Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.6-21)
Dấu son của Đất nước từ những ngày đầu
15:09 | 18/05/2021

TRẦN NGUYÊN HÀO  

Năm 1946, lần đầu tiên toàn thể người dân Việt Nam được hưởng và thực thi quyền làm chủ, tự do lựa chọn bầu ra những người đại diện xứng đáng gánh vác công việc chung của đất nước; cùng với đó là những tư tưởng về dân chủ, pháp quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại bài học giá trị cho mai sau.

Dấu son của Đất nước từ những ngày đầu
Báo Quốc hội đưa tin về Tổng tuyển cử năm 1946. Ảnh Tư liệu

1. Quyết tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc thực hiện Tổng tuyển cử, bảo vệ nền độc lập, xây dựng Nhà nước hợp pháp, hợp hiến của chế độ mới

Trong Tuyên ngôn độc lập, ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định địa vị hợp pháp của nước Việt Nam Dân  chủ  Cộng  hòa.  Tuy  nhiên,  chỉ với sự ra mắt của Chính phủ lâm  thời,  Chủ  tịch  Hồ  Chí  Minh  hiểu  rõ  cần  phải  có  một  nhà  nước  hoàn  toàn  hợp  pháp,  hợp  hiến  được xây dựng trên cơ sở một bản hiến pháp dân  chủ  và  được  nhân  dân  bầu  ra  mới  có  vị  thế  và  sức mạnh để thực hiện được nhiệm vụ quan trọng  hàng đầu là bảo vệ nền độc lập tự do và thành quả  cách mạng; đồng thời thực hiện quyền dân chủ và  đưa  lại  những  lợi  ích  thiết  thực  cho  nhân  dân.  Vì  vậy, ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của  Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát  biểu:  “đề  nghị  Chính  phủ  tổ  chức  càng  sớm  càng  hay  cuộc  TỔNG  TUYỂN  CỬ  với  chế  độ  phổ  thông  đầu  phiếu.  Tất  cả  công  dân  trai  gái  18  tuổi  đều  có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu  nghèo, tôn giáo, dòng giống”(1). Sắc lệnh số 14/SL  về  việc  tổ  chức  Tổng  tuyển  cử  để  bầu  Quốc  dân  Đại hội (Quốc hội) ký ngày 8/9/1945 đã thể hiện  rõ  thêm  quyết  tâm  của Chủ  tịch Hồ  Chí  Minh  về  việc thực hiện gấp rút việc tổng tuyển cử để bảo  vệ nền độc lập, khi nêu rõ: “Xét trong tình thế hiện  giờ sự triệu tập quốc dân đại hội không những có  thể thực hiện được mà lại rất cần thiết để cho toàn  dân tham gia vào công cuộc củng cố nền độc lập  và chống ngoại xâm”.

Để đưa nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới ra  đời còn non trẻ thoát khỏi tình thế “ngàn cân treo  sợi  tóc”  do  thù  trong  giặc  ngoài,  “giặc  đói”,  “giặc  dốt, nền tài chính đất nước kiệt quệ, các hủ tục mê  tín, lạc hậu, các tệ nạn xã hội..., cùng với sự kiên  quyết  vạch  trần  và  chống  lại  các  hành  động  phá  hoại của các thế lực thù địch, Chủ tịch Hồ Chí Minh  và Đảng, Chính phủ lâm thời đã thực hiện sách lược  hòa hoãn, nhân nhượng sáng suốt, mềm dẻo, linh  hoạt trong đối ngoại để tạo điều kiện chuẩn bị cho  Tổng tuyển cử. Người đã khẳng định: “Tổng tuyển  cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn  những người có tài, có đức, để gánh vác công việc  nước nhà… Do Tổng tuyển cử mà bầu ra Quốc hội.  Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là  Chính  phủ  của  toàn  dân.  Vậy  nên  khẩu  hiệu  cuộc  Tổng tuyển cử thứ nhất của nước Việt Nam ta phải  là: Kháng chiến đến cùng để hoàn toàn độc lập!”(2).  Trong tư duy chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh,  tổ  chức  càng  sớm  càng  tốt  Tổng  tuyển  cử  với  chế  độ phổ thông đầu phiếu để lập nên Quốc hội, từ đó  lập ra Chính phủ và các cơ quan nhà nước hợp hiến,  thể  hiện  quyền  lực  tối  cao  của  nhân  dân  thì  nước  ta mới có cơ sở pháp lý vững chắc để làm việc với  quân Đồng Minh, mới có quan hệ quốc tế bình đẳng,  mới thiết lập được một cơ chế quyền lực hợp pháp  theo đúng thông lệ của một Nhà nước pháp quyền  hiện đại. Từ đó mới có nền tảng vững chắc để bảo  vệ vững chắc nền độc lập và xây dựng, phát triển  chế độ dân chủ mới.

