Tạp chí Sông Hương - Số 387 (T.05-21)
Kỳ ảo trong truyện đương đại
16:05 | 11/06/2021


LÊ TỪ HIỂN

Kỳ ảo trong truyện đương đại
Ảnh: tư liệu

1. Vốn có cội nguồn sâu xa từ văn học dân gian nhưng cái kỳ ảo - văn học kỳ ảo chỉ thực sự ra đời từ đầu thế kỷ XIX, cái mốc ở tập truyện ngắn kỳ ảo của Hoffman. Sang thế kỷ XX, khái niệm Fantastic được mở rộng. Nó chẳng những gợi lên những gì từ thế giới bên kia, những cái siêu phàm… mà gọi lên những gì trái ngược với kinh nghiệm và với các nguyên tắc lý tính, những gì đưa lại một trật tự mới, một kích thước mới. “Cái kỳ ảo do vậy, gắn liền với khó khăn cá nhân, với sự lo âu, sợ hãi trước kẻ xa lạ”.

Vai trò của cái kỳ ảo được hình thành và gia tăng, tiếp biến qua những mốc phát triển của tiến trình văn học Việt Nam. Văn xuôi trung đại với Truyền kỳ mạn lục (Nguyễn Dữ) đầy những phương thức mộng ảo, những vụ án truyền kỳ, quan hệ thực - ảo, tình yêu người - ma… Cái kỳ ảo trong văn xuôi hiện đại với Vàng và máu, Trại Bồ Tùng Linh (Thế Lữ), Yêu ngôn (Nguyễn Tuân), Truyện đường rừng (Lan Khai)… Và sự trở lại của cái kỳ ảo tạo nên dòng chảy trong văn xuôi đương đại với Truyện không nên đọc lúc giao thừa, Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường)… Và các tác giả tiêu biểu như Nguyễn Huy Thiệp, Hồ Anh Thái, Nguyễn Bình Phương… Lối viết của những nhà văn này, kể từ cuối thập niên 1980 đã cho thấy có sự khác lạ với chính họ trước đó và với cả những nhà văn cùng thời. Nó khẳng nhận sự tồn tại, xác lập vai trò, chức năng nghệ thuật của cái kỳ ảo trong văn học đương đại, tạo sức hút đam mê ở độc giả. Khởi xướng trường phái tu từ học tiểu thuyết, W.Booth cho rằng mọi cách thức, thủ pháp kỹ thuật trong truyện kể chỉ hướng đến mục đích duy nhất là tạo ra sức hấp dẫn ma thuật cho truyện kể từ năng lực của người cầm bút. Từ cấu trúc văn bản nội tại mở ra ngoại vi trong tương quan với các phương diện xã hội, lịch sử, ngữ cảnh đặc thù… chuyển truyện kể vào không gian văn hóa theo phương pháp tiếp cận liên ngành và sức quyến rũ ma thuật của truyện kể sẽ biến hóa đa dạng trong các “chân trời đón nhận” khác nhau tùy lúc, kích thích nhiều diễn giải khác nhau như một hằng số.

Văn học đương đại toát ra ấn tượng đặc biệt đầy sức ám ảnh kỳ lạ, đa nghĩa mơ hồ, những cảm thức lạ lùng đa chiều kích về đời sống. Yếu tố kỳ ảo được gia tăng góp phần hình thành đặc điểm của hư cấu nghệ thuật. Việc nghiên cứu cái kỳ ảo như một bình diện nghiên cứu văn học ở Việt Nam mới thực sự nổi lên từ sau năm 2000. Có thể kể đến những công trình tiêu biểu: Văn học kỳ ảo nhìn từ hệ hình thế giới quan (La Khắc Hòa), Cái kỳ ảo như một hiện tượng văn hóa (Lê Nguyên Cẩn)… Cái kỳ ảo và vai trò nghệ thuật của nó trong Văn học Việt Nam qua cái nhìn tổng quan trong bài viết Vai trò của cái kỳ ảo trong truyện và tiểu thuyết Việt Nam (Đặng Anh Đào). Nội hàm khái niệm này được tổng kết dưới góc độ thể loại văn học kỳ ảo như một quy ước đã được chấp nhận với hai tiền đề cơ bản: Yếu tố siêu nhiên - Một phản ứng lưỡng lự giữa cái thực và cái huyễn hoặc của nhân vật và độc giả. Yếu tố kỳ ảo được gia tăng một cách dụng ý/ vô ý và mang hàm nghĩa rộng hơn trong văn đương đại, cái ảo không đối lập với cái thực mà cả hai đều là những biểu hiện khác nhau của hiện thực theo dụng ý sáng tạo và hiệu quả tiếp nhận. Yếu tố kỳ ảo là một thủ pháp được sản sinh bằng trí tưởng tượng, khả năng suy tưởng, liên tưởng, kết nối thực và ảo, có và không, trống và đầy… trong mạch ngầm những ám ảnh sợ hãi với cái siêu nhiên, hình tượng ma quái, không - thời gian, hai cõi âm - trần đồng hiện đa chiều… Những yếu tố con người không thể cắt nghĩa, giải thích bằng lý trí thông thường, bằng cách này cách khác… mà thông qua trạng thái cuộc sống - chiều sâu tâm hồn chỉ có thể cảm nhận bằng văn hóa tâm linh - phạm trù triết mỹ.

