Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.3-21)
Thế giới vô thức linh diệu trong tiểu thuyết Haruki Murakami
15:30 | 07/05/2021

HÀ VĂN LƯỠNG

Haruki Murakami sinh ra ở Nhật Bản, nhưng lại sống nhiều năm ở nước ngoài, chịu ảnh hưởng khá đậm nét văn hóa phương Tây, trong sáng tác của ông, cùng với những biểu hiện của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, chủ nghĩa hậu hiện đại, những yếu tố vô thức, tâm linh cũng được nhà văn thể hiện trên các bình diện khác nhau.

Thế giới vô thức linh diệu trong tiểu thuyết Haruki Murakami
Ảnh: internet

Nếu ở thể loại truyện ngắn, nhà văn ít vận dụng vô thức vào việc khai thác tâm lý nhân vật, thì trong những tiểu thuyết như Kafka bên bờ biển, Biên niên ký chim vặn dây cót, Rừng Nauy, Người tình Sputnhik, Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời... vấn đề vô thức, giấc mơ và bản ngã nhân vật được nhà văn phản ánh rất sâu sắc.

1. Vô thức với khả năng tiên tri linh diệu

Trước S.Freud, khi nghiên cứu thế giới tâm linh con người, những người như Descarter, Kant, Nietzshe, P.Janet..., đồng nhất tâm linh với ý thức hoặc thấy được tầng sâu của ý thức là cái gì đó không giải thích được, mà chưa phát hiện ra thế giới vô thức của con người. Đến thế kỷ XX, mở đầu là S.Freud và tiếp theo là C.G.Jung, J.Lacan..., vô thức đã được nhận diện và có vai trò quan trọng trong tâm lý con người và sáng tạo nghệ thuật. Không những phát hiện ra sự hiện hữu của tâm linh vô thức, S.Freud còn chỉ ra sự can thiệp của vô thức vào đời sống ý thức con người. Vô thức không hề thụ động, nó có tác động mạnh mẽ đến tư duy, tình cảm con người và biểu hiện rất năng động gắn với những khả năng tiên tri kỳ diệu của con người.

Biết trước được những việc sẽ xảy ra là một khả năng tiên tri tuyệt vời của một số người. Những người đó có tài tiên đoán phi thường không chỉ về số phận của mình và của người khác, mà còn cả vận mệnh dân tộc, đất nước. Cái làm nên khả năng thần bí, kỳ diệu đó là bí mật của cõi vô thức trong con người. Trong thế giới vô thức của “tâm linh”, “mặc khải”, những người có năng lực thần kỳ dường như được “thiên phú” đã có những tiên đoán cực kỳ chính xác về những điều sắp xảy ra. Trong tiểu thuyết Kafka bên bờ biển, Biên niên ký chim vặn dây cót xuất hiện những người có khả năng tiên đoán tài tình như thế. Các nhân vật như Honda, Kano Crera, Kano Malta (Biên niên ký chim vặn dây cót), Nakata, Koichi Tamura (Kafka bên bờ biển) có những khả năng phi thường, tiên đoán và linh nghiệm những điều sẽ diễn ra trong tương lai.