2. Các sắc lệnh về bầu cử do Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành đã tạo hành lang pháp lý cho thành công của Tổng tuyển cử

Ngày 08/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 14-SL quy định sẽ mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội. Sắc lệnh ghi rõ: Chiểu theo Nghị quyết của Quốc dân Đại hội ngày 16 - 17/8/1945 tại khu giải phóng, ấn định rằng nước Việt Nam sẽ theo chính thể dân chủ cộng hòa và Chính phủ nhân dân toàn quốc sẽ do một Quốc dân Đại hội bầu theo lối phổ thông đầu phiếu cử lên. Sắc lệnh đã khẳng định yêu cầu bức thiết của Tổng tuyển cử, đồng thời khẳng định chúng ta có đủ cơ sở pháp lý, điều kiện khách quan và chủ quan để tiến hành cuộc Tổng tuyển cử đó.

Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được Quốc hội khóa I, kỳ họp thứ hai (28/10-9/11/1946) bầu ra. (Nguồn Tư liệu TTXVN)


Tiếp đó, ngày 26/9/1945, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành các sắc lệnh: Sắc lệnh số 39-SL về thành lập Ủy ban dự thảo thể lệ cuộc Tổng tuyển cử; Sắc lệnh số 51-SL ngày 17/10/1945 quy định “Thể lệ cuộc Tổng tuyển cử phải thực hiện theo lối phổ thông đầu phiếu, bầu cử trực tiếp và bỏ phiếu kín”(3); Sắc lệnh số 71-SL và Sắc lệnh số 72-SL để bổ khuyết Sắc lệnh số 51-SL về thủ tục ứng cử và bổ sung số đại biểu bầu cho một số tỉnh. Trong các văn bản trên, các quy định cơ bản về nguyên tắc bầu cử đã được thể hiện rất rõ. Cụ thể là: Nguyên tắc bầu cử phổ thông đầu phiếu: Điều 1 Sắc lệnh số 71-SL quy định: “Tất cả công dân Việt Nam, cả trai và gái, từ 18 tuổi trở lên, đều có quyền bầu cử và ứng cử, trừ những người đã bị tước mất công quyền và những người trí óc không bình thường”. Nguyên tắc này cũng quy định rõ việc bầu cử đối với người nước ngoài mang quốc tịch Việt Nam; quyền bình đẳng nam, nữ trong bầu cử, ứng cử và địa bàn bầu cử theo phương thức: mỗi người chỉ được bầu cử, ứng cử ở một nơi nhất định.

Điều 31 Sắc lệnh số 51-SL (phần “Thể lệ Tổng tuyển cử”) đã nêu rõ nguyên tắc bầu cử trực tiếp: khi bầu cử, “mỗi cử tri phải thân hành đi bầu, không được ủy quyền và cũng không được bầu bằng cách gửi thư”, nhằm chống gian lận và lợi dụng kẽ hở để chống phá của các thế lực phản động, thù địch. Để động viên nhân dân trực tiếp đi bầu cử, trong “Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu” (ngày 05/01/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Ngày mai, dân ta tỏ rõ cho các chiến sĩ ở miền Nam rằng: về mặt quân sự thì các chiến sĩ dùng súng đạn mà chống quân thù. Về mặt chính trị, thì nhân dân dùng lá phiếu để chống quân địch. Một lá phiếu cũng có sức lực như một viên đạn”.(4)

Nguyên tắc bỏ phiếu kín cũng được thể hiện tại các Điều 36 và 38 của Sắc lệnh số 51-SL, nhằm bảo đảm bí mật, an toàn và sự tự do cá nhân trong bầu cử của các cử tri. Trong đó, đối với những người không biết chữ, Sắc lệnh 51-SL chỉ rõ: Ban phụ trách ở các điểm bầu cử phải lập tổ ba người để giúp cử tri thực hiện quyền bầu cử theo quy trình: một người viết giúp, hai người kiểm tra. Sau đó, tổ này phải tuyên thệ trước cử tri đó rằng, đã viết đúng theo ý nguyện của họ và sẽ tuyệt đối giữ bí mật về điều đó (Điều 36 - 38 Sắc lệnh số 51-SL).

3. Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp vận động nhân dân thực hiện quyền bầu cử một cách tích cực, hiệu quả

Cùng với việc tạo hành lang pháp lý cho việc tổ chức Tổng tuyển cử và chỉ đạo Tổng tuyển cử thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện Tổng tuyển cử. Ngày 31/12/1945, trên bài báo đăng trên báo Cứu quốc số 130, Người kêu gọi: Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nhà nước. Trong cuộc tổng tuyển cử, hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử, hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Một ngày trước khi Tổng tuyển cử diễn ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi toàn thể đồng bào quốc dân đi bỏ phiếu với lời lẽ giản dị, xúc động: “Ngày mai mồng 6 tháng Giêng năm 1946. Ngày mai là một ngày sẽ đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ. Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình (…). Ngày mai, tất cả các bạn cử tri, đều phải nhớ đi bầu cử. Ngày mai, mỗi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do”(5). Lời kêu gọi trên của Người rất tự nhiên đã lay động con tim của quốc dân, đồng bào, khích lệ, động viên mỗi người đi thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân với sự vui vẻ, hứng khởi cao. Và trong ngày 06/01/1946, đã có trên 90% người dân đi bầu của Quốc hội.

Trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946, với tư cách là ứng cử viên có uy tín cao tại thời điểm bầu cử; với uy tín rất cao tại thời điểm bầu cử nhưng khi 118 vị chủ tịch UBND và tất cả các đại biểu làng xã tại Hà Nội đề nghị Bác “miễn phải ứng cử” và suy tôn Người làm Chủ tịch vĩnh viễn nhưng Bác đã từ chối. Đáp lại nguyện vọng trên, Người đã gửi thư trả lời đồng bào như sau: “Tôi rất cảm động được đồng bào quá yêu mà đề nghị: tôi không phải ra ứng cử, đồng bào các nơi khắc cử tôi vào Quốc hội. Nhưng tôi là một công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nên tôi không thể vượt qua khỏi thể lệ của Cuộc Tổng tuyển cử đã định”.(6)

Bảy mươi lăm năm đã trôi qua nhưng những tư tưởng về chế độ bầu cử dân chủ nói riêng, về xây dựng một nhà nước pháp quyền dân chủ nói chung thể hiện qua các sắc lệnh do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành và qua các bài viết, bài nói của Người đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

T.N.H
(SHSDB41/06-2021)

----------------------------------
(1), (2), (5), (6) Hồ Chí Minh Toàn tập, NXB CTQG-ST, H.2011, t4, tr.7,  tr.153, tr.166-167, tr.71
(3) Trung tâm Lưu trữ quốc gia III. Phông Phủ Thủ tướng. Hồ sơ  01, tờ 51.
(4) Bác Hồ và Quốc hội khóa I. http://daidoanket.vn   




 

 

Các bài mới