TRẦN VĂN DŨNG
1. Lời dẫn
Tộc Phạm Đăng ở giồng Sơn Quy, thôn Tân Niên Đông, huyện Kiến Hòa, trấn Định Tường (nay thuộc xã Long Hưng, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang) là một trong những cự tộc có đóng góp vai trò và công lao lớn cho quá trình xây dựng và phát triển sự nghiệp của triều đại chúa Nguyễn và vua Nguyễn. Công nghiệp phò tá đầy huân lao của dòng họ Phạm Đăng đã được tưởng thưởng vinh danh và khắc ghi vào quốc sử triều Nguyễn. Một trong những danh thần nổi bật của tộc Phạm Đăng được sử sách ghi chép chính là Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng (1764 - 1825)1. Ông không chỉ nổi tiếng về văn võ song toàn, làm quan trải qua hai triều vua Gia Long, vua Minh Mạng, dần nắm giữ nhiều chức vụ cao trong triều đình, được nhân dân mến mộ thương yêu, mà còn góp công sức, tâm huyết vào quá trình xác lập và thực thi chủ quyền biển đảo đất nước.
Ngay từ khi lên ngôi (1802), vua Gia Long đã tích cực tiếp nối truyền thống từ thời các chúa Nguyễn xây dựng lực lượng thủy quân vững mạnh, để có thể bảo vệ được vững chắc chủ quyền lãnh thổ trên các vùng biển đảo của Việt Nam. Đồng thời, vua Gia Long cũng thực thi các chính sách khai thác kinh tế vùng biển, đặc biệt là ngành vận tải biển. Những hoạt động này góp phần củng cố tiềm lực quốc gia, xác lập những nền tảng quan trọng để phát triển đất nước hùng cường. Với tài năng, đức độ, am tường sông biển, có tài về thủy chiến, Phạm Đăng Hưng đã được vua Gia Long lựa chọn để bổ nhiệm chức cai quản việc Trường Đà 長舵 (Trường Đà sự)2 trong vòng 8 năm (1805 - 1813). Đây là đơn vị đảm nhiệm vai trò quản lý, sai phái các đội thủy quân như Kỵ Hải, Mã Hải, Hoàng Sa, Bắc Hải... cũng như điều hành hoạt động vận tải đường biển.
Cổng đền thờ Đức Quốc công - Ảnh tác giả chụp năm 2020 |
2. Vai trò và đóng góp của Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng với công vụ xác lập và thực thi chủ quyền biển đảo
Con đường quan nghiệp của Phạm Đăng Hưng thăng tiến dần theo sự nỗ lực của bản thân ông qua từng nhiệm vụ được giao. Tại Gia Định, Phạm Đăng Hưng thi đỗ Tam trường vào năm 1796, chuẩn bị thi Tứ trường thì đột nhiên bị bệnh nên phải trở về quê an dưỡng. Nhưng vì ông nổi tiếng là người có văn tài và hiền đức nên được bổ làm Phủ lễ sinh, sung vào viện Cống sĩ thời chúa Nguyễn Ánh. Sau ông được thăng làm Tham luận ở Vệ Phấn Võ. Năm 1799, Phạm Đăng Hưng làm Tham tri bộ Lại. Với tài năng xuất chúng, “ông thường theo vua đi đánh dẹp, tham bàn mưu chước, vua ngày càng yêu quý chú ý lắm”3. Vì vậy, Phạm Đăng Hưng là một trong những vị danh tướng đóng góp tài năng, công sức cho công cuộc khôi phục trung hưng của Nguyễn Ánh. Năm 1802, sau khi lên ngôi, Nguyễn Ánh đã thâu tóm giang sơn về một mối, lập nên vương triều Nguyễn, lấy niên hiệu là Gia Long. Các chính sách phát triển thủy quân và khai thác kinh tế vùng biển được vua Gia Long đặc biệt quan tâm. Điều này xuất