Tạp chí Sông Hương - Số 49 (T.5&6-1992)
"Cái im lặng trong lời không nói được"(*)
14:23 | 02/07/2021

NGƯỜI THỰC HIỆN:

Lê Thị Mây là một cô gái cực kỳ ít nói. Nhà thơ chi thích lặng lẽ nhìn, lặng lẽ nghe, lặng lẽ suy ngẫm... Và nếu như phải nói gì trước đám đông thì đó là một "cực hình" - Kể cả đọc thơ mình - Mây vẫn như vậy.

"Cái im lặng trong lời không nói được"(*)
Nhà thơ Lê Thị Mây - Ảnh: vietnamnet

Vì thế, hỏi chuyện Mây về công việc, về sáng tác, tôi cũng gần như bị "cực hình". Cái im lặng trong lời không nói được, tôi đọc trong mắt Mây điều đó. Cuối cùng chẳng thể đừng - vì đã hứa viết bài cho Tạp chí - tôi bèn huyên thiên về một hồi không lấy gì làm đầy đủ, chính xác lắm về những gì Mây đã gặt hái trong vài năm gần đây: "1990 và nửa đầu 1991 in 4 tập thơ, "Dịu dàng" (Tác phẩm mới), "Tuổi mười ba" (Thuận Hóa), "Một mình" (Văn nghệ T.Thiên Huế), "Tặng riêng một người" (Văn học - Giải Hội Nhà văn VN 1990); nửa cuối 1991 và đầu 1992 "Phố còn hoa cưới" (Tập truyện - Thanh niên), một tập bút ký ngót 200 trang và 2 tập thơ chưa xuất bản. Theo nguồn tin một người bạn, Mây lại đang viết sắp xong một cuốn tiểu thuyết. Chưa "trinh sát” được nhan để và nội dung cuốn này. Đó là chưa kể đến công trình thể nghiệm về thơ chưa công bố, các thể thơ có những cái tên là lạ: "Nhật thi", "Nguyệt thi", "Cửu thi", "Đông thi”... Một sức làm việc, một tấm gương lao động nghệ thuật có thể gọi là..." Mây hơi đỏ mặt, ngắt lời tôi: "Thôi anh ạ. Mây rất ngại nói đến những điều còn ẩn trong lòng, rất ngại những lời khen. Khen thật lòng lại càng lo âu hơn. Vả lại, Mây tự thấy mình cũng bình thường như những người viết khác thôi!" Tôi bị cụt hứng một cách êm nhẹ, vớt vát: "Mây vừa đi dự Hội thảo thơ do Hội Nhà văn VN tổ chức ở Văn Miếu, Hà Nội về phải không? Nghe nói có đọc ngon lành một bản tham luận...?" Mây phì cười: "Chịu anh. Thôi thì bài ấy đây. Xem như em trả lời phỏng vấn của anh. Ối, "ngon lành” à? Hôm đó em vừa đọc vừa run cầm cập như sốt rét. Cả đời mình có dám đứng trước mi-crô bao giờ đâu!".

Mây đi. Và dĩ nhiên, tôi ngồi lại "một mình”. Tôi liếc cái nhan để bản thảo Mây vừa đưa. "ĐỔI MỚI THƠ”. Đổi mới thơ trong ngoặc kép. Chà chà.. Như vậy là - tôi nghĩ - nữ thi sĩ không quan niệm thơ đổi mới! Chi có thơ hay hoặc ngược lại. Chi có thơ thật hoặc thơ dổm! Mới, cũ, chẳng qua là sự áp đặt, sự ép uổng, chí ít cũng là ước lệ để nói về hình thức như cách đây non hai phần ba thế kỷ mà thôi. Thơ Đường thơ Tống mà "cũ" ư? Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Miên Thẩm, Hồ Xuân Hương mà "cũ" ư?... Tôi lan man nghĩ ngợi, tay lật dở từng trang bản tham luận...




"ĐỔI MỚI THƠ"

LÊ THỊ MÂY

1.
"Đổi mới thơ" là một con đường khó.

Thi pháp và nhịp điệu cảm hứng của tâm hồn là hai mặt trong một chủ thể, một tài năng sáng tạo. Có thể mỗi thời đại, mỗi thế hệ thi sĩ có một thế giới, một thiên đường riêng, khép kín như dòng sông không được chảy hai lần. Và xin tự thoại tránh lầm lẫn: Vì không được chảy hai lần, mà lấy cái khoảnh khắc của dòng sông sau - dòng sông khác - mong kích phế cái khoảng khắc của dòng sông trước. Mừng thay, cái lầm nông nỗi nọ chỉ là sự gợn mờ đã được cảnh giác, bác bỏ ngay trong sự vận động mạnh mẽ cuộc sống, của mỗi chúng ta...

