Tạp chí Sông Hương - Số 387 (T.05-21)
Kịch câm
09:09 | 15/06/2021

CÁT LÂM    

1. Tôi bắt đầu không còn sợ bóng tối nữa, nhất định là không. Khi nỗi buồn dâng lên đến ngộp thở thì bóng đêm chính là nơi nương náu cuối cùng. Điều ấy luôn đúng với tôi, một cô bé chẳng thể đi đâu nếu không có sự giúp đỡ của người khác.

Kịch câm
Minh họa: Nguyễn Thiện Đức

Tôi như những chú kiến lửa, chủ động hơn mỗi lần cơn bão tới và những chiếc râu như có siêu năng lực, thêm phần nhạy cảm trước mỗi lần có biến. Tôi không còn thói quen huyên thuyên với mẹ tới cả nửa ngày về những điều mình yêu thích nữa. Khoảng lặng cứ thế mở rộng mà chẳng có một quy ước hay dấu hiệu chấm dứt. Tôi nằm khô như trái cóc qua mùa, quắt queo, teo tóp. Thức ăn của hôm qua vét voi ăn tạm, chờ đến chiều về, mẹ sẽ cho ăn món mới. Miếng cơm đưa lên miệng đã bốc mùi thiu.

Vết khắc ghi không phải để sân hận mà để nhắc nhớ, mình phải cố lên từng ngày. Trách ai bây giờ? Nếu không tự lo được cho bản thân thì cũng đừng nên than trách. Thế sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều khi cuộc đời cứ trôi đi.

Mẹ ngồi búi tóc bên thềm sau một đêm dài mất ngủ. Ánh mắt mỏi mòn của những ngóng trông bố đi lao động nước ngoài suốt những tháng ngày dài giờ lại chất chồng thêm niềm thất vọng sau hơn hai mươi năm bố mới trở về lại đem theo người đàn bà biên giới. Bọng mắt sưng lên muốn ngốn cả con mắt như muốn lòa đi với cuộc đời.

Tiếng hắng thật to và uy lực phát ra từ cổng, đã cũ mèm nhưng mẹ vẫn chưa thể quen khiến bà giật mình. Đó là tiếng hắng của bố trở về sau một đêm đi nhà nghỉ trên thị trấn. Chắc chắn là với người đàn bà ấy, không thể khác được, người đàn bà không quê không quán, không gốc gác và cửa nhà.

Tiếng hắng lần này có phần khác lạ, ngắn và vội để nhường chỗ cho tiếng cười đon đả của người đàn bà vùng biên.

Mẹ giật mình, hồn phách như lên mây, tựa như con chuột ngửi phải hơi mèo liền tìm đường chạy trốn. Mẹ đứng bật dậy cầm theo chiếc lược tiến vào trong nhà tìm đường tránh mặt. Khuôn mặt nửa vời sáng tối vẫn lồ lộ vẻ khắc khổ, đớn đau kìm nén.

Tôi quay mặt vào phía trong vờ như vẫn ngủ.

Bà đi thẳng tới bàn uống nước gian giữa, vơ vội âu trầu không ra chiều bực dọc. Nhưng bực thì có làm được gì. Lâu nay, chưa ai trong căn nhà này làm ngược được ý bố. Tiếng âu trầu bằng đồng gõ xuống bàn gỗ kêu queng queng như muốn vỡ làm trăm mảnh hòng cho người đàn bà kia biết. Có vẻ như cơn giận đang cao lắm. Có vẻ như cơn thịnh nộ không thể lường được. Có vẻ như một cuộc chiến sẽ nổ ra nếu cả ba giáp mặt.

Nhưng không, thị vẫn ung dung bước vào trong căn buồng vốn là của mẹ tôi.

Tôi quay lưng vào trùm chiếc chăn kín đầu, vờ như vẫn ngủ, nhưng thực tình quan sát được mọi sự xung quanh.

- Bà buồn cười, làm thế để ai xem.

- Có phải mù điếc cả đâu mà không xem được. Đứa nào cần xem thì phải xem. Dâu con nhà này chỉ có một.

- Nó đang mang thai, là con trai bà hiểu không, con trai chính cống đấy, bà còn muốn thế nào nữa?

- Trai thì sao, gái không phải là người à? Đời này, mày còn muốn mắc nợ với bao nhiêu người nữa hả con?

- Bà cứ nói nhiều, nói nữa tôi bỏ đi thì đừng có trách.

Những câu nói của bố luôn muốn dồn mọi người trong căn nhà này vào thế bí. Tâm lý sợ mất thằng con duy nhất đã làm thui chột mọi suy nghĩ chiến đấu của bà.

Mẹ từ trong buồng đi thẳng ra sân, mặt cắt không được giọt máu.

Kể người đàn bà nào dám về vùng đất hẻo lánh, xa xôi, nghèo nàn, chiêm trũng này để làm vợ hai của một kẻ vợ con còn sống sờ sờ cũng là cả một sự dũng cảm. Hoặc là sứt môi lồi rốn hoặc quá lứa nhỡ thì hoặc không cũng là hạng đĩ điếm hết thời.