phát từ đặc điểm địa hình đất nước ta có đường biển dài, lại ở vào vị trí quan yếu trên con đường hàng hải quốc tế. Các hoạt động này không những góp phần phục vụ tốt cho mục tiêu khẳng định việc thực thi chủ quyền liên tục và hướng đến đảm bảo an ninh - quốc phòng cho các vùng biển đảo mà còn mang lại nguồn thu cho quốc gia. Vì vậy, vua Gia Long đã ban hành nhiều chỉ dụ khẳng định tầm quan trọng của tuyến giao thông đường biển huyết mạch có ý nghĩa chiến lược. Nếu tận dụng được lợi thế về con đường giao thông cửa biển, việc kết nối Kinh đô với các địa phương sẽ trở nên thuận tiện hơn rất nhiều. Các chuyến vận tải biển vừa mang lại nguồn thu cho quốc gia, thúc đẩy việc chuyên chở quân lương, nhu yếu phẩm và làm giảm bớt những rủi ro cũng như sức ép khi vận tải bằng đường bộ, đặc biệt cũng vừa xác lập, thực thi chủ quyền vùng biển đảo của Tổ quốc. Với trọng trách này, năm Ất Sửu niên hiệu Gia Long thứ 4 (1805), nhà vua đã giao cho “Phạm Đăng Hưng kiêm giữ việc Trường Đà”4 để quản lý, sai phái một số đội thủy quân như Kỵ Hải, Mã Hải, Hoàng Sa, Bắc Hải... cũng như điều hành quản lý hoạt động vận tải đường biển. Các hoạt động vận tải biển chủ yếu là lương thực, các khoản tiền thuế và quân nhu cho quân đội… Không phụ lòng mong đợi của vua Gia Long, Phạm Đăng Hưng đã hoàn thành xuất sắc chức trách của mình. Sách Đại Nam liệt truyện chính biên cho biết, “khi ấy, thiên hạ mới định, việc chuyên chở ở miền Nam, miền Bắc, chính là quan chẩn, ông [Phạm Đăng Hưng] để ý xếp đặt đều ổn thỏa, của dùng trong nước đầy đủ thừa thãi”5.
Việc đánh giá đúng vị thế của biển và xây dựng một lực lượng thủy quân đủ mạnh để bảo vệ, kiểm soát vùng biển đảo là mối quan tâm thường xuyên của vua Gia Long. Vì vậy, Phạm Đăng Hưng đã tuân theo lệnh vua Gia Long tiến hành sắp xếp tổ chức biên chế lại các đội Trường Đà để sẵn sàng thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao. Sách Đại Nam liệt truyện chính biên có đoạn chép vào năm 1805, vua Gia Long “hạ lệnh cho từ Quảng Bình vào Nam đến Bình Thuận đều ghi số thuyền số người các đội Trường Đà để tâu lên. (Quân Trường Đà trước có các đội công sai là Kỵ Hải, Mã Hải, Sa Huỳnh [Hoàng Sa], Bắc Hải, Long Yên, Trường Thọ, Đại Lê, lấy dân ở ven biển sung vào, Quảng Bình 10 xã thôn phường Cừ Hà, Lý Hòa, Thuận Cô, Cảnh Dương, Lộc Điền, Chỉ Giáp, An Náu nam biên và An Náu bắc biên, Nội Hà, Để Võng, có 183 chiếc thuyền, 1.427 người, từ Quảng Trị vào Nam đến Bình Thuận, có 327 chiếc thuyền, 1.604 người)”6. Theo sử sách triều Nguyễn ghi chép, thuyền Trường Đà được đóng bằng gỗ kiền kiền, đặc điểm trên gác sàn chiến đấu, hai bên dựng phên tre che thủy binh ở dưới để cho chuyên sức mà chèo, còn trên thì bày bộ binh để xung trận mà đánh. Do đó đi đường biển thuận lợi mà nghề thủy quân sở trường càng tinh thêm. Từ đó, làm tăng cường khả năng chiến đấu và thực thi chủ quyền trên vùng biển đảo của thủy quân triều Nguyễn.