2. Trong sự dần hình thành một thế giới quan mới, yếu tố kỳ ảo trong văn xuôi đương đại thể hiện sự đổi mới quan niệm nghệ thuật, con người tâm linh trong thế giới đa chiều, sự hữu hình hóa cái ác, giấc mơ về giá trị chân thiện mỹ, cảm hứng triết mỹ nhận thức lại thực tại. Nguyễn Huy Thiệp được xem là nhà văn sử dụng yếu tố kỳ ảo sớm nhất giai đoạn sau Đổi mới, trộn nên mạch hồn Liêu trai phương Đông và kinh dị phương Tây trong giọng văn kiêu bạc mà trữ tình, thế sự - đời tư mà triết lý. Sự thể hiện yếu tố kỳ ảo trong tác phẩm bắt nguồn từ những tiền đề xã hội, bị chi phối bởi bầu tâm lý xã hội đương thời. Kinh tế bao cấp đầy trì trệ dẫn đến khủng hoảng; quan liêu gia cố dẫn đến khủng hoảng niềm tin, tư tưởng, nhân cách; mâu thuẫn xã hội lên cao, mạng người như cỏ rác dẫn đến xao động nhân tâm. Đó là nỗi đau thực tại trong sư tử già - cô độc… làm nên những tín hiệu kỳ ảo nhấp nháy trong chiều sâu mạch ngầm truyện Nguyễn Huy Thiệp. Những chi tiết kinh dị đầy ấn tượng hãi hùng thể hiện đầy ám ảnh sự tha hóa, xuống cấp của nhân cách con người. Chảy đi sông ơi… ấy là lẽ tự nhiên, là ý nguyện tốt lành sự sống… Nhưng cũng khổ thay trong sự quẩn quanh, sông qua làng thường chảy chậm… nói chi dòng sông đời người. Chi tiết khi lửa bốc cao thì ở trong quán có con chuột to bằng bắp chân người phóng thẳng ra ngoài cứ cười hềnh hệch… thể hiện sự khủng khiếp của lão trùm Thịnh. Cún - biểu tượng cho những nhân cách chưa được thành người ám ảnh người đọc bởi hình hài mềm oặt, dị dạng lại kết hợp với một khuôn mặt đẹp lạ lùng và đôi mắt biết nói…

Có truyện đậm đặc màu sắc siêu nhiên như Những ngọn gió Hua Tát với kiểu tọa độ không - thời gian siêu thực phủ bọc trong bầu không khí huyền thoại nhưng không xuất hiện trạng thái bất ổn, gay cấn. Đây là yếu tố kỳ ảo truyền thống được tái sinh tái hiện với chi tiết hoang đường phóng đại qua việc sử dụng giọng kể nhại cổ tích đã thấp thoáng nét hiện đại được xem như một phương thức xây dựng huyền thoại mới trên cơ sở hóa giải huyền thoại cũ. Ngẫu nhiên, ngẫu nhiên và ngẫu nhiên… trong sự chuyển hóa những mặt đối lập: họa - phúc, may - rủi, hạnh phúc - đau khổ… đa diện, đa trị hóa. Nàng Bua trở thành người giàu nhất bản, nhất Mường… từ sau khi ngẫu nhiên đào được một chum đầy vàng bạc. Nàng trở thành người đàn bà hạnh phúc khi lấy một người thợ săn hiền lành góa bụa và không con cái. Nhưng sự giàu có ấy đã không mang lại cho nàng hạnh phúc trọn vẹn. Nàng đã chết khi trở dạ đẻ giữa đống chăn mềm ấm áp. Huyền thoại hóa các quan hệ đời sống, làm lung linh bức tranh nghệ thuật. Nhân vật Hàm cùng em trai bày mưu kế, giành quyền lực… đẩy vợ - bà Son - đến chỗ uất ức tự tử. Đêm đêm, ông Hàm thường thấy bà về nhà như có ánh sáng rọi vào những vùng u tối của tâm can lão (Mảnh đất lắm người nhiều ma - Nguyễn Khắc Trường). Huyền thoại được khai thác nhằm biểu đạt những hiện tượng lạ lùng, kỳ quái, thực hư… trong cuộc sống, trong nhận thức, hay ít nhất trong mê cung tự lánh mình của chính nhà văn.