Nhịp điệu cảm hứng chủ đạo của Truyện Kiều nằm trong cốt cách thân phận nàng Kiều, được sinh ra từ cốt cách thi nhân của Nguyễn Du. Với Hồ Xuân Hương cảm hứng chủ đạo ấy là hồn thanh mà khơi lẫy được cái quyến luyến của da thịt đời người, của niềm chòng ghẹo yêu đương rạo rực. Kiều vượt ngoài hoạn nạn "Trăm năm trong cõi người ta" thời Trịnh Nguyễn phân tranh để thực hiện khát vọng nhân ái "Nhiễu điều phủ lấy giá gương. Người trong một nước thì thương nhau cùng". Và hồn thanh của Hồ Xuân Hương vượt ngoài những ràng buộc hà khắc của lễ giáo phong kiến để được ôm kề, được sờ cầm từ cái hương đến cái ảo những đường cong ân ái mà đời sống phồn sinh phồn thực giữa nam và nữ muôn đời trào ứa thanh xuân.

2.
Thơ hiện đại - cận đại thi pháp và nhịp điệu cảm hứng chủ đạo ẩn chứa trong những cốt cách nào? Đã lắng sâu thành nguồn mạch thần tiên? Tầm vóc của Tú Xương? Nguyễn Khuyến? Nguyễn Đình Chiểu? Phan Bội Châu? Tản Đà? Hàn Mặc Tử? Nguyễn Bính? Tú Mỡ? Xuân Diệu với thơ tình? Anh Thơ với "Bức tranh quê"? Tế Hanh với tập "Hoa Niên"? Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc với "Nhật ký trong tù"? Trần Đăng Khoa với "Từ góc sân nhà em"? Chế Lan Viên với "Điêu tàn"? Hay tầm vóc Chế Lan Viên ở những trang trường ca hực lửa cùng thế hệ nhà thơ đánh Mỹ trưởng thành từ lửa đạn bắn diệt siêu âm của Ních-Xơn, Giôn-Xơn hiếu chiến cách bốn thập kỷ sau? Đấy là những: Thanh Hải, Giang Nam, Viễn Phương, Lê Anh Xuân, Dương Hương Li, Nguyễn Khoa Điềm, Xuân Quỳnh, Bằng Việt, Phạm Tiến Duật...

Chưa bao giờ văn chương nước nhà thịnh vượng như thời cận đại, hiện đại. Nếu sự ra đời của chữ học quốc ngữ như gầm trời đã mọc cây lớn thì những thế hệ tác giả tác phẩm suốt chín thập kỷ qua kể như đã được bốn mùa để đan cài cành nụ, để đơm kết vào tâm hồn dân tộc những miền trái chín, tuy đâu đó vẫn còn hằn những vết cắt cách tân "hồn Việt Nam cổ thi". Đặc biệt với cơn lốc mười năm thơ mới (1932-1941) luật Đường thi gần như bị tấn công tháo gỡ để đi từ ảnh hưởng thơ người bạn lớn Trung Quốc đến với thơ Pháp - một chân trời phương Tây bấy giờ có vẻ như là một thiên đường mới, một thiên đường có thật? Thời ấy Tây học lấn lướt Nho học, rồi nó "cường thịnh" đến nỗi ngỏ có thoáng chốc ăn xổi ở thì dòm bóc cả chính ta? Phải xưa thi sĩ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu suýt lâm cảnh, khó cưỡng lại trước cuộc được thua "mới - cũ" trong địa hạt thơ?

Dẫu sao công bằng mà nói, thơ mới đã khai xuân cho dòng thơ lãng mạn hiện đại và chuẩn bị cho sự chín muồi trưởng thành những lớp nhà thơ chiến sĩ cách mạng. Đấy là những thế hệ thi sĩ hội tụ đủ và mang nặng khí phách hồn thiêng của nghĩa sĩ Cần Giuộc, của phong trào Cần Vương, của khởi nghĩa Yên Thế, Phan Đình Phùng... để bền chân đi trọn cuộc đấu tranh giành độc lập, đuổi được sạch làn sóng giặc xâm lăng trên toàn cõi non sông mình chữ "S" thiêng liêng.

Những con chim đầu đàn các thế hệ nhà thơ chiến sĩ Việt Nam hiện đại ấy là nhà thơ Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, nhà thơ Tố Hữu, nhà thơ Chế Lan Viên, nhà thơ "tuổi nhỏ" Trần Đăng Khoa... với những tác phẩm "Nhật ký trong tù", "Từ ấy", "Việt Bắc", "Gió lộng", - "Hoa ngày thường chim báo bão". "Những bài thơ đánh giặc", "Đối thoại mới", "Ngày vĩ đại", "Hoa trước lăng Người", "Hái theo mùa" - "Từ góc sân nhà em”, "Khúc hát người anh hùng"... Sự xuất hiện của các thi sĩ, các thi phẩm đầu đàn ấy là lời tuyên ngôn bằng thi ca của lý tưởng cộng sản, của nhân cách cộng sản, vì dân, yêu dân để làm nên nghiệp lớn, sáng danh thời đại cho một tổ quốc Việt Nam thống nhất - và thịnh vượng trong tương lai, trong ngày nay và muôn đời của con cháu vua Hùng vua Thục.