Vào năm Đinh Mão, Gia Long năm thứ 6 (1807), Phạm Đăng Hưng đã chủ trì việc biên soạn Điều lệ thuyền vận tải, trong đó có quy định lệ trọng tải như sau: “Các hạng thuyền Trường Đà và thuyền công tư, bề ngang từ 7 thước đến 7 thước 5 tấc, lệ chở lương công 450 phương; từ 7 thước 6 tấc đến 7 thước 9 tấc, chở 550 phương; 8 thước đến 8 thước 5 tấc, chở 650 hương; từ 8 thước 6 tấc đến 8 thước 9 tấc, chở 750 phương; 9 thước đến 9 thước 5 tấc, chở 850 phương; 9 thước 6 tấc đến 9 thước 9 tấc, chở 1.000 phương; từ 10 thước đến 10 thước 5 tấc chở 1.200 phương; 10 thước 6 tấc đến 10 thước 9 tấc, chở 1.400 phương; 11 thước đến 11 thước 5 tấc chở 1.600 phương; 11 thước 6 tấc đến 11 thước 9 tấc, chở 1.800 phương; 12 thước đến 12 thước 5 tấc chở 2.000 phương; 12 thước 6 tấc đến 12 thước 9 tấc, chở 2.200 phương; 13 thước đến 13 thước 5 tấc chở 2.400 phương; 13 thước 6 tấc đến 13 thước 9 tấc, chở 2.600 phương; 14 thước đến 14 thước 5 tấc chở 2.800 phương; 14 thước 6 tấc đến 14 thước 9 tấc, chở 3.100 phương; 15 thước đến 15 thước 5 tấc chở 3.400 phương; 15 thước 6 tấc đến 15 thước 9 tấc, chở 3.700 phương…”7. Sau khi những điều lệ này được ban hành, thực thi một cách nghiêm túc đã tạo ra sự thống nhất và đảm bảo an toàn cho các hạng thuyền Trường Đà và thuyền công tư tham gia hoạt động vận tải đường biển. Bên cạnh đó, Phạm Đăng Hưng cũng đã tiến hành kiểm kê, phân loại các loại ghe thuyền tham gia hoạt động vận tải trên biển tại các dinh trấn trong cả nước để thuận lợi trong việc quản lý điều hành và thu thuế. Sách Đại Nam liệt truyện chính biên chép vào tháng 12 năm Mậu Thìn, Gia Long năm thứ 7 (1808), “Tham tri Lại bộ kiêm quản Trường Đà là Phạm Đăng Hưng dâng sổ hội kê về các hạng thuyền ghe năm nay của các dinh trấn (Thuyền 3.460 chiếc, được ơn miễn thuế 78 chiếc, ứng việc vận tải 425 chiếc, được miễn vận tải 2.957 chiếc. Tiền nộp thay vận tải và tiền thuế bến hơn 17.700 quan. Từ nay lấy việc dâng sổ hội kê làm thường lệ)”8.
Toàn cảnh đền thờ Đức Quốc công - Ảnh tác giả chụp năm 2020 |
Phạm Đăng Hưng quản việc Trường Đà đến năm 1813 và đã có vai trò, đóng góp quan trọng cho sự phát triển lớn mạnh của cơ quan này cũng như mang lại sự sung túc ấm no cho các hộ thuyền đi biển. Văn bia dựng tại đền thờ Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng đã cho biết: “Đầu niên hiệu Gia Long, thiên hạ thái bình. Đất nước nhiều nơi phường phố, kinh kỳ muôn vạn nhân dân, bắc nam chuyên chở, đường biển khó khăn. Khi ông vâng mệnh coi giữ việc Trường Đà, phàm thời hạn đi về, lệ thường lui tới, chuẩn mực chở chuyên, ông tính toán thi hành thảy đều thỏa đáng. Hàng năm cất gạo tiền sản vật, mỗi thứ đến vài mươi vạn, cung cấp đầy đủ mà các hộ thuyền cũng vui vẻ làm ăn…”9. Trong thời gian 8 năm điều hành quản lý công việc tại Trường Đà, Phạm Đăng Hưng cũng đã góp phần xây dựng hùng mạnh các đội thủy binh như Kỵ Hải, Mã Hải, Hoàng Sa, Bắc Hải... phụ trách công tác xác lập và thực thi chủ quyền biển đảo của đất nước. Đây chính là cơ sở quan trọng để vào năm 1815, Phạm Quang Ảnh là Cai đội đã chỉ huy các thủy thủ của đội Hoàng Sa lần đầu tiên tiến hành việc thăm dò đường biển từ Quảng Ngãi ra đến quần đảo Hoàng Sa. Ngay năm sau 1816, vua Gia Long đã cho kết hợp giữa lực lượng thủy quân Nhà nước với đội dân binh địa phương Quảng Ngãi (đội Hoàng Sa) để làm nhiệm vụ thẩm tra, xem xét, đo đạc hải trình mà trước đó, đội Hoàng Sa đã thực hiện. Sách Đại Nam liệt truyện chính biên có chép vào năm Gia Long thứ 15 (1816) nhà vua “sai thủy quân và đội Hoàng Sa đi thuyền ra Hoàng Sa để thăm dò đường thủy”10. Điều này minh chứng một sự chuyển biến quan trọng về nhận thức của vua Gia Long, từ việc kế nghiệp tiền nhân khai thác Hoàng Sa, Trường Sa một cách tự nhiên, tiến đến việc công khai xác lập chủ quyền tại Hoàng Sa, tạo điều kiện cho các triều vua Nguyễn kế vị tiếp theo thúc đẩy mạnh mẽ việc kiểm soát và thực thi chủ quyền đối với quần đảo này và những vùng biển đảo khác của Việt Nam.
