Tạp chí Sông Hương - Số 49 (T.5&6-1992)
Ngày tốt
09:35 | 16/09/2021

TRIỀU NGUYÊN

Dãy phố cổ nằm hai bên đường Thuận Hòa, nơi bày bán từ cái đinh ốc xe đạp đến những sợi dây chuyền vàng đính ngọc thạch trổ tượng Quan Âm và cả Đức mẹ Maria, treo trên các giá lót nỉ màu hổ phách lóe sáng trong tủ kính, bỗng nhộn lên bởi cái tin từ cửa hiệu cầm đồ Hòa Lợi truyền ra: Mẹ của ông chủ hiệu này đang hấp hối.

Ngày tốt
Minh họa: Thiệp Đáng

Trời cuối xuân, nhưng đợt rét đậm dạo tháng hai vẫn còn rơi rớt, khiến các lão bà, các thiếu phụ diện lên người những chiếc áo khoác đủ kiểu, màu sắc khá sặc sỡ đi lại với vẻ hấp tấp và bộ mặt đầy tư lự. Họ là bạn bè quen biết, là láng giềng của nhà Hòa Lợi muốn đến chia sẻ nỗi đau với chủ nhân. Ông bà chủ hiệu cầm đồ vốn mến khách, nên dù không biết bao nhiêu lần đã trả lời về tình trạng sức khỏe của bà cụ, việc chăm sóc thuốc thang, vẫn sẵn lòng lặp lại đến không bỏ sót một chi tiết nào bằng thái độ ân cần, thành kính hiếm thấy. Đại loại câu chuyện về người sắp tiêu diêu miền cực lạc như sau: "Bà cụ năm nay đã tám mươi mốt tuổi, nhờ Trời Phật độ trì nên dù lưng còng, da cóc nhưng rất ít khi phải thuốc men vào người. Vậy mà dạo nửa tháng nay, cụ bỗng nhuốm bệnh liệt giường. Lần lượt các bác sĩ - những người không xa lạ gì với cư dân vùng này - đều có đến thăm bệnh, kê đơn, thầy đông y nổi tiếng Sơn Tra cũng quá bộ tận nhà bắt mạch, bốc thuốc, nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm. Giờ đây, bà cụ chỉ ăn được chút cháo lỏng cầm hơi...".

Sau lời kể là tiếng thở dài không che giấu, khiến người nghe cũng ảo não không muốn gợi hỏi gì thêm. Và, nếu cần biết thêm chi tiết, thì những thứ bày biện xung quanh sẽ mách với họ.

Đặt cạnh giường bà lão là chiếc tủ thấp chân, phía trên xép những thứ mà người ta thường thấy khi đến thăm bệnh nhân: cam, chuối, sữa, các lọ thuốc... và chiếc hộp Tàu nom rất quý, được bọc hai lần bằng plastic trắng, bày cái nhãn có in hình nhân sâm to như củ cà rốt trong giỏ các bà nội trợ. Bên chiếc tủ thấp chân là cái giá ba chân đặt những chậu, ống nhổ, khăn lau và cả lọ dầu thơm đắt tiền. Đối diện với chiếc tủ, một cái ghế bành chạm trổ cầu kỳ, người ta dễ đoán ra là chỗ dành riêng cho ông Hòa Lợi ngồi chăm sóc mẹ. Ngăn phòng người ốm với dãy nhà trên hướng ra đường phố, là tấm phông to, kiểu màn che ở sân khấu ngoài trời, màu hồng phấn. Bên ngoài cái phông, mọi người đang làm lễ cầu an cho bà lão. Tiếng chuông mõ tụng kinh của vị Đại Đức như lời ru dịu ngọt chuyền sang phòng người ốm. Tất cả điều ấy nói lên các chu đáo mà chủ nhân dành cho mẹ.

