Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.3-21)
Sự ngẫu nhiên của vi-rút có loại bỏ ý nghĩa của sự ngẫu nhiên?
14:59 | 07/05/2021

EMMANUEL ALLOA 

Cơ chế của mỗi trận đại dịch đều hết sức quen thuộc: mỗi cuộc khủng hoảng đều có những thủ phạm nhất định của nó.

Sự ngẫu nhiên của vi-rút có loại bỏ ý nghĩa của sự ngẫu nhiên?
GS Emmanuel Alloa - Ảnh: internet

Đối với những người theo thuyết chủ quyền, trận đại dịch corona lần này bùng phát là do việc quản lý giữa các đường biên giới quá kém; đối với những người bài Trung, đó là do sự sơ suất có chủ ý của chính phủ Trung Quốc; đối với những người theo thuyết âm mưu, đó là vũ khí hóa học của Mỹ mà các cơ quan mật vụ đã mất kiểm soát. Trong khi những người theo quan niệm tận thế đang đắc thắng, sau khi đã cảnh báo chúng ta trong nhiều năm về sự sụp đổ sắp xảy ra của hành tinh, thì những người khác vẫn xem nó như một dấu hiệu của tất cả những sai lầm gần đây của nhân loại, từ sự hỗn loạn đến tiêu thụ quá mức. Đại dịch vi rút lần này đang tạo ra một phản ứng tập thể, và ta đã có thể nghe thấy tất cả những điềm báo giải thích cho ta điều mà ta sẽ phải thay đổi, trong “những gì đến sau” sự phục sinh tập thể của chúng ta.

Điều đáng chú ý trong loạt phản ứng này là giọng điệu chắc chắn đi kèm với phán quyết của chúng. Điều này thậm chí còn nổi bật hơn khi người ta đọc được những lời giải thích do một số trí thức hàng đầu đưa ra. Nhiều người trong số họ dường như hơi run sợ trước những gì đang xảy ra với chúng ta. Họ rất háo hức muốn giải thích cho chúng ta thấy rằng tất cả những gì họ nói trong nhiều năm qua đã được chứng minh là đúng. Chúng ta thấy mình ghen tị với sự tự tin của họ. Thật vậy, mọi thứ sẽ đơn giản hơn nếu chúng ta có thể đổ lỗi nguyên nhân của vi-rút corona cho chủ nghĩa tư bản tài chính hoặc các quốc gia đang âm thầm theo đuổi một nền chính trị sinh học. Người ta hầu như nhận ra rằng, trong những khoảnh khắc xấu hổ vì mình thuộc về loài người, bản thân đang ở trong giấc mơ mà ở đó hành tinh Trái đất phát động một cuộc trả thù tàn bạo khiến loài người Homo sapiens phải trả giá cho tất cả những gì mà nó đã gây ra trong nhiều thế kỷ. Trên thực tế, thế giới không khác là mấy so với những viễn cảnh hậu tận thế mà Hollywood đã cho chúng ta xem trong những bộ phim về đề tài thảm họa của họ. Do đó, ý nghĩa thực sự của cuộc khủng hoảng vi-rút corona sẽ là một cuộc khủng hoảng sinh thái, một thông điệp sinh thái khẩn cấp của hành tinh, được Mẹ Thiên nhiên nhấn mạnh, gửi đến tất cả những người không muốn nghe những hồi chuông báo động liên tục vang lên.

Thật đơn giản biết bao nếu ta có thể đưa ra một lời giải thích dễ dàng cho cuộc khủng hoảng này khi nó sẽ khiến ta phải ăn năn. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi cỗ máy truy tìm nguyên nhân đang chạy hết ga; trên hết, những cuộc đại khủng hoảng thường là những thử thách về ý nghĩa, vì khi những gì hữu hình đã vắng mặt, ta sẽ dễ dàng ẩn náu hơn trong những câu chuyện an ủi - ngay cả khi chúng hoàn toàn không có tác dụng trấn an chút nào.

Điều gì sẽ xảy ra nếu, khi đối mặt với cuộc tẩu thoát khỏi việc truy tìm lời giải thích này, hầu như vẫn chưa tìm thấy cơ hội được chặn đứng lại, chúng ta phải thừa nhận rằng sự kiện này đang làm xói mòn nghiêm trọng sự chắc chắn của chúng ta. Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta xem xét, dù chỉ trong giây lát, bản chất vô nghĩa thực sự của những gì đang xảy ra với chúng ta? Đại dịch vi-rút corona toàn cầu, về bản chất, là vô nghĩa. Sự bùng phát của nó không chắc chắn mà cũng không tất yếu. Ở đây, vi-rút không khác gì một mảng kiến tạo, khi mảng kiến tạo này dịch chuyển nó liền gây ra các đợt sóng thần.

Tại sao chúng ta không thấy điều này xảy ra? Chúng ta phải trả giá để chấp nhận nó, đặc biệt là vì nó đã cướp đi rất nhiều mạng sống sau khi nó xảy ra, nhưng vi-rút corona là và vẫn là một sự ngẫu nhiên. Chắc chắn, sự bùng phát của nó là có thể xảy ra, và một số người thậm chí có thể bắt đầu tính toán xác suất sự kiện của nó. Nhưng một khả năng không phải là một kết luận hợp lý. Như Aristotle đã nói cách đây rất lâu, một sự ngẫu nhiên diễn ra là khi một số thứ tình cờ xảy ra cạnh nhau và do đó trông giống như một chuỗi liên tục, mặc dù nó không hề tất yếu. Các khu chợ ẩm ướt đầy rẫy các loài động vật với các lồng tê tê, dơi và rắn đặt cạnh nhau, nơi có thể bùng phát dịch bệnh Covid, là minh họa tốt nhất cho sự ngẫu nhiên vô nghĩa này.

Ngày nay, một trong những rủi ro lớn nhất mà chúng ta phải đối mặt là một diễn ngôn mới về sự tất yếu. Đứng trước tình hình ấy, ta không khỏi đưa ra các phản ứng đơn giản (điệp khúc nổi tiếng “chúng ta chỉ cần phải làm...”). Đây thực sự là chỗ ẩn chứa những tác động nguy hiểm nhất, vì chúng vĩnh viễn thiết lập cảm giác rằng tất cả các con đường đều đã được vạch ra, theo hướng này hay hướng khác.

Có thể có lý, trong một thời gian, nếu tập thể chấp nhận một số thái độ nhất định, bởi vì không còn cách nào khác. Tuy nhiên, ngày này qua ngày khác, chúng ta đang trải qua những thay đổi sâu sắc mà sự bất thường này - vi-rút corona - đang in sâu vào đời sống của chúng ta. Đối với khoảng cách vật lý bị ngăn cách, chúng ta đang hồi đáp bằng các công nghệ viễn thông; đối với tính xã hội bị giãn cách, chúng ta đang đối phó bằng các thiết bị cộng tác trực tuyến. Những thiết bị này mở ra một lĩnh vực quan trọng của những khả năng mới mẻ. Nhưng bằng cách giao phó việc quản lý hoàn toàn đời sống cho các thuật toán, những rủi ro nghiêm trọng hơn đang dần xuất hiện.

Trong các ngành nghề có sự tham dự chủ yếu của con người, việc chuyển sang các hình thức phi vật chất hóa duy trì ảo tưởng về sự sẵn có vĩnh viễn. Một số cơ sở chăm sóc sức khỏe hiện đang xem xét khả năng thực hiện các cuộc hẹn điều trị bằng các cuộc gặp mặt qua video để giảm chi phí. Với danh nghĩa làm giảm tắc nghẽn cho các cơ sở - và do đó được cho là vì lợi ích của bệnh nhân - chúng ta đang tiến tới một phương thức điều trị ngày càng xa vời và trừu tượng hơn. Trong lĩnh vực giáo dục, các thỏa thuận tương tự hiện cũng đang được xem xét. Một số trường đại học ở Vương quốc Anh đã yêu cầu nhân viên của mình ghi lại tất cả các bài giảng định kỳ ở định dạng video để họ có thể phát sóng khi bị ốm hoặc vắng mặt. Khi đó, chúng ta có thể dễ dàng hình dung rằng phần con người tham gia vào các hoạt động như sự tiếp thu của học sinh sau đó sẽ được chuyển sang một kiểu điểm danh từ xa được cá nhân hóa một cách sai lầm, theo mô hình của một đường dây nóng thương mại.

Kinh nghiệm ngăn chặn vi-rút corona cho phép chúng ta rút ra một số bài học. Thật sai lầm rằng khoảng cách vật lý nhất thiết phải tương đương với khoảng cách con người; chúng ta đã chứng kiến nhiều trường hợp khủng hoảng thắt chặt sợi dây đoàn kết giữa các mối quan hệ ruột thịt, giữa họ hàng hay láng giềng. Nhưng bằng cách yêu cầu công dân tạm dừng tất cả các hoạt động “không cần thiết”, người ta như thể đang góp phần làm sáng tỏ khía cạnh ngẫu nhiên xác định bản chất của các mối quan hệ xã hội: những cuộc gặp gỡ tình cờ, những sự trao đổi không được hình dung trước, việc tiếp xúc với điều bất ngờ. Bằng cách ra lệnh cho các cá nhân tập trung vào “điều thiết yếu”, về cơ bản, chúng ta đang quay trở lại những gì chúng ta quen thuộc nhất, tránh xa phần bất ngờ/ngẫu nhiên vốn là chất men cho tất cả các mối quan hệ của con người. Sự biến mất của không gian chung cũng tương ứng với sự biến mất của điều bất ngờ. Trong thời gian giãn cách/cách ly, các thuật toán của truyền hình được soạn theo yêu cầu trở thành nhà cung cấp các bộ phim hoặc loạt phim yêu thích của chúng ta, trong khi đó các đơn đặt hàng ăn uống thì được giao đến tận nơi, thậm chí không cần nhìn thấy khuôn mặt của người giao hàng đã quay gót.

Diễn ngôn về sự tất yếu ngự trị tối cao, dù bạn nhìn ở đâu, và việc viện đến sự không chắc chắn kết thúc bằng cách biến nó thành một biến số toán học đơn giản. Đúng là đời sống xã hội đã không biến mất trong thời đại cách ly. Với sự trợ giúp của các quyển lịch điều phối những bữa tiệc rượu khai vị và bữa tối ảo, các mối liên kết đang được thiết lập lại. Nhưng, ở đây, một lần nữa, những “người khác” mà chúng ta tìm thấy là những người khác mà chúng ta đã quen thuộc. Trong khi hoàn thiện kế hoạch cho những cuộc gặp gỡ sắp tới, chúng ta đang tự tước đi cơ hội thực hiện những cuộc gặp gỡ thực sự. Bằng cách không gặp gỡ những người mà chúng ta đã biết (hoặc những người được hứa hẹn bởi các trang web hẹn hò, những người có hồ sơ được cho là “khớp” với người tham gia), người ta tự hỏi liệu có một thứ gì đó hoàn toàn khác còn lại hay không - điều mà Stéphane Mallarmé gọi là “sự tươi mới tức thì của sự gặp gỡ.”

Ở trận đại dịch này, chúng ta hãy cẩn thận để không đánh mất đi giá trị cơ bản nhất của đời sống: tính ngẫu nhiên của nó. Đó là bởi vì một cộng đồng không cố định một lần và mãi mãi, mà về cơ bản luôn chừa chỗ cho sự thiếu sót của tính tất yếu, nên các thành viên của nó có thể cùng nhau bước lên và quyết định hình thái mà họ muốn mang lại cho nó. Do đó, chúng ta hãy cẩn thận, trong các phản ứng miễn dịch học tổng quát của chúng ta, không nên ghì chặt bản thân quá sâu vào những điều chắc chắn của chúng ta, mà hãy chấp nhận rằng tính chất ngẫu nhiên này cũng có thể hoạt động như một lỗ thủng to tướng trong trí tưởng tượng của chúng ta.

Tuệ Đan dịch từ
“Coronavirus: A Contingency that Eliminates Contingency”  
(SHSDB40/03-2021)


 

 

Các bài mới
Cỏ xót xa tôi (21/05/2021)
Dưới hiên mưa (17/05/2021)
Các bài đã đăng
Xuân An Lạc (12/04/2021)