Năm 1813, Phạm Đăng Hưng được thăng chức Thượng thư Bộ Lễ, sau đó kiêm quản Khâm Thiên Giám (1815). Năm 1819, khi vua Gia Long bị bệnh nặng, ông vâng mệnh phụng thảo di chiếu và cùng với Lê Văn Duyệt thực hiện di chiếu, lập hoàng tử Nguyễn Phúc Đảm lên ngôi, lấy niên hiệu là Minh Mạng. Năm 1821, ông được sung làm Phó tổng tài của Quốc Sử Quán. Nhưng do bị gièm pha, ông bị giáng hai cấp. Đến năm 1824, ông được phục chức, làm Thượng thư Bộ Lễ như trước. Mùa hạ năm 1825, vua Minh Mạng đi tuần ngự Quảng Nam, giao quyền cai quản Kinh thành Huế cho ông. Tháng 5 năm đó, ông bị bệnh mất tại Huế, hưởng thọ 61 tuổi. Sau khi nghe tin Phạm Đăng Hưng qua đời, vua Minh Mạng tiếc thương, truy tặng hàm Hiệp biện Đại học sĩ và ban cho tiền bạc để tổ chức nghi lễ an táng trang trọng. Sách Đại Nam liệt truyện chính biên có đoạn chép vua Minh Mạng đã ban dụ: “Đăng Hưng là đại thần già cả, trung thành văn nhã, vua rất tin dùng. Đến nay chết, tặng Hiệp biện Đại học sĩ, cho thụy là Trung Nhã; lại cho 500 quan tiền, 3 cây gấm Tống, 10 tấm lụa”11. Linh cữu của ông được đưa về an táng tại quê nhà.
Năm 1849, ông được vua Tự Đức truy thăng hàm Vinh Lộc đại phu Thái bảo, Cần chánh Điện đại học sĩ, tước Đức Quốc công và được thờ ở miếu Trung Hưng Công Thần, tên được ghi ở đền Hiền Lương. Vợ ông được phong là Đức Quốc nhất phẩm phu nhân, thụy Đoan Từ. Ngoài ra, nhà vua còn cho xây dựng đền thờ tại xã Kim Long ở phía tây Kinh thành Huế và gia tặng cho các đời trước. Ngày kỵ của Đức Quốc công, vua Tự Đức rước Thái hoàng Thái hậu Từ Dũ đến đền thờ làm lễ cúng tế rất long trọng. Sử triều Nguyễn có chép: “Nay lễ tấn tôn đã xong, ra ơn cho họ ngoại cho nên gia tặng hàm Đặc tiến Vinh lộc đại phu, Cần Chính điện Đại học sĩ phong là Đức Quốc công, vẫn tên thuỵ là Trung Nhã. Chính thất họ Phạm Văn, phong là Đức Quốc nhất phẩm phu nhân, tên thuỵ là Đoan Từ. Dựng đền thờ ở xã Kim Long”12.