Ở miền này, có lẽ chẳng còn ai tự tin vào thân phận, địa vị của mình đến quên cả suy nghĩ của người khác như người đàn bà kia.

Để rồi xem, còn chuyện gì không thể xảy ra trong căn nhà ba gian, hai chái này nữa không?

Tôi biết, ở một góc kín như bưng nào đó, mẹ ngồi thu gối hết cỡ, bó gối nhìn về hướng vô định.

2. Khoái cảm của một kẻ cô đơn quá lâu như tôi đôi khi chỉ là nhận được cái nhìn thân thiện của một ai đó. Nó khiến ta bâng khuâng đến khắc khoải, gắng mà sống tiếp. Nó là điểm tựa cứu cánh cho mọi thất vọng bủa vây.

Ngày… tháng… năm…


Người đàn bà với mái tóc buông dài cứ lẩn khuất đâu đó. Tôi chắc chắn, đó là một người đàn bà nhưng không phải là mẹ tôi, bởi ngoài việc không nhìn rõ khuôn mặt, thì cảm xúc của người đàn bà ấy tôi đều cảm nhận được. Cảm nhận rất rõ nét. Có khi len lỏi vào giấc mơ, chỉ nhìn tôi vẻ trầm buồn. Có điều gì đó khiến người đàn bà ấy không thể buông bỏ nên cứ phải vất vưởng đâu đó để dõi theo từng cái trở mình, từng nét buồn trên khuôn mặt tôi. Có những đêm tỉnh giấc, chợt như có ai vừa ngồi bên mình vuốt ve, dễ chịu và vui đến lạ. Xương khớp như có người vừa được xoa bóp, nhất là khi những cơn co giật vô cớ kéo đến giày vò tôi.

Cảm giác ấy mỗi ngày một hiển hiện, một rõ nét. Đã nhiều lần, tôi nhầm lẫn mà coi những cảm giác ấy như một phần của cuộc đời mình. Coi người phụ nữ kia như một thực thể, thích sống trong cảm giác ấy hơn thực tế trước mặt. Nhưng kỳ lạ thay, khi tôi càng cố ý đuổi bắt, người đàn bà ấy càng vụt mất. Những lúc tưởng như quên thật rồi, bà lại như hiển hiện ngay bên cạnh như là níu lại, như là nhắc nhớ.

Đôi lần, tôi mơ được vui vầy với người đàn bà ấy, để khi tỉnh dậy, cảm như, tinh khôi vừa mới đi qua. Tôi đã dặn mình là không được quên, nhưng đến cuối cùng, tôi chẳng thể nhớ nổi một điều gì. Cảm như, một kẻ cắp đã tới lấy đi tất cả chỉ trừ có dấu chân.

Người ta thường nói, lúc đầu óc không tỉnh táo, thường sẽ gặp người âm hay theo mình. Trong cơn đau của những trở trời trái gió, trong những lúc bị co gân đến co quắp cả cơ thể, tôi vẫn cố nhướn người quan sát, chỉ mong được một lần nhìn thấy khuôn mặt ấy. Nhưng tất cả những mong ngóng ấy đều thất bại. Người đàn bà ấy vẫn đến nhưng luôn đứng ở vị trí tôi không thể nhìn rõ khuôn mặt. Gần đó mà xa đó.

Giá người phụ nữ ấy có thể phát cho tôi một tín hiệu để biết bà muốn gì thì tốt biết mấy.

Phần nhiều, những điều tôi nghĩ, những thứ tôi làm vì sợ người phụ nữ ấy buồn hơn. Bởi tuồng như tất cả những việc tôi làm, những điều tôi nghĩ đều quyết định việc vui buồn của người đàn bà ấy. Bấu víu vào cảm giác ấy, đã có đôi lần, tôi mong được đi theo người đàn bà ấy hơn là nhìn tới thực tại.

3. Chu đã đứng nhìn tôi, rất lâu bên kia hàng rào phía sau cửa sổ ngay giường tôi nằm, điều ấy tôi chắc chắn. Chu đang quan tâm tôi bằng cách rất riêng của mình. Tôi hiểu được điều ấy. Nhưng sao Chu không chịu nói? Đêm qua, Chu đã tới và đắp chăn cho tôi, mùi bùn, mùi mô hôi ngai ngái còn vương ở đó, muốn nhầm còn khó.

Tất cả thành viên trong nhà tôi như ong vỡ tổ. Đời này kể cũng lạ. Chỉ vì một chút tự trọng không đâu, chỉ vì một chút “đời sau” chẳng thể nhìn thấy kết, mà sẵn sàng phụ bạc một người đã dành cả thanh xuân tảo tần, lo lắng cho gia đình mình.

Ngày tôi sinh, bố đang đi làm than ở tận Quảng Ninh, nghe tin là một quái thai, bố chỉ về qua nhà rồi lại đi thẳng cánh.