Bà lão nằm ngoi ngóp. Thỉnh thoảng, cố nhích cánh tay gầy guộc, mốc meo như thanh củi treo bếp lâu ngày chỉ vào một vật nào đó trên chiếc tủ, miệng ú ớ ra chiều muốn nhờ vả điều gì. Một bà bạn già còn ái ngại ngồi lại sau khi các người khách khác được chủ nhân mời sang phòng bên, thấy thế, mới cúi sát người về phía bà cụ, hỏi:

- Uống nước chăng?

Tiếng thều thào thoát ra từ cửa miệng khô róm:

- Cho tôi giọt sâm!

Người bạn già tỏ ra chẳng lạ lẫm gì với thứ mà người ốm yêu cầu. Bà tiến lại chỗ tủ, đặt bàn tay lên chiếc hộp Tàu. Nhưng đúng lúc ấy, bà Hòa Lợi xuất hiện.

- Cái gì thế?! - Bà chủ nhà kêu lên, rồi hạ giọng ngay - Xin bác cứ để cháu liệu. Chả là, mẹ cháu vừa mới uống xong. Cái gì dùng quá cũng có hại đấy, bác ạ.

- Vâng, quả đúng như vậy.

Người già nói với vẻ hối hận suýt làm một việc không hay, trong lúc cô dâu đến cạnh mẹ chồng nêm mấy cái gối hai bên đầu người ốm, như người ta vẫn quen làm mỗi khi liệm xác trong quan tài.

Không khí tang tóc bao trùm lên căn nhà. Khi tiễn xong đợt khách cuối cùng thì lũ con nhà Hòa Lợi không còn một đứa thức. Cả chị ở cũng dọn dẹp qua loa rồi đi ngủ. Ở chiếc bàn nước gần gian nhà kho nơi cất giữ hàng trăm thứ hàng của khách đến cầm, ông bà Hòa Lợi ngồi ủ rủ. Bà chủ sau tiếng thở dài, khẽ đặt bàn tay lấp lánh những vàng lên vai chồng, nói:

- Em đã nhờ cụ Trà Hoa tra cứu kỹ lại, đúng là chỉ có hai ngày Ất Sửu và Canh Ngọ mới hợp với căn mạng của mẹ. Đi vào trúng ngày trùng, con cháu gặp tai ương cất đầu không nổi.

Ông chủ ngẩng đầu lên, bất giác nhìn vào tấm chăn phập phồng ở giường mẹ, so vai lại.

- Ngày Sửu hôm nay đã qua - Bà chủ nói tiếp trong lúc dịch người ngồi sát chồng hơn - Còn ngày Ngọ phải năm hôm nữa... Tối nay, mình đổ sâm cho mẹ. Kỵ nhất là nhầm ngày Mùi, cả ngày mai...

- Cũng được. - Ông chủ nói.

Ông chủ hòa sâm vào nước, đỡ mẹ lên cho uống.

Hôm sau, bà cụ ăn được cháo, cả bát đầy.

- Ăn như ma ăn vậy đó! - Cô dâu bình luận sau mỗi lần thuật lại tình trạng sức khỏe mẹ chồng cho đám khách khứa đông hơn tiếp tục tới thăm.

Lễ cầu an vẫn tiến hành. Những người từ tâm tin tưởng Trời Phật đã trả lại sức khỏe cho bà lão. Họ được bà cụ chào đáp lễ, thậm chí còn cười và chìa tay cho mọi người nắm lúc cáo biệt. Ông Hòa Lợi có vẻ vui, nhưng cái tính lầm lì của ông chỉ để nó toát ra he hé, cũng như bộ ria thưa khó tạo nổi cái duyên cho mỗi lần nhếch mép, nên ít người đoán biết trong bụng ông nghĩ gì.

Bây giờ thì ông chủ hiệu cầm đồ đang ở bên cạnh mẹ. Bà cụ đã ngồi được, thần kinh tỉnh táo. Hình như bà vừa kể cho con trai nghe một giấc mơ của bà. Nói hình như, bởi người con để óc tận đâu còn bà mẹ thì nói những điều khó hiểu, đầy ẩn ý. Bà lão kết luận câu chuyện của mình:

- Giờ mẹ thấy người nhẹ nhõm. Mẹ còn ở lại với con cháu thời gian nữa, đúng ba con bảo: "Bà nó hãy trông nom con hộ tôi, bao giờ thuận tiện tôi đón gọi mới đi. Số bà còn thọ lắm!". Chiều nay, con dặn đứa ở nấu cho mẹ chén cháo đặc.

Người con trai gật đầu. Nhưng khi ông ta định tìm chị ở truyền lệnh thì người vợ hiện ra trên bậc cửa nhà bếp.

- Em đã mắng chị ta về tội cho mẹ ăn quá nhiều chất mát - Người phụ nữ nhíu mày tô đậm, khiến khuôn mặt xinh xắn của mình như tách đôi ra hai mảnh, nói - Anh biết không, sáng nay, mẹ đã làm lấm cả cái chăn bông đấy.

Ông Hòa Lợi toan nói gì, thoát nhìn vợ và nhận hết vẻ khó chịu kia đè lên ngực, ém lời vào bụng. Ông ta lúc lắc đầu khi bàn tay mềm mại của vợ vuốt lên má.

Ngày thứ ba, người ốm đã đi lại được dù có phải nhờ đến cái gậy. Không còn ai nghĩ rằng bà lão sẽ đi trong lúc này. Mọi người tổ chức lễ cầu an đọc kinh sám hối. Ngoài ông bà chủ đứng lễ, bà cụ lê người ra dự, miệng lẩm nhẩm tụng niệm như một Phật tử, tuy suốt đời bà chẳng được quy y.

Đó là buổi cầu an cuối cùng. Sau đó, bà cụ kiên quyết vứt đi cái gậy. Bà khom người xuống tạo thành hình dấu hỏi đổ dồn toàn thân vào đầu năm ngón chân, nơi tạo hóa cốt dành cho con người bám lên mặt đất, và bước quanh phòng với tất cả sự phấn chấn của người ốm dậy. Thử thách mà bà dành cho sự kiện lớn lao này, là việc đốt nén hương cắm lên bàn thờ chồng, người đã bỏ bà lẻ loi ngót ba chục năm trời. Bà dướn người lấy hương từ một cái lọ nhỏ. Những que hương run bần bật khi chúng được đốt ở chiếc đèn thấp chân. Chúng đang lần tới, lần tới chỗ có đặt tấm ảnh và cái bát cổ tàn hương lạnh lẽo vắt quanh, nằm chính giữa chiếc kệ lớn. Bỗng chúng hoa lên và bắn tung ra. Chiếc đèn rơi nhào, đánh toang lên nền. Ông bà Hòa Lợi chạy đến. Lũ cháu xúm quanh. Bà cụ được bế vào giường mình, miệng thều thào:

- Do kệ thờ cao quá, chứ mẹ vẫn khỏe kia mà!

Sự thật thì bà lão bị đau ê ẩm các khớp xương, nặng nhất là chỗ thắt lưng đến không ngồi dậy được.

- Mời ngay bác sĩ Châu! - Ông chủ thốt lên - Có khả năng mẹ bị trật khớp lắm.

- Từ từ xem sao - Bà chủ lắc đầu - Chẳng vội gì mà...

Ông chủ quay đi. Lát sau, ông phóng xe ra đường.

Buổi tối, bà lão lên cơn sốt, hồ cháo không vào lọt một hạt. Bà Hòa Lợi bận tính toán với một khách hàng lắm lời tới chuộc đồ, đến khá khuya. Ông chủ về còn trễ hơn. Ông nghe tiếng mẹ rên ư hử định ghé tới, nhưng đôi chân níu lại, nó quịu xuống: ông đã uống quá nhiều rượu! Và tất nhiên, ông cũng không biết rằng, người mẹ có ý dùng tiếng rên để gọi mình. Bởi từ chập choạng tối đến giờ, bà vẫn lặng im, chịu đựng sự hành hạ của những cơn đau, cơ hồ như ai luồn đường chỉ qua xương. Bà lão thèm được uống thuốc, dù đó là chén thuốc bắc đắng như ngải hay những viên tân dược mượt mà. Bà không bộc lộ điều này với nàng dâu, vì biết chỉ vô ích.

Quãng nửa đêm, khi cả nhà chìm vào giấc ngủ, bà lão cố gượng người dậy, nhưng chỗ xương chậu nhức buốt quá, không trở được. Vậy là bà quyết định trườn đi bằng hai tay. Bà thò đầu ra khỏi giường, đôi tay chới với trong không khí. Cách những đầu ngón tay chừng ba mươi phân, là chiếc hộp Tàu...

Sáng hôm sau, vợ chồng ông Hòa Lợi thấy mẹ nằm vắt ngang thành giường, vội ùa lại. Bà lão đã lịm người nhưng hãy còn thoi thóp.

- Hãy cố đến ngày mai, mẹ ơi! - Bà Hòa Lợi nói trong tiếng nấc.

Ông Hòa Lợi đặt lại mẹ ngay ngắn trên giường xong, nói:

- Tôi đi mời bác sĩ đây...

Khi ông từ buồng thay áo ra, người vợ ngăn lại:

- Không kịp nữa rồi, anh ạ!

Bà Hòa Lợi dùng muỗng cạy đôi hàm đã đóng cứng của bà lão, rồi ríu gọi chị ở:

- Chưng gấp hai lát sâm! Nhớ bỏ chút đường phèn!

Sau một hồi hì hục với vành xương quai hàm, cuối cùng, vợ chồng ông chủ hiệu cầm đồ cũng đạt mục đích của mình, đổ được mấy giọt sâm vào họng người ốm.

Những người láng giềng, thân quyến của ông bà Hòa Lợi kéo đến thăm đông hơn. Bàn thờ cầu an được thiết trở lại. Trong những câu trả lời khách quan tâm đến bệnh tình bà cụ, ngoài mấy điểm như các hôm trước, còn thêm hai chi tiết: "Bà đã động thổ và hiện đang cấm khẩu”. Đó là yếu tố báo cái chết cầm chắc. Chỉ có điều, người già cả khác "động thổ" bằng cách thò chân xuống đất, còn bà mẹ của ông Hòa Lợi thì bằng đôi tay của mình. Khoảnh khắc của cái chết đối với con người luôn luôn mang vẻ bí ẩn, diệu kỳ. Nó khiến người đang khỏe sững sờ hay nghi hoặc đến mức không muốn nhắc tới. Chẳng hạn như bà lão đây. Sau vài giờ kể từ phút giọt sâm vào miệng, bà tỉnh lại, miệng nhóp nhép được.

-... Sang ngày mai thì tốt, hợp căn mạng bà; còn đến ngày kia, gặp phải trùng tang - Bà chủ tâm sự với một bà bạn, cố nhấn mạnh câu này để chồng ngồi bàn bên cạnh nghe được.

- Chị nên thỉnh ở chùa cái mền Quan Âm, để Bồ Tát độ cho.

- Vâng, tôi cũng định bụng thế - Bà chủ nói khẽ - Nhưng mền Quan Âm là loại mền mỏng, giá có chục nghìn bạc, tôi còn những năm chiếc cầm chỉ ba nghìn nay đã quá hạn, mà nhà chùa lại đòi đến ba chục nghìn cơ...

- Thầy còn phải tẩm thuốc, làm phép nữa chứ?

- Vậy tội gì mình không đem cái của mình đến để thầy làm phép cho đỡ tốn. Bà bạn phật ý cáo lui.

Để bà lão đi nhằm ngày mong đợi, bà Hòa Lợi nhận công việc túc trực bên giường bệnh. Bà cụ mỗi lần hé mắt trông thấy nàng dâu, là vội vàng khép kín mí lại, hệt cây hổ ngươi gặp phải vật lạ đụng vào. Kể cả việc bà yêu cầu được bít kín lỗ tai, để khỏi phải nghe những tiếng than vãn thở dài của con dâu. Kỳ thật, với bà Hòa Lợi, đây là dấu hiệu mới của cái chết. Lập tức, bà bắn tin này cho mọi người cùng biết.

Chiếc mền Quan Âm được thỉnh về cùng lúc với áo mũ và vải liệm. Bà lão được thay quần áo mới, đắp mền mới - chiếc mền quá hạn chuộc, vừa được ban phép - đội mũ mới, mang đôi bít tất cũng mới! Lát sau, ông Hòa Lợi còn cho khiêng về một cỗ đại quan, đặt ngay chỗ đang dùng làm phòng khách. Tiếng chuông mõ tụng kinh đều đều không dứt...

Bà lão vẫn thoi thóp.

Còn sáu giờ nữa là đến ngày Canh Ngọ. Dù thuốc men, kể cả sâm đều đã ngưng, không cho bà cụ uống từ buổi trưa, mạch hãy còn vượng. Bà Hòa Lợi buông cổ tay mẹ chồng, mặt lộ vẻ lo lắng. Bà khom người xuống đầu giường, nói thầm:

- Trước sau gì mẹ cũng ra đi. Vậy xin ngày mai mẹ hãy lên đường, chớ sang ngày trùng e con cháu...

Bà không nói tiếp được, bởi thoáng thấy bóng chồng xuất hiện, và nữa, nếu bà lão đi nhằm ngày trùng thật, thì quả không biết bao nhiêu là rối rắm. Phần bà lo chồng con bị Trùng vặn cổ, phần phải mời thầy trừ yểm tốn kém vô cùng, phần khác không kém quan trọng, là miệng thế gian nhân đó mai mỉa nghề nghiệp của gia đình. Nghĩ tới đây, bà cảm thấy uất nghẹn, tức tối. Bà ngoảy người bước vào phòng dùng bữa cơm chiều.

Bà lão ngáp, tay chân khẽ động. Chị ở bỗng xuất hiện. Nhanh nhẹn và chính xác, cứ mỗi lần bà lão há miệng ngáp, chị cho ngay vào một muỗng nhỏ chất nước sền sệt, màu hồng nhạt. Đó là chút sâm mà chị thừa cơ hội hoảng hốt của ông bà chủ hồi sáng đã cất để dành. Khi bà chủ gọi, thì tiếng đáp của chị đang ở bếp. Chị vừa quay xuống, để đi ngược trở lại phòng ăn.

Những đợt cầu nguyện, khách khứa nối nhau cho tới nửa đêm, khiến ông bà Hòa Lợi mệt nhoài. Dẫu vậy, nàng dâu vẫn luôn ở cạnh mẹ chồng.

Sáng hôm sau, bà lão hãy còn ngoắc ngoải. Tất cả cảnh cũ được lặp lại ở mức độ chung nhất cho đến gần hết ngày. Ông Hòa Lợi nằm ngủ ngay tại phòng khách, bên cỗ quan tài, đám con đã trèo lên gác, chị ở lặng thinh dưới căn bếp. Bà Hòa Lợi liếc đồng hồ: mười một giờ bốn lăm. Chỉ chốc nữa thôi sẽ hết ngày Canh Ngọ. Sao lại không phải hôm nay, mà đợi tới mai để bao nỗi lo sợ và tiếng thị phi trùm lên gia đình? Mọi người đã chuẩn bị giúp bà cụ ra đi vui vẻ. Vợ chồng ta đã nức tiếng hiếu thảo mọi điều. Vậy mà để ngày mai thì... hỏng hết! Bà Hòa Lợi quỳ xuống, vái mẹ chồng hai vái, nói qua kẽ răng:

- Mẹ ơi! Mẹ đi ngày tốt, nghe mẹ!

Đoạn bà đưa bàn tay lên miệng mũi mẹ chồng, òa lên khóc. Và, khi bàn tay vừa chạm vào lần da của người bệnh, như một tia chớp xẹt qua tâm linh, bà Hòa Lợi kịp rụt lại, thu về...

T.N
(TCSH49/05&6-1992)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Mưa xanh (27/08/2021)