Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.3-21)
'Tham đồ hiển quyết' - hiển lộ miền chân như
15:00 | 27/05/2021

TRẦN THỊ NHƯ NGỌC  

Viên Chiếu thiền sư không những là bậc chân tu, còn có tài văn chương xuất chúng. Tất cả những tác phẩm ngài trước tác và để lại cho đến nay chỉ còn Tham đồ hiển quyết, đó là kết tinh từ những hương thơm cỏ lạ, khoe sắc giữa vườn văn học thiền tông Việt Nam.

'Tham đồ hiển quyết' - hiển lộ miền chân như
Ảnh: tư liệu

Theo Thiền uyển tập anh, thiền sư Viên Chiếu (999 - 1091), chùa Cát Tường, kinh đô Thăng Long. Sư họ Mai, tên Trực, người Long Đàm, Phúc Đường. Là con người anh bà Thái hậu Linh Cảm nhà Lý. Từ nhỏ đã thông minh hiếu học. Sư xuất gia và thọ giáo với thiền sư Định Hương núi Ba Tiêu. Sư rất tinh thông pháp Tam quán trong kinh Viên Giác, thâm đắc ngôn ngữ tam muội, thuyết giảng lưu loát, người đến học rất đông1. Như vậy, thiền sư Viên Chiếu không những là vị cao tăng đắc đạo của nhà Lý mà còn là tác gia văn học nổi tiếng. Những tác phẩm của sư gồm có Dược Sư thập nhị nguyện văn, Tán Viên Giác kinh, Thập nhị Bồ Tát hạnh tu chứng đạo tràng và Tham đồ hiển quyết. Trong đó Tham đồ hiển quyết là tác phẩm duy nhất còn bảo tồn cho đến ngày nay, được viết theo thể thoại đầu thiền ngữ. Nội dung rất phong phú liên quan đến các vấn đề tu hành của người học đạo giải thoát giác ngộ, trong đó “kiến tánh thành Phật” dưới tài năng văn chương sâu sắc, thiền sư lý giải bằng hình ảnh đậm chất thi ca nhưng vô cùng thâm thúy.

Tông chỉ của thiền tông là “trực chỉ chân tâm, kiến tánh thành Phật”, như vậy mục đích của thiền tông là kiến tánh. Kiến tánh là điều kiện cần thiết để thành Phật. Đây là một đường tu tập với tâm lực cực mạnh, rất ít người có đủ căn cơ để chỉ thẳng vào tâm thật của mình, thấy được bản tánh tinh tuyền của mình để thành Phật. Vấn đề kiến tánh được người học trò tham vấn thiền sư Viên Chiếu như sau. Vị tăng hỏi: “Thấy được bản tính thì thành Phật, ý nghĩa câu đó như thế nào?”. Sư đáp:

枯木逢春花竟发。
风吹千里馥神香。

“Khô mộc phùng xuân hoa cạnh phát
Phong xuy thiên lý phức thần hương”.


(Hoa rợp cành khô lúc tiết xuân
Gió đưa nghìn dặm nức hương thần)2

Người học trò hỏi về ý nghĩa của kiến tánh thành Phật nhưng thiền sư lại trả lời bằng hai câu thơ giàu hình ảnh sinh động tuyệt mỹ. Nếu chỉ lãnh hội bằng tư duy thông thường sẽ thấy câu trả lời không ăn nhập với câu hỏi, và không hiểu được ý nghĩa sâu sắc mà thiền sư muốn truyền tải. Vì thế cho nên “Đọc thơ thiền không phải chỉ đọc những gì ở ý nghĩa của ngôn ngữ thông thường mà là lĩnh hội trực tiếp thông điệp bằng cách lấy tâm hội tâm, không thông qua tư duy logic lý tính. Chỉ có như vậy mới có thể đọc được cách nói nghịch lý khác thường, phi logic, không thể thấy được trong cuộc sống”3.

Ở đây, thiền sư dùng hình ảnh nghịch lý thiên nhiên, cành khô nở hoa khi gặp tiết xuân, theo lẽ thông thường tự nhiên cành khô thì dù thời tiết nào cũng không thể trổ hoa. Đó là hiện tượng trái quy luật tự nhiên nhằm gây sự tò mò tột độ, chất xúc tác cực mạnh kích thích sự tư duy “giống như luồng nội lực đả thông kinh mạch, khai nguồn cho dòng thác trí tuệ vụt lên”4.

Cành khô dụ cho người mê, bị phiền não chi phối, vô minh vọng tưởng khởi lên chưa nhận ra đâu là tánh chân thật sáng suốt, đâu là Phật tính ẩn bên trong con người của mình. Một cành khô khi gặp thời tiết thuận lợi của mùa xuân, cũng có thể đâm chồi nảy lộc dâng tặng cho đời muôn vàn nụ hoa đủ màu sắc. Thế thì sâu tận bên trong cành khô đó vẫn còn có mầm sống le lói, chính vì vậy khi hội tụ đủ nhân duyên mầm sống phát triển hiện hữu trên cõi đời. Như vậy, dù là kẻ mê, kẻ đang bị ràng buộc bởi vô minh phiền não thì bên trong mỗi con người ấy vẫn tồn tại Phật tánh thanh tịnh, điều quan trọng là chúng ta có tự mình nổ lực tu tập để nhận ra tánh giác nơi chính mình. Tánh giác này hiện diện trong mỗi chúng ta dù cho có nhận ra được hay không.

Người học trò vẫn chưa lĩnh hội được nên thiền sư mượn hình ảnh cây cà xanh tốt rợp trời mây để kiến giải về kiến tính thành Phật.

万年茄子树。
苍翠耸云端。

“Vạn niên già tử thụ
Thương thúy tủng vân đoan”.


(Cây cà vạn năm nay
Xanh tốt rợp trời mây)5

Cây cà là hình ảnh rất gần gũi với người dân, trồng nhiều trong vườn nên chúng ta thấy nó rất bình thường. Một cây cà rất đỗi bình thường xanh tốt rợp đến tận trời mây cần phải trải qua vạn năm, cũng vậy con đường thấy được tánh sáng suốt tròn đầy có những thử thách diệu dụng phi thường. Chúng ta khi nhận biết được tánh sáng suốt hiện diện thì khi đó muôn vàn hạt giống thiện lành cùng phát triển như cây cà xanh tốt đến tận mây xanh. Như vậy, Phật tánh vốn tiềm ẩn trong chúng sanh, như cây khô khi gặp điều kiện thuận lợi thì mới đâm chồi nở hoa hương thơm ngàn dặm. Hay như cây cà vốn thấp, nếu hội đủ điều kiện thì cũng có thể phát triển xanh tốt tận mây xanh.

Người học trò lại hỏi: “Ma Ni cùng mọi sắc màu, khác nhau không khác, gần nhau chẳng gần”. Sư đáp:

春花与蝴蝶。
几恋几相违。

Xuân hoa dữ hồ điệp
Cơ luyến cơ tương vi”.


(Hãy xem bướm dỡn hoa xuân
Mấy phần quyến luyến mấy phần lìa xa?)6

Ma ni là viên ngọc quý giá trong suốt, không có màu sắc, sở dĩ ma ni có màu sắc là do các vật phản chiếu vào mà ma ni mang màu sắc của vật đó. Mượn tính chất này của ngọc ma ni, người học trò muốn nói đến Phật tánh sáng suốt, tịch tĩnh bên trong của mỗi người khi tiếp xúc với vô vàn cám dỗ của trần tục, Phật tánh ấy có bị ô nhiễm hay không? Viên Chiếu trả lời qua hình ảnh tuyệt mỹ của mùa xuân, có hoa có bướm bay lượn, cho người đọc cảm nhận một bức tranh thật sống động của cuộc sống xung quanh. Càng đọc ta càng cảm nhận như thiền sư dẫn dắt người đọc nhởn nhơ trong khu vườn đầy thơ mộng, có bướm có hoa, có tất cả hình ảnh đẹp nhất của trần gian.


Ở đây, chúng ta thấy được mối liên hệ giữa hoa xuân và bướm. Hoa nhờ có bướm mới thêm sinh động, bướm lại hút nhụy hoa, đây được xem là mối quan hệ hỗ trợ qua lại với nhau. Ngọc ma ni vốn không màu ví như tâm thể thanh tịnh trong sáng của mỗi chúng sanh, khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần, duyên theo cảnh trần vì thế mới hội đủ màu sắc. Bằng con mắt trần tục của chúng ta quan sát, thấy muôn màu muôn vẻ nhưng bản chất bên trong là thuần khiết không màu. Mọi sự vật hiện tượng trên vũ trụ này, đều được nhìn dưới con mắt duyên sinh vô ngã. Đến hoặc đi đều do nhân duyên, như bướm đến bay lượn bên hoa cỏ mùa xuân, hút nhụy xong rồi lại bay đi. Mỗi hành giả thấy tánh sáng suốt tịch tĩnh ấy, tùy theo nhân duyên mà biểu hiện khác nhau, có lúc gắn bó lúc rời xa.

Đến đây người học trò có vẻ chưa hiểu hết lời thiền sư, lại nêu thắc mắc: “Thế nào là theo người khác mà hỗn tạp?”. Sư đáp bằng câu thơ:

不是胡僧眼。
徒劳逞辩珠。

“Bất thị Hồ tăng nhãn
Đồ lao sính biện châu”.


(Không phải mắt nhà sư Tây Trúc
Hoài công phân biệt ngọc mà thôi)7

Có lẽ dưới con mắt của người chưa ngộ đạo, chưa nhìn thấy bản tánh thanh tịnh bên trong con người chính mình nên mới có cái nhìn hỗn tạp. Ma ni vốn trong suốt không màu nhưng lại phản ánh đủ loại màu sắc bên ngoài, chẳng phải trở thành hỗn tạp đủ sắc màu hay sao? Như vậy thì đâu phải kiến tánh thanh tịnh nữa? Viên Chiếu dạy rằng, nếu không phải là các nhà sư Tây Trúc thì không thể phân biệt được đâu là ngọc quý. Hồ Tăng ở đây “có lẽ nhằm chỉ các vị sư người Tây vực đã đến nước ta, như Cưu Ma La Thập, Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Bồ Đề Đạt Ma v.v… Khi Đạt Ma đến Trung Quốc, người Trung Hoa cũng gọi ông là Hồ tử. Tây Trúc hay Thiên Trúc là tên gọi nước Ấn Độ thời cổ, là nơi phát tích của Phật8. Như vậy, nhà sư Tây Trúc theo thiền sư Viên Chiếu là những bậc đã giác ngộ.

Theo ý của thiền sư, nếu không phải con mắt của chư Tổ ngộ đạo thì không thể nhận ra hạt châu quý. Tức là thấy bản tánh sáng suốt của tâm. Đối với người chưa ngộ đạo, chưa am hiểu Phật pháp thì việc phân biệt Phật tánh thanh tịnh hay hỗn tạp chỉ uổng công vô ích mà thôi. Cái thấy của người phàm phu còn lăng xăng trong những vọng kiến, rong ruổi chạy theo cảnh trần quên ngày tháng trôi qua rất nhanh. Không thấy sự vô thường sanh diệt trong từng sát na, lấy sự muôn màu của cuộc sống cho là thật nên không nhận ra ngay trong con người huyễn hóa này, tồn tại bản tánh thanh tịnh chân như đang hiện hữu. Người mê thì không nhìn thấy hạt ngọc trong suốt ở nơi mình, điều này khác với người đã giác ngộ được tự tánh thanh tịnh hằng hữu, thanh tịnh không xen tạp bất cứ một màu sắc nào.

Câu chuyện tiếp tục với câu hỏi của người học trò: “Thế nào là mọi người mình gặp đều là Bồ đề?”. Thiền sư Viên Chiếu trả lời:

几惊曲木鸟。
頻吹冷虀人。

“Kỷ kinh khúc mộc điểu
Tần xuy lãnh tê nhân”.


(Từng phen chim sợ cây cong
Từng phen rau nguội ra công thổi hoài)9

Câu hỏi người học trò tương tự trong Cảnh Đức truyền đăng lục: “Tăng hỏi: Thế nào đâu đâu cũng là Bồ Đề? Sư nói: Xà-lê mất đi nữa năm lương”10. Thiền sư dùng hai tích chuyện về chim sợ cây cong và thổi rau nguội để trả lời cho người học trò. Câu chuyện chim sợ cây cong xuất phát từ “câu thành ngữ (Thương cung chi điểu, kiến khúc mộc chi cao phi), nghĩa là chim đã bị cung bắn hễ thấy cây cong thì bay cao”11. Câu chuyện thổi rau nguội do câu thành ngữ (Trừng canh xuy tê); nghĩa là sợ canh thổi dưa. Người ăn canh nóng bị bỏng nên sau thấy dưa nguội cũng thổi”12.

Ngài dùng hai câu chuyện trên để nói lên ý nghĩa của việc thấy mọi người đều là bồ đề, phải chăng đây là cái nhìn của người giác. Người giác thì nhìn đâu cũng là bồ đề thanh tịnh, như chim đã bị bắn thấy cây cong cũng tưởng là cung, như người ăn canh nóng thấy rau nguội cũng thổi. Lời dạy của thiền sư, người học trò vẫn chưa rõ nên xin thầy chỉ giáo lại, Ngài đáp:

聋人听琴响。
盲者望蟾蜍。

“Củng nhân thính cầm hưởng
Manh giả vọng thiềm trừ”.


(Kẻ điếc nghe đàn cầm
Anh mù ngắm trăng rằm)13

Ngôn ngữ của thiền thoại đầu thật sự gây khó hiểu cho người sơ cơ, để hiểu trọn vẹn hết ý nghĩa khó như mò kim đáy bể, người học trò chưa thể hội cũng là điều dễ hiểu.

Có thể thấy, lối dùng nghịch ngữ phi logic xuyên suốt toàn bộ tác phẩm như hai hình ảnh kẻ điếc nghe đàn cầm và anh mù ngắm trăng. Theo lẽ thường người điếc không thể nghe và người mù không thể ngắm trăng. Cũng có thể xem đây như lời quở trách của thiền sư đối với người học trò đang tham vấn. Bằng tất cả tâm huyết, thiền sư khai mở tâm trí cho người học trò thấy được bản thể, bản tánh chân thật bên trong con người chính mình mà vẫn chưa thể lãnh hội được ý chỉ của thiền sư, chẳng khác nào như người điếc và anh người mù kia.

Cuộc sống hiện thực đang phải đối mặt với rất nhiều nỗi khổ niềm đau, chúng ta tìm lối thoát hay tự trói buộc mình trong vòng luẩn quẩn luân hồi sanh tử đều do chúng ta quyết định. Có quá nhiều con đường dẫn đến bờ vực khổ đau nhưng con đường đi đến bến bờ giải thoát niết bàn chỉ có một, đó chính là trở về với con đường kiến tánh thanh tịnh chính mình. Lục Tổ đã ngộ rằng: “Đâu ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh, đâu ngờ tự tánh vốn chẳng sanh diệt, đâu ngờ tánh mình xưa nay vốn tự đầy đủ”14. Như vậy, tất cả chúng sanh đều có hạt giống Phật, nhưng để làm cho hạt giống ấy hiển lộ và tăng trưởng kết thành quả Phật là một quá trình tu tập thực hành thiền định. Tu hành theo đúng tinh thần của thiền tông, con đường kiến tánh chắc chắn đưa hành giả đi đến giác ngộ và giải thoát ngay trong đời sống trần tục này.

T.T.N.N  
(SHSDB40/03-2021)

----------------
1. Ngô Đức Thọ - Nguyễn Thúy Nga (dịch và chú giải) (2014), Thiền uyển tập anh, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr 48.
2. Viện Văn học (1977), Thơ Văn Lý - Trần, tập 1, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr 285.
3. Thích Hạnh Tuệ (2019), Văn học Phật giáo Việt Nam một hướng tiếp cận, Nxb. Khoa học Xã hội, tr 40.
4. Thích Hạnh Tuệ (2019), Văn học Phật giáo Việt Nam một hướng tiếp cận, Nxb. Khoa học Xã hội, tr 39.
5. Viện Văn học (1977), Thơ Văn Lý - Trần, tập 1, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr 285.
6. Viện Văn học (1977), Thơ Văn Lý - Trần, tập 1, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr 286.
7. Viện Văn học (1977), Thơ Văn Lý - Trần, tập 1, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr 286.
8. Viện Văn học (1977), Thơ Văn Lý - Trần, tập 1, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr 292.
9. Viện Văn học (1977), Thơ Văn Lý - Trần, tập 1, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr 286.
10. Đạo Nguyên Tổ Sư soạn, Lý Việt Dũng (dịch) (2013), Cảnh Đức truyền đăng lục, tập 2, Nxb. Hồng Đức, tr 779.
11. Viện Văn học (1977), Thơ Văn Lý - Trần, tập 1, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr 292.
12. Viện Văn học (1977), Thơ Văn Lý - Trần, tập 1, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr 292.
13. Viện Văn học (1977), Thơ Văn Lý - Trần, tập 1, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr 286.
14. Thích Duy Lực (lược giảng) (1992), Kinh Pháp Bảo Đàn, Từ Ân Thiền Đường ấn hành, Santa Ana, tr 9.  


Tài liệu tham khảo:

1. Ngô Đức Thọ - Nguyễn Thúy Nga (dịch và chú giải) (2014), Thiền uyển tập anh, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội.
2. Viện Văn học (1977), Thơ Văn Lý - Trần, tập 1, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
3. Thích Hạnh Tuệ (2019), Văn học Phật giáo Việt Nam một hướng tiếp cận, Nxb. Khoa học Xã hội.
4. Đạo Nguyên Tổ Sư soạn, Lý Việt Dũng (dịch) (2013), Cảnh Đức truyền đăng lục, tập 2, Nxb. Hồng Đức.
5. Thích Duy Lực (lược giảng) (1992), Kinh Pháp Bảo Đàn, Từ Ân Thiền Đường ấn hành, Santa Ana.  



 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Cỏ xót xa tôi (21/05/2021)
Dưới hiên mưa (17/05/2021)