3.
"Đổi mới thơ" để đi được trọn một đời thơ là con đường khó.

"Đổi mới thơ" vào thập kỷ cuối cùng của thế kỷ hai mươi yếu tố cho sự thành đạt càng mong manh, khó bàn tới. Những khắt khe của niêm luật Đường thi đã khám phá, chối bỏ và vô hiệu hóa về thi pháp? Những ràng buộc cay nghiệt của lễ giáo phong kiến đã bứt tung. Những che giấu, né tránh vết thương chiến tranh đã đi qua và đang được nhìn lại? Gọi lên? Những bi tráng thầm lặng của nhân dân trong hy sinh vệ quốc như tầm vóc nhân cách thời đại, lịch sử âu phải thơ hôm nay còn chưa khám phá? Những chân trời Tây có vẻ như thiên đường có thật đã được đặt chân đến, mang về không chỉ một thơ Pháp như kỳ mười năm thơ mới mà các thế hệ dịch giả trong suốt năm thập kỷ qua đã cõng về trên lưng tiếng hót thơ của khắp nhân loại... Những yếu tố then chốt trên đã giải phóng cho cảm hứng, cho mọi đối tượng cảnh, vật và con người trong tiếp cận từ tư tưởng của chủ thể sáng tạo.

"Đổi mới thơ" mà lừng lững trước mặt, chìm khuất trong hồn những núi non biển sâu của muôn bậc thiên tài từ Đông Tây kim cổ, hẳn không ai dám bồng bột nói đổi mới ấy là dễ, ngỡ mình đi đến được chót con đường mộng tưởng.

Thơ là nỗi niềm thinh lặng của con tim. Khi con tim chợt cất tiếng nói ấy là thơ. Con đường sáng tạo của thơ là từ thinh lặng bể dâu đời người đến niềm bay mất, mùa bay mất của những lời có cánh. Dù vật đổi sao dời, chứ kể gì một đổ vỡ Đông Âu, một đổ vỡ Liên Xô - Một đổ vỡ mà Người có lương tâm thì nghe có máu chảy trong lòng; người nghệ sĩ lớn thì biết có máu chảy trong hồn ứa ra đầu bút - Muôn đời, thơ viết con tim, đến với con tim, lắng nghe với con tim. Con tim của công chúng thơ, đời thơ, cần thơ, yêu thơ và đọc thơ như là để mong tìm thấy được nhịp đập của chính trái tim mình, tìm thấy được nửa phần khuất ảo của tâm hồn mình vào những khoảnh khắc thiên đường kỳ diệu nhất, vào những khoảnh khắc đời đớn đau tan nát hết mà cần sống lại từ đầu, làm lại từ đầu như một đứa trẻ...

"Đổi mới thơ" có phụ thuộc và bị phụ thuộc nặng nề cơ chế xuất bản và thị trường phát hành không? Có một phần và không một phần. Từ ngày tác giả thơ được dự phần vào sự in ấn và bán thơ như một mặt hàng đặc trưng của đời sống tinh thần, thiết nghĩ thơ đã đến kỳ lộ thiên trong khả năng khai thác không hạn chế? Yếu tố hàng hóa này, ít nhiều đã góp phần thúc đẩy tiến trình "Đổi mới thơ" tăng tốc, đến thẳng với trái tim công chúng, người đọc cả về bề rộng lẫn cái nguyên mộc xô xổi chưa kịp lắng. Những tên tuổi nổi lên trong thời bình và vài năm đổi mới này có thể kể: Lê Thị Kim, Đinh Thị Thu Vân, Bùi Chí Vinh, Dư Thị Hoàn, Trương Nam Hương... Thực ra sự nổi trội và dấu ấn bản sắc tâm hồn của từng cây bút còn phải chờ người thầy thời gian định thẩm lần cuối. Nói thế không phải không tin cái thầm đầy trách nhiệm của những tờ báo, nhà xuất bản đã phát hiện, kể cả sự dễ dàng chấp nhận của công chúng, đang háo hức hướng tới niềm hứng khởi "đổi mới thơ", sau khi đã xóa sự bao cấp trong in ấn thơ.