Khi bố chịu trở về là lúc bố mắc bệnh tiền đình, giời đất quay cuồng trong mắt. Bố phải nằm ngay đơ trên giường. Ăn cũng phải cần người bón. Lúc ấy, mẹ vừa chăm tôi, vừa chăm bố mà chẳng một lời oán than. Còn bố, hết chê sinh hoạt bất tiện đến tỏ ra khó chịu vì thấy cuộc sống ở phố vẫn hơn. Bố ngồi một chỗ chê mẹ hôi, tóc rối, chê bàn tay thô thiển, không biết làm việc gì.

Ấy thế mà mẹ vẫn cần mẫn, không nói lại một lời nào, không tỏ thái độ bất bình mà cứ lầm lũi ngược xuôi.

Một lòng bà chất đầy sự hoang hoải, mỗi người một phách, mặt ai cũng như đeo chì, chới với, vô phương. Trong căn nhà năm gian, bốn mặt người giáp nhau, chân tay cũng trở nên thừa thãi.

Mâm cơm mẹ bê ra, nguội lạnh từ bao giờ, thay bằng lời mời đon đả như những ngày thanh bình thì bà chỉ hắng giọng một cái thật to như một hiệu lệnh. Khô khốc. Mẹ nhanh nhảu, vơ vội cái bát, đơm lưng cơm rồi bê lên cho tôi ăn. Bố bước tới ngồi vào, tự cầm bát đơm lấy ít cơm qua loa rồi đứng dậy viện cớ đi chỗ khác. Khi thì bảo dở tay sửa cái quạt cho xong, lúc thì bảo trát lại cái bờ giếng cho khỏi rêu, cứ thế mâm cơm chỉ có mình bà ngồi. Không có một cuộc hội thoại nào diễn ra sau đó cả.

Cho tôi ăn xong, mẹ lại cắp nón đi mất đến cuối chiều, tuần tự như thế kể từ ngày bố về. Khi gượng ép lắm thì mẹ đơm một bát cơm rồi bê lên cho tôi ăn, bà quay vào bếp lấy cái muôi múc canh. Bố tôi quay đi lấy chai rượu trắng để dưới gầm giường và cái chén hạt mít, loay hoay mãi không thấy ra. Tiếng là ăn cùng mâm nhưng không bao giờ nhìn thẳng vào mặt nhau đến một lần.

Bố cầm chén rượu trên tay, mặt bần thần, toan tính.

Miếng cơm tôi đưa lên miệng mà như nuốt bồ hòn có gai. Úng giữa cổ, chẳng ra trôi, chẳng ra hóc.

Mẹ tôi bảo, ngày biết tôi không thể lành lặn như con người ta, sự chán chường cũng ngang ngửa thế này. Bố không nhìn mặt tôi lấy một lần. Câu chuyện nửa vời bao giờ cũng đứt đoạn vì những úng nghẹn. Lòng mẹ cứ nhão ra rõ rệt mỗi ngày. Có hôm để khỏi phải giáp mặt, mẹ kiếm cớ đi thông ngày mới chịu về. Cảm giác mình là người thừa trong căn nhà cứ lên lên trong tôi tuần tự.

4. Nếu đã muốn làm điều gì, đừng sợ những điều cấm cản. Ý đã quyết, lòng đã định, tôi sẽ là của riêng Chu. Sẽ có ngày, Chu là của riêng tôi.

Ngày bố đi cưới vợ mới là ngày mẹ đến tháng. Mẹ buông những tiếng rít dài nhưng nhẹ thôi, lẩn khuất cùng tiếng mọt gặm gỗ giường, lẫn vào tiếng hắng giọng, tiếng gõ âu trầu không của bà nhịp nhịp trong đêm. Rõ ràng đã chuẩn bị từ rất lâu trước đó nhưng mẹ vẫn khó giấu được nỗi buồn trên khuôn mặt. Hít một hơi thật sâu, rồi bật khỏi giường, búi tóc mớ ổi ai ai mùi khói rồi lao vào trong màn đêm còn trĩu hơi sương, chuẩn bị gà, xôi, chuẩn bị đồ để bố tôi đi hỏi vợ. Bóng mẹ lầm lũi, lẩn khuất, chập chờn trong bóng đêm giữa tiếng người ồn ã.

Tôi không mấy nặng lòng trong việc cưới vợ mới của bố. Bởi từ lâu, tôi đã biết đây là chuyện sớm muộn. Bởi có đám cưới hay không thì mẹ tôi cũng không thể sướng hơn, đã bao giờ mẹ tôi được sống theo ý thích của mình đâu, từ bát canh cũng phải nấu theo sở thích của ai đó chứ không phải của mẹ. Biết đâu, người đàn bà nào đó về nhà này, gánh nặng của mẹ sẽ được chia đôi?!

Mặt trời vừa lên, cỗ bàn xong xuôi cũng là lúc mẹ cun cút gói ghém túi quần áo đã chuẩn bị từ tối qua để trốn đi chỗ khác, như là bỏ đi. Bố bảo, thầy bói phán phải đón dâu như thế mới được tổ tiên chấp thuận, làm ăn mới thuận buồm. Tôi cố toài ra chiếc xe đẩy để nhìn theo dáng mẹ, người đàn bà chưa đầy ba chín cân liêu xiêu trong gió, đơn độc trên con đường đê tưởng như dài vô tận đi về phía chân trời. Nhân gian rộng lớn thế này, có chỗ nào để mẹ tôi đi không, người đàn bà chưa một lần bước chân ra khỏi lũy tre và chẳng có ý nghĩ nào khác ngoài thờ phụng nhà chồng. Nhìn mẹ đi mà lòng tôi như đã chết đôi phần.