Đền thờ Đức Quốc công (còn gọi là Ngoại Từ đường) được xây dựng tại Kinh đô Huế13. Đền xây dựng vào năm 1849, nằm quay mặt về phía dòng sông Hương (tọa lạc tại địa chỉ số 6 Kim Long, phường Kim Long, thành phố Huế). Hiện nay, tuy không gian cảnh quan kiến trúc đền thờ đã bị biến đổi, nhưng thần thái của đền thờ cơ bản vẫn được giữ nguyên, trong đó phải kể đến không gian thờ tự với nhiều hiện vật vô cùng quý giá. Cổng vào đền thờ xây dựng theo kiểu tam quan - môn lâu bề thế và được trang trí rất công phu. Đến trước cổng, nhìn lên vọng lâu trên cổng thấy năm chữ lớn: “Đức Đức Quốc Công Từ Môn” (德 國公祠門). Cách cổng đền khoảng 42m, trên sân gạch có một tấm bia lớn bằng đá thanh. Bia cao 2,34m (không kể phần bệ bia) rộng 1,3m, dày 20cm; trán bia chạm hình “lưỡng long triều nhật” và thân bia chạm hoa lá cách điệu; bề mặt khắc bài văn chữ Hán do Hiệp biện Đại học sĩ lãnh Lễ bộ Thượng thư Phan Thanh Giản và Hình bộ Thượng thư Trương Quốc Dụng soạn thảo vào năm Tự Đức thứ 10 (1858) nhằm ca ngợi công đức của Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng. Bài văn bia này khắc theo ý chỉ của Thái hoàng Thái hậu Từ Dũ vào ngày 16 tháng 11 năm Thành Thái thứ 3 (tức ngày 16/12/1891). Ngoài ra, ở bên tả hữu khuôn viên đền thờ còn có ngôi miếu nhỏ thờ Thổ thần và bà chúa Nguyễn Phúc Uyên Ý (mất khi còn nhỏ tuổi) do Thái hoàng Thái hậu Từ Dũ lập ra.
Công trình kiến trúc chính của đền thờ Đức Quốc công là ngôi nhà rường có tiền đường 5 gian, chính đường 3 gian dài 19,7m, rộng 18,3m được làm theo kiểu kiến trúc “trùng thiềm điệp ốc” điển hình của cung điện triều Nguyễn. Trong điện, ở gian giữa chính đường đặt án thờ ông bà Phạm Đăng Khoa, Phạm Đăng Tiên, Phạm Đăng Dinh, Phạm Đăng Long (gian thờ này trước đây thờ ở Tích Thiện Từ nhưng nay đã bị sập đổ); phía trên có treo bức hoành phi sơn son thếp vàng đề dòng chữ: “Đức Quốc Công Từ” (德國公祠), dòng chữ bên phải: “Sắc chế” (敕製), dòng bên trái: “Tự Đức nhị niên lục nguyệt cát nhật tạo” (嗣德二年六 月吉日造) - Tạo dựng vào ngày tốt, tháng 6 năm Tự Đức thứ 2 - 1849. Từ ngoài nhìn vào, phía bên phải có án thờ ngài Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng và phu nhân, bên trái có án thờ Hội đồng Phạm Đăng tộc. Nội thất đền thờ còn lưu giữ nhiều cổ vật rất có giá trị như: lỗ bộ, câu đối, hoành phi, hương án, chuông, trống… Năm 1857, vua Tự Đức còn cho dựng một ngôi nhà rường ở phía sau đền thờ để làm nơi nghỉ ngơi của Thái hậu Từ Dũ mỗi khi đến hành lễ tại Ngoại Từ đường. Hiện nay, đền thờ Đức Quốc công do con cháu họ Phạm Đăng chăm sóc và giữ gìn cẩn thận, thủ từ là cụ Phạm Đăng Thiêm (sinh năm 1942).
Nội thất đền thờ Đức Quốc công - Ảnh tác giả chụp năm 2020 |
3. Thay lời kết
Điểm lại cuộc đời và hành trạng của Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng, cho thấy ông là người có tính cương trực, đức độ, khiêm tốn, được nhà vua khen ngợi và xứng đáng nhận lời ca ngợi khắc ghi trên bia đá dựng ở đền thờ. Và, dẫu ở cương vị nào, ông cũng dốc hết sức để cố gắng nỗ lực đem lại những điều tốt đẹp cho dân cho nước. Vua Minh Mạng rất khâm phục tài đức của Phạm Đăng Hưng nên đã kết thành thông gia hai lần với ông: gả Quy Đức công chúa cho Phạm Đăng Thuật (con trai Phạm Đăng Hưng) và phong tước Phò mã đô úy; cho Hoàng Trưởng tử Nguyễn Phúc Miên Tông (vua Thiệu Trị) kết duyên với con gái Phạm Đăng Hưng là Phạm Thị Hằng (bà Từ Dũ). Như vậy, xét về quan hệ trong gia đình, Phạm Đăng Hưng là thông gia với vua Minh Mạng, cha vợ của vua Thiệu Trị, cha chồng của Quy Đức công chúa, ông ngoại của vua Tự Đức. Do đó, dòng dõi Phạm Đăng được xếp vào hàng Thích lý, tức bên ngoại hoàng gia triều Nguyễn. Từ đó mà khu lăng mộ và nhà thờ họ Phạm Đăng ở đất Gò Công có danh xưng là khu lăng Hoàng gia.
Xuyên suốt sự nghiệp quan trường, ông đã đảm nhiệm nhiều chức vụ cao cấp trong triều ngoài trấn, đặc biệt là tuy không trực tiếp đi cùng thủy quân ra quần đảo Hoàng Sa thực thi chủ quyền nhưng ông đã từng có một thời gian khá dài quản lý, sai phái các đội thủy quân như Kỵ Hải, Mã Hải, Hoàng Sa, Bắc Hải... cũng như điều hành hoạt động vận tải đường biển nhằm góp phần quan trọng vào công việc xác lập và thực thi chủ quyền biển đảo. Điều này đã tạo tiền đề quan trọng để vua Gia Long phái quân ra quần đảo Hoàng Sa nhằm thực hiện nhiệm vụ thẩm tra, xem xét, đo đạc hải trình vào năm 1815, 1816. Hiện nay, các sự kiện lịch sử này đã trở thành chứng cứ quý báu chứng minh chủ quyền pháp lý của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, bác bỏ những luận điệu xuyên tạc lịch sử, những yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc đối với 2 quần đảo này. Đồng thời, giúp bạn bè quốc tế, trong đó có người dân Trung Quốc hiểu được sự thật lịch sử, hiểu được ý chí, nguyện vọng chính đáng của nhân dân Việt Nam trong việc bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Từ nghiên cứu vai trò và đóng góp của Phạm Đăng Hưng trong việc xác lập và thực thi chủ quyền biển đảo cho thấy các hoạt động bảo vệ chủ quyền của vua Gia Long đã được thực thi trên nhiều lĩnh vực khác nhau bao gồm các hoạt động xây dựng và phát triển hải quân, tăng cường an ninh phòng thủ cửa biển, chú trọng đóng tàu thuyền, vận tải đường biển… Những hoạt động này, đều nằm trong chiến lược khẳng định và thực thi chủ quyền hợp pháp của Việt Nam trên các vùng biển đảo. Những nỗ lực bảo vệ an ninh lãnh thổ đã cho thấy nhận thức đúng đắn và tâm thế chủ động của vua Gia Long trong suốt những năm ông cầm quyền và điều hành đất nước. Cũng từ thời vua Gia Long mà sự gắn bó với biển đảo đã bắt đầu được thể hiện rõ nét với những cơ sở quan trọng là tiền đề cho những hậu duệ của vua Gia Long kế tục, bổ sung và hoàn thiện.
Cùng với Quần thể di tích Cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1993, đền thờ Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng là một phức hệ quan trọng trong hệ thống đền miếu thuộc hoàng gia triều Nguyễn; đó chính là quỹ kiến trúc quý giá để chúng ta nghiên cứu khảo sát và hiểu rõ thêm về các giá trị độc đáo của di sản Huế nói chung và kiến trúc cung đình triều Nguyễn nói riêng.
T.V.D
(TCSH387/05-2021)
---------------------------
1. Phạm Đăng Hưng (范登興) có tự Hiệt Củ. Ông là con của ông Phạm Đăng Long và bà Phạm Thị Tánh.
2. Đến năm 1822, Trường Đà sự đổi tên thành Tào Chính sự.
3. Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam liệt truyện, tập 2, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr. 96.
4. Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 1, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr. 264.
5. Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam liệt truyện, Sđd, tập 2, tr. 96.
6. Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 1, Sđd, tr. 634.
7. Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 1, Sđd, tr. 709.
8. Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 1, Sđd, tr. 742.
9. Lê Nguyễn Lưu (2002), “Văn bia mộ Đức Quốc Công” in trong tuyển tập Những bài nghiên cứu về triều Nguyễn, Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường Thừa Thiên Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế xuất bản, tr. 631.
10. Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 1, Sđd, tr. 922.
11. Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 2, Sđd, tr. 444 - 445.
12. Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 7, Sđd, tr. 130.
13. Ngoài ra hiện nay còn có đền thờ và lăng mộ Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng, thường được gọi là lăng Hoàng gia, tọa lạc tại giồng Sơn Quy (nay là ấp Lăng Hoàng gia, xã Long Hưng, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang).