Tạp chí Sông Hương - Số 386 (T.04-21)
Tác phẩm mới tháng 04/2021
15:16 | 06/05/2021


TÁC PHẨM TRONG NĂM 2020, Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế, Nxb. Thuận Hóa, năm 2020.

Tác phẩm mới tháng 04/2021

Ấn phẩm tập hợp các sáng tác trong năm của các hội viên Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế trên các thể loại như thơ, truyện ngắn, nghiên cứu…, thể hiện sự lao động nghệ thuật của những người cầm bút. Người đọc có cơ hội điểm lại những vấn đề trong năm 2020 trên quê hương Thừa Thiên Huế qua góc nhìn văn chương như đợt thiên tai mưa bão cuối năm, những điểm sáng của quá trình xây dựng, phát triển tỉnh nhà; ký ức về các địa danh trong tỉnh và cả những trải nghiệm xuyên thời gian, trở về quá khứ lịch sử hào hùng của vùng đất, con người xứ Huế từ những xa xưa mở đất, trải qua chiến tranh và đi lên trong thời đại mới. Nhiều tác giả đã có những thể nghiệm tìm tòi trong bút pháp, những sáng tạo về mặt ngôn ngữ, kết cấu… góp phần tạo dựng diện mạo văn học Thừa Thiên Huế luôn khởi sắc, lan tỏa.


PHONG HÓA THỜI HIỆN ĐẠI (Nghiên cứu), Nhiều tác giả, Nxb. Hội Nhà văn và Công ty sách Tao Đàn, 2020.

Với sự tham gia của các nhà nghiên cứu văn học Đoàn Ánh Dương, Phùng Kiên, Nguyễn Mạnh Tiến, Mai Anh Tuấn, Martina Thucnhi Nguyễn, công trình là một tổng thuật nghiên cứu có chiều sâu về Tự Lực văn đoàn trên các lĩnh vực văn chương, báo chí và các hoạt động xã hội. Từ đó, định vị vai trò và vị trí của Tự Lực văn đoàn trong dòng văn học sử cũng như những tác động lâu dài về mặt nhận thức tích cực và những ảnh hưởng về sự sáng tạo, ngôn ngữ, dấu ấn văn hóa, văn chương. Người đọc có thể hiểu thêm về văn chương và kiến tạo xã hội, quan điểm thẩm mỹ mới, những vấn đề cơ hữu giữa văn chương và luật pháp hay địa hạt văn chương với xã hội nông thôn… đã được các nhà nghiên cứu tìm tòi, luận giải.  


QUÁ TRÌNH XÁC LẬP CHỦ QUYỀN CỦA NHÀ NƯỚC VIỆT NAM TẠI QUẦN ĐẢO HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA (Nghiên cứu), Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế, Nxb. Hà Nội, năm 2020.

Công trình tập hợp 22 bài viết về vấn đề biển đảo, việc xác lập chủ quyền của Việt Nam qua các thời kỳ tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Với tinh thần trách nhiệm, làm việc công phu, nghiêm túc, các nhà nghiên cứu lịch sử thuộc Hội Khoa học lịch sử tỉnh nhà đã đưa ra nhiều vấn đề có tính cấp thiết, nội dung khoa học sâu sắc, cung cấp các chứng cứ xác thực và quá trình khai phá, quản lý, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo qua nhiều thời kỳ lịch sử. Các vấn đề nổi bật như xác lập chủ quyền thời chúa Nguyễn, Tây Sơn, nhà Nguyễn; các hoạt động cứu hộ, cứu nạn tại hai quần đảo; việc công nhận chủ quyền của Việt Nam qua một số sách từ điển, bách khoa toàn thư quốc tế; hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên, thực thi chủ quyền biển đảo; các hoạt động bảo vệ chủ quyền đầu thế kỷ XX… Bên cạnh đó, nhiều bài viết đề cao vai trò của một số nhân vật lịch sử, những đóng góp quan trọng, thiết thực của nhà nước Việt Nam, các văn bản pháp luật khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam.  

(TCSH386/04-2021)


 

 

Các bài mới
Trôi đi (11/06/2021)
Trở về ký ức (08/06/2021)
Ca Huế tri âm (11/05/2021)
Các bài đã đăng
Cô gái Huế (29/04/2021)