Còn nhớ, ngày bố bắt mẹ đi khắp nơi cúng bái để cầu tự, mười năm ròng với mẹ như mười năm tù tội chốn dương gian. Không đẻ được con trai mẹ như mang trong mình một cái tội. Mẹ chịu tất cả những lời dèm pha mà chẳng nói được lời nào.

Có một lần, sau một ngày quỳ lạy vất vả, thầy bói lắc đầu, tại tin chưa sâu. Suốt dọc đường về, mẹ chịu đủ những lời đay nghiến. Về đến đầu làng, những lời chì chiết, rằng tại mẹ tôi tin chưa sâu nên không thể sinh con trai được. Câu nói của bà làm cả nhà ngao ngán. Nhưng nó giống như những nhát dao cùn cứa từng thớ thịt mẹ tôi.

Vừa về đến cổng, bố đã nhảy bổ vào mẹ mà đánh, mà đá, mà tát, mà xỉ vả. “Ăn gì mà ngu thế, mỗi việc tin thôi mà còn tin không sâu. Thấy chưa? Các ngài thấy hết rồi đấy…” như muốn đẩy mọi thứ tới tận cùng của bế tắc.

Trước đôi mắt hả hê, mẹ tôi nằm sấp dưới đất như con rệp, không kháng cự mà cũng chẳng xin tha. Nhìn dáng hình mỗi ngày một bé nhỏ tôi tự hỏi, không hiểu, mẹ có thể chất chứa những bất công đến bao giờ? Giàu mà làm gì, sang trọng mà làm gì? Thánh thần nào độ giúp mẹ tôi một lần thoát khỏi cảnh trần ai.

Người với người như những tảng băng trôi.

5. Tôi yêu Chu, yêu mùi mồ hôi còn vương trên vai áo, khen khét, đã qua ngày còn chưa kịp thay. Tôi yêu mùi ngai ngái tóc sương, tối ngày lặn lội, yêu cả mùi bùn còn đọng lại ở những kẽ ngón tay. Tôi cứ chờ mãi mà Chu không chịu nói. Còn điều gì ở Chu mà tôi còn chưa biết?

Tôi trốn đám cỗ của bố, oằn oài, bò ngược dốc lên bãi Mo Lang. Nơi đây đã từ rất lâu không ai dám đặt chân tới. Người ta bảo, ở đó có ma.

Nhiều năm nay, bãi Mo Lang ở làng tôi trở thành vùng đất cấm. Người làng bảo phải cao số lắm lên đó mới không bị ma đem khi đã đặt chân lên đất này. Từ lâu lắm rồi, ít ai đến đó mà đêm về ngủ ngon. Người bị nâng đầu, người bị gọi lúc nửa đêm rồi hoảng loạn, ám ảnh đến mãi sau này. Nhất là cánh đàn ông.

Người ta đồn về bãi Mo Lang này nhiều lắm. Toàn dị chuyện. Ghê gớm và ám ảnh. Sợ đến thế mà cứ phải sống chung như thế. Người ta bảo, chú Tư ngọng là thần, trời không sợ, đất không sợ, suốt ngày như loài cú vọ, đi đánh cá thâu đêm, đông cũng như hè, không ngán ngẩm điều gì. Ngày đông, trời lạnh đến cắt da cắt thịt nhưng chú chỉ cần làm bát nước mắm vào người là ấm đến sáng, cứ trần trùng trục lội sông đánh lưới. Ấy thế mà, chú phải tránh bãi Mo Lang ra. Nhưng rồi, ma đưa đường, quỷ dẫn lối, đêm khuya, chú lạc tới từ lúc nào chẳng hay, đến lúc ngửi thấy mùi khoai tây xào ngai ngái chú mới dựng tóc gáy và ngửng lên mới biết mình đã lạc đến đây rồi. Chú muốn bỏ đi mà chân cứ ríu lại như có người giữ. Rồi chú nghe thấy tiếng hát. Chú nghe rõ mồn một trong tiếng gió rít có tiếng người đàn bà hát ru con ngủ:

Con ơi, con ngủ cho ngoan, để mẹ đi cấy… ớ.. ơ đồng sâu lâu về/ bắt được con chuối con trê, cầm cổ lôi về cho cái ngủ ăn. Tiếng hát trong và nặng, tiếng hát như cào cấu vào gió, bấu víu để vực dậy nỗi đau. Gắng gượng mà bất lực. Nghe đến đây người ta vỗ đùi và nói, thế thì đúng rồi. Đó là người đàn bà có đứa con nhỏ năm đó. Họ bảo, ngày ấy, thị ở đâu lưu lạc tới làng mưu sinh cùng với một đứa con rất kháu, từ khi có thị, trong làng đâm ra đổ đốn, sinh ra chán ghét vợ con, thế nên các bà quản các ông thật chặt, không cho đi đâu buổi tối, không cho thị làm ăn. Đến cả mò tôm bắt tép cũng không cho. Người ta truyền tai nhau, chỉ cần đói là thị phải bỏ đi, thế là yên làng. Nhưng rồi, một ngày, con thị chết yểu. Thị khóc như muốn xé tan cả cái làng này ra. Thị coi cả làng như kẻ thù. Thị cầm cứt ném vào từng nhà. Rồi thị địu đứa con chết trước ngực và đi lung tung đến hết ngày không phải dọa mà là ai oán làng. Rồi thị biến mất chẳng ai biết là đi đâu. Hóa ra là thị đã ôm đứa con mà tự tử ở bãi Mo Lang từ khi nào.

Chú Tư ngọng kể tiếp, chú điên tiết cũng là để trấn an mình, chú lầm bầm, con trê cái con củ c… thế là tiếng hát lại cất lên con ơi con ngủ cho ngoan, để mẹ đi bắt con củ c. về cho con ăn. Câu hát làm chú Tư ngọng hồn vía lên mây, ba chân bốn cẳng, bỏ cả đồ nghề chạy về nhà. Từ đó trở đi, đêm nào chú cũng bị bóng đè, đêm nào chú cũng mê sảng, la hét ầm ĩ. Vợ chú bảo thế. Có đêm phải trói chân tay vào thành giường mới ngủ yên. Rồi chú ấy cũng bỏ luôn nghề đi đêm. Thẫn thờ, ngây ngô.

Còn tôi, như bao nhiêu lần khác, mong mình biến khỏi mặt đất này để không còn là gánh nặng của mẹ. Trẫm mình xuống dòng sông là cách làm quá cũ. Có lẽ để ma đem sẽ tốt hơn.

Người đàn bà đến bên, đứng rất lâu trong bụi ruối. Tôi chắc chắn như vậy. Tôi nhìn rõ mồn một. Có vẻ lần này, người đàn bà ấy buồn nhiều hơn mọi khi. Mái tóc bà buông dài và cứ lặng thinh một chỗ. Khi tôi cố căng mắt nhìn ra thì người đàn bà lại lặng lẽ bỏ đi mà không ngoái đầu lại. Có vẻ như, người đàn bà muốn từ biệt, có vẻ như hy vọng nơi đây đã cạn, có vẻ như, tôi là điều duy nhất để bà quyến luyến nơi này.

Trong nỗi cô đơn này, nỗi nhớ cứ dâng đầy trong lòng. Biết làm sao cho vơi bớt bây giờ.

6. Tôi như con thạch sùng chới với giữa dòng nước xiết. Không có ai đủ kiên nhẫn để nghe những tiếng thở than này. May mắn thay, cuộc đời này vẫn còn có Chu để tôi biết tôi tồn tại, tôi bấu víu.

Mẹ trở về. Mệt mỏi và tiều tụy sau một đêm thức trắng. Mẹ đứng giữa sân nhìn về phía căn buồng vốn là đã quen thuộc bao nhiêu năm. Trên khuôn mặt buồn của mẹ, trong phút chốc, tôi thấy nét buồn của người đàn bà trên khuôn mặt mẹ.

Người đàn bà, vợ mới của bố tôi mang hình hài của thành thị, nũng nịu đứng ở cửa buồng, nghiêng đầu tựa vào vai bố, nơi mẹ với bố vẫn nằm với nhau mười mấy năm nay, vẻ kiêu căng có phần hỗn láo, nhìn mẹ như thách thức. Thị trắng và đẹp. Mẹ tôi cũng đẹp chỉ là hơi đen bởi lam lũ nắng mưa. Tóc thị đen và dài. Mẹ tôi cũng dài nhưng đặc mùi bồ hóng, bởi tối ngày lo chuyện mưu sinh. Mình thị thơm và quyến rũ. Mẹ tôi cũng quyến rũ nhưng chưa bao giờ biết đến bánh xà phòng tắm.

Nếu như không tính vết chàm trên mặt, nếu như bỏ qua cái vía mà người ta đã vấy cho mẹ, người đàn bà đen đủi, chỉ mang lại vận đen cho người khác, nếu như có thêm một chút trân trọng của cuộc đời, có lẽ mẹ tôi cũng chẳng thua kém gì ai. Mẹ có sự tảo tần của một người phụ nữ, có lòng biết ơn với những người cưu mang. Có trách nhiệm và có thể gồng gánh cả cuộc đời này.

Mẹ đứng nhìn như cái xác mất hồn. Bà nội bưng mâm cơm nóng hổi từ bếp đi lên, đánh tiếng bằng một cái hắng giọng như có sinh khí mới trong nhà. Mẹ tôi giật mình quay đi, lại lầm lũi bên những đống bát đĩa, đống thức ăn thừa và đống rác chất đầy cổng. Người đàn bà mới còn mải làm duyên để khẳng định chỗ đứng. Còn bà thì cố nén cơn giận đang dâng lên đôi mắt khi đưa mắt nhìn mẹ tôi. Có lẽ không ai biết rằng, tôi đã đi hết đêm qua. Có lẽ, điều ấy cũng không còn quan trọng nữa.

