòng], không bàn đến; trong lúc, các tiếng thứ hai, thứ tư và thứ sáu thì phải tuân thủ phương thức niêm một cách minh bạch, rõ ràng).

- Về hiệp vần: Vần chân, một vần (độc vận), đa số là vần bằng, gieo vào tiếng cuối các câu/dòng 1, 2, 4, 6, và 8. Kết hợp giữa luật và vần, thơ thất ngôn bát cú luật Đường có bốn kiểu: kiểu luật bằng vần bằng, kiểu luật bằng vần trắc, kiểu luật trắc vần bằng, kiểu luật trắc vần trắc. Thể thơ này có thể chiết vận [折韻] (trốn vần) ở dòng 1, với điều kiện dòng này phải đối với dòng 2 (số bài như vậy khá hiếm).

- Về tạo đối: Một bài thơ gồm bốn liên: liên 1 (hai dòng 1 - 2), liên 2 (hai dòng 3 - 4), liên 3 (hai dòng 5 - 6), liên 4 (hai dòng 7 - 8); các liên 2 và 3 phải đối nhau. Tức các dòng 3 và 4, 5 và 6 cần tạo đối về ý (về thanh, thì niêm luật đã quy định đối nhau rồi).

- Về bố cục: Thường quy định mỗi liên một phần. Tương ứng với bốn liên đã nêu, về bố cục là: đề, thực, luận, kết.

Dưới đây, là hai mô hình phối thanh cơ bản, của thể thơ thất ngôn bát cú luật đường (viết tắt: b: bằng; t: trắc; B: vần bằng; T: vần trắc; x: bằng hay trắc đều được).



2. Theo Hà Vinh, thì ngoài bài “Cửa sổ đêm khuya”(1) của Hàn Mặc Tử, được nhiều người biết, còn có bài “Đi thuyền”. Hai bài này có sáu cách đọc, chú thích 3 của tài liệu ấy, ghi: 1/ Đọc xuôi; 2/ Đọc ngược; 3/ Bỏ hai chữ sau đọc xuôi; 4/ Bỏ hai chữ đầu đọc xuôi; 5/ Bỏ hai chữ sau đọc ngược; 6/ Bỏ hai chữ đầu đọc ngược. Có thể viết lại cho dễ hiểu hơn: có hai cách đọc, là đọc xuôi (1/ Đọc xuôi toàn bài; 2/ Bỏ hai tiếng đầu (và hai tiếng sau/cuối), rồi đọc xuôi), đọc ngược (1/ Đọc ngược toàn bài; 2/ Bỏ hai tiếng đầu (và hai tiếng sau/ cuối), rồi đọc ngược).

2.1. Sáu cách đọc trên cụ thể, qua bài “Đi thuyền” (Hàn Mặc Tử) như sau:

2.1.1. Đọc xuôi:

- Đọc xuôi toàn bài:

Bèo trôi nước gợn sóng mênh mông
Cỏ mọc bờ xa bóng liếc trông
Chèo vững thiếp qua vời khổ hải
Chí bền chàng đến vận trung không
Theo lần nguyệt xế mây mờ mịt
Trả đáp thông reo trống não nùng
Neo thả biết đâu nơi định trước
Bèo trôi nước gợn sóng mênh mông


- Đọc xuôi sau khi bỏ hai tiếng đầu:

Nước gợn sóng mênh mông
Bờ xa bóng liếc trông
Thiếp qua vời khổ hải
(2)
Chàng đến vận trung không
Nguyệt xế mây mờ mịt
Thông reo trống não nùng
Biết đâu nơi định trước
Nước gợn sóng mênh mông


- Đọc xuôi sau khi bỏ hai tiếng cuối:

Bèo trôi nước gợn sóng
Cỏ mọc bờ xa bóng
Chèo vững thiếp qua vời
Chí bền chàng đến vận
Theo lần nguyệt xế mây
Đáp trả thông reo trống
Neo thả biết đâu nơi
Bèo trôi nước gợn sóng


2.1.2. Đọc ngược toàn bài:

Mênh mông sóng gợn nước trôi bèo
Trước định nơi đâu biết thả neo
Nùng não trống reo thông đáp trả
Mịt mờ mây xế nguyệt lần theo
Không trung vận đến chàng bền chí
Hải khổ vời qua thiếp vững chèo
Trông liếc bóng xa bờ cỏ mọc
Mênh mông sóng gợn nước trôi bèo


- Đọc ngược sau khi bỏ hai tiếng đầu:

Sóng gợn nước trôi bèo
Nơi đâu biết thả neo
Trống reo thông đáp trả
Mây xế nguyệt lần theo
Vận đến chàng bền chí
Vời qua thiếp vững chèo
Bóng xa bờ cỏ mọc
Sóng gợn nước trôi bèo


- Đọc ngược sau khi bỏ hai tiếng cuối:

Mênh mông sóng gợn nước
Trước định nơi đâu biết
Não nùng trống reo hoa
Mịt mờ mây xế nguyệt
Không trung vận đến chàng
Hải khổ vời qua thiếp
Trông liếc bóng xa bờ
Mênh mông sóng gợn nước
(3)

Khi bỏ hai tiếng cuối (trong đó, có tiếng thứ 7 mang vần), dù đọc xuôi hay đọc ngược, bài thơ chỉ còn 5 tiếng và mang vần trắc. Bởi đây là tiếng thứ 5 phải mang vần trắc, gồm: T T b T b T b T.

2.2. Muốn đọc ngược, cần có điều kiện: a) Trong một dòng, các tiếng buộc phải theo niệm luật tương ứng nhau (như tiếng thứ hai và thứ sáu phải cùng bằng hoặc cùng trắc), do khi đọc ngược, dòng 8 thành dòng 1, dòng 7 thành dòng 2, dòng 6 thành dòng 3,…, chẳng hạn, cặp dòng 7 - 6 cũ trở thành cặp dòng 2 - 3 mới, cho nên, bốn dòng này phải niêm nhau; b) Bộ phận vần của bài đọc ngược phải lắp đặt trước (từ bài đọc xuôi). Điều kiện đầu, có thể không phải đặt ra, bởi nó đã được luật thơ đáp ứng (theo bài đọc xuôi)(4). Riêng điều kiện sau, thay vì các tiếng thứ nhất được miễn luật(5), nhưng do có chuyện đọc ngược, nên phải “lắp” bộ phận vần vào: chúng trở thành những tiếng bị buộc phải theo vần luật. Mô hình của dạng thuận nghịch độc (đọc xuôi hay ngược) của bài thơ Đường, luật bằng vần bằng (để tiện đối sánh với các bài thơ được chọn), như sau:

MÔ HÌNH DẠNG THUẬN NGHỊCH ĐỘC CỦA BÀI LUẬT BẰNG VẦN BẰNG



Theo mô hình, thì bài thơ “Đền Ngọc Sơn” (Khuyết danh), ở vị trí thứ năm (gồm các từ: “thật”, “một”, “hồ”, “đá”, “chuông”, “xạ”, “đồn”, “với”), và bài thơ “Cửa sổ đêm khuya” (Hàn Mặc Tử), ở vị trí thứ năm (gồm các từ: “cửa”, “nỗi”, “hồ”, “gió”, “tình”, “rượu”, “dâu”, “dế”), mỗi tổ hợp từ không vần với nhau, do đó, không thể bỏ hai tiếng cuối của mỗi dòng, để thành bài ngũ ngôn bát cú luật Đường được(6). Đây là hai bài thơ có thể đọc ngược; nhưng không thể tách hai tiếng cuối rồi đọc xuôi, đọc ngược (như bài “Đi thuyền” - Hàn Mặc Tử) vừa nêu. Nói khác đi, chúng chỉ đọc xuôi, ngược toàn bài, không đọc theo sáu cách như bài “Đi thuyền” đã phân tích được.

3. Muốn đọc được nhiều cách một bài thơ Đường luật, người làm thơ chẳng những nhuần nhuyễn về niêm luật mà còn có tài năng về chữ nghĩa. Để đọc được hai cách (thuận nghịch độc), cần sắp đặt vần ở tám tiếng đầu các dòng. Để đọc được nhiều cách hơn, cần sắp đặt vần ở các tiếng thứ ba, thứ năm mỗi dòng,… Đó chỉ mới phần vần, còn nhiều thứ khác nữa…

Ở Huế, có hai bài thơ của vua Thiệu Trị, là “Vũ trung sơn thủy” (Non nước trong mưa) và “Phước Viên văn hội lương dạ mạn ngâm” (Đêm thơ ở Phước Viên). Năm 1972, trên tạp chí của Hội Nghiên cứu Đông Dương, Pierre Daudin, một học giả phương Tây, đã tìm ra 12 bài thất ngôn bát cú từ mỗi bài ấy. Hơn hai mươi năm sau, năm 1994, nhà nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Tân Phong gọi chúng thuộc thể hồi văn kiêm liên hoàn để lý giải, phân tích. Tựu trung, tác giả đã đọc một bài thành 64 bài tứ tuyệt, sau khi chia chúng ra thể thất ngôn và ngũ ngôn. Năm 1988, giáo sư Nguyễn Tài Cẩn, có công trình về vấn đề [1], đã tìm thêm 64 cách nữa, tức 128 bài trên một bài thơ. Theo thống kê, trong 128 bài thơ này, có 64 bài thất ngôn bát cú và 64 bài bao gồm các thể thất ngôn tứ tuyệt (bảy chữ bốn câu/dòng), ngũ ngôn tứ tuyệt (năm chữ bốn câu/dòng), ngũ ngôn bát cú (năm chữ tám câu/dòng). Đến nay, chưa có gì mới(7), nhưng chắc chắn là còn nhiều người phải lao tâm khổ tứ vì hai bài thơ đã nêu.

T.N   
(TCSH384/02-2021)

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Tài Cẩn (1998), Tìm hiểu kỹ xảo hồi văn liên hoàn trong bài “Vũ Trung sơn thủy” của vua Thiệu Trị, Nxb. Thuận Hóa, Huế.
2. Nguyễn Tân Phong (1994), Về hai bài thơ hồi văn kiêm liên hoàn của vua Thiệu Trị, Nxb. Thuận Hóa, Huế.
3. Nguyễn Thị Huyền Trang (2013), “Gia tài văn chương của Thiệu Trị qua Đại Nam Thực Lục”, trong: Tuyển tập Việt Nam học, Nxb. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh, tr. 515.
4. Triều Nguyên (2009), Các thể loại thơ Việt, Nxb. Giáo Dục, Hà Nội.  

------------------------------------
1. Theo: a) Hà Vinh (1995), “Một bài thơ Đường ‘đặc biệt’ của Hàn Mặc Tử”, Tạp chí Văn học, số 2, tr. 52 - Hà Vinh giảng dạy ở Khoa tiếng Việt, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (chú theo tài liệu nguồn); b) Nói về bài thơ “Đi thuyền”, bđd., viết: “Đó là một bài thơ Đường luật đọc sáu cách kiểu bài Cửa sổ đêm khuya từng khá quen thuộc” (tức bài thơ Cửa sổ đêm khuya cũng đọc sáu cách như Đi thuyền).

2. Khổ hải: là một ngữ (có thể hiểu như “nỗi khổ khi vượt biển”); “khổ ải” là một từ (tính hoặc danh từ), với nghĩa “khổ nhiều bề (nói khái quát). Cuộc sống khổ ải. Chịu nhiều khổ ải” (Hoàng Phê (1994, chủ biên), Từ điển tiếng Việt, Nxb. Khoa học xã hội - Trung tâm Từ điển học, Hà Nội, tr. 490). Ở đây, người viết không chỉnh sửa, bởi “khổ hải” mới có vời (vùng nước rộng ngoài xa trên mặt biển), còn“khổ ải” thì không.

3. Khi bỏ hai tiếng sau/cuối đọc xuôi, ta được bài thơ ngũ ngôn bát cú, Đường luật, vần trắc (các tiếng mang vần: “sóng”, “bóng”, “trống”,…); khi bỏ hai tiếng sau/cuối đọc ngược, ta cũng được bài thơ ngũ ngôn bát cú, Đường luật, vần trắc (các tiếng mang vần: “biết”, “nguyệt”, “thiếp”,…).

4. Ở mỗi dòng thơ, nếu lấy tiếng thứ tư làm tâm điểm, thì hai cặp 2 - 6 và 3 - 5 đối xứng nhau (chúng hoặc cùng bằng, hoặc cùng trắc, hoặc cùng miễn luật). Theo quy tắc “niêm” đã nêu (các cặp dòng 1 - 8, 2 - 3, 4 - 5, 6 - 7 niêm nhau; trong đó, chẳng hạn cặp 2 - 3 phải khác thanh với cặp 1 - 8 và 4 - 5, nên cặp này giống hệt với cặp 6 - 7 (tức dòng 7 giống dòng 2, dòng 6 giống dòng 3…); đồng thời, bài đọc xuôi theo luật gì thì bài đọc ngược theo luật ấy.         .

5. Nếu đọc theo cách bỏ hai tiếng cuối (đọc xuôi hoặc ngược), thì bộ phận vần phải “lắp đặt” vào tiếng thứ năm.  

6. Hai bài thơ này như sau: a) Bài “Đền Ngọc Sơn” (Khuyết danh): “Linh uy tiếng nổi thật là đây/ Nước chắn hoa rào một khóm mây/ Xanh biếc nước soi hồ lộn bóng/ Tím bầm rêu mọc đá tròn xoay/ Canh tàn lúc đánh chuông ầm tiếng/ Khách vắng khi đưa xạ ngát bay/ Thành thị tiếng vang đồn cảnh thắng/ Rành rành nọ bút với nghiên này’ (chép theo: Triều Nguyên (2015), “Giải mã hiện tượng thuận nghịch độc của thể thơ thất ngôn bát cú luật Đường, từ góc độ thi luật”, Tạp chí Cẩm thành (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi), số 87, tr. 76 - 79; b) Bài “Cửa sổ đêm khuya” (Hàn Mặc Tử): “Hoa cười nguyệt dọi cửa lồng gương/ Lạ cảnh buồn thêm nỗi vấn vương/ Tha thướt liễu in hồ gợn bóng/ Hững hờ mai thoảng gió đưa hương/ Xa người nhớ cảnh tình lai láng/ Ngắm bạn ngâm thơ rượu bẽ bàng/ Qua lại yến ngàn dâu ủ lá/ Hòa đàn sẵn có dế bên tường” (chép theo: Hà Vinh (1995), “Một bài thơ Đường ‘đặc biệt’ của Hàn Mặc Tử”, bđd., tr. 52.  

7. Hai bài thơ “Vũ trung sơn thủy” và “Phước Viên văn hội hương dạ mạn ngâm”, được khảm xà cừ trên bức vách bằng gỗ của điện Long An, thành phố Huế (nguồn: http://www.vncgarden.com/lich-su-giai-thoai-thu-vien/thua- thien---hue/haibaitholacohangtramcachdoccuavuathieutri/ truy cập ngày 22/11/2020). Theo thông tin từ Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam), thì đến năm 2007, Bùi Văn Chất ở Câu lạc bộ Hán Nôm Nghệ An, có cho đăng ở Tạp chí Hán Nôm, số 5 (84), tr. 76 - 80), bài “Non nước trong mưa - một bài thơ của thi sĩ Miên Tông - vua Thiệu Trị” (nguồn: http://www.hannom.org.vn/detail.asp?param=1391&Catid=133/ truy cập ngày 29/11/2020).   




 

 

Các bài đã đăng
Tìm O gái Huế (09/03/2021)
Xuân về Lập An (02/03/2021)