"Đổi mới thơ" đối với những cây bút trẻ đương nhiên thuận, có thể hái được trong tầm tay, trong thập kỷ chín mươi và cả ngoài thế kỷ hai mốt. Nhưng "đổi mới thơ" đối với lớp cây bút đã vang bóng một thời xuân, đã đi được "nửa chừng xuân" hẳn khó để đi tiếp, tránh được sự bất lực bỏ cuộc trước "hậu sinh khả úy!" Lường hết cam go trước mặt, không riêng cho lớp trẻ, lớp đàn anh chị, chỉ có công chúng thơ mới đủ sức mạnh hồi âm, đánh chuông vào từng trái tim nghệ sĩ. Những hồi chuông này có cả sự dự phần tiên quyết của những nhà phê bình lớn như thời thơ mới có Hoài Thanh, như Vũ Ngọc Phan thời văn xuôi hiện đại lãng mạn. Và phải mới ngày nào đó, có con "mắt xanh" bình phẩm phát hiện tài thơ của nhà thơ Xuân Diệu, nhà thơ Chế Lan Viên. Còn nay có thể kể: nhà thơ Vũ Quần Phương?

Riêng với tôi nhìn từ xa, nhìn trong thế hệ mà tôi trưởng thành âu tôi cũng lẫn lớp người cầm bút đang đi "nửa chừng xuân" thì giật nẩy người gặp sự cần phải "đổi mới thơ". Như chợt gặp phải một vách núi dựng đứng chắn đường bằng, tạo một đòi hỏi mới: Nghĩa là phải tự điều chỉnh hướng cây bút từ viết ca ngợi đất nước, thời đại, nhân dân, Đảng sang viết cái chưa đầy đặn? Cái cần phê phán? Hay viết cái vết thương trong ngày chiến tranh và sau chiến tranh? Cái thật ba năm rõ mười của đời thường khắc nghiệt? Cái yêu đương hồng nhan? Cái tôi thân phận đầy thử thách bất hạnh của chính trái tim mình, trái tim công chúng chăng? Ném bút vào "đổi mới thơ", có nên sớm gạn lắng ngẫm xem chợt đâu ai khác mình, mất cái mình đang có, nếu không nói là mất mình; chợt đâu ai được cái không phải mình, lại nôn nóng tưởng là mình! Biết đâu vách núi kia đấy là vách núi kiểng, vách núi đất, vách núi không có thật nhưng lại làm sứt đầu mẻ trán người thiếu bản lĩnh.

Tôi xin được lời tự bạch: "chỗ gặp" cái vết cắt gẫy "nửa chừng xuân" - theo cách nói chủ quan của tôi - trong mạch cảm xúc sáng tạo chín muồi và biệt lập của tâm hồn, hình như không hề xẩy ra trong tôi. Tôi không biết có cái vách núi chắn đường bằng. Hay có biết nữa thì tôi vận dụng cái chân, cái thiện để nhìn xuyên qua nó, đi xuyên qua nó. Chính xác hơn, cần nói đúng và thật rằng tôi đã không bơi mình vào hành trình "đổi mới thơ" của một vài năm lại đây, kể cả từ đây về sau, dù đấy là những công cuộc "đổi mới thơ" được tổ chức, cổ vũ chu đáo của các tờ báo, của các tổ chức văn học. Trong tôi thơ là một dòng hư ảo cuộn xiết không nơi chốn bắt đầu không mùa tàn dừng chân, chứ nói gì đến sự cắt gẫy nào đó dù chỉ đóng vai trò thi pháp - cái bề mặt có thể đo được thấp cao của hình thức "đổi mới thơ".

Phải chăng với riêng tôi "đổi mới thơ" - thực ra ba chữ này tôi chợt dùng để gọi một phần ít những thơ mấy năm đổi mới - chứ ở tôi chỉ có thể nghiệm thơ? Thể nghiệm và khám phá thi pháp. Thể nghiệm và khám phá nhịp điệu, cảm hứng của tâm hồn để đạt tới những đỉnh điểm chủ đạo của sáng tạo, của tài năng, nó chỉ đến trong khoảnh khắc rồi mất đi trong khoảnh khắc là luôn tự di dưỡng nhận biết trong trái tim mình, trong lòng mình có một chút gì đó không thể nói thành lời không? Cái chút kia mang hồn giọt nguồn cội làm nên dòng cuộn xiết mà bến bờ chưa dấu vết người thám hiểm - nó chỉ thuộc của riêng tôi, cho riêng tôi - để chảy đến với công chúng thơ, tìm hòa điệu dào dạt của thời đại luôn luôn với tốc độ xiết sâu thần bí khi khép trong tác phẩm, để lắng nghe dư vang của nó...

L.T.M
(T.B.M thực hiện)
(TCSH49/05&6-1992)

----------------------
(*) Lời Lê Thị Mây



 

 

Các bài mới
Ngày tốt (16/09/2021)
Mưa xanh (27/08/2021)
Các bài đã đăng
Vinh dự lớn lao (18/05/2021)