Nếu không nghĩ về Chu, ở hoàn cảnh này cầm mảnh sành, đâm một nhát vào bụng, nhìn máu túa ra có lẽ còn dễ chịu hơn nhiều.

Mẹ bê chồng bát đũa, để xuống rồi nhẹ nhàng viện cớ cho tôi ăn trước chứ quyết không ngồi cùng mâm. Bố không đáp trả câu trả lời ấy mà lại nguýt một cái thật dài.

“Hay mẹ cho con lên thành phố rồi cho con đi cùng”. Mẹ chỉ nhìn mà chẳng nói thêm câu gì. Sự im lặng dẫn lối về hướng ngõ cụt, loanh quanh, không có lối thoát. Tôi tự hỏi, khoảng bấy nhiêu năm cuộc đời, mẹ dành được mấy phút để sống cho riêng mình. Tất cả đau thương trên đời này, mẹ ém cả trong lòng, chịu một mình, vượt qua một mình.

Thay vì ngủ ngoan trên chiếc giường đã cũ, mẹ bước đi trong những đêm mịt mùng. Ngủ bờ ngủ bụi, khóc giấu, khóc giếm, để rồi, cứ thấy bóng người lại vùng căng bỏ chạy như một kẻ cắp giữa đêm. Thời gian cứ trôi chảy, hiếm khi tôi nhìn thấy, khuôn mặt mẹ vượt qua được cái cạp nón cũ mòn.

7. Tôi không muốn giống mẹ, sống cuộc đời cho một ai khác. Tôi muốn một mình là mình, vùng vẫy, ngang tàng.

Những đêm không có mẹ thật là dài. Thanh âm của đêm từ bao giờ với tôi thật là khủng khiếp. Phía buồng bên trái kia, là tiếng ngáy của bà. Phía buồng bên này, ánh sáng trong phòng bố vẫn hắt ra. Từng di chuyển, từng tiếng động, từng hơi thở, đến tiếng rên rỉ, như đang diễn ra ngay đầu giường. Dẫu tôi có cố bịt tai để ngủ nhưng rồi những va chạm ấy khiến tôi không thể sâu giấc. Có ai đó đến đem tôi đi khỏi nơi này, lời khẩn cầu như chẳng có hồi âm. Một đứa con gái, dùng hết sự cảm thông và bao dung nhưng vẫn không thể chịu nổi huống hồ là mẹ. Từng thanh âm va đập, từng hơi thở như những nhát dao cùn, cắt cứa, nhay cà lòng người. Nhưng nhức, đau đau và dai dẳng. Giá thử, được đập đầu vào tường để kết thúc tất cả.

Ý nghĩ vùi mình ở dòng sông nào đó, hay thắt ngẵng cổ mình trên xà nhà, hoặc không, chỉ cần một mảnh bát vỡ cứa một cái thật mạnh vào cổ tay, cứ thế để máu chảy ra khiến tôi dễ chịu đi phần nào. Tôi đã có vài lần làm điều ấy. Làm thế dễ hơn rất nhiều nhìn thấy khuôn mặt tuyệt vọng đến cùng cực của mẹ. Gánh nặng của mẹ không vơi bớt mà còn nặng nề hơn. Nỗi sợ tôi nhân lên trong lòng bà gấp bội. Và từ đó, tôi đã chẳng dám làm như thế.

Giờ lại có thêm Chu. Bao nhêu năm một phận khố rách áo ôm. Người ta muốn lấy Chu rồi lại chê Chu nhà nghèo. Vò võ bao nhiêu năm với quá khứ bốn lần lấy vợ rồi bị hủy hôn. Người ta bỏ Chu đi một cách không thương tiếc, như là nhân tình, nhân ngãi chưa bao giờ tồn tại. Con người ta cũng lạ, bỏ đi điều mình yêu thương mà dễ hơn ăn một miếng bánh bông lan. Người ta bỏ đi một người mà dễ như thế, còn tôi cứ như còn nhền nhện, giăng buông cho chính mình một mớ vò tơ.

Tôi nằm trên chiếc giường một mét rưỡi nhìn trân trân vào nén nhang cháy dở trên ban thờ. Đó là điểm sáng duy nhất trong căn phòng, điểm bấu víu như là duy nhất để tôi giết thời gian chờ đêm hết. Tôi nằm duỗi mình như cái xác chết trôi chờ cho mặt trời tắt. Không có ai, không có một bóng người muốn hỏi.

Tôi biết tôi vô dụng trong cuộc đời này. Nhưng tôi không thể ưa nổi cách họ đối xử với tôi. Bố dắt người đàn bà đi ăn sáng trên thị xã. Bà nghía nghía tưởng tôi vẫn ngủ. Thật bực mình khi ai cũng nghĩ chỉ cần tôi không chết.

8. Chu đã đến, thay quần áo cho tôi trong một cơn co giật. Nhưng Chu không biết, mãi mãi không biết đó là một phép thử, là cái bẫy tôi đặt ra để chắc chắn rằng trong lòng Chu thực sự có tôi. Chu nhẹ nhàng cởi từng chiếc áo, quần trên cơ thể tôi nhẹ nhàng nhưng vụng về. Chu né tránh từng va chạm của ngón tay lên da thịt tôi nhưng không biết rằng, tôi rất thích. Chu né tránh mọi ánh nhìn về phía tôi nhưng không biết rằng tôi đang khiêu khích và ép Chu phải nhìn. Chu đang sợ ảnh hưởng đến cái gọi là trinh tiết của tôi nhưng Chu không biết rằng, tôi chẳng sợ một chút nào. Chu bảo, để Chu lo liệu, chờ cưới hỏi tôi về đàng hoàng.

Nếu như cứ mãi nhún nhường, con người sẽ trở thành nhu nhược.

Chỉ nghĩ về người đàn bà và bố, chỉ nghĩ về ký ức của họ trong căn nhà đã đủ làm tôi sôi máu. Chỉ nghĩ đến cái giọng chanh chua của mụ và ánh mắt lãnh đạm của bố dành cho mẹ đã khiến tôi nung nấu một ý nghĩ gì đó trả thù. Ví như đã vài lần tôi bôi ớt vào chiếc áo ngực, dùng kéo cắt đôi đống quần lót của mụ. Ví như tôi đã cho một chút cát vào bát nước mắm trong mâm cơm.

Người đàn bà của bố có vẻ không hợp với nơi này. Mọi sinh hoạt với mụ đều tỏ ra khó khăn. Và mẹ tôi như thêm một cuộc đày ải mới.

Người đàn bà ấy đến kỳ nghén ngẩm. Mụ muốn ăn tôm, mẹ phải lên chợ huyện mua cho kỳ được giữa trưa, trời nắng như đổ lửa.

Mụ bảo nhìn mẹ hôi, mẹ bẩn, mẹ cũng phải tránh đi. Hình như, cái sự nghèo nàn ở nơi này va đập vào người ta suy nghĩ con người nơi đây chỉ đáng là nô lệ mà thôi.

Vụ mùa năm đó nắng đỏ chang chang, mẹ vẫn ở ngoài đồng. Đến giấc ngủ, mẹ cũng ngồi tạm bên gốc ruối cho qua ngày. Đến bữa cơm mẹ chỉ mang theo một nắm cùng chút vừng rắc lên, để quá trưa ăn tranh thủ rồi lại khom mình đi cấy. Bữa no, bữa đói, bữa nát, bữa thiu mãi cũng thành quen.

Hình dáng của mụ và sự khổ ải của mẹ lại càng khiêu khích tôi. Chậu nước thuốc để mụ ngâm chân, tôi đã quăng thêm bọng nước đái tích từ đêm qua.

Cứ nghĩ khó khăn mãi rồi mụ cũng phải bỏ đi. Thế nhưng người đàn bà của bố vẫn đâu có chịu tha. Trong một cơn bực dọc, bà đã hất cả thau nước rửa chân vào mặt tôi đúng lúc mẹ đi về, bà từ trong bếp đi lên.

Cả hai ùa tới như gà mái mẹ thấy đại bàng tấn công đàn gà con. Bà chỉ kịp nói một câu “Sao lại đổ thau nước vào mặt nó”, mẹ đã kịp lao tới, giằng thau nước ném thẳng vào mặt mụ.

Một cuộc ẩu đả đã xảy ra. Tất nhiên là mẹ thắng. Cái dáng hình lẻo khẻo, quanh năm không lao động cộng thêm đang nghén ngẩm trong người, chỉ một cái giằng tay của mẹ, mụ đã lăn ra đất.

Vừa lúc ấy bố ở đâu về, chưa kịp hiểu ngược xuôi, bố lao tới đánh mẹ tới tấp. Tất nhiên, mẹ chẳng thể thua. Mẹ vẫn cầm cái thau trên tay, đập thật mạnh vào mặt bố. Rồi quắc mắt nhìn như một lời thách thức và cũng để bố hiểu rằng, quyền làm chồng của ông đã hết.

Cả rúm ró ngồi bệt dưới sàn nhà bất lực.

Mẹ ném cái thau méo ra giữa sân rồi đi lấy quần áo để thay.

Đúng lúc ấy người đàn bà của bố kêu đau bụng. Mụ có dấu hiệu đẻ non.

Sự việc xảy ra ngay sau trận cãi vã, mẹ tôi lại vướng một tội danh.

Láng giềng đổ xô đưa đi cấp cứu, cũng may, đứa trẻ còn cứu được. Là một bé trai.

Mẹ tôi lại thêm lầm lũi.

“Hay là mày lên thành phố mà đổi đời con ạ, ở thế này, chúng nó cứ đầy đọa mày mẹ không đành. Thôi thì con mẹ nó ngu, mẹ có lỗi với mày”.

“Cuộc đời con là mẹ cưu mang về. Thế gian này, chỉ có mình mẹ chấp nhận con. Giờ mẹ cũng đã lớn tuổi, còn con Hiên đấy, con đi làm sao đành. Khi nào không chịu được nữa, con sẽ tự ra đi ạ”.

“Vuông tròn gì rồi cũng đâu vào đấy hết. Chứ mày cứ ở mãi thế này, đến chết vì uất ức thôi, đàn bà con gái có thì, phải có hạnh phúc riêng con ạ. Đành rằng cái thằng nó cục cằn mình phải chịu, lại thêm con nặc nô kia, sống làm sao được”.

“Mẹ đừng nói thêm gì mẹ ạ. Con sẽ đi khi cần thiết. Còn bây giờ...”.

Lời nói của bà thều thào, run run, trong bóng tối, dưới gốc bưởi bên hiên nhà, tôi vô tình nghe được sau giấc ngủ giả vờ.

Mẹ nói là như vậy nhưng thực tế cứ muốn đẩy mẹ đi.

Người đàn bà của bố không khiến mẹ làm bất kỳ điều gì. Cả hai không cho mẹ đến gần đứa trẻ.

Cảm giác tội lỗi cứ dâng đầy.

Nhiều ngày trời, mẹ ngồi bó gối, nhìn tôi như những ngày trước. Mẹ vẫn nghĩ điều gì nung lắm mà khó nói.

9. Cuối cùng Chu cũng muốn làm đám cưới với tôi. Chu bảo, chờ tôi thu xếp xong việc nhà sẽ đích thân sang xin cưới. Chu bảo, nhất định đám cưới của hai đứa sẽ đặc biệt nhất làng. Nhất định, Chu sẽ lo cho tôi đến cuối cuộc đời.

Tôi đã nói điều ấy riêng với mẹ khi trong bụng đang mừng thầm. Mẹ lại nghĩ điều gì đó sâu lắm, rồi nhoẻn miệng cười.

Mẹ dành nhiều đêm liền để chuẩn bị của hồi môn cho tôi.

“Sau hôm nay, con phải nhớ, vào ngày 17 tháng Ba âm lịch thì thắp một nén nhang cho mẹ của con biết không? Đó mới là mẹ thực của con”.

Mẹ đã nói thế với tôi trong cơn ngái ngủ.

“Là sao? Mẹ nói kỹ hơn xem nào!”

“Thực ra, ở bãi Mo Lang chẳng có con ma nào hết. Đó là nơi mẹ con bỏ mạng. Con ma ở bãi Mo Lang là mẹ dựng lên để che mắt thiên hạ, để mẹ con được mồ yên mả đẹp chứ chẳng có ma mãnh nào cả. Ngày đó, định kiến trong lòng người làng như loại dịch bệnh. Nếu họ biết, mẹ con bỏ mạng ở đó, thì có lẽ, dù có chôn xuống, họ cũng đào lên để trục ra khỏi làng. Thực ra, đứa trẻ trong câu chuyện ngày đó là con sống, là con đấy. Thực ra, chính mẹ con cũng không biết rằng con còn sống nên mới hóa điên, mới tự tử. Khi con được bà phát hiện thì kiến đã cắn mất đôi chân là vì thế”.

Mẹ buông tiếng thở dài, còn lòng tôi nặng trĩu.

“Qua đêm nay, con sẽ trở thành vợ của thằng Chu, coi như yên bề gia thất, cũng coi như đã trưởng thành. Mẹ nghĩ đã đến lúc con cần được biết về quá khứ của chính mình”.

Làm sao tôi đoán được rằng, trút trả tôi một quá khứ đau lòng, về người bố phụ bạc với hai người mẹ của mình rồi để mẹ ra đi. Mẹ đã quyết định đi thật. Đi ngay trong đêm ấy.

Nhưng thật không ngờ, đó cũng là đêm, người đàn bà của bố cũng bỏ đi. Mụ bỏ lại thằng con trai không một lời nhắn nhủ.

Bố đã phải bắt xe lên vùng biên một lần để tìm tung tích nhưng không thấy. Nghe đâu, mụ đã theo đoàn người vượt biên xuất khẩu lao động chui rồi.

Bố trở về trong thất vọng, chán chường, phờ phạc.

Hoa nhãn năm nay sai trĩu cành, dự báo mùa mưa sẽ rất dữ dằn cho xem.

Mùa vụ năm ấy, mẹ phải ra đồng gặt lúa non cho kịp mùa mưa bão. Thóc chất đầy nhà nhưng không có chỗ phơi.

Mưa lũ năm ấy, gia đình tôi còn có thêm Chu.

Người đàn bà trong bóng tối có điều gì đó vui vui. Bà đến bên vuốt tóc cho tôi, nhẹ nhàng thôi nhưng đủ để biết có niềm hạnh phúc vương trên đó. Người đàn bà đến như trút được nỗi lo. Bà đến như để tiễn biệt. Nhiều ngày sau, bóng dáng người đàn bà đã không còn đứng bên ngọn ruối hay vất vưởng bất kỳ góc nào trong căn nhà cũ kỹ của tôi nữa.

C.L  
(TCSH387/05-2021)



 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng