NGUYỄN KHẮC PHÊ
(Đọc “Miền quê thơ ấu” - Hồi ký của Thanh Tùng, Nxb. Thuận Hóa, 2020)
Nhà báo Thanh Tùng (T.T) sau mấy chục năm “vào Nam ra Bắc” - từ người lính, người thầy đến nhà báo “tả xung hữu đột” lo chuyện “thiên hạ” trong nhiều cương vị ở báo Thừa Thiên Huế, rồi Trưởng Ban đại diện báo Tiền Phong tại miền Trung, đến nay mới có được những ngày tĩnh lặng để nhớ về “Miền quê thơ ấu” (MQTÂ) của mình. Còn tôi, đọc MQTÂ trong những ngày xuân mới, lại cùng cảnh “một chốn đôi quê”, có khác chi được bạn “dẫn” về thăm “chốn xưa”, thật là thú vị.
T.T mở đầu cuốn sách bằng một câu hát quen thuộc “Quê hương mỗi người chỉ một” nhưng liền đó, tác giả cho biết mình thuộc loại “cá biệt”. Nhiều bạn đọc - không chỉ ở Huế - đã quen thuộc T.T qua hàng ngàn bài báo, nhưng với hồi ký MQTÂ, lần đầu tiên, anh trình diện “gốc tích” mang đậm dấu ấn hai miền quê - Huế và Hà Tĩnh.
Thực ra, trường hợp “hai quê” như T.T không hẳn là “cá biệt”, do thời kháng chiến chống Pháp, sau ngày mặt trận Huế vỡ, rất nhiều gia đình ở Thừa Thiên Huế tản cư ra vùng tự do Nghệ Tĩnh. Không ít trí thức, cán bộ tên tuổi ở Bình Trị Thiên, từng sống và học tập tại hai ngôi trường danh tiếng Phan Đình Phùng, Huỳnh Thúc Kháng nhiều năm trên vùng đất Nghệ Tĩnh. Trước nữa, nhiều nhân vật lịch sử quê Nghệ Tĩnh thành danh trên đất Huế như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu, Phan Đăng Lưu, Võ Liêm Sơn… Nhân đây, nói “xa đề” một chút, mối quan hệ - tương hỗ giữa Huế và Nghệ Tĩnh là một đề tài có hàm lượng lịch sử - văn hóa rất đáng bỏ công tìm hiểu. Trong MQTÂ, tác giả đã dành một chương viết về “Phòng Thí nghiệm số 1 ở Chu Lễ” ở thượng nguồn sông Ngàn Sâu (Hà Tĩnh), gồm nhiều phòng, ban, xưởng… phục vụ yêu cầu quân đội, trực thuộc Ủy ban Kháng chiến Liên Khu 4 (gọi tắt P1). Nhiều loại vũ khí thời đầu chống Pháp đã được sản xuất tại đây. Điều thú vị là “đứng đầu các cơ sở ấy do các giáo sư, nhà khoa học, trí thức, kỹ nghệ gia, doanh nhân nổi tiếng từ Huế ra. P1 do G.S Phạm Đình Ái, tốt nghiệp cử nhân Lý - Hóa Đại học Sư phạm Paris, Giám đốc Nha Giáo dục Trung Bộ phụ trách. Khi còn ở Huế, G.S Phạm Đình Ái kiêm nhiệm Hiệu trưởng Trường Khải Định (Quốc học Huế)… Với thành tích có tính huyền thoại này, P1 được Bộ Quốc phòng khen ngợi… Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh tự tay đánh máy một thư khen ngợi và giao cho ông Hồ Tùng Mậu vào Liên khu 4 trao cho G.S Phạm Đình Ái…”. Chỉ riêng câu chuyện quanh P1, với một nhà văn có tài, có thể viết thành một tiểu thuyết lịch sử thú vị!...
Trong “danh sách” vô cùng dài có mối quan hệ “hai quê” này, T.T quả là một trường hợp đặc biệt. Quê nội - ngoại của T.T đều là “Huế gin”, cũng thuộc hàng “danh gia vọng tộc”. Quê nội ở làng Quy Lai bên bờ sông Hương. Làng Quy Lai tôn vinh ông nội T.T là cụ Phạm Hữu Chuẩn làm tiên chỉ. Sinh thời, ông được triều đình phong tước Hồng Lô Tự Khanh. Nhà thờ tại làng Quy Lai đã được trùng tu, còn giữ được hoành phi, câu đối được các bạn đồng môn và dân làng dâng tặng vào mùa Xuân Đinh Sửu (1937)… Thân mẫu T.T xuất thân trong một gia đình Hoàng tộc, dòng Thọ Xuân Vương (em kế vua Thiệu Trị). Ông ngoại của T.T là Nguyễn Phúc Ưng Khương. T.T đã viết về ông ngoại “một nhân vật tương đối đặc biệt” như sau:
“Lần đầu tiên trong lịch sử, tôi thấy có một ông tri huyện, xuất thân Hoàng tộc, nhưng suốt đời làm quan không cất nổi một căn nhà, mà ở nhờ trong từ đường gia tộc (ở đường Đinh Công Tráng) hoặc ở nhờ nhà bên vợ (Từ đường họ Ngô, ở dốc Bến Ngự)… Ông ngoại là ấm sinh Quốc Tử Giám, đậu cử nhân Nho học, học thêm trường Tây, đậu Primaire. Triều đình bổ làm tri huyện nhiều nơi. Ở đâu ông cũng ngang tàng, ghét bọn cường hào dưới trướng, bênh vực dân nghèo… Hồi làm tri huyện Do Linh (Quảng Trị), có lần ông cầm ba toong đuổi một tên chánh tổng ra khỏi huyện đường khi hắn mang của đút lót đến mua chuộc ông xử sai lệch một vụ án…”.
Một người làm quan như thế không xây được tòa ngang dãy dọc nhưng đã để lại cho con cháu thứ tài sản quý hơn vàng: đó là nhân cách, là lòng tự trọng của một con người; cũng có thể nói thêm rằng: tài sản vô giá đó là vẻ đẹp tinh thần của những người con miền đất núi Ngự sông Hương! Chính vì thế, mấy bà dì cũng như song thân của T.T sau Cách mạng Tháng 8 đã bỏ lại cuộc sống yên ấm ở Huế, ra Bắc tham gia kháng chiến, khi Pháp trở lại xâm chiếm Huế. Cũng không phải ngẫu nhiên mấy cô gái Huế mà T.T gọi bằng “dì” đó, của hồi môn chẳng bao nhiêu, lại có bạn đời là những cán bộ thuộc loại VIP, giữ những chức vụ cao. Bác Nguyễn Văn Tấn chồng dì Hiền là Giám đốc Tài chính Trung Bộ; bác Trần Đường, chồng dì Trực “bám trụ” ngành công an những năm gian khó nhất suốt từ sau 1945 cho đến sau 1954, về hưu với hàm đại tá; dì Thành, ra Bắc sau, do 1945 - 1946 còn theo học Trường Đồng Khánh, tham gia phong trào học sinh Thuận Hóa, từng bị địch bắt giam, khi lên chiến khu cùng công tác với ông Đặng Thanh (tác giả một số tiểu thuyết tình báo) và ông Bảy Khiêm…, sau ra Bắc trở thành cô giáo dạy đại học; chồng dì là Nhà giáo Nhân dân, GS-TS Phan Hữu Dật, Hiệu trưởng Đại học Tổng hợp Hà Nội (thời chống Pháp, thầy là giáo viên Trường Nguyễn Chí Diểu ở Thừa Thiên). Thân phụ của T.T, cũng là một nhân vật nổi tiếng: NGƯT Phạm Hữu Quế, chiến sĩ thi đua số 1 toàn quốc ngành giáo dục năm 1952; ông còn là một người đa tài, sử dụng thành thạo nhiều loại nhạc cụ, chơi nhiều môn thể thao, đã xây dựng nên nhiều ngôi trường là điển hình tiên tiến… Ông Phan Cảnh Kế (bí danh Nguyễn Thiện), chồng dì Dung, từng là Thành ủy viên Huế từ những năm đầy gian khó đầu thập kỷ 60 thế kỷ trước, đã hy sinh trong Tết Mậu Thân 1968, khi quân Mỹ phản kích, lực lượng ta phải rút lên chiến khu… Trong đại gia đình này còn có dì Thái Trạch (dì Dư) và một người cháu lâm nạn ngay tại Từ đường ngoại tộc ở đầu cầu Bến Ngự khi quân giải phóng bám trụ ở đây…
Ở giữa tâm điểm biến động thời cuộc lớn lao sau Cách mạng Tháng 8, nhiều gia đình ở Huế, do những cơ duyên khác nhau, anh chị em con cháu người bên này, kẻ bên kia chiến tuyến. Gia đình bên ngoại của T.T cũng vậy; có điều, nhờ có “tài sản quý hơn vàng” thân phụ để lại, cậu Bửu Thu của T.T thời thuộc Pháp làm công chức Tòa Sứ, sau 1945 chuyển sang cơ quan Tài Chính Trung Bộ, nhưng năm 1947 về Huế ăn Tết rồi vô Sài Gòn cũng chỉ làm chuyên viên Tài chính, nghĩa là giữ trọn phẩm giá một con người lương thiện. Vậy nên ông vẫn sống đàng hoàng khi quân giải phóng tiến về Sài Gòn. T.T viết: “Tháng 5/1975, khi tôi vào Sài Gòn, cậu vẫn ngày ngày “sáng vác ô đi, tối vác ô về”. Từ nhà đến công sở khoảng 3km, ngày nào cậu cũng đi bộ trong trang phục quần Tây, áo sơ mi trắng có thắt caravat, chân đi giày đen, tay cầm ô che mưa nắng…”.
Và không chỉ cậu Bửu Thu, trong gia đình bên ngoại của T.T còn có bà dì và mấy người cháu sống ở miền Nam sau 1954 hoặc lập nghiệp ở trời Tây, “chị em, anh em bất đồng chính kiến là chuyện thường tình… Cũng may, từ ngày đất nước mở cửa, đổi mới, cách nhìn nhận từng vấn đề của “hai bên” dần dần bắt gặp nhau ở từng phương diện và trở lại sự gần gũi thân thiết như xưa.” T.T đã viết như thế, nhưng có lẽ anh chị em “hai bên trở lại sự gần gũi” không chỉ nhờ “đổi mới cách nhìn nhận” mà còn do các thành viên của gia tộc, dù ở chân trời nào cũng biết gìn giữ báu vật của ông cha để lại. Đúng như T.T đã viết: “Dù ở đâu, làm việc gì, tôi vẫn “giữ lấy lề, gìn giữ gia phong, giữ truyền thống và đôi khi có ít nhiều niềm kiêu hãnh của “người kinh đô cũ”…”.
Trong MQTÂ, tác giả dành phần lớn số trang cho miền quê thứ hai một thời đã xa; tuy vậy, chỉ qua những trang phác họa chân dung một số thành viên trong gia tộc nội ngoại của mình ở Huế, chúng ta hiểu thêm vùng đất Cố Đô đâu chỉ có các bậc đế vương và những danh nhân, “kỳ nữ’, mà còn một lớp người thầm lặng, thường là ở “hậu trường” hoặc là trong góc khuất các sự kiện lớn, nhưng chính họ lại là động lực làm nên lịch sử, là nơi lưu truyền những vẻ đẹp Huế, tính cách Huế đã được tiền nhân và tạo hóa hun đúc nên qua biết bao thăng trầm, thử thách…
*
Trong thế hệ “người Nghệ gốc Huế”, T.T đặc biệt hơn, không chỉ vì cả 5 chị em đều sinh ra và lớn lên tại Đức Thọ (Hà Tĩnh), mãi sau 1975 mới hồi hương; mà vì miền quê thứ hai ấy đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng anh, được thể hiện qua nhiều trang viết thật sinh động, chi tiết trong MQTÂ đến mức những cây bút quê Đức Thọ cũng phải… chào thua!
Do thân phụ của T.T công tác tại Sở Bình dân học vụ Trung Bộ, nên sau Cách mạng Tháng 8, sơ tán ra Liên khu 4 phải theo cơ quan ở nhiều nơi, mãi đến tháng 9/1949, khi được chuyển làm giáo viên Trường Phan Đình Phùng, rồi sau đó đảm nhiệm nhiều cương vị khác như Hiệu trưởng Trường Liên Bồng quy tụ học sinh 5 xã vùng Thượng Đức hay Trưởng Phòng Giáo dục huyện Đức Thọ…, 5 anh chị em của T.T đều được sinh ra và lớn lên bên sông La - Ngàn Sâu, chủ yếu “bám trụ: ở xã Đức Bồng, có chợ Bộng là một trung tâm thương mại, một chợ đầu mối của cả một vùng thượng lưu sông La.
Gần ba chục năm tắm gội nước sông La, ở tuổi gần thất thập, dòng ký ức tuổi thơ T.T lần đầu được dịp sống dậy, chảy tràn qua hơn 20 chương sách MQTÂ. Điều thú vị của MQTÂ so với không ít hồi ký khác là T.T chỉ ghi lại những điều thật gần gũi, nhỏ bé nữa, diễn ra quanh mình; không có các sự kiện lớn, không có chiến công mà cũng ít chuyện đau thương. Vì thế, đọc những trang hồi ký của T.T, chúng ta như được sống trong cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn con người tuổi ấu thơ; đó cũng là cội nguồn văn hóa của một vùng đất.
Đủ thứ chuyện trong MQTÂ; “nhỏ bé” như việc “nhổ tóc bạc”, T.T cũng có kỷ niệm thật vui; không phải nhổ cho các cụ, mà cho các bà bán hàng xén cùng mẹ T.T tại chợ Bộng chỉ mới khoảng trên dưới 40 tuổi; nhổ được 10 sợi thì được thưởng 5 xu; nhưng khi T.T bị hai thằng bạn xui dại nhổ tóc còn đen, khiến các bà kêu đau cho “giải nghệ” sớm! Chuyện các bà “gội đầu tập thể” thì quả là độc đáo. “Giống như các cô gái Thái rủ nhau ra suối tắm tiên, gội đầu cũng phải có bạn mới vui. Các bà thường rủ nhau “trưa ni vo trôốc hè!” Nhà bà Doán có cái thau đồng, nhà tôi có cái thau tráng men được huy động đựng nước nấu bồ kết. Các bà thường sai tôi chui hàng rào qua nhà ông Hàn Ấm trèo hái lá bưởi và xin lá chanh, lá sả… Bà này gội rồi chải tóc cho bà kia, chia làm hai ca… Gặp bà nào tóc dài thì bọn trẻ chúng tôi phải phụ việc dội nước và đỡ tóc để khỏi bị vướng xuống đất…”.
T.T dành đến gần chục trang viết chuyện gội đầu của các bà. Kể cũng phải vì “hàm răng mái tóc là vóc con người”, lại gắn với cảnh sắc hoa bưởi nở trắng vườn ngày Xuân và “những nồi nước sực nức hương liệu thiên nhiên”, rồi cảnh chị Chi có mái tóc vừa dày, vừa dài đến mức khi chị gội đầu, bọn trẻ “hè vô tranh nhau đứa thì phụ dội nước, đứa thì đỡ tóc trông giống như bây giờ hai đứa trẻ nâng váy cưới cho cô dâu…”. Cũng đề tài này, T.T viết bài “Miền gái đẹp” và thử đi tìm lời giải vì sao con gái miền trung du như Hương Sơn, Đức Thọ được nhiều chàng trai khen là đẹp. “Tôi thích cái đẹp lặn vào trong , cái đẹp bền vững, bất biến, kiểu như nhờ có gạo trắng nước trong mà da em trắng, vị ngọt phù sa nên má em hồng…”. Điều T.T viết, các nhà nghiên cứu thời thượng hôm nay gọi là “sinh thái học”. Cái đẹp miền quê từng nuôi dưỡng tuổi thơ chị em T.T còn là văn hóa. Có lẽ nhiều người sẽ bất ngờ khi biết ở vùng quê bên sông Ngàn Sâu xa thị thành thời gian khó lại có sinh hoạt văn hóa phong phú như thế. Xóm Lạc Phong có cả một đội tuồng. “Hồi đó ở Đức Thọ có ba người hát tuồng hay nhất là ông Oánh, ông Thiệu ở Đức Giang và ông Lý Hanh ở Đức Tân… Ông này về giao lưu và làm diễn viên cho đội tuồng của ông kia…”. Ông Oánh còn là người sưu tầm, chỉnh sửa các vở tuồng cổ, đồng thời làm đạo diễn và cũng là mạnh thường quân. Ông còn biết chú trọng việc quảng bá - ngày nay gọi là “PR” cho vở diễn. “Trước buổi diễn vài ngày, ông cho người đi dán áp phích khắp nơi… Chiều chiều thì cho diễn viên hóa trang, trang phục vào vai đi diễu hành… Bọn trẻ chúng tôi náo nức chạy theo…”.
Điều thú vị là ông Oánh diễn tuồng chỉ là một cách chơi. Ông là cán bộ lâm nghiệp; cũng như “Ông Ngụ bắt bè” là nhân viên trạm thủy lâm có tài hát tuồng “thích hợp với những vai tướng, soái hô hét mạnh tay mạnh chân, múa võ đẹp”; và như “thầy Quỵ mê nhạc, chơi các loại đàn cổ khá hay… Lâu lâu thầy lại tổ chức một buổi hòa nhạc tại nhà…”.
Chất “văn hóa” nơi vùng quê có thể gọi là heo hút ấy không chỉ biểu hiện ở những diễn viên “nghiệp dư” say mê đàn hát mà thấm nhuần vào mọi nếp sống; đâu chỉ có cảnh “gội đầu tập thể” mà cả trong công việc buôn bán kinh doanh ở tổ hợp tác may, rồi mở Nhà thuốc y học dân tộc… Đến ông Bài cắt tóc cũng làm trọng tài đá bóng và hát song ca với đứa cháu lúc xóm tổ chức văn nghệ…
*
Sau ngày đất nước thống nhất, gia đình T.T mới trở về “cố hương”; riêng T.T, lần đầu được đặt chân lên đất Huế khi đang là anh “lính Cụ Hồ”, đúng 1 tháng sau ngày giải phóng Huế. “Ngày 26/4/1975 là một ngày đặc biệt của cuộc đời tôi. Trên đường vào Nam, đơn vị tôi dừng lại ở Binh trạm Phú Bài…”. Trong khi chờ xe đi tiếp, T.T được phép lên Huế tìm thăm nhà. Sách báo đã thuật chuyện nhiều cán bộ miền Nam tập kết trở lại quê hương sau hai chục năm xa cách đã gặp không ít “trục trặc”, dở cười dở khóc. Thế mà chàng lính trẻ T.T có lẽ mới chỉ biết Huế qua trang sách lúc còn ngồi trên ghế đại học ở miền Bắc, nay đặt chân lên vùng đất mấy chục năm thuộc thể chế khác ở bên kia vết đau chia cắt Hiền Lương, cũng gần như là đến một “hành tinh” xa lạ, đã dễ dàng tìm ngay ra nhà bên nội ở Gia Hội, nhà bà ngoại gần chợ Bến Ngự! T.T lý giải nguyên do là “Ba tôi khai báo lý lịch rất rõ ràng và trung thực, dù có bị ảnh hưởng đến cái mà người ta gọi là công danh…”. Có lẽ cần bổ sung thêm: Thân phụ T.T trung thực vì biết “gìn giữ gia phong, giữ truyền thống” của một người con xứ Huế; và đó cũng chính là cội nguồn tạo nên sức đề kháng để Gia Hội và Bến Ngự vẫn giữ được hình bóng xưa, bà con ở đó vẫn không quên “người xưa”, dù đã trải qua bao cuộc “bể dâu”…
Trong lớp người “một chốn đôi quê” như T.T, có một nhân vật mà T.T gọi là “Người mắc nợ sông Hương” trong bài viết đăng Tạp chí Sông Hương tròn 20 năm trước (4/2001). Đó là TSKH Hồ Ngọc Phú, Giám đốc Sở Thủy lợi Bình Trị Thiên. Những trang cuối MQTÂ, tác giả đã kể lại, trong lễ mừng thọ thân phụ mình 84 tuổi, cụ Phạm Hữu Quế không giới thiệu Hồ Ngọc Phú với nhiều chức danh, học vị danh giá, mà thân mật nói rằng: Đây là học trò của mình từ cấp 1, cấp 2 Đức Thọ, nay đã hơn 60 tuổi, nhưng chưa về hưu được vì hồ nước Tả Trạch chưa được khởi công… Còn “trò Phú” 65 tuổi thì ca ngợi “người thầy đầu tiên” như là một thần tượng, “một người thầy sống thanh bạch, lạc quan và rất đỗi tin yêu, rất đỗi tự hào về các thế hệ học sinh của mình…”. Hơn nửa thế kỷ qua mà thầy trò vẫn thân thiết, gắn bó như xưa. Dù đã trở về bên sông Hương quê mẹ, ký ức những tháng năm uống nước sông La vẫn dạt dào trong tâm hồn thầy và trò…
Tiến sĩ lý luận văn học Nguyễn Đức Mậu đã viết về MQTÂ như sau: “Bạn đọc sẽ thấy ở hồi ký này ngoài tình cảm sâu nặng, sự hồi tưởng ít nhiều có tính khảo cứu, còn chứa đầy cảm xúc nhân văn phong phú… Những cái đời thường lưu lại được trong ký ức là những cái nuôi dưỡng đời sống văn hóa mỗi người…”. Và như thế, người có duyên hai quê như T.T, từ vốn sống, kiến thức đến tâm hồn đều phong phú; cũng có thể hình dung nhà báo T.T như được chắp cánh để có thể cống hiến nhiều hơn cho đời. MQTÂ mới chỉ là Tập I, được biết T.T đã hoàn thành bản thảo 2 tập tiếp theo là “Vẫn xanh màu lính” và “Đường đời lắm nẻo” viết về thời trong quân ngũ và những gian nan, những thử thách đối với những nhà báo chân chính.
N.K.P
(SHSDB40/03-2021)