Kỳ ảo gắn liền với nghệ thuật lạ hóa làm nhân vật biến dạng, dị dạng. Trong Kiếm sắc, Đặng Phú Lâm bị chém đầu, máu phun ra không đỏ mà trắng phau như nhựa cây, một lúc sau thì bết lại. Trong Phẩm tiết, yếu tố kỳ ảo được sử dụng nhằm thiêng hóa nhân vật trong cuộc sống với tất cả tính tương đối của nó. Vẻ đẹp tuyệt đối mang dáng dấp thần kỳ của Vinh Hoa được tô đậm bằng chi tiết: khi sinh ra nàng, trên nóc nhà có đám mây ngũ sắc bay đến tỏa ánh sáng rực rỡ, khắp nơi hương thơm ngào ngạt. Ký ức hiện hữu. Cái đẹp tái sinh tái tạo. Anh hùng và giai nhân… Ngón tay Vinh Hoa khi chạm vào mắt Nguyễn Huệ, trên ngón tay hiện lên một vết chàm. Cảnh bốc mộ Vinh Hoa gây ấn tượng cùng những suy nghĩ gợi mở: biết hay không biết chỉ là những ước lệ mơ hồ có tính lịch sử. Bản chất cái ảo như bầu không khí chủ đạo trong thế giới nghệ thuật của Nguyễn Bình Phương gắn liền với Quái biến hóa phong phú, như những điềm linh, điềm triệu trong Những đứa trẻ chết già; dị thường, đẹp man rợ, mang khoái lạc trong Thoạt kỳ thủy. Chính vì vậy, xét trên bình diện thẩm mỹ - thể loại tiểu thuyết thời đổi mới thể hiện lối tư duy đa nghiệm về con người, về số phận cá nhân, mang tính cách phong phú trên nhiều phương diện, sắc thái, cung bậc… Một thế hệ nhân vật mới trong văn xuôi đương đại mang tính cách đa dạng hơn, cả bản thể tâm linh tình dục không còn là “miền đất cấm” vốn được miêu tả rụt rè, khô cứng, lấy có… mà được tạo dựng thành những tính cách đa dạng theo chiều sâu.

Thiện - Ác như hai giọt nước nhiều khi nằm bên nhau, hòa vào nhau… khó lòng phân biệt. Trong thế giới đa chiều, rất thực mà bí ẩn tâm linh, yếu tố kỳ ảo còn là sự hữu hình hóa cái ác và giấc mơ về những giá trị chân thiện mỹ. Cứu tinh (Hồ Anh Thái) nói về sự tàn nhẫn vô lương. Nạn dịch, Muối của rừng, Chiếc tù và bị bỏ quên (Nguyễn Huy Thiệp) trong không gian tâm trạng với những con người tâm linh dằn vặt, đổ vỡ. Như vậy trong xu hướng nghiêng về cảm hứng khai thác, khám phá mặt trái đời sống, vẫn ánh lên cái nhìn bao dung, độ lượng, le lói niềm tin bất diệt vào bản tính tốt đẹp của con người. Tiệc xòe vui là khẳng nhận, ngợi ca lòng trung thực - thiện tính đáng quý và khó kiếm nhất, hơn cả sự dũng cảm, khôn ngoan và giàu có của người đời. “Tuổi trẻ là gì? Một giấc mơ. Tình yêu là gì? Nội dung của giấc mơ đó” (Soren Kierkegaard).

Ảo - thực trộn lẫn hàm chứa tính triết mỹ của nghệ thuật, tính tương đối của cuộc đời. Hai dạng: cái ảo cô đọng triết lý (nhà Phật) và cái ảo có tính nghịch dị góp phần làm nên đặc trưng trang văn Hồ Anh Thái - “người mê chơi cấu trúc” (Nguyễn Đăng Điệp). Rừng kim tước là khu rừng của những thiếu nữ chưa bao giờ được làm người. Những tập tục nặng nề dội lên đầu những người con gái như Nilam sự bất hạnh tận cùng, và chính nàng tận tay gieo những sự sống bất hạnh như mình xuống đất, như một lối thoát cuối cùng. Tiếng thở dài của những sinh linh đã hóa thân thành những cây Kim Tước hóa biểu tượng oan khuất người phụ nữ Ấn Độ ngàn đời gánh chịu và đồng vọng phương Đông (Tiếng thở dài qua rừng Kim Tước).

3. Thế giới ảo là một phần của sự sống. Nghệ thuật - văn học kỳ ảo là một kiểu sáng tạo, một phương thức tư duy hiện thực của người nghệ sỹ làm nên bức tranh vũ trụ siêu nhiên bí ẩn cứ như nó là. Đời sống, con người, văn học, thực ảo… mãi biến thiên với nhu cầu đào sâu tìm hiểu, giải phóng cái tôi cá nhân, tự do, giới tính, hiện sinh…

Trong tiến trình lịch sử văn học dân tộc, những nhà văn Đổi mới tiêu biểu có tầm cỡ khu vực và vươn ra thế giới như Nguyễn Huy Thiệp, Hồ Anh Thái, Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Bình Phương… với những tác phẩm phong phú, tiềm tàng, đa trị, đa phong cách… làm nên ý nghĩa phục hưng. Trong đó có sự trở về, sống lại yếu tố kỳ ảo góp phần làm nên cái nhìn đa chiều - đa trị thân phận con người, con người cá nhân, nỗi đau, bi kịch đời thường, vẻ đẹp, khát khao trần thế - tục lụy - tâm linh, giá trị nhân bản. Đề tài chiến tranh vẫn được tiếp nối, khai thác nhưng có sự đổi mới ở cách viết, cách nhìn nhận số phận con người ở nhiều chiều cảm xúc. Truyện của Nguyễn Huy Thiệp đầy ma lực là sự phóng chiếu giữa quá khứ và hiện tại, giữa dòng tâm tưởng và nhân vật rất thật trong đời sống khi đạo đức suy đồi - số phận người cô đơn lạc lõng giữa thường ngày. Tướng về hưu là câu chuyện về thế sự - đời tư nhẹ nhàng mà thâm thúy với sự chuyển hóa điểm nhìn linh hoạt đem đến những chiều kích mới của hiện thực cuộc sống và con người mang quan niệm đa trị hóa cái nhìn về cuộc đời trong văn chương. Cái nhìn của thế hệ đại diện cho những giá trị cũ như ông tướng Thuấn mang kiểu cô đơn của người bước ra từ cuộc chiến… cứ như lạc loài… mãi ôm nỗi đau đớn về thể xác và tâm hồn gặm nhấm nốt quãng đời cô độc còn lại. Cái nhìn nông cạn hời hợt đậm tính thực dụng của cô dâu Liên… Ăn là trên hết. Cái nhìn bất lực của người con trai. Cái nhìn trẻ thơ hồn nhiên đầy ám ảnh của hai cô cháu gái… Người con dâu ông tướng đi mua vải liệm vào đúng lúc người mẹ chồng đang ốm bỗng ngồi dậy dạo chơi và ăn được cơm… sau đó lăn ra chết. Ấy là trạng thái đáng ngại, âu lo, ranh giới mập mờ giữa cái kinh dị và cái thực trong cái chẳng siêu nhiên mà đầy cái bất thường trong Tướng về hưu gợi lên bao ám ảnh vừa huyễn hoặc vừa rất thực ngay trong cuộc sống hôm nay. Viết rạch ròi trần trụi mà người đọc phải chau mày… Liệu lương tri con người có cứu rỗi được sự tha hóa, bần cùng của cuộc sống thực dụng mà con người khôn ngoan - lì lợm lâu ngày đã mất hết cảm giác yêu thương. Ngoài trời lại có trời. Trong người thực và ảo. Việc của tôi, của người, của trời…

Cái kỳ ảo là một hình thái nhận thức thẩm mỹ đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới sáng tác và nghiên cứu văn học thế giới. Xu hướng ảo hóa như một hướng tìm một hiện tượng điều chỉnh để tìm thứ cân bằng trong cảm hứng sáng tạo của nghệ sỹ và cảm thụ nghệ thuật của công chúng. Trong bối cảnh văn hóa toàn cầu, sự trở lại với cái kỳ ảo ở Việt Nam có ít nhiều đứt đoạn, chậm hơn… nhưng vẫn có được thành tựu và ý nghĩa trong cuộc sống đời thường, dân chủ hóa, đa diện đa điểm đa chiều tạo tính mơ hồ, lưỡng trị. Mỗi thời đại thường có một hệ hình thế giới quan tạo nên loại hình lịch sử của văn học kỳ ảo. Liệu trong tính dự báo, triển vọng… kỳ ảo có góp phần làm nên những đỉnh cao về giá trị tư tưởng nghệ thuật, đạt tính đa văn hóa như cây cầu nối những giá trị nhân văn qua mọi không - thời gian.

L.T.H
(TCSH387/05-2021)  



 

 

Các bài mới
Kịch câm (15/06/2021)
Các bài đã đăng