Biên niên ký chim vặn dây cót, những người có năng lực tiên tri, ngoại cảm, về ngoại hình và tính cách không khác những người bình thường khác, nhưng ở họ khả năng kỳ diệu đó bắt nguồn từ trong sâu thẳm của thế giới vô thức. Là người bị mất thính giác từ hồi chiến tranh tại biên giới Ngoại Mông và Mãn Châu, Honda “là người chuyên lên đồng, một trong những kiểu nhà ngoại cảm mà dòng họ Wataya coi là của quý..., có khả năng nghe thấy lời của các linh hồn” [1, tr.60]. Tác giả đã để cho Honda tiên đoán về số phận thăng trầm và cái chết vì nước của Okada và trung úy Mamiya. Ngay từ lần gặp đầu tiên, Honda đã nói với Okada: “Hễ đi lên thì phải chọn ngọn tháp cao nhất mà trèo lên đỉnh. Hễ đã đi xuống thì hãy tìm cái giếng sâu nhất mà chui xuống đáy... Biết đâu trong tương lai anh bạn trẻ này rồi sẽ nếm mùi thống khổ mà chuyện đó có liên quan đến nước” [1, tr.64]. Lời tiên đoán này đã đúng, khi trong suốt cuộc hành trình của mình, cuối cùng Okada đã tìm ra cái giếng cạn trong cái nhà hoang giữa vùng Nội Mông và quyết định xuống đó. Nếu không có sự cứu giúp của Quế kịp thời thì Okada sẽ chết vì nước ở dưới giếng: “Nước đang chảy từ một khe hở nào đó, mà hình như càng lúc càng nhanh... tuôn chảy xối xả... Nước đang dâng lên và tôi đang gặp khốn” [1, tr.686]. Chính Honda cũng biết được số phận của trung úy Mamiya khi hai người cùng tham gia chiến tranh: “Trong bốn chúng ta (Mamiya, Honda, Yamamoto và Hamano), trung úy sẽ là người sống lâu nhất, lâu hơn trung úy tưởng nhiều. Trung úy sẽ chết ở Nhật” [1, tr.177]. Kết cục, người ta đã tìm được xác trung úy Mamiya dưới một giếng cạn giữa sa mạc Nội Mông nhờ lời tiên tri ứng nghiệm của Honda. Nhân vật Kano Malta “có khả năng tiên đoán nhiều chuyện. Chị biết ở phòng bao nhiêu có bệnh nhân vừa chết, hoặc nếu ai đó đánh rơi ví thì chị biết chính xác tìm ở đâu sẽ thấy” [1, tr.105]. Kano Malta cũng tiên đoán và biết chắc chắn những điều xảy ra với Okada. Khả năng này của nhân vật được tác giả nói đến nhiều lần. Nói về con mèo bị mất, Kano Malta nhận định chính xác rằng: “Có một điều chắc chắn: nó không quanh quẩn ở nhà ông bà nữa. Ông bà sẽ không bao giờ tìm thấy nó trong khu hàng xóm kia đâu” [1, tr.55]. Và cả việc mất chiếc cà vạt cùng những vết tím bầm trên má Okada cũng được Kano Malta tiên đoán một cách chính xác rằng sẽ tìm thấy ở tiệm giặt đồ.

Những “linh giác” của Honda và Kano Malta là những “mặc khải” không được tin ngay mà phải qua sự trải nghiệm mới biết đó là sự thật. Đây là điều thú vị của thế giới vô thức tiềm ẩn trong con người mà thế giới của ý thức không thể lọt vào được. Nhà văn đã mượn những yếu tố “ngoại cảm” như một sự giải đáp về thế giới vô thức - những mong manh trong thế giới hữu thức - góp phần làm cho tác phẩm trở nên bí ẩn và hấp dẫn người đọc.

Trong Kafka bên bờ biển, nhân vật Nakata và Koichi Tamura cũng có những khả năng tiên đoán kỳ diệu nhờ vào một lực lượng siêu nhiên vô hình đưa ra lời “mặc khải” để chỉ dẫn họ thực hiện. Suốt cuộc hành trình đi tìm hòn đá thiêng, nhờ những cơn ngủ ly bì và những giấc mơ của vô thức mà cuối cùng Nakata đã có những quyết định sáng suốt cho hành động của mình. Nếu những tiên đoán của Honda và Malta (Biên niên ký chim vặn dây cót) liên quan đến số phận và tương lai con người thì những tiên tri của Nakata lại gắn liền nhiều hơn với các hiện tượng kỳ lạ sẽ xuất hiện. Nakata có thể nói chuyện được với mèo, có thể tiên đoán được những hiện tượng kỳ lạ trong thiên nhiên. Bằng chứng là nhân vật này đã có dự báo với một viên cảnh sát: “Sẽ có cá từ trên trời rơi xuống như mưa. Vô số cá. Lão nghĩ đa phần là cá mòi. Xen lẫn vài con cá thu...” [1, tr.191]. Và điều tiên đoán đó đã thành sự thật: “Ngày hôm sau, khi một cơn mưa cá mòi và cá thu thật sự trút xuống một khu của Quận Nakano... Khoảng hai nghìn con cá mòi và cá thu” [1, tr.191,192]. Chính trận mưa cá thực sự này đã làm cho viên cảnh sát trẻ kinh ngạc và hoang mang về “cái lão già lẩm cẩm kỳ quái ấy”. Cuối cùng viên cảnh sát cũng phải huy động xe chở rác để thu gom xác cá làm sạch đường phố. Có lần đang trên đường đi “Nakata nhìn lên trời rồi chậm rãi mở ô, giương lên che đầu. Rất thận trọng, lão lùi lại mấy bước” và “bất thình lình, những vật lầy nhầy từ trên trời rơi xuống đất bồm bộp... cơn mưa đỉa ập xuống ào ào một lúc... Một đống đỉa nhung nhúc...” [1, tr.220,221]. Lời “sấm truyền” của người cha Koichi Tamura cho con trai (Kafka) rằng, sẽ “Giết cha, ngủ với mẹ và chị gái” về sau đã linh nghiệm cũng xuất phát từ cõi vô thức do bị dồn nén của bản năng. Phải chăng, trong thực tế bản thân Koichi Tamura không thỏa mãn các ham muốn, khoái cảm mang tính bản năng, bị ức chế nên mong muốn được giải tỏa thông qua người con trai Kafka. Và hành động của Kafka cũng do sự chỉ dẫn của vô thức.

Như vậy, thế giới “vô thức” nằm sâu và chìm khuất ngoài tầm kiểm soát của tầng “ý thức”. Ở đó, con người xuất hiện những khả năng siêu phàm, tiên tri được những điều mà người bình thường không làm được. Những năng lực này của con người là có thật, nhưng nó nằm sâu ở tầng vô thức cần được phản ánh và lý giải. Những nhân vật tiên tri trong sáng tác của Haruki Murakami đã tạo nên một sức hấp dẫn, lôi cuốn người đọc, gây nên sự tò mò muốn theo dõi số phận các nhân vật có đúng như tiên đoán của các nhân vật tiên tri hay không. Phản ánh hiện thực cuộc sống, Haruki Murakami đã để cho các nhân vật tiên tri làm nhẹ bớt đi những tấn bi kịch trong cuộc sống mà họ gặp phải. Bởi nhân vật có một điểm để bấu víu, đó là do số phận và những gì đã được tiên tri từ trước. Tuy nhiên, dù có một bàn tay vô hình nào sắp đặt thì con người vẫn có cuộc sống riêng và mỗi người nên tìm ra một lẽ sống, tự tin vào chính mình, vào cuộc đời để mọi người được sống hạnh phúc hơn.

2. Vô thức với giấc mơ

Khi đề cập đến mối quan hệ giữa vô thức và giấc mơ, hầu hết các nhà phân tâm học và các nghệ sĩ đều cho rằng, vô thức luôn gắn bó với giấc mơ. Theo S.Freud, người nghệ sĩ giải thoát những khát khao của mình bằng giấc mơ hay tưởng tượng và tác phẩm văn học, trước hết là một giấc mơ. Là “con đường hoàng đạo” dẫn đến vô thức, giấc mơ đóng vai trò quan trọng trong đời sống tâm thức con người và trong văn học. Trong cuốn Phân tâm học nhập môn, S.Freud cho rằng: “Chúng ta chấp nhận rằng, trong đời sống tinh thần có những gì tiềm tàng mà chúng ta không hề biết đến và có lẽ không bao giờ biết đến. Nếu như thế thì sự vô thức phải có thêm một nghĩa khác: đặc trưng của nó không còn là nhất thời hay hợp thời nữa mà là thường trực” [2, tr.132]. Chính nhà văn H.Murakami đã từng nói rằng, ông sáng tác trong mơ, nhưng là “giấc mơ tĩnh”. Thông qua giấc mơ trong vô thức, con người có điều kiện để bộc lộ những điều thầm kín, bản năng và khát vọng của mình mà trong đời sống thực không thể thực hiện được. Trong tiểu thuyết của ông, nhà văn thường nói đến những giấc mơ gắn với thế giới vô thức. Những giấc mơ luôn được biểu hiện dưới dạng hình ảnh tượng trưng, những ý tưởng được che đậy để thực hiện cái vô thức.

* Giấc mơ khát vọng

Theo lý giải của S.Freud và những môn đệ của ông, con người có nhiều loại giấc mơ và đều bị chi phối bởi vô thức. Bên cạnh giấc mơ nhằm thỏa mãn, giải tỏa ức chế mang tính bản năng, thì giấc mơ khát vọng nhằm hướng con người đến những điều tốt đẹp, cao cả trong cuộc sống. Nhân vật Okada (Biên niên ký chim vặn dây cót) trải qua những giấc mơ triền miên mỗi khi anh ta xuống giếng. Nếu mặt đất (thực tại) đối với Okada là những thất bại, bế tắc trước cuộc đời thì đáy giếng (nơi diễn ra những giấc mơ) là nơi để anh lánh mình và chìm đắm trong những giấc mơ. Nhờ những giấc mơ đó, Okada tìm lại chính mình, tìm thấy những mắt xích liên hệ với thế giới nội tại để tìm ra con đường chân lý đúng đắn mà anh cần phải “dấn thân”, “nhập cuộc”. Từ giếng cạn Okada mơ về căn phòng 208, về Wataya Noboru và Kimiko: “Trước bình minh lên, dưới đáy giếng, tôi nằm mơ... Tôi đang đi một mình. Bộ mặt của Wataya Naboru chường ra trên màn tivi lớn đặt giữa một gian tiền sảnh rộng... sắp tuyên bố điều gì đó quyết định vận mệnh của tất cả” [1, tr.281]. Cũng qua giấc mơ, Okada không chỉ khám phá ra nhiều sự thật mà còn tìm thấy Kimiko - vợ của anh và hóa giải được lời nguyền đè nặng lên Mamiya. Vợ chồng Okada gặp lại nhau, Mamiya tìm thấy hạnh phúc gia đình của mình với Creta và có con - đó chính là mong ước, là khát vọng mà nhân vật Okada luôn nung nấu và đấu tranh để thực hiện.

Trong Rừng Nauy, Toru Watanabe có nhiều giấc mơ gắn với hình ảnh Naoko. Đối với anh, Naoko - một người con gái đẹp, có nghị lực, nhưng chịu nhiều thiệt thòi, gặp nhiều trắc trở trong cuộc sống, nên cần được chia sẻ, bù đắp. Vì thế, sau khi Kizuki - người yêu Naoko qua đời, Watanabe trở thành người gần gũi, thân thiết của Naoko. Trong hữu thức cũng như vô thức (giấc mơ), Watanabe luôn vắt kiệt sức mình cố gắng giúp đỡ để Naoko trở lại cuộc sống bình thường sau nhiều biến cố làm cho nàng sắp gục ngã. Những việc làm của Watanabe trong thực tại lẫn trong mơ đã phần nào làm cho Naoko cảm động và biết tin yêu cuộc sống để tiếp tục trên con đường khó khăn đến tương lai.

Những giấc mơ khát vọng đã thể hiện niềm tin vào cuộc sống vào tương lai tốt đẹp ngày mai của các nhân vật, đối lập với thực tại đầy rẫy những bất công, cạm bẫy và tội lỗi. Từ những “giấc mơ đẹp”, các nhân vật của H.Murakami như được tiếp thêm sức mạnh, tự tin vào bản thân, hướng đến tương lai để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Đây cũng là cuộc hành trình của con người đến với những giá trị chân thiện mỹ.

3. Vô thức với cái tôi đa ngã

Trong thực tế và trong sáng tác văn học, con người đôi khi phân thân thành nhiều cái tôi khác nhau. Sự hiện hữu của cái tôi đa ngã trong hiện tại và vô thức cũng là một biểu hiện khác của phân tâm học. Ở tiểu thuyết H.Murakami, một số nhân vật có những cái tôi khác nhau, đối lập, song hành và có mối quan hệ biện chứng với nhau. Đó là các cặp: cái tôi bản năng - cái tôi lý trí, cái tôi thể xác - cái tôi linh hồn, cái tôi hữu thức - cái tôi vô thức... Chính cái tôi đa ngã này tạo nên sự phong phú, đa chiều nhằm giải thích bản thể con người ở tầng vô thức. Những nhân vật như Kafka, Saeki (Kafka bên bờ biển); Okada, Kano Kreta,Wataya Noboru, Akasaka Quế (Biên niên ký chim vặn dây cót) và Miu (Người tình Sputnhik)... có những cái tôi khác nhau, tồn tại ở những hoàn cảnh khác nhau.

Nhân vật Kafka có cuộc đấu tranh quyết liệt giữa: con người bản năng và con người lý trí, con người hiện hữu (Kafka) với tiếng nói từ vô thức (Quạ). Nếu con người lý trí ràng buộc, chế ngự Kafka trong khuôn khổ vốn có của cuộc sống và đạo đức xã hội, thì con người bản năng luôn có xu hướng vi phạm, phá bỏ những quy tắc của con người lý trí. Ngược lại, con người lý trí - là tiếng vọng trong lòng - lại đưa ra những lời khuyên, trách móc, đánh giá, thậm chí chửi bới để níu kéo nhân vật trở về với thực tại, với những chuẩn mực đạo đức định sẵn. Sự đối mặt giữa bản năng vô thức và ý thức diễn ra quyết liệt, gay gắt càng bộc lộ chiều sâu tâm lý nhân vật. Cuối cùng, trong cuộc đấu tranh này, bản năng vô thức đã đánh gục con người ý thức trong Kafka. Kết thúc tác phẩm Kafka bên bờ biển, dù tìm ra được hòn đá thiêng đậy cửa hang - nơi lưu giữ những bí mật - nhưng Nakata chết, còn Kafka trở thành “một bộ phận của một thế giới mới toanh”. Tiếng nói từ bên trong thông qua nhân vật Quạ (bản ngã thứ hai của Kafka) đã đối lập con người bản năng và con người ý thức trong Kafka.

Trong nhân vật Miss Saeki cũng xuất hiện cái tôi đa ngã, nhưng cách biểu hiện và hành động lại không giống như Kafka. Ở Saeki, cái tôi quá khứ tuổi thanh xuân đối lập cái tôi hiện tại ngoài ngũ tuần, cái tôi già nua với cái tôi trẻ trung nhiều đêm đến với Kafka. Chính Kafka đã yêu cái tôi tuổi mười lăm hiện hữu trong thân xác Saeki. Sống trong hiện tại, nhưng Saeki thường hoài niệm về thời quá khứ của tuổi thanh xuân gắn với bức chân dung, bức tranh vẽ Kafka và những bản âm nhạc.

Những nhân vật Okada, Kano Kreta (Biên niên ký chim vặn dây cót) cũng có nhiều cái tôi. Nếu ở Okada có sự đối lập giữa con người thực tại - con người khi ở dưới giếng; với Kano Kreta là cái tôi nhân văn, khoan dung - cái tôi vô cảm, thì con người hai mặt của Naboru lại được che đậy dưới một bộ mặt “bóng bẩy”. Con người trên thực tế của Okada đối mặt với gia đình, công việc rất căng thẳng, mệt mỏi, còn khi ở giếng anh ta đã lột xác phiêu diêu khắp nơi để tìm vợ và con mèo bị mất. Mượn bóng tối (giếng) để đấu tranh giành lại sự sinh tồn cho mình và mọi người là sức mạnh bản năng của Okada mà trên thực tế anh ta không làm được, thậm chí bất lực. Cái giếng, những giấc mơ như là những chi tiết nghệ thuật mang tính biểu tượng và ẩn dụ của tác giả. Nhà văn cũng chỉ ra một Akasaka Quế, thực tế là một chàng trai thông minh, đẹp trai nhưng mang hình bóng của cậu bé đã mất đi giọng nói từ khi lên sáu. Tiếng nói của Quế mãi mãi đi vào quá khứ gắn với lịch sử đầy đau thương, biến động của dân tộc đã hằn sâu vào ký ức của cậu. Ở đây, thông điệp mà nhà văn muốn nói qua nhân vật: con người dù có hoàn hảo, trọn vẹn đến đâu cũng không tránh khỏi những khiếm khuyết, thiếu hụt và trên đời mọi cái chỉ là tương đối.

Trong Người tình Sputnhik, nhân vật Miu và Sumire xuất hiện với nhiều cái tôi khác nhau. Là một người thông minh, thành đạt trong việc kinh doanh, có chồng, nhưng ngược lại, Miu không hạnh phúc và lãnh cảm với tình dục. Do một biến cố trong cuộc đời mà Miu trở thành con người hai mặt. Đó là một Miu trẻ trung, tràn đầy sức sống, đam mê âm nhạc và một Miu già nua, xơ cứng về tâm hồn, mất hết niềm tin vào cuộc sống. Xây dựng loại nhân vật có cái tôi đa ngã, nhà văn H.Murakami muốn qua đó nhấn mạnh và khai thác bản năng con người, đào sâu hơn thế giới nội tâm nhân vật.

Sáng tạo và thưởng thức tác phẩm văn học nghệ thuật là một hoạt động tinh thần mang tính thẩm mỹ cao. Là một văn bản nghệ thuật, tác phẩm văn học được nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau, mang lại những giá trị đa chiều. Đào sâu vào tầng vô thức của nhân vật, H.Murakami đã sáng tạo nên những nhân vật có cá tính, mang tính khái quát. Vì thế, tác phẩm của ông tuy “khó đọc”, nhưng những vấn đề được đặt ra luôn có giá trị, vượt không gian đến với hàng triệu người đọc trên thế giới.

H.V. L
(SHSDB40/03-2021)

----------------------
1. H.Murakami (2006), Biên niên ký chim vặn dây cót, Nxb. Hội Nhà văn, HN.
2. S.Freud (2002), Phân tâm học nhập môn, Nxb. ĐHQG Hà Nội.

 


 

Các bài mới
Cỏ xót xa tôi (21/05/2021)
Dưới hiên mưa (17/05/2021)
Các bài đã đăng
Xuân An Lạc (